Đỗ Tam Nữu khó hiểu: "Miến thì có gì mà ngon."
"Miến bình thường thì không, miến con làm thì có." Lúc trước Đinh Phong Thu có nghe Đại Ni, Nhị Nha nói Tam Nữu nấu cơm rất ngon, còn bảo món gì nàng cũng dám nấu, Đinh Phong Thu còn nghĩ hai ngoại sanh nữ nói quá. Đến Trung thu năm ngoái và Tết năm nay, cả nhà Đinh Xuân Hoa mang lễ sang nhà ông, cơm trưa do Đinh Xuân Hoa nấu, hương vị ngon hơn đồ ăn nhà ông rất nhiều.
Mặc dù là thế, Đinh Phong Thu vẫn không tin tay nghề nấu nướng của bà khá lên là nhờ học hỏi Tam Nữu. Song nhìn bàn đồ ăn trong buổi tiệc lại mặt của Nhị Nha, Đinh Phong Thu đã hoàn toàn hiểu ra cái gì gọi là cơm có thể ăn bừa, lời không thể nói lung tung.
"Vậy nếu khó ăn thì đừng trách con đó." Tam Nữu nói lời khiêm tốn trước, dù sao mỗi người một ý. Nàng vô cùng thích các món ăn làm từ bột mì, vì thế đặc biệt nghiên cứu, một ngày ba bữa, Tam Nữu có thể nấu cả tháng đều không trùng lặp. "Phải rồi, Nhị cữu, hình như con thấy người có mua thịt lợn."
Đinh Phong Thu đáp: "Phải, đồ tể đó thừa một chút sườn sụn với xương sườn nên ta mua luôn, vậy con nấu hay để cữu nương con nấu?"
"Để con làm cho, một lát là xong rồi." Tam Nữu nháy mắt với Tứ Hỉ rồi liếc về hướng Vệ Nhược Hoài mấp máy môi, Tứ Hỉ lanh lẹ lập tức nhanh nhảu bảo: "Vệ thiếu gia, ngài muốn ra ngoài đi dạo một lát không?"
Dù cho bên người có Đặng Ất theo hầu, Vệ Nhược Hoài ngồi trong cửa hàng nhà người ta cũng không thoải mái cho lắm: "Được, ngươi dẫn đường đi."
Đêm qua Vệ Nhược Hoài nói "Thử xem!", Tam Nữu liên tưởng đến "Ăn thử xem!", thế là hôm nay mang một ít bột ngũ vị hương, mượn phòng bếp của nhà đồ tể để nấu gan lợn, còn lại một ít bột trên người vừa hay có thể dùng nấu cơm trưa: "Nhị cữu nương, bây giờ băm thịt lợn trước đã, ở đây có chỗ nào bán đậu phụ khô[1] thế? Để con đi mua."
[1] Đậu phụ khô (豆干).
"Để tỷ đi cho." Biểu tẩu của Tam Nữu đặt hành lá trong tay xuống, lau tay rồi đứng dậy ra ngoài. Đến khi nàng quay lại, hành lá đã được rửa sạch rồi thái nhỏ, trong lúc cữu nương Tam Nữu băm thịt, nàng nhồi bột mì rồi cắt thành sợi nhỏ. "Nấu miến sao?"
Tam Nữu gật đầu: "Biểu tẩu, tẩu nhóm lửa nồi kia luôn đi. Cữu nương, người xào thịt băm nhé. Đợi thịt đổi màu thì cho tỏi, gừng và đậu phụ khô thái hạt lựu vào, sau cùng thì cho tương đậu."
Rau quả mùa đông rất hiếm, cho nên cứ độ tháng Bảy tháng Tám khi rau quả chín, mọi nhà đều phơi hoặc muối rau, nhân dịp thời tiết tốt cũng sẽ làm tương đậu để mùa đông ăn dần. Ở nhà Tam Nữu cũng còn một hũ tương đậu chưa đụng đến, đoán chừng có thể ăn dần đến mùa làm tương đậu năm sau.
Thân thích trong nhà đều biết Tam Nữu nấu ăn ngon, Nhị cữu nương cũng không dám để nàng ra tay, nguyên nhân là vì Tam Nữu còn nhỏ, tay không đủ lực, nếu chẳng may bị dầu bắn lên mặt... Tam Nữu cứ thế trở thành tổng chỉ huy, đành phải kiễng chân nhìn vào trong nồi, ngửi thấy mùi thơm thì bảo: "Người thêm rượu gạo và xì dầu, muối với một xíu bột ngũ vị hương đi."
"Thế này là xong rồi sao? Cũng dễ mà, vậy để ta đi gọi Vệ thiếu gia về dùng cơm."
Tam Nữu quay mặt lại nhìn, hoá ra là Nhị cữu của nàng: "Còn thiếu chút nữa, chưa có dầu mỡ. Nhị cữu nương, người phi thơm chút hành thái nhỏ, cho tương vào rồi trộn đều, đợi nóng rồi múc ra, rưới thẳng lên miến. Điểm trọng yếu của trác tương miến chính là phần tương, chỉ cần tương ngon, chắc chắn sẽ có món miến ngon."
Còn không phải sau, miến cũng được làm thủ công hoàn toàn.
Lúc nấu miến sẽ cho một chút dầu để sợi miến không dính vào nhau. Tam Nữu sợ miến bị nguội nên cho xương sườn vào trong nồi nước rồi vớt bọt, trực tiếp hầm cùng.
Đinh Phong Thu gọi Vệ Nhược Hoài về, trong nhà đều tràn ngập mùi xương sườn, nhưng phần miến thì hơi nguội, cũng may là tương còn nóng, Tam Nữu cười nói: "Hôm nay để mọi người ăn thử trác tương miến lạnh."
"Có gì khác miến nóng không?" Vệ Nhược Hoài hỏi.
Tam Nữu lấp liếm: "Nhiệt độ khác nhau thì mùi vị khác nhau mà." Mọi người không biết nội tình, nghe vậy thì tưởng là thật, Đinh Phong Thu vừa ăn vừa bình phẩm, nào là hương vị thơm thế nào ngon ra sao, ai không biết còn tưởng ông đang ăn mỹ vị nhân gian.
Đỗ Tam Nữu quả thật không thể ở lâu hơn, sau khi ăn cơm xong thì ngồi vào trong xe ngựa của Vệ gia, mà dĩ nhiên đồ tể kia cũng bán cho Tứ Hỉ phần đầu lợn và nội tạng còn lại trong nhà mình.
Tứ Hỉ rất hào hứng: "Tam cô nãi nãi, ngày mai người có đi nữa không?"
"Ngày mai không đi, con cũng đừng đi, đợi ngày mốt đi." Tam Nữu thấy hắn khó hiểu. "Đồ ăn dù ngon nhưng ăn mỗi ngày sẽ chán, ngày mai con cứ tập trung làm việc trở lại, để hai tẩu tử của con lo đi, có ai hỏi con sao hôm nay không đến thì con cứ bảo làm đầu lợn rất khó, không nhanh được. Người ta sẽ cảm thấy bỏ mười hai văn tiền cũng đáng giá."
"Đây, đây là lừa đảo mà?" Tứ Hỉ phản đối, Tam Nữu vỗ vai hắn một cái. "Con thì biết cái gì, cái này gọi là nói dối có thiện ý, để người mua hàng thấy dễ chịu trong lòng hơn, ăn uống thoải mái hơn."
"Người mà cũng biết nghĩ cho người khác hả." Tứ Hỉ liếc nàng.
Tam Nữu trợn mắt nói: "Tuỳ con thôi, dù sao ta cũng không trông đợi mình sẽ kiếm tiền từ đầu lợn. Mấy ngày nữa ta sẽ lên huyện mua đại hồi, nếu nhà Nhị cữu có thì ta sẽ ghé nhà ông ấy, không có thì ta sẽ ghé nhà khác."
"Rồi rồi, con biết rồi." Tứ Hỉ mặc dù không đồng ý với lý lẽ của Tam Nữu, song vẫn làm theo lời nàng, ngày hôm sau hắn không đi bán hàng mà quay lại làm công.
Huyện Quảng Linh nói nhỏ không nhỏ, nói lớn không lớn, Tứ Hỉ vừa tới đã bị lão bản truy hỏi: "Thế ngươi định không đi làm công nữa sao?" Tứ Hỉ định gật đầu, nhưng nhớ ra Tam Nữu bảo hắn giao chuyện bán đầu lợn cho ba người tẩu tử, tiền kiếm được chia năm phần, hắn và mẫu thân mỗi người được một phần. "Không phải, là mẫu thân và tẩu tử của con làm, bọn họ không biết buôn bán thế nào nên bảo con qua đó giúp đỡ một chút."
Không ngờ lão bản lập tức đổi chủ đề: "Thế hôm nay mọi người bán ở đâu?"
Tứ Hỉ không rõ lão bản có ý gì, liền lấy mấy lời Tam Nữu đã nói để lấp liếm với ông ta. Quả nhiên, ông ta không nhắc đến nữa. Về đến nhà, Tứ Hỉ bèn tìm đến chỗ Tam Nữu, hỏi xem lão bản có ý gì.
"Đương nhiên là muốn ăn rồi, ngày mai con đi làm thì đưa ông ấy một cân, sau đó thì xin nghỉ nửa canh giờ, vờ như đi qua dạy Đại tẩu và Nhị tẩu con bán đầu lợn." Tam Nữu suy nghĩ một lát. "Lúc buôn bán con phải tinh ý, chớ vì một hai văn tiền mà đôi co với người ta, ví dụ như hai mươi mốt văn thì tính là hai mươi, hai mươi bốn văn thì bảo, 'Người mua nhiều, con lấy thêm cho người một chút', tiền bạc vẫn tính như cũ, con nhớ chưa?"
"Nhớ rồi, nhớ rồi." Tứ Hỉ lên tiếng, hắn nhìn nàng, muốn nói lại thôi. Tam Nữu cũng phớt lờ, nói thẳng với hắn. "Vậy con về đi, mẫu thân còn đang đợi con ăn cơm đó."
"À, Tam cô nãi nãi, đợi chút đã." Tứ Hỉ thấy nàng quay lưng lập tức hoảng hốt. "Nếu, nếu tẩu tử con gặp chuyện gì đó trong huyện thì có thể sang chỗ hai tỷ tỷ của người nhờ giúp đỡ được không?"
"Đại tỷ của ta thì thôi, con tìm tỷ ấy cũng vô dụng, có gì cứ tìm Nhị tỷ đi." Từ năm Đỗ Nhị Nha lên mười hai đã đánh nhau với bọn hài tử trong thôn không ít lần, có lần nàng dẫn Tam Nữu ra ngoài chơi, có một tiểu tử giật lấy thanh kẹo trong tay Tam Nữu, Tam Nữu còn chưa kịp phản ứng, ở đâu ra hài tử ngổ ngáo thế này? Nhị Nha đã đánh đến mức người ta khóc lóc van xin.
Phụ mẫu đối phương tìm tới Đỗ gia, Tam Nữu tưởng Nhị Nha sẽ biết sợ, ai ngờ nàng đã chặn người ta từ ngoài cổng, một tay chống nạnh chỉ bọn họ mà mắng: "Vừa hay đó là nhi tử các người, Tam Nữu nhà con suýt nữa đã bị hài tử của các người doạ cho mất hồn, con còn chưa đi tìm mọi người, mọi người còn tốt bụng tự đến, Tam Nữu còn nhỏ hơn hài tử nhà các vị hai tuổi luôn đấy, có thấy ngại không hả? Có biết ngại là gì không?! Tưởng là con không có ca ca thì nhà họ Đỗ không có ai..." Rồi nàng rướn họng gọi Đại bá, Nhị bá, đường ca. Cuối cùng phu phụ Đinh Xuân Hoa còn chưa xuất hiện, Nhị Nha đã giải quyết bọn người tìm tới cửa gây sự.
Từ đây Tam Nữu cũng rút ra kinh nghiệm, chỉ có tỷ ấy là có lý, không cần khách khí —— lấy bạo chế bạo.
Tứ Hỉ nhỏ hơn Nhị Nha ba tuổi, đương nhiên nắm rõ công tích vĩ đại của Nhị Nha. Lần sau om xong đầu lợn và lòng lợn, Tứ Hỉ cõng mẫu thân, mang sang cho Tam Nữu nửa miếng gan lợn. Đinh Xuân Hoa không muốn nhận, Tam Nữu bèn chìa tay ra.
Đợi Tứ Hỉ ra về, Đinh Xuân Hoa bèn búng lên trán Tam Nữu: "Nhà chúng ta thiếu thốn gì à? Thịt bò khô con làm còn chưa ăn hết, sao lại nhận gan lợn của nhà họ làm gì?"
"Con đã giúp Tứ Hỉ, nếu không nhận lễ thì nó sẽ bất an." Tam Nữu đưa cho mẫu thân. "Người lấy mà xào cho phụ thân ăn."
"Con tính đi đâu à?" Đinh Xuân Hoa thấy nàng cầm một cái rổ nhỏ. "Trời sắp tối rồi, đừng lên núi đấy."
"Con ra bờ sông đi dạo thôi." Trưa hôm nay, lúc Tam Nữu và mẫu thân đi giặt y phục ngoài bờ sông thì phát hiện trên cỏ có rất nhiều mộc nhĩ, nàng định đi hái thì bị mẫu thân sai sử khiêng y phục về.
"Tam Nữu tỷ tỷ, đệ đi cùng tỷ." Vệ Nhược Du cứ canh me, nhướng mắt thấy Tam Nữu cách đó không xa là co cẳng đuổi theo. Vệ Nhược Hoài thấy vậy thì hò hét ngay. "Nhược Du, đi làm gì đó? Về ngay." Nhưng động tác dưới chân không hề chậm hơn đường đệ. Đến khi đuổi tới trước mặt Tam Nữu, Vệ Nhược Hoài dường như cũng quên những lời mình vừa thốt ra.
Tam Nữu nào có ngờ hài tử hơn mười tuổi có lòng dạ ra sao, cho dù nàng biết cổ nhân vốn trưởng thành sớm, cũng không ngờ hài tử mười một tuổi đã suy nghĩ đến chuyện lập gia thất, chỉ nghĩ hai huynh đệ tò mò với đồ vật trong tay nàng: "Đây là mộc nhĩ mọc trên mặt đất, còn gọi là địa bì thái. Người ta nói rằng thứ này có tác dụng thanh nhiệt, cải thiện thị lực, bồi bổ khí lực, ta thì không rõ lắm. Hôm nay trời nhiều mây, mộc nhĩ mọc nhiều, đến lúc trời quang đãng, chúng sẽ co cuộn trên mặt đất. Nếu nhặt nhiều thì phơi khô rồi bảo quản, khi nào ăn thì ngâm vào nước nóng cho mộc nhĩ nở ra."
"Vậy thứ này ăn như thế nào?" Vệ Nhược Du chỉ tò mò chuyện này.
Tam Nữu cười bảo: "Làm trứng bác[2], chần qua rồi để nguội, hoặc hầm cùng xương sườn."
[2] Trứng bác (炒鸡蛋).
"Vậy tối nay tỷ nấu món này sao?" Vệ Nhược Du hỏi lại, Vệ Nhược Hoài nhìn nàng mong chờ, Tam Nữu thật muốn che mặt, hai huynh đệ này sống qua ngày ở kinh thành kiểu gì vậy.
Lời tác giả:Trứng bác xào mộc nhĩ siêu ngon luôn, có điều lúc rửa nấm cũng rất phiền phức, bên trong nấm siêu nhiều bùn đất vụn cỏ.