Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 9 - Chương 158




Chu sinh người huyện Dương Cốc (tỉnh Sơn Đông), tuổi trẻ tính hời hợt, ưa đùa cợt. Vì vợ chết nên tới gặp bà mối, nhân thấy vợ người láng giềng của bà ta xinh đẹp bèn nói đùa “Quý hàng xóm đẹp quá, nếu ta cưới được thì hay lắm”. Bà mối cũng đùa rằng "Cứ giết chồng người ta đi, thì ta sẽ tính giùm cho". Sinh cười nói "Được thôi”. Hơn tháng sau, chồng người ấy đi đòi nợ bị giết ngoài đồng. Quan huyện sai bắt chức dịch trong làng, đánh đập tóe máu nhưng rốt lại vẫn không có manh mối gì. Chỉ có bà mối kể lại chuyện sinh nói đùa, quan vì thế nghi là Chu sinh, sai bắt tới hỏi thì nhất quyết không nhận. Quan huyện lại ngờ rằng người đàn bà tư thông với sinh, sai bắt luôn, tra tấn rất tàn khốc, người đàn bà không chịu nổi bèn nhận bừa. Quan lại tra hỏi Chu, Chu nói "Đàn bà yếu ớt không chịu đau nổi nên nhận bừa, có điều đã chết oan còn mang thêm tiếng xấu bất trinh, giả như quỷ thần vô tri thì ta cũng không nỡ. Thôi để ta khai thật, đúng đấy, ta muốn giết chồng để lấy người vợ, chuyện này đều do ta làm, nàng ta không biết gì đâu”. 

Hỏi có chứng cớ gì không, sinh đáp là có chiếc áo vấy máu làm bằng. Quan sai tới nhà lục soát thì không thấy, lại tra tấn, Chu chết đi sống lại mấy lần bèn nói "Đây là vì mẹ ta không nỡ đưa ra để ta phải chết thôi, để ta tự đi lấy". Quan cho giải về nhà, sinh nói với mẹ "Đưa áo con ra thì con phải chết, mà không đưa ra thì con cũng chết. Đàng nào con cũng chết, thôi mẹ đưa ngay ra đây đi". Bà mẹ khóc đi vào phòng, lát sau cầm tấm áo đưa ra. Quan khám nghiệm thấy đúng là có vết máu, kết án xử chém sinh, bàn đi xét lại nhiều lần không ai nói gì khác, được hơn một năm thì định ngày hành quyết. Hôm ấy quan huyện vừa mới điểm danh phạm nhân chợt có một người đi thẳng vào công đường, trợn mắt nhìn quan huyện mắng lớn "Ngươi mù mờ như thế làm sao coi việc dân?”. Bọn nha dịch mấy mươi người xúm vào bắt, người ấy gạt tay một cái, cả đám ngã dúi dụi. Quan huyện khiếp sợ toan chạy, người ấy nói lớn "Ta là Chu Tướng quân dưới trướng Quan Đế* đây! Tên quan ngu xuẩn kia mà nhúc nhích thì ta giết chết tươi đấy!". Quan huyện run sợ đứng im, người ấy nói "Kẻ giết người là Cung Tiêu, chứ họ Chu có dính líu gì tới?". Nói xong ngã lăn xuống đất ngất đi, lát sau tỉnh lại, mặt không còn chút máu, hỏi tên họ thì là Cung Tiêu. 

*Chu tướng quân... Quan Đế. tức Chu Thương, cận tướng của Quan Vũ nhà Thục Hán, khi Quan Vũ bị Đông Ngô giết thì tự tử chết theo, về sau cũng được thờ cúng chung với Quan Vũ, là người mặt đen cầm thanh long đao đứng hầu vẫn thường được vẽ trong các bức tranh Quan Vũ đọc kinh Xuân thu trước nay. 

Bắt lấy tra hỏi thì y nhận hết tội. Té ra Cung vốn là kẻ liều lĩnh, biết là người kia đi đòi nợ về, cho rằng có mang nhiều tiền trong người bèn giết chết, nhưng chẳng được đồng nào. Nghe Chu sinh nhận tội bừa, trong lòng ngầm lấy làm may mắn, nhưng hôm ấy bỗng tự đi vào công đường mà không biết gì cả. Quan huyện hỏi Chu lấy chiếc áo vấy máu ở đâu ra, Chu cũng không rõ, gọi mẹ Chu lên hỏi, thì ra là bà cắt cánh tay lấy máu bôi vào, khám tới cánh tay trái của bà thì thấy có vết dao cắt vào còn chưa lành hẳn. Quan huyện cũng kinh ngạc, sau đó bị hặc tội vì vụ này, kế bị cách chức giam cầm rồi chết. Hơn năm sau mẹ người đàn bà muốn gả chồng cho con, nàng cảm nghĩa của Chu, bèn lấy Chu. 

Dị Sử thị nói: Xét án là phận sự hàng đầu của kẻ làm quan, vun bồi âm đức hay vùi lấp lẽ trời đều là ở đó nên không thể không cẩn thận vậy. Nóng nảy dữ tợn, làm trái đức hòa thì không những làm việc xét án kéo dài mà còn khiến cho sinh dân thương tổn. Một kẻ đi kiện thì mấy người bỏ ruộng nương, một vụ xử xong thì mười nhà tan cơ nghiệp, há lại coi là chuyện nhỏ sao! Ta thường nói kẻ làm quan không nhận xử kiện nhiều tức là có đức tốt mà không phải chuyện trọng đại thì chẳng cần tra xét, không phải việc khó khăn thì bất tất lưu tâm. Như có bọn dân quê trên núi trong làng, vì ngẫu nhiên tranh nhau con vịt con gà mà đi thưa đi kiện, thì chẳng qua chỉ cần một câu nói của quan trên là đủ thu xếp yên chuyện thôi. Thế mà không chịu chu toàn cho người ta, đòi cả bên nguyên bên bị tới, lập tức đánh đập tra khảo, tới nỗi roi hèo gãy hết, như vậy đâu phải là quan huyện thần minh? Vẫn thấy có ông quan huyện xử kiện vừa phát trát đòi đi thì hầu như đã quên bẵng, mà kẻ sai dịch đi bắt người túi chưa đầy thì không cho thấy trát quan, kẻ thư lại xếp lịch xử tiền chưa cầm thì không chịu trình án kiện, che giấu dằng dai, kéo dài ngày tháng, dân đen chưa kịp ra tới công đường thì xương thịt đã tan nát cả rồi. 

Thế mà kẻ nghiễm nhiên làm cha mẹ dân cứ ngủ kỹ trên giường như là vô sự, nào biết rằng trong chốn ngục tù nguy ngập có vô số oan hồn đang thoi thóp dài cổ trông chờ được cứu ra đâu? Nếu đúng kẻ gian ác bất lương, thật không đáng tiếc, nhưng là người thiện lương vô tội, chịu vậy sao kham? Huống chi trong những kẻ bị liên can thì thường kẻ gian ác ít, người lương thiện nhiều, mà người lương thiện lại thường bị hại nhiều gấp bội kẻ gian ác. Tại sao lại như thế? Vì kẻ gian ác thì khó hành hạ, mà người lương thiện thì dễ khinh khi vậy. Cho nên sai dịch chửi mắng, thư lại vòi tiền, đều nhằm vào người lương thiện mà trút lòng tham bạo. Thường dân đen bước vào cửa công như đi trên lửa đỏ, xử án sớm được một ngày là sống yên sớm được một ngày, nên có chuyện gì lớn thì nhìn lên công đường thẫn thờ như người chết rồi, chỉ lo không đủ tiền để lấp đầy túi tham, đành nghĩ muốn yên thân còn phải nhiều ngày tháng. Như thế thì tuy quan trên không tàn bạo nhưng thật ra cũng có tội ngang bọn sai dịch thư lại vậy. Thường thấy trong các đơn kiện thì kẻ cần phải đòi tới chẳng qua chỉ có vài ba người, còn lại đều là dân đen vô tội bị thêu dệt vu cáo mà thôi. Có khi vì ngày thường hiềm khích nên thành oán thù, có khi là trong nhà có của nên bị ghen ghét, bên nguyên đối với kẻ bị kiện chính thì mới ra sức làm sao cho bị khép tội, chứ đối với số còn lại thì chỉ là để trả thù vặt. Nhưng người bị thưa kiện thì tựa hồ bị ung nhọt trong xương, chịu đủ tội ở cửa công cũng phải muôn ngàn đau đớn, người ta quỳ cũng quỳ, tựa chim theo lũ, người ta bước cũng bước, như khỉ bị xiềng. Nhưng xét lại thì quan trên không hỏi, thư lại không tra, thật ra đều hoàn toàn vô dụng trong việc xét xử, có điều bấy nhiêu cũng đủ khuynh gia bại sản mà nuôi béo lũ thư lại tham lam, bán vợ đợ con để thỏa dạ bọn tiểu nhân thù vặt rồi. Rất mong nhũng người làm quan gặp việc kiện tụng thì xét sơ qua một lượt đã, kẻ cần bắt thì ra lệnh bắt, kẻ không cần bắt thì thôi. Chẳng qua chỉ rung quản bút, động cổ tay mà đã là bảo toàn cho ít nhiều gia đình, bồi bổ vào ít nhiều nguyên khí trong thiên hạ rồi. Người làm chính sự đã không nghĩ tới việc ấy, lại còn chăm chăm dùng gông cùm đao kiếm, để giết người sao?