Tuyên Từ Thái Hậu đứng giữa sảnh điện Thọ Khang Cung, nụ cười bí hiểm đắc ý như một gã thợ săn đang nấp đâu đó chứng kiến con mồi của mình sập bẫy. Sau câu trả lời của Thu Đào, Thái Hậu chậm rãi đi đến trước mặt Nguyễn Đức Trung hỏi đầy ẩn ý:
- Nguyễn đại nhân, thê tử của bằng hữu chắc ông còn nhớ đúng không?
Nguyễn Đức Trung lặng im không đáp, ánh mắt chất chứa bất an hết nhìn Thái Hậu lại quay sang Thu Đào.
Nhận ra nét bối rối của cha, Thu Đào khẽ lay gọi:
- Cha! Lê Mỹ Nhàn là ai?
Sực tỉnh, Nguyễn Đức Trung ấp úng nhìn con gái:
- Là.. là.. là thê tử của một bằng hữu, đã nhiều năm không gặp..
- Vậy à?
Thu Đào gật gù nhưng trong lòng không khỏi thắc mắc vì sao Thái Hậu gặp mình lại nghĩ đến người đó, nàng nghiêng đầu bạo gan hỏi tiếp:
- Thái Thậu, vì sao Người nhìn tiểu nữ lại nhớ đến Lê Mỹ Nhàn đó?
Nguyễn Đức Trung tái mặt trước câu hỏi đánh trúng điểm chí mạng trong câu chuyện cuộc đời nàng, ông hốt hoảng quở trách:
- Thu Đào không được vô lễ, con không được tự tiện hỏi chuyện của Thái Hậu!
Một người cha luôn ôn hòa dịu dàng nay lại nghiêm khắc một cách khó hiểu làm Thu Đào thoáng giật mình, nàng cúi đầu nhận lỗi nhưng không khỏi than thầm cho cái thời đại phong kiến lắm quy củ này, đến cả hỏi một câu đơn giản mà cũng phải xem vai vế thân phận mới được hỏi nữa!
Sự hoang mang của Nguyễn Đức Trung làm Thái Hậu ánh mắt khẽ động như vừa khai đại ngộ, nhận ra suy đoán của mình mười phần đã chắc chín, bà dùng nét mặt lãnh đạm vui buồn khó phân định nhìn Nguyễn Đức Trung thêm một lượt, đoạn đến gần Thu Đào cầm xấp nữ tắc trên bàn lên xem, như thể bà chẳng còn để ý gì đến câu chuyện của Lê Mỹ Nhàn nữa.
Thấy đã đến màn "xét duyệt bài tập" hồi hộp nhất của buổi gặp gỡ hôm nay, Thu Đào tim đập thình thịch theo mỗi tiếng "xoẹt, xoẹt" của những tờ giấy dưới tay Thái Hậu, thầm cầu mong cho mớ giấy đó của Lê Tuấn có thể cứu mình khỏi một kiếp nạn. Vì chẳng may Thái Hậu phát hiện ra điều gian lận, thì đừng nói là chép thêm mười quyển nữ tắc mà kể cả bị cấm túc suốt những ngày Tết Nguyên Đán cũng có thể lắm!
- Phịch!
Cả xấp giấy bị Thái Hậu giằng xuống mặt bàn phát ra âm thanh của sự tức giận làm Thu Đào giật nảy lên, nàng lấm lét định nhìn lên quan sát thái độ của Thái Hậu thì đã phải đón nhận lời chất vấn của bà:
- Đây là nét chữ của một danh môn khuê nữ sao? Có phải ngươi muốn trêu đùa bổn cung?
Nguyễn Đức Trung thấy con gái đã chọc giận Thái Hậu liền bước tới cầm xấp giấy lên xem thử. Những con chữ nét to nét nhỏ hỗn loạn, hàng ngũ rối rắm đập vào mắt khiến ông khẽ lắc đầu bất lực, đoạn chấp tay cầu xin:
- Thái Hậu bớt giận, nhưng thật sự là sau khi gặp nạn tỉnh lại thì tiểu nữ đã mất hết ký ức, không còn là Thu Đào trước kia nữa. Hiện nay đến chữ nghĩa tiểu nữ đọc cũng không được là bao, nên quả thật không thể nào viết được! Xin Thái Hậu soi xét!
Thu Đào tuy có hơi hoảng hốt trước sự phẫn nộ của Thái Hậu, nhưng đang có cha bên cạnh nên nàng rất yên tâm. Hơn nữa, xấp giấy chép nữ tắc nét chữ như vẽ giun kia lại là một sự sắp xếp hợp lý của Lê Tuấn, vì một kẻ mù chữ như nàng làm sao có thể viết đẹp được? Thay vì cứ cố tình giấu diếm thì Thu Đào quyết định nói thật:
- Bẩm Thái Hậu, quả đúng như cha đã nói. Tiểu nữ đã cố hết sức rồi, lắm lúc cứ nhìn nét mà vẽ theo chứ thật tình chẳng biết nó là chữ gì nữa! Hơn nữa..
Thu Đào ngập ngừng ngước lên nhìn Thái Hậu, ánh mắt bà như chờ đợi:
- Hơn nữa thế nào?
Thu Đào dùng thái độ cung kính có thêm chút nịn bợ trong đó, mong sẽ thoát được ải này:
- Hơn nữa đây không phải chỉ do một mình tiểu nữ chép! Thái Hậu anh minh chắc chắn đã đã nhìn ra, Thu Đào không muốn nói dối Người. Thật ra Hoàng Thượng đã có giúp tiểu nữ tìm người cùng chép mới đủ mười quyển thế này!
Nguyễn Đức Trung nghe con gái thú nhận xong thì mặt xanh như tàu lá quỳ sụp xuống bên cạnh Thu Đào, á khẩu không nói được câu gì.
Thái Hậu cười nhạt, chậm rãi nói:
- Ngươi thành thật lắm đấy!
Đoạn bà liếc mắt sang Nguyễn Đức Trung lệnh cho cả hai đứng lên, Thái Hậu phất tay áo quay lưng lại bước từng bước đến bên chiếc ghế giữa sảnh điện, tay ra hiệu cho tỳ nữ mang ra một bức họa trao tận tay Nguyễn Đức Trung:
- Bức họa này bổn cung vô tình nhặt được lúc về thăm Tây Kinh. Nghĩ đây là di vật còn sót lại của bằng hữu Nguyễn đại nhân nên mang về cố tình giao lại cho ông!
Im lặng vài giây để quan sát thái độ của đối phương, rồi ánh mắt Thái Hậu rơi trên người Thu Đào, bà hạ lệnh trong sự ngỡ ngàng của hai cha con Nguyễn Đức Trung:
- Tú nữ Thu Đào tuy chưa hiểu quy tắc nhưng có tính thành thật, lại từng có công báo tin dẹp loạn ở trận Bồn Man, bổn cung cho phép xóa bỏ cấm túc để cùng đón năm mới. Từ nay về sau phải cẩn trọng ngôn hành, nếu không sẽ phạt nặng!
Vốn tưởng Thái Hậu sẽ đùng đùng nổi giận và tai họa lại sắp giáng xuống đầu, ngờ đâu lại được tha bổng một cách dễ dàng nên Thu Đào bất ngờ lắm. Vừa mừng vừa sợ mình nghe lầm, nàng lắp bắp hỏi:
- Người.. Người tha cho tiểu nữ.. thật sao?
Thái Hậu nét mặt nghiêm nghị hỏi lại:
- Vậy ngươi muốn bị phạt tiếp mới đúng phải không?
- Không.. bẩm Thái Hậu.. không ạ, xin tạ ơn Thái Hậu! – Thu Đào mừng rỡ cúi đầu nói.
Riêng Nguyễn Đức Trung thì trong lòng ngập tràn bất an, ông cười gượng gạo cùng con gái quỳ xuống bái tạ mà không ngừng tự hỏi:
- Lẽ nào lại dễ dàng thoát nạn? Thái Hậu không muốn diệt cỏ tận gốc sao? Hay là muốn bù đắp cho tội lỗi ngày xưa nên tha cho huyết mạch của họ Nguyễn?
Thu Đào mặt mày hớn hở đỡ cha đứng dậy, vì niềm vui thoát được ải cấm túc dài hạn nên nàng chẳng mảy may chú ý đến việc của Lê Mỹ Nhàn thần thần bí bí kia, càng không chú ý đến vẻ lo âu trên gương mặt Nguyễn Đức Trung. Trong lòng nôn nóng muốn chạy như bay đến bên cạnh Lê Tuấn để nói tiếp việc bố trí thị vệ bên cạnh chàng, Thu Đào bèn vội vàng xin cáo biệt Thái Hậu và cùng cha lui ra. Lúc Nguyễn Đức Trung quay lưng, Thái Hậu còn nhắc nhở thêm:
- Bổn cung đã lâu không gặp phu nhân, đêm giao thừa Nguyễn đại nhân hãy đưa cả phu nhân vào cung dự yến để chúng ta có dịp hàn huyên.
Hiểu được thâm ý của Thái Hậu muốn dùng vợ con để uy hiếp mình, Nguyễn Đức Trung lòng rối như tơ vò nhưng vẫn phải cố tỏ vẻ thản nhiên trước mặt Thu Đào, ông chấp tay đáp lễ:
- Xin nghe theo Thái Hậu dặn dò!
Hai cha con bái biệt Thái Hậu rồi dắt nhau rời khỏi Thọ Khang Cung.
Bóng người vừa khuất, Thái Hậu liền bước đến bên cạnh Châu Khâm vẫn đứng túc trực gần bức rèm ngăn cách sảnh chờ và tẩm điện. Bà nhìn ra cửa trông theo hướng đi của Thu Đào và hỏi lại một lần nữa để nghe được lời xác nhận của Châu Khâm:
- Ngươi cũng nhận ra gương mặt đó đúng không?
- Bẩm Thái Hậu, giống đến tám chín phần! Nếu không phải mẹ con ruột thì e rằng trên đời có người nào lại vô duyên vô cớ giống nhau đến thế! – Châu Khâm cúi đầu đáp.
Dường như muốn thêm phần chắc chắn, Thái Hậu lại chất vấn thêm:
- Ngươi gặp được Lê Mỹ Nhàn được mấy lần? Dựa vào đâu để bổn cung tin được lời ngươi nói là đúng?
- Bẩm Thái Hậu, thần khi ấy đã mười sáu tuổi, lại hằng ngày theo cha đến chẩn mạch an thai cho hai vị phu nhân suốt nửa năm, chắc chắn không thể quên được gương mặt của ngũ phu nhân được!
Thái Hậu nghe xong mỉm cười hài lòng, bà cầm tách trà lên uống cạn rồi cười khẩy nói với Châu Khâm:
- Nguyễn Trãi! Ông lại giúp bổn cung rồi!
Hai tiếng "Nguyễn Trãi" xuyên qua lần cửa mỏng manh lọt vào tai người thị vệ đứng gác ngoài thềm. Ánh mắt hắn trợn trừng kinh ngạc rồi vội vã nhìn ra cánh cổng Thọ Khang Cung - nơi người con gái hắn quan tâm vừa bước qua được chưa đầy một khắc trước.
* * *
Nắng vàng rực rỡ soi bóng hai người in xuống thảm cỏ xanh mướt, Thu Đào đi bên cạnh cha không ngừng kể về việc bị Ngọc Tú cố tình vu oan rồi bị cấm túc, cả những nỗi cô đơn khi phải xa gia đình, đứa em gái ruột cùng tiến cung lại không mấy thân thiện với mình.
- Cha à, có phải sau khi bệnh nặng tỉnh dậy con không giống Thu Đào lúc trước nên Thu Hằng xa cách với con không?
Nguyễn Đức Trung nhìn con gái an ủi:
- Không phải vậy đâu, Thu Hằng vốn ít nói, hai chị em con trước kia cũng thế thôi. Một đứa yêu thích cầm kỳ thi họa, một đứa dù có thiên phú văn chương nhưng chỉ thích cưỡi ngựa bắn cung. Khó trách cả hai không thân thiết như những cặp song sinh khác!
Thu Đào nghe xong nụ cười trên môi bỗng nhạt dần rồi tan hẳn. Phải rồi, nàng vốn là Trà My mà! Có lẽ kẹt lại ở đây quá lâu, sống với thân phận này quá lâu nên nhất thời quên đi bản thân mình là ai. Nàng và Thu Hằng căn bản là chẳng có quan hệ gì, khó trách khi gặp nàng ta thì luôn có cảm giác xa cách. Nhưng nếu không phải là Thu Đào, thì tại sao trong đầu lại có đoạn ký ức một thời vui vẻ của Lê Hạo và Thu Đào? Câu hỏi này cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện khiến Thu Đào thấy hoang mang lắm, đôi khi cảm thấy chính là bản thân mình đang trở về đây để sửa chửa sai lầm của vài trăm năm trước, nhưng khi nhớ ra mình vốn là Trà My thì chỉ muốn làm một người ngoài cuộc của cục diện rối rắm này.
Muôn vàn điều thắc mắc bủa vây tâm trí khiến đôi mày Thu Đào chau lại, ánh mắt xa xăm nghĩ ngợi của nàng làm Nguyễn Đức Trung bỗng thấy thương hại vô cùng. Ký ức ngày xưa như một thước phim sống động hiện ra trước mắt, ngày ông cướp ngục cứu hai vị phu nhân đang mang thai, ngày mà hai chị em Thu Đào chào đời cũng chính là ngày đứa con gái ruột kia của Nguyễn Đức Trung vừa lọt lòng mẹ đã không còn hơi thở..
Nguyễn Đức Trung chớp chớp đôi mắt đỏ hoe, ông ngửa mặt lên trời để ngăn dòng lệ, đoạn nhìn Thu Đào dịu dàng nói:
- Con và Thu Hằng đều là hai viên ngọc quý của cha. Dù có xảy ra chuyện gì thì hai con mãi mãi là con của cha, cha sẽ bảo vệ cho hai đứa thật tốt!
Lời nói sâu lắng phát ra từ trái tim đã đánh động cảm xúc của Thu Đào. Lạc vào một thế giới xa lạ làm sao tránh khỏi cảm xúc bơ vơ lạc lõng, nhưng vì có Nguyễn Đức Trung đã khiến nàng luôn cảm thấy có chỗ dựa tinh thần vững chải, không biết từ lúc nào Thu Đào đã có cảm giác kính yêu ông như một người cha thật sự. Khẽ nắm lấy tay cha, Thu Đào thỏ thẻ:
- Cha yên tâm, sau này con sẽ cẩn trọng ngôn hành để không gây họa làm cha lo lắng nữa! Con và Thu Hằng ở trong cung sẽ chăm sóc lẫn nhau mà!
Nguyễn Đức Trung thấy con gái ngoan ngoãn hiểu chuyện thì trong lòng cũng được an ủi phần nào, ông tạm gác nỗi muộn phiền vuốt tóc con hỏi han:
- Sau hôm ở Diên Ninh Cung, con và Ngọc Tú tiểu thư không còn việc gì nữa chứ? Nhớ phải nhường ba bước, lui ba bước, mọi việc có Hoàng Thượng và Thái Hậu làm chủ, con không được làm càn nghe chưa?
- Xin nghe lời cha dạy! – Thu Đào cúi đầu ngoan ngoãn đáp.
Nguyễn Đức Trung cười xòa đỡ lấy tay con gái rồi cả hai cùng rẽ sang con đường tiến ra Nam Môn.
Dưới ánh nắng chiều dịu nhẹ, Thu Đào vừa đi vừa ngắm hai hàng hoa vàng đượm dọc đường. Bỗng ở giữa hai chiếc bóng thình lình xuất hiện một cái đầu thứ ba lướt ngang rồi khuất hẳn sau bóng râm của bờ tường ngăn cách Thọ Khang Cung và Tú Xuân Điện. Thu Đào quay lại theo phản xạ bình thường của bất kỳ ai khi cảm thấy mình bị theo dõi. Thấy Thu Đào có hành động lạ, Nguyễn Đức Trung cũng hướng mắt về phía nàng đang nhìn và hỏi:
- Có chuyện gì?
Thu Đào tò mò quá đến nỗi quên cả trả lời cha, nàng ngó nghiêng một lúc rồi bước hẳn đến chỗ ngã rẽ nơi bức tường che khuất để xem kẻ nào đang rình rập mình. Nhưng lạ thay khi đến nơi chỉ thấy trơ trọi gốc mộc miên (*) trụi lá, một con mèo nhỏ đang nằm trên nhánh cây to nhất bị bước chân của Thu Đào làm cho giật mình bỏ chạy.
Nguyễn Đức Trung chạy theo đến bênh cạnh Thu Đào lại hỏi:
- Đã có chuyện gì?
Thu Đào chỉ tay theo hướng con mèo vừa bỏ chạy nói:
- Con cảm giác nãy giờ có ai đó đang theo dõi chúng ta. Nhưng.. có lẽ con đã nhầm, chỉ là bóng của con mèo này thôi!
Nguyễn Đức Trung nhìn quanh chẳng thấy ai nhưng linh tính mách bảo rằng có khả năng nhất cử nhất động của cả nhà ông đang bị Thái Hậu theo dõi sát sao. Ông nắm chặt bức tranh vẫn cầm khư khư trên tay, nhìn bức tranh đã ngã màu vàng úa Nguyễn Đức Trung lại nhớ chuyện xưa. Hơn mười lăm năm trước, trong một lần đến thăm phủ đệ của Nguyễn Trãi ở gần Tây Kinh, chính mắt ông đã chứng kiến quá trình bức chân dung mỹ nhân này được Nguyễn Trãi vẽ ra. Nay tìm được vật này thì chắc chắn thân phận của Thu Đào đã bại lộ. Nóng lòng muốn trở về phủ để xem Thái Hậu đã nhắn điều gì trong bức tranh, Nguyễn Đức Trung lôi tay Thu Đào mà giục:
- Ta đi thôi! Cha phải về kẻo trời lại tối mất!
Thu Đào chưa hết hồ nghi, nàng đảo mắt một lượt nữa nhưng dường như chẳng có gì bất thường nên đành quay lưng cùng cha đi tiếp.
Tiếng bước chân của hai người xa dần..
Không gian trở lại yên lặng, con mèo nằm vắt vẻo trên cành mộc miên cũng cảm giác chẳng ai buồn đuổi bắt nó nên lại ung dung nằm liếm láp.
Bên kia bức tường, nửa gương mặt từ từ ló ra, hắn dõi theo bóng lưng Thu Đào đang dần thu bé trong đáy mắt, nhủ thầm:
- Nàng quả nhiên không hay biết điều gì. Yên tâm, ta sẽ không để ai làm hại nàng đâu!
* * *
Tiễn Nguyễn Đức Trung ra cửa Nam Môn xong, Thu Đào định bụng sẽ đến Thừa Càn Cung xin gặp Lê Tuấn. Nàng nhìn lại bản thân từ trên xuống dưới, đưa tay vuốt lại mái tóc, chỉnh trang y phục cho ngay ngắn định đi ngay. Chưa được mấy bước thì giọng kêu quen thuộc của Xuân Mai vọng tới làm nàng phải đứng lại.
- Đại tiểu thư! Đại tiểu thư!
Xuân Mai hối hả từ phía Quảng Hằng Các chạy lại vui vẻ chụp lấy cánh tay Thu Đào nói:
- Chúc mừng tiểu thư đã hết bị cấm túc!
- Tin tức của em cũng nhanh quá há! – Thu Đào híp đôi mắt lại, búng vào mũi Xuân Mai tinh nghịch mà khen đểu.
Xuân Mai cười xòa để lộ chiếc răng khểnh đáng yêu mà rằng:
- Không như thế làm sao xứng làm cung nữ bồi giá cho cô!
- Quỷ nhỏ! – Thu Đào véo nàng ta mà mắng yêu.
Rồi nhớ ra việc mình cần làm và cảm thấy không tiện dắt theo Xuân Mai, Thu Đào hỏi dò:
- Em chạy ra tận đây tìm ta là chỉ để chúc mừng thôi đấy hả?
- Đúng vậy! Nhưng cũng là muốn giúp Kim Ngọc tiểu thư đi tìm cô về cho sớm!
Nghe nhắc đến Kim Ngọc, Thu Đào mới sực nhớ ra từ tối đêm qua sau khi uống say đã không gặp lại nàng ta, không biết bây giờ ra sao rồi, có vì quá hoảng sợ mà đổ bệnh ra không? Nữ nhi thời cỗ cứ cái kiểu liễu yếu đào tơ như vậy ấy mà. Nàng chớp mắt nhìn Xuân Mai hỏi:
- Kim Ngọc tìm ta có việc gì?
- Nàng ấy không nói rõ. Nhưng từ sáng đến giờ Kim Ngọc tiểu thư bị sốt không ra khỏi phòng, đến chiều mới sai cung nữ chạy sang tìm cô nhưng không gặp.
Thoáng nghe qua Kim Ngọc đang bị sốt, Thu Đào cảm thấy có lỗi vì đã rủ rê nàng ta hết uống rượu lại leo lên mái ngói mà hứng sương hứng gió. Nàng nhìn về phía Thừa Càn Cung do dự một lúc, nghĩ bụng để đến tối mới đi tìm Lê Tuấn vẫn không muộn. Cứ thế, Thu Đào cũng Xuân Mai trở về Quảng Hằng Các tìm gặp Kim Ngọc.
Thật ra số mệnh của mỗi con người là một sự sắp đặt kỳ diệu. Cả một đời ta nên gặp ai, nên gặp chuyện gì dường như đã được định trước cả, có muốn né tránh hoặc cố tình thay đổi cũng không được. Cũng như Trà My vậy, rõ ràng biết rõ số mệnh bi thảm của Lê Tuấn nên ba lần bảy lượt tìm cách cảnh báo cho chàng, nhưng hết lần này đến lần khác đều bị việc khác chen vào ngăn cản, mà chính Trà My cũng chẳng nhận ra bản thân mình đang bị dòng chảy định mệnh cuốn trôi..
* * *
Nguyễn Đức Trung trở về phủ Điện Tiền thì giam mình trong thư phòng suốt mấy canh giờ. Cố nén tiếng thở dài, ánh mắt ông xa xăm cứ mãi suy nghĩ về nội dung bức tối hậu thư chiêu hàng được Thái Hậu bí mật để trong tranh.
Một là, quy thuận Thái Hậu, cùng chiến tuyến chống lại thế lực của Lê Hạo và Đinh Liệt, thì Thu Đào và Lê Tuấn sẽ được nên duyên theo ý nguyện. Nhưng nếu làm như vậy, khác nào phản bội lại Ngô phu nhân – người được ân nhân Nguyễn Trãi hết lòng cứu giúp, hơn nữa nếu chống lại Lê Hạo thì Thu Hằng phải làm sao?
Hai là, thân phận con gái tội thần của Thu Đào sẽ bại lộ, tội danh bao che cho kẻ giết vua treo trên đầu thì e là sẽ có thêm một thảm án tru di!
Suốt mười lăm năm, vì bảo mật tuyệt đối tung tích đứa con gái duy nhất còn sống sót của Nguyễn Trãi mà vợ chồng Nguyễn Đức Trung đã tráo đổi thân phận của Thu Hằng và Thu Đào, giấu diếm cả mẹ con Ngô Tiệp Dư, khiến Ngô Tiệp Dư bao năm nay vẫn không biết thật sự ai là con gái của Nguyễn Trãi. Nào ngờ hôm nay chỉ vì dung mạo của Thu Đào mà mọi chuyện bại lộ. Quả thật, ý trời khó đoán!
Cầm bức họa chân dung Lê Mỹ Nhàn, Nguyễn Đức Trung ngẩng mặt lên trời mà than:
- Nguyễn Đại Nhân, ngũ phu nhân! Đức Trung phải làm sao mới đúng đây?
* * * Hết chương 38 ----
Chú thích:
1. (*) Mộc miên: Cây hoa gạo.