Thư phòng của Tĩnh vương có một Tàng Thư Các ẩn sâu bên trong, lưu trữ một khối lượng đồ sộ thi tập, binh thư, y thư, bản đồ các loại.Khương Uyển Ngưng từ nhỏ đã không có khiếu chuyện học hành, từ năm sáu tuổi đến năm mười bốn tuổi nàng cũng chỉ đọc thuộc được đúng “Đình Am thi tập” gồm ba mươi sáu bài thơ, không như Triệu Hoằng, thân ở hoàng gia nên từ nhỏ đã chăm chỉ dùi mài kinh sử, khổ luyện thành tài.
Trong lúc nàng đang hoa mắt nhìn một kho tàng tri thức của Triệu Hoằng, bất ngờ tìm thấy một cuộn giấy nằm trơ trọi giữa các ngăn tủ.
Cuộn giấy nhìn có vẻ hơi cũ, nhưng nhờ bảo quản tốt nên các mép viền cũng chưa hư hại nhiều.
Nháy mắt Khương Uyển Ngưng dâng lên một nỗi tò mò, sách vở mà Triệu Thiết Chu nói đến có thể là cuộn tranh này không nhỉ?
Mặc dù bản thân nàng cũng không chắc lắm, nhưng có lẽ Khương Uyển Ngưng thực sự không phải một cô nương tốt, nhìn xung quanh chỉ thấy Lăng Chi đang cắm cúi tìm sách, nàng không kiềm nổi mà bèn nhẹ nhàng gỡ cuộn giấy ra xem.
Là tranh, chân dung của một nữ nhân lạ lẫm mà Khương Uyển Ngưng không biết tới.
Nàng ấy mi thanh mục tú, ánh mắt trong trẻo, tóc mây buông xoã, gương mặt mềm mại dịu lành như dòng nước ngọt, đến cả y phục cũng là một bộ sa y xanh nhạt như màu lá non.
Thế nhưng nàng lại có một đôi mắt phượng hút hồn lạ kì, như là một nét chấm phá trên bức tranh thuỷ mặc, khiến người ta vừa nhìn đã nhớ ngay.
Khương Uyển Ngưng nhìn dung mạo thanh lệ của người này đến ngẩn người, nhưng sau đó lòng nàng lại nổi lên vô số gợn sóng.
Phu quân nàng cất giấu chân dung của nữ nhân khác.
Bức tranh này vẽ trên giấy tốt nhưng màu đã hơi ố vàng, mép viền cũng đã hơi nhau, có lẽ đã vẽ từ rất lâu rồi, có khi còn lâu hơn cả thời điểm bọn họ đính ước làm hôn sự đi?
Đã qua gần một năm mà chàng vẫn còn nhớ thương người ta đến thế, thành thân rồi mà tranh cũng không nỡ bỏ đi.
Rốt cuộc đây là ai?
Khương Uyển Ngưng nhíu mày, nàng nhớ trước khi hai người bọn họ được chỉ hôn, nàng đã từng đến cung của Trương Quý phi một lần, đã nghe bà ấy than thở Tĩnh vương học hành chuyên tâm, chưa từng tầm hoa vấn liễu bên ngoài, e rằng sẽ khó chọn thê tử, chính nàng lúc đó còn thầm nghĩ, rõ ràng là cùng một dòng máu, cả ba huynh đệ của chàng đều là dạng phong lưu, vậy mà chàng lại có thể giữ mình không ham nữ sắc.
Nhưng nhìn tình hình này thì chắc không phải hoàn toàn không ham mê, nếu không thì sao lại giữ tranh nữ tử, chuyện như vậy đồng nghĩa với việc trai gái yêu đương, xa hơn thì thậm chí có thể lấy làm thê được rồi.
Thân là người được vào cửa chân chính vậy mà hình như trong Tàng Thư Các cũng chẳng có bức hoạ nào của nàng cả.
Khương Uyển Ngưng vốn là người dễ tính, trước khi gả cho chàng, nương còn dặn dò nàng, nếu như hai người yêu thương nhau thật lòng thì thôi, còn nếu như chàng lạnh nhạt vô tâm, nàng cứ yên ổn làm một Vương phi an nhàn tự tại, món ngon vô số, kẻ hầu vây quanh là được, mặc kệ chuyện của chàng không quản.
Khương Uyển Ngưng đương nhiên nghiêm cẩn chấp hành, sau tân hôn, nàng phát hiện hình như Vương gia khá là dễ chung sống, lại còn sẵn sàng chìu ý nàng, có phần giống điệu bộ nương sủng tính nàng khi còn chưa xuất giá, nàng mới nghĩ, vậy cứ thử bên nhau chân chính xem sao.
Trái tim của Khương Uyển Ngưng cũng không phải là sắt đá, nàng được yêu thương chiều chuộng sớm tối, đã dần mở lòng với Triệu Hoằng, coi chàng là đất là trời của mình rồi.
Khương Uyển Ngưng một khi đã tin ai thì phàm có chuyện là không hề giấu giếm, tỉ tê kể hết ra.Còn Triệu Hoằng tuy ít nói, dành phần lớn thời gian để lạnh mặt, nhưng khi vợ chồng đóng cửa tắt đèn cũng sẽ dịu dàng kể cho nàng nghe chuyện chàng đang tính toán, để nàng luôn được yên tâm.
Ngoại trừ chuyện bản thân đã trọng sinh ra thì giữa hai người tưởng chừng như không hề có bí mật với nhau.
Thế nhưng một bức hoạ lại gieo vào lòng nàng một mối nghi ngờ.
Nàng nhớ kiếp trước, nữ tử này không hề xuất hiện, kể cả sau khi nàng chết mười năm, chàng cũng không cưới tục huyền, bên mình cũng chẳng có nữ nhân hầu hạ, thủ thân như ngọc đến chết.Nếu thật sự thích nàng ấy đã lâu, cứ cho là vì phải cưới nàng nên mới bỏ lỡ nàng ấy, thì sao hai người không nối lại tình xưa?
Giả thiết đầu tiên nàng nghĩ tới, có thể cô nương này đã xuất giá lấy chồng rồi.
Dù sao thì một khi chàng đã chạm tới vị đế vương, chàng muốn ai cũng được, chỉ có muốn thê tử của người khác là không được, thiên tử uy khắp tứ phương nhưng cũng phải có nhân luân kỉ cương như người thường.
Tuy nhìn tranh không đoán được tuổi, nhưng nàng chết khi mười sáu tuổi, cô nương này lúc ấy chắc cũng tầm mười chín, hai mươi, nếu không phải là có lý do đặc biệt thì hiếm ai ở tuổi ấy không cưới gả.
Chắc vì vậy nên Triệu Hoằng mới không thể thú nàng ấy, chịu cảnh cô độc tới lúc quy thiên, không hề giống như trong miệng người đời nói, hoàng thượng vì mong nhớ Khương hậu nên không chịu tục huyền, không sinh con nối dõi, đành phải chắp tay nhường giang sơn cho đích tử của Túc vương, đơn giản là vì người chàng muốn cưới lại không thể cưới được mà thôi.
Đều nói thê không bằng thiếp, thiếp không bằng trộm, trộm không bằng có được rồi lại mất đi mãi mãi.
Những ngày tháng tình nồng ý mật vừa qua cứ hiện lên, như để mỉa mai nàng vậy.
Tưởng như hắn rất say mê mình, bản thân cũng một lòng trầm luân, lại không biết thứ hắn để vào mắt là cái dung nhan trẻ tuổi này hay là phủ Vĩnh An Hầu phía sau đây?
Thân thể Khương Uyển Ngưng cứng ngắt, nàng cuộn lại cuộn tranh như cũ rồi cất lại vào tủ sách.
Có những thứ chỉ nên biết đến là được, nếu đã định là không thể giao nhau, nàng hà cớ cần động chạm đến.
Nàng rũ mắt, trầm giọng gọi.
“Lăng Chi.”
“Dạ, chủ tử?”
Nhìn bóng mây đen phủ trên bầu trời, không biết từ lúc nào đã che khuất ánh sáng, khiến cho thư phòng chỉ còn leo lét ánh nến như đang lạc trong đêm đen.
“Đi về thôi.”
Có lẽ sắp mưa rồi.
"Ta không tìm nữa."
Tỉnh mộng đi.