Hệ Thống Livestream Của Nữ Đế

Chương 287: Tam tự kinh, vương ứng lân là Ai? (2)




[Doraemon]: Chí ít thì Streamer không bảo Tam Tự Kinh là do cô ấy viết, mục tác giả vẫn để là vô danh.

[Bánh Cuốn Nhỏ Của Bánh Cuốn]: Thực ra thì tôi thấy đây là một cách làm rất thông minh. Dù sao văn nhân ở thời cổ đại hay so bì nhau, muốn khiến đối phương thực sự chịu phục thì phải có bản lĩnh vững vàng và hàm dưỡng văn học, chỉ dựa vào sao chép không thôi, khả năng bị lộ tẩy quá lớn.

Có không ít khán giả xúi giục Khương Bồng Cơ viết tên mình lên bìa ngoài, dù sao Tam Tự Kinh cũng là sách vỡ lòng, sau này mà được phổ cập rộng rãi thì gần như là quyển sách mà đứa trẻ nào cũng phải học, dùng tên mình thì có thể để lại tiếng thơm muôn đời.

Nhưng mà cậu trả lời của cô lại khiến khán giả há hốc mồm cả lượt.

[Streamer V]: Theo điều khoản bảo vệ tác phẩm văn học gốc của pháp luật Liên Bang, tội danh sao chép cực kỳ nghiêm trọng, thấp nhất là tù ba năm, cao nhất là chung thân. Cho dù không bị tác giả của tác phẩm gốc khởi kiện thì 90% lợi nhuận thu được cũng thuộc về tác giả, hơn nữa còn phải bồi thường một khoản phí tổn thất tinh thần khổng lồ.

Ngoại trừ lý do trên, Khương Bồng Cơ còn có một lý do khác quan trọng hơn.

Cô có tầm nhìn xa chứ không ham lợi nhỏ trước mắt.

Nội dung Tam Tự Kinh mà khán giả gửi cho cô rất ngắn, chẳng bao lâu sau Khương Bồng Cơ đã chép xong, cô bảo Đạp Tuyết cầm đi hong khô.

Phong Cẩn rảnh rỗi không có việc gì làm liền sắp xếp các trang giấy đã khô mực theo thứ tự rồi đóng thành một quyển sách.

So với các quyển sách trước đây cậu đã học, thì quyển Tam Tự Kinh này vô cùng đơn giản, dễ hiểu.

“Ôi, thời loạn mười sáu nước không biết có bao nhiêu đồ quý như thế này bị thất lạc, bao nhiêu tri thức không được truyền lại.”

Phong Cẩn lật đi lật lại quyển Tam Tự Kinh, là một người thông minh cậu ta đương nhiên là cũng loáng thoáng biết được công dụng thực sự của quyển sách này.

Vì bị Khương Bồng Cơ dắt mũi nên cậu ta một mực cho rằng đây chính là sách hiếm đã bị đánh mất trong thời loạn mười sáu nước. Không biết Trình Thừa tìm ra từ xó xỉnh nào, còn giữ được nguyên vẹn nội dung đã là không dễ rồi, cậu ta cũng không thắc mắc vấn đề tác giả là ai.

Cũng vì thế mà Phong Cẩn lại càng khâm phục Trình Thừa hơn.

Trong cái nhìn của cậu ta, đây mới chính là khí khái của một văn nhân thật sự, chứ không phải cái thứ đấu đá lẫn nhau trên triều đình.

Khương Bồng Cơ nghe thế liền lên tiếng: “Vì là sách hiếm nên một khi bị hủy hoại hoặc người biết nội dung không còn nữa thì đời sau coi như mù tịt. Nếu như có thể mở rộng phạm vi để mỗi người đều có một bản hoặc số lượng những người đi học biết chữ nhiều lên thì việc kế thừa truyền lại sẽ dễ dàng hơn.”

Một thời đại muốn tiến bộ, muốn đi lên thì sách vở không thể chỉ thuộc về một nhà duy nhất hay một nhóm người nhất định.

Thế nhưng tình huống bây giờ lại là - rất nhiều sách quý hiếm đều nằm trong tay một hoặc vài thế gia sĩ tộc có lịch sử lâu đời, nếu như những sĩ tộc này gặp bất trắc thì rất có khả năng những quyển sách này sẽ thất lạc hoặc biến mất hoàn toàn.

Nguyên nhân tạo thành hiện tượng này có rất nhiều, nhưng theo Khương Bồng Cơ thì chủ yếu là hai lý do.

Một là, kỹ thuật chế tạo giấy còn chưa hoàn thiện, thẻ tre thì nặng, giấy thì đắt. Hay nói một cách khác, kỹ thuật sản xuất của xã hội vẫn không đủ, dẫn đến việc phí tổn dành cho việc học hành quá cao, dân chúng bình thường khó mà gánh vác được. Cơm còn không có mà ăn, làm gì có ai thừa tiền đi học?

Hai là, sự độc quyền về truyền thừa tri thức của những tầng lớp đặc biệt.

Điều đầu tiên dễ giải quyết, nhưng điều thứ hai lại quá khó.

Muốn phá vỡ hệ thống truyền thừa tri thức hiện đang tồn tại, phổ cập giáo dục thì khó tránh khỏi phải đối đầu với những thế gia sĩ tộc đang độc quyền tri thức đó.

Chỉ nghĩ thôi cô cũng có thể đoán ra áp lực của nó lớn đến mức nào.

Chẳng qua, đường đều do người ta đi nhiều mà thành, chỉ cần có tâm huyết thì trên đời này không có việc gì là không có cách giải quyết.

Phong Cẩn không tiếp lời, nhưng ánh mắt cậu nhìn Khương Bồng Cơ lại thêm phần khác lạ.

Khương Bồng Cơ thấy nhưng cũng không để tâm lắm, cô tiếp tục vùi vào các phiên bản chú giải khiến người ta đau đầu.

Giờ phút này cô đặc biệt nhớ hệ thống mạng ảo và trí tuệ nhân tạo siêu phàm trước kia.

Khi ấy muốn cái gì có cái đó, đâu cần tự chép tay?

“Hệ thống, mày chết chưa?”

Cô cùng lúc làm ba việc, vừa nhìn bình luận, vừa chép sách, vừa chọc ngoáy hệ thống.

Hệ thống lầm bầm nói: “Chết rồi, có việc thắp hương, không có gì thì viếng mả.”

Khương Bồng Cơ âm thầm chép miệng, có một thời gian không để ý đến nó thôi mà nó ngày càng cáu kỉnh rồi đấy.

“Mày không có cách nào để sao lại nội dung bình luận à? Mày thấy tao chép tay khổ sở thế này tốt xấu gì cũng phải thông cảm cho tao chứ.”

Hệ thống lạnh lùng nói: “Rất xin lỗi ký chủ, cấp bậc hiện tại của cô quá thấp nên không có quyền hạn này, chí ít phải thăng đến cấp ba mới được.”

Khương Bồng Cơ liếc nhìn số điểm tích lũy, thoáng cau mày lại. Số điểm tích lũy của cô đã sớm vượt ngưỡng một triệu, vừa hay đủ để cô thăng cấp thành Streamer cấp 3, nhưng nếu làm như vậy sẽ phải tiêu hết điểm tích lũy.

Vậy thì khác gì cô tự đặt mình vào cảnh vướng tay vướng chân.

Hệ thống đã thèm khát đống điểm tích lũy kia lâu rồi, nó cũng từng thăm dò lừa gạt cô tiêu cho nó nhưng Khương Bồng Cơ không hề động lòng.

Nghĩ thế, cô liền từ bỏ ý định thăng cấp.

Cô cố ý trêu cợt hệ thống để nó phát thèm, một lúc lâu sau mới nói: “Ồ, vậy thì tao tự chép tay tiếp, coi như luyện chữ.”

Hệ thống nghẹn họng.

Hừm, cố ý trêu nó à?

Để tránh Phong Cẩn nghi ngờ, ngoại trừ chép lại Tam Tự Kinh và phần nội dung chú giải, Khương Bồng Cơ còn nghiêm túc chép lại mấy quyển binh thư mượn của Trình Thừa. Vừa hay trong nhà Phong Cẩn cũng có quyển này nhưng thiếu mất nửa sau.

Lúc nhìn thấy Khương Bồng Cơ chép lại quyển này một cách hoàn chỉnh, cậu lập tức thích đến mức không chịu buông tay, cẩn thận đọc tiếp phần nội dung bị thiếu.

“Trình Thừa tiên sinh đúng là một diệu nhân.” Phong Cẩn cảm thán như thể vừa tìm được báu vật: “Phụ thân ta chỉ thích cuốn sách này, bình thường ông vẫn hay than thở sinh thời không có cách nào đọc được toàn bộ, đã hỏi tìm rất nhiều nhà cũng không có. Không ngờ ta lại có thể đọc được cả quyển…”

Trong khi Khương Bồng Cơ miệt mài chép sách thì thời gian nhanh chóng trôi đi, thoáng cái đã đến kỳ đánh giá.

Kỳ đánh giá chính là chế độ tuyển chọn quan lại của Đông Khánh, na ná chế độ cửu phẩm quan giai mà khán giả quen thuộc, nhưng có khác biệt rất lớn.

Kỳ đánh giá ba năm tổ chức một lần, ba hạng mục đầu là: gia thế, đức hạnh, học thức; ba hạng mục sau gồm: tướng mạo, năng lực, tính cách.

Gia thế thì không cần nói nhiều, đọ cha, đọ mẹ, đọ ông bà tổ tiên, học giỏi cũng không bằng đầu thai tốt.

Đức hạnh, mục này có thể ăn gian, đi cửa sau, hối lộ quan giám là được điểm cao.

Học thức, quan chủ khảo ra đề, thí sinh làm bài trong thời gian nhất định.

Tướng mạo, nói đơn giản là nhìn mặt, nhìn cách ăn mặc, đến lúc đó có thể nhìn thấy một đám ẻo lả tô son trát phấn.

Năng lực, tiêu chuẩn của hạng mục này khá mơ hồ. Cơ bản là cá nhân thí sinh phải viết một bản báo cáo năng lực bản thân, có thể bốc phét lên tận trời. Hạng mục này có liên hệ với học thức, nếu bốc phét mình giỏi lắm mà đến lúc bị quan chủ khảo phủ định trong hạng mục học thức, thì coi như hết hy vọng.

Tính cách, hạng mục này rất thú vị, đánh giá hoàn toàn dựa vào sự yêu ghét cá nhân của quan chủ khảo, thích thì cho điểm cao, nhìn ngứa mắt thì đánh trượt, thế nên đây là hạng mục dễ đi cửa sau nhất.

Nhìn tổng quát sáu hạng mục trên thì có thể thấy quan chủ khảo có địa vị quan trọng như thế nào.

Khác với trường thi theo kiểu đóng kín, nội bất xuất ngoại bất nhập mà khản giả biết, thì kỳ đánh giá này giống như một buổi nhã tập hoàng gia có quy mô khổng lồ.

Khương Bồng Cơ là “con trai” của Liễu Xa, đương nhiên cũng có thiệp mời.

Nhìn tấm thiệp mời, cả nửa ngày Khương Bồng Cơ mới bật ra được một câu.

“Chưa bao giờ thấy một cái kỳ thi nào như trò đùa thế này…”

Cô nghĩ, sau này mình nhất định phải cho tất cả mọi người biết cái gì mới gọi là “thi” thật sự.