Linh Dị Âm Dương

Chương 47: 47: Mộ Người Sống




Viên Phi Dương bị kẻ gian hãm hại nên mới liên tục gặp tai ương, cho nên Cố Cửu và Thiệu Dật quyết định dùng thuật thế thân để giúp cô tạm tránh được những kiếp nạn từ trên trời rơi xuống, mà thuật này cần dùng đến bát tự của cô.

Bát tự của một người là sự kết hợp thiên can và địa chi của tứ trụ bao gồm: giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh, tổng cộng có tám chữ nên mới gọi là bát tự.

Viên Phi Dương sinh vào giờ Canh Dần, ngày Ất Mão, tháng Đinh Tị, năm Canh Thìn. Cố Cửu dựa vào bát tự này tính ra cô cầm tinh con rồng, sinh vào khoảng hơn bốn giờ sáng ngày chín tháng năm năm Canh Thìn. Sau đó Cố Cửu lại xem xét những màu sắc hợp với bát tự của cô, yêu cầu cô chuẩn bị bốn loại vải màu khác nhau, gồm hai tấm vải đỏ, hai tấm vải trắng, ba tấm vải vàng và một tấm xanh lá. Sở dĩ chọn những màu này là vì Canh thuộc hành Kim cần màu trắng, Thìn, Ất và Dần thuộc hành Thổ cần màu vàng, Đinh và Tị thuộc hành Hỏa là màu đỏ, còn lại Mão thuộc hành Mộc màu xanh lá.

Sau khi có được đủ số vải, Cố Cửu khâu chúng thành một bộ y phục.

Thiệu Dật lại bảo Viên Phi Dương cho người gom cành cây tùng và rơm khô đưa tới. Hắn dùng cây tùng làm khung xương rồi nhét vải đỏ tượng trưng cho trái tim vào, phủ thêm rơm rạ bên ngoài, bôi hồ dán dính lại thành một con bù nhìn, cuối cùng mặc bộ đồ Cố Cửu vừa may vào cho nó. Con bù nhìn này cao gần bằng Viên Phi Dương, đầu trọc lóc, nhưng nếu nhìn kĩ sẽ thấy có vài sợi tóc đen dài được đính trên đỉnh đầu, đó là tóc thật của Viên Phi Dương. Phần mặt của bù nhìn được dán một tờ giấy trắng, Thiệu Dật vẽ phác vài nét trên đó, ngũ quan đầy đủ, chỉ thiếu mỗi hai mắt, nhưng nhìn qua khá giống chính chủ.

Bởi vì địch ở trong tối, không biết lúc nào chúng sẽ tiếp tục ra tay, cho nên thực hiện thuật thế thân sớm chừng nào tốt chừng nấy. Ngay đêm đó, Cố Cửu và Thiệu Dật bày pháp đàn, chỉ để Viên Phi Dương và Thanh Nịnh ở lại, những người khác đều dặn tránh đi hết. Việc hai người thực hiện thuật thế thân này chỉ có hai người họ biết, những người khác đều theo lệnh mà làm, không được tường tận.

Con bù nhìn được đặt nằm thẳng trên bàn tế, nhìn xa không khác gì một người thật đang nằm, lại thêm ánh đèn lồng đỏ chập chờn trong sân càng làm tăng vẻ rùng rợn kì bí cho khung cảnh thi pháp.

Thiệu Dật rút kiếm ra, dùng mũi kiếm ghim một lá bùa châm lửa đốt cháy, sau đó hắn vung kiếm lên, niệm chú: “Kẻ làm thế thân, giấy trắng trở thành mặt, vải dệt biến thành y, ba mươi sáu cành tùng tựa ba mươi sáu đoạn xương, từ đây thành máu thịt, từ đây thành con người, mở thân mở mặt mở tai, nghe cho rõ ràng…”

Trên đàn tế có một chén sứ nhỏ đựng hai giọt máu của Viên Phi Dương. Thiệu Dật niệm xong một tràng chú, dùng mũi kiếm chấm vào hai giọt máu rồi huơ kiếm ngang dọc ghim các giọt bắn lên tứ chi của bù nhìn, cuối cùng mới điểm mắt cho khuôn mặt bằng giấy. Con bù nhìn nằm trên bàn vừa có mắt liền lập tức đứng dậy.

Cử động đột ngột của bù nhìn làm Thanh Nịnh đứng phía sau Viên Phi Dương giật thót. Cô lảo đảo lùi lại phía sau, khẽ kêu lên một tiếng. Viên Phi Dương vẫn khá bình tĩnh, nhưng cũng nhướng mày lộ ra vẻ kinh ngạc.

“Được rồi.”

Sau khi bù nhìn đứng lên, Cố Cửu thông báo: “Nếu lần sau cô nương lại gặp tai nạn thì thương tổn sẽ được dời lên con bù nhìn này, đảm bảo bình an cho cô một lần.”

Viên Phi Dương gật đầu tỏ ý đã hiểu: “Hai vị vất vả rồi.”

Cố Cửu dọn dẹp đàn tế, bế con bù nhìn lên, ôm vào phòng của cậu và Thiệu Dật.

Viên Phi Dương tạm thời được an toàn nhưng bọn họ vẫn chưa nắm được thế chủ động, không biết kẻ ác đang rình rập sẽ ra tay lúc nào. Bọn họ chờ được, nhưng sức khỏe của bà nội Viên Phi Dương thì không chờ được. Sáng nay Cố Cửu và Thiệu Dật vừa mới đến gặp bà, bây giờ lại ghé qua xem lần nữa, thấy tử khí trên người bà không có dấu hiệu tăng lên. Nhưng đột nhiên, ngay lúc Thiệu Dật vừa lấy một lá bùa ra định giúp bà trừ bớt tử khí thì phát hiện chúng bỗng đậm hơn thấy rõ.

Thiệu Dật đanh mặt hừ lạnh, châm lửa đốt bùa: “Thanh thanh linh linh, nhâm quỷ triều thực. Tam hồn về thân, bảy phách yên bình. Đài quang linh u, tinh tốc phụ đồng thể. Cấp tốc nghe lệnh!”

Thiệu Dật đánh thức hồn phách đã rơi vào trạng thái mê man nhiều ngày của cụ bà, khi sinh cơ đã quay về trong cơ thể thì tử khí vờn quanh người bà cũng bị át đi nhiều. Trong mắt người thường như Viên Phi Dương thì khi lá bùa trong tay Thiệu Dật cháy hết, bà của cô bắt đầu hồi tỉnh, đôi mắt vốn đã mờ đục bỗng minh mẫn trở lại.

“Bà nội!” Viên Phi Dương quá mừng rỡ, quên béng mất lời Cố Cửu đã dặn, ghé vào mép giường, cầm lấy đôi tay run rẩy đang vươn ra của bà nội.

“Phi Dương…” Bà cụ khó nhọc gọi tên cháu gái.



Vành mắt cô ửng đỏ cả lên khi nghe tiếng gọi thân thương của bà.

Bà cụ thều thào tiếng được tiếng mất mà an ủi cô: “Phi Dương, đừng khóc… ông nội cháu sắp đến đón bà rồi, bà vui lắm…”

Viên Phi Dương nghe đến đó, kìm không nổi nữa khóc thành tiếng.

Bà nội của cô đã yếu lắm, chỉ tỉnh táo được một lúc rồi hôn mê trở lại, nhưng nhờ Thiệu Dật xua bớt tử khí nên không bị hành hạ khổ sở như trước nữa, lần này bà ngủ an ổn hơn hẳn.

Viên Phi Dương lau nước mắt, theo Thiệu Dật và Cố Cửu ra ngoài.

Vừa nãy tuy Cố Cửu đứng xa nhưng cậu quan sát rất rõ những thay đổi trên người bà cụ, cậu nhìn Thiệu Dật đang trầm tư, hỏi: “Sư huynh, có phải huynh phát hiện ra cái gì không?”

Thiệu Dật ngước nhìn cậu, đáp: “Còn chưa xác định được, ta chỉ nghi ngờ có người lập Âm Bia, đốt Âm Hương hại bà ấy.”

Viên Phi Dương hỏi: “Âm Bia và Âm Hương là cái gì?”

Cố Cửu giải thích cho cô: “Âm Bia chính là bia mộ lập cho người đã chết, còn Âm Hương là đốt nhang cúng tế người còn sống. Hành động này tức là lập bia mộ cho người sống rồi đốt nhang tế bái họ. Nhang đốt bao nhiêu thì sinh cơ của người sống sẽ mất đi bấy nhiêu, cho đến khi sinh cơ mất hết thì người đó cũng tiêu vong, thực sự trở thành người chết.” Cố Cửu lại nói tiếp: “Ban nãy tử khí trên người lão phu nhân đột nhiên đậm lên thấy rõ, mà lúc đó là giờ Hợi, thuộc âm, Âm Hương phải đốt vào giờ âm mới có tác dụng.”

Viên Phi Dương mím môi: “Thế nhưng tế bái thì phải có bát tự, mà bát tự của bà nội ngoài chính bà và tôi ra chỉ có ông nội và ông bà cố của tôi biết. Canh thϊếp (1) của bà lúc gả về nhà họ Viên vẫn được khóa lại cất giữ cẩn thận, không hề thất lạc.”

Sinh thần bát tự là thứ cực kì quan trọng, không thể tùy tiện để người ngoài biết được. Thông thường người ta sẽ cất tờ giấy ghi bát tự vào một nơi kín đáo rồi khóa kĩ lại, đến khi người đó qua đời thì người nhà mới được lấy ra để khắc lên bia mộ an táng.

Chìa khóa chiếc hộp đựng canh thϊếp của bà nội Viên Phi Dương do chính bà giữ, từ lúc bà bệnh liệt giường đến giờ thì chuyển cho Viên Phi Dương giữ, ổ khóa trên hộp cũng còn nguyên vẹn không hư hại gì. Ông nội và ông bà cố của cô đều đã qua đời từ lâu, bây giờ chỉ còn lại cô và bà nội biết được bát tự của bà. Cô dám khẳng định không còn ai khác biết nữa.

Nếu đã như vậy thì việc lập Âm Bia và đốt Âm Hương không khả thi lắm.

Thiệu Dật lại nói: “Ngoài lập Âm Bia ra còn một cách khác nữa.”

Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu Cố Cửu: “Mộ người sống!” Cậu hỏi Viên Phi Dương: “Có phải mộ của ông nội cô nương là mộ đôi không?”

Viên Phi Dương biến sắc: “Đúng vậy, là mộ đôi, ông tôi chuẩn bị để hợp táng với bà.”

Ở thời đại này, có những người lớn tuổi chuẩn bị sẵn quan tài cho mình trước cả chục năm, thậm chí quan tài được đặt trong nhà, thỉnh thoảng họ còn khiêng ra phết thêm dầu cây trẩu (2) xung quanh để chống ẩm mốc nữa. Đôi khi vì một lý do đặc biệt nào đó, gia đình sẽ lựa chọn hợp táng cho người qua đời, hoặc những cặp phu thê yêu thương nhau cũng có nguyện vọng được hợp táng, nguyện kiếp sau tiếp tục kết thành phu thê. Bia đá chôn ở những ngôi mộ đôi là một khối đá hoàn chỉnh, chia thành hai bên, bên thuộc về người nào thì khắc các ghi chép lúc sinh thời về người đó.

Loại mộ và bia đã gần như hoàn chỉnh ngay khi người còn tại thế như vậy được gọi là mộ người sống. Vào lúc cúng tế người đã khuất, tuyệt đối không được lễ bái ở phần mộ của người sống, đây gần như là một quy tắc bất thành văn, bởi vì tất cả mọi người đều biết người đó còn sống, và là ai. Nếu làm sai thì dù người nọ không đến mức bỏ mạng nhưng lâu ngày khó tránh khỏi ốm đau bệnh tật.

Cố Cửu nói: “Cô dẫn chúng tôi đến mộ của ông nội cô xem thử xem thế nào, chúng tôi nghi có người làm gì đó mờ ám ở phần mộ chuẩn bị cho bà cô.”

“Tôi chuẩn bị xe ngựa ngay.” Viên Phi Dương trả lời không do dự.



Ngay sau đó, ba người thêm cả nha hoàn Thanh Nịnh là bốn, dẫn theo vài gia đinh, đánh xe ngưa ra khỏi nhà họ Viên, nhờ ánh trăng soi đường chạy thẳng đến khu mộ của gia tộc.

Nhà họ Viên không có con cháu đầy đàn, nhưng là gia tộc rất có tiếng nói ở quận Võ Khê, do nhà họ nhiều đời làm ăn, giàu có sung túc. Phần mộ tổ tiên của họ nằm trên một sườn núi, hằng ngày có người trông coi quét tước trong ngoài. Lúc nhóm Cố Cửu đến gây ra động tĩnh khá lớn nhưng lại chẳng thấy người coi sóc khu mộ ra đón, dù ông ta ở ngay trong căn nhà dưới chân núi. Viên Phi Dương cau mày, ra lệnh cho một gia đinh gọi cửa.

Trong màn đêm thanh tĩnh đột nhiên vang lên tiếng đập cửa ầm ĩ, vậy mà vẫn không thấy người trong nhà phản ứng gì. Gọi mãi không được, gia đinh nọ đạp luôn cửa xông vào, chỉ chốc lát sau, anh ta xách một người đàn ông trung niên vẫn còn mơ màng ra ngoài.

Gia đinh nói: “Ông ta bị đánh ngất.”

Người đàn ông mất một lúc để định thần, sau khi nhìn rõ người trước mặt mình là ai thì kinh ngạc hỏi: “Thiếu chủ, sao ngài lại đến đây giờ này?”

Viên Phi Dương nhíu mày hỏi: “Gần đây ông có phát hiện điều gì lạ ở đây không?”

Người giữ mộ lắc đầu: “Không có ạ.” Nói xong ông ta hốt hoảng lắp bắp: “Thiếu…thiếu chủ, ngày nào tôi cũng chăm chỉ quét dọn cả, tôi không có lười biếng đâu.”

Viên Phi Dương thấy ông ta không có vẻ gian dối, tạm thời không tra hỏi gì thêm, gọi gia đinh lấy đèn lồng ra, đoàn người thận trọng lên núi.

Nhà họ Viên đã sửa sang lại khu núi này rất đẹp, hai bên đường trồng nhiều loại hoa cỏ lạ mắt, nếu đi lên vào một dịp khác chắc hẳn mọi người sẽ rất hứng thú dừng chân ngắm cảnh, chỉ tiếc đang đêm hôm khuya khoắt lại còn gặp phải tình huống éo le thế này, mọi người chỉ lo nhìn đường để không bị vấp ngã, đi cho mau đến nơi mà thôi.

Khi bước lên bậc thang cuối cùng, một khu mộ rộng lớn hiện ra trước mắt mọi người, cảnh tượng những bia mộ xám trắng nhấp nhô đổ bóng vằn vện dưới ánh trăng đêm thật làm người ta ớn lạnh.

Viên Phi Dương dẫn Cố Cửu và Thiêu Dật len lỏi giữa những con đường nhỏ, đi đến trước ngôi mộ đôi của ông nội và bà nội cô.

Viên Phi Dương chỉ: “Chính là nó.”

Ngôi mộ này thoạt nhìn chỉ như một ngôi mộ đôi bình thường, không có gì đặc biệt, cũng không thấy dấu hiệu bị người khác động đến.

Cố Cửu và Thiệu Dật cùng nhau bái ba lần trước mộ của cụ ông, khấn: “Đêm nay đã quấy rầy đến ngài, xin thứ lỗi cho.”

Trước khi đến đây, hai người đã nói trước với Viên Phi Dương rằng có thể phải mở cửa mồ xem thử, cô đã chấp thuận. Sau khi bái xong, Cố Cửu cầm lấy đèn lồng, Thiệu Dật thì lấy xẻng, hai người tiến đến gần ngôi mộ. Thiệu Dật đi quanh vài bước để xác định vị trí tốt nhất rồi cầm xẻng xắn vào đất, bắt đầu xúc.

Cố Cửu soi đèn sát vào chỗ đất sư huynh vừa mới đào lên. Thiệu Dật buông xẻng, lấy một ít đất nhìn kĩ, nói: “Âm khí quá ít, là đất mới.”

Ngôi mộ nhìn như không có gì lạ kia không biết từ khi nào đã bị người ta giở trò, hơn nữa còn ngụy trang rất khéo. Quả nhiên bệnh của bà nội Viên Phi Dương có liên quan đến ngôi mộ người sống này.

* (1) Canh thϊếp: Tên tuổi của một người vào thời xưa

(2) Cây trẩu: là một cây thân gỗ sống ở vùng Hoa Nam(Trung Quốc). Nó dùng để lấy gỗ và hạt- hạt trẩu còn được dùng để làm sơn,keo...