Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 14 - Chương 303: Lãnh Sinh




Lãnh sinh ở huyện Bình Thành (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ ngu độn, năm hơn hai mươi tuổi cũng chưa thông hiểu được một kinh*. Sau chợt có hồ tới ở chung, thường nghe trò chuyện với nhau suốt đêm. Anh em ruột hỏi thăm, sinh cũng không chịu nói lộ ra một tiếng. Như thế ít lâu, chợt sinh mắc bệnh điên khùng thay đổi cả tính nết. Cứ những khi làm văn, có đề rồi thì đóng cửa ngồi một mình, giây lát cười rộ, người nhà tới nhìn trộm thì thấy sinh cầm bút viết mau không ngừng, thế là được một bài văn, xem tới bản thảo thì văn chương tinh diệu. Năm ấy được vào học ở trường tỉnh, năm sau được ăn lương. Mỗi khi làm bài trong trường thì cười vang cả lớp, vì vậy nổi tiếng là Tiếu sinh (Thư sinh cười), may mà toàn gặp lúc quan Học sứ đã về nghỉ nên không nghe thấy. Sau gặp quan Học sứ nọ dạy học rất nghiêm, suốt ngày ngồi trên lớp, chợt nghe tiếng sinh cười, tức giận bắt lên toan trách phạt thật nặng. Các quan giúp việc bẩm giúp là sinh mắc bệnh điên khùng, Học sứ mới thôi giận tha cho, nhưng truất tên không cho học ở trường nữa. Từ đó sinh gởi gắm ý tình điên khùng nơi thơ rượu, có làm bốn quyển Thơ Điên, văn chương siêu bạt rất đáng đọc. 

*Một kinh: tức một trong ngũ kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu của Nho gia, người học ngày xưa coi như các giáo trình cơ bản phải biết. 

Dị Sử thị nói: Đóng cửa cười một tiếng, có khác gì nhà Phật đốn ngộ* đâu? Cười rộ mà làm văn, cũng là một việc hay, sao lại vì thế mà bị truất, quan Học sứ làm thế là lầm lắm! Học sư Tiên sinh Tôn Cảnh Hạ ngày trước đi thăm bạn, tới ngoài cửa sổ không nghe tiếng chuyện trò mà chỉ nghe tiếng cười trong giây lát vang lên mấy lần, cho rằng bạn đang đùa giỡn với người khác. Bước vào nhìn thì trong phòng chỉ có một mình người bạn, lấy làm lạ. Người bạn lại cười rộ nói “Gặp lúc rảnh rỗi, trò chuyện một mình cho vui thôi". 

* Đốn ngô: phái Nam Tông trong Phật giáo đại thừa chủ trương người tu hành có thể tiệm ngộ (dần dần ngộ đạo) nhưng cũng có thể đốn ngộ (bất ngờ ngộ đạo), nghĩa là có những bước nhảy vọt trong nhận thức. 

Cung sinh trong huyện có nuôi con lừa tính nết rất ương bướng. Cứ đi đường gặp người quen mà sinh chắp tay xin lỗi rằng “Đang có việc gấp không xuống lừa chào được, xin bỏ qua" thì nó lập tức khuỵu chân nằm xuống, nhiều lần như thế. Cung vừa thẹn vừa tức, bèn bàn với vợ, bảo vợ giả làm người đi đường, còn mình cưỡi lừa đi quanh sân, chắp tay xin lỗi vợ như nói với mọi người, con lừa quả nhiên lại nằm xuống, bèn lấy dùi nhọn đâm bắt nó đứng lên. Vừa có người bạn tới thăm, đang định gõ cửa thì nghe Cung nói với vợ "Không xuống lừa chào được, xin bỏ qua”, giây lát lại nói nữa. Người bạn lấy làm lạ, gõ cửa vào hỏi nguyên do. Vợ chồng Cung kể rõ mọi việc, cùng nhau ôm bụng bò ra cười. Hai truyện trên đây có thể chép phụ vào chuyện Lãnh sinh cười để lưu truyền vậy.