Em, Anh Và Cô Ấy

Chương 3: Em 3




Từ ánh mắt cử chỉ ban đầu của bạn thân, tôi biết sổ ký hoạ của mình có gì đó không ổn. Nhưng tôi vốn rất sợ việc để người khác phải bận tâm đến mình, hay chính xác hơn là tôi sợ gây ra rắc rối cho họ.

Nên lý do lúc trước chỉ là tôi tiện miệng nói ra để bạn thân không phải lo lắng, trong lòng lại bắt đầu suy đoán về tình trạng gần đây của mình.

Tôi đến viện làm kiểm tra toàn diện, mất cả ngày trời rồi mà bác sĩ vẫn yêu cầu kiểm tra thêm. Nghe vậy, tôi lờ mờ nhận ra kết quả của mình có vấn đề, nhưng bác sĩ đã dặn tôi yên tâm đợi.

Qua vài ngày, tôi được viện liên hệ đã có kết quả chính xác. Bác sĩ dặn tôi đi cùng người nhà, chỉ một lời ấy tôi liền biết mình có chuyện rồi.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi nghe trao đổi xong, tôi vẫn phải ngồi lại viện rất lâu mới có thể rời khỏi.

Đứng trước cổng viện, tôi không khỏi bật cười, cái gì mà ở hiền gặp lành cơ chứ? Nếu là tội nghiệt kiếp trước, thì hẳn kiếp đó tôi phải tàn ác lắm đây.

Tôi lang thang trên đường không có mục đích, gót chân tróc ra một mảng, máu thấm ra choe choét sau gót giày.

Ngày hôm ấy, dẫu có bao nhiêu cuộc điện thoại tôi cũng không nghe, mặc kệ trời đất ngủ một giấc đến nửa đêm. Tỉnh dậy, tôi lên mạng tìm kiếm thông tin về căn bệnh mình đang mắc phải, hình ảnh hiện lên, tôi không còn giữ được bình tĩnh đánh rơi điện thoại, chạy vội đến trước gương soi.

Thấy mình trong gương rồi, tôi ổn định hơn được một chút, ngón tay chạm vào gương, hoạ theo đường nét khuôn mặt cô gái trong ấy. Tôi mỉm cười, trông vẫn còn xinh.

Nhưng chỉ giây sau, nụ cười tắt ngấm, những hình ảnh tôi tra được dần hiện ra, đè lên gương mặt tôi. Nửa mặt sưng vù dị dạng, con mắt trái từ từ lồi ra, cho đến khi rơi ra khỏi hốc mắt hoàn toàn. Trông tôi hệt con quái vật trong những bộ phim kinh dị.

Nước mắt kìm nén thời gian qua không còn giữ được, lập tức ào ra ướt đẫm mặt, tôi vừa ôm bụng nôn khan vì gương mặt sắp tới của mình, vừa điên cuồng gào khóc. Trước giờ tôi cứ nghĩ khó khăn nào cũng vậy, cứ cố gắng là sẽ vượt qua, giờ đây tôi đã biết, có những việc ý chí mạnh đến đâu cũng chẳng ích gì.

Sáng sớm tôi bị cuộc điện thoại réo rắt đánh thức, chuông điện thoại không ngừng kêu buộc tôi phải nghe máy.

“Alo.” Lên tiếng rồi tôi mới thấy giật mình, chỉ qua một đêm mà tôi gần như mất tiếng, giọng nói chẳng khác giấy ráp là bao.

Mẹ tôi cực kỳ bực bội: “Con làm cái gì mà không chịu nghe máy, có biết mẹ gọi suốt từ hôm qua đến giờ không?”

May mắn, mẹ tôi không nghe ra giọng nói khác thường, tôi nuốt khan cổ họng, khó khăn trả lời: “Con để im lặng quên mở máy.”

Mẹ tôi dịu lại đôi chút: “Điện thoại dùng liên lạc lại để im lặng, nhỡ có việc gấp thì làm thế nào? Nếu mẹ ốm cần tìm con thì chắc xanh cỏ từ lâu rồi.”

Tôi hoảng hốt, gấp gáp đứng dậy muốn sang tìm mẹ, lại nghe tiếng mẹ ở đầu dây bên kia bình tĩnh: “Con gọi điện cho cái Xuân, bảo nó cũng chỉ có một điểm. Tiếng là bạn bè với nhau mà lại để em trai của bạn không được lên lớp…”

Tôi ngắt lời mẹ: “Mẹ vẫn khoẻ chứ ạ.”

Mẹ tôi không hài lòng khi bị ngắt lời: “Tôi khỏe, chị có nghe tôi nói không đấy. Con Xuân nó chấm điểm kiểu gì mà thằng Tài bị…”

“Mẹ!” Tôi ngắt lời lần nữa: “Em Tài đi học như thế nào, giáo viên họ chỉ chấm đúng theo năng lực của em.”