Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 4 - Chương 63




Hề Sơn người huyện Cao Mật (tỉnh Sơn Đông) làm nghề buôn bán, thường qua lại vùng Mông Sơn, Nghi Thủy (đều thuộc tỉnh Sơn Đông). Một hôm dọc đường gặp mưa, tới được nhà trọ quen thì đã khuya, gõ cửa mãi mà không ai lên tiếng. Đang ngần ngừ dưới hiên thì hai cánh cửa chợt mở, một ông già bước ra mời vào. Sơn mừng theo vào, lần dò lên sảnh, trong sảnh không có giường ghế gì cả. Ông già nói “Ta thương khách không có chỗ nghỉ nên mời vào, chứ thật ra ta không phải là người mở hàng bán cơm. Nhà không có ai đỡ đần, chỉ có bà vợ già và đứa con gái nhỏ đã ngủ cả rồi. Cái ăn thì còn đủ nhưng không còn nóng lắm, đừng chê là nguội lạnh". 

Nói xong vào trong, giây lát mang ra một cái chõng thấp đặt xuống đất mời khách ngồi. Lại trở vào mang ra một cái bàn con, đi lại tất bật trông rất vất vả. Sơn đứng ngồi không yên, giữ ông lại nói xin cứ nghỉ một lúc. Giây lát một cô gái mang rượu ra, ông già nói "Con A Tiêm nhà ta dậy rồi", nhìn thấy khoảng mười sáu mười bảy tuổi, xinh đẹp yểu điệu, phong thái đoan trang. Sơn có em trai chưa vợ, cũng thầm có ý bèn hỏi thăm dòng dõi quê quán ông già. Ông đáp "Ta họ Cổ tên Sĩ Hư, con cháu đều chết yểu chỉ còn đứa con gái này nên không nỡ làm nó mất giấc ngủ ngon, chắc bà vợ ta gọi nó dậy đấy". Hỏi "Chồng cô em là ai?", ông đáp còn chưa hứa gả, Sơn mừng thầm. Kế thức ăn bày lên đủ thứ, như trong hàng cơm. Sơn ăn xong cung kính nói “Con người bèo nước, đội ơn thương tới, đến chết cũng không dám quên. Nhân thấy ông thịnh đức nên xin đường đột tỏ lời quê mùa. Ta có đứa em trai nhỏ là Tam Lang mười bảy tuổi theo nghiệp đèn sách, cũng không đến nỗi ngu tối, muốn cầu chỉ thắm xe duyên, không biết ông có chê nghèo hèn không". Ông già mừng nói "Lão phu ở đây cũng là ngụ cư, nếu nó có chỗ gửi thân, nhân mượn được túp lều dời đi chỗ khác thì cũng đỡ lo". Sơn đều xin vâng, đứng dậy vái tạ. Ông già ân cần sắp đặt chỗ ngủ cho khách đâu đó rồi vào. 

Gà vừa gáy ông đã ra gọi khách dậy rửa mặt, Sơn gói hành lý xong đưa trả tiền cơm, ông già từ chối, nói "Khách ở lại dùng bữa cơm, không lý gì lại lấy tiền, hay định đưa tiền dẫn cưới đây?" Kế chia tay, hơn tháng sau Sơn quay lại, cách thôn hơn dặm thì thấy có bà già dắt một cô gái, khăn áo đều trắng, tới gần thấy như là A Tiêm. Cô gái cũng mấy lần nhìn Sơn rồi nắm áo bà già nói nhỏ gì đó, bà già liền dừng chân quay lại hỏi Sơn "Ông họ Hề phải không?” Sơn dạ dạ. Bà già buồn rầu nói "ông nhà ta không may bị tường đổ đè chết rồi. Hôm nay bọn ta định đi thăm mộ, ở nhà không có ai, xin đợi bên đường một lát sẽ trở lại ngay", rồi đi vào rừng. 

Lát sau trở lại thì trời đã tối, bèn cùng đi về, nói chuyện mẹ góa con côi, bất giác mủi lòng thương khóc Sơn cũng bùi ngùi. Bà già nói "Dân ở đây rất không lương thiện, con côi mẹ góa khó sống nổi. A Tiêm đã là dâu nhà ông, để lâu nữa sợ chậm trễ ngày tháng, chẳng bằng khuya nay cùng đưa nhau về sớm", Sơn bằng lòng. Tới nhà, bà già khêu đèn dọn cơm đãi khách xong, nói với Sơn “Nghĩ là ông sắp tới nên đã bán thóc lúa cất trữ đi, chỉ còn hơn hai mươi thạch vì xa nên chưa bán được. Cách đây khoảng bốn năm dặm về phía bắc có ngôi nhà đầu xóm là nhà Đàm Nhị Tuyền là người vẫn mua thóc của ta. Xin phiền ông chịu khó mang một túi tới trước gọi cổng, cứ nói bà già họ Cổ ở xóm Nam có vài thạch thóc định bán lấy tiền đi đường, phiền cho lừa tới chở luôn một lúc", rồi đưa túi thóc cho Sơn. Sơn vội vàng đi ngay, tới nơi gõ cửa thì một người đàn ông bụng phệ ra, Sơn nói rõ rồi trút thóc về trước. Lát sau có hai người phu dắt năm con lừa tới, bà già dẫn Sơn tới chỗ chứa thóc, thì là một căn hầm. Sơn chui xuống cầm hộc xúc lên, mẹ con bà già chuyền cho nhau, chốc lát đầy túi đưa họ mang đi. Đi lại tới bốn lần mới chở hết thóc, kế họ đưa tiền đưa cho bà già, bà giữ lại một người và hai con lừa rồi thu xếp hành lý đi về phía đông. Được hai mươi dặm, trời mới sáng rõ, tới một khu chợ, thuê được ngựa xe ở đầu chợ, đầy tớ họ Đàm bèn quay về. 

Về tới nhà, Sơn thưa lại với cha mẹ. Hai bên gặp nhau rất vui vẻ, bèn dọn một chỗ riêng cho bà già ở rồi chọn ngày lành làm lễ thành hôn cho Tam Lang, bà già sắm sửa tư trang cho con gái rất đầy đủ. A Tiêm hiền lành ít nói, ai trò chuyện chỉ mỉm cười, sớm tối lo dệt vải không ngừng, vì thế cả nhà ai cũng thương yêu. Nàng dặn Tam Lang "Nhớ dặn anh nếu có trở lại miền Tây thì đừng nói gì về mẹ con thiếp cả" 

Được ba bốn năm, nhà họ Hề càng giàu có, Tam Lang được vào học trường huyện. Một hôm Sơn ghé trọ nhà láng giềng cũ của họ Cổ, tình cờ kể chuyện năm trước không có chỗ trọ, phải ngủ nhờ nhà ông bà già. Chủ nói "Ông khách lầm rồi, đó là căn nhà riêng của bác ta, trước đó ba năm người ở đó thường thấy chuyện quái dị nên bỏ hoang đã lâu, làm gì có ông bà già nào mà cho ông ngủ lại?". Sơn rất kinh ngạc nhưng chưa tin lắm. Chủ nhân lại nói "Khu nhà ấy bỏ không mười năm, không ai dám vào. Một hôm bức tường sau nhà bị sập, bác ta tới xem thì thấy đá đè lên một con chuột to như con mèo, khúc đuôi bên dưới còn quẫy, vội về gọi mọi người tới xem thì không thấy đâu nữa. Ai cũng nghi vật đó là yêu quái, hơn mười ngày sau vào xem thử thì yên ắng không thấy gì, hơn năm sau mới có người tới ở". 

Sơn càng lấy làm lạ, về nói riêng với người nhà, trộm ngờ em dâu không phải là người. Lo thầm cho Tam Lang, nhưng Tam Lang vẫn hết lòng yêu quý vợ như thường. Lâu ngày người nhà xì xào bàn tán, cô gái thoáng nghe biết, nửa đêm nói với Tam Lang "Thiếp theo chàng mấy năm chưa từng có một lỗi nhỏ. Nay lại đặt chuyện để khinh rẻ, xin viết cho tờ ly hôn để chàng chọn một người vợ xứng đáng”, rồi rơi nước mắt. Tam Lang nói "Lòng ta thế nào thì nàng đã rõ. Từ ngày nàng về, nhà ngày một no đủ, vẫn nghĩ là nhờ phúc trạch của nàng, đâu lại còn điều này tiếng khác?". Nàng nói "Chàng vốn không hai lòng, thiếp há không biết sao? Nhưng nhiều người nói ra nói vào, e rồi không khỏi như chiếc quạt đến mùa thu bị bỏ xó”. Tam Lang khuyên giải mấy lần mới thôi. Nhưng Sơn vẫn không tha, ngày ngày cứ tìm mèo giỏi bắt chuột về để dò ý tứ. Cô gái tuy không sợ nhưng rầu rầu không vui. 

Một đêm nói mẹ không khỏe, xin Tam Lang cho về săn sóc, sáng ra Tam Lang qua tìm thì trong phòng trống không, phát hoảng cho người đi tìm khắp nơi không thấy tung tích, bứt rứt bỏ ăn bỏ ngủ. Cha và anh lại đều lấy làm may, cùng vỗ về an ủi, định cưới vợ khác cho, nhưng Tam Lang nhất định không chịu. Chờ hơn một năm, tin tức vắng bặt, cha và anh cứ chế nhạo trách mắng, bất đắc dĩ phải bỏ nhiều tiền mua một người thiếp, mà lòng nhớ A Tiêm vẫn không nguôi. Lại vài năm nhà họ Hề nghèo dần, vì thế càng thương nhớ A Tiêm. 

Có người em con chú Tam Lang là Lam nhân có việc tới huyện Giao (tỉnh Sơn Đông), đường xa nghỉ lại nhà người họ hàng bên ngoại là Lục sinh, đêm nghe bên nhà láng giềng có tiếng khóc rất đau thương, cũng chưa rảnh hỏi thăm. Lúc quay về lại nghe thấy bèn hỏi, chủ nhân đáp “Mấy năm trước có người đàn bà góa và cô gái mồ côi thuê nhà ở đó. Tháng trước bà già mất, cô gái ở một mình không người thân thích nên khóc đó thôi”. Lam nhân hỏi họ, Lục đáp “Họ Cổ, thường đóng cửa không giao thiệp với làng xóm nên chưa rõ gia thế ra sao". Lam giật mình nói "Thế thì là chị dâu ta rồi”. Bèn qua gọi cửa thì có người nín khóc bước ra, đứng trong cửa nói “Nhà ta không có đàn ông đâu”. Lam nhìn qua khe cửa, từ xa ngắm kỹ thấy đúng là chị dâu liền nói "Chị mở cửa, em ở nhà chú A Toại đây". Cô gái nghe tiếng, mở cửa mời vào, kể lể tình cảnh lẻ loi khổ sở, lời lẽ rất bi thảm. Lam nói "Anh Tam Lang nhớ chị lắm, vợ chồng có gì trái ý đâu mà chị xa lánh tới tận đây", rồi lập tức định thuê xe cùng về. Cô gái buồn rầu nói "Ta vì bị người khinh rẻ mới đưa mẹ đi ẩn, nay lại trở về nương tựa người thì ai không khinh rẻ? Như muốn ta trở về thì phải cùng anh chia bếp, nếu không, ta chỉ còn nước uống thuốc độc tự vẫn cho rồi". 

Lam về kể lại cho Tam Lang, Tam Lang lật đật đi ngay. Vợ chồng gặp nhau đều rơi lệ, hôm sau nói với chủ nhà xin về. Chủ nhà là Giám sinh họ Tạ thấy nàng đẹp, ngầm tính cưới nàng làm thiếp nên mấy năm không lấy tiền nhà, đã nhiều lần ngỏ ý với bà già nhưng bà cự tuyệt. Bà chết rồi, đang mừng mưu mình chắc xong thì Tam Lang chợt tới, bèn tính tiền nhà luôn trong mấy năm để làm khó. Nhà Tam Lang vốn không dư dật, nghe nói tiền nhiều có ý lo. Cô gái nói không sợ, rồi dẫn vào xem vựa thóc, khoảng hơn ba mươi thạch, trả tiền nhà rồi vẫn thừa. Tam Lang mừng nói với Tạ, Tạ không nhận thóc, cứ nhất định đòi tiền. Cô gái than "Trăm sự cũng vì nghiệp chung thân này", rồi kể lại tình thật. Tam Lang tức giận định kiện lên huyện. Lục bèn can, đem thóc chia bán cho người thân thích trong làng lấy tiền trả Tạ, rồi đem xe tiễn hai người về. 

Tam Lang thưa với cha mẹ, xin cùng anh chia nhà ra để ở. A Tiêm bỏ tiền riêng, ngày ngày xây kho thóc mà trong nhà vẫn chưa có lấy được một thạch, ai cũng lấy làm lạ, nhưng hơn năm xem lại thì kho đã đầy. Không vài năm, nhà đã giàu có mà Sơn vẫn nghèo khổ. Nàng mời cha mẹ chồng về nuôi dưỡng và đem tiền gạo chu cấp cho anh, nhiều lần thành lệ. Tam Lang mừng nói “Nàng có thể nói là người không để tâm thù oán". Cô gái đáp “Cũng bởi anh ấy có lòng thương em trai. Nếu không có anh ấy, thiếp đâu được cùng chàng nên duyên?”. Về sau cũng không có chuyện gì lạ.