Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 7 - Chương 127




Hoắc Hoàn tự Khuông Cửu là người đất Tấn (tỉnh Sơn Tây). Cha làm quan Huyện úy, mất sớm lúc sinh còn rất nhỏ. Sinh thông minh hơn người, mười một tuổi đã nổi tiếng thần đồng, được vào học trường huyện, Nhưng mẹ thương con quá mức, cấm ra khỏi sân nhà nên mười ba tuổi vẫn không phân biệt được chú bác cô cậu. Trong làng có Bình sự họ Vũ mộ đạo thần tiên, vào núi tu luyện không về, có con gái tên Thanh Nga mười bốn tuổi nhan sắc tuyệt đẹp, thuở nhỏ đọc trộm sách vở của cha, vốn thích Hà tiên cô*. Lúc cha vào núi ở ẩn rồi nàng lập chí không lấy chồng, mẹ cũng không biết làm sao. Một hôm sinh gặp nàng ngoài cổng, trẻ con chưa biết gì chỉ thấy rất yêu mến không nói nên lời về nói thật với mẹ, xin nhờ người dạm hỏi. 

*Hà tiên cô: tiên nữ duy nhất trong nhóm Bát tiên theo truyền thuyết Trung Hoa. 

Mẹ biết là không xong nên ngần ngại, sinh buồn bực không vui, mẹ sợ con buồn bèn nhờ người tới ngỏ ý, quả nhiên họ Vũ từ chối, sinh đứng ngồi lo nghĩ không biết tính sao. Gặp lúc có vị đạo sĩ tới cổng, cầm cái xẻng nhỏ dài khoảng một thước, sinh mượn xem qua một lượt, hỏi dùng vào việc gì. Đạo sĩ nói "Để đào lấy thuốc, tuy nhỏ nhưng có thể đào thủng đá cứng". Sinh chưa tin lắm, đạo sĩ lập tức chém vào viên đá trên tường, viên đá theo tay rơi xuống mà nát ra như đậu phụ, sinh rất lạ lùng, cầm ngắm không nỡ rời tay. Đạo sĩ cười nói "Công tử đã thích thì ta xin tặng", sinh cả mừng lấy tiền trả ơn nhưng đạo sĩ không nhận, chào đi. Sinh cầm về chém thử vào gạch đá không gì không vỡ, bèn nghĩ dùng khoét tường thì có thể thấy được mặt mỹ nhân mà không hề biết đó là chuyện phạm pháp. 

Đến khuya yên ắng bèn trèo tường ra đi, thẳng tới nhà họ Vũ, khoét qua hai lớp tường mới vào tới sân giữa. Thấy trong gian phòng nhỏ còn đèn, núp nhìn vào thấy Thanh Nga đã mặc đồ ngủ. Giây lát đèn tắt, bốn bề không một tiếng động, sinh khoét tường vào thì cô gái ngủ say. Bèn khẽ cởi giày leo lên giường, lại sợ cô gái giật mình tỉnh dậy sẽ quát mắng đuổi đi nên nằm phục xuống cạnh chiếc chăn thêu, lắng nghe hơi thở thơm ngát, tự thấy được an ủi rất nhiều. Nhưng vì suốt nửa đêm đào khoét, đã quá mệt mỏi nên vừa nhắm mắt lại bất giác đã ngủ luôn. Cô gái tỉnh dậy nghe tiếng ngáy khò khò, mở mắt ra nhìn thấy ánh sáng lọt vào chỗ vách bị khoét thủng, cả sợ choàng dậy khẽ lay đứa tỳ nữ mở cửa rón rén bước ra, gõ cửa sổ gọi bọn đàn bà trong nhà cùng thắp đuốc cầm gậy kéo tới. Thấy một cậu học trò tóc còn để chỏm ngủ say trên giường, nhìn kỹ biết là Hoắc sinh, lay gọi mới tỉnh. Sinh vùng dậy, mắt long lanh như sao băng, như cũng không sợ sệt gì lắm, chỉ thẹn thùng không nói câu nào. 

Mọi người chỉ trỏ mắng là giặc cướp, quát tháo dọa dẫm, sinh mới rơi nước mắt nói “Ta không phải là giặc cướp, thật lòng chỉ vì yêu mến nương tử, muốn được gần gũi hương thơm một lần thôi". Mọi người lại ngờ việc khoét qua mấy lớp tường vách không phải sức đứa trẻ con làm được, sinh đưa cái xẻng cho họ xem, nói rõ sự lạ lùng. Họ cùng thử cũng hoảng sợ, ngạc nhiên coi là của thần cho, định cùng tới báo cho phu nhân. Cô gái cúi đầu suy nghĩ như có ý không muốn, mọi người đoán biết ý nàng bèn nói “Anh chàng này cũng là con nhà có tiếng tăm, chẳng có gì là nhục nhã, chẳng bằng cứ thả về cho để cậy mai mối lại tới vậy, còn sáng ra cứ thưa với phu nhân là có trộm vào nhà là được chứ gì?". Cô gái không đáp, mọi người bèn giục sinh đi, sinh đòi cái xẻng, họ cùng cười nói "Chú nhỏ khờ vẫn không quên cái vật hung dữ này à?". Sinh liếc thấy cạnh gối có một chiếc thoa, lén nhét vào tay áo, bị đứa tỳ nữ trông thấy mách ngay với cô gái nhưng nàng không nói gì cũng không tức giận, một bà già vỗ vào gáy sinh nói “Đừng nói tới chuyện khờ khác, chỉ cái ý ấy thôi cũng đã sai trái lắm rồi" rồi kéo ra, sinh lại qua lỗ tường thủng ra về. 

Về nhà sinh không dám nói thật với mẹ, chỉ xin mẹ cậy mai mối lại tới hỏi. Mẹ không nỡ từ chối ra mặt, chỉ nhờ khắp các bà mối tìm gấp đám khác cho sinh. Thanh Nga nghe chuyện hoảng hốt, lén sai người thân tín bắn tin cho mẹ sinh, bà mừng rỡ liền nhờ người mai mối tới. Gặp lúc đứa tỳ nữ nhỏ nói lộ chuyện hôm trước ra, Vũ phu nhân lấy làm nhục nhã, vô cùng căm tức, thấy bà mụ tới càng tức giận, cầm gậy vạch đất chửi mắng sinh, nhiếc móc luôn bà mẹ. Bà mối sợ quá lủi về kể rõ tình hình, mẹ sinh cũng nổi giận nói "Thằng ranh con làm những gì thì ta đều mờ mịt, sao lại vô lễ với ta? Lúc bắt được sao không giết đôi đãng nhi dâm phụ luôn đi?", từ đó gặp họ hàng thân thuộc đều nói vung lên. Cô gái nghe chuyện xấu hổ muốn chết đi, Vũ phu nhân hết sức ăn năn nhưng không sao cấm được mẹ sinh đừng nói. Cô gái lại sai người tới năn nỉ mẹ sinh, lại thề không bao giờ lấy người khác, lời lẽ bi thiết. 

Mẹ sinh cảm động, thôi không rêu rao nữa nhưng cũng bỏ luôn ý định cầu hôn. Gặp lúc ông Âu ở Tần Trung (tỉnh Thiểm Tây) tới làm Huyện lệnh ở đó, đọc văn của sinh rất quý trọng, thường gọi vào dinh chơi, đối xử rất tử tế. Một hôm ông hỏi sinh có vợ chưa, sinh đáp chưa, ông hỏi kỹ hơn, sinh đáp "Trước đã có hẹn ước với con gái quan Bình sự họ Vũ, sau vì chuyện xích mích nhỏ nên nửa đường gãy gánh”. Ông hỏi bây giờ còn muốn cưới nàng không, sinh đỏ mặt không đáp ông cười nói "Ta sẽ tác thành cho anh", rồi lập tức sai quan Huyện úy và Giáo dụ tới nộp sính lễ cho nhà họ Vũ. Vũ phu nhân mừng rỡ, hôn ước mới định. Qua năm sau cô gái về nhà chồng, vào tới phòng ném cái xẻng xuống đất nói "Đồ dùng làm giặc cướp này phải vứt đi", sinh cười nói "Đừng quên bà mối chứ”, rồi trân trọng đeo bên người không rời lúc nào. Cô gái là người nhu mì trầm mặc, mỗi ngày tới hầu mẹ chồng ba lần xong thì đóng cửa ngồi im lặng, không lưu ý lắm tới việc nhà. 

Nhưng khi mẹ chồng ăn cưới điếu tang đi vắng, thì nàng coi sóc việc nhà đâu vào đấy. Hơn hai năm sau nàng sinh một trai đặt tên là Mạnh Tiên, chỉ giao cho bà vú chăm sóc như cũng không thương yêu gì lắm. Lại bốn năm năm sau, chợt nói với sinh "Tình duyên vợ chồng đã tám năm, nay thì chia ly dài lâu, sum họp ngắn ngủi, biết làm thế nào?”. Sinh cả kinh gạn hỏi, nàng chỉ im lặng, kế mặc quần áo đẹp đẽ vào lạy mẹ chồng rồi quay về phòng, sinh theo vào hỏi thì nàng đã lên giường nằm mà tắt hơi rồi. Mẹ con sinh rất đau đớn, mua quan tài chôn cất. Mẹ sinh đã già yếu, cứ bế cháu lại nhớ con dâu, ruột gan như xé, vì thế mang bệnh nằm liệt giường. Dần dần bà bỏ cả ăn uống, chỉ thèm canh cá, nhưng gần đó không có cá, phải đi xa hơn trăm dặm mới mua được. Lúc ấy tôi tớ lừa ngựa đều sai đi công việc, sinh tính chí hiếu, nóng ruột không chờ được liền mang tiền một mình ra đi, đêm ngày không nghỉ chân. Khi trở về tới giữa núi thì mặt trời đã lặn, hai chân đau nhức không bước nổi nữa. Phía sau có một ông già đi tới, hỏi "Bị phồng chân phải không?”, sinh dạ dạ. Ông già bèn kéo sinh vào vệ đường, đánh đá lấy lửa, lấy giấy gói thuốc xông hai chân sinh rồi bảo đi thử xem, sinh thấy chẳng những hết đau mà còn cứng cáp hơn, hết sức cảm tạ. Ông già hỏi có việc gì mà gấp gáp như thế, sinh nói vì mẹ bệnh, nhân kể lại nguyên cớ. Ông già hỏi sao không lấy vợ khác sinh đáp vì chưa tìm được đám nào khá. Ông già chỉ xóm núi xa xa nói "Chỗ đó có một giai nhân, nếu chịu đi theo thì lão sẽ làm mai cho ông”. Sinh từ chối nói mẹ bệnh dang chờ có cá ăn nên không được rảnh, ông già chắp tay chào, bảo ngày khác tới thôn hỏi già Vương rồi từ biệt đi. 

Sinh về nhà nấu cá dâng mẹ, mẹ ăn được chút ít, vài hôm sau thì khỏi bệnh. Sinh bèn sai đầy tớ dẫn ngựa đi theo tìm ông già, tởi chỗ cũ thì không thấy xóm làng gì cả. Loanh quanh hồi lâu, bóng chiều dần buông xuống mà hang núi dày đặc không thể nhìn rõ nơi xa, bèn cùng người đầy tớ chia nhau lên đỉnh núi để tìm làng xóm. Nhưng đường núi gập ghềnh không đi ngựa được, đi bộ lên tới thì trời đã sẩm tối, nhìn ngó bốn phía chẳng thấy làng xóm nào, vừa định trở xuống thì lạc mất đường, lòng như lửa đốt. Sinh đang dò dẫm thì hụt chân rơi xuống vực, may là bên dưới mấy thước có một ngôi nhà bỏ hoang, sinh rơi lên nóc, rộng vừa đủ dung thân, nhìn xuống đen ngòm không trông thấy đáy, sợ quá không dám động đậy. Lại may là vách núi có những cây nhỏ to bằng song cửa, sinh định thần hồi lâu thấy bên chân có một cửa động nhỏ, trong lòng mừng thầm bèn dựa lưng vào đá, giật lùi chui vào, thấy hơi yên tâm, chờ trời sáng để kêu cứu. 

Giây lát thấy xa xa trong động có đốm sáng như ngôi sao, đi lần vào khoảng hai ba dặm chợt thấy nhà cửa, không có đèn đuốc gì mà sáng như ban ngày, có một mỹ nhân trong phòng đi ra, nhìn ra thì là Thanh Nga. Nàng thấy sinh giật mình hỏi “Sao chàng tới được nơi đây?” Sinh không kịp tỏ bày, nắm tay nàng khóc lớn, nàng an ủi bảo nín. Hỏi thăm mẹ và con, sinh kể hết cảnh khổ, nàng cũng buồn bã. Sinh hỏi "Nàng chết đã hơn một năm rồi, đây là âm ty phải không?”, cô gái đáp "Không phải, đây là động tiên. Lúc trước thiếp chết không phải là thật đâu chàng chôn đó chỉ là một cây gậy trúc thôi. Nay chàng tới là có duyên phận thành tiên”. Rồi dẫn sinh vào chào cha, thấy một người đàn ông râu rậm ngồi trong sảnh đường, sinh rảo bước tới lạy, cô gái thưa là Hoắc lang tới, ông giật mình đứng lên cầm tay sinh trò chuyện rồi nói "Con rể tới rất hay, nên ở lại đây". Sinh chối từ là mẹ ở nhà mong đợi, không ở lâu được. Ông nói "Ta cũng biết thế, nhưng về muộn đôi ba ngày thì có hề gì", rồi bày cơm rượu thết đãi, xong sai tỳ nữ dọn giường ở phòng khách, trải nệm gấm cho sinh nghỉ. 

Sinh lui về phòng, kéo cô gái ngủ chung, nàng chối từ nói "Đây là nơi nào mà đòi giở trò bậy bạ?". Sinh nắm tay nàng không chịu buông, đứa tỳ nữ cười chế nhạo, nàng càng hổ thẹn. Đang còn giằng co thì ông nhạc vào, quát nói “Quân phàm tục làm nhơ động phủ của ta, bước ngay đi". Sinh vốn nóng tính, xấu hổ không nhịn được, giận dữ đáp "Tình vợ chồng ai mà nhịn được, bậc trưởng thượng sao lại rình nhìn? Ta đi thì không khó, nhưng lệnh nữ cũng phải đi theo”. Ông không biết nói sao, đành bảo con gái đi theo rồi mở cổng sau đưa ra, nhưng lừa sinh ra rồi thì cha con đóng sập cửa lại. Sinh ngoảnh nhìn thì thấy vách đá cao ngất không có chỗ hở, bơ vơ một mình không biết về đâu, nhìn lên trời thì trăng xế sao thưa, ngậm ngùi hồi lâu, hết đau tới hận, nhìn vào vách đá kêu gào, không nghe ai lên tiếng đáp. 

Sinh phẫn uất quá, rút cái xẻng trong lưng ra đục phá vách đá, vừa đục vừa chửi, trong chớp mắt đã khoét thủng ba bốn thước, nghe văng vẳng có tiếng người nói “Nghiệt chướng thay". Sinh càng ra sức đục mau, hai cánh cửa động chợt hé ra, ông nhạc đẩy Thanh Nga ra nói "Bước ngay, bước ngay!”, vách đá lại liền lại như cũ. Cô gái oán trách nói “Đã thương yêu lấy thiếp làm vợ, sao lại đối xử với ông nhạc như thế? Đạo sĩ già ở đâu cho chàng cái vật hung dữ đó, quấy nhiễu người ta muốn chết". Sinh có được cô gái rồi cũng đã mãn nguyện, không buồn tranh cãi, chỉ lo đường đi hiểm trở khó về. Cô gái liền bẻ hai nhánh cây, mỗi người cưỡi lên một nhánh, lập tức biến thành ngựa chạy rất mau, giây lát đã về tới nhà, lúc ấy sinh mất tích đã bảy ngày. Lúc đầu khi chủ tớ sinh lạc nhau, người đầy tớ tìm không được bèn về thưa lại với mẹ sinh. Bà sai gia nhân tìm khắp trong núi không thấy dấu vết gì, đang lo sợ thì nghe tin con về, mừng rỡ ra đón, ngẩng đầu nhìn thấy Thanh Nga kinh hãi suýt ngất. 

Sinh thuật qua mọi chuyện, bà càng thêm vui mừng. Cô gái vì hành trạng có chỗ lạ lùng, ngại người ta lo sợ nên xin mẹ dọn nhà đi nơi khác. Mẹ sinh theo lời, vì vốn có nhà ở làng khác liền dời tới ở đó, người ta đều khôngbiết về nàng. Ăn ở với nhau mười tám năm, nàng sinh một gái, gả cho họ Lý cùng huyện. Sau bà mẹ qua đời, nàng nói với sinh “Trong ruộng nhà ta có ngôi đất Chim trĩ ấp tám quả trứng có thể chôn mẹ, cha con chàng nên đưa linh cữu mẹ về đó an táng. Con chúng ta đã lớn, cứ để nó ở lại giữ mộ, không cần trở về”. Sinh theo lời, chôn cất mẹ xong trở về một mình, hơn tháng sau Mạnh Tiên về thăm thì cha mẹ đã đi mất. Hỏi lão bộc thì thưa là đi đám tang chưa về trong lòng biết là có chuyện lạ nhưng chỉ còn cách than thở mà thôi. 

Mạnh Tiên nổi tiếng văn hay nhưng lao đao chốn trường ốc đến bốn mươi tuổi vẫn chưa thi đỗ. Sau nhờ chân Cống cử vào kinh thi hội gặp một người cùng tên, thấy khoảng mười bảy mười tám tuổi, phong thái tuấn dật thích lắm. Nhìn tới quyển thi đề "Lẫm sinh Hoắc Trọng Tiên ở Thuận Thiên", giật mình kinh hãi bèn nói tên mình. Trọng Tiên cũng ngạc nhiên hỏi kỹ quê quán, Mạnh nói rõ ràng, Trọng Tiên mừng nói “Lúc đệ lên đường vào kinh, gia phụ có dặn vào trường nếu gặp người nào họ Hoắc ở Sơn Tây thì đó là họ hàng, nên cùng giao thiệp, nay quả đúng. Nhưng sao tên tự chúng ta giống nhau như thế?". Mạnh Tiên hỏi tới danh tính ông bà cha mẹ xong giật mình nói “Đó là cha mẹ ta đấy". Trọng Tiên nghĩ tuổi tác không hợp, Mạnh Tiên nói “Cha mẹ đều là người tiên, làm sao lấy dung mạo mà bàn số tuổi được”, nhân kể lại chuyện xưa, Trọng Tiên mới tin. 

Thi xong hai người không màng nghỉ ngơi, sai thắng ngựa cùng về, vừa tới cổng thì gia nhân ra đón nói đêm trước Thái ông và phu nhân đi đâu mất, hai người cả kinh. Trọng Tiên chạy vào hỏi vợ, vợ đáp “Chiều hôm qua còn cùng ngồi uống rượu, mẹ nói "Vợ chồng con còn nhỏ chưa trải việc đời, ngày mai anh cả con tới thì ta không lo gì nữa”. Sáng ra vào phòng thì không thấy cha mẹ đâu cả". Anh em nghe nói dậm chân kêu khóc, Trọng Tiên muốn đi tìm nhưng Mạnh Tiên cho là vô ích mới thôi. Khoa ấy Trọng Tiên đỗ Cử nhân, vì phần mộ tổ tiên ở cả Sơn Tây nên theo anh về đó. Cũng hy vọng cha mẹ còn ở cõi trần, tìm kiếm thăm hỏi khắp nơi nhưng rốt cuộc vẫn không thấy tung tích. 

Dị Sử thị nói: Khoét vách tường lên giường ngủ, tình ý quả là ngây, đào vách núi chửi cha vợ, hành vi quả là cuồng, người tiên tác hợp cho chỉ là muốn lấy việc trường sinh báo đáp lòng hiếu thảo vậy. Nhưng đã lưu vết ở nhân gian, lấy vợ sinh con, thì cứ an nhiên sống đến lúc chết cũng có gì là không được? Đây thì trong ba mươi năm mấy lần bỏ mặc con cái, sao lại cô độc như thế nhỉ? Lạ thật.