Họa Quốc

Họa Quốc - Quyển 2 Chương 64: Hồi thứ mười sáu: Trời tính




“Khúc hát đó tên là ‘Năm tháng’ hồi còn nhỏ mỗi khi phu nhân không ngủ được, Phương thị đều hát bài này cho phu nhân nghe”. Trong ngự thư phòng, một ám vệ đứng thẳng tắp nói như vậy.



Sau ngự án, Chiêu Doãn ngồi tựa trên long tọa, một tay chống trán, một tay đặt lên tay vịn, thần sắc thản nhiên, nheo mày: “Cũng có nghĩa là bài hát đó là do Diệp Nhiễm viết?’.



“Đúng thế”. Điền Cửu do dự một lát nói: “Thực ra Diệp Nhiễm rất tài hoa, có thể viết từ sáng tác nhạc, nếu không Ngôn Duệ có tham ăn đến đâu cũng không thể thu nhận ông ta làm đồ đệ”.



Chiêu Doãn “ừ” một tiếng, không bày tỏ ý kiến gì.



Điền Cửu lại tiếp: “Phu nhân nghe Thục phi nương nương hát bài đó, lại hát không sai một chữ, hệt như bản gốc, nên coi nương nương thành người thân thiết nhất. Bây giờ, chỉ có Thục phi nương nương là có thể lại gần phu nhân, những điều nương nương nói, có lúc phu nhân hiểu, có lúc không hiểu, cả người ngây ngốc mê dại…”.



Chiêu Doãn bỗng ngắt lời hắn: “Bây giờ Trầm Ngư đang làm gì?”.



“Sáng sớm nay Thục phi nương nương dỗ phu nhân lên giường đi ngủ xong thì về Dao Quang điện dùng bữa trưa, sau đó xuất cung rồi”.



“Xuất cung?”. Chiêu Doãn chau mày.



“Vâng. Nương nương đi tiễn Giang Vãn Y”.



“Ồ?”.



Lá thu lả tả nhuộm chút sương thu, ngôi đình cô lẻ ở ngoại thành im lặng thê lương.



Khương Trầm Ngư ăn vận như một văn sĩ, Hoài Cẩn theo sau cũng ăn vận như thư đồng, đến để tiễn biệt Giang Vãn Y.



Nửa năm trước, Giang Vãn Y rời nơi đây, bách quan tề tựu vui vẻ đưa tiễn, vinh quang có một không hai.



Nửa năm sau, hắn bị biếm khỏi kinh sư, hai bàn tay trắng, đến một người nô bộc cũng không có, chỉ có một hòm thuốc, vẫn nặng trịch đeo trên vai gầy như cũ.



Cảnh ngộ này, lọt vào mắt Trầm Ngư, cũng chỉ có một câu kết luận “lòng người đổi thay”.



Nàng lấy một ấm trà từ trong hộp đựng thức ăn ra, rót trà vào chiếc lá trúc miệng nông, hai tay bưng lên trước mặt Giang Vãn Y:



“Trầm Ngư lấy trà thay rượu, cung tiễn sư huynh, từ đây mỗi người một nơi, non nước xa vời, mong huynh bảo trọng”.



Giang Vãn Y cũng dùng hai tay đón lấy, khóe mắt luôn ôn hòa văn nhã bỗng hơi ươn ướt hoe đỏ: “Đa tạ”. Dứt lời một hơi uống cạn, đang định đưa chén trà trả lại, Khương Trầm Ngư lại xua tay nói: “Chén này là lễ vật tặng cho sư huynh trước khi đi. Ngày sau nếu có cần tiền tài, đưa chén này đến tiệm cầm đồ lớn nhất cũng có thể giải cơn nguy cấp nhất thời”.



Giang Vãn Y nghe nàng nói vậy, biết đây nhất định là chiếc chén rất giá trị, nhất thời trăm ngàn cảm xúc dâng trào, cuối cùng khẽ thở dài nói: “Mưa núi sắp rơi gió khắp lầu, Trầm Ngư, muội phải cẩn thận”.



Khương Trầm Ngư cười nhàn nhạt: “Thế thì phải xem đó là gió gì, mưa gì…”.



“Muội…”. Giang Vãn Y chần chừ một lúc, cuối cùng vẫn không kìm được nói ra: “Dừng tay lại đi, vẫn còn kịp đấy”.



Trong mắt Khương Trầm Ngư loang loáng ánh lệ, nàng ngẩng đầu lên, nước mắt nhạt nhòa nhìn hắn, giọng nói khẽ như mơ: “Nếu như muội dừng tay, cái chết oan uổng của công tử sẽ tính sao đây? Nỗi oan khuất của Di Phi tính sao đây? Bệnh điên của Hy Hòa tính sao đây? Sư Tẩu tàn tật tính sao đây? Còn sư huynh bị biếm chức… cũng tính sao đây?”.



Giang Vãn Y đau lòng gọi: “Trầm Ngư!”.





Khương Trầm Ngư hít một hơi thật sâu, lấy lại vẻ bình tĩnh, dường như cảm xúc vừa nãy chẳng qua chỉ là kẻ khác hoa mắt nhìn nhầm mà thôi, sau đó, khóe miệng cong cong nở nụ cười tươi rói: “Cho dù thế nào, chúc mừng sư huynh đã rời khỏi chốn thị phi này, trở về với cuộc sống vốn dĩ muốn có… Huynh an tâm, muội sẽ chăm sóc tử tế cho Hy Hòa”.



Giang Vãn Y nhìn nàng mãi, trong mắt khi mờ khi tỏ, cuối cùng kết thành ly biệt: “Đã như thế… bảo trọng”.



Mấy chú quạ bay qua trường đình, tiếng gió thổn thức, cỏ cây vàng vọt, năm nay mùa thu đến sớm hơn năm ngoái.



Bóng dáng Giang Vãn Y rời đi, bị ánh tịch dương kéo dài trên mặt đất, hiện rõ sự thê lương.



“Tiểu thư, trời không còn sớm nữa, chúng ta về cung thôi”. Hoài Cẩn khoác một chiếc áo choàng lên mình Trầm Ngư.



Còn Khương Trầm Ngư nhìn mãi theo chiếc bóng đã không nhìn ra nổi của Giang Vãn Y ở phía cuối con đường dài hun hút, rầu rĩ nói: “Hoài Cẩn, ta ước gì có thể đi cùng với sư huynh, rời khỏi cái chốn thị phi này biết bao…”.



“Tiểu thư…”. Hoài Cẩn không biết phải trả lời ra sao.



Khương Trầm Ngư lắc lắc đầu, cười ha ha, nói: “Nhưng sư huynh không cần ta. Thôi, ta vẫn nên ngoan ngoãn hồi cung, đừng quên, ta sắp thành hoàng hậu của Bích quốc rồi. Hoàng hậu đó…”.



Hoàng hậu…



Nhớ năm đó, nguyện có được một người, bạc đầu chẳng rời xa.



Chưa từng nghĩ, phượng à, phượng à, theo ta về. Mãi ấp ủ nhau thành phu thê[1].



[1] Hai câu trong bài “Phượng cầu hoàng” của Tư Mã Tương Như.



Thế sự mỉa mai, chẳng qua cũng chỉ thế mà thôi.



Đêm đó, khi Chiêu Doãn đến Bảo Hoa cung, liền nhìn thấy một cảnh tượng như thế này: Đèn cung đủ sắc đủ màu tỏa ánh sáng êm dịu chiếu rọi Lưu Ly cung ngũ sắc rực rỡ, trên sàn nhà lát bằng thủy tinh trải một tấm thảm dài dệt bằng len. Hy Hòa mặc một chiếc áo mới ngồi trên thảm, vì vừa mới được tắm rửa, mái tóc nàng ta vẫn còn ướt, nên trông giống như một tấm lụa trắng ngấm nước. Còn Khương Trầm Ngư ngồi phía sau, dùng một chiếc khăn bông lau tóc cho nàng ta.



Sáng tối giao hòa, tay của Khương Trầm Ngư mềm mại nhỏ nhắn.



Hai mỹ nhân tuyệt thế đã tạo thành một bức tranh cực kỳ đẹp mắt, khắc ghi trong trái tim mỗi người có mặt.



La Hoành đang định thông báo, Chiêu Doãn giơ tay ra hiệu ngừng lại, cơ hồ cũng không nỡ phá vỡ bầu không khí ấm áp an lành trước mắt.



Khương Trầm Ngư lau khô tóc cho Hy Hòa xong, dùng một dải lụa buộc tóc lại cho nàng ta. Bấy giờ mới đứng dậy định đi, Hy Hòa lại quay người ôm chặt lấy nàng, cuống quýt gọi: “Mẹ… đừng đi… đừng đi!”.



“Được rồi được rồi, mẹ không đi, không đi!”. Khương Trầm Ngư cười dịu dàng với Hy Hòa: “Nhưng mà, mẹ cũng phải làm chút chuyện, Hy Hòa chơi một mình một lúc được không?”.



Hy Hòa chớp chớp đôi mắt to trong vắt như thủy tinh: “Mẹ phải đi bán mì à?”.



Khương Trầm Ngư nghĩ một lát rồi gật đầu: “Ừ… đi bán mì”.



Hy Hòa nheo mắt, cười đắc ý: “Được. Mẹ mang một ít về nhé, buổi tối ăn mì!”.




“Được rồi. Buổi tối ăn mì”. Coi như đã dỗ dành xong. Khương Trầm Ngư lại đưa chiếc áo bào đã được giặt sạch sẽ của Cơ Anh cho Hy Hòa chơi. Khi Hy Hòa đưa tay nhận lấy chiếc áo bào, trong đáy mắt nàng lóe lên một tia chần chừ, dường như có gì đó không nỡ, nhưng cuối cùng vẫn buông tay, rồi nhìn thấy Hy Hòa ngẩng đầu cười ngọt ngào với nàng, nụ cười ấy vừa ngây thơ vừa khờ dại.



Khương Trầm Ngư nghĩ, rốt cuộc nàng không thể nào sắt đá với con người này.



Trên người Hy Hòa dường như gửi gắm một phần tình cảm của nàng, tình cảm đó bị đè nén, bị mài mòn hủy hoại, không còn tồn tại ở bản thân nàng, nhưng lại được nối tiếp, phát triển trên con người Hy Hòa.



Nàng rất muốn không vương không vấn, mặc sức làm càn điên loạn một cơn như Hy Hòa, như thế không cần tỉnh táo đối diện với sự thực Cơ Anh đã chết; không cần đối diện với mặt xấu xa của phụ thân - người nàng luôn tôn sùng yêu kính; không cần đối diện với tranh đấu cung đình không chút nào bình ổn, gió mấy biến ảo khôn lường; không cần đối diện với người đến người đi, duyên tán duyên tận… Khương Trầm Ngư thầm thở dài trong lòng rồi đứng dậy, đưa khăn bông cho các cung nhân đứng bên cạnh rồi đi đến cửa tham kiến Chiêu Doãn: “Thỉnh an hoàng thượng”.



Chiêu Doãn bật cười khiến Khương Trầm Ngư không hiểu gì, hoang mang ngẩng đầu nhìn y.



Chiêu Doãn đưa một tay lên che miệng ho nhẹ một cái, tuy đã ngừng cười, nhưng sóng mắt vẫn còn nửa cười nửa không, thế nên càng khiến Khương Trầm Ngư hoang mang hơn, không kìm được hỏi: “Hoàng thượng?”.



“Đưa tay nàng ra đây”.



Khương Trầm Ngư nghe thấy thì ngẩn người, rụt tay về phía sau theo phản xạ, sau đó nhớ ra cử chỉ này không đúng, đành cứng đơ thu lại, run rẩy chìa ra trước mặt Chiêu Doãn.



Trên mười ngón tay thon dài trắng trẻo được chăm sóc rất kỹ lưỡng, có thêm vài vết thương do tắm cho Hy Hòa ban nãy, vì Hy Hòa không chịu để người khác chạm vào, mình nàng phải đảm đương. Không ngờ Chiêu Doãn tinh mắt đến thế, vừa nhìn đã nhận ra.



Còn Chiêu Doãn cười đương nhiên là cười thiên kim nhất đẳng mà chân tay vụng về. Vì thế, hai gò má Khương Trầm Ngư hơi đỏ lên, xấu hổ phân bua: “Từ nhỏ cha mẹ yêu chiều, ngay những chuyện vặt vãnh cũng làm không nên hồn… để hoàng thượng chê cười rồi”.



Chiêu Doãn không thừa nhận mà cũng không phủ nhận, chỉ từ tốn dặn dò thêm một câu: “Đừng quên bôi thuốc”. Nói đoạn, quay người ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đêm. Nét mặt Chiêu Doãn thường ngày nếu không cười nham hiểm thì cũng là nổi giận lôi đình, tóm lại biểu cảm luôn rất sinh động, hiếm khi bình tĩnh. Vì thế, một khi không cười như bây giờ, rõ ràng là tâm sự trùng trùng, có nỗi u uất khó nói thành lời.



Thấy tâm trạng y có vẻ không vui, Khương Trầm Ngư buột miệng hỏi: “Xảy ra chuyện gì sao? Hoàng thượng”.



Chiêu Doãn khẽ thở dài một tiếng: “Nàng nhìn nơi đây mưa gió thuận hòa, sao có thể tưởng tượng ra Giang Đô ngàn dặm xa xôi đang gặp cơn đại hạn trăm năm, không thu hoạch nổi lấy một hạt thóc”.



Chuyện này Khương Trầm Ngư cũng có nghe qua.



Giang Đô là vựa lúa vựa cá nổi tiếng của Bích quốc, một vụ thu hoạch là chiếm năm phần kho lương của cả nước. Vì thế có thể nói, Giang Đô giàu, thiên hạ no đủ. Năm này mùa màng vốn cũng khá tốt, nhưng không hiểu vì sao, từ lúc trời chuyển hạ lại không hề đổ mưa, nắng gắt sà sã, kênh ngòi khô kiệt, khiến cho hoa màu đều chết khô chết héo cả. Lại thêm đúng vào lúc thành chủ cũ hết nhiệm kỳ, thành chủ mới tiếp nhận, khi tin đại hạn được tấu lên triều định thì đã muộn rồi.




“Hoàng thượng đã nghĩ ra cử ai đến Giang Đô xử lý việc này chưa?”.



Chiêu Doãn liếc nhìn nàng một cái, nhíu mày cười: “Sao? Nàng lại đòi tự tiến cử nữa à?”.



Khương Trầm Ngư quay đầu nhìn Hy Hòa, lắc đầu nói: “Thần thiếp muốn đi, nhưng e là không thể”.



“Ồ? Thật nhìn không ra, nàng lại coi Hy Hòa quan trọng hơn cả chuyện quốc gia đại sự”. Khi Chiêu Doãn nói câu này giọng điệu khó có thể phân biệt được là châm chích hay là cảm thán.



Khương Trầm Ngư nhìn thẳng vào mắt y, trầm giọng nói: “Thần thiếp cảm thấy không nhất thiết phải là thần thiếp, sẽ có người giải quyết tốt hơn cả thần thiếp việc ở Giang Đô, nhưng Hy Hòa phu nhân… lại chỉ có thần thiếp…”.



Cả người Chiêu Doãn rúng động, mãi lâu sau bỗng giơ tay từ từ áp lên mí mắt nàng. Hành động dịu dàng, không hề có ý trừng phạt, tựa như chỉ là không muốn bị một đôi mắt như thế nhìn chằm chằm.



Khương Trầm Ngư vội vàng lùi ra sau một bước, cúi đầu xuống, không nhìn thẳng vào mặt đế vương nữa.




Chiêu Doãn cơ hồ cũng cảm thấy hành động của mình có chút luống cuống, liền cười cười, thu tay lại nói: “Trẫm cho nàng cơ hội lập công, thế nào?”.



“Hả?”. Tâm tư của vị đế vương này càng ngày nàng càng không thể nắm bắt.



“Người chống hạn cứu thiên tai lần này, nàng chọn thay cho trẫm đi”. Chiêu Doãn vừa nói vừa chớp chớp mắt.



Khương Trầm Ngư không nhịn được hỏi: “Ai cũng được ư?”.



“Ừ”. Chiêu Doãn tỏ vẻ “trẫm không tin nàng dám nói ra người không xuất sắc”.



Khương Trầm Ngư lập tức nói ra một cái tên: “Tiết Thái”.



Chiêu Doãn lộ vẻ “quả nhiên là hắn”, khẽ thở dài một tiếng, không nói gì quay người bỏ đi.



Khương Trầm Ngư vội vàng chạy theo truy hỏi: “Không được sao?”.



Chiêu Doãn vẫn không nói gì, nên Trầm Ngư lại hỏi: “Thật sự… không được sao?”.



Chiêu Doãn tiếp tục đi lên phía trước, Khương Trầm Ngư cắn môi nói: “Hoàng thượng?”.



Đáp lại nàng là một câu nói nhỏ như cát lăn vào tai, không nặng không nhẹ, không nhanh không chậm, vừa có ý trách móc mà lại vừa không mang giọng điệu trách móc: “Nàng thật phiền phức”.



Khương Trầm Ngư dừng bước, chăm chú nhìn bóng lưng đi xa dần nhưng vẫn không quay đầu lại đó, lần này nàng hoàn toàn ngây ngẩn ra đó.



Người đến Giang Đô xử lý hạn hán đã được công bố trước buổi chầu sáng hôm sau, quả nhiên là Tiết Thái.



Đối mặt với quyết định này của Bích vương, triều thần đương nhiên cực kỳ bất ngờ, sau cơn kinh ngạc, họ bắt đầu tìm mọi cách ngăn cản, lớn tiếng nói không thể.



Lý do đưa ra không ngoài những điều như: Cứu nạn thiên tai không phải là trò chơi, không phải là chuyện vặt như mua vui cho nhà vua trước điện, sao có thể phái một thằng oắt con không chút kinh nghiệm đi? Đừng nói Tiết Thái giờ đã không còn là công tử quý tộc, mà còn là một tên nô lệ hèn kém, sao có thể gánh vác được trọng trách này?



Khi triều thần tranh cãi đến mức rối tinh rối mù, đế vương trẻ tuổi trên long tọa chỉ thong thả nói một câu, lập tức khiến cho tất cả mọi người đều trấn tĩnh trở lại.



Chiêu Doãn phán: “Đã như vậy, thì phái Vũ lâm quân kỵ đô úy Khương Hiếu Thành cùng đi, chủ trì đại cục”.



Vũ lâm quân kỵ đô úy Khương Hiếu Thành là ai?



Con trai của hữu tướng Khương Trọng, ca ca của Khương quý nhân và Khương thục phi. Không chỉ như thế, ai chẳng biết y chẳng qua là một tên bị thịt. Vì thế, hoàng thượng nói phái y đi cùng Tiết Thái, chẳng phải đã loạn lại càng thêm loạn sao?



Quần thần không ai là không choáng váng, đến ngay cả bản thân Khương Trọng cũng bất ngờ, hoàng thượng lại vứt “củ khoai lang nóng” này cho mình. Đang định phản đối thì Chiêu Doãn đã đứng dậy nói: “Quyết định như thế đi, bãi triều”.



Một đám cung nhân vội vàng bày bố nghi trượng hầu hạ chủ tử bãi triều, thế là Chiêu Doãn đã lui gót một cách tao nhã trong những ánh mắt ngây dại hoặc không dám tin, hoặc đau lòng, hoặc không hiểu gì của thần tử khắp triều.



Khi Chiêu Doãn về tới ngự thư phòng, Khương Trầm Ngư đã đợi trong Bích Ngôn đường, thấy y tuy vẫn trang nghiêm nhưng không thể giấu được nụ cười trong đáy mắt, từ khóe mắt bờ môi lan ra khắp gương mặt.