Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 13 - Chương 257: Họ Đoàn (Đoàn Thị)




Đoàn Thụy Hoàn là nhà giàu ở huyện Đại Danh (tỉnh Hà Bắc). Bốn mươi tuổi vẫn không có con, nhưng vợ là Liên thị cả ghen nên muốn mua thiếp mà không dám. Đoàn tư thông với một tỳ nữ, Liên thị biết được, đánh người ấy mấy trăm roi, đem bán cho nhà họ Loan ở Hà Gian. Đám cháu trong họ sớm tối xin ăn thừa tự, Đoàn không trả lời, chúng đều có vẻ tức giận, muốn cho một đứa ăn thừa tự thì cả bọn ngăn trở. Liên thị hung dữ cũng không làm được gì, mới hối hận uất ức nói "ông nay hơn sáu mươi tuổi, chẳng lẽ không sinh được con trai à?". Bèn mua cho chồng hai người thiếp, nghe Đoàn vào phòng họ ngủ cũng không hỏi tới. Được hơn năm, hai người thiếp đều có mang, cả nhà đều mừng rỡ. Từ đó Liên thị mới hơi yên lòng, phàm đám cháu có ai nài nỉ xin ăn thừa tự, lập tức lớn tiếng chửi mắng. Không bao lâu, một người thiếp sinh con gái, một người thiếp sinh con trai nhưng đứa nhỏ vừa lọt lòng đã chết ngay. Vợ chồng thất vọng, chỉ còn trông chờ vào tương lai mà thôi. 

Hơn năm sau, Đoàn bị trúng phong nằm liệt giường, đám cháu càng mặc sức hoành hành, trâu ngựa vật dùng trong nhà cứ tự tiện tới tranh nhau mang đi. Liên thị ra chửi mắng thì chúng hỏi vặn lại, muốn tính toán thì không sao tính toán được, sớm chiều khóc lóc. Đoàn vì thế bệnh càng nặng, kế chết. Đám cháu tới họp ngay trước quan tài bàn việc chia gia sản. Liên thị tuy đau đớn nhưng không thể ngăn cấm được, muốn giữ lại một mảnh ruộng tốt để già trẻ sinh sống, mà họ cũng không chịu. Liên thị nói "Các ngươi không muốn để lại chút gì, định cho mụ già này và đứa nhỏ kia chết đói phải không?". Tranh cãi suốt ngày không xong, Liên thị chỉ phẩn uất đấm ngực kêu khóc. Chợt có người khách tới điếu tang, vào thẳng chỗ quan tài khóc lóc rất thảm thiết, rồi xé khăn tang buộc lên đầu, mọi người đều không biết là ai. Hỏi thì khách đáp “Người chết là cha ta đấy" mọi người càng hoảng sợ, khách mới thong thả nói rõ. 

Trước đây người tỳ nữ mà Liên thị bán về làm thiếp họ Loan được năm sáu tháng thì sinh ra Hoài. Loan coi như con mình, đến năm mười tám tuổi cho vào học ở nhà phán. Sau Loan chết, các con trai chia gia tài, không chia đều cho Hoài. Hoài về hỏi mẹ mới biết nguyên do, nói "Đã là họ khác, thì ai có dòng giống kẻ ấy, cần gì ở đây nhận trăm mẫu ruộng của người?”. Bèn trở về nhà Đoàn, lúc ấy Đoàn đã chết, kể lại mọi chuyện đều có chứng cứ rõ ràng. Liên thị vừa uất ngã bệnh, nghe thế mừng rỡ, đi thẳng ra nói với đám cháu bên chồng "Ta nay lại có con rồi những trâu ngựa vật dùng các ngươi đã lấy đi mau đem trả lại nếu không ta sẽ kiện đấy". Đám cháu Đoàn tái mặt nhìn nhau, im lặng giải tán. Hoài bèn đưa mẹ ruột về ở với Liên thị, cùng chịu tang cha. Đám cháu Đoàn bất bình, bàn nhau đuổi Hoài đi, Hoài biết được nói "Họ Loan không coi ta là họ Loan, họ Đoàn lại không coi ta là họ Đoàn, vậy ta là con ai?". Phẫn uất muốn kiện lên quan, họ hàng xúm lại can ngăn, đám cháu Đoàn mới thôi. 

Nhưng Liên thị vì việc bọn kia bắt trâu ngựa không chịu thôi, Hoài can ngăn, Liên thị nói "Không phải ta tiếc trâu ngựa, mà là tức giận trong lòng. Cha người vì uất ức mà chết, sở dĩ ta nén khóc nuốt lệ là vì không có con trai. Nay đã có con, còn sợ gì nữa? Chuyện trước ngươi không biết đâu, chờ ta kiện sẽ biết". Hoài ra sức can ngăn, Liên thị không nghe, đưa đơn kiện lên huyện, quan huyện bắt đám cháu Đoàn lên hỏi cung, Liên thị căm tức đứng bên cạnh tố cáo rành rọt. Quan huyện tức giận, trừng trị đám cháu Đoàn, tịch thu trâu ngựa vật dùng trả lại. Liên thị về, gọi những đứa cháu chồng trước đó không đòi chia gia tài tới, đem những trâu ngựa vật dùng đòi lại được chia hết cho họ. Liên thị sống hơn bảy mươi tuổi, lúc sắp chết, gọi con gái con dâu và cháu gái tới dặn "Các ngươi nhớ lấy, nếu đã ba mươi tuổi mà chưa sinh nở thì nên cầm bán hết vòng vàng cưới thiếp cho chồng, chứ không có con trai khổ lắm" 

Dị Sử thị nói: Liên thị tuy cả ghen nhưng về sau tự sửa ngay được, nên cuối đời mới có thể rửa hận thảnh thơi. Xem thái độ khảng khái khích liệt như thế, cũng là kẻ hào kiệt vậy. 

Tưởng Giá người huyện Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) có vợ là Mao thị không sinh đẻ được mà hay ghen, bà vú vẫn khuyên, Mao thị không nghe, nói "Chẳng thà tuyệt tự, chứ không để chồng liếc mắt đưa tình với ai cả, cho khỏi tức giận”. Tưởng gần bốn mươi tuổi, muốn có người nối dõi, bèn hỏi xin đứa con của người anh, người anh ưng thuận, lại hỏi chị dâu chị dâu cũng ưng thuận, nhưng có ý cản trở. Thằng bé mỗi lần tới nhà chú, vợ chồng đều bồng ám vỗ về, mang kẹo bánh ra cho ăn, hỏi "Có chịu tới nhà chú ở không?” thằng bé cũng chịu. Người anh dặn riêng nó rằng "Nếu chú có hỏi nữa, con nói là không chịu, nếu chú hỏi tại sao không chịu, con nói rằng cứ chờ chú chết rồi thì lo gì ruộng vườn không về tay cháu. Một hôm, Giá đi buôn xa nhà, thằng bé qua chơi, Mao thị lại hỏi, thằng bé đáp như lời cha dặn, Mao thị nổi giận đuổi thằng bé về, nói “Vợ người ta còn sống sờ sờ đây, mà đã chăm chăm nhắm tới ruộng vườn của người ta rồi à? Tính lầm rồi đấy!". Bèn không đợi chồng về, sai ngay gia nhân đi tìm mua thiếp cho chồng. Lúc bấy giờ có bà mối bán tỳ thiếp giá rất cao, Mao thị dốc hết tiền mặt trong nhà ra mua vẫn không đủ. Người anh sợ để chậm thì nàng hối hận, lén đưa tiền cho bà mối, dặn nói với Mao thị là cho thiếu. Mao thị mừng đưa người thiếp về. Đến khi Giá về, Mao thị kể lại chuyện, Giá cũng tức giận, từ đó không qua lại gì với anh nữa. Hơn một năm sau, người thiếp sinh được con trai, vợ chồng cùng mừng rỡ, Mao thị nói “Không biết bà mối kia nghe ai mà cho thiếu tiền, cả năm nay không thấy tới hỏi. Cái ơn ấy không thể quên được, nay đã có con, chẳng lẽ còn để thiếu tiền sao?”. Giá mang tiền tới đưa bà mối, bà ta cười nói "Phải tạ ơn ông bác bên nhà chứ đừng tạ ơn già này, ta nghèo xác xơ, ai dám cho thiếu tiền?", rồi kể hết sự thật. Lúc ấy Giá mới biết, về nói với vợ, nhìn nhau rơi nước mắt. Vội bày tiệc mời người anh sang, vợ chồng cùng quỳ lạy, mang tiền ra trả lại, người anh không nhận, bèn cùng nhau ăn uống rất vui vẻ. Sau Giá sinh được ba con trai.