Dung Ngữ Thư Niên

Chương 122




Edit&Beta: Gà Say Sữa

***Chỉ còn 3PN nữa thui (≧▽≦) tung bông✿✿✿

Thất nguyệt lưu hỏa,

Bát nguyệt vị ương*

*(Tháng 7 thì sao Đại Hoả hạ thấp, có nghĩa đã hết mùa hè, khí nóng đã dứt, tháng Tám chưa qua)

So với sự mát mẻ của gió thu thì tin tức đại quân khải hoàn trở về, phía Nam được bình định càng khiến cho trên dưới triều đình ở Ung Ðô càng phấn chấn hơn.

Mặt trời rực sáng trên không trung xanh thẳm, dấu vết của chiến tranh lưu lại trên tường thành Ung Đô đã sớm không còn thấy bóng dáng. Gió thổi cờ xí bay phấp phới, cờ hiệu vẽ biểu tượng nhật nguyệt đỏ chói của thiên tử cắm ở chính giữa cổng thành nơi vị trí cao nhất nhưng trải rộng xung quanh đều là cờ hiệu Giao long huyền để của Ngụy thị.

“Đến rồi.” – Chu thị đứng ở sau lưng ta chợt nói.

Ta đưa tay che bớt ánh sáng, nheo mắt nhìn về phía xa, bụi đất cuộn lên từng đợt, quả nhiên thấy bóng dáng một đội nhân mã xuất hiện ở cuối con đường. Người xung quanh đều tỏ ra hưng phấn, đợi đến khi bóng ngựa trở nên rõ ràng thì kèn trống nơi đầu thành bắt đầu tấu lên khúc nhạc khải hoàn hùng tráng.

Ngọc Oánh đứng ở bên cạnh ta, không nhịn được che mặt khóc. Các phu nhân đều rối rít chạy tới an ủi, có người còn cười nói nêu tiếp tục khóc thì phấn sẽ trôi hết, đến lúc ấy lại không dám gặp Hứa Thọ đâu. Bấy giờ Ngọc Oánh mới vội vã lau sạch nước mắt, còn lo lắng quay sang hỏi tỳ nữ trang điểm có xấu không.

“Phụ thân…” – A Mịch được A Nguyên bế bỗng nhiên xòe tay hướng về phía dưới thành vẫy vẫy,

Ta nhìn theo con bé, chỉ thấy quân sĩ dàn trận bao lấy chiếc xe năm ngựa kéo đằng sau, xe không có lọng che, Ngụy Đàm mặc triều phục ngồi ngay ngắn trên xe, xung quanh là nghi trượng trang nghiêm.

“Đúng là Đại Tư Mã, tiểu nữ quân thật thông minh.” – A Nguyên cười nói.

A Mịch đã tới tường thành rất nhiều lần, con bé không sợ cao, không sợ ồn, cũng không sợ quân sĩ.

“Phụ thân!” – A Mịch được A Nguyên khen thì rất vui vẻ, đột nhiên la lớn, A Nguyên vội vàng bịt miệng con bé lại.

Ngụy Đàm ngồi trên xe không nhúc nhích.

Khi lá cờ thêu chữ “Mạnh” và “Hứa” cùng các loại thần thú hiện rõ trước mắt, binh sĩ lập tức dàn trận hết sức chỉnh tề, giơ cao binh khí, khí thế oai phong. Đại quân dừng lại trước cổng thành, chúng tướng đều xuống ngựa. Mạnh Trung, Hứa Thọ cùng Ngụy Bình bước lên hành lễ với Ngụy Đàm, lớn giọng bẩm báo sĩ số quân sĩ trở về. Ngụy Đàm xuống xe, tự tay đỡ bọn họ đứng dậy, đưa rượu tẩy trần.

Sau khi phát hiệu lệnh nghỉ, quân sĩ hai bên liền tách ra, một chiếc xe chầm chậm xuất hiện, đến khi cách khoảng trăm bước chân thì dừng lại. Một người toàn thân vận tố y trắng toát, tay nâng ngọc tỷ, đi tới trước mặt Ngụy Đàm quỳ xuống nói – “Tội nhân Vương Mậu mang theo ngọc tỷ tới hàng, quỳ xuống thỉnh tội.”

Ngụy Đàm nhận lấy ngọc tỷ, nâng Vương Mậu lên, nói – “Vương công quy thuận triều đình, nào có tội, mau mau đứng lên.”

Vương Mậu tuy đứng dậy nhưng vẫn cúi thấp đầu, từ xa nhìn lại đúng là rất khiêm nhường.

“Vương Mậu?” – Mao thị nhỏ giọng nói – “Chẳng lẽ là Vương Mậu cát cứ Bách Việt, tự xưng Lĩnh Nam vương ấy hả?”

“Chính là ông ta.” – Chu thị gật đầu.

“Ông ta quy thuận triều đình, sao lại tới xin hàng với Đại đường huynh?” – Mao thị không hiểu hỏi.

“Đương nhiên là Đại đường huynh.” – Chu thị giễu cợt – “Cũng có phải là Thiên tử đánh bại ông ta đâu.”

Mao thị mỉm cười

Vương Mậu từng là Thứ sử Lĩnh Nam của Tiên đế, cũng giống như đại đã số chư hầu cát cứ, sau khi thiên hạ đại loạn, Vương Mậu tự lập quân đội, mượn rừng rậm cùng sơn trạch Lĩnh Nam làm ranh giới cắt đất. Sự quy hàng của ông ta có ý nghĩa rất lớn.

Giang Đông Ngô thị, Kinh Châu Lương thị cùng Lĩnh Nam Vương thị là ba gia tộc chư hầu cát cứ lớn nhất ở phía Nam, đến hôm nay người thì bị diệt, kẻ thì quy hàng. Lãnh thổ phía Nam lại một lần nữa trở về trong tay của triều đình.

Ta liếc nhìn xung quanh, Thiên tử chưa tới nhưng bách quan lại tề tựu không ít. Có người đứng trên tường thành, có người lại đứng dưới thành nhưng đều có vẻ như mới hạ triều xong, ai cũng vận triều phục trên người. Nhìn thấy cảnh tượng ngày hôm nay, trên khuôn mặt từng người đều có biểu tình khác nhau.

Triều thần của Ung Đô, trừ những người nhập sĩ sau khi dời đô thì phần lớn đều là cựu thần từ Trường An. Bọn họ xuất thân sĩ tộc, đều đã từng nhìn thấy chiến tranh, bắt đầu từ Hà Quy loạn Trường An cho đến khởi đầu của quân phiệt hỗn chiến sau này. Triều đình khi đó cực kỳ yếu ớt, đến độ một nghìn tên lưu manh cầm khí giới cũng đủ để khiến cho đám công khanh chạy nạn kinh hồn bạt vía. Sau khi tới Ung Đô, ta phát hiện ra thái độ của những người này đối với người theo nghiệp binh hết sức phức tạp. Bọn họ cần đến cường quyền để bảo vệ triều đình, ngăn đuổi tai họa nhưng lại có chút sợ hãi với việc kiến lập cơ sở của cường quyền.

Những người đi theo Ngụy thị đánh chiếm thiên hạ phần lớn đều xuất thân từ thứ tộc, từ Ngụy Giác đến Ngụy Đàm đều chỉ nhìn vào tài năng không luận xuất thân. Tướng quân không xuất thân từ sĩ tộc, chỉ dựa vào chiến công để bái tước phong hầu lại có địa vị ngang bằng với quan lại dựa vào ấm ân của gia tộc hưởng thụ quan cao lộc dày cho nên đám sĩ tộc đối với Ngụy thị vừa khinh miệt cũng vừa kính sợ. Mà Ngụy Chiêu văn nhã lịch sự, vừa vặn hòa hợp với đám sĩ tộc kia, liền lập tức trở thành cây cầu nối giữa Ngụy thị và sĩ tộc.

Ban đầu Ngụy Giác tỏ thái độ mập mờ với chuyện lập tự, bây giờ nghĩ lại cũng là vì lý do này. Ông ta chinh phạt khắp nơi, nếu như có thể dùng con trai mình để lôi kéo triều thần sĩ tộc, tạm thời ổn định hậu phương thì đó tuyệt đối là chuyện kiếm hời. Nhưng chỉ e đến chính ông ta cũng không thể ngờ rằng bản thân còn chưa kịp sắp xếp xong thì đã bệnh nặng quấn thân, do vậy mới ủ thành hậu hoạn.

Ngụy Đàm là người thực tế, chàng luôn cho rằng đám triều thần dựa vào ấm ân của gia tộc để thăng quan tiến chức kia phần lớn đều hạng dốt nát kém cỏi, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Chàng cảm thấy chỉ cần tay nắm trọng binh thì những tranh chấp miệng lưỡi trong triều chỉ là mây trôi vì vậy vẫn luôn không thèm để ý đến lời nói của đám triều thần.

Bất quá, sau lần dẹp loạn năm ngoái, Ngụy Đàm chưởng quản quân chính trong triều, suy nghĩ cũng có phần thay đổi. Đoạt được thiên hạ và trị vì thiên hạ vốn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, chàng không thể mặc kệ bách quan trong triều không quản được nữa. Từ trong triều đến trong quân, phàm là những người tham dự, trợ giúp Ngụy Chiêu gây loạn Ngụy Đàm đều giao hết cho Hữu ti trị tội theo luật. Còn những người có công bảo vệ đều được luận công ban thưởng, không xét xuất thân, mà thâm ý của việc làm này không chỉ là để thanh trừ dư thế của Ngụy Chiêu. Dựa vào lý do này, hàng loạt triều thần bị biếm chức, âm thanh phản đối Ngụy Đàm trong triều tự nhiên cũng nhỏ đi không ít.

Những dẫu sao sĩ tộc đã tồn tại nhiều đời, rễ sâu nhánh tốt, Ngụy Đàm cũng không định hoàn toàn trở mặt với bọn họ. Sau khi chưởng quản triều chính, chàng ngược lại trở nên ôn hòa với đám người này. Có một vài gia tộc danh vọng lâu đời mặc dù dính dấp vào chuyện của Ngụy Chiêu nhưng Ngụy Đàm cũng chỉ điều tra đương sự còn lại thì đều thi hành chính sách trấn an. Ân uy cùng lúc ban xuống, cho dù trong sĩ tộc có người bất mãn đi chăng nữa thì mất đi Ngụy Chiêu, bọn họ cũng khó mà gây nên được sóng gió gì.

Cùng lúc đó, Ngụy Đàm tiếp tục dốc sức thi hành cách tân, đem người của mình đề bạt, bổ sung vào những vị trí trống trong triều, mặc dù vẫn đang trong kỳ hiếu tang nhưng chàng vẫn tự mình xem xét, tuyển chọn.

Ta nhìn xuống dưới cổng thành, tuy Ngụy Đàm vẫn mặc triều phục nhưng vệ sĩ hai bên đều mặc giáp trụ, lưng hùm vai gấu, binh khí sáng loáng ẩn chứa sát khí mơ hồ, so với đám triều thần bên kia thì đúng là một trời một vực. Ta không khỏi cười thầm trong bụng, lúc trước Ngụy Đàm còn nói với ta cái gì mà đánh rắn phải đánh bảy tấc, có lẽ ở trong mắt chàng bày ra thế trận này trước mắt đám triều thần chính là muốn nắm lấy bảy tấc của họ.

Qua nửa buổi thì màn đầu hàng dưới thành cũng diễn xong, Ngụy Đàm lên xe, sau lưng là lớp lớp tướng lĩnh cùng quân sĩ. Tuy hôm nay không phải là ngày họp chợ nhưng lại có không ít dân chúng chờ đón, hàng trăm người nhộn nhịp vây ở hai bên đường chen nhau xem náo nhiệt. Khi xa giá của Ngụy Đàm vào thành, người dân hoan hô vang trời, ngựa xe tướng sĩ oai phong lẫm liệt, cờ xí tung bay, đội ngũ chỉnh tể, binh sĩ mở đường phải kết thành tường người mới ngăn nổi sự nhiệt tình của dân chúng.

“Đại Tư Mã uy vũ!” – Ta nghe thấy có người cao giọng hô lên.

“…Uy vũ!” – A Mịch ngọng nghịu học theo.

Ta cười cười, mắt thấy xa giá của Ngụy Đàm sắp sửa khuất sau đám đông cùng cờ xí rợp trời liền thôi không nhìn theo nữa.

“Công Dương công tử nói đúng giữa trưa lên đường?” – Ta hỏi A Nguyên.

A Nguyên gật đầu – “Vâng ạ.”

Ta nhìn sắc trời, cảm thấy không còn việc gì nữa liền ôm A Mịch đi xuống dưới cổng thành.

Tiết trời mát mẻ, không ít người chuẩn bị xuất hành, trước ngôi đình bên ngoài thành Đông khắp nơi đều là người đến đưa rượu tiễn biệt.

Ta nhìn qua cửa sổ xe hồi lâu mới trông thấy bóng dáng cao lớn của Công Tôn Quế. Huynh ấy một thân hành trang, bên hông dắt thanh bảo kiếm tổ truyền của họ Công Tôn, thần thái sáng láng đang trò chuyện cùng bằng hữu đến tiễn biệt. Đứng ở bên cạnh là Nhược Thiền, tuy ăn vận đơn giản nhưng vô cùng duyên dáng yêu kiều. Bọn họ đã thành hôn vào tháng Hai năm nay, phủ mới cách Ngụy phủ không xa lắm. Mấy hôm rày Nhược Thiền thường lấy thân phận Công Khanh phu nhân đến Ngụy phủ thăm ta.

Phía Nam mới ổn định, sự vụ phức tạp, khu vực Hoài Dương lại phân tranh đã lâu vì vậy hiện nay cần một người hiểu rõ tình thế đến đảm đương chức quan mục Dương Châu. Lúc Ngụy Đàm còn đang vì chuyện nhân tuyển mà do dự thì Công Dương Quế lại chủ động xin đi. Tuy huynh ấy còn trẻ nhưng từng nhiều lần tới Hoài Dương, hiểu rõ phong tục dân tình. Chức quan mục Dương Châu chính là tuần kiểm chính vụ bản địa, Công Dương Quế là người quả cảm đáng tin, đúng là nhân tuyển sáng giá nhất. Nhưng ngoài dự đoán của ta, lần này Nhược Thiền lại không hề oán hận một câu mà còn muốn đi cùng với Công Dương Quế.

“Dương Châu nhiều mỹ nhân, nếu để cho chàng đi một mình đến lúc đó lại mang về mấy ả tiểu thiếp trẻ trung mặn mà thì phải làm thế nào.” – Lúc ta hỏi thì Nhược Thiền chỉ hời hợt trả lời lại như thế.

Lời này dĩ nhiên nửa thật nửa giả nhưng hôm nay nhìn thấy tỷ ấy và Công Dương Quế đứng chung một chỗ ta lại cảm thấy lần này Nhược Thiền là thật sự muốn đi theo.

Mã phu cho xe chạy chậm lại, đợi đến khi dừng hẳn, ta ôm A Mịch bước xuống xe.

“Dì… Nhược Thiền!” – A Mịch rất thích Nhược Thiền, trông thấy tỷ ấy liền kêu lên.

Nhược Thiền nhìn thấy chúng ta liền mỉm cười.

“A Mịch cũng đến à.” – Nàng đi tới ôm lấy A Mịch.

Ta nhìn Nhược Thiền, lại nhìn sang Công Dương Quế mỉm cười nói – “May mà không tới trễ.”

Công Dương Quế cười cười – “Nhược Thiền nói muội nhất định sẽ đến nên không chịu đi sớm.”

Ta nhìn về phía Nhược Thiền, tỷ ấy còn đang trêu đùa A Mịch. Từ khi thành hôn với Công Dương Quế, lối ăn vận của tỷ ấy đã thay đổi, tuy vẫn rực rỡ nhưng hoàn toàn không còn vẻ yêu mị diêm dúa của bà chủ kỹ quán như xưa.

Những người đến tiễn biệt Công Dương Quế cũng quay sang hành lễ với ta, có triều thần, tướng quân trong triều cùng hai vị huynh trưởng của Công Dương Quế, nhưng người này ta cũng xem như biết mặt vì vậy liền lần lượt đáp lễ. Có điều vẫn chưa thấy phụ mẫu của Công Dương Quế tới. Lúc trước, bọn họ một mực khăng khăng không chịu nhận Nhược Thiền làm dâu, còn nói thẳng rằng lúc Công Dương Quế thành hôn sẽ không tới tham dự. May mà Công Dương Quế là kẻ ngỗ nghịch từ nhỏ, hai ông bà Công Dương thấy làm cách nào cũng không lay chuyển được đứa con trai này cuối cùng đành phải nhận trà của con dâu.

Trước khi cưới đã nảy sinh hiềm khích cho nên sau khi thành hôn thái độ của người nhà Công Dương đối với Nhược Thiền vẫn lạnh nhạt như cũ, từ tình hình ngày hôm nay cũng thấy rõ được phần nào. Nhưng Nhược Thiền và Công Dương Quế dường như đều không quá để tâm, nhìn hai người bọn họ còn hòa hợp hơn bất cứ đôi vợ chồng nào.

“Đại Tư Mã nhận hàng xong rồi sao?” – Công Dương Quế hỏi ta.

Ta ừ một tiếng, đang định nói thì chợt thấy trên tửu án bày một bình rượu. Ta hơi sửng sốt nói – “Quỳnh Tô?”

“Ừ.” – Công Dương Quế đáp – “Trên xe cũng còn một ít.”

Ta hiểu ra, tới Dương Châu phải đi qua Hoài Nam, nơi đó có bài vị của Nhị huynh.

“Huynh có lòng rồi.” – Ta nhẹ giọng nói, Công Dương Quế lơ đễnh cười, hất cằm về phía Nhược Thiền bên kia nói – “Là nàng ấy chuẩn bị.”

Ta gật đầu, Công Dương Quế biết rõ tình cảm ngày trước của Nhược Thiền đối với Nhị huynh. Ta không biết huynh ấy có đố kỵ hay không nhưng từ đó đến nay rất nhiều chuyện đã thay đổi.

“Nghe nói cả bài vị lẫn từ đường ở bên đó đều mới được tu sửa, là do người nào làm muội có biết không?” – Công Dương Quế lại hỏi.

Ta nghe vậy liền ngơ ngẩn trong chốc lát, trả lời – “Biết.”

Đó là Bùi Tiềm tu sửa, mặc dù ta chưa từng mở miệng hỏi nhưng ngày đó gặp huynh ấy ở Hoài Nam là ta đã hiểu. Lý do không hỏi là vì chuyện của Phó thị vĩnh viễn là thứ chướng ngại mà cả hai bọn ta không ai có thể vượt qua được. Bắt huynh ấy chứng thực, lấy được câu trả lời rồi sau đó thì sao? Khi đó huynh ấy hi vọng hai người bọn ta có thể quay về như lúc trước nhưng ta không làm được, chuyện từ đường không bằng giả bộ câm điếc.

Có điều hiện tại, những chuyện này đều đã là chuyện quá khứ, hôm nay nhớ đến chẳng qua chỉ là chút cảm khái.

Công Dương Quế nhìn ta cũng không nói tiếp nữa, nói lảng sang chuyện khác – “Ta nghe nói Quý Uyên ở Giao Đông nổi tiếng lắm, mỗi lần từ ngoài biển trở về đều có một đám nữ tử xếp hàng dài ở trên bờ chờ huynh ấy.”

Ta ngượng ngập, lời này tuy không rõ mấy phần thật giả nhưng với phong thái của Bùi Tiềm thì ta rất có lòng tin, họa thủy thì tới chỗ nào cũng vẫn là họa thủy.

“Phụ thân!” – Lúc này A Mịch đột nhiên kêu lên một tiếng, ta kinh ngạc quay đầu lại quả thật nhìn thấy Ngụy Đàm cưỡi ngựa từ cửa thành bên kia chạy tới. Chàng đã đổi sang thường bào, dừng ngựa cách đó mấy trượng.

Nhược Thiền đặt A Mịch xuống, chân con bé vừa chạm đất đã lập tức chạy về phía phụ thân mình. Ngụy Đàm cúi người đón lấy con gái, bế lên.

Ta kinh ngạc nhìn chàng, Ngụy Đàm cũng không giải thích nhiều chỉ chắp tay chào hỏi mọi người, nói với Công Dương Quế – “Đã chuẩn bị thỏa đáng chưa?”

Công Dương Quế gật đầu nói – “Mọi thứ đều chuẩn bị xong xuôi rồi.”

Ngụy Đàm nhìn hắn, lát sau đưa A Mịch cho A Nguyên, lại cầm bầu rượu ở trên tửu án rót đầy ra hai ly, một ly đưa cho Công Dương Quế.

“Đi đường cẩn thận.” – Ngụy Đàm nâng ly rượu nói.

“Đa tạ Đại Tư Mã.” – Công Dương Quế nói đa tạ, dứt lời liền ngửa đầu uống cạn.

“Lần này đi không biết đến bao giờ mới trở về.” – Ta đứng bên cạnh hỏi Nhược Thiền.

“Ngắn thì một, hai năm, dài thì ba, năm năm, không biết trước được.” – Nhược Thiền nói.

Ta đưa mắt nhìn quanh, thấp giọng hỏi – “Kỹ quán của tỷ thì sao?”

“Tạm thời cho một người trong kỹ quán thuê lại.”

Ta không hiểu – “Cho thuê?”

“Người kia vào kỹ quán nhiều năm rồi, quen thuộc công việc, có thể ứng phó được, kỹ quan giao vào tay nàng ấy sẽ không thua lỗ.” – Nhược Thiền vừa nói vừa nhìn về phía Công Dương Quế, thần sắc thản nhiên – “Ta chỉ lấy tiền thuê, qua hai năm thanh tĩnh cũng không tệ.”

Ta ngẫm nghĩ lại nói – “Tỷ không sợ nàng ta đứng chắc chân rồi sau này muốn thu lại cũng không được hay sao?”

Nhược Thiền lơ đễnh trả lời – “Thu không được thì thôi, làm lại là được, về mặt này cũng không có mấy người hơn được ta.”

Ta thức thời im miệng, tỷ ấy là Nhược Thiền, có nói thế nào cũng chiếm lý được.

“Lần sau gặp lại e là muội cũng không còn ở trong Ngụy phủ nữa.” – Nhược Thiền đột nhiên nói, chuyện này tỷ ấy đã đề cập nhiều lần, ta biết tỷ ấy muốn nói cái gì, chỉ đành cười bất đắc dĩ.

“Lần sau gặp lại hai người phải dẫn theo một đứa bé mới được.” – Ta nói

Nhược Thiền mỉm cười nhìn ta.

Từ biệt xong, Công Dương Quế và Nhược Thiền cuối cùng cũng lên xe khởi hành.

Ta đứng ở bên lề đường, nhìn Nhược Thiền thò đầu ra khỏi màn xe, vẫy tay với tỷ ấy.

Nhược Thiền mỉm cười, cứ ngoái lại mãi cho đến khi bóng dáng khuất sau đám nhân mã đi theo.

Ta không thích ly biệt, vì hai chữ này ở trong lòng ta luôn làm sống dậy những hồi ức thương cảm, nhìn bọn họ đi xa, hốc mắt ta lại đột nhiên cay cay.

Một cánh tay chợt đặt ở trên vai ta, ta quay đầu lại liền chạm phải ánh mắt ôn hòa của Ngụy Đàm.

“Trờ về thôi.” – Chàng nói.

Ta gật đầu, nhẹ nhàng cầm ngược lại tay chàng.

Thân hữu của Công Dương Quế còn chưa rời đi, Ngụy Đàm nán lại nói chuyện với bọn họ một hồi rồi mới ra lệnh cho mã phu khởi hành.

“Ngựa… Ngựa, ngựa…” – A Mịch nhìn thấy vật cưỡi của Ngụy Từ liền nhoài người ra khỏi xe.

“Đừng phiền phụ thân.” – Ta bảo con, định thả màn xe xuống không ngờ Ngụy Đàm lại cưỡi ngựa đi tới.

“Nào, lại đây.” – Chàng đưa tay ra.

A Mịch vui mừng nhoài về phía Ngụy Đàm, ta vội vàng ngăn lại, trừng mắt nhìn chàng – “Sao có thể cho A Mịch cưỡi ngựa được?”

Ngụy Đàm xem nhẹ nói – “Ta ôm con, không sao.” – Dứt lời liền đón lấy A Mich ôm ở phía trước.

Dọc đường đi, ta ngồi ở trong xe những vẫn không yên tâm nhìn chằm chằm vào hai cha con. Ngụy Đàm với A Mich lại như vô cùng thích chí, một người thì điều khiển ngựa, một người thì hoa tay múa chân, cười khanh khách.

Lúc trở về Ngụy phủ, Ngụy Đàm không vào trong mà vội vã vào triều, ta biết chuyện đại quân hồi triều nhất định còn chưa xử lý xong xuôi, chỉ dặn dò chàng chớ bỏ bữa. Ngụy Đàm đi một chuyến mất hơn nửa ngày, vì chuyện tẩy trần cho đại quân mà thiết yến ở Bích Đài, đến tối vẫn chưa thấy trở về. Ta tưởng rằng chàng sẽ về muộn, chơi đùa với A Mịch xong đang định dỗ con bé đi ngủ thì gia nhân tới bẩm báo nói Ngụy Đàm đưa khách quý trở về, mời ta tới thượng đường một chuyến.

Ta kinh ngạc, giao A Mịch cho nhũ mẫu còn mình thì chỉnh trang một phen rồi mới đi ra cửa. Còn chưa tới thượng đường thì ta đã nghe thấy tiếng trò chuyện truyền tới, đến khi bước vào bên trong liền thấy Ngụy Đàm đang ngồi ở vị trí chủ tọa còn người ngồi ở bên dưới chính là khách quý – Giả Dục.

Giả Dục là ân sư của phụ thân ta, hai tháng trước ông cuối cùng cũng từ Tái ngoại trở về Trung Nguyên. Ngụy Đàm dùng lễ của quốc sĩ đối đãi, ban cho phòng ốc, đất đai cùng nô tỳ, lại mời Giả Dục chỉ trì, một lần nữa mở lại Thái học, điều này giống như một sự cổ vũ cho sĩ nhân trong thiên hạ. Từ sau khi Trường An bị phá hủy, Thái học sa sút, Ung Đô lại không để tâm đến chuyện này. Mở lại Thái học là tâm nguyện của không ít người đáng tiếc loạn lạc phá hủy quá nghiêm trọng, cũng không có ai đủ khả năng gánh vác trách nhiệm chủ trì.

Ngụy Đàm mở lời mời, Giả Dục vui vẻ đồng ý, một lần nữa đảm nhiệm chức vụ tiến sĩ. Chàng đích thân ra lệnh cho công tượng đem điển tịch, đan thư khắc lên bia đá, dựng ở bên ngoài cửa lớn Thái học. Học vấn của Giả Dục vang danh thiên hạ, nghe nói ngày tấm bia đầu tiên được dựng lên, sĩ nhân đến quan sát lên đến hơn ngàn người.

Ngụy Đàm vô cùng kính trọng Giả Dục, tuy chính sự bận rộn nhưng vẫn thường xuyên đến phủ của ông thăm viếng, bất quá hôm nay lại là lần đầu tiên Giả Dục đến Ngụy phủ.

Giả Dục năm nay bảy mươi tuổi, tóc mai hai bên đã bạc trắng. Ta từng thầm cho rằng với tuổi tác của ông ấy, lặn lội đường xá xa xôi đến được Ung Đô thì ước chừng cũng phải chuẩn bị hậu sự nhưng không ngờ thân thể ông lại vô cùng cường tráng, bất kể là giảng bài hay tiếp khách đều chưa từng tỏ ra mệt mỏi.

“Bái kiến tiên sinh.” – Ta quy củ đi tới trước mặt Giả Dục, hành lễ với ông.

“Phu nhân.” – Giả Dục đáp lễ, giọng điệu thản nhiên, thần sắc hòa ái.

“Hôm nay, lúc thiết yến ta và tiên sinh đã trò chuyện rất vui, tiệc tan rồi mà vẫn chưa thỏa mãn cho nên mới mời tiên sinh đến phủ ngồi một lát.” – Ngụy Đàm mỉm cười nói với ta – “Không phải dạo gần đây phu nhân mới được tặng trà mới hay sao?”

“Vâng.” – Ta cũng mỉm cười, bảo A Nguyên mang trà cụ đến

Giả Dục nổi tiếng là người mê trà, nghe nói năm đó lúc ông ta chạy ra tái ngoại chỉ mang theo hai xe, một xe chở sách một xe chở trà. Lưu vong mà cũng phong nhã đến vậy cuối cùng tạo thành giai thoại trong thời loạn.

Ta tới pha trà, tay chân lại có chút ngượng ngập. Ngày trước, phụ thân vẫn luôn không chịu uống trà do ta pha, mà khẩu vị kén chọn đó của ông mười phần thì hết chín là do Giả Dục đào tạo ra. Ta nhìn dáng vẻ đạo mạo cúi đầu thưởng trà của ông ấy, đáy lòng không khỏi dâng lên chột dạ. Ngụy Đàm lại lên tiếng – “Hôm nay đã trình lên danh sách nhân tuyển tiến sĩ, người do tiên sinh tiến cử đều là tài năng rường cột cả.”

Giả Dục buông chén trà xuống nói – “Đại Tư Mã quá khen rồi, tiếc là Thái học chỉ mới lập lại, người có thể đảm nhận chức vị tiến sĩ hãy còn quá ít.”

“Ồ?” – Ngụy Đàm mỉm cười, nhận lấy chén trà từ tay ta nói – “Kỳ xét duyệt năm sau, tiên sinh có thể tự mình tấu lên.”

Giả Dục cười cười nhưng không lập tức tiếp lời.

“Trà phu nhân nấu là Triêm Vụ Thanh của Tấn Lăng?” – Ông ta nhấp một ngụm trà, nhìn về phía ta.

Ta gật đầu đáp – “Phải.”

Giả Dục ra vẻ ôn hòa nói – “Triêm Vụ Thanh không thể nấu quá lâu, nước vừa sôi là phải lập tức hạ xuống như vậy mới có thể giữ được hương vị ngon nhất.”

Lão già này quả nhiên còn kén chọn hơn cả phụ thân, ta thầm xấu hổ trong bụng, khiêm tốn thi lễ – “Hóa ra là như vậy, thiếp đã nhớ kỹ.”

Giả Dục nhìn về phía Ngụy Đàm, chậm rãi nói – Nghe nói, cả hiếu liêm* và tiến cử tú tài năm này đều do Đại Tư Mã đích thân làm?”

*(nhân tài tài đức vẹn toàn từ quận đề cử xưng là hiếu liêm)

Ngụy Đàm nói – “Đúng vậy.”

“Không biết có hiền tài nào lọt được vào mắt xanh của ngài hay không?”

Ngụy Đàm nói thẳng – “Người mà các châu quận tiến cử đều xuất thân từ sĩ tộc, kẻ vừa ý lại chẳng được bao nhiêu.”

Giả Dục vuốt râu – “Nói như vậy cho dù Đại Tư Mã có cần mẫn đến đâu thì nhân tài cũng chỉ lác đác không được mấy người.”

Ngụy Đàm nhìn Giả Dục, trong mắt lóe lên tia sáng, lập tức chắp tay vái – “Nguyện nghe cao kiến của tiên sinh.”

“Lão ngu độn, chỉ là chút kiến nghị kém cỏi mà thôi.” – Giả Dục cười lắc đầu nhưng thần sắc lại vô cùng nghiêm túc – “Thời điểm chế độ khoa cử hưng thịnh nhất là vào tiền triều. Văn Hoàng đế ra chiếu lệnh, tú tài hiếu liêm do châu quận tiến cử đều do Thiên tử đích thân sách thí*. Chế độ dùng người của bổn triều không bằng với tiền triều, truy xét nguyên do là bởi vì quyền xét khảo đều nằm trong tay châu quận, tiến cử không bằng chứng, hoàn toàn dựa vào sở thích cá nhân mà phương châm chọn người là “thượng phẩm vô hàn môn”, thứ tộc không có đất dụng võ. Hủ chế này đã ăn sâu vào xương tủy, lão cho rằng triều đình mở khoa khảo nên không luận sĩ thứ, cho dù không có người tiến cử cũng có thể tham gia, như vậy đường vào quan trường sẽ hanh thông, nhân tài ắt tụ tập.”

*(thi viết)

Ta lẳng lặng lắng nghe, lời của Giả Dục không dài nhưng câu nào câu nấy đều khiến cho đáy lòng ta rung động. Nếu như thực sự có thể chiếu theo những lời ấy mà làm thì chắc chắn sẽ lật đổ hoàn toàn chế độ cũ, còn về tốt hay xấu thì ta không cách nào bình luận.

Lại nhìn về phía Ngụy Đàm, chàng cầm chén trà trong tay, ánh nến chập chờn hắt lên khuôn mặt góc cạnh.

“Xét khảo.” – Ngụy Đàm chậm rãi nói tựa như nghiền ngẫm, chốc lát sau lại nhìn về phía Giả Dục – “Mỗ nghe nói lúc tiên đế còn tại thế, tiên sinh từng dâng tấu xin được đưa tất cả sĩ thứ trong thái học vào giảng dạy chung.”

Giả Dục cười khổ nói – “Tiên đế cũng từng có ý định cách tân nhưng lúc đó thế lực cản trở trong triều quá lớn cho nên chưa từng chuẩn tấu.”

*******

Lúc ta và Ngụy Đàm trở về viện thì A Mịch đã ngủ.

Ta rửa mặt xong liền phát hiện Ngụy Đàm mặc áo ngủ đang ngồi bên cạnh nôi của A Mịch hứng thú nhìn con bé. Ta đi tới bên cạnh nhìn, hóa ra A Mịch đã ngủ say, khóe miệng cong lên tựa như nằm mơ thấy chuyện gì vui vẻ lắm. Hai bọn ta đều không khỏi cảm thấy buồn cười, sau khi ngắm nghía con bé một hồi ta kéo kéo tay áo Ngụy Đàm. Chàng ngước mắt nhìn ta rồi lại cúi xuống dém lại chăn cho con bé, xong xuôi mới rón rén đi ra.

“Phu quân nghỉ ngơi đi.” – Ta vừa đem y phục chuẩn bị sẵn cho ngày mai treo lên trên giá vừa nói với Ngụy Đàm.

Ngụy Đàm ừ một tiếng nhưng lại ngồi xuống trước án.

Trong phòng vô cùng an tĩnh, Ngụy Đàm đưa mắt nhìn quanh phòng, đưa tay cầm lấy chiếc lục lạc nhỏ ở trên tháp.

“A Mịch lại làm hỏng rồi?” – Ngụy Đàm nhướng mày hỏi.

“Vâng.” – Ta đi tới, bất đắc dĩ nói – “Con bé dạo gần đây càng ngày càng nghịch.”

“Trẻ con mà, có đứa nào mà không như vậy.” – Ngụy Đàm lơ đãng cười, lại dường như có chút kiêu ngạo. Chàng ngắm nghía cái lục lạc một hồi sau đó liền dời ngọn đèn đến trước mặt chậm rãi sửa lại.

Ta ngồi xuống bên cạnh, ánh mắt chạm vào trên gò má Ngụy Đàm, gần đây tuy chàng luôn ở Ung Đô nhưng cũng chẳng hề bớt bôn ba chút nào, làn da ngăm đen vì phơi nắng lại càng làm lộ ra vẻ đàn ông mạnh mẽ, sống mũi thẳng tắp. Ta đột nhiên cảm thấy buồn cười, lúc tân hôn tại sao ta lại cảm thấy tướng mạo chàng không vừa mắt nhỉ?

Trong lúc ta suy nghĩ vẩn vơ, Ngụy Đàm thình lình ngẩng đầu lên.

“Có thích không?” – Ngụy Đàm hỏi.

Ta hơi sửng sốt, không chờ ta mở miệng chàng đã vươn tay ra kéo ta ngồi lên đùi.

“Vừa rồi, phu nhân vẫn luôn một mực nhìn vi phu.”

Ta cười, không phủ nhận, hơi thở đan cài, tình nồng ý mật quấn quít bên tai ngọt ngào như nước chảy nhưng chỉ dừng lại ở đó, ta không để cho chàng tiến thêm bước nữa. Gần đây Ngụy Đàm bề bộn nhiều việc, nói không chừng ngày mai còn phải ra ngoài sớm vì vậy ban đêm phải nghỉ ngơi thật tốt mới đươc.

Đôi bên vuốt ve an ủi một hồi, ta lẳng lặng dựa vào trong ngực Ngụy Đàm, cánh tay chàng bao bọc lấy cả người ta, tiếp tục sửa lại chiếc lục lạc của A Mịch.

“Phu quân thật sự muốn thay đổi chế độ khoa cử sao?” – Lát sau ta nhẹ giọng hỏi.

“Hửm?” – Ngụy Đàm liếc ta một cái – “Phu nhân có ý kiến khác à?”

“Cũng không hẳn là ý kiến khác.” – Ta ngẫm nghĩ nói – “Chẳng qua chỉ là cảm thấy đa số triều thần chắc hẳn sẽ không đồng ý.”

Ngụy Đàm cười cười, chậm rãi nói – “Nếu như nhạc phụ còn sống, chỉ e cũng sẽ không đồng ý.”

Ta sửng sốt.

Ngụy Đàm dừng tay nhìn ta – “Chuyện này liên quan đến lợi ích, nếu như nhà ta vẫn là triều thần thì cũng sẽ quyết định như vậy. Vào thời của Tiên đế, sĩ tộc lấn át hoàng quyền vì vậy Tiên đế mới hữu tâm vô lực nhưng hiện nay tất cả đều thay đổi, còn rất nhiều việc phải làm, chính là lúc thích hợp để cải cách. Cựu chế nặng nề làm liên lụy tân chính, lúc này còn không thay đổi thì tương lai sẽ gặp khó khăn.”

Ta nhìn Ngụy Đàm, trong lòng mơ hồ xung động.

“Phu quân…” – Giọng ta có chút không chắc chắn – “Phu quân có ý với vị trí kia ư?”

Ngụy Đàm chăm chú nhìn ta không trả lời nhưng lại đưa tay rút ra một quyển trục từ trên án xuống. Ta kinh ngạc nhìn chàng mở quyển trục ra, đó là một bức thành đồ ước chừng 5,6 thước trên đó vẽ vô cùng rõ ràng tỉ mỉ nào đường phố, tường thành, cung thất, phía trên cùng bên phải đề hai chữ “Trường An” khiến cho ánh mắt ta trong nháy mắt ngưng trệ.

“Đây là …” – Ta nhìn Ngụy Đàm.

“Trường An cũng nên trùng tu lại rồi.” – Ngụy Đàm nói, khóe môi cong cong. – “Chẳng qua hiện tại quốc khố hao hụt, nếu như muốn xây xong cũng phải mất ít nhất mười năm.”

Ta há hốc mồm không biết nên nói gì, ánh mắt lần theo từng nét vẽ trên bức thành đồ muốn tìm vị trí của Phó phủ trước kia, không ngờ nơi đó hoàn toàn trống không.

“Những chỗ cần trùng tu lại là đường phố, nha phủ cùng cung thất, còn đất tư trạch vẫn thuộc về nguyên chủ.” – Ngụy Đàm tựa hồ như nhìn thấu sự nghi hoặc của ta, vuốt tóc ta – “Phó phủ là của phu nhân, nên xử trí thế nào đều do phu nhân tự mình định đoạt.”

Ta nhìn Ngụy Đàm, bỗng nhiên sống mũi cay cay, trước mắt như nhòe đi.

“Sao lại khóc rồi?” – Ngụy Đàm bất đắc dĩ dùng ngón tay lau đi nước mắt nơi khóe mắt ta, lại nghiêm túc nói – “A Cẩn, trùng tu lại Trường An là tâm nguyện của cả hai chúng ta nhưng Trường An được xây nên vì lý do gì? “Trường trì cửu an”*, tứ phương hội tụ mới có một Trường An hưng thịnh. Chuyện này, ta có thể gánh vác được, há phải nhường cho kẻ khác?”

*(hòa bình ổn định lâu dài)

Ta gật đầu, hít sâu một hơi – “Ừm.”

“Ừm là ý gì?” – Ngụy Đàm tự hồ như bất mãn, đưa tay niết nhẹ cằm ta – “Còn định đào chỗ vàng ở bên phòng lên sau đó ẵm theo tiền của Lý Thượng chạy trốn hả?”

Ta nắm lấy ngón tay chàng, chớp mắt – “Phu quân từng nói cho dù là chọn ở lại hay rời đi đều là tùy thiếp.”

“Đó đều là những lời lúc trước, lúc trước không hiểu chuyện, ta rút lại.” – Ngụy Đàm làm bộ lưu manh.

“Ồ?” – Ta nhìn vào mắt chàng, nhẹ giọng nói – “Buôn bán phải công bằng, phu quân không cho phép thiếp đi vậy thì bồi thường thế nào đây?”

“Trường An.” – Ngụy Đàm lập tức nói.

Ta véo lên cánh tay chàng một cái – “Không đủ.”

“Thêm một cái bình mai.”

“Chiếc bình đó vốn là của thiếp.”

“Vậy mua thêm một chiếc nữa cho nàng.”

Ta dở khóc dở cười, cáu giận nhéo lên eo Ngụy Đàm. Chàng cười nắm lấy tay của ta xoay mình đè ta xuống dưới.

Nến đỏ lay động, ánh mắt Ngụy Đàm sâu thăm thẳm, hơi thở lướt qua chóp mũi.

“Thế phu nhân muốn cái gì?” – Âm thanh của chàng khàn khàn.

Ta nhìn chàng, cười một tiếng hỏi nhỏ – “Chàng nói xem?”

Cặp mắt kia thật sâu, sáng đến đốt người, hơi thở ấm áp càng lúc càng gần hòa cùng với ánh nến hóa thành mật ngọt…