Liêu Trai Chí Dị

Chương 68




Nha Đầu

Học sinh Vương Văn người Đông Xương, từ nhỏ tính vốn thật thà, đi chơi đất Sở, trời tối gặp sông lớn chưa qua được phải vào nhà trọ nghỉ ngơi, dạo bước ngoài cửa xem cảnh.

Người đồng hương là Triệu Đông Lâu, buôn bán lớn, thường mấy năm không về nhà một lần, nay gặp Vương ở xứ lạ, tay bắt mặt mừng, liền mời đi tiêu khiển chơi.

Đến nơi, chàng dòm thấy trong nhà có mỹ nhân ngồi, kinh ngạc lùi bước. Triệu cố lôi kéo, lại đứng ngoài cửa sổ kêu gọi Nật Tử, biểu nàng tránh đi, bấy giờ Vương mới chịu vào.

Triệu sai dọn cơm rượu thết đãi, chuyện vãn ân cần. Vương nói:

- Đây là nhà ai?

- Nhà này là một nhà chứa nho nhỏ – Triệu đáp. – Tôi vì sống ở quê người đất khách lâu ngày, cho nên tạm lấy chốn này làm trò vậy.

Trong lúc hai người nói chuyện, Nật Tử thường ra vào dòm ngó luôn, khiến cho Vương nhột nhạt không yên, liền đứng dậy từ biệt. Triệu cố níu chàng ngồi lại. Giây lát, một thiếu nữ đi qua trước cửa trông thấy chàng, liếc mắt đưa tình, sóng thu lai láng, mà dáng người ả có vẻ thần tiên. Thuở nay chàng vốn đứng đắn thế mà bây giờ ngây ngất xiêu lòng, hỏi thăm cô gái đẹp ấy là ai? Triệu đáp:

- Con gái út của bà chủ nhà này đó. Nàng tên là Nha Đầu, mới có mười bốn tuổi, bọn vương tôn quý khách thường đem nhiều tiền cám dỗ bà mẹ, nhưng nàng nhất định không chịu, thành ra bị mẹ đánh đập khốn khổ, chỉ vì nàng còn ít tuổi, nhờ năn nỉ lạy lục mới êm, hiện nay còn đang kén chồng đó.

Vương nghe nói cúi đầu ngồi lặng, như mộng như si, đến nỗi chuyện trò thù tạc sai cả đầu đề. Triệu hỏi bỡn:

- Nếu anh ưng ý thì tôi làm mai cho.

Vương ngậm ngùi nói mình không dám có ý nghĩ ấy đâu. Tuy nhiên, trời đã xế bóng, chàng vẫn ngồi chẳng nói gì tới sự đi về. Triệu lại đùa bỡn hỏi lại lần nữa. Vương nói:

- Bạn có lòng tốt, tôi rất cảm tạ, chỉ hiềm cạn túi biết làm thế nào?

Triệu biết tính ý Nha Đầu cứng cỏi, nếu ít tiền chắc nàng không chịu tiếp, cho nên tình nguyện giúp thêm mười lượng. Chàng bái tạ về nhà trọ, dốc hết tiền bạc trong hầu bao rồi lại đến chỗ cũ, đếm được năm lượng, năn nỉ Triệu nói giùm với mụ tào kê. Quả nhiên mụ chê ít, không thuận. Nha Đầu nói:

- Thường ngày mẹ vẫn trách con không làm cây tiền cho mẹ, nay con xin theo ý mẹ muốn. Con mới học ra đời, thế nào cũng có ngày báo đáp ơn mẹ. Vậy mẹ đừng chê món tiền nhỏ mọn, mà xua đuổi ông Thần Tài đi.

Mụ thấy tính con bướng bỉnh, giờ được nó ưng chịu như thế, hết sức mừng rỡ, bèn nhận lời ngay và sai con ở đi mời Vương Văn.

Triệu thấy vậy, không thể chạy chối lời hứa, liền xuất thêm mười lượng phụ vào món tiền của Vương mà trao cho mụ.

Vương cùng Nha Đầu vui vẻ yêu đương nhau rất mực. Đoạn, nàng hỏi Vương:

- Em là con nhà trăng hoa hèn mọn, không đáng cùng chàng sánh đôi bằng lứa. Nay được chàng đoái thương, nghĩa ấy rất nặng, em không quên. Nhưng chàng trút túi để mua cho được một cuộc vui thú đêm nay, rồi ngày mai thì sao?

Chàng cảm động, khóc lóc than thở. Nàng khuyên can:

- Xin đừng bi thường làm chi. Em gửi thân trong chốn phong trần, nhưng không phải thật tâm muốn vậy, chẳng qua chưa gặp được người thành thực như chàng, đáng cho em trao gửi tấm thân, cho nên đành phải nấn ná đó thôi. Bây giờ em xin trốn đi theo chàng đêm nay.

Vương hớn hở vùng dậy, nàng cũng đứng lên, nghe trống cảnh đã điểm ba tiếng, lật đật thay đổi y phục, giả làm con trai, cùng chàng mở cửa ra đi.

Chàng ghé nhà trọ, gõ cửa chủ nhân, lấy cớ có việc gấp rút, kêu lão bộc thức dậy thu nhặt hành lý và dắt lừa ra đi tức khắc.

Nàng lấy bùa dán vào lão và bên tai lừa, thế rồi buông cương cho chạy như bay, hai mắt nhắm nghiền, bên tai chỉ nghe gió thổi vu vu. Sáng sớm đến Hán Giang, mướn phố ở tại đó. Vương ngỏ ý kinh ngạc, nàng thú thiệt:

- Nói ra có lẽ chàng sợ hãi chăng? Sự thật em không phải là người, chính là chồn đây. Mẹ em tham dâm, hàng ngày em bị ngược đãi, chứa chất tức bực trong lòng đã nhiều, nay gặp may mắn được thoát thân bể khổ, ở ngoài trăm dặm, mẹ em chẳng biết đâu mà tìm, huống chi còn xa hơn nữa, vợ chồng ta có thể yên ổn vô ngại.

Chàng nghe nói yên lòng, chẳng còn ngờ vực chi, nhưng rồi chậm rãi thở than:

- Ngồi ngắm bông phù dung tươi đẹp, mà nhà trơ bốn vách, nghĩ thật buồn rầu, chỉ sợ mình cực khổ quá, rồi sớm muộn cũng đến bỏ tôi mà đi.

Nàng an ủi chồng:

- Sao lại lo nghĩ vớ vẩn như thế? Bây giờ ta buôn bán lặt vặt, trong nhà chỉ có ba miệng ăn, sống với nhau một cách đạm bạc có thể no đủ. Vậy chàng bán phắt con lừa kia đi mà làm vốn mua bán.

Chàng y lời, lập ngay trước cửa một quán tạp hoá nho nhỏ; hai thầy trò xuất lực làm việc, bên trong bán rượu và tương, mắm phụ thêm; còn nàng thì may thuê thêu mướn, ngày ngày kiếm được dư dật, sự ăn uống cũng được phong lưu.

Hơn một năm lần hồi nuôi được vú bõ con hầu, từ đó chàng không phải bắt tay vào việc nặng nhọc nữa, chỉ đứng chỉ bảo trông nom thế thôi.

Một hôm, bỗng dưng nàng buồn rầu và nói:

- Đêm nay phải có tai nạn đưa tới, biết làm thế nào?

Vương gạn hỏi tai nạn gì, nàng đáp:

- Mẹ em đã dò biết tung tích, chắc bà sinh sự bức bách chứ không để yên. Nếu bà sai Nật đến thì vợ chồng ta khỏi lo, chỉ sợ bà thân hành đến mới nguy.

Đêm ấy đã khuya, nàng ngỏ ý vui mừng và nói cho chồng hay rằng:

- Chị Nật sắp tới đó.

Một lúc, quả nhiên Nật Tử đẩy cửa vào. Nàng tươi cười đón rước. Nật Tử nhiếc mắng:

- Con ranh bỏ nhà theo trai đi trốn, không biết thế là xấu hổ ư? Má sai tao trói mày dẫn về xử tội.

Nói đoạn lấy dây lòi tói ra, buộc vào cổ nàng.

Nàng phát giận, chống cự lại:

- Đi theo một người mà thờ, thì có tội gì chớ?

Nật Tử càng tức, lôi kéo nàng đứt cả vạt áo. Lũ tôi tớ trong nhà nghe động, cùng tụ tập lại can thiệp. Nật Tử sợ hãi, vội vàng dông mất. Nàng nói:

- Chị về báo tin, mẹ em chắc sẽ tự đến. Vạ lớn tới nơi, ta nên tính trước.

Lập tức hô bảo gia nhân thu dọn đồ đạc để dời đi nơi khác. Bất đồ bà mẹ đã xồng xộc bước vào, nét mặt hầm hầm:

- Tao biết con khốn nạn này vô lễ, cho nên tao phải tự tới đây mới xong.

Nàng quỳ xuống khóc lóc năn nỉ. Mụ chẳng nói chẳng rằng túm tóc nàng lôi đi mất.

Chàng thương nhớ bâng khuâng, bỏ ăn quên ngủ, mau mau lên đường tới Đại Hà, mong có thể bỏ tiền ra chuộc lấy nàng về. Nhưng đến nơi thì cửa nhà y cũ, người ở khác xưa, hỏi thăm không ai biết nhà mụ dọn đi đâu. Chàng ngậm ngùi trở về Hán Giang, rồi phân tán đồ đạc cho người ta, còn bao nhiêu thì chuyển vận về quê nhà Đông Xương.

Cách mấy năm sau, ngẫu nhiên đi vào Yên Kinh, qua viện Dục Anh (tức là nhà nuôi con trẻ côi cút), trông thấy đứa bé chừng bảy, tám tuổi, người lão bộc lấy làm lạ, bởi mặt mày đứa bé thật giống chủ như đúc, cho nên chăm chăm dòm ngó mãi. Vương hỏi tại sao cứ nhìn thằng bé không chớp mắt, lão bộc cười và nói rõ nguyên nhân.

Chàng cũng cười, nhìn kĩ thằng bé bộ dạng chững chạc, tự nghĩ mình chưa có con, nhận thấy nó giống mình, liền động lòng thương yêu, xuất tiền chuộc nó.

Hỏi tên họ là gì nó tự xưng là Vương Tư. Chàng hỏi vặn:

- Khi mày còn bé tí, đã bị cha mẹ bỏ rơi cho vào viện Dục Anh, tại sao biết tên họ rành mạch như thế?

Vương Tư đáp:

- Thầy học con thường kể chuyện lúc bắt được con đem về nuôi, trước bụng có viết hàng chữ: Con của Vương Văn ở Sơn Đông.

Chàng nghe cả kinh:

- Quái lạ! Ta đây chính là Vương Văn, có con hồi nào ở đây?

Chàng nói vậy, rồi suy nghĩ tất là người nào trùng tên với mình, nhưng trong bụng mừng thầm vớ được thằng bé ngộ nghĩnh lanh lợi, cho nên hết sức thương yêu. Đưa nó về quê nhà, người ta trông thấy không cần phải hỏi, biết ngay là con của Vương Văn.

Tư lớn lên, vạm vỡ có sức, thích săn bắn chứ không lo công việc trong nhà, lại ham đánh lộn chém người. Vương chẳng ngăn cấm được. Tư lại khoe mình trông thấy ma quỷ chồn tinh, ban đầu không ai thèm tin, về sau trong làng có nhà nọ bị chồn quấy nhiễu, mời Tư đến xem giùm.

Tư đến nơi, chỉ vạch những nơi chồn ẩn núp kín đáo, sai mấy người vác gậy cứ theo ngón tay mình trỏ bảo mà đánh túi bụi, quả nhiên nghe tiếng chồn kêu rối rít và tìm thấy chỗ đó còn lông máu tơi bời. Nhờ vậy nhà này mới yên. Sau đó, người ta bàn tán với nhau, càng tin Tư là một nhân vật lạ lùng.

Một hôm, Vương đi dạo phố, chợt gặp Triệu Đông Lâu, thấy khăn áo lôi thôi, mặt mày ảm đạm, bất giác sửng sốt, hỏi ở đâu đến mà thân thể tiêu điều quá vậy. Triệu nhăn mặt xin hẹn thong thả tỉnh hồn sẽ nói. Chàng liền dẫn về nhà đãi ăn uống, rồi Triệu kể chuyện:

- Mụ đi bắt được Nha Đầu đem về, đánh đập tàn nhẫn, khi dời nhà lên phía bắc, lại muốn ép gả cho người ta, nhưng nàng thề chết không lấy hai chồng. Vì thế, mụ giam giữ trong buồng kín suốt ngày, như tù ở ngục vậy. Nàng sinh hạ đứa con trai, mụ đem bỏ ra ngoài đường. Tôi nghe người ta đưa về viện Dục Anh nuôi nấng nó, có lẽ nay đã trưởng thành, ấy là cục máu của anh bỏ rơi đó.

- Nhờ trời xui khiến tôi đã đưa con tôi về đây rồi.

Đoạn, kể chuyện đầu đuôi gặp gỡ cho Triệu nghe. Triệu thở dài và nói:

- Anh ạ! Ngày nay tôi mới biết lòng dạ bọn lầu xanh bạc bẽo, chớ có tin tưởng quá mà chết. Nhưng khi tỉnh ngộ thì đã muộn rồi, còn nói chi nữa.

Nguyên lúc mụ dời nhà lên phía bắc, tức là Yên Kinh, nơi đóng đô của Minh triều hồi đó, Triệu lấy cớ buôn bán đi theo, những hoá vật nặng nề khó chở thì bán rẻ đi hết. Dọc đường bao nhiêu phí tổn chi tiêu, Triệu đều nai lưng gánh vác; mà phí tổn rất nhiều, cho nên thâm thủng tiền vốn hết. Đã vậy, Nật Tử lại đòi hỏi bóc lột thẳng tay, trong vài năm, bạc muôn của Triệu mất sạch. Bấy giờ mụ thấy Triệu hết tiền, xoay ra bạc đãi. Nật Tử cũng bỏ nhà đi ngủ với những vương tôn quý khách, luôn mấy đêm không về là thường. Triệu tức giận quá, nhưng không biết làm cách nào.

Có bữa, mụ già đi vắng, Nha Đầu đứng cửa sổ kêu Triệu và nói:

- Chốn lầu xanh không có tình nghĩa gì cả. Họ gắn bó chiều chuộng người ta chỉ vì tiền bạc đó thôi. Anh còn luẩn quẩn ở nhà này, tất sẽ rước lấy tai vạ lớn đó.

Triệu sợ toát mồ hôi, như người ngủ mê mới tỉnh, quyết kế bỏ nhà này ra đi. Khi sắp lên đường, lén vào thăm Nha Đầu. Nàng trao cho bức thư, nhờ đưa hộ Vương. Đó rồi Triệu đi.

Nói đoạn, Triệu lấy bức thư của Nha Đầu đưa cho chàng. Đại khái thư viết thế này:

Em biết thằng Tư, đứa con yêu dấu của chúng ta, hiện đã ở bên cạnh chàng rồi. Tai ách của em ra sao, anh Đông Lâu thấy rõ, anh sẽ thuật lại cho chàng nghe. Kiếp trước em vụng tu thế nào khiến cho kiếp này khổ não, khôn xiết nói năng. Giờ em bị nhốt trong buồng kín, tối tăm không thấy bóng mặt trời, bị đánh đập tới phồng da nát thịt, mà lửa đói như thiêu đốt ruột gan. Một ngày ở đây dài đằng đẵng như một năm. Nếu chàng không quên lúc chúng ta ở Hán Giang: đêm tuyết trời lạnh mà vợ chồng chỉ có một chiếc mền đơn, co ro với nhau cho ấm; vậy chàng nên cùng con mưu tính, giải thoát cho em ra khỏi tai ách này. Mẹ em với chị em dẫu chi cũng là cốt nhục, xin chàng với con nhớ nương tay tha thứ, đừng làm thương tàn, ấy sở nguyện của em chỉ có thế thôi.

Vương xem thư khóc ngất, lấy vàng lụa ra tặng Triệu để cho Triệu đi.

Lúc này Tư đã mười lăm tuổi. Vương kể rõ gốc ngọn đầu đuôi cho con nghe, lại đưa cho con xem bức thư của mẹ nó gửi về. Tư trợn mắt tức giận, nội ngày hôm đó lên đường vào Yên Kinh, hỏi dò địa chỉ của Ngô Ổn. Giữa lúc xe ngựa đậu dày trước cửa, Tư đi thẳng vào trong nhà. Nật Tử đang ngồi uống rượu với khách, trông thấy Tư cầm dao, sợ hãi biến sắc toan chạy nhưng không kịp, vì Tư đã xông đến nơi đâm chém lia lịa.

Khách khứa cả kinh, tưởng là giặc cướp, chừng ngó lại xác Nật Tử đã thấy hiện nguyên hình là con chồn. Tư xách dao vào thẳng nhà sau, Ngô Ổn đang đốc thúc tôi tớ nấu đồ ăn, thoáng trông thấy Tư, biết có sự chẳng lành, vội vàng biến mất. Tư ngó quanh tứ phía, mau mau lấy cung lắp tên, bắn lên dầm nhà, một con chồn bị trúng tim rơi xuống chết ngay. Tư cắt lấy đầu rồi tìm đến chỗ mẹ bị giam, vác đá phá cửa mà vào. Mẹ con thấy nhau mừng mừng tủi tủi cùng la thất thanh.

Mẹ hỏi bà cụ đâu, Tư nói đã giết chết rồi. Mẹ hờn giận nói:

- Sao con không nghe lời ta dặn dò từ trước?

Nàng nói rồi bảo Tư thu nhặt thi thể bà cụ đem ra ngoài đồng chôn cất. Tư giả đò vâng lờ, nhưng lột lấy bộ da cất đi, rồi lục soát rương hòm của bà cụ, lấy hết áo xống tiền bạc trong đó, đưa mẹ lên đường trở về quê nhà.

Vợ chồng xa cách nay được trùng phùng, nửa vui nửa khóc. Chàng hỏi Tư về sự chôn cất Ngô Ổn, Tư đáp:

- Còn ở trong túi con đây này./.