Đường Thi của tuổi hai mươi rất kiêu ngạo, khi nghe thấy ai trong khoa tiếng Trung cũng tôn trọng gọi giáo sư Kỳ là “Kỳ tiên sinh”, lòng thầm nghĩ: Thời vô anh hùng, khiến tôi tớ thành danh.
Trước khi rời trường, cô vào một lớp học nào đó.
Tài năng, lập luận và ngôn từ của người đó, là những gì lần đầu tiên Đường Thi thấy được ở một giáo viên.
Trong «Nhạc Phủ thi tập» do Quách Mậu Thiến thời nhà Tống biên soạn có 18 bài thần huyền khúc, để ca ngợi thần linh, có một bài tên «Khúc Bạch Thạch Lang», lời rằng: “Như đá tích thành ngọc, như thân tùng biếc xanh, chàng đẹp đẽ tuyệt trần, thiên hạ nào ai sánh.”
(Hán Việt: Tích thạch như ngọc, liệt tùng như thúy, lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ nhị.)
Chỉ có thể là người này.
Vài năm sau, cô được mời làm giáo viên của đại học C, trên đường đi gặp được viện trưởng, bên cạnh viện trưởng mập mạp là một người vừa quen thuộc vừa xa lạ.
Khoác trên người màu xanh navy, nhã nhặn thanh lịch, đỉnh mày nhô cao.
Đồng nghiệp giới thiệu: “Đây là Kỳ Bạch Nghiêm, trưởng khoa Triết học trường chúng ta.”
“Chào trưởng khoa Kỳ.”
Một bàn tay khô ráo và thon dài vươn ra, nắm nhẹ tay cô, dừng lại hai giây rồi buông ra, “Chào cô Đường.”
Mặt Đường Thi đỏ bừng.
Lần đầu tiên cô quỳ trước Phật Tổ, thầm nói: Từ nay về sau, con là tín đồ của người.