Hồng Phai Xanh Thắm

Chương 20: Như Lan bất bình




Bốn nha hoàn này đều khoảng độ mười tuổi, có hai đứa nhỏ hơn Minh Lan, hai đứa nữa thì lớn hơn. Tên lần lượt là : Nhị Nha, Chiêu Đệ, Tiểu Hoa và Nữu Tử. Thịnh lão phu nhân cười, nhường việc đặt lại tên mấy đứa cho Minh Lan. Việc này Minh Lan đã từng có kinh nghiệm, Tiểu Đào chính là do nàng đặt tên. Thôi thì bốn người này gọi luôn “Mận, Vải, Sơn Trà, Nhãn” là được rồi, đều là tên của các loại rau quả.

Đang muốn nói tiếp, Đan Quất đứng bên cạnh khẽ ho một tiếng, cười bảo: “Hai nha hoàn bên người cô Tư, tên gọi là Lộ Xung và Vân Tài. Nghe nói lấy từ trong sách ra, chả trách vừa dễ nghe lại vừa nho nhã.”

Tiểu Đào đứng bên cạnh Đan Quất tỏ vẻ uất ức với tên của mình bằng ánh mắt. Thịnh lão phu nhân và Phòng ma ma cũng giễu nàng bằng vẻ cười như có như không, làm nàng một phen buồn bực. Chỉ là thơ Đường thôi mà, có ai mà không biết đâu?

Cuống quá, Minh Lan vội vàng giở tập thơ ra, hai, ba lượt mới tìm ra được một bài, Cao Thiềm được rồi, có cả cao thủ Lý Bạch nữa? Dùng thơ Lý Bạch đi! Minh Lan bừng bừng khí thế đứng ở chính giữa, chỉ vào cô gái có dáng người hơi nhỏ: “Em tên là Yến Thảo.” Chỉ tiếp vào cô gái mảnh mai: “Em là Bích Ti.” Chỉ vào cô gái dịu dàng hay e thẹn: “Em là Tần Tang.” Cuối cùng cô gái dạn dĩ, nhanh nhẹn gọi là Lục Chi.

Đan Quất vẫn hay để ý, lập tức bước lên góp vui: “Cô chủ đặt tên thật hay, vừa dễ nghe lại đẹp nữa. Mà bốn em ấy đều là màu xanh, còn em với Tiểu Đào đều màu đỏ. Cảm ơn cô chủ đã coi trọng hai đứa vụng về bọn em.”

Nói xong, nó kéo theo Tiểu Đào cùng nhau hành lễ với Minh Lan. Minh Lan cũng lấy lại được chút ít tự tin. Tiểu Đào thì rất vui vẻ, bắt đầu nịnh nọt: “Đúng vậy. Tên em và chị Đan Quất còn có thể ăn được, mấy em ấy không ăn được đâu.”

Minh Lan…

Thịnh lão phu nhân liền cười nghiêng ngả trên giường, vui vẻ nhìn mấy đứa bé càn quấy. Bốn cô gái mới đền đều che miệng cười khẽ, Phòng ma ma ngồi trên ghế con mỉm cười nghĩ: “May thay được đến chỗ cô Sáu, ở Thọ An Đường bây giờ là tốt lắm.”

Thịnh lão phu nhân ngày càng thoải mái, có lẽ trong lòng thanh thản nên sức khỏe cũng tốt hơn nhiều. Thịnh Hoành hết sức vui vẻ, còn nói khi xưa muốn bà nuôi dưỡng một đứa bé là đúng, lão phu nhân còn có cả sức lực để quản lý gia sự nữa cơ đấy. Đang lúc thay đổi một ít nhân sự trong Thịnh phủ thì Trường Bách đi xa trở về. Vì Thịnh Duy và Trường Ngô còn phải ở lại kinh thành làm việc nên Trường Bách có lý do để xin về nhà sớm, đồng hành trên thuyền trở về còn có một vị tiên sinh già gày trơ xương gọi là Trang Nho.

Từ mấy năm trước, Thịnh Hoành đã bắt đầu mời Trang tiên sinh đến phủ giảng bài, nhận học trò, trước đó đã biếu mấy xe lễ vật, hơn chục bức thư thành khẩn vời người. Không biết sao Trang tiên sinh dạy học rất chất lượng, tiếng lành đồn xa, đám học trò đỗ đạt rất nhiều, nên việc làm ăn rất tốt, chả có lúc nào rảnh rỗi. Mấy tháng trước, Trang tiên sinh thọ 70 tuổi, tiệc rượu vui vẻ nên uống thêm mấy chén, chẳng may nhiễm phải phong hàn, nằm trên giường hơn một tháng. Thầy thuốc đề nghị nên chuyển đến vùng có khí hậu ẩm ướt để điều dưỡng. Giang Nam thì xa quá, Đăng Châu lại vừa vặn.

Trang tiên sinh tự sờ thân mình thấy chỉ còn bộ xương cằn không được mấy lạng, nghĩ thôi thì cái mạng già này vẫn quan trọng hơn, vì thế đáp ứng lời mời của Thịnh Hoành, tiện đường đến Kinh Thành cùng về nhà với Trường Bách. Đi cùng còn có một vị sư nương tình tình hào sảng. Con gái họ năm ngoái vừa gả đến Tấn Trung, con trai ở huyện phía Nam làm điển lại[‘] hay là chủ bộ[‘] cũng không rõ nữa. Thịnh Hoành còn cố ý xây một sân viện phía tây phủ, mấy ngày liền tu sửa chuẩn bị cho vợ chồng Trang tiên sinh ở.

[‘] Điển lại, chủ bộ đều là những chức quan nhỏ ở huyện.

Người hầu đi theo cụ chỉ có hai, ba người, đồ đạc mang theo lại đến hai ba mươi rương, mỗi cái đều nặng trình trịch. Minh Lan sau khi nghe Tiểu Đào báo cáo lại, chỉ thở dài nói: Xem ra dạy học tại nhà thời cổ đại là nghề kiếm kha khá đây.

Ý định ban đầu mời Trang tiên sinh của Thịnh Hoành là chỉ dạy hai đứa lớn học hành. Nhưng từ khi được Khổng ma ma vẽ đường chỉ lối, ông ta nghĩ thầy tốt thì không nên hoài năng lực. Vì thế liền cung kính trao đổi với Trang tiên sinh, sau đó lại tặng thêm một ít lễ vật, cho ba cô con gái cùng đứa con trai út được học cùng, xem như là học trò dự thính.

Trước ngày nhập học, Thịnh Hoành và Vương thị gọi các con đến trước mặt dặn dò. Đầu tiên là Trường Bách và Trường Phong, như thường lệ Thịnh Hoành nói về lê dân bách tính mấy đời, đoạn giữa thì điểm thêm mấy câu trung quân ái quốc, đoạn kết là làm rạng rỡ tổ tông trăm họ. Hai cậu lớn đều cúi đầu vâng dạ.

“Học vấn của Trang tiên sinh rất cao. Mặc dù nhiều tuổi hơn cha nhưng có tiếng là người có lối tư duy nhạy bén sắc sảo, làm nghề trồng người mấy chục năm, đối với việc thi cử như thế nào hiểu rất rõ. Mấy đứa nên thường xuyên thỉnh giáo, không được lười biếng đấy! Không được ỷ vào bản thân có chút tài cán, công danh mà vênh váo, kiêu ngạo. Để cha biết được, cha đánh cho mấy đứa nhừ xương!”



Thịnh Hoành kết thúc mấy câu răn dạy bằng giọng mạnh mẽ, mặt nghiêm nghị, nói theo kiểu nhà Nho thì chính là lý luận, làm cha không thể chưng ra khuôn mặt hòa ái cho mấy đứa con trai nhìn, tốt nhất cứ ba bữa tản cho một trận, nhưng nhà mà có con gái thì thái độ lại hoàn toàn khác, khuôn mặt ôn hòa hơn nhiều. Lúc Thịnh Hoành nhìn sang ba cô con gái, vẻ mặt có khá hơn:

“Tuy nói con gái không cần học đầy một bụng kinh luân, nhưng đối nhân xử thế, hiểu rõ phải trái là việc tối quan trọng, hiểu thêm nhiều đạo lý cũng tốt, miễn sau này đi ra ngoài lời nói cử chỉ khiến người ta chê cười. Trang tiên sinh đã nói rồi, sau này buổi sáng ba đứa phải đến lớp học, buổi chiều chỉ giảng về cách làm văn bát cổ[‘] và cách trình bày bài thi nên mấy đứa không phải đi. ”

[‘]Văn bát cổ là một thể văn viết trong các khoa thi thời Minh Thanh, lối văn có 8 đoạn, ở những đoạn 4, 5, 6, 7 đều có 2 vế đối nhau, tổng số là 8 vế.

Lúc Thịnh Hoành nói mấy lời này, mặt Vương thị hơi tái đi, chính nàng cũng không biết chữ, cái gì mà khô héo á, ướt át á nàng càng dốt đặc cán mai, lúc mới được gả đến còn êm ấm, nhưng dần dà trong lòng Thịnh Hoành bắt đầu có chút bực bội. Hắn tự cho mình là kẻ nho nhã phong lưu, nhiều lúc hắn ngước nhìn lên ánh trăng, than thở “Trăng cũng có khi tròn khi khuyết”, dù không trông mong gì vợ mình đối ra được “Người cũng có lúc vui lúc hờn”, thì cũng mong nàng có năng lực thấu hiểu lòng chồng cùng cảm thán nhân tình thế thái, chứ không phải kiểu ông nói gà, bà nói vịt “Chưa đến rằm, trăng đâu tròn được.”

Sống chung một thời gian dài, Vương thị biết mình ở phương diện này khiến người khác cụt hứng. Vì thế sau này, nàng ta liền tích cực ủng hộ con gái đi học. Hoa Lan học được nhưng Như Lan mười phần thì giống tính nàng cả mười, những cái khác thì cũng có chút thông minh, nhưng chỉ có sách vở là cực kì ghét bỏ. Mỗi ngày chỉ bắt học được có mấy chữ, thi từ ca phú căn bản không thể so với Mặc Lan. Nghĩ đến đây, Vương thị thay đổi sắc mặt, nói:

“Cha các con nói đúng. Không bắt các con phải học thi từ ca phú, mấy cái này chỉ được cái mẽ. Quan trọng là phải học đạo lý đúng đắn, sau này quản lý nhà cửa chí ít cũng ra dáng.” Măc Lan cúi đầu thấp hơn. Như Lan thở phào nhẹ nhõm.

Thịnh Hoành cảm thấy Vương thị nói không có gì sai nên không thêm, chợt nghĩ đến một chuyện liền bảo: “Sau này đi học, ba đứa không nên đeo khóa vàng thế này.” Quay lại nói với Vương thị: “Xưa nay người đọc sách đều cho vàng là tục vật. Ba cái khóa vàng chói lọi, quý giá anh cả tặng kia đeo ra ngoài tiếp khách thì cũng được nhưng mà đeo đi học thì không khỏi huênh hoang quá.”

Vương thị gật đầu, bảo: “Vậy thì đừng đeo nữa.” Nghĩ chốc lát rồi nói với mấy cô con gái: “Ba chị em các con đều cùng gặp gỡ người khác, mỗi đứa lại mang một món đồ khác nhau thì không hay. Hôm nọ, lão phu nhân vừa nhờ thợ kim hoàn đánh cho ba chiếc kiềng vàng xâu ngọc phải không? Mỗi đứa đều đeo một miếng ngọc, có câu ngọc quý tặng người quân tử. Trang tiên sinh chắc chắn sẽ rất thích.”

Thịnh Hoành rất hài lòng: “Phu nhân nói rất đúng, như vậy là được rồi…Nhưng mà, Minh nhi có ngọc chưa?” Nói xong nhìn về phía Minh Lan, ánh mắt mang mấy phần áy náy.

Vương thị cười nói: “Minh nhi cũng sống với thiếp một thời gian ngắn. Thiếp cũng thật sơ sót. Vẫn là lão phu nhân chu đáo, còn đặc biệt lấy một khối ngọc thượng hạng trong phòng mình đưa đến Thúy Bảo Trai chế tác. Thiếp thấy vô cùng đẹp, màu sắc dịu nhẹ, chất ngọc trơn mịn, được làm bằng tay nên vừa đẹp vừa tinh tế, so với Mặc nhi, Như nhi còn tốt hơn. Đúng là lão phu nhân, lấy ra đồ gì cũng đều là đồ thượng hạng.”

Minh Lan cúi đầu, thầm than: Đàn bà ơi đàn bà! Nói chuyện không giấu chút mánh khóe thì sẽ chết à?

Mà chút khôn vặt này giấu cũng chẳng sâu, tất cả mọi người đều hiểu. Con trai còn tạm chứ Như Lan liền lập tức bắn hai tia mắt đến hỏi thăm. Mặc Lan đang cúi đầu cũng ngẩng lên nhìn về phía nàng. Thịnh Hoành hiểu rõ ý Vương thị nhưng vẻ mặt vẫn không thay đổi, nói: “Nàng là mẹ, chuyện của mấy đứa vốn là trách nhiệm của nàng. Đến hôm nay, lão phu nhân mới bù vào thiếu sót của nàng. Thực sự là điều không nên!” Thấy Vương thị cắn môi, ánh mắt tỏ vẻ không phục, Thịnh Hoành lại bỏ thêm một câu: “Được rồi. Dù sao Minh nhi được nuôi ở chỗ lão phu nhân, nàng cũng nên quan tâm nhiều hơn.”

Hai vợ chồng nhìn nhau qua lại một hồi, sau đó lấy lại bình tĩnh.

Minh Lan lặng lẽ bổ sung ý kiến cho hai người.

Ý chính của Thịnh Hoành là: Làm phu nhân chính thất, tất cả con cái đều thuộc về trách nhiệm của ngươi. Ngươi lại bên năng bên nhẹ còn muốn gì nữa?

Ý trong lòng Vương thị là: Ngươi nha, không phải đẻ ra từ trong bụng ta, từ nhỏ cũng không phải ta nuôi, dựa vào đâu mà muốn ta phải tốn công tốn sức, không cho chúng nó nếm mùi đau khổ đã là Thánh Mẫu lắm rồi. Nhưng mà mẹ ngươi chẳng phải chính là kiểu thế sao.



Thịnh Hoành kết thúc vụ việc như sau: Bỏ đi. Con cũng không phải ngươi nuôi, đều do ma ma chăm sóc. Mẹ ruột Minh Lan đã mất, sống cùng bà nội là được rồi. Ngươi cũng đừng lắm lời nữa.

Cuối cùng Thịnh Hoành nói thêm với Trường Đống mấy câu. Đứa bé này mới bốn, năm tuổi. Mẹ đẻ nó là dì Hương, vốn là nha hoàn của Vương thị, bây giờ vẫn bám vào phu nhân để kiếm miếng ăn. Con trai may mắn được nuôi nấng bên cạnh lão phu nhân. Đứa bé trai này xưa nay vốn nhát gan lại không được cưng chiều. Ngược lại Vương thị cũng không làm khó hai mẹ con họ, chẳng qua hết thảy đều không thèm lưu tâm mà thôi.

Lúc ra ngoài, Minh Lan thấy dì Hương đứng chờ ở cửa, dáng vẻ cung kính, vâng lời. Nàng thấy Trường Đống mới bước ra cửa, liền vui vẻ nghênh đón, nhẹ nhàng dẫn đứa bé đi. Minh Lan đột nhiên nghĩ: So với dì Vệ đã khuất, nàng cũng coi như gặp may.



Sau khi Hoa Lan xuất giá, Như Lan liền chuyển vào sống ở Uy Nhuy Hiên. Thịnh Hoành răn dạy hết lời. Như Lan mang khuôn mặt âm trầm trở về phòng, đạp một cái vào chiếc ghế đôn làm từ gỗ mun, mặt ghế còn lát một ít đá cẩm thạch, cố gắng xé rách cái gối vải lụa mềm. Tiếp đó, Vương thị vừa lúc bước vào thấy một màn này liền mắng: “Ranh con! Lại phát điên cái gì thế?”

Như Lan bật dậy, lớn tiếng nói: “Chị Tư cướp ngọc của con là do dì Lâm có bản lĩnh nên không tính toán. Dựa vào cái gì mà ngay cả Minh nhi cũng nổi bật hơn con? Con không bằng con vợ lẽ à!”

Vương thị kéo lấy tay con gái, kéo xuống ngồi trên mép giường, chỉ vào cái trán mắng: “Không phải sau đó cha con đã đền lại một miếng ngọc rồi sao? Màu sắc cũng giống cái của Mặc Lan, con còn chưa vừa lòng à! Cái của Minh Lan là lão phu nhân cho, do con không muốn đến Thọ An Đường đấy thôi, còn đòi trách ai nữa hả?”

Như Lan hậm hực nói: “Con là con vợ cả. Dù con có đến lấy lòng bà nội hay không thì bọn họ nên thương con nhất mới đúng. Bị Minh Lan nịnh nọt mấy ngày liền đích thứ không phân biệt được, cả ngày còn nói gì đến quy củ, lễ nghi phép tắc, để người ta cười chết! Một đứa là con vợ lẽ, nói bập bẹ là được rồi, còn tưởng mình là thiên kim đại tiểu thư chắc! Con nghe người ta nói, con gái vợ lẽ của mấy hộ gia đình ngoài kia đều làm nha hoàn sai vặt, muốn bán hay đánh cũng tùy, làm gì có chuyện được cung phụng như thế!”

Vương thị cực kì tức giận. Lưu Côn mỉm cười mang đến một chén trà, rồi đuổi đết mấy đứa nha hoàn ra ngoài, bắt đầu thu dọn đống đồ đạc vứt tứ tung trên nền, nói: “Cô chủ tuổi còn nhỏ nên không biết, chỉ có thương nhân và nhà không có điều kiện mới mang con gái vợ lẽ ra để hầu hạ người ta, thế gia danh môn lại khác, không thể cư xử như mấy nông hộ bình thường được. Càng là nhà quyền quý càng đối đãi với con gái như nhau. Cần biết rằng sau này lấy chồng khó mà đoán chuẩn được. Lúc trước mẹ đẻ phu nhân có hai cô chị họ bà con xa, một đích, một thứ, nhà ấy cũng có điều kiện: nói về thân phận thì đích gả cho nhà cao cửa rộng, thứ lại gả cho thư sinh nghèo. Có một ngày, chuyện bất ngờ xảy ra. Gia đình nhà cao cửa rộng sau này lại sa sút. Trái lại thư sinh nghèo thuận lợi làm quan, gia nghiệp phồn thịnh. Cô thứ cũng là người hiền lành nhớ rõ tình cảm ngày xưa với cô đích liền giúp đỡ gia đình nhà mẹ đẻ và gia đình cô đích. Sau này, con cái cô đích đều nhờ nàng chiếu cố mới lập được gia đình đấy.”

Như Lan nghe đến bực bội, cười nhạt nói: “Lưu ma ma đây là đang nguyền rủa ta cũng như cô đích kia à?”

Vương thị đánh một cái vào lưng Như Lan, mắng: “Đầu óc con để làm cảnh à! Lưu ma ma với mẹ đều là người một nhà, hơn nữa còn là tri kỷ. Lưu ma ma nói đúng đấy, càng là gia đình nhà cao cửa rộng thì càng không để người ta bàn tán như thế. Con gái một khi xuất giá thì đều được đối xử như nhau. Nhưng con, suốt ngày chỉ biết hơn thua, ai mạnh hơn ai, chính mình lại không tròn vai, không thể khiến cho lão phu nhân vui vẻ, cũng không được như chị cả thì cũng đành thôi, nhưng chí ít cũng nên học Minh Lan một ít đi!”

Như Lan bực bội không nói gì, chợt nghĩ đến một chuyện, nói: “Sao lúc trước mẹ nói có nịnh nọt lão phu nhân cũng không được gì mà, sao giờ lắm vàng lắm bạc thế? Vung tay hào phóng như vậy.”

Vương thị cũng buồn bực: “Thuyền vỡ vẫn còn ba cân đinh[‘]. Là mẹ sơ sót, nghĩ bà chỉ còn chút vốn liếng thôi.”

[‘]Ý nói là đồ vứt đi còn có chỗ dùng được.

Nghĩ một chút, lại tận tình khuyên nhủ con gái, nói: “Con! Đứa nhỏ này thật không biết bao dung gì cả. Em Sáu con như thế nhưng chưa bao giờ tranh đoạt của con cái gì. Con cũng không dung thứ, lại không biết dùng thủ đoạn, sau này chỉ sợ ăn quả đắng thôi. Nhưng mà nói cho cùng, con cần gì phải tranh với mấy đứa kia. Con cũng giống như chị cả, với thân phận con bây giờ, tương lai tất nhiên tốt hơn so với chúng nó, cuộc sống thoải mái hơn so với chúng nó. Giờ càn quấy cái gì nào? Chỉ chọc giận khiến cha con không vui. Coi như giả vờ đi, con cũng giả vờ chị em hòa thuận cho mẹ.”

Như Lan hình như bị thuyết phục, gật đầu một cách khó khăn.