Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 4 - Chương 71: Hoàng Anh




Mã Tử Tài người phủ Thuận Thiên, gia đình mấy đời rất chuộng hoa cúc, đến đời Tài thì càng say mê hơn, nghe ở đâu có giống cúc quý thì dù xa xôi ngàn dặm cũng tìm tới. Một hôm có người khách từ Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) tới trọ trong nhà, nói họ hàng bên ngoại mình có một vài giống cả phương Bắc không đâu có. Mã thích quá lập tức thu xếp hành trang theo tới Kim Lăng, khách tìm đủ cách mới tìm được cho hai cây. Mã giữ gìn như của báu, về tới giữa đường gặp một thiếu niên cưỡi ngựa theo sau một cỗ kiệu có mui, bèn tới gần bắt chuyện. Thiếu niên nói mình họ Đào, ăn nói rất phong nhã, nhân hỏi Mã từ đâu tới, Mã kể thật. Thiếu niên nói "Không có giống cúc nào không đẹp, chỉ là ở người chăm bón tưới tắm thôi". Nhân bàn tới thuật trồng cúc, Mã thích lắm, hỏi định đi đâu. Thiếu nỉên đáp "Chị ta chán đất Kim Lăng, muốn lên phương Bắc ở". Mã vui mừng nói "Nhà ta tuy nghèo nhưng lều tranh có thể ở tạm, nếu không chê hoang vắng bỉ lậu thì khỏi phải vất vả đi đâu cả" Đào phóng ngựa lên trước kiệu thưa với chị, người trong kiệu vén rèm trò chuyện, là một mỹ nhân tuyệt thế, tuổi khoảng hai mươi. Nàng nói với em trai "Nhà thấp nhỏ không sao nhưng vườn thì cần rộng". Mã gật đầu, hai chị em bèn theo Mã về. 

Phía nam nhà Mã có một khu vườn hoang, trên có ba bốn gian nhà nhỏ, Đào mừng rỡ bèn vào đó ở. Hàng ngày qua nhà phía bắc giúp Mã trồng cúc, cúc đã chết khô thì nhổ lên rồi giâm xuống, cây nào cũng sống. Nhưng gia cảnh Đào thanh bần, hàng ngày ăn uống với Mã chứ xem trong nhà như không mấy khi nổi lửa. Vợ Mã là Lữ thị cũng rất quý chị Đào, thỉnh thoảng lại giúp cho gạo thóc. Chị Đào tiểu tự là Hoàng Anh, ăn nói khéo léo nhã nhặn, cứ qua chỗ Lữ thị cùng nhau may vá. Một hôm Đào nói với Mã "Nhà ông vốn không dư dật, hàng ngày ta lại vì miếng cơm làm lụy kẻ tri giao, cứ thế mãi sao được. Nay tính kế thì bán cúc cũng đủ mưu sinh". Mã vốn ngay thẳng nên nghe Đào nói thế rất khinh bỉ, nói “Ta cho rằng ông là kẻ cao sĩ phong lưu, có thể vui với cảnh nghèo, nay bàn như thế là lấy vườn cúc làm cái chợ, nhục cho cúc thật". Đào cười nói "Tay làm hàm nhai không phải tham, trồng hoa để sống không phải tục. Người ta vốn không nên mong giàu bậy bạ song cũng bất tất phải mong nghèo”. Mã không nói gì, Đào đứng dậy ra về, từ đó cứ cành gãy mầm xấu bên nhà Mã bỏ đi thì nhặt hết đem về nhà mình, cũng không qua ăn ngủ với Mã nữa, Mã có mời mới qua. 

Không bao lâu đến kỳ hoa cúc nở, Mã nghe bên cổng nhà Đào ồn ào như cái chợ, lấy làm lạ ra xem thì thấy khách buôn tới mua hoa, vai vác xe chở đầy đường. Nhìn tới hoa đều là giống lạ mắt chưa từng thấy, trong lòng ghét Đào tham lam, muốn tuyệt giao nhưng hận vì còn giữ kín giống lạ bèn gõ cửa qua định trách mắng. Đào ra dắt tay dẫn vào, thấy nửa mẫu sân bỏ hoang đều thành luống cúc, ngoài mấy gian nhà ra không còn đất trống, những chỗ vừa cắt cúc đi thì lấy cành khác dặm vào, hoa trên luống đều đẹp đẽ, nhìn kỹ đều là những thứ mình bỏ đi trước kia. Đào vào nhà lấy rượu thịt ra bày cạnh luống cúc nói "Ta nghèo không giữ được điều răn thanh bạch, bao nhiêu ngày mới may kiếm được chút ít, cũng đủ uống say” Lát sau trong phòng có tiếng gọi Tam Lang, Đào dạ quay vào, giây lát đem ra các thức nấu nướng ngon lành. Mã nhân hỏi lệnh tỷ sao không xuất giá, Đào đáp chưa đến lúc. Mã hỏi lúc nào, Đào đáp bốn mươi ba tháng nữa. Mã lại gặng hỏi tại sao nói thế, Đào chỉ cười không đáp, hai người uống say rồi mới chia tay. 

Hôm sau lại qua, thấy những nhánh cúc mới dặm đã cao gần thước lấy làm lạ bèn năn nỉ hỏi Đào cách trồng. Đào nói "Điều ấy không thể lấy lời mà truyền được, vả lại ông không trồng cúc để mưu sinh thì biết làm gì”. Lại mấy hôm nữa, trong sân ngoài ngõ hơi vắng người mua, Đào bèn lấy chiếu cói bọc cúc, chất lên mấy xe chở đi. Giữa mùa xuân năm sau Đào mới chở hoa lạ ở phương Nam về, mở hàng bán hoa trong kinh đô, mười ngày thì bán hết sạch, kế lại về trồng cúc. Hỏi tới những người năm trước mua cúc của Đào giữ cây làm giống thì năm sau hoa đều thay đổi kém hẳn, lại phải mua của Đào. Đào vì thế ngày càng giàu có, năm đầu làm thêm phòng ốc, năm thứ hai xây nhà, việc xây cất cứ tùy ý không bàn với chủ nhân, dần dần vườn trồng cúc cũ đều là nhà cửa. Lại mua riêng một khu ruộng, xây tường chung quanh trồng toàn cúc, mùa thu chở hoa đi, cuối xuân vẫn không về. Kế vợ Mã chết, Mã muốn cưới Hoàng Anh nên nhờ người bắn tin, Hoàng Anh mỉm cười có vẻ ưng thuận, chỉ đợi Đào về mà thôi. Hơn năm Đào vẫn chưa về, Hoàng Anh đốc thúc tôi tớ trồng cúc giống hệt như Đào, có tiền lại càng buôn bán lớn, cấy cày đến hai mươi khoảnh ruộng tốt ngoài thôn, nhà cửa ngày càng bề thế. Bỗng có khách từ Đông Việt (tỉnh Quảng Đông) tới đem thư của Đào gới về, mở xem thì là Đào khuyên chị lấy Mã, xem lại ngày viết thư đúng là ngày vợ Mã chết. Mã nhớ lại lúc uống rượu trong vườn, tính đến đó vừa đúng bốn mươi ba tháng, vô cùng lạ lùng bèn đưa thư cho Hoàng Anh xem, hỏi nộp sính lễ ở đâu. Hoàng Anh từ chối không nhận sính lễ, lại vì chỗ ở cũ chật chội, muốn Mã qua ở bên khu nam giống như ở rể. Mã không nghe, chọn ngày đón dâu về nhà mình. 

Hoàng Anh về với Mã rồi, mở cửa trên vách thông với khu nam, hàng ngày qua đó sai bảo đầy tớ. Mã xấu hổ vì vợ giàu, thường dặn Hoàng Anh làm sổ biên chép của cải hai khu để đề phòng bị lẫn lộn, nhưng những thức cần dùng, Hoàng Anh đều lấy ở khu nam. Chưa được nửa năm, vật dụng trong nhà đều là của nhà Đào, Mã lập tức sai người đem trả hết, dặn đừng lấy qua nữa. Chưa đầy một tuần mọi thứ lại lẫn lộn, mấy lần đem trả như thế, Mã không sao chịu nổi phiền phúc. Hoàng Anh cườí nói "Chàng Trần Trọng Tử* có mệt không?", Mã xấu hổ không kê biên gì nữa, nhất nhất theo ý Hoàng Anh. Hoàng Anh thuê thợ, mua vật liệu để dựng nhà, Mã không sao cản được, qua vài tháng thì lầu gác san sát, hai khu nhà hợp làm một không chia ranh giới nữa. 

*Trần Trọng Tử: Cao sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật chép ẩn sĩ Trần Trọng Tử nước Tề thời Chiến quốc là em Trần Đới đại quý tộc ở nước Tề, "ăn lộc muôn chung”. Trần Trọng Tử cho rằng như thế là bất nghĩa, vì vậy dắt vợ trốn tới đất Ô Lăng nước Sở, chồng đan hài, vợ dệt vải để sống, được người ta coi là liêm. Nhân vật Hoàng Anh có ý chế nhạo.

Nhưng theo ý Mã nên gia đình đóng cửa không bán cúc nữa, song việc chi dùng còn hơn cả các nhà thế gia. Mã áy náy nói "Nết trong sạch ba mươi năm của ta vì nàng mà bị lụy. Nay sống ở đời mà mọi sự ăn ở đều nhờ vào vợ, thật không có chút phẩm giá đàn ông. Cho nên người ta đều muốn giàu mà ta chỉ muốn nghèo thôi". Hoàng Anh nói "Thiếp không phải là phường tham bỉ, nhưng nếu không dư dật chút ít thì ngàn năm sau người ta lại nói Uyên Minh* nghèo thấu xương, trăm đời không ngóc đầu nổi, nên phải xóa bỏ tiếng chê cười cho nhà Bành Trạch* chúng ta thôi. Nhưng kẻ nghèo mong giàu thì khó, còn kẻ giàu muốn nghèo vốn rất dễ, bao nhiêu tiền bạc trong nhà xin chàng cứ mặc ý phá tán, thiếp không tiếc đâu”. Mã nói "Làm hao tổn tiền bạc của người khác thì tệ lắm". Hoàng Anh nói "Chàng không muốn giàu nhưng thiếp cũng không thể chịu nghèo. Thôi cứ ở riêng, ai trong cứ trong, ai đục cứ đục, có hại gì đâu?”. Rồi sai cất một gian nhà tranh trong vườn, chọn tỳ nữ xinh đẹp cho tới hầu hạ Mã. 

*Uyên Minh, Bành Trạch: Nam sử chép Đào Tiềm thời Tấn tự Uyên Minh, từng giữ chức Huyện lệnh Bành Trạch nên người ta còn gọi là Đào Bành Trạch, tính ngay thẳng thanh cao, rất thích hoa cúc. Chị em Hoàng Anh trong truyện này lấy họ Đào là có ý nói mình là hậu duệ của Đào Tiềm. 

Mã yên lòng ra ở đó nhưng được vài ngày nhớ Hoàng Anh quá, sai gọi nhưng nàng không chịu tới bất đắc dĩ phải quay về, cứ cách một đêm một lần thành lệ. Hoàng Anh cười nói “ăn nhà đông ngủ nhà tây, kẻ liêm không nên như thế", Mã cũng phì cười không trả lời được, bèn lại ở chung như trước. Gặp lúc Mã có việc lên Kim Lăng đúng vào mùa cúc thu, sáng đi ngang hàng bán hoa thấy bày đủ thứ chậu, hoa đều rất đẹp, động lòng ngờ là cúc của Đào. Lát sau chủ nhân ra thì quả là Đào, mừng rỡ hàn huyên rồi ngủ lại đó. Mã nhân rủ Đào về, Đào nói “Kim Lăng là quê cũ của ta, ta sắp cưới vợ ở đây. Có dành dụm được ít tiền, phiền anh đem về cho chị ta, khoảng cuối năm ta sẽ về". Mã không chịu cố nài nỉ Đào về, lại nói "May gia cảnh đã phong túc, có thể ngồi mà ăn không cần phải buôn bán gì cả". Đào bèn ngồi trong hàng sai đầy tớ thay mình ngã giá bán rẻ, vài ngày thì bán hết hoa, vội thu xếp hành lý thuê thuyền về Bắc. 

Vào nhà thì chị đã dọn dẹp phòng ốc, chuẩn bị giường chiếu chăn đệm như đã biết trước là em trai về. Đào từ khi về tới nhà thì cởi hành lý coi việc nhà, tu sửa hết nhà cửa vườn tược, hàng ngày chỉ cùng Mã uống rượu đánh cờ, không tiếp người khách nào. Anh chị muốn tìm vợ cho nhưng Mã không chịu, chị bèn sai hai tỳ nữ hầu hạ giường chiếu, qua ba bốn năm sinh được một gái. Đào vốn uống rượu rất hào, chưa ai thấy say. Mã có người bạn là Tăng sinh, tửu lượng cũng chưa ai bằng, gặp lúc ghé chơi, Mã bảo uống thi với Đào. Hai người thả sức uống rất vui vẻ, chỉ hận là biết nhau quá muộn. Uống từ giờ Thìn đến canh tư, tính ra mỗi người uống hết trăm bầu. Tăng say mèm ngủ luôn tại bàn, Đào đứng lên về phòng ngủ, ra tới luống cúc thì ngã vật xuống, ném cái áo bên cạnh hóa luôn thành cây hoa cúc cao bằng đầu người, mang hơn chục đóa hoa đều to bằng nắm tay. Mã khiếp đảm báo Hoàng Anh, Hoàng Anh vội tới nhổ cây cúc đặt trên mặt đất, nói “Sao mà say tới mức này?” rồi đắp cái áo lên, kéo Mã cùng đi, bảo đừng nhìn. 

Sáng ra Mã tới thì thấy Đào nằm bên luống cúc, mới sực hiểu ra hai chị em là tinh cúc, từ đó càng thêm yêu kính. Từ ngày lộ tung tích, Đào uống rượu càng buông thả, thường viết thư mời Tăng tới uống rượu, chơi với nhau rất thân. Gặp ngày Tết Tăng tới thăm, dắt hai người đầy tớ mang theo một vò rượu trắng ngâm thuốc, hẹn cùng uống kỳ hết. Vò rượu gần cạn mà hai người vẫn chưa say lắm, Mã lại ngầm rót thêm rượu vào, hai người lại uống cạn. Tăng say khướt, bọn đầy tớ cõng về. Đào nằm lăn ra đất, lại hóa thành cây cúc. Mã thấy đã quen không sợ nữa, cứ theo đúng cách nhổ lên đặt trên đất rồi ngồi canh bên cạnh xem diễn biến. Hồi lâu lá cúc càng héo đi, Mã cả sợ mới báo với Hoàng Anh. Hoàng Anh hoảng hốt nói "Chết em ta rồi", rồi chạy ra xem thì cả gốc lẫn cành cúc đã khô héo. Nàng vô cùng đau xót, ngắt lấy cành hoa giâm vào chậu mang về phòng riêng, hàng ngày tưới bón chăm sóc. Mã vô cùng hối hận, rất oán Tăng, mấy ngày sau thì nghe tin Tăng chết vì say rượu. Nhánh cúc trong chậu dần nảy mầm, tháng chín đã trổ hoa, cành ngắn nụ mướt, ngửi có mùi thơm như rượu, đặt tên là "Túy đào” (Đào say), tưới bằng rượu thì rất tươi tốt. Về sau con gái Đào lớn lên lấy chồng nhà thế gia, còn Hoàng Anh đến trọn đời cũng không có gì khác lạ. 

Dị Sử thị nói: Người của mây trắng trên núi xanh, say rượu mà chết*, đời đều thương tiếc nhưng chưa chắc họ đã không lấy đó làm điều khoái ý. Trồng loại hoa ấy trong sân thì như gặp mặt bạn hiền, như đối diện người đẹp, không thể không tìm cho được vậy. 

*Người của... mà chết: Phó Kỳ người thời Đường, có bệnh không mời thầy thuốc, tự ghi mộ chí rằng “Kỳ là người của mây trắng núi xanh, say rượu mà chết”. Đến năm tám mươi tuổi chết, dặn người nhà cứ để trần truồng mà chôn, kẻ thức giả cho là người phóng đạt.