Nữu Nữu chưa nghe bà ngoại kể đến “tình tiết đả đảo nữ phụ” trong câu chuyện của bà.
Không lâu sau Tết, ông ngoại được xe cứu thương đưa vào bệnh viện.
Trúng gió tái phát……
Vốn ông ngoại đã bị liệt nửa người, sau khi bệnh tình tái phát trở nặng, cả người ông ngoại chỉ có mỗi ngón chân và ngón tay và còn động đậy được đôi chút. Ông không thể nói nhiều lắm, mà cũng không nuốt trôi được mấy.
Nữu Nữu vẫn luôn nhớ thương ông bà ngoại trong lòng.
Đợt trước, khi ông ngoại bất ngờ bị trúng gió, không chạy chữa kịp thời, ngoài mặt bà ngoại không nói gì, nhưng trong lòng, bà thầm trách cứ bản thân. Sau đấy, bà ở cạnh bên ông, chăm sóc ông không rời dù chỉ một tấc.
Hôm gọi điện kêu xe cấp cứu ấy.
Ngoài trời đổ cơn tuyết lớn, tuyết bay tán loạn, mặt đất khắp nơi đều bị phủ một tầng trắng xóa.
Bà ngoại khoác một chiếc áo đơn, chạy ra đầu ngõ.
Nhìn con đường trống rỗng, đủ rộng cho xe vào kia, bà cứ lẩm bẩm mãi: “Sao còn chưa tới vậy?”
Nữu Nữu chạy theo sau bà ngoại ra khỏi cổng.
Con gió căm căm khiến Nữu Nữu thấy lạnh buốt, con bé ngẩng đầu lên, nhìn gương mặt nghiêng nghiêng của bà ngoại giữa trời băng tuyết.
Đây là lần đầu tiên Nữu Nữu thấy bà ngoại chảy nước mắt.
Hoa tuyết rơi lất phất, phủ bạc thêm mái đầu của bà. Bà đứng lặng ở đầu ngõ, vẻ mặt mê mụ thẫn thờ, như một đứa trẻ bị lạc đường.
“Bà ngoại……” Nữu Nữu nhẹ nhàng gọi bà một tiếng, nắm lấy tay bà.
Lạnh quá.
Tay của bà ngoại khiến người ta cảm thấy vô cùng lạnh lẽo, Nữu Nữu giật ngón tay lại theo bản năng.
Bà ngoại để ý thấy con bé.
Bà nhìn về phía con bé, ôm lấy bả vai nhỏ gầy của Nữu Nữu cách lớp áo khoác dày cộm của nó.
Thế là Nữu Nữu và bà ngoại cùng nhìn khoảng đất trời rợp tuyết kia, chờ đợi xe cứu thương xuất hiện.
Sau khi ông ngoại nhập viện, sợ Nữu Nữu thêm phiền, cha mẹ con bé không đưa nó tới bệnh viện thăm ông.
Cho nên ngày nào Nữu Nữu cũng hỏi bố mẹ con bé một lần: “Ông ngoại đã khá hơn chưa ạ?”
“Khá hơn chút rồi,” họ vỗ về cái đầu nhỏ của con bé, an ủi: “Con đừng lo lắng.”
Nữu Nữu tiếp tục hỏi: “Vậy bao giờ thì ông bà ngoại về ạ?”
Họ chìm trong im lặng.
Khi con bé hỏi càng lúc càng nhiều, họ lựa chọn trả lời con bé nghiêm túc hơn.
“Lần này ông ngoại phát bệnh, kéo theo một loạt biến chứng, bác sĩ đề nghị ông con nằm viện một thời gian để quan sát. Cho nên Nữu Nữu à, ở lại bệnh viện, là để tốt cho ông ngoại đấy.”
Nữu Nữu giật mình ngẩn ra một lát, gật gật đầu, cái hiểu cái không.
Khi con bé nhìn thấy ông ngoại lần nữa, là qua ảnh chụp mà bà ngoại gửi tới di động của mẹ nó.
Mấy tháng đã trôi qua, bà ngoại lại sửa sang tóc tai cho ông ngoại lần nữa.
Lần này bà cắt rất đẹp, cắt xong bà còn dào dạt đắc ý lấy di động ra, muốn chụp một tấm ảnh cho ông.
Chụp mấy tấm mà đều không được đẹp lắm.
Trông ông gầy quá.
“Úi chà, chủ yếu là biểu cảm chán quá đấy thôi.”
Bà ngoại xóa bớt ảnh đi, lại giơ di động lên.
“Mình bắt chước em này, phải cười nhé.”
Bà đứng ở ngoài ống kính, đối mặt với ông. Sau khi hô “Ba hai một”, bà chun mặt làm mặt xấu.
Trên bức ảnh, ông ngoại mím môi, nở nụ cười nhàn nhạt.
Bà đưa ảnh cho ông xem.
“Chụp đẹp đấy.”
Ngày đó thần trí ông tỉnh táo hơn so với mọi khi, ánh mắt ông lưu luyến nhìn màn hình di động.
Ông nói; “Anh muốn lấy tấm này làm ảnh thờ.”
Bà ngoại phản ứng rất mạnh, bà giật lấy di động, đứng lên: “Mình nói mê sảng gì thế!”
Giọng điệu của ông ngoại rất bình tĩnh, lơ lỏng bình thường, y như đang nói chuyện về thời tiết.
“Minh Trân, bệnh sẽ mỗi lúc một tệ thêm, tóm lại anh càng ngày càng già rồi.”
Hai người giúp việc mới thuê mấy hôm trước lại bị sa thải. Bà cảm thấy người khác làm việc không tử tế, nên bà luôn tự tay chăm sóc ông. Căn bệnh này của ông, ông bệnh bao nhiêu năm, bà chăm sóc ông bấy nhiêu năm.
Thứ ông thấy, là bà phải cực nhọc ngày đêm, không thể nghỉ ngơi yên ổn. Vì ông mà bà không còn được sống cuộc đời bình thường; tiền thuốc men gia đình đổ vào bệnh viện, tựa như rơi vào một cái hố đen không đáy. Đổi lại là những viên thuốc thang, những lần thăm khám, những cuộc phẫu thuật đặt lịch liên miên.
Thứ mà ông không nhìn được, nhưng có thể tưởng tượng ra được, là nỗi thống khổ lo âu sầu não đè nặng trong lòng bà, trong lòng mọi người trong gia đình.
Bà ngoại không đáp lời ông, xoay người đổi đề tài khác: “Em ra ngoài mua chút trái cây.”
Ông ngoại nhìn bà đi ra khỏi cửa phòng.
Bà bước đi quá nhanh, vậy nên đã bỏ lỡ câu thì thầm băn khoăn của ông.
“Minh Trân à, anh vẫn luôn muốn hỏi em……”
“Nếu biết trước sẽ thế này, liệu em có hối hận không?”
Khi ông không thể tự đi đại tiểu tiện, bà thay ga giường cho ông; khi bà lau mình mỗi ngày giúp ông, vuốt ve những cơ bắp quắt queo của ông; khi ông cần tắm rửa, bà vịn vai đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể ông; khi ông bị đẩy vào phòng giải phẫu, bà chờ phía sau cánh cửa; khi ông biết rõ sẽ xúc phạm tới bà, nhưng vẫn đề cập đến chữ “Chết” kia với bà…… Khương Minh Trân, nhất định em đã phát hiện ra rồi, người trước mặt em đây, đã không còn là Hà Ngọc thông minh anh tuấn ưu tú, có thể để em yên tâm dựa dẫm nữa rồi.
Hắn ta đã trở nên mẫn cảm, yếu đuối, vô dụng, biến thành một cơn ác mộng, trở thành gông xiềng em không thể cởi bỏ.
Nếu biết trước sẽ thế này, liệu có hối hận không?
Hà Ngọc hối hận rồi.
Nằm trên giường bệnh không thể nhúc nhích, nhìn chăm chú vào trần nhà trắng toát, ông dùng toàn bộ năng lực suy ngẫm và thời gian của mình, để hối hận.
Cho dù Khương Minh Trân chưa bao giờ nói, nhưng ông muốn giải thoát cho bà.
[HẾT CHƯƠNG 45]