Hồi Đáo Lê Triều

Chương 5: Chàng Là Ai




Trở về phòng sau cuộc nói chuyện với Thu Hằng, Thu Đào thấy đầu óc mơ hồ, nhất thời chưa tiếp nhận nỗi "thân thế" quá lớn của Sỹ Thành phiên bản Lê Hạo này! Hèn gì nghe hai chữ "Lê Hạo" đã có cảm giác ngờ ngợ rồi. Hoàng tử Lê triều phải cùng mẹ đến chùa sinh sống từ nhỏ còn ai khác hơn ngoài Lê Thánh Tông!

Lúc này, Thu Đào triệt để tin tưởng rằng thật sự có luân hồi chuyển kiếp, chẳng trách Sỹ Thành của cô lại thành đạt khi tuổi đời còn rất trẻ, thần thái khí chất của anh cũng hơn hẳn người thường, và có lẽ Lê Hạo hiện tại chính là Sỹ Thành của sáu trăm năm sau. Và cũng vì cảm giác của nàng khi gặp Lê Hạo, trái tim cũng loạn nhịp như khi gặp Sỹ Thành vậy, vừa yêu vừa hận, nếu không phải cùng một người, không phải do nhân duyên truyền kiếp, thì lấy đâu ra linh cảm như thế này!

- Sỹ Thành, có phải là anh đấy không? Giữa chúng ta còn có thể nào không?

Thu Đào thiếp đi với bao nỗi niềm chất chứa.

* * *

Hôm nay là ngày đầu tiên Thu Đào trở lại lớp học sau khi khỏi bệnh. Đối với mọi người thì là "trở lại lớp học", nhưng với Thu Đào thì là "ngày đầu tiên đi học". Vốn rất háo hức xem lớp học của trường Quốc Tử Giám ra sao, trong lớp học thời tôn sùng nho giáo họ đã dạy các sĩ tử những gì vv, với Trà My - Thu Đào phiên bản lậu này thì đây là một việc vô cùng thú vị, có chết cũng phải đến xem thử.

Nhớ ra việc trọng đại này, Thu Đào lập tức ngồi dậy, làm tì nữ Xuân Mai vốn đang đứng chuẩn bị khăn lau mặt giật nảy người:

- Đại tiểu thư dậy rồi, cô làm em giật cả mình!

Thu Đào hào hứng trả lời:

- Tốt lắm! Thì ra osin ngày xưa chăm chỉ như vậy, mình không còn cần báo thức nữa! Mau, mang quần áo đến cho ta!

Nói xong Thu Đào bước nhanh đến đón lấy chiếc khăn nhúng vào nước lau mặt, và khoái chí cười phá lên khi thấy vẻ mặt cô hầu gái ngẩn ngơ nhẩm lại mớ từ vựng "trên trời" lần đầu được nghe:

- Ố sin.. báo thức gì?

Cô hầu gái mang đến một bộ quần áo được xông hương thơm ngát, lễ phép mời Thu Đào đến thay như một tháng nay cô ta vẫn làm. Nhưng hôm nay đặc biệt có nhiều phụ kiện kèm theo, nào là thắt lưng, áo trong áo ngoài, Thu Đào lay hoay mãi vẫn không biết cái nào nên mặc trước, cái nào nên mặc sau. Cô hầu gái che miệng cười rồi đón lấy bộ quần áo vừa giúp Thu Đào mặc vừa giải thích:

- Nói ra thì hôm nay là ngày đầu tiên cô ra khỏi phủ từ khi khỏi bệnh nhỉ, cô xem này, áo mặc trong thì mỏng và dài hơn, sắp vào Thu nên cô phải mặc thêm một lần áo lót cho ấm, rồi mới đến áo trong. Kiểu áo này thì cô thắt lưng xong mới đến mặc áo lụa bên ngoài..

Thu Đào thích thú lắm, cô chú ý nghe từng lời cô hầu gái hướng dẫn. Trang phục của quý tộc Hậu Lê hóa ra là thế này. Tuy hôm nay là đồng phục đi học, màu xanh da trời nhạt giản dị, nhưng chất liệu vãi rủ mềm, trông Thu Đào thật thướt tha tươi tắn.

Thu Đào ngắm mình trong chiếc gương đồng và mỉm cười thầm nghĩ:

- Thật ra nếu mình là con nhà tài phiệt ở thế kỷ 21 thì chắc mình cũng xếp vào hàng mỹ nhân như bây giờ cũng nên!

Cô hầu gái đứng kế bên buộc miệng khen:

- Đại tiểu thư nhà ta quả nhiên xinh đẹp! Từ lúc cô bệnh dậy em trông thần thái cô tuy có khác một chút, nhưng vẫn là cô trời sinh tướng mạo xinh đẹp!

Thu Đào vui trong lòng vỗ vai trêu đùa cô hầu gái bằng một câu mà cô biết chắc nghe xong em ấy sẽ lại ngẩn tò te lẩm bẩm lại "từ vựng" tiếp:

- Giỏi, để ta nói cha tăng lương cho!

Và quả nhiên Thu Đào đã bước ra khỏi phòng với nụ cười khoái chí vì bộ mặt ngẩn ngơ của cô hầu gái:

- Tăng.. lương?



* * *

Thu Hằng ngồi trước gương, cẩn thận căn dặn người hầu thắt chiếc nơ trên đầu ngay ngắn, kết bím tóc thật đều tay. Nàng còn tự tay kẻ mày lá liễu sao cho yểu điệu, dặm thêm phấn cho hai má ửng hồng. Hôm nay đối với nàng cũng là một ngày rất quan trọng, kể từ lúc Thu Đào ốm dậy thì xem như là lần đầu Thu Đào và nàng cùng xuất hiện trước mặt Lê Hạo. Nàng tự nhủ không được để thua kém Thu Đào lần nữa trong mắt chàng. Từ nhỏ tuy không được khen ngợi nhan sắc nhiều như Thu Đào, nhưng Thu Hằng cũng là một mỹ nhấn hiểu biết lễ nghĩa, đoan trang và có học vấn. Huống hồ Thu Đào của hiện tại cũng không còn văn võ song toàn như trước, Thu Hằng cũng vì vậy tự tin hơn trước rất nhiều. Nàng hài lòng ngắm mình trong gương lần nữa rồi cũng ra khỏi phòng.

* * *

Trong tẩm điện của Lê Nhân Tông hoàng đế.

Lê Tuấn đang vội vàng thay bộ đồng phục xanh lam của trường Quốc Tử Giám, thái giám thân cận Đào Biểu chỉnh sửa thắt lưng cho chàng và than:

- Hoàng thượng lo việc nước vất vả nhiều rồi, sao không tranh thủ nghỉ ngơi mà đến Quốc Tử Giám thị sát làm gì nữa?

Lê Tuấn thân mật như đang trả lời với người thân trong gia đình:

- Ta biết ngươi lo cho ta còn hơn cả mẫu hậu, nhưng ta cũng là vì tìm kiếm nhân tài cho triều đình thôi..

Từ ngoài cửa, giọng nói của Tuyên Từ thái hậu vang lên cắt ngang lời của Lê Tuấn:

- Tìm kiếm nhân tài hay tìm kiếm mỹ nhân về lập làm cung tần?

Thái Giám Đào Biểu chấp hay tay ngang đầu cúi chào:

- Đức Thái Hậu vạn phúc!

Nói xong bèn ý tứ cáo lui.

Lê Tuấn cúi chào mẹ:

- Mẫu hậu vạn phúc!

Tuyên Từ thái hậu hỏi Lê Tuấn:

- Gần đây hoàng thượng hay đến Huy Văn Tự gặp mẹ con Ngô Tiệp Dư đúng không, nếu tình cảm anh em đã tốt như vậy chi bằng đón hẳn về cung, dù sao cũng đường đường là hoàng tử và thái cung tần (*), ở bên ngoài lâu không tốt cho danh tiếng hoàng tộc.

Lê Tuấn vui mừng vì sau bao năm rốt cuộc thái hậu đã chấp nhận quên đi hiềm khích cũ, đồng ý đón hai mẹ con Ngô Tiệp Dư về cung, chàng chấp tay ngang đầu cảm tạ mẹ:

- Đa tạ mẫu hậu, nhi thần biết người vốn nhân từ, sẽ không nhớ chuyện cũ, ngày mai con lập tức truyền chỉ đón Ngô Tiệp Dư và tứ đệ về cung.

Tuyên Từ thái hậu xoa đầu Lê Tuấn:

- Con trai của ta lòng dạ lương thiện, nhưng con phải luôn có lòng đề phòng các huynh đệ, không phải ai cũng như con, hoàn toàn không mưu tính tranh đoạt ngôi vị!

Lê Tuấn nắm tay mẹ đảm bảo:

- Hiện nay đại cục đã định, ai muốn thay đổi cũng khó lòng phục chúng, huống hồ tứ đệ với con có tình thủ túc, tứ đệ nhất định không có lòng riêng, mẫu hậu cứ yên tâm!

Tuyên Từ thái hậu cười cho qua, rồi hỏi tiếp:

- Vậy còn vị mỹ nhân con định tấn phong thì sao? Khi nào cho mẹ gặp mặt đây!

- Mẫu hậu nhất định sẽ rất thích nàng, chính là đại tiểu thư của Nguyễn Đức Trung đại nhân, nhi thần tình cờ xem tranh vẽ nàng, nhưng dung nhan thật của nàng còn xinh đẹp hơn nhiều!

Thái hậu nhắc nhở con trai:

- Xưa nay hồng nhan họa thuỷ, con chớ nên quá si mê nhan sắc!

- Nhi thần cẩn tuân mẫu hậu giáo huấn!

Lê Tuấn chấp tay ngang đầu cuối chào Tuyên Từ thái hậu.

Lê Tuấn trong lòng phấn khởi, chàng bước thật nhanh chỉ mong mau chóng đến báo tin vui cho Lê Hạo.

Tuyên Từ thái hậu nhìn theo Lê Tuấn đến khi bóng chàng khuất sau tầng tầng lớp lớp những cánh cửa hoàng cung. Bà thầm nghĩ:

- Ở gần bên cũng tốt, ta dễ dàng đoán được tâm tư của mẹ con ả! Vì hoàng vị của con, mẹ bằng lòng đánh đổi tất cả!

* * *

Thu Đào và Thu Hằng cùng nhau bước vào cánh cổng ngôi trường nổi tiếng dưới thời Hậu Lê - "Quốc Tử Giám".



Vừa bước vào cổng trường, Thu Đào cảm thấy lồng ngực như muốn vỡ tung ra vì phấn khích và hạnh phúc. Ai có thể ngờ một con người của năm 2022 lại có thể bước vào nơi đây, ngôi trường nổi tiếng đào tạo ra một thế hệ văn nhân tài năng của đất nước, những con người đã dựng nên trang sử vàng của dân tộc. Ôi, cuộc sống này thật vi diệu làm sao! Một tháng nay Thu Đào gần như không còn muốn quay về thời đại của mình bởi nơi này đã quá sức hấp dẫn, cô như con chim bé nhỏ trong lồng nhìn ra thế giới bên ngoài rộng lớn, vừa khát khao trãi nghiệm, vừa sợ sệt dè chừng.

Khuôn viên trường rộng lớn gấp đôi phủ đệ, gồm hai dãy phòng học hình chữ U lồng vào nhau theo thứ tự trong cùng là chữ U nhỏ, chữ U lớn ở ngoài và cuối cùng là lớp tường bằng gạch nung đỏ, sơn son thiếp vàng đúng theo phong cách triều đình thời đại này. Giữa sân trường có một cái trống da trâu rất to được sơn màu đỏ, nó được đặt dưới gốc cột cờ. Thu Đào vui mừng liền ngẫng đầu lên để chiêm ngưỡng ngay lá cờ của triều đại rực rỡ nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Lá cờ được may viền hình vây lưng rồng màu đỏ xung quanh hình chữ nhật màu vàng. Ở giữa lá cờ là một vòng tròn nền trắng viền đỏ có ghi chữ Hán tự 黎 (Lê). Thật may mắn làm sao, dù không biết nhiều chữ Hán phồn thể nhưng với khả năng tiếng Hoa trung cấp Thu Đào cũng nhìn ra chữ "Lê", thì ra chữ Hán tự phồn thể dù đã cách gần sáu trăm năm vẫn không khác biệt là mấy - Thu Đào thầm nghĩ và cười thõa mãn!

Sân trường đã bắt đầu đông đúc hẳn lên, trang phục học trò màu xanh lam phấp phới nơi nơi.. trời xanh, mây trắng, nắng vàng.. lá cờ Lê Triều tung bay trong gió! Cảm xúc hoài cổ dâng trào, Thu Đào có cảm giác mình đang trở về nơi thân thuộc sau rất rất rất nhiều năm, nàng chẳng thể hình dung cảm giác ấy là gì, chỉ biết reo thầm cho thõa niềm vui sướng:

- Tuyệt! Tuyệt diệu!

Bỗng một giọng nói quen thuộc, ấm áp phát ra ngay bên cạnh:

- Nhìn thần sắc nàng phấn khởi như vậy, được quay lại học chắc vui lắm đúng không?

Thu Đào quay lại nhìn, Lê Hạo nở nụ cười hiền hậu chào nàng. Ôi cha mẹ ơi, đứng trước mặt mình bây giờ không chỉ là người thương, mà còn là vị vua nổi tiếng của triều hậu Lê, làm sao có thể giữ bình tĩnh được đây? – Thu Đào bối rối vô cùng, trong lúc chưa biết nên nói gì thì Thu Hằng đứng bên cạnh ánh mắt sáng lên khi thấy người thương, liền bước đến chào hỏi ngay:

- Hôm nay chàng đến thật sớm, chắc hẳn chàng đã hoàn thành bức tranh Ngô Tư Nghiệp giao phó, có thể cho ta mượn xem không?

Lê Hạo rút trong tay nải (*) ra một bức tranh trao cho Thu Hằng và đáp với thái độ rất giữ lễ nghĩa:

- Mời nhị tiểu thư!

Trái ngược với sự giữ kẽ dành cho Thu Hằng, chàng luôn nhìn Thu Đào bằng ánh mắt thân thương và lúc nào cũng chủ động bắt chuyện.

Gặp lại chàng ở đây, trong thân phận "khủng" như thế này, Thu Đào không chỉ còn yêu, mà bây giờ còn bị "kính nể" Lê Hạo, và rồi quá bối rối nàng đã trả lời một câu "chẳng ra làm sao":

- Đúng là ta rất vui vì được đến đây..

Nàng bỏ lửng câu nói và vội vàng đưa mắt nhìn nơi khác, phần vì chẳng biết nên mô tả thế nào cảm xúc trong lòng lúc này, phần vì đứng trước mặt Lê Hạo thật sự câu cú ngôn từ cứ bay đi đâu mất hết.

Thật may mắn, vào lúc khó xử ấy thì tiếng trống báo giờ Thìn vang lên. Thu Đào nhanh chóng nắm bắt cơ hội tự giải vây cho bản thân, nàng nhìn sang Thu Hằng hỏi:

- Giờ học đã đến rồi đúng không?

Mãi chú ý đến thái độ của Lê Tuấn đối với Thu Đào nên khi bất chợt bị hỏi Thu Hằng mới ấp úng nói:

- À, ờ đúng rồi, chúng ta đi thôi!

Lê Hạo nhìn thái độ cố tình né tránh của Thu Đào mà lòng ngổn ngang trăm mối, ánh mắt ngập tràn ý tứ của nàng lúc trộm nhìn mình, chàng không thể tin được là Thu Đào đã quên hết mọi việc. Nếu không có tình, thì ý trong ánh mắt ở đâu ra? Nếu không có ký ức, thì sao lại ngại ngùng né tránh không dám nhìn thẳng vào ta? - Lê Hạo tự hỏi.

* * *

Tạm gác lại những ưu tư về người yêu, Thu Đào háo hức chờ được gặp Ngô Tư Nghiệp.

Tiến bước chân ngoài cửa càng lúc càng gần, Thu Đào mãi miết nhìn ra cửa chờ đợi. Và rồi Ngô đại nhân đã xuất hiện, ngài tuổi ngoài 50, thân hình cao lớn, ít nhất cũng là 1m75 nếu tính theo thời hiện đại, gương mặt sáng, trán cao, bộ râu đen chỉ dài qua khỏi cằm không làm ngài già đi mà còn tô rõ nét chững chạc điềm tĩnh. Ngô đại nhân áo mũ chỉnh tề, tay cầm quyển sách và đoạn gỗ khoảng ba tấc, có lẽ dùng để gõ nhịp khi đọc thơ giống như Thu Đào thường thấy trong các bộ phim cổ trang. Thật đúng chuẩn văn nhân nho nhã! Thu Đào thầm khen và đang lên kế hoạch xin cho bằng được "chữ ký" của ngài, biết đâu khi trở lại năm 2022 đó sẽ là một báu vật vô giá!

Ngô Sĩ Liên bước vào lớp, ngài chấp tay ngang đầu hành lễ chào xong, cả lớp định ngồi xuống thì Lê Tuấn cũng vừa bước chân vào cửa lớp. Như một thói quen, tất cả mọi người vừa định đứng dậy hành lễ với Lê Tuấn, nhưng chợt nhớ ra điều gì nên lại thôi. Lê Tuấn cất tiếng chào cả lớp:

- Ta có công vụ nên đến hơi trễ, phiền Ngô Tư Nghiệp và các vị chờ lâu, thất lễ rồi!

Ngô Tư Nghiệp đưa tay về phía vị trí cạnh Thu Đào để hướng dẫn cho Lê Tuấn, vui vẻ đáp lời:

- Vẫn chưa muộn! Chỗ này, xin mời Lê công tử!

Thu Đào tròn mắt nhìn sang chỗ ngồi trống bên cạnh mình rồi nhìn Lê Tuấn đang bước đến gần. Vừa ngồi xuống bên cạnh nàng, Lê Tuấn đã lém lỉnh bắt chuyện:

- Xin thỉnh giáo văn tài của đại tiểu thư vang danh khắp Quốc Tử Giám vậy!

Thu Đào ngượng ngùng trả lời:

- Ta không biết vị Thu Đào tiểu thư trong lòng người trước kia tài giỏi thế nào, chỉ biết Thu Đào ta bây giờ một chữ bẻ đôi cũng không biết!

Lê Tuấn rất thích thú với cách trò chuyện tự nhiên hóm hỉnh của nàng, khác xa với dáng điệu e thẹn lễ giáo của các tiểu thư nhà quan mà chàng từng gặp. Rồi chàng cười tươi nói:

- Cho dù là vậy cũng không sao, có ta bên cạnh nàng sẽ mau chóng biết được nhiều chữ ngay thôi!

Nhìn gương mặt và nụ cười này, Thu Đào thấy vô cùng quen thuộc và ấm áp, cảm giác giống hệt lần đầu tiên gặp chàng ở ao sen trong phủ đệ. Bất giác nàng buộc miệng nói một mình:

- Mình đã gặp người này ở đâu rồi thì phải!

Lời hỏi bài của Ngô Tư Nghiệp cắt ngang dòng suy nghĩ của Thu Đào.



- Lần trước ta có ra đề làm một bài thơ thất ngôn bát cú về một loài hoa, chẳng hay các vị điện hạ, tiểu thư đã hoàn thành chưa?

Nhìn khắp lớp một lượt không thấy ai trả lời, Ngô Tư Nghiệp nói tiếp:

- Vậy ta xin được mời tứ điện hạ bắt đầu trước vậy!

Lê Hạo đứng lên đọc bài thơ "Hoa Sen Non" như thể xác nhận với Thu Đào về thân thế của chàng:

"Dìu dịu lam điền ngọc mới tương (1) *

Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương

Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc (2) *,

Chàm nhuộm nên màu tán chửa giương.

Lạt biếc mới khai mày Thái Mẫu (3) *,

Thắm hồng còn kín má Vương Tường (4) *.

Khách thơ hứng nghĩ hiềm (5) * chưa đủ,

Mười trượng hoa thì mười trượng hương!"

Đây chính là bài thơ "Hoa Sen Non" của Lê Thánh Tông mà Thu Đào - Trà My của thời hiện đại- đã dùng để thi vào trường cấp ba chuyên văn khi còn ở ghế nhà trường.

* * * Hết chương 5 ----

Chú thích:

1. Thái cung tần: Chỉ các vị cung tần của đời vua trước.

2. Tay nải: Túi vải để đựng vật dụng mang theo bên mình của người xưa.

3. Giờ Thìn: 7 đến 9h sáng.

4. (1) *: Ngọc xứ Lam Điền vừa mới ra

5. (2) *: Lá sen non như hình đồng tiền vừa mới đúc ra.

6. (3) *Thái mẫu: Dương Quý Phi thời nhà Đường, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc xưa.

7. (4) * Vương Tường: Vương Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc xưa.

8. (5) *Hiềm: E sợ