Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 52: Hội Đèn Lồng




Editor: Chương này và chương sau nói nhiều về đố đèn, đa phần là chơi chữ nên câu nào mình biết mình sẽ giải thích, không thì thôi nhé.



Hội đèn lồng Trung thu không tưng bừng bằng hội hoa đăng Tết Nguyên tiêu nhưng thời tiết lại ấm áp thoải mái hơn nhiều, ánh trăng cũng trong sáng hơn. Người trong huyện đều đổ ra đường, từ nam tới nữ, từ người già tóc bạc đến con trẻ tóc trái đào. Những trúc lâu bên bờ sống treo mấy ngàn chiếc đèn lồng đỏ rực, khung cảnh vừa lung linh lại vừa hoành tráng.



Bóng đèn lồng chiếu xuống mặt sông đen kịt trông như bầu trời đầy sao rơi xuống trần gian. trên mặt nước, những con thuyền bồng bềnh trên mặt nước, sóng nước dập dềnh, phản chiếu lại ánh sáng từ trên bờ chiếu xuống. Tựa vào lan can nhìn xuống một mảnh sông lấp lánh giống như dòng ngân hà cuồn cuộn, cả người như đã đắm chìm trong biển sao.



Những người phụ nữ lớn tuổi trong các gia đình ngồi trên trúc lâu xem diễn, nam nữ trẻ tuổi nghe thấy những âm thanh rộn ràng trên phố đã xốn xang trong long, cố gắng kiên nhẫn chờ tới khi vở diễn kết thúc mới dám rủ rê anh chị em và bạn bè, kéo nhau đi xuống, hòa mình vào dòng người bên dưới.



Phó Vân anh đi bên cạnh Phó Nguyệt và Phó Quế, nhìn ngắm những hàng quán hai bên đường đang bán đủ các loại đèn lồng hình dáng khác nhau và những loại đồ chơi mới lạ, nếm thử đủ loại mứt trái cây, cả các cửa hàng bán chỉ thêu, bán son phấn cũng khiến bọn họ lưu luyến... Cứ đi một đoạn lại dừng một lúc như vậy, họ gặp được khá nhiều người quen, gặp ai là lại đứng lại chào hỏi rồi lại mỗi người một ngả. Thi thoảng lại có những công tử trẻ tuổi lạ mặt ngắm nhìn Phó Nguyệt hoặc Phó Quế tới ngẩn ngơ cả người, Phó tứ lão gia lập tức ra hiệu cho người hầu đi hỏi thăm tên họ, gia đình của người kia rồi ghi nhớ trong lòng.



Cũng có mấy công tử trẻ tuổi táo bạo hơn một chút, nhận ra Phó tứ lão gia liền bước về phía bọn họ, nhờ người bên cạnh tới giới thiệu làm quen.



Phó tứ lão gia đưa mắt ra hiệu cho Phó Vân anh rồi lịch sự đối đáp với mấy công tử vừa chủ động giới thiệu tên tuổi gia đình, vừa không có vẻ quá vồ vập, cũng không quá lãnh đạm tới mức làm đối phương tự ái, ôn hòa nhưng vẫn đúng mực.



Phó Vân anh thì thầm hỏi Phó Nguyệt, Phó Nguyệt xấu hổ im lặng nhưng nhìn cũng đoán được có vẻ trong đó không có tiểu quan nhân nào khiến Phó Nguyệt vừa ý.



Trước mặt ma ma nha hoàn, nàng cũng không tiện hỏi kỹ hơn, lại quay sang Phó Quế, Phó Quế bĩu môi với nàng: "anh tỷ nhi, kệ tỷ đi, nếu tỷ thấy thích ai thì đã nói với muội rồi! Muội cứ hỏi Nguyệt tỷ nhi đi, Nguyệt tỷ nhi ấy mà, phải đợi người khác hỏi đi hỏi lại mới chịu mở miệng, làm người ta bực mình chết đi được."



Mặt Phó Nguyệt nóng bừng, khẽ giải thích: "Cách xa thế này... Tỷ cũng không nhìn rõ họ đẹp hay xấu, phong thái, nhân phẩm thế nào..."



Phó Quế hừ một tiếng, nói: "Kệ chứ! Chỉ cần vừa mắt là được rồi, rồi hỏi tên tuổi gia đình, đề phòng bị người khác nẫng tay trên, sau này tìm hiểu kỹ càng rồi quyết định sau. một người không tốt, ta chọn hẳn mười người, cũng không đến nỗi cả mười đều không ra gì!"



Phó Vân anh cười, khẽ nói: "Đêm nay chỉ là đi chơi thôi mà, cũng đâu cần phải quyết định luôn việc hôn nhân đại sự của tỷ đâu. Nguyệt tỷ nhi, tứ thúc nói, tỷ cứ coi như là đang chơi trò chơi đi, thích ai thì nói với muội, tứ thúc sẽ tìm hiểu nhân phẩm gia thế của người ta, nếu thấy người ta là người đứng đắn mới suy xét tiếp."



Phó Nguyệt cúi đầu siết chặt khăn tay một lúc lâu rồi mới khẽ ừm một tiếng, gật đầu.



...



đi dạo tới gần giờ Hợi, Phó tứ lão gia mới cười nói với mấy chị em Phó Nguyệt: "Cũng không còn sớm nữa, đi thêm một lát nữa rồi về, trong nhà có bánh trái cây, mấy đứa còn phải làm lễ bái nguyệt (cúng mặt trăng), tế bái xong thì cắt bánh trung thu cả nhà cùng ăn."



Theo phong tục địa phương, vào đêm trung thu, tiểu nương tử sẽ chọn giờ lành để làm lễ bái trăng, cầu cho mình mãi mãi xinh đẹp. Sau nghi thức này cả nhà sẽ cùng nhau ăn bánh trung thu đã dùng để tế nguyệt, ước nguyện cho năm sau. Nghi thức bái nguyệt này do phái nữ trong nhà lo liệu, tiểu thiếu gia và đại quan nhân chỉ cần uống rượu xem diễn là được.



Các loại trái cây Phó gia dùng để tế nguyệt là lựu, dưa hấu, nho và đài sen, hoa thì gồm có hoa quế, ngọc trâm, thu hải đường. Bánh trung thu hình tròn, đầu tiên dùng để dâng lên các vị tiên nhân trên cung trăng, sau đó người trong nhà mới chia nhau ăn, phần còn thừa có thể để nơi thoáng mát để bảo quản, nhiều ngày sau vẫn chưa hỏng, ăn hết mới đạt được ngụ ý "đoàn viên".



Phó Vân Khải và Phó Vân Thái thích ăn bánh trung thu, hai đứa đã sớm ì èo với Đại Ngô thị muốn nhân bánh trung thu năm nay có thêm nhiều mứt, hạt dưa và đậu phộng. Bánh mua ở ngoài tuy đẹp nhưng ít nhân, không ngon bằng bánh tự làm. Đại Ngô thị đồng ý ngay, bánh trung thu làm ngon, trước có thể dâng lên các bậc thần tiên, sau có thể để cho cả nhà cùng thưởng thức.



Phó Nguyệt và Phó Quế đi dạo cả buổi tối cũng đã mệt mỏi. Phó tứ lão gia sai người hầu mua mấy gói kẹo, gà xé sợi và rượu Huệ Tuyền mang về cho Đại Ngô thị. Bọn họ đang định len qua đám người để trở về bỗng Vương thúc đi tới hỏi: "Khải ca nhi và Thái ca nhi ở bên kia đoán đố đèn với mọi người, vẫn chưa muốn về ạ."



Phó tứ lão gia tỏ vẻ coi thường con trai và cháu trai, "Hai đứa chúng nó thì đoán được cái gì?"



Vương thúc giơ một chiếc đèn lồng hoa sen trong tay lên, "Đèn này là Khải ca nhi đoán đúng nên lấy được."



Phó tứ lão gia nhướn mày, đưa gói giấy đựng kẹo cho người hầu bên cạnh, "Thế thì qua xem thế nào."



...



Trước một gian hàng nhỏ treo đầy đèn lồng đủ loại, Phó Vân Khải và Phó Vân Thái đang gãi đầu gãi tai, nghĩ mãi không ra.



...



Huyện Hoàng Châu có ít người đọc sách, không thể nào so sánh được với chốn kinh sư phồn hoa hưng thịnh, cũng không thể được như những vùng đất học nổi tiếng ở phía nam. Bởi vậy, hội đèn lồng trung thu mọi người thường chỉ xem kịch, dạo dưới ánh trăng, đốt đèn Khổng Minh cầu phúc chứ ít khi thấy những sạp đoán đố đèn như ở kinh sư.



Gian hàng được bày trước tiệm sách. Chủ gian hàng này là vốn là chủ tiệm sách, nghe nói là một đồng sinh, dẫu có mở sạp cũng chỉ chỉ là thú vui phong nhã, ông ta sai tiểu nhị trải giấy lụa để ông ta viết câu đố, dán lên trên đèn để người đoán, người đoán đúng có thể thắng được chiếc đèn đó, nghe nói đèn này được mua từ tận Tứ Xuyên. Chủ tiệm cũng chu đáo, đa phần các câu đố đèn là những câu đố liên quan đến những điển cố phổ biến trong dân gian hoặc những ngạn ngữ khôi hài, những người không đi học cũng có thể đoán đúng vài cái.



Phần thưởng chỉ là mấy chiếc đèn lồng, cũng không có gì đáng giá nhưng người trong huyện này cứ thấy ở đâu đông là lại xúm lại xem thành ra trước cửa tiệm sách giờ người đã chật như nêm cối, người tới xem giải đố đèn xếp tới mấy vòng xung quanh. Người đang đi trên phố thấy quanh tiệm sách đông đúc rộn ràng cũng tò mò tới xem thành ra giờ có tới hơn trăm người. Người xem thì đông vậy còn những người thực sự giải đố thì chỉ có vài người đọc sách mà thôi.



Chủ tiệm thấy người đông như thế cũng bất ngờ nên sai tiểu nhị nâng giải thưởng lên, nhân tiện giới thiệu mấy bộ sách mới của tiệm.





Tin tức trước tiệm sách sẽ tổ chức thi đoán đố đèn được truyền tai từ người này đến người khác, mười mấy thư sinh đang ngắm trăng ngâm thơ nghe thế cũng kéo tới, có người chỉ đơn giản là đến cho vui, nhưng cũng có người tới vì năm lượng bạc tiền thưởng.



Người đọc sách trong huyện đều tới, con cháu Phó gia làm sao có thể vắng mặt, cũng chạy lại xem thế nào. Phó Vân Khải và Phó Vân thái đoán được mấy câu đố dễ nên vô cùng đắc ý, bỗng nhiên lại nhìn thấy mấy người Chu gia từng gây thù chuốc oán với Phó gia cũng tham gia giải đố đèn, thậm chí còn giải được nhiều câu hơn bọn họ, thù mới hận cũ trong lòng bùng lên, hung hăng: "Dù không có phần thưởng cũng không sao, miễn là không thua Chu gia là được!"



Đám con cháu Phó gia tự nhiên đoàn kết hẳn lên, thề phải áp đảo Chu gia một phen mới thỏa.



Người Phó gia không thích người Chu gia, người Chu gia lần trước bị Phó Vân Chương hành cho lên bờ xuống ruộng, làm sao có thể thích người Phó gia cho được?



Giữa một rừng đèn lồng rực rỡ, hai bên gườm ghè lẫn nhau, có mấy tên nhóc hiếu chiến đã xắn tay áo lên, chuẩn bị lao vào đánh nhau bất cứ lúc nào



Bên Phó gia nhất trí cử Tô Đồng ra ứng chiến, lần trước hắn vốn là người bị hại, bị thương nên bỏ lỡ kì thi, giờ bọn họ tình nguyện nghe lệnh hắn. Tự nhiên bị mọi người đẩy ra, Tô Đồng có khổ cũng không nói nên lời. Nếu biết trước sẽ lại đụng tới người Chu gia, lại còn rơi vào tình trạng tranh chấp như thế này, hắn nhất định sẽ không tò mò đi cùng bạn học tới xem đố đèn!



Bên Chu gia chọn Chu Đại Lang là người dẫn đầu.



Chu Đại Lang tầm mười bốn mười lăm tuổi, đang tuổi háo thắng, cười lạnh liếc nhìn Tô Đồng: "Vẫn thường nghe người ta nói tiểu quan nhân Tô gia là người thông minh hiếu học, hôm nay cuối cùng cũng có cơ hội được học hỏi."



Trong lòng Tô Đồng vốn cũng chẳng thích thú gì việc tranh đấu vì mấy chuyện con con nhưng trước ánh mắt của bao nhiêu người, hắn cũng không thể tỏ ra yếu thế, chắp tay lại, từ tốn nói: "không dám, Chu huynh lớn tuổi hơn ta, trước đây cũng có tiếng cần cù chịu khó, ngu đệ ngưỡng mộ đã lâu, mong Chu huynh chỉ giáo cho."



Từ khi được Tô Đồng cứu hôm Đoan Ngọ, hai anh em Phó Vân Khải và Phó Vân Thái trở nên thân thiết với hắn, thấy hắn phản pháo được Chu Đại Lang liền hừng hực khí thế, chạy lại sát bên hắn, cổ vũ cho hắn.



Chủ tiệm thấy người đọc sách trong huyện dường như đều đã tới, cười tươi roi rói, quay lại tiệm, bước lên lầu hai, lấy những chiếc đèn lồng đã dán sẵn câu đố ra chuẩn bị mở cuộc thi đấu.



Ngoài con cháu hai nhà Phó gia và Chu gia, có những văn nhân khác cũng tham gia đố đèn. Chủ tiệm chuẩn bị đầy đủ giấy bút cho họ, đặt trước mặt mỗi người một chiếc đèn, mỗi người trong số họ sẽ viết đáp án lên giấy rồi giao cho tiểu nhị, sau khi chủ tiệm xem hết một lượt sẽ tuyên bố ai là người đưa ra đáp án đúng. Những người đứng xem cũng có thể tham gia bất cứ lúc nào, người đoán đúng nhiều nhất và người đoán đúng câu khó nhất đều có thưởng, không nói chuyện thắng thua, vui vẻ là chính.



Đương nhiên chuyện Chu gia và Phó gia thi đấu với nhau hay không thì chủ tiệm cũng không quan tâm, họ thích đấu thì cho họ đấu thôi.



Đầu tiên là câu đố đèn đơn giản nhất:



Nam Dương Gia Cát Lượng, ngồi ở trướng tướng quân, xếp trận đồ bát quái, bay tới là bắt gọn.



Câu này rất đơn giản, đáp án là con nhện. [1]



[1] Trận đồ bát quái là mạng nhện (8 cạnh), những thứ "bay tới" là côn trùng nên Gia Cát Lượng ở đây là con nhện. Câu đố đều là thơ đấy nhưng mình lười quá, không đặt vần...



Mọi người viết đáp án ra giấy, hầu như ai cũng đoán đúng.



Tiếp theo là một câu thơ cổ: Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Tìm tên một vị thuốc.



Phó Vân Khải thì thầm với Phó Vân Thái đầy lo lắng, Tô Đồng nhíu mày suy nghĩ một lát rồi viết hai chữ "đương quy".



Chủ tiệm công bố đáp án, đúng là đương quy. [2]



[2] Câu thơ trong "Tĩnh dạ tứ "của Lý Bạch, "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương". Suy ra là nhìn thấy trăng thì ngay lúc đó (đương) sẽ muốn trở về (quy) nhà. Đáp án là đương quy.



Phó Vân Khải thở phào nhẹ nhõm, vỗ vai Tô Đồng: "Đồng ca nhi, lần này nhất định phải áp đảo người Chu gia nha!"



Tô Đồng cười gượng gạo, hắn cũng không giỏi vụ đoán đố đèn.



trên đời có hàng chục hàng trăm cách giải đố đèn, có những câu đố hỏi trực tiếp nghĩa đen, có những câu phải suy đoán, có câu dựa vào đồng âm khác nghĩa, có câu lại phải tách chữ ra đoán, có những câu kết hợp tất cả những yếu tố đó, xem xét các bộ tạo thành chữ viết và cách phát âm của chữ đó mới giải được, lúc thì tách chữ ra, lúc phải hợp chữ lại, từ một chữ tách thành ba bốn chữ mới ra đáp án. Có câu đố, câu hỏi có hai chữ mà đáp án lại tận bảy tám chữ, rất phức tạp. Nhiều khi biết mấy chục cách giải đố nhưng trong thời gian ngắn như thế cũng không kịp nghĩ ra đáp án.



Tuy là không chắc thắng được Chu Đại Lang lần này nhưng hắn vẫn phải cố gắng hết sức, không thể chưa đấu đã hàng được. Phó Vân Chương vừa ra khỏi huyện Hoàng Châu, đây là cơ hội để hắn thể hiện tài năng của bản thân, cho dù có thua đi chăng nữa, hắn cũng phải thua một cách oanh liệt, như thế mới thu phục được đám con cháu Phó gia.



...



Phó Vân Khải đứng sát Tô Đồng dần dần phát hiện ra hắn giải đố chật vật như thế nên cũng lo lắng. Lôi kéo con cháu Phó gia cùng bàn bạc đưa ra đáp án, nhưng bọn họ không ai giỏi bằng Tô Đồng, đến Tô Đồng còn đoán không ra, làm sao bọn họ đoán ra được, chỉ có thể đứng xung quanh lo lắng suông mà thôi.




Phó tứ lão gia vừa dẫn mọi người tới nơi đã bị biển người đông đúng trước tiệm sách làm cho kinh ngạc.



Phó Quế kiễng chân nhìn vào trong, khẽ tiếc nuối: "Hóa ra mấy thiếu gia đàng hoàng một chút đều trốn ở trong này, thảo nào vừa rồi chẳng thấy được mấy người thuận mắt."



Phó Vân Khải đang lo sốt vó, qua khóe mắt liếc thấy tứ thúc và Vương thúc đang tới thì hơi sửng sốt, ánh mắt tìm tới Phó Vân anh đang mặc nam trang đi cạnh đó bỗng sáng lên, chen người qua đám anh em họ Phó gia, chạy tới trước mặt nàng, không giải thích gì cả đã đẩy nàng tới đứng bên cạnh Tô Đồng, "Em gái ngoan, muội tới giúp Đồng ca nhi đi, nếu chúng ta thắng, tứ thúc sẽ vui mừng lắm đấy!"



Phó tứ lão gia nhìn thấy thế cũng chỉ vuốt râu không nói gì, cũng không phản đối chuyện này.



Giờ Tô Đồng đang vướng phải một câu đố khó, cảm thấy bên cạnh có thêm một người cũng không ngẩng đầu lên.



Phó Vân anh nhanh chóng hiểu ra tình huống, gạt tay Phó Vân Khải ra nói: "Tại sao muội lại phải giúp Đồng ca nhi?"



Mọi người xung quanh ồn ào, nàng cố nói nhỏ giọng nên đám con cháu Phó gia bên cạnh không nghe thấy rõ nàng nói gì, chỉ thấy Phó Vân Khải kéo một tiểu thiếu gia lạ mặt tới đây, cười nhạo: "Đây là em trai huynh hả? đã cai sữa chưa đấy? Gọi tới đây làm gì?"



một người còn thô lỗ: "Dắt em trai về đi! Đừng làm phiền Đồng ca nhi!"



Người nọ vừa nói vừa bước tới đẩy Phó Vân anh.



Phó Vân anh không đề phòng lại bị người ta đẩy bất ngờ như thế, loạng choạng lùi ra sau mấy bước mới đứng vững.



Thấy có người chế nhạo Phó Vân anh còn đẩy nàng như thế, Phó Vân Khải tức giận, sải bước tới chắn trước mặt nàng, lấy người bảo vệ cho nàng ở phía sau, đang định phản bác nhưng lại nhớ tới chuyện tứ thúc dặn dò rằng nhất định không thể để lộ thân phận của nàng, mặt đỏ lên bừng vì tức giận: "nói vớ vẩn! Em trai ta còn giỏi hơn mấy người nhiều!"



Người xung quanh cười ầm lên.



Phó Vân anh im lặng không nói, lạnh lùng đưa mắt nhìn quanh một lượt.



Ánh mắt nàng như mang theo một luồng gió lạnh thấu xương tạt vào mặt đám con cháu Phó gia, mọi người lập tức nín bặt, không dám cười cợt nữa.



Phó Vân Khải và Phó Vân Thái nhìn nhau, hóa ra không chỉ có bọn họ sợ anh tỷ nhi, thế thì tốt rồi!



Tô Đồng cúi đầu tập trung suy nghĩ cách giải đố bỗng thấy xung quanh mình an tĩnh đến lạ, dám con cháu Phó gia suốt ngày nghịch ngợm càn quấy giờ này đã ngoan như cún.



hắn nhướn mày nhìn theo tầm mắt của mọi người.



một thiếu niên văn nhã tuấn tú liếc mọi người xung qaunh một cái rồi giơ tay ra hiệu cho chủ tiệm, động tác thong thả ung dung lại cực kỳ tao nhã. Mọi người không biết "y" là ai nhưng lại bị khí độ của y áp đảo, tự lui ra sau một bước, nhường đường cho "y". Y không nói không cười, bước lên phía trước, nhận lấy giấy bút rồi nhanh chóng viết mấy chữ, đưa cho tiểu nhị.



Tiểu nhị nhận giấy rồi đưa lại cho chủ tiệm.




Chủ tiệm mở giấy nhìn qua đáp án của thiếu niên rồi ngẩn ra vì kinh ngạc, ngẩng đầu nhìn mọi người cười nói: "Vị tiểu quan nhân này là người đầu tiên trả lời đúng."



Tô Đồng hơi nheo mắt.



Người Chu gia cũng sững sờ.



Những thư sinh khác ngẩng đầu lên nhìn quanh tự hỏi, đứa trẻ này ở đâu ra vậy?



Ban đầu Phó Vân Khải cũng ngẩn người nhưng sau đó trong đầu hẵn bỗng vang lên một câu cảm thán: Đương nhiên là phải thế rồi!



hắn lắc đầu, bừng tỉnh, giật giật ống tay áo Phó Vân anh, khẽ năn nỉ: "anh tỷ nhi, sao muội lại đoán một mình? Muội là người Phó gia, đoán cùng chúng ta mới đúng chứ."



Phó Vân anh nhếch miệng, liếc hắn một cái, lãnh đạm nói: "Bọn họ đẩy muội, muội không thích bọn họ, muội không muốn chia phần thưởng với bọn họ. Nếu muội tự thắng được người Chu gia, tứ thúc càng vui hơn chứ sao?"



Phó Vân Khải ai nha một tiếng, "Bọn họ đã giải xong mấy đề, giờ muội mới tham gia chẳng phải sẽ bị thiệt à, muội làm sao đọ với bọn họ được."



Phó Vân anh mỉm cười, không nói gì.




Bỗng tiểu nhị lên tiếng báo thời gian đã hết, chủ quan đọc hết một lượt những đáp án mọi người viết trên giấy, lắc đầu, chắp tay cười nói: "Thời gian đã hết, chỉ có tiểu quan nhân này là đoán đúng, đáp án là bốn chữ: Nhất nhật vạn lý [3]. Chiếc đèn lồng sẽ thuộc về tiểu quan nhân này."



[3] Nghĩa đen là chỉ ngựa chạy nhanh mỗi ngày chạy vạn dặm, ý chỉ rất nhanh.



Người xung quanh mỗi người một cảm xúc. Chủ tiệm vừa rồi ra đề hóc hiểm, đề chỉ có hai chữ "Tảo thần" gợi ý là giải đề bằng quy tắc hợp bích (kết hợp các chữ lại với nhau). Bọn họ vắt óc suy nghĩ mà còn chưa nghĩ ra cách kết hợp cụ thể nào, vậy mà thiếu niên lạ mặt kia chỉ nhìn câu đố một chút, cũng không suy nghĩ bao lâu đã viết ra đáp án, cứ tưởng "y" chỉ viết bừa một đáp án, ai ngờ đâu lại viết đúng! [4]



[4] Đáp án của câu này là nhất nhật vạn lý (一日千里), 一日 kết hợp lại là 旦 (đán, cũng có nghĩa là sáng sớm sớm,千里 kết hợp lại là 重 (trùng, nghĩa là lặp lại), "đán" kết hợp với "trùng" đối với "tảo" và "thần" nghĩa là sáng sớm.



Điều này nói lên rằng hoặc là thiếu niên này rất may mắn, hoặc là y đã thuộc làu tất cả các quy tắc giải câu đố, không cần nghĩ nhiều mà cũng đã chọn được cách giải phù hợp trong thời gian rất ngắn.



Đám thư sinh thì rối rắm như thế nhưng người xem bên ngoài nào biết gì về các quy tắc giải câu đố, xích phân, đôi kim, phá kính, tập cẩm, hợp bích là cái gì họ cũng không biết, chỉ thấy câu đố này có mình Phó Vân anh đoán được nên trầm trồ khen ngợi.



Trong đám đông, Phó tứ lão gia và Phó Quế là những người cổ vũ nhiệt tình nhất.



Phó Vân anh quay lại gật đầu với Phó tứ lão gia và Phó Quế một cái, Phó Quế lại càng kích động, hưng phấn vẫy tay với nàng.



Chủ tiệm lại lấy ra một chiếc đèn lồng khác, trên mặt đèn dán một miếng giấy lụa viết thơ cổ: Nâng chén mời trăng sáng, đáp án hai chữ.



Hiển nhiên, chủ tiệm ra câu đố này là để an ủi an ủi những thư sinh mặt mày tái mét do không giải được đề trước, đáp án rất đơn giản.



Tiểu nhị vẫn chưa đếm tới chín mươi chín, mọi người đã viết xong đáp án lên giấy để nộp lên.



Chủ tiệm công bố đáp án: Thưởng quang. [5]



[5] Thưởng quang, tách hai chữ ra thì mang nghĩa ngắm ánh sáng (vì ngẩng đầu mời trăng nên nhìn thấy ánh sáng), kết hợp thành một từ lại có nghĩa khác là hoan nghênh, chào đón (ánh trăng).



Sau đó, chủ quán tiếp tục đưa ra các loại câu đó khác nhau từ kim chung, hồi văn, trâm hoa, thùy liễu đến đan tâm, có câu dễ, cũng có câu khó.



Có những câu đố đơn giản "Nông thôn thôn tháng tư ít người nhàn. Đáp án là hai loại tiết khí", liên quan tới những kiến thức phổ thông về tiết khí [6] mà người bình thường cũng biết. Cũng có những câu như "Người người đội mũ Tử Chiêm, Quân thật mới chuyển chức quan mới. Cửa lớn mới tiễn Vương Giới Phủ, Lộ Công không biết lạnh là gì" đề cập tới những điển tích của người xưa. (Đáp án ở chương sau) Những câu đố phức tạp bao quát đủ mọi chủ đề trên trời dưới đất, nếu đầu óc không nhanh nhạy, hoặc không biết câu chuyện đó thì nghĩ nát óc cũng chẳng ra.



[6] Tiết khí là 24 điểm nằm trên quỹ đạo của Trái Đất quay xung quanh mặt trời, mỗi điểm cách nhau 15 độ, người xưa sử dụng để làm thành lịch. 24 loại tiết khí chia làm 4 loại: 8 loại biểu thị sự thay đổi về mùa (Lập xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí), 5 loại biểu thị sự thay đổi về nhiệt độ (Tiểu Thử, Đại Thử, Xử Thử, Tiểu Hàn, Đại Hàn), 7 loại liên quan đến mưa (Vũ Thủy, Cốc Vũ, Bạch Lộ, Hàn Lộ, Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết), 4 loại liên quan đến sự vật/hiện tượng (Kinh Trập, Thanh Minh, Tiểu Mãn, Mang Chủng)



Cuộc thi đấu đố đèn này cũng giống như leo núi, lúc dốc lúc thoải, không quá dễ đến mức người ta cảm thấy nhàm chán, nhưng cũng không quá khó để khiến các thư sinh nản lòng.



Phó Vân anh vừa ung dung viết đáp án vừa chú ý tới phản ứng của những người xung quanh, thầm nghĩ ông chủ tiệm sách này thật có tài, biết cách khơi dậy hứng thú của đám đông.



Người xem càng lúc càng nhiều.



Mọi người vắt óc suy nghĩ, những người xuất chúng như Tô Đồng và Chu Đại Lang có thể đưa ra đáp án cho hầu hết các câu câu hỏi một cách nhanh chóng, nhưng đôi khi cũng bị lâm vào thế bí. Nàng thì từ đầu đến cuối vẫn ung dung như thế, mỗi khi một chiếc đèn mới được treo lên, nàng chỉ cần đọc mấy lần đã viết ngay được đáp án chính xác.



Biểu hiện này của nàng nhanh chóng khiến cho chủ tiệm chú ý. Phó Vân anh gia nhập cuộc đấu giữa chừng, chủ tiệm thấy nàng tuy tuổi còn nhỏ nhưng phong thái đường hoàng, văn nhã sâu sắc, tới chất liệu xiêm y cũng là hàng hảo hạng, đoán là tiểu công tử nhà giàu nào đó nên cũng không buông lời trách cứ, đồng ý để nàng tham gia thi đấu. Vốn từ đầu ông ta chỉ nghĩ càng nhiều người thì càng vui thôi, nếu nàng không đoán được sẽ tự biết xấu hổ mà rút lui, không ngờ thiếu niên này lại thông minh dị thường, hỏi đề nào đáp đề nấy, tất cả đáp án đều chính xác!



Lần này, chủ tiệm đã lấy hết những câu đố ông ta sưu tầm mấy năm nay ra dùng hết, rốt cuộc thiếu niên này là người phương nào mà có thể đưa ra câu trả lời nhanh đến vậy?



Tuy rằng bắt đầu sau người khác, bị mất mấy câu đầu nhưng chỉ dựa vào cách "y" trả lời những câu đố từ khi bắt đầu tham dự cuộc thi đấu, vị trí thứ nhất không thoát khỏi tay "y".



Trong đám đông, một thiếu niên mặt mày xanh xao mặc áo gấm đứng quan sát những người thi đấu đoán đố đèn một cách đầy hứng thú. Xuyên qua đám người chen chúc xô đẩy đang đứng xem xung quanh, ánh mắt y tập trung vào Phó Vân anh.



"Nhìn kỹ người kia, đợi thi đấu xong, dẫn người đó tới gặp ta."



Trong bóng tối, người đàn ông cao to đứng sau hắn ôm quyền, trầm giọng thưa vâng.



Lời tác giả:



Câu đố trích dẫn từ "Các câu đố đèn trong lịch sử". thật ra cũng đơn giản, nhìn là biết đáp án nhưng nếu thay đổi chủ đề liên tục, đầu óc cũng không theo kịp chủ đề câu đố.