Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 57: Giang Thành Thư Viện




Ba ngày sau, Triệu sư gia tới nhà, đưa Phó Vân anh tới Giang Thành thư viện bái kiến sơn trưởng Khương Bá Xuân.



Giang Thành thư viện ban đầu là nơi để sách của một ngôi chùa nhỏ, khi Sở Vương đời đầu tiên được phân đất phong ở Võ Xương, hưởng ứng lời kêu gọi đào tạo nhân tài của Thái Tổ hoàng đế nên mua lại Tàng Thư Lâu này, trồng cây ươm hoa, dựng lầu các, xây học xá lên tới một trăm tám mươi gian, rồi noi theo hình mẫu của Bạch Lộc Động thư viện để xây dựng nội quy, mời những nhà nho lớn tới làm thầy dạy, quản lý và sưu tầm sách vở, tuyển chọn học sinh, từ đó nơi này trở thành thư viện.



Lúc đầu, Giang Thành thư viện cũng giống bao thư viện khác trong cả nước, có một thời vàng son. Về sau, kẻ sĩ cũng dần biến chất, từ các thư viện liên tục truyền ra những chuyện xấu xa, người đọc sách kiện lên tận triều đình yêu cầu điều tra, triều đình lấy cớ thư viện gây ra tốn kém, ảnh hưởng tới việc dạy học của quan học [1] và phổ biến tà học, cấm học sinh trong các thư viện bình luận tình hình chính trị đương thời, thậm chí còn trắng trợn thiêu hủy một loạt các thư viện trong nước, nhiều thư viện từng một thời hưng thịnh từ đó không gượng dậy nổi nữa.



[1] Quan học là trường do triều đình mở. Ngoài ra còn có tư học, là trường do tư nhân mở, ví dụ Phó gia có tộc học, tính là tư học.



hiện giờ, những thư viện tập trung vào dạy học, chất vấn và biện luận đã không còn tồn tại. Các thư viện lớn vẫn sợ hãi, không dám lại châm biếm, đả kích tình hình chính trị, cũng không dám đưa ra ý kiến hoài nghi về trường phái lý học chính thống, chuyển sang nghiên cứu sâu xa về các kinh sách của Nho giáo, không còn khuyến khích việc đọc nhiều sách như trước mà chú trọng vào bài giảng và thi cử, học sinh trong thư viện cũng phải tập trung toàn bộ tinh lực vào Tứ thư, Ngũ kinh, không để ý những chuyện bên ngoài, một lòng đọc sách thánh hiền. Khi giải đáp những vấn đề của học sinh, thầy dạy cũng phải trích lời Khổng Mạnh, lấy Trình Chu lý học làm chuẩn mực, không dám đàm luận nhiều chiều.



nói cách khác, thư viện giờ đã phụ thuộc vào khoa cử, thư viện được mở ra chỉ để phục vụ cho các kì thi.



Trường học có thể bồi dưỡng người đọc sách, nhưng người đọc sách có được công nhận hay không chỉ có thể dựa vào khoa cử.



Trường học giờ chỉ dùng để đào tạo học sinh tham gia khoa cử, mục đích học tập của học sinh cũng chỉ có một - thi đỗ, làm quan.



Thư viện liên tục đào tạo nhân tài cho triều đình, học sinh cũng chỉ biết đọc sách rồi lại đọc sách, đọc văn rồi lại viết văn, cho tới khi thi đỗ, đề tên bảng vàng.



Vòng đi vòng lại chỉ có vậy.



Triệu sư gia đứng trước cổng thư viện, nhìn lên chiếc biển lớn treo chính giữa cửa lớn do Thái Tổ hoàng đế ban "Giang Thành thư viện", cảm thán, "Năm đó những thư viện trăm hoa đua nở, nhiều nhà nho nổi tiếng đi khắp nơi dạy học, không khí học tập rầm rộ, học sinh còn có thể phát biểu suy nghĩ riêng của mình, đàm luận việc đương thời, tranh luận với nhau hùng hồn đến mức khiến tâm hồn người ta cũng phải dậy sóng, tới giờ ta vẫn còn nhớ cái không khí lúc Dực Dương tiên sinh giảng bài ở Nhạc Lộc thư viện năm ấy..."



Từ ngày Thẩm Giới Khê vào Nội Các, thi hành chính sách mới nên đã hạ lệnh phá hủy thư viện trên cả nước, bốn thư viện lớn nhất đứng nơi đầu sóng ngọn gió, cuối cùng tuy vẫn gắng gượng giữ được thư viện nhưng sơn trưởng, giáo thụ (thầy dạy nói chung) đều bị trục xuất, từ đó việc dạy học do học quan đảm nhiệm. Những nơi từng phồn vinh nhất về học thuật nay đều có kết cục đáng buồn.



Triệu sư gia lắc đầu, thở dài: "Đáng tiếc."



Thư viện từng hoạt động độc lập, không liên quan tới quan học và tư học, phong thái ngạo nghễ. Trong thư viện, từ giáo thụ đến học sinh đều có thể tự do bàn luận, dám bác bỏ những quan điểm trong sách thánh hiền, vậy nên thư viện tràn ngập những luận điểm mở rộng, coi khinh quy tắc. Bởi thế, tuy bọn họ có nhiều học vấn nhưng lại không thể dùng vào chỗ nào, điểm này không phù hợp với ước nguyện ban đầu của Thái Tổ hoàng đế khi cổ vũ việc xây dựng thư viện. Thái Tổ hoàng đế muốn nhân tài được đào tạo đến nơi đến chốn để cống hiến cho triều đình chứ không phải là những kẻ chỉ đơn giản là đam mê nghiên cứu học vấn.



Sau khi tiên đế lên ngôi, lo những kẻ sĩ biến chất kia sẽ làm ảnh hưởng tới đại đa số học sinh, sau đó làm dao động căn cơ của triều đình liền hạ mấy chiếu chỉ để uốn nắn thư viện ở các địa phương, buộc họ đi vào khuôn khổ, quy định toàn bộ chi phí dùng cho trường học sẽ phụ thuộc vào châu học địa phương, thư viện sơn trưởng chỉ có thể do triều định lựa chọn và phái đi, quan phủ cũng có thêm quyền lực để khống chế thư viện.



Triều đình làm vậy là vì giang sơn xã tắc nhưng lại quên mất sự phát triển của một mình trường phái lý học cũng gây ra nhiều tiêu cực. Nếu như việc chỉ biết đàm luận suông sẽ khiến sĩ tử sa vào hưởng lạc, nói cho sướng miệng, coi trọng vẻ bề ngoài, thì ngược lại, chỉ tập trung vào viết lách loại văn giải đề sẽ phá hủy tinh thần chí khí của sĩ tử, tạo ra những người đọc sách chỉ biết lặp đi lặp lại những lời sáo rỗng, tưởng như uyên bác nhưng không có thực chất.



Từ lâu đã có những người nhìn xa trông rộng nhìn ra vấn đề này, muốn thay đổi nhưng dù tài năng xuất chúng, học thức uyên bác, giỏi tính toán như Gia Cát Khổng Minh tái thế cũng không nghĩ ra nổi phương pháp xử lý.



Chỉ có những nhân tài vượt qua thử thách của khoa cử mới có thể làm quan nhưng có thể vượt qua được hay không lại chủ yếu phải xem văn giải đề viết thế nào. Đạo lý này rất dễ hiểu, đến đàn bà và trẻ con cũng hiểu được.



Học sinh toàn thiên hạ để có được công danh lợi lộc thì bắt buộc phải thi đỗ, bắt buộc phải trói buộc bản thân với Trình Chu lý học, xu thế này lớn tới mức không ai có thể chống lại được.



Triệu sư gia nói cho Phó Vân anh, Khương sơn trưởng chính là một trong những người luôn lo lắng chuyện những người đọc sách chỉ chăm chăm viết văn giải đề sẽ đi vào ngõ cụt, hy vọng có thể tìm thấy những người thật sư có tri thức từ đám học sinh chỉ có mục đích thi cử trong thư viện.



"Sơn trưởng tiền nhiệm chỉ cho giáo thụ dạy học sinh Tứ thư Ngũ kinh, nghiên cứu sách cổ. Từ khi Khương Bá Xuân bắt đầu tiếp nhận vị trí này đã noi theo phong cách cổ, học sinh cần phải học thêm quân tử lục nghệ (sáu tài nghệ của người quân tử), bao gồm lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, ngoài ra còn phải học về y học."



Phó Vân anh hơi nhướn mày, lễ, nhạc, thư, số cũng còn được, Tôn tiên sinh đã dạy nàng nhưng trước kia Triệu sư gia cũng chưa từng nói với nàng rằng sau khi nhập học còn phải học xạ và ngự.



Ánh mắt nàng không gợn sóng nhưng Triệu sư gia lại chột dạ, chớp mắt mấy cái, khẽ nói, "Ta có thể xin phép hộ ngươi, Khương sơn trưởng thấu tình đạt lý, thấy ngươi gầy yếu thế này, có lẽ sẽ miễn cho ngươi hai môn đó."



"không cần đâu ạ."



Phó Vân anh lắc đầu nói.



Xạ là bắn tên, ngự là điều khiển chiến xa. Thời cổ, đọc sách là đặc quyền của quý tộc, cái gọi là quân tử, nhất định xuất thân phải cao quý, không chỉ có học thức mà còn cần tinh thông võ nghệ, như thế mới có thể phò tá quân vương thống trị quốc gia, khi ấy thiên hạ còn chưa quy về một mối, chiến tranh thường xuyên xảy ra, quân tử lúc nào cũng có thể phải lao ra chiến trường, nếu không biết cách bắn tên, điều kiển chiến xa thì làm sao có thể dẫn dắt tướng sĩ dưới trướng chiến đấu nơi chiến trường?



Năm tháng trôi qua, biển cả hóa nương dâu, thời thế thay đổi, khái niệm về quân tử cũng thay đổi, trong sáu tài nghệ ban đầu ấy, xạ, ngự, số dần dần bị lãng quên.



Giang Thành thư viện dạy lục nghệ chắc chắn chỉ là thứ yếu, chủ yếu vẫn là tập trung vào chuẩn bị cho khoa cử. Dù sao bọn họ cũng không thể thực sự bắt những thư sinh trói gà không chặt gạt sách vở sang một bên để nghiên cứu kỹ thuật điều khiển xe ngựa.



...



Hai người đứng trước cổng chính thư viện, tôi tớ thư đồng đứng phía sau. Lát sau, một người mặc áo dài, đầu quấn nho khăn, trông có vẻ giống quản sự ra đón họ. Biết được thân phận của Triểu sư gia, người nọ tươi cười: "Vốn đã ngưỡng mộ danh tiếng của tiên sinh, biết tin tiên sinh hạ mình tới Giang Thành thư viện, đám học sinh vô cùng vui sướng, mong chờ mấy tháng nay, cuối cùng cũng chờ được tiên sinh."



Triệu sư gia từ trước đến nay vẫn thoải mái, phóng khoáng, cười ha hả, nói chuyện mấy câu với người nọ rồi dẫn Phó Vân anh bước vào bên trong.



Thư viện tọa lạc trong một sơn cốc sâu thẳm, phía trước là sông lớn cuồn cuộn, sau lưng là núi cao hùng vĩ, mùa xuân hoa đào hoa hạnh phủ kín, liễu xanh chắn gió, mùa hè hoa sen tỏa hương khắp mặt hồ, mùa thu hoa quế hoa cúc nở, mùi hương ngào ngạt mười dặm, lúc đông giá tuyết rơi đọng trên tán tùng, hồng mai nở rộ, một năm bốn mùa mùa nào cũng nên thơ trữ tình. Thư viện cơ bản chia thành khu dạy học, khu giữ sách, khu hiến tế và một khu riêng để làm chốn nghỉ ngơi, du ngoạn cho học sinh nằm trong sơn cốc.



Qua cửa chính, lại tới cửa thứ hai, vào phía trong là giảng đường nơi thư viện cử hành những hoạt động quan trọng, gồm có sáu gian, hai bên đường di vào thông tới ký túc xá của giáo thụ, người làm công và học sinh. Khu nhà phía bắc là nơi dành cho sơn trưởng, chủ giảng, phó giảng, khu nhà phía nam là nơi ở cho học sinh.



Phía sau khu giảng đường là nơi cất giữ bản quản sách vở gọi là Tàng Kinh Các, quy mô của Giang Thành thư viện tuy kém bốn thư viện hàng đầu nhưng sách ở đây cũng rất phong phú, bao giồm hơn bảy ngàn cuốn sách.



"Chủ yếu ta cũng bởi vì đống sách của Giang Thành thư viện mới tới đấy."



Nhân lúc người dẫn đường khi nãy đang nói chuyện với học sinh trông coi Tàng Kinh Các, Triệu sư gia nháy mắt với Phó Vân anh thì thầm.



Sách được giữ trong thư viện đến từ bốn nguồn: Triều đình cấp, học giả nổi tiếng của địa phương quyên tặng, thư viện tự mua và thư viện tự in ấn.



Từ khi Khương Bá Xuân đảm nhiệm vị trí sơn trưởng của Giang Thành thư viện, ông ta không chỉ đưa cả gia đình tới phủ Võ Xương mà còn hiến cho thư viện toàn bộ sách vở mà mấy đời Khương gia tích cóp được, trong đó có vài cuốn Triệu sư gia muốn đọc nhiều năm mà không sao tìm được. Nghe nói sách của Khương gia đều đã được chuyển tới Tàng Kinh Các của thư viện để cất giữ vào bảo quản, Triệu sư gia lập tức đồng ý lời mời của Khương Bá Xuân.



Phó Vân anh mỉm cười, mục đích của nàng cũng chẳng khác Triệu sư gia là mấy.



Nàng không tham gia khoa cử, điều hấp dẫn nhất của thư viện đối với nàng chính là ở đây, nàng có thể tự do học tập mà không lo sự dòm ngó của người đời, tận hưởng bầu không khí học tập tuyệt vời và một cơ số sách vở phong phú. Bề ngoài, kho sách của thư viện mở cửa cho tất cả mọi người, người bên ngoài cũng có thể mượn đọc tự do nhưng thực ra lại có hạn chế nghiêm ngặt, chỉ có giáo thụ, học sinh trong thư viện và những cử nhân có nguyên quán ở nơi này mới có thể mượn sách ở Tàng Kinh Các.



...



Theo quy củ của thư viện, hằng tháng cứ tới ngày một, ba, sáu, tám, sơn trưởng sẽ đích thân giảng bài. Hôm nay vừa hay là mùng sáu, sơn trưởng Khương Bá Xuân đứng lớp ở khu phòng học phía đông, giảng cho các học sinh vỡ lòng về "Khổng Tử gia ngữ".




Khu phía bắc là nơi ở của sơn trưởng, phía nam là ký túc xá học sinh, phía đông là phòng học nơi học sinh hằng ngày học tập, phía tây là sân hiến tế, có tượng Khổng Tử và các bậc tiên hiền.



Tiếng đọc sách lanh lảnh xuyên qua tấm bình phong vọng vào tai bọn họ, người dẫn đường dẫn Triệu sư gia và Phó Vân anh đi qua một hành lang dài về phía khu nhà phía nam, mỉm cười giới thiệu: "Thư viện cũng tổ chức chiêu sinh, mỗi khóa gồm một trăm học sinh, ba mươi người là chính khóa sinh, bảy mươi người là phụ khóa sinh."



Chính khóa sinh, đọc sao hiểu vậy, là những học sinh vượt qua kì thi chính thức của thư viện để nhập học. Còn phụ khóa sinh bao gồm những học sinh đạt được kết quả không tốt lắm trong kì thi tuyển chọn của thư viện, thứ tự thấp hơn học sinh chính khóa sinh một chút, ngoài ra còn có cả những trường hợp đặc biệt là do các gia đình quan lại hoặc những nhà giàu có đưa con em tới thư viện, dù sao thư viện cũng khó từ chối các trường hợp này. Chính khóa sinh và phụ khóa sinh khác biệt về nơi ở nhưng hằng ngày vẫn đi học cùng nhau, chính khóa sinh nào trốn học nhiều, kết quả học tập không duy trì được vị trí dẫn đầu thì có thể bị đánh tụt xuống thành phụ khóa sinh. Tương tự như thế, những học sinh vốn là phụ khóa sinh nhưng học hành chăm chỉ, đạt được kết quả tốt cũng có thể được nâng lên thành chính khóa sinh.



Thư viện trong cả nước chiêu sinh đáng ra đều noi theo lời của thánh nhân "giáo dục không phân nòi giống", không có tiêu chuẩn ngặt nghèo về xuất thân, hộ tịch, chỉ cần có chí học hành thì không phân biệt giàu nghèo, quê quán, đều có thể nhập học. Nhưng nếu như thế thật thì đám học sinh đã tụ tập hết về bốn thư viện hàng đầu rồi, còn ai muốn ở lại chốn quê nhà học hành gì nữa? Thư viện tuyên bố với bên ngoài là không có tiêu chuẩn gì nhưng thực tế không chỉ đặt ra tiêu chuẩn mà mà tiêu chuẩn này còn rất cao là đằng khác, đầu tiên nhất thiết phải tham gia kỳ tuyển chọn, sau đó phải gặp mặt các thầy dạy trong thư viện để họ xác định xem học sinh có tôn sư trọng đạo hay không, lễ nghi có tốt hay không, nhân phẩm có đáng tin tưởng hay không, gia thế có vết nhơ gì hay không mới có quyết định trúng tuyển.



nói như thế, những thư viện ít tiếng tăm đa phần thiên về việc tuyển học sinh bản địa, chỉ có những thư viện có tiếng như Bạch Lộc Động thư viện, Nhạc Lộc thư viện mới có thể kén chọn, thậm chí còn đưa ra yêu cầu chỉ có cử nhân mới có thể nhập học.



Giang Thành thư viện tuy được xây dựng đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa sản sinh ra nhà nho nào danh tiếng lừng lẫy, không dám lên mặt, không đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn để tuyển chọn học sinh, những người vượt qua kì thi, giá thế trong sạch là có thể vào học.



Học sinh trong thư viện chia làm hai loại, một loại là học sinh học vỡ lòng, tuổi tác phần lớn dưới mười ba tuổi. Loại thứ hai là những học sinh lớn hơn, đang chuyên tâm chuẩn bị cho kì thi, loại học sinh này có tuổi từ mười bảy, mười tám tới tận hai ba mươi tuổi. Hai loại học sinh này đều được phân thành chính khóa sinh và phụ khóa sinh.



"Thưa thầy, bao giờ mới đến kì thi nhập học?"



Phó Vân anh hỏi Triệu sư gia.



Triệu sư gia bật cười đắc ý, khoe khoang, "Ta nhận lời mời của Khương sơn trưởng tới đây làm chủ giảng, sao có thể không lấy được ưu đãi gì? Ngươi không cần thi vẫn có thể nhập học bình thường."



Phó Vân anh hơi nhíu mày, "Cần gì để thầy phải thiếu nhân tình của người ta như thế, nếu thư viện đã tuyển chọn rộng rãi thì đề thi chắc hẳn cũng không khó, con sẽ dành thời gian chuẩn bị trước, chưa chắc đã không thi được."



Triệu sư gia bất ngờ nhưng cũng mỉm cười: "thật ra cũng không phải nhân tình gì, mỗi chủ giảng của thư viện đều có thể đề cử một người là con cháu trong nhà tới nhập học, sau một năm nếu thi không qua thì sẽ bị đuổi học giữa chừng. Mấy đứa cháu trong tộc của ta có nhiều cách lắm, không cần nhờ đến ta, ngươi là học sinh của ta, suất này cho ngươi là được, không dùng cũng lãng phí mà!"



Qua khóe mắt, Phó Vân anh thấy người đang dẫn đường phía trước dường như đi chậm lại, nàng mỉm cười, hơi cao giọng hơn một chút: "Con vẫn không muốn khiến thầy phải lo lắng, kì thi nhập học thì khó gì? Con muốn thử một lần, nếu như không thi được tới lúc đó lại mặt dày mày dạn nhờ thầy giúp đỡ sau."



Triệu sư gia cũng hiểu ý, quay đầu sang nhăn mặt trêu nàng, khẽ ho khan, trả lời: "Cũng được, nửa tháng nữa là tới kì thi nhập học, đợi ngươi thi xong, có kết quả thì tính sau vậy."




Hai người không hề cố gắng kiềm chế âm lượng nên người trông có vẻ như là quản sự nghe được rành mạch nhưng sắc mặt từ đầu đến cuối vẫn không thay đổi, ánh mắt nhìn thẳng phía trước, không hề liếc nhìn hai thầy trò chút nào. Tới trước khu phía nam, người nọ chỉ vào trong viện trống, cười nói: "Đây là nơi ở của học sinh mới sắp tới sẽ nhập học."



Người nọ nhìn Phó Vân anh một lát, cười ôn hòa với nàng, vẫy tay ra hiệu cho một người làm công chuyên dọn dẹp gần đó rồi chắp tay xin lỗi Triệu sư gia, bảo người nọ dẫn Triệu sư gia đi tới chỗ ở mới của ông ở khu phía bắc.



Thư viện nhiều quy củ, học sinh không thể ra vào khu phía bắc, người trẻ tuổi trông như quản sự này là học trưởng do Khương Bá Xuân chọn ra, thường gọi là đường trưởng, thường ngày chuyên giám sát học sinh, bản thân người này cũng là học sinh nên chỉ có thể dẫn Triệu sư gia tới đây.



Triệu sư gia vỗ vai đường trưởng, nói: "Đứa cháu trai [2] này của ta đành để ở đây với ngươi vậy!" rồi đi theo người kia.



[2] Nguyên văn là đại ngoại sinh, nghĩa là cháu trai lớn nhất gọi Triệu sư gia là cậu, cái này tiếng Việt không biết để thế nào



...



Phó Vân anh rất muốn trừng mắt lườm ông ta một cái nhưng phải kiềm chế lại, nàng trở thành cháu trai của Triệu sư gia từ bao giờ thế?



Học trưởng dõi mắt nhìn theo Triệu sư gia đi dọc hành lang, rồi quay lại tự giới thiệu bản thân, hắn họ Trần tên Quỳ, năm nay hai mươi hai tuổi, đã đỗ tú tài, tuổi trẻ tài cao, hào hoa phong nhã, lúc nói chuyện trên môi vẫn vương nụ cười, có thể thấy là người ôn hòa, còn nhiệt tình giới thiệu phong cảnh trong thư viện cho Phó Vân anh.



Khu nhà phía nam tường trắng ngói đen, gồm hơn một trăm gia, nửa tây thông ra sơn cốc sau núi, là nơi ở của phụ khóa sinh, nửa đông gần khu phòng học phía đông, là nơi ở của chính khóa sinh. Phòng ốc tuy hơi cũ nhưng rất sạch sẽ, trong viện rợp bóng cây cổ thụ, ngoài ra còn trồng nhiều loại hoa cỏ đan xen.



Trần Quỳ chỉ về phía dãy nhà vừa rồi, cười nói: "Năm nay học sinh mới nhập học thật may mắn, ta còn nhớ ngày ta mới vào học, bốn người ở một viện, năm nay Lý đại nhân vừa nhậm chức đồng tri đã quyên góp xây dựng thêm dãy nhà mới, thành ra có thêm viện, năm nay học sinh mới hai người một viện, sẽ thoải mái yên tĩnh hơn."



Phó Vân anh mỉm cười không nói, thể hiện thái độ khiêm tốn kính cẩn, yên lặng lắng nghe Trần Quỳ giảng giải.



Nàng không sợ Trần Quỳ biết nàng có Triệu sư gia giúp đỡ, chuyện này cũng chẳng có gì đáng xấu hổ, dù sao đi nữa nàng cũng đâu thèm để ý tới cái nhìn của những học sinh khác. Trần Quỳ có thể trở nên nổi bật giữa hơn một trăm học sinh, trở thành học trưởng, tài năng nhất định không tệ, hơn nữa chắc chắn phải giỏi giao tiếp, được lòng cả thầy dạy lẫn học sinh trong trường, những học sinh như vậy đa phần là những người thông minh, hiểu sự đời. Nàng thể hiện điểm khác biệt của bản thân, Trần Quỳ ắt sẽ có ấn tượng sâu sắc về nàng, về sau dù không giúp đỡ nàng cũng sẽ không dám tùy tiện bắt nạt nàng.



...



Triệu sư gia đưa Phó Vân anh tới Giang Thành sư viện vốn là định đưa nàng đi bái kiến Khương Bá Xuân nhưng nghe nói nàng muốn tham gia kì thi nhập học như các học sinh khác liền đổi ý luôn.



đi ra từ khu phía bắc, ông ta nói lời cảm ơn Trần Quỳ vì đã giúp đỡ, rồi bảo Phó Vân anh đi theo mình, "Gặp Lão Khương rồi, nếu ngươi không gặp ông ta thì ta cũng chẳng có gì để nói với ông ta cả. Chúng ta về nhà chuẩn bị cho kì thi đi."



Trần Quỳ mới đi được mấy bước đã nghe thấy hai chữ "Lão Khương", mặt bỗng cứng đờ, trong lòng có dự cảm không tốt.



Thầy chủ giảng mới tới này... hình như không nghiêm túc lắm...



hắn hơi thất thần, nhận ra mình nghe Triệu sư gia nói xong liền vô thức gắn một sợi dây liên tưởng giữa vị sơn trưởng thận trọng, nghiêm túc, cổ hủ và gừng già gừng non gì đó, vội vã lắc đầu như thể cố hất hai chữ "củ gừng" ra khỏi đầu. [3]



[3] Khương, chỉ họ Khương và khương nghĩa là gừng là cùng một chữ. Triệu sư gia gọi Khương sơn trưởng là Lão Khương, theo kiểu bạn bè, không nghiêm túc, thực ra trong trường thì không ai gọi thế cả. Lão khương còn có nghĩa là gừng già.



một lát sau, không hiểu sao đầu óc vẫn toàn gừng, hắn khẽ cắn môi, vội vàng đi ra khỏi chỗ thị phi đó.



...



Phó Vân anh đi theo Triệu sư gia ra khỏi Giang Thành thư viện. Đám tôi tớ dẫn hai con lừa ra đón, thư viện ngay gần Trường Xuân Quan, cũng có một đoạn đường dốc, cưỡi lừa là tiện nhất.



Vương thúc bế Phó Vân anh lên lưng lừa, vừa mới nâng roi lên đã nghe thấy bên cạnh vang lên một tiếng gọi vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ, một thiếu niên trắng trẻo mặc áo gấm nhấc rèm ra khỏi kiệu, rảo bước về phía bọn họ, "Ngươi cũng là học sinh ở Giang Thành thư viện sao?"



Lời tác giả:



Những từ như giáo thụ, trợ giáo, tiến sĩ, học trưởng, giảng sư...v.v... có từ thời xưa, chỉ là ý nghĩa hơi khác so với nghĩa thường dùng hiện tại. (Đa phần editor sẽ giữ lại vì lắm từ quá, tiếng Việt không có)



Ví dụ như học trưởng không phải là học sinh khóa trên mà là học sinh được chọn để giám sát các học sinh khác, giải đáp thắc mắc cho các học sinh khác, vị trí này do học sinh có tài năng xuất chúng đảm nhiệm.



Những miêu tả về thư viện trong truyện có một phần nhỏ tham khảo trong lịch sử nhưng không hoàn toàn giống, một phần do tác giả tưởng tượng ra.