Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 14 - Chương 289: Nghề Võ (Vũ Kỹ)




Lý Siêu tự Khôi Ngô, người ở phía tây huyện Truy (tỉnh Sơn Đông), tính rộng rãi hay bố thí cho sư. Có nhà sư tới khất thực, Lý cho ăn no. Nhà sư rất cảm ơn, lại nói “Ta xuất thân từ chùa Thiếu Lâm, có chút nghề mọn xin truyền lại”. Lý mừng rỡ, mời ở lại nhà khách, đãi đằng trọng hậu, sớm tối theo học, ba tháng đã khá giỏi, rất đắc ý. Nhà sư hỏi ngươi thấy có ích không, Lý đáp "Được thêm nhiều lắm. Sư phụ có bao nhiêu tài nghệ ta đã học được cả". Nhà sư cười, bảo Lý ra múa thử. Lý cởi áo xoa tay, rồi như vượn chuyền chim đáp, múa may một hồi, lại nghênh ngang dừng lại. Nhà sư lại cười nói "Được rồi, người đã học được hết tài nghệ của ta, vậy hãy thử đấu một trận để phân cao thấp". Lý vui vẻ, lập tức ra đấu, đôi bên giao quyền, Lý cứ nhân chỗ sơ hở tấn công tới tấp. Nhà sư chợt xoay chân phóng ra một cước, Lý trúng đòn văng ra hơn một trượng. Nhà sư vỗ tay nói "Ngươi còn chưa học được hết tài nghệ của ta mà". Lý chống tay gượng bò dậy, thẹn thùng xin dạy cho.

Được vài hôm, nhà sư từ biệt ra đi. Sau Lý tình cờ tới huyện Lịch Hạ (tỉnh Sơn Đông), gặp một người cô trẻ tuổi múa võ trong bãi đất, người xem đông nghẹt. Ni cô nói với mọi người rằng “Múa may một mình rất là loạc choạc, nếu ai thích xin cứ ra đấu thử cho vui". Nói thế mấy lần mà người xem cứ nhìn nhau, khộng một ai lên tiếng. Lý đứng bên cạnh ngứa nghề không nhịn được, hăng hái xông vào. Ni cô cười tiến lên đón đỡ, vừa giao quyền người cô đã gọi nơừng tay, nói "Đây là quyền pháp Thiếu Lâm rồi". Lại hỏi Tôn sư là ai, Lý lúc đầu không chịu nói, người cô hỏi mãi mới nói tên nhà sư. Ni cô chắp tay nói "Hám hòa thượng là thầy ngươi sao? Nếu đúng thế thì không cần giao thủ nữa, xin chịu thua trước". Lý nài nỉ mấy lần, người cô cũng không chịu đấu mọi người khuyên mãi mới nói "Đã là đệ tử của Hám sư phụ thì cũng là người nhà, đùa vui một lúc cũng không sao, chỉ cần đánh tới thì ngừng tay là được rồi", Lý ưng thuận.

Nhưng lại cho rằng người cô ẻo lã, dễ đánh đổ, lại tuổi trẻ hiếu thắng, chỉ muốn đánh bại người cô để một sớm dương danh. Còn chưa phân thắng bại, người cô đã ngừng tay, Lý hỏi tại sao, chỉ cười không đáp Lý cho rằng đối phương đã sợ sệt, nài nỉ xin đấu nữa, người cô mới bước ra. Giây lát Lý phóng ra một cước, người cô xòe bàn tay chém luôn vào chân, Lý thấy dưới gối như bị đao chém trúng, ngã quỵ xuống không đứng lên nổi. Ni cô cười tạ rằng “Ta lỗ mãng xúc phạm, may mà chưa đến nỗi đắc tội!". Lý được vực về hơn một tháng mới khỏi. Hơn năm sau nhà sư lại tới, Lý kể lại mọi việc. Nhà sư hoảng sợ nói "Ngươi lỗ mãng quá, nếu gặp người khác thì sao? May mà đã nói tên ta ra trước, nếu không thì cái chân ấy bị chém gãy luôn rồi".

_________________