Nam Quốc Sơn Hà

Chương 21: Hoa-kiều Đời Lý




Các quan bàn tán, rồi lý luận phận vân. Có người đưa ý kiến đuổi hết người Hoa đi. Có người lại đề nghị tập trung họ vào một khu. Cũng có người muốn thích chữ vào mặt họ. Cuối cùng công chúa Thiên-Ninh tâu:

– Tâu phụ hoàng, tất cả những đề nghị trên đều không thể dùng được. Thời đức Thái-tổ, bang Nhật-hồ đã hô hào dân chúng nổi lên chém giết người Hoa cực kỳ tàn nhẫn. Vì vụ này, Tống vu cáo rằng ta đối xử tàn tệ với dân của họ, họ đòi mang quân sang đánh. Sứ của họ hạch hỏi lôi thôi mãi. Việc tập trung họ vào một khu, hay thích chữ vào mặt họ lại càng không nên, bởi từ trước đến giờ ta thường hô hào Hoa, Việt đều là con cháu vua Thần-nông! Nay vì họ trung thành với chúa, không ăn cơm Tống, mà sang kiều ngụ ở ta, ta đối xử tàn nhẫn với họ thì không nên. Thần nhi xin phân tích vấn đề người Hoa tỷ mỉ, rồi đề nghị biện pháp đối phó.

Ỷ-Lan khuyến khích:

– Công chúa đã lặn lội khắp đất nước kiểm soát việc cải cách nông nghiệp. Công chúa biết rõ dân tình. Công chúa cứ trình bầy.

– Trước hết hãy phân người Hoa ra làm ba loại. Một là loại sang ta từ thời Ngô, Đinh, Lê về trước, tức cách đây trăm năm, trải bốn đời. Theo lễ nghi người Hoa, thì từ tổ bốn đời trở đi, con cháu không giỗ vào ngày kị, mà tập trung vào ngày rằm tháng giêng. Cho nên, đa số họ không còn liên lạc gì với anh em, họ hàng trong nước. Mồ mả từ cụ tới ông, cha họ đều ở Đại-Việt. Loại này con cháu họ hầu như mù mịt về Trung-quốc. Họ không nói tiếmg Hoa nữa, mà chỉ nói tiếng Việt. Những bang hội của họ cũng không còn đem chính nghĩa phục hồi tiên triều ra làm chủ đạo nữa, họ coi như mình là người Việt. Ta không cần phải chú ý tới.

Cả triều đình đều đồng ý với Thiên-Ninh. Nàng tiếp:

– Loại thứ nhì là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực. Họ vượt biên trốn sang Đại-Việt chỉ với một hy vọng là kiếm miếng cơm manh áo. Loại này đa số không ở trong bang hội nào. Sở dĩ họ phải nhập vào bang hội, là vì sợ bị kèn cựa, bị đe dọa. Đối với họ, ta cho người mật liên lạc, giúp tiền cho họ phá hoang, hoặc cấp ruộng công điền cho họ cầy cấy. Ta phân tán họ đi mỗi làng mấy người. Họ sẽ nhớ ơn triều đình, trở thành ngoan dân. Con cháu họ sinh ra, lớn lên ở Đại-Việt, sẽ chỉ nói tiếng Việt. Qua nhiều lần đi về các trấn kiểm soát cải cách nông thôn, thần nhi đã giúp được ít nhất một phần ba số người Hoa cùng khổ này. Họ nhớ ơn đến độ thờ sống phụ hoàng.

Triều đình vỗ tay hoan hô.

Công chúa lại tiếp:

– Loại người Hoa thứ ba, là loại mới sang kiều ngụ gần đây. Họ thuộc con cháu di thần của các vua Nam Đường, Bắc-Hán, Ngô-Việt, Nam-Hán, Bắc-Tề, nổi lên trung hưng, bị Tống triều dẹp tan, rồi truy lùng. Đa số họ có võ công, có văn học. Vì sang Đại-Việt để lánh nạn do vong quốc, nên họ tổ chức thành những bang hội, có kỷ luật, lập trường dạy con cái học, nói tiếng Hoa; đôi khi có luật lệ riêng. Họ liên lạc mật thiết với nhau trong mưu đồ trở về trung hưng triều đại cũ. Họ còn anh em, họ hàng bên Trung-nguyên. Hàng năm, họ kéo nhau về quê trong dịp tết, dịp giỗ tổ, thăm lại cố lý. Tống triều dùng mồ mả, anh em, họ hàng gây áp lực, bắt họ phải làm gian tế. Thảng hoặc, có người tự nguyện làm gian tế để một mai Tống chiếm Đại-Việt, họ sẽ trở thành quan cai trị.

Hình-bộ tham-tri Hoàng Khắc-Dụng hỏi:

– Khải công chúa, như vậy họ quên quê hương ư? Họ không muốn trở về quê ư? Thần nghĩ họ làm gian tế cho Tống, mong Tống ân xá để họ về quê làm ăn chứ? Hoặc giả họ mong khôi phục lại đại nghiệp của triều đại cũ chứ?

Thiên-Ninh cười rất tươi:

– Đấy là quan Tham-tri dùng lý mà suy. Thực tế ra người Hoa không có một ý niệm về quốc gia. Từ cổ, họ chỉ biết đến thiên hạ. Thiên hạ tức là dưới gầm trời này, chỗ nào cũng là đất của trời cả. Họ ở đâu cũng được. Khổng-tử đi du thuyết khắp các nước để mong tìm một ông vua nào dùng đạo của mình, chứ ngài đâu có khư khư ôm nước Lỗ? Hơn một lần ngài định đem đạo đến các nước Di, Địch. Đệ tử hỏi: người quân tử lại tới chỗ thô lậu ư? Ngài trả lời: người quân tử tới chỗ nào thì chỗ ấy không còn dã man nữa. Cho nên người Hoa thường bỏ quê hương, tha phương cầu thực dễ dàng hơn người Việt.

Công chúa thấy các đại thần gật đầu công nhận lời nói của mình, nàng tiếp:

– Ngược lại bất cứ giống người nào, tới chiếm Hoa-hạ cai trị, người Hoa cũng không coi là người ngoại quốc như người Việt ta. Bởi vậy Lưu Trí-Viễn là người rợ Sa-đà, vào chiếm Trung-nguyên lập ra triều Hán trong Ngũ-đại. Trước đó, Ngũ-hồ loạn Hoa, cai trị Hoa-Bắc biết bao năm? Gần đây Liêu chiếm gần hết Hoa-Bắc, cai trị người Hoa, bắt Tống tiến cống, mà người Hoa vẫn coi Liêu như là một chủng của họ mà thôi. Người Hoa kỳ thị là kỳ thị văn hóa, chứ không kỳ thị chủng loại. Với những người Hoa ở Đại-Việt đã mấy chục năm rồi, họ trở thành giầu có, họ đâu có muốn về quê nghèo khổ với hai bàn tay trắng làm gì? Khi họ ra đi bởi không thần phục Tống triều cũng có, vì sợ Tống triều làm tội vì liên hệ với triều đại cũ cũng có; tài sản của họ ở quê hương hoặc bị tịch thu, hoặc anh em, bà con chia nhau cũng có. Nay họ trở về, thì tài sản không còn. Họ chả dại gì mà về quê sinh sống.

Hộ bộ thượng-thư Mai Đình hỏi:

– Tâu điện hạ, có phải họ không về quê, vì sợ cái án con cháu di thần triều đại cũ không?

– Thưa thượng-thư, đó là cái mặt nạ của đám thủ lãnh bang-hội đấy. Mình mà tin chúng, thì chúng coi mình như những tên khờ khạo. Di thần là di thần nào? Di thần đời Lục-triều, đời Ngũ-đại ư? Triều Tống kế tục sự nghiệp của họ Sài, trăm quan của họ Sài, trở thành khai quốc công thần của triều Tống. Còn con cháu họ Sài luôn được hưởng những ưu đãi biệt lệ. Người thừa kế chính thống họ Sài, cha truyền con nối được phong vương. Trên trăm năm qua, triều Tống chưa bao giờ làm tội một người họ Sài hay con cháu cựu thần họ Sài nào cả. Còn di thần của đời Lục-triều, đời Ngũ-đại ư? Những con cháu của triều đại đó có tội gì với Tống đâu mà Tống truy tội? Vả lại, mỗi khi một vị vua Tống lên ngôi đều đại xá thiên hạ cả. Những đám lưu vong sang ta, dù phạm tội gì, họ cũng được tha. Nhưng có ai về đâu? Này thưa quan Thượng-thư, những bang, hội, đảng của người Hoa dựng lên với nhân danh trung hưng cựu triều để quyên góp tiền bạc của dân chúng. Ai nộp tiền cho chúng, thì chúng để yên, ai không nộp tiền cho chúng, thì chúng kết tội là làm gian tế cho Tống, để chống lại chí trung hưng. Chúng nhân danh này nọ, sai người tới đánh, giết, cô lập. Trong khi chúng bí mật làm gian tế cho Tống. Bọn này chẳng qua là bọn lừa dối bịp bợm, bọn ăn cướp cạn, cướp công khai. Ta nên thẳng tay bắt đem chặt đầu ít tên, là Hoa dân sẽ đội ơn ta vô cùng. Tóm lại bọn này làm gian tế cho Tống, mong Tống sang, rồi kiếm tý danh, để tiếp tục đè đầu đè cỗ đồng bào chúng và bóc lột dân ta mà thôi.

Công chúa thấy Ỷ-Lan gật đầu liên tiếp, nàng phấn khởi vô cùng:

– Đối phó với đám này dễ mà khó. Dễ vì hễ ta quyết tâm là làm được. Khó vì phải tinh tế lắm, bằng không thì bị họ áp dụng gậy ông lại đập lưng ông.

Nàng nhìn Thường-Kiệt:

– Thần nhi nghĩ, nhát búa thứ ba này chỉ mình Khu-mật viện phá nổi mà thôi. Có năm điều phải làm. Điều thứ nhất mang tên « dĩ bỉ vi ngã », nghĩa là biến người của họ thành của mình. Ta tìm những người thủ lĩnh bang hội, hoặc gia đình họ bị tội, rồi gọi lên điều tra, lấy cung, kết tội kín, đe dọa. Chờ tới khi họ sợ quá, bấy giờ mới ra điều kiện bắt làm việc cho Khu-mật viện. Ta hứa rằng: nếu họ trung thành, bao nhiêu tội trạng được xoá bỏ hết, mà cả gia đình được che chở. Thế là bao nhiêu bí mật bang hội mình biết hết. Bang hội đang là điều lo lắng của ta, là cái ưu việt của Tống, lại biến thành tai mắt cho ta.

Nhà vua gật đầu, ngài thân rót một chén sâm thang ban cho công chúa. Công chúa tạ lĩnh, uống hết rồi tiếp:

– Điều thứ nhì mang tên « đâm bị thóc, chọc bị gạo ». Ta nghiên cứu xem bang nào, hội nào khích bác nhau, chống đối nhau. Ta ra lệnh cho người của ta ở bang hội đó tỏ ra hết sức trung thành với bang-hội, gây hấn với bang hội kia. Nếu làm cho hai bên đánh nhau, giết nhau, thâm thù với nhau càng tốt. Các quan địa phương nhắm mắt cho họ chém giết nhau. Dĩ nhiên người của ta ở bang hội kia cũng làm như vậy với bang hội này. Đối với những bang hội quá chặt chẽ, ta cho hai nhóm của ta nhập bang, mà chúng không biết nhau. Ta bảo nhóm Ất rằng nhóm Giáp là kẻ thù của triều đình, phải kèn cựa, bôi bẩn, đánh phá nhóm Giáp. Ta lại bảo nhóm Giáp rằng nhóm Ất là kẻ thù, phải triệt hạ. Thế là hai nhóm bôi mặt đá nhau... như thế bang hội ấy phải vỡ làm ba, làm bốn ngay. Đến nước đó, các thủ lĩnh bang hội thay vì giúp đỡ nhau, thì lại hằm hè tìm cách hãm hại nhau. Họ rình mò tội lỗi của nhau để tố cáo với quan lại. Ta ngồi yên hưởng lợi.

Triều thần ồn lên những tiếng khen ngợi. Thiên-Ninh tiếp:

– Điều thứ ba mang tên « ngạ cẩu tranh cốt », nghĩa là chó đói tranh xương. Ta coi các bang hội như đàn chó đói, muốn chó cắn nhau, ta chỉ việc quẳng ra cục xương nhỏ, chúng sẽ xúm vào tranh ăn, cắn nhau. Khi ta đã áp dụng hai điều trên, thì trong mỗi bang hội đều có ít nhất hai phe gườm nhau, mà đôi khi hai phe đều là tay sai của ta mà họ không biết. Quan địa phương ban lệnh rằng: cần khuyến khích học phong, thương mại, canh nông, tôn giáo ở các bamg hội. Quan sẽ xét bang nào, hội nào ích lợi cho người Hoa thì miễn thuế ruộng vườn cho tài sản bang hội đó. Hoặc có thể cấp công điền cho bang hội, gọi là nâng đỡ. Ta cố tình cấp, mà không bắt phải chứng minh sự ngay thẳng, mặc cho người lãnh đạo bang-hội nhũng lạm. Lập tức ta sai nhóm đối lập trong bang là người của ta. Ta bảo họ hô hào mọi người nổi lên chống đối. Bấy giờ ta tùy nghi, thấy nhóm nào yếu, thiểu số, ta ủng hộ nhóm đó. Bọn lãnh đạo bang hội yếu quá thì phải dựa vào ta, để ta coi họ là thủ lĩnh hợp pháp.

Cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Công-chúa tiếp:

– Điều thứ tư, là bắt tất cả người Hoa phải nói tiếng Việt. Ai nói tiếng Hoa thì bị phạt. Ai không biết tiếng Việt thì phải đóng thuế thực nặng, còn bị cấm làm một số nghề như buôn bán, canh nông, đánh cá, săn bắn. Như vậy chỉ ít lâu sau, trẻ con người Hoa không biết nói tiếng Hoa, thì đâu còn là người Hoa nữa?

Công chúa ngừng lại quan sát cư tọa, rối tiếp:

– Điều thứ năm là hiện mỗi người dân trong nước được cầy năm sào ruộng công điền không phải nộp tô. Nay ban lệnh người Hoa nào lấy vợ Việt, chồng Việt, thì ngay lập tức được cấp công điền. Từ trước đến giờ, mỗi năm một người Hoa không phân biệt tuổi tác phải nộp thuế kiều ngụ. Nay ta ban luật, người nào lấy vợ, lấy chồng người Việt thì miễn khoản thuế đó. Như vậy là đám người Hoa bị đồng hóa rất mau.

Nàng mỉm cười tiếp:

– Đến nước đó, các bang hội không thể tập trung thành lực lượng lớn nữa. Bang này nguýt hội kia. Hội này đánh nhau với bang nọ. Trong bang chỉ lo dành ăn, dành quyền lẫn nhau. Ta tọa thủ bàng quan, ngư ông hưởng lợi. Khu-mật viện Tống có tài thánh cũng không thể tập trung họ lại thành khối mà phản mình.

Nhà vua đẻ ra công chúa Thiên-Ninh, nhưng công chúa do tiên nương Bảo-Hòa nuôi dạy. Vì vậy ngài tuyệt không ngờ bản lĩnh con gái lại tới mức đó. Ngài chợt nhớ ra, là mấy năm qua, công chúa với Ỷ-Lan ở bên nhau như bóng với hình. Công chúa học ở Ỷ-Lan những kinh nghiệm ngoài đời. Từ khi có việc cải tổ ruộng đất, công chúa lĩnh trách vụ thay triều đình kiểm soát, thanh tra, nên công chúa đã đi khắp đất nước giải quyết những tranh chấp, do thế nàng nắm rõ tình hình người Hoa. Long tâm vui vẻ, ngài phán:

– Công chúa thực là Thánh-Thiên của trẫm. Bấy lâu nay công chúa lập biết bao nhiêu công lao với xã tắc mà trẫm không biết. Nay công chúa có đề nghị gì nữa không?

Công chúa tâu:

– Thần nhi đa tạ phụ hoàng. Từ lâu, phụ hoàng dùng thần-phi như một đại học sĩ, không việc gì, không điều gì mà phụ hoàng không ủy thác. Như vậy thần-phi mệt mỏi quá. Thần nhi xin phụ hoàng cho thần-phi tuyển thêm mấy người phụ giúp nữa. Như vậy công việc mới mau chóng.

Nhà vua gật đầu:

– Công chúa tâu trẫm mới biết. Ừ nhỉ, vậy thần-phi định tuyển những ai nào?

Ỷ-Lan tâu:

– Thiếp xin bệ hạ chuẩn tấu cho công-chúa Thiên-Ninh phụ thần về Hộ-bộ. Công-chúa Động-Thiên phụ thần về Hình-bộ. Vương phi Hoằng-Chân Nguyễn-thị Trinh-Dung phụ về Khu-mật viện, Binh-bộ. Vương-phi Chiêu-Văn Lê Ngọc-Nam phụ về Lại-bộ. Phu nhân tướng Nguyễn Căn Vũ Thanh-Thảo phụ thần về Công-bộ. Phu-nhân tướng Bùi Hoàng-Quan Trần-thị Ngọc-Huệ phụ về Lễ-bộ. Như vậy đủ rồi.

Triều đình đều biết bốn vị Trinh-Dung, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo, Ngọc-Huệ đều là bạn thời thơ ấu của thần-phi Ỷ-Lan, lại là học trò của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, nên đều tỏ vẻ chấp nhận việc tiến cử của thần-phi.

Long-tâm vui vẻ, nhà vua phán:

– Trẫm chuẩn tấu. Búa nặng nhất của Tống là búa thứ ba, đã gỡ được. Bây giờ tới búa thứ tư là khi ta có nội loạn, Tống sẽ phong cho phe yếu, để gia tăng nội chiến. Khi búa thứ nhất, nhì không thành thì búa thứ tư cũng không có. Chỉ có búa thứ năm là dùng Chiêm đánh phía sau ta. Ai có ý kiến gì?

Công chúa Bảo-Hòa phe phẩy quạt mấy cái, hương thơm của công chúa bay khắp điện, khiến người người nhẹ nhõm. Công chúa đưa mắt nhìn trăm quan rồi hỏi Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản:

– Sư đệ! Thời vua Thái-tông, tuy người thân chinh nhưng chính sư đệ cầm quyền nguyên soái đánh Chiêm. Bây giờ vụ Chiêm lại là vấn đề ưu tư thứ nhì của Đại-Việt. Sư đệ nghĩ sao?

Tôn Đản nói với nhà vua:

– Thời vua Thái-tông, chính người thân chinh. Nhưng thần lĩnh chức nguyên soái. Cuộc viễn chinh ấy diễn ra trong ba tháng thì giết được chúa Chiêm là Xạ-Đẩu. Nhưng tình hình hồi đó so với bây giờ thực khác nhau rất xa. Thần có mấy nhận xét sau đây.

Đến đó vương phi Nguyễn-thị Trinh-Dung bưng đến trước mặt ông và phu nhân hai bát sâm thang, rồi cung cung kính kính:

– Thỉnh sư phụ, sư mẫu dùng sâm thăng.

Tôn Đản bưng sâm thang lên:

– Đa tạ vương phi.

Ông tiếp:

– Một là, quân lực ta bấy giờ so với bây giờ thì ngang nhau. Hai là, binh lực Chiêm bấy giờ so với bây giờ thì khác nhau xa. Bấy giờ quân Chiêm chưa quá năm vạn, họ lại không chuẩn bị sẵn. Bây giờ giữa lúc Chiêm đang do nhóm thuộc tộc Mã cai trị, chúng luyện quân, trữ lương đầy đủ định hợp với Tống đánh ta. Đó là ưu điểm của địch, nhược điểm của ta. Ba là, tình hình Tống, họ chưa sẵn sàng, tiến quân phối hợp với Chiêm. Đó là ưu điểm của ta, nhược điểm của địch. Vậy ta phải lợi dụng cái ưu của mình, cái nhược điểm của địch. Ta phải ra quân đánh Chiêm chớp nhoáng, đưa nhóm thân tộc Việt lên ngôi. Chiêm bị bại rồi, Tống có đánh ta, ta không còn lo phương Nam nữa.

Ông đưa mắt nhìn cử tọa một lượt rồi tiếp: cái đáng ngại nhất của cuộc chiến này là triều Hy-Ninh toàn những đại thần văn mô vũ lược. Bắc không sợ Liêu, Tây không lo Hạ, họ rảnh tay dùng hết tinh lực đánh ta. Ta phải đối phó với đại cường địch như vua Trưng đối phó với Đông-Hán. Dĩ nhiên ta không sợ Tống, nhưng cuộc chiến sẽ hết sức khốc liệt.

Cử tọa đều gật đầu, công nhận lý luận của ông là đúng. Ỷ-Lan hỏi:

– Thưa sư thúc, bây giờ sư thúc dự định ta phải làm gì? Bao giờ thì làm? Ai sẽ làm?

Tôn Đản đứng dậy, ông đi đi, lại lại trong phòng, một lát mới nói:

– Ta chia nhân sự làm ba thành phần. Phần thứ nhất là lực lượng trấn Bắc phòng Tống. Phần thứ nhì là lực lượng Nam chinh bình Chiêm. Lực lượng thứ ba là lực lượng phòng thủ Thăng-long, tiếp vận vũ khi, quân nhu, bổ xung tổn thất.

Ông chỉ vào bản đồ Bắc-cương:

– Việc trấn giữ Bắc-cương có hai mặt trận. Một là mặt trận lĩnh-địa hai là mặt trận lĩnh-hải. Hai mặt trận này phải do một người tổng lĩnh. Hiện nay Bắc-cương do vua bà Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái cùng Ngũ-long công chúa, ngũ vị phò mã trấn ngự. Nhân tài như vậy là đủ rồi. Còn lĩnh-hải do phò-mã Đô-đốc Hoàng Kiện đảm trách. Nay việc Nam chinh, thì thủy quân là lực lượng chính, Hoàng phò mã phải thân chỉ huy. Ta cần cử một tướng làm đô đốc trấn lĩnh hải Bắc. Tướng này không cần võ công cao, mà cần mưu trí để lừa địch, gây cho địch kinh hoàng. Bởi, xét truyền thống lịch sử, hễ Trung-quốc dùng thủy chiến với ta, bao giờ cũng bị ta phá. Cho nên mỗi khi nói đến Nam chinh, giao chiến trên biển, các tướng Trung-quốc thường e ngại, trì nghi. Binh pháp nói: giặc trì nghi thì ta dùng hư kế. Nên cần có một văn thần phụ trách mặt Bắc hải. Hiện thủy quân Lưỡng-Quảng của Tống không có gì. Khi hữu dụng ắt họ phải dùng thủy quân Mân-Triết. Không biết vua bà Bắc-biên định cử ai vào chức đô đốc trấn Bắc?

Vua bà Bình-Dương trả lời ngay:

– Mấy năm trước đây, quan Lễ-bộ tham tri Lý Kế-Nguyên đi sứ Tống. Khi qua Bắc-biên, người có nghỉ chân tại Lạng-châu ít ngày. Giữa Lễ-bộ tham tri với Thiệu-Cực đã bàn luận với nhau về tương quan Tống-Việt. Hai người hợp ý với nhau, đến nỗi bẩy ngày bẩy đêm mà không dứt ra được. Thiệu-Cực nhất định đòi tôi tâu về triều đưa Lý tham tri lên lĩnh chức quân sư Bắc-biên. Tôi còn ngần ngại, bởi người là thầy dạy của Ỷ-Lan thần phi, đợi dịp nào về Thăng-long, tôi tâu với thần-phi đã.

Ỷ-Lan thấy thầy mình được nhiều người kính trọng về tài về đức thì mừng lắm. Nàng đứng dậy vái vua bà Bình-Dương:

– Kinh sư phụ, con gần thầy con suốt thời thơ ấu, con biết thầy con lắm. Thầy con là một kẻ sĩ chính khí dọc ngang trời đất, lúc nào cũng ước được ra tay cầm lái chống với cuồng phong. Nay sư phụ để mắt xanh tới, dùng cái tài của thầy con, thì là điều con cầu mà không được.

Nhà vua nói với Tể-tướng Lý Đạo-Thành:

– Xin thầy soạn chiểu chỉ, để trẫm phong thầy Lý Kế-Nguyên làm Binh-bộ tham-tri, Trấn-Bắc đại đô đốc, tước Tiên-yên bá.

Lý Kế-Nguyên đứng dậy cung tay tạ ơn vua bà Bình-Dương và nhà vua.

Nhà vua nhắc Tôn Đản:

– Xin sư thúc dạy tiếp cho.

– Bây giờ xét đến quân số. Quân số Bắc-cương hiện không quá năm vạn. Khi biến động ra, vét hết binh tại gia cũng chỉ được mười vạn. Thời vua Lê, Tống khinh thường ta, kéo sang mười vạn binh, mười lăm vạn dân phu, chỉ một trận bộ chiến Chi-lăng; một trận thủy chiến Bạch-đằng, họ bị diệt hết; cho đến nay Tống còn ghê. Vì vậy, nếu lần này họ kéo quân sang, thì sẽ kéo quân nghiêng nước. Quân số không phải mười vạn, mà hai mươi vạn, ba mươi vạn, hay năm mươi vạn không chừng. Dân phu ít nhất năm mươi vạn đến một triệu. Trước kia thì họ sai bọn tướng sang đánh, rồi ngồi chờ kết quả. Lần này triều đình nhà Tống sẽ đích thân điều động. Các tướng ắt là bọn hiếu chiến vừa trình bầy ban nãy: Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung, Quách Quỳ, Triệu Tiết, Lý Hiến... Chúng vừa có tài, lại vừa có kinh nghiệm. Nhưng...

Ông ngừng lại nói thực chậm: nay Tống chưa chuẩn bị xong mặt trận Nam thùy. Khi ta Nam chinh, Tế-tác của họ có biết cũng phải một tháng tin mới tới triều. Triều đình bàn luận, rồi ban lệnh mất một tháng nữa mới tới các nơi. Sau đó họ có đem quân từ Tây, từ Bắc xuống cũng phải hai tháng nữa, tổng cộng sáu tháng. Vậy dám hỏi phò-mã Thân Thiệu-Thái rằng Bắc-biên-cương có thể cầm cự được bao nhiêu lâu?

Phò-mã Thân Thiệu-Thái đáp ngay::

– Chúng tôi có thể cầm cự được sáu tháng, không cho giặc vượt biên. Sau đó, chúng tôi có thể cầm cự ở tuyến Chi-lăng, Đông-triều khoảng ba tháng nữa. Cộng là chín tháng, nhưng phải hy sinh rất nhiều nhân mạng.

Tôn Đản gật đầu:

– Như vậy thì được. Giá dĩ Tống can thiệp ngay để cứu Chiêm, ta có thời gian một năm để bình Chiêm. Sau khi bình Chiêm, ta mới dùng hết lực lượng đánh với Tống. Việc trấn Bắc coi như xong.

Ông đưa mắt nhìn Thường-Kiệt:

– Bây giờ tới lực lượng Nam chinh. Nam chinh lần này, xin thỉnh Hoàng-thượng thân chinh. Không biết Hoàng-thượng nghĩ sao?

Nhà vua vui vẻ:

– Trước đây thì hoàng-khảo (ngày xưa khi bố mất rồi, con gọi bố là hiển-khảo. Mẹ mất rồi, gọi mẹ là tỷ-khảo. Vua gọi bố qua đời là hoàng-khảo) thân chinh. Sư thúc làm nguyên soái. Vậy bây giờ trẫm xin tuân lệnh sư thúc nam chinh.

Nhà vua nói đến chữ tuân lệnh làm cả triều đình đều bật cười. Tôn Đản lắc đầu:

– Tre già măng mọc. Lớp sóng sau mạnh hơn lớp sóng trước. Cuộc Nam chinh năm Thiên-cảm Thánh-vũ nguyên niên (1044), đức Thái-tông thân chinh, thần làm nguyên soái. Thời gian hai mươi ba năm đã qua. Nay đức Thái-tông băng hà, thần cùng chư tướng Nam chinh năm nào đều già cả rồi. Bệ hạ thân chinh, thì nên chọn lấy một tướng khác trẻ hơn thần làm nguyên soái, cùng một số tướng trẻ khác nữa thì hơn.

Nhà vua hỏi Thái-úy Quách Kim-Nhật:

– Khanh hiện giữ chức Đại-tư-mã, khanh nghĩ sao?

Quan đại-tư-mã lĩnh chức Thái-úy là Quách Kim-Nhật tâu:

– Hiện trong triều võ tướng đủ tài làm nguyên soái Nam chinh có: Trung-thành vương Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Chiêu-Văn. Đô-đốc Hoàng Kiện; Định-viễn tướng quân Nguyễn Căn; Chiêu-thảo hiệu úy Bùi Hoàng-Quan, mới thăng lên Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân; Tả lãnh vệ đại tướng quân Dư Phi; Hổ-uy thượng tướng quân Ngô Thường-Hiến (em Thường-Kiệt). Nhưng tất cả, không ai bằng Thái-bảo Lý Thường-Kiệt.

Nhà vua hỏi Khai-Quốc vương:

– Xin Quốc-phụ ban chỉ dụ.

Khai-Quốc vương mỉm cười hài lòng về sự tiến cử của Quách Kim-Nhật:

– Đúng như quan Đại-tư-mã bàn, xin bệ hạ chuẩn tấu cho Thường-Kiệt làm nguyên soái, Thường-Hiến làm tiên phong. Còn lại tất cả các tướng trẻ có tài đều theo bệ hạ Nam chinh. Xin quan Đại-tư-mã cho biết quân số có thể Nam chinh.

Đại-tư-mã Quách Kim-Nhật tâu:

– Thiên tử binh thời đức Thái-tông có năm hiệu, mang tên Ngự-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ, Bổng-nhật, Đằng-hải, mỗi hiệu có hai quân, thành mười quân. Từ sau trận giúp Nùng Trí-Cao, lấy quân các trấn lập thêm bẩy hiệu, mười bốn quân nữa là Vũ-thắng, Long-dực, Thần-điện, Bổng-thánh, Bảo-thắng, Hùng-lược, Vạn-tiệp. Tổng cộng 24 quân. Cộng 24 vạn. Hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh đóng tại Thăng-long. Hai hiệu Quảng-vũ, Bổng-nhật đóng tại Trường-yên. Hai hiệu Đằng-hải, Vũ-thắng đóng tại Đông-triều. Hai hiệu Long-dực, Thần-điện đóng tại biên giới Chiêm-thành. Hai hiệu Bổng-thánh, Bảo-thắng đóng tại Thanh-hóa. Hai hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp đóng tại Kinh-Bắc. Tất cả 24 quân đều luyện tập, di động hàng ngày. Quân số, vũ khí đầy đủ. Lừa, ngựa, xe cộ đều được chăm nuôi bảo trì cực kỳ chu đáo. Theo binh pháp của Khai-Quốc vương, các hiệu đều sẵn sàng, chỉ cần tiếp được lệnh, là hai giờ sau (4 giờ ngày nay) có thể lên đường viễn chinh ngay. Xin bệ hạ quyết định những hiệu nào Nam chinh.

Nhà vua phân tích:

– Từ trước đến nay các hiệu Thiên-tử binh chỉ dùng để chống ngoại xâm, ít khi dùng giữ an ninh trong nước. Bởi an ninh thôn xã đã có hoàng nam. An-ninh các trấn, phủ huyện cũng đều có quân địa phương. Vậy trẫm quyết định mang hết mười hai hiệu Thiên-tử binh theo.

Ngài ngừng lại một lát rồi hỏi phò mã Hoàng Kiện:

– Về thủy quân, Kiện nhi là đô-đốc, Kiên nhi cho biết tình hình.

Phò-mã Hoàng Kiện đứng dậy:

– Tâu phụ hoàng, về thủy quân ta có bốn hạm đội. Hạm đội Âu-Cơ trấn Tiên-yên, phòng Bắc-phương do đô đốc Trần Phúc, cháu của đại hiệp Trần Kiệt chỉ huy. Hạm đội Bạch-Đằng, trấn vùng biển Thiên-trường, do đô đốc Trần Như-Ý, con trai của đại hiệp Trần Trung-Đạo chỉ huy. Hạm đội Động-đình trấn vùng Thăng-long, do đô đốc Trần Lâm, con đại hiệp Trần Phụ-Quốc chỉ huy. Hạm đội Thần-phù trấn vùng Thanh-Nghệ, do Đô-đốc Trần Hải con trai đại hiệp Trần Bảo-Dân chỉ huy. Ngoài ra mỗi trấn, châu, huyện còn có một thủy đội để vận tải lương thực, quân nhu, vũ khí. Mỗi hạm đội có 100 chiến thuyền lớn, mỗi chiến thuyền có 300 thủy thủ; 150 thuyền vận tải, mỗi thuyền chở được 300 quân và 50 chiến thuyền duyên tốc để chỉ huy.

Nhà vua ban chỉ:

– Vậy thì để hạm đội Âu-Cơ cho Tham-tri Lý Kế-Nguyên giữ biển Bắc phòng Tống. Ba hạm đội còn lại đều do phò mã Hoàng Kiện chỉ huy theo trẫm Nam chinh.

Nhà vua đứng dậy, hướng Tôn Đản:

– Trong lần phạt Chiêm này trẫm thân chinh, Thường-Kiệt làm nguyên soái, Thường-Hiến làm tiên phong. Nhưng trẫm xin sư thúc, sư thẩm đừng quản ngại tùng chinh. Có sư thúc, sư thẩm làm quân sư, thì trẫm mới yên tâm.

Tôn Đản chưa kịp trả lời, thì Ngô Cẩm-Thi đáp ngay:

– Hoàng thượng đã ban chỉ thì vợ chồng thần xin cung kính tuân theo. Thần xin đem một đội đệ tử của trường Long-thành gồm 300 người võ công cực cao, tinh thần dũng cảm yêu nước theo.

Cử tọa vỗ tay hoan hô.

Lúc đầu Tôn Đản định từ chối, vì các em ông là Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Tôn Qúy, đều đang cầm đại quân. Hơn nữa đám học trò ông đang cầm quân nghiêng nước như Dư Phi đang làm đại tướng quân; phò mã Hoàng Kiện làm đô đốc; hai vương phi Trung-thành, Tín-nghĩa; hai phu nhân Bùi Hoàng-Quan, Nguyễn Căn. Nếu ông cầm quân Nam chinh nữa, e có những lời dèm pha dị nghị. Nhưng Ngô Cẩm-Thi đã nhận lời, ông đành chịu thua.

Nhà vua hỏi:

– Sư thúc là quân sư, xin sư thúc cho biết những gì phải làm bây giờ?

– Ban nãy thần đã trình bầy về ba thành phần. Thành phần thứ nhất trấn Bắc phòng Tống, thành phần thứ nhì bình Chiêm đã xong. Bây giờ tới thành phần thứ ba phòng thủ Thăng-long, tiếp vận vũ khi, lương thảo, quân nhu. Thành phần này cực kỳ quan trọng. Bởi khi quân ra trận, mà lương thảo không đủ, bổ xung tổn thất không kịp, thì nguy lắm. Không biết khi bệ hạ thân chinh, thì ai là người đảm trách công việc này? Từ xưa đến giờ khi vua thân chinh, thì thái tử nhiếp chính, với mấy đại thần phụ chính. Thời đức Thái-tông thì chính Hoàng-thượng nhiếp chính, Khai-Quốc vương phụ chính. Nay thì Thái-tử Càn-Đức chưa đủ trí khôn nhiếp chính, vậy bệ hạ định trao cho ai?

Nhà vua hỏi tể tướng Lý Đạo-Thành:

– Xin thầy dạy cho.

Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu:

– Đúng đạo lý ra, phải do Thái-tử nhiếp chính. Nay tuy Thái-tử còn thơ, nhưng cũng cứ để tên Thái-tử cho đúng đạo. Khi con còn thơ, thì mẹ buông rèm thính chính. Thượng-Dương hoàng hậu là chánh hậu, là đích mẫu của Thái-tử, xin để hậu buông rèm thính chính. Còn đại thần phụ chính, thần trộm nghĩ không ai bằng quốc-phụ.

Từ nhà vua cho tới Khai-Quốc vương, Ỷ-Lan, Thường-Kiệt đều đưa mắt nhìn vị lão thần với vẻ ái ngại cho ông. Bởi ông quá trọng Nho-học, mà thành ra máy móc. Nhưng cả ba đều thông cảm với ông: vì những việc làm của Dương hậu như liên hệ với Tống, Chiêm; phản triều đình, tuyển bọn người không phải thái giám đưa vào cung, ám hại các cung phi để không thụ thai, hại Ỷ-Lan v.v. Tội ác tầy trời như thế, nhà vua dấu kín, chỉ giới hạn cho Khai-Quốc vương, Ỷ-Lan, Thường-Kiệt, vua bà Bình-Dương, công chúa Bảo-Hòa biết mà thôi. Vì Đạo-Thành không biết, nên ông mới bàn để cho Dương hậu thính chính.

Nhà vua nhìn Khai-Quốc vương cầu cứu. Vì chỉ vương mới có quyền quyết định đi ngược lại những đạo lý cổ kim mà thôi. Khai-Quốc vương hiểu liền, vương khẽ gõ ngón tay lên bàn, cử tọa im phăng phắc:

– Quan Đại-tư đồ bàn như vậy thực phải. Nhưng từ khi tiến cung, hoàng-hậu thường ẩn dật, không lý gì đến triều chính, cùng việc trong Hoàng-thành. Nay để hậu lĩnh trọng trách như vậy, công việc không thể chu toàn, thì nguy đến vận mạng Đại-Việt. Việc này là việc của hoàng tộc. Vậy hoàng tộc ở đây lớn nhất là thần, rồi tới vua bà Bình-Dương, trưởng đại công chúa Bảo-Hòa, Ngũ-long công chúa, ba công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh. Cộng mười một vị, thần xin tất cả bỏ phiếu kín xem nên để ai thay cho hoàng hậu.

Một cung nữ trao cho mười một người, mỗi người một mảnh giấy, ai nấy viết tên người được đề cử vào, rồi gấp lại. Sau đó mười một tờ giấy được trao cho Tể tướng Lý Đạo-Thành mở ra. Ông kinh ngạc, khi thấy cả mười một người đều đề cử Ỷ-Lan thần phi.

Long tâm mừng vô kể, nhà vua tuyên chỉ:

– Vậy thì Thái-tử Càn-Đức nhiếp chính, Ỷ-Lan thần phi thính chính. Hai vị phụ chính là Quốc-phụ với Lý tể tướng.

Quốc-mẫu Trần Thanh-Mai nói với nhà vua và Quốc-phụ:

– Thời vua Thái-tông, khi đánh Tống, bình Chiêm, thì những vị cao niên như Thiên-trường ngũ-kiệt, Đại-Việt ngũ-long chỉ làm cố vấn, hoặc tham dự với tính cách yểm trợ; còn toàn do giới trung niên, giới trẻ chúng tôi bấy giờ lãnh đạo. Bây giờ lớp chúng tôi, đều đã lớn tuổi, mà lớp trẻ hiện nay dường như có tài hơn lớp trước. Tôi nghĩ nên để lớp trẻ lĩnh trọng trách thì hơn. Chúng ta chỉ làm cố vấn.

Vua bà Bình-Dương đứng lên nói:

– Lời Quốc-mẫu thực phải. Nhớ xưa kia đức Thái-tổ thường hết sức chú ý vào việc đào tạo lớp trẻ. Mỗi khi thấy lớp trẻ nở ra một anh tài là người mừng vô hạn. Hồi đại hội Lộc-hà, Thuận-thiên thập hùng bấy giờ chỉ có hai người là đã thành niên, còn lại đều là thiếu niên... Thế mà người đã quyết đoán rằng Thuận-thiên thập hùng sau này sẽ làm lên chuyện kinh thiên động địa. Nay anh tài của chúng ta không phải mười mà hơn trăm. Ta nên trao trọng trách cho chúng.

Nhà vua cực kỳ cao hứng:

– Nhớ hồi Bắc-chinh, Đại-Việt Ngũ-long, Thiên-trường Ngũ-kiệt, thêm đại hiệp Thông-Mai, quốc nẫu Thanh-Mai, cộng mười một vị... khi ẩn khi hiện, trợ giúp chư tướng khắp nơi. Hỡi ơi, công đức thực ngàn năm khó phai. Nay trẫm thấy xung quanh còn hai vị bồ-tát Mộc-tồn Vọng-thê, Đại-từ Liên-hoa; Thiên-trường tam-anh Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo; Hoàng Giang cư sĩ, tiên nương Thiếu-Mai; chín vị đại cao thủ phái Mê-linh; bẩy vị đại cao thủ phái Tản-viên; nếu kể quốc-phụ, quốc-mẫu; phò mã Thân Thiệu-Thái... cộng 26 vị.

Nhà vua nói với Bảo-Hòa, Bình-Dương:

– Mặt trận phía Bắc, em hoàn toàn nhờ hai chị điều động hào kiệt phái Mê-linh, Tản-viên; anh Thiệu-Thái điều động phái Tây-vu giám sát, hỗ trợ. Mặt trận phía Nam thì xin nhờ bồ-tát Mộc-tồn, Viên-Chiếu; Thiên-trường tam anh với phái Đông-a. Còn Quốc-phụ, Quốc-mẫu, tiên-nương Thiếu-Mai, Hoàng Giang cư-sĩ điều động phái Tiêu-sơn, Sài-sơn tùy nghi trợ giúp ở trung-ương.

Nhà vua hỏi Tôn Đản:

– Thành phần trấn thủ Thăng-long, tiếp viện đã xong. Bây giờ tới vấn đề gì?

Tôn Đản tiếp:

– Bây giờ tới vấn đề tiếp tế lương thảo, bổ xung tổn thất. Xin quan Hộ-bộ thượng thư cho biết quốc sản, lương thảo ra sao?

Hộ-bộ thượng-thư Mai Đình tâu:

– Trước kia thần phụ trách toàn bộ thuế khoá, lương thảo trong nước. Từ khi Ỷ-Lan thần phi với hai vị Quách Sĩ-An, Lý Kế-Nguyên đề nghị cải cách nông nghiệp, bệ hạ ban ân sủng cho binh sĩ. Việc này đụng chạm tới hoàng thân, quốc thích, các đại thần, bách quan địa phương; thần không thể thực hiện nổi. Bệ hạ đã chỉ định thần-phi ngồi ở trong, công chúa Thiên-Ninh làm khâm sai đi các nơi thanh sát ở ngoài, có quyền tiền trảm hậu tấu, thì công chúa nắm vất chắc vấn đề. Xin để công chúa tâu lên bệ hạ.

Nhà vua vẫy tay gọi công chúa Thiên-Ninh:

– Ninh nhi! Từ hồi đó đến giờ con đã phải trảm cổ bao nhiêu cường hào ác bá, ô quan ở ngoài? Việc binh lương kết quả ra sao?

Công chúa Thiên-Ninh vốn đã đẹp sắc nước hương trời. Bây giờ được đại thần khen, phụ hoàng tín cẩn, trong lòng cực kỳ vui vẻ, nét hoa đẹp hơn bao giờ cả. Công chúa tâu:

– Tâu phụ hoàng, nhờ uy đức liệt tổ, nhờ uy đức phụ hoàng, thần nhi đi thanh sát các nơi. Chỗ nào tá điền, bần dân cũng vui vẻ, họ nói rằng đến vua Hùng, vua Trưng sống dây họ cũng chỉ sướng đến như vậy mà thôi. Nhờ thế mà quốc sản dư thừa. Chỉ có một số hương chức bị cách mà không có ai bị phạt tù hoặc xử tử cả. Về Thiên-tử binh, khi khuyết một người, thì có hàng trăm người tình nguyện.

Công chúa trình lên nhà vua tập sách nhỏ ghi chép tình trạng kho tàng, lương thảo, rồi tâu:

– Từ thời đức Thái-tổ, khi Quốc-phụ về lĩnh Phụ-quốc thái-úy, người đã cho chỉnh đốn toàn bộ việc binh lương. Về quân thì có Thiên-tử binh; quân các trấn, huyện; làng có hoàng nam. Thiên-tử binh là binh tinh nhuệ, binh nhà nghề, binh tình nguyện. Trước kia họ được trả lương bổng khá cao. Sau này Ỷ-Lan thần phi với hai vị đại học sĩ Quách Sĩ-An, Lý Kế-Nguyên về triều tâu rằng, binh sĩ đóng xa nhà, họ được phát lương, mà không biết làm sao chuyển về cho gia đình. Ba vị đề nghị cải tổ: Thiên-tử binh được cấp phát một mẫu năm sào ruộng công điền loại tốt. Ruộng này do làng-xã cử người làm cho họ. Đến mùa, thì gia đình họ hưởng hoa lợi, mà không phải đóng thuế. Thành ra Binh-bộ chỉ việc nuôi ăn, phát tiền túi cho họ. Khi di chuyển, nhẹ nhàng, dễ dàng, mau chóng.

Công chúa ngừng lại một lát, rồi tiếp: còn binh các trấn, lộ, huyện thì bắt buộc mọi con trai đến tuổi phải xung quân hai năm. Các con trai trong làng tới tuổi mười sáu, thì ghi tên vào sổ hoàng nam, coi như con của vua. Họ học văn, luyện võ, học xung phong hãm trận, do làng dạy, giữ an-ninh làng xã. Mỗi hoàng nam được phát một mẫu công điền, không phải nộp tô, nhưng phải nộp thuế. Gần đây theo đề nghị của Ỷ-Lan thần phi, thì hoàng nam được chia thành toán năm người một, ở năm tuổi khác nhau: mười sáu, mười tám, hai mươi, hai mươi hai, hai mươi bốn. Họ cùng làm ruộng với nhau. Hoa lợi thu được bao nhiêu, thì chia đều làm năm phần. Trong năm người đó, khi người tới tuổi mười tám thì phải lên đường, xung vào binh các trấn, các lộ, các huyện trong hai năm. Hai năm đó, họ phải luyện tập võ nghệ, binh bị hàng ngày. Bốn người ở nhà vẫn tiếp tục cầy năm mẫu ruộng công điền. Hoa lợi vẫn chia làm năm. Cho nên người xung quân, mà bố mẹ, vợ con, hoặc bản thân vẫn không bị thiệt. Thành ra các trấn, lộ chỉ cần nuôi ăn, phát tiền túi tượng trưng cho binh lính. Khi Thiên-tử binh tới tuổi hồi hưu, hay tàn tật, tử trận, thì tuyển những hoàng nam đã từng hết hạn xung quân thay thế.

Thường-Kiệt hỏi:

– Khải điện hạ, bây giờ có cuộc Nam-chinh, thì lương thực sẽ vận chuyển như thế nào ra mặt trận?

Công chúa chỉ vào bản đồ Đại-Việt:

– Nước ta nằm dài theo bờ bể, lại có nhiều sông lớn, nên khi thu thuế lúa, gạo, muội cho cất vào những kho gần sông, gần biển, cận đồn thủy quân, hoặc các đạo binh để tiện phân phát, dễ vận chuyển. Nay phát lương cho các đạo Thiên-tử binh ăn, ta chỉ cần dùng thuyền chở đi mà thôi, mà không cần vận chuyển bằng đường bộ, rất tốn công, lại chậm trễ.

Ỷ-Lan hỏi Thiên-Ninh:

– Hồi niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh, tôi còn thơ ấu, có cuộc dụng binh ở Bắc-cương, khiến làng tôi phải cử đi trăm hoàng nam trong một tháng. Cũng may bấy giờ mùa màng vừa xong, nên không trở ngại đến việc đồng áng. Nay phải chuyển lương thực cho cuộc viễn chinh như vậy, thì công chúa dự tính thế nào?

– Tâu thần-phi, trước kia thì kho lẫm tập trung vào các phủ huyện, nên phải cần nhiều hoàng nam vận chuyển. Nay kho lẫm để ở ven sông, ven biển, thì binh các trấn, các lộ, sẽ đảm trách chuyển xuống thuyền. Thủy quân sẽ chở ra mặt trận. Thảng hoặc có dùng hoàng nam, thì cũng chỉ cần tới một phần mười số người như trước kia mà thôi.

Vua bà Bình-Dương đứng dậy hướng vào cử tọa, rồi nói:

– Thời đức Thái-tổ, người cử cô-mẫu lên làm vua Bắc-biên. Sau cô mẫu truyền ngôi cho tôi. Nghĩ mình phận mỏng tài thô, mà ngồi trấn ngự biên cương bấy lâu đã là quá đáng. Nay tuổi đang đi vào sáu mươi, mà còn tham lam thế tục, hóa ra có tội với tổ tiên. Hoàng thượng nối di chí của đức Thái-tổ, cho Thiên-Thành về làm dâu họ Thân, khắp Bắc-biên đều thâm cảm hồng-ân. Từ năm Thiên-Thành mười tuổi, tôi đã thu làm đệ tử, dạy văn, luyện võ, dạy cho phép trị dân của vua Trưng. Cho hay, hổ phụ sinh sinh hổ tử, tre già măng mọc, Thiên-Thành trở thành người văn mô vũ lược. Vì vậy, trước khi về đây nghị sự, tôi đã họp 207 động chủ, trang trưởng, cáo việc truyền ngôi cho Thiên-Thành. Hôm nay tôi cũng xin tâu cùng hoàng-thượng và triều đình.

Công chúa Thiên-Thành cùng phò mã Thân Cảnh-Long bước đến trước nhà vua rồi Khai-Quốc vương, Vương phi lạy tạ. Trong hai người, thì công chúa đẹp như bông hoa lan mới nở chói chang. Còn phò mã thì như cây ngọc trước gió, khiến ai cũng phải khen thầm: thực là tốt đôi. Triều đình cùng đưa lời chúc tụng vua bà Bắc-biên Thiên-Thành.

Thấy trời đã sang canh ba (nửa đêm), Tể–tướng Lý Đạo-Thành tâu:

– Việc nghị sự quân quốc trọng sự đã hoàn tất. Thần xin bệ hạ cho bãi triều. Buổi nghị sự tới sẽ chỉ gồm các vị liên hệ đến cuộc Nam chinh mà thôi.

Ỷ-Lan đứng dậy nói:

– Hôm nay phải bàn quốc sự, tôi có truyền cung nữ nấu cháo cá quả dâng Hoàng-thượng, Quốc-phụ, Quốc-mẫu cùng mời chư vị dùng lấy thảo.

Cung nga, thái giám dâng cháo cá quả. Mùi cháo bốc lên ngào ngạt. Những tướng lĩnh từng ra ngoài cầm quân, thì món cháo cá quả chỉ là món ăn bình thường. Nhưng đối với nhà vua, công chúa, thì đây là món ăn đặc biệt, lạ miệng. Có người ăn một bát, có người ăn tới năm sáu bát. Tiệc cháo tàn.

Nhà vua ban chỉ:

– Bãi triều.

Nhạc vừa cử hết bản Long-hồi, thì cửa điện Uy-viễn bật tung, rồi một bao lớn bay vào giữa nghị sự đường đến vù một cái, rơi ngay trước mặt Lý Thường-Kiệt. Ông vội phát một chiêu chưởng, đẩy vào vật kia. Vật ấy bay nhẹ nhàng xuống giữa điện. Quan Tổng-lĩnh thị-vệ Đỗ Oanh vội mở bao ra, thì trong đó có một xác người, mặc y phục thị vệ; cổ bị bẻ gẫy, đầu y gập xuống lưng, hai mắt trợn ngược, máu từ miệng chảy ra khắp người. Miệng y có cái đùi chó luộc nhét sâu vào trong họng. Mọi người đều bật lên tiếng kêu:

– Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng.

Đỗ Oanh lôi xác chết khỏi bao vải, trên lưng y có mảnh vải trắng, với hàng chữ viết bằng máu:

« Nọc cổ thằng bé con Đỗ-Oanh đánh mười roi về tội bất cẩn. Làm tổng-lĩnh thị vệ mà khi họp quốc sự, để gian nhân nghe trộm. Lần sau thì xử tử hình. »

Công chúa Thiên-Ninh bật kêu lớn lên:

– Tên này là Đoàn Quang-Minh. Y làm việc tại Khu-mật viện của Quảng-Tây Nam-lộ. Y giả làm người Việt, rồi thi vào trường Trung-nghĩa, vì văn học, võ công y đều giỏi, nên được Quang-Thạch cho làm đại đệ tử.

Công chúa lấy trong bọc y ra một tập giấy. Trên giấy, đầy những chữ. Nàng đưa đến cho nhà vua cùng Ỷ-Lan đọc. Trên giấy ghi chép gần như đầy đủ những gì triều đình Đại-Việt đã họp bàn từ hồi chiều. Dường như y ghi chép chưa xong, đã bị giết, nên thiếu đoạn cuối.

Ỷ-Lan, Quách Sĩ-An, Lý Kế-Nguyên cũng đã nhận ra Đoàn Quang-Minh. Ba người nhìn nhau, rồi lắc đầu, như tự nhủ:

– Cũng may Mộc-tồn hòa thượng khám phá ra, bằng không thì bao nhiêu cơ mật đều lọt vào tay bọn Tống.

Đỗ Oanh đến trước mặt nhà vua quỳ gối:

– Mộc-tồn bồ-tát tuyên phạt thần mười roi về tội bất cẩn. Xin bệ hạ cho thần thụ hình, bằng không thì... người phạt thần nặng lắm.

Nhà vua định ra lệnh đánh Đỗ Oanh, thì tiên-nương Bảo-Hòa vẫy tay:

– Thôi tha cho. Từ nay phải chú ý kiểm soát cẩn thận.

Biết khi Mộc-tồn hòa thượng phạt ai, mà tiên nương Bảo-Hòa lên tiếng ân xá, là ông không truy phạt tội nhân nữa, Đỗ Oanh hướng tiên nương hành lễ:

– Đa tạ sư phụ đại xá.

Niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng thứ nhì, đời vua Thánh-tông nhà Lý (1069), Xuân, tháng hai, ngày Đinh-Dậu (dương-lịch 24-2-1069) bên Trung-quốc nhằm niên hiệu Hy-ninh thứ nhì đời Tống Thần-tôn.

Ghi chú

Vua thứ ba của triều Lý tên thực là Nhật-tông, con đầu lòng của Thái-tông, lên ngôi vua năm Giáp-Ngọ (1054), lấy niên hiệu là Long-thụy Thái-bình. Đến năm Kỷ-Hợi (1059) cải niên là Chương-thánh Gia-khánh. Năm Bính-Ngọ (1066) nhân sinh thái-tử Càn-Đức, cải nguyên là Long-chương Thiên-tự. Chỉ hai năm sau, năm Mậu-Thân (1068) nhân được hiến voi trắng, coi là điềm lành, cải niên là Thiên-huống Bảo-tượng. Hồi đầu năm 1069 vẫn còn dùng niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng. Đến giữa năm, sau chiến thắng mới đổi là Thần-vũ nguyên niên. Kể từ đầu đời Lý, các vua vẫn lấy quốc hiệu là Đại-Việt, nhưng trên văn kiện chưa bao giờ dùng chính thức. Đến đời vua Thánh-tông, ngài chính thức dùng quốc danh Đại-Việt trong văn kiện, và cả ngay với những văn kiện bang giao với Tống. Vì hồi đó Đại-Việt quá mạnh, khiến Tống kiềng! »

Sáng sớm, xung quanh điện Uy-viễn bao trùm một không khí uy nghi cùng cực. Trên trời, lúc nào cùng có hai chực chim ưng bay lượn tuần hành, theo lệnh của một Ưng-binh đứng trên ngọn cây điều khiển. Xung quanh điện, giáp-sĩ gươm đao sáng ngời, đứng canh gác, thân bất động như những pho tượng đá. Vòng ngoài Ngao-binh dàn hơn trăm chó sói tuần hành. Những đại thần, tướng lĩnh dù thị vệ đã quen, nhưng khi vào điện cũng phải bỏ mũ, để xem mặt. Ai cũng biết đây là cuộc họp cực mật.

Đúng giờ Thìn, Thiên-huống Bảo-tượng hoàng đế đi trước, phía sau là Ỷ-Lan thần-phi, có thị vệ hộ tống đến điện Uy-viễn. Hoàng đế vào trong rồi, thì đàn chó sói khép vòng vậy. Kể từ giờ này, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Nhạc cử bài Nguyên-thọ (đã nói trong hồi trước), báo hiệu vua thiết đại triều.

Lễ nghi tất.

Quan Tổng-lĩnh thị-vệ Đỗ Oanh thân tiễn một trăm hai mươi nhạc công rời khỏi điện.

Năm trước mỗi khi thiết triều Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu điều gì, phải xưng tên, cùng toàn vẹn chức tước. Tháng trước đây, hoàng-đế giáng chỉ ban cho ông khi tâu không phải xưng tên nữa. Kể từ khi triều Lý lập lên đến giờ, chỉ có mình Khai-Quốc vương được ban cho danh dự này, nay Tể tướng Lý Đạo-Thành là người thứ nhì.

Ông tâu:

– Hôm nay thiết triều cơ mật, để quyết định kế sách bình Chiêm. Tất cả tướng soái, đô-đốc liên hệ đều tề tựu. Riêng quốc-phụ thánh thể bất an, nên quốc-mẫu phải săn sóc người, thành ra vắng mặt. Khác với mọi lần, hôm nay tất cả lục vị phu nhân phụ giúp Ỷ-Lan thần phi cũng tham dự để biết tình hình.

Ông chỉ sáu phu nhân:

– Tâu bệ hạ, sáu vị phu nhân trợ giúp thần-phi là: công chúa Thiên-Ninh giúp về việc bộ Hộ, nội cung, Hoàng-thành. Công chúa Động-Thiên trợ giúp về việc bộ Hình. Vương-phi Trung-thành vương Hoằng-Chân là Nguyễn-thị Trinh-Dung trợ gúp về Binh-bộ, Khu-mật viện. Vương phi Tín-nghĩa vương Chiêu-văn là Lê Ngọc-Nam giúp về Lại-bộ. Phu-nhân Định-viễn tướng quân Nguyễn Căn là Vũ Thanh-Thảo giúp về Công-bộ. Phu nhân của Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Bùi Hoàng-Quan là Trần-thị Ngọc-Huệ giúp về Lễ-bộ. Xin bệ hạ ban chỉ.

Nhà vua hướng vào hai con trai của quốc-phụ là Trung-thành vương Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Chiêu-văn, hỏi:

– Hôm qua trẫm đến thăm Quốc-phụ, người có vẻ mệt. Trẫm dâng sâm thang. Không biết tình trạng nay ra sao?

Tín-nghĩa vương Chiêu-Văn tâu:

– Đạ tạ bệ hạ, phụ vương chỉ còn mệt chút ít thôi.

Long-tâm mở rộng, nhà vua hướng vào chư tướng ban chỉ:

– Từ khi mở nước, đời nào cũng có những anh hùng cầm gươm ra trận để bảo vệ đất tổ. Nước Chiêm-thành, vốn thuộc tộc Việt. Nhưng trong hơn nghìn năm tộc Việt ta bị Trung-quốc cai trị, họ bỏ rơi vùng phía Nam Đại-Việt. Trong khi đó, một dị tộc Mã-lị-á vốn là dân man mọi ven biển, hung dữ, không văn hóa, tiến dần lên phía Bắc, chiếm lĩnh vùng Việt-thường, chia cắt lập ra nước Chiêm-thành, Chân-lạp. Tuy nhiên, Chân-lạp vẫn do tộc Việt cai trị. Duy Chiêm-thành, tộc Mã luôn nổi lên giết tộc Việt lập triều đại. Mỗi khi triều đại tộc Mã cầm quyền, là chúng đem quân vượt biển hoặc tràn qua biên giới vào cướp phá phía Nam ta. Triều đình nhiều lần sai sứ vào răn dạy, chúng gửi sứ sang tạ tội, nhưng chứng nào tật ấy. Hôm nay tạ tội, ngày mai lại tái phạm. Tội quấy rối biên thùy còn có thể làm ngơ cho được. Gần đây, Chế Củ gửi sứ sang Tống, ước hẹn với Tống cùng khởi binh đánh phá Đại-Việt. Tống hứa, cắt vùng đất từ Thanh-hóa trở vào phong cho Chế Củ. Từ đấy Chế Củ đồn trữ lương thảo, thao luyện quân sĩ, đóng chiến thuyền, định năm tới cùng Tống tiến quân vào Đại-Việt ta. Than ôi! Trẫm nhận ngôi từ liệt tổ, muốn cho dân giầu, hạnh phúc như thời vua Hùng, vua Trưng, mà Bắc thì Tống không để yên. Nam thì Chiêm quấy phá. Cùng chẳng đã cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng, trẫm phải tự vệ. Trong phép dụng binh, tiên hạ thủ chế nhân, hậu hạ thủ chế ư nhân (mình ra tay trước thì khống chế được người, mình ra tay sau thì bị người khống chế). Nay trẫm họp chư khanh tại đây để bàn định kế sách tiến quân phạt Chiêm.

Ngài gọi Lý Thường-Kiệt:

– Người hãy lại đây.

Lý Thường-Kiệt quỳ gối trước ngai vàng. Nhà vua cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm trao cho ông, rồi ban chỉ:

– Người với ta có tình sư thúc, sư điệt, người lại là bạn học với ta từ thời thơ ấu. Sau duyên đưa đẩy người thành nghĩa tử của ta. Suốt hơn hai mươi năm qua, ta với người tuy nghĩa là chúa tôi, nhưng tình thì e hơn ruột thịt. Hôm nay ta thân chinh, phong người làm nguyên soái. Cuộc Nam chinh này là cuộc chiến một mất một còn. Nếu ta thắng, thì Tống không dám đem quân qua. Ta bại, thì Tống sẽ dốc quân chiếm nước đánh ta. Ta thắng, thì Đại-Việt còn, như ta bại thì Đại-Việt mất. Này Thường-Kiệt, người thắng thì Đại-Việt còn, người bại, Đại-Việt mất. Đại-Việt còn hay mất hoàn toàn do người đấy.

Thường-Kiệt tiếp kiếm:

– Thần xin hết sức mình để bảo vệ đất tổ.

Nhà vua rót ngự tửu ban cho Thường-Kiệt ba chung. Thường-Kiệt uống rồi, đứng dậy, ngồi vào ghế dành cho nguyên soái. Ông hướng vào cử tọa:

– Phàm ra quân, thì phải lo phòng vệ căn bản. Ta Nam chinh, thì trước hết phải phòng Tống ở phương Bắc có thể đánh úp. Xin mời Lạng-châu quốc-công trình bầy về tình hình mới nhất của Tống đã.

Thân Thiệu-Cực tâu:

– Thần Hữu kim-ngô thượng-tướng quân, lĩnh Đại-tư-mã Bắc-biên, Lạng-châu quốc-công kính xin tâu trình về tình hình Tống. Năm trước thần đã tâu về việc Nhân-tông bên Tống băng hà, Hy-Ninh đế lên ngôi, triều đình chia làm hai phe. Một chủ xâm Nam thùy và một phe chủ hòa. Nhưng mới đây, một biến cố rung động Trung-nguyên, có ảnh hưởng lớn lao vô cùng đến các nước lân bang. Đó là Tống mới nảy ra một thiên tài, thông kim bác cổ tên là Vương An-Thạch. An-Thạch có chương trình cải cách làm cho nước giầu, binh mạnh. Nếu cuộc cải cách của Thạch thành công, có thể đưa Tống đến giầu mạnh bất khả đương.

Nhà vua phán:

– Trẫm theo dõi tấu trình của Khu-mật viện nói về cuộc cải cách này lẻ tẻ. Nay khanh khá trình bầy thực chi tiết vụ này để triều thần cùng biết. Trước hết khanh nói về tiểu sử Vương An-Thạch đã. Tại sao y đang là một chức quan nhỏ, bỗng chốc nhảy lên địa vị tể thần? Ai đã tiến cử y? Tiến cử trong trường hợp nào? Chương trình cải cách của y ra sao, mà lại gọi là Tân-pháp.

Thiệu-Cực lấy ta một số thẻ tre, trên viết đầy chữ, rồi liềc qua một lượt. Ông tâu:

– Vương An-Thạch, hiệu là Bán-sơn, tự là Giới-phủ, người đất Lâm-xuyên thuộc Phủ-châu, sinh giờ Tuất ngày 12 tháng 11 năm Tân-Dậu niên hiệu Thiên-hy thứ tư đồi Tống Chân-tông, so với bản triều là niên hiệu Thuận-thiên thứ 12 đời đức Thái-tổ (1021).

Ghi chú

Xét số Tử-vi của Vương An-Thạch thì thấy: mệnh lập tại Dần, Cự-môn, Thái-dương thủ mệnh. Cát tinh phù gồm Hóa-lộc, Hóa-quyền, Hóa-khoa, Văn-khúc, Tả-phụ, Thiên-khôi. Thực trên đời nghiên cứu Tử-vi, chưa bao giờ tôi thấy một lá số lại hội đủ tất cả những cát thiên về biện thuyết ở mệnh như vậy. Cự-môn, Thái-dương ở Dần là cách Nhật xuất thiên môn, cả hai sao đều là quyền tinh, khiến đương số nói giỏi, nói được nhiều người nghe; thông minh tuyệt đỉnh, nổi tiếng khi sống, chết rồi muôn đời sau còn được người ta khâm phục. Đã vậy Cự ngộ Quyền, đắc thêm cách « Quyền hội Cự, Vũ anh hùng ». Nên ông là một loại anh hùng của Tống. Đã hết đâu, còn hội Khoa, Xương khiến cho công danh nhẹ bước, được người đời kính trọng. Khoa, Xương, Lộc tạo cho ông thành đại văn hào, đại thi hào, đại tư tưởng gia. Cung quan vô chánh diệu tại Ngọ; Nhật tại Dần, Nguyệt tại Tý chiếu lên là cách Nhật, Nguyệt tịnh minh, tá cửu trùng ư kim điện, nghiã là làm tể thần. Vì Thiên-khôi thủ mệnh, Thiên-việt cư quan, đắc cách tọa quý hướng quý nên thi tiến-sĩ ông đỗ đầu. Chỉ tiếc rằng Kình-dương cư Tuất, Đà-la cư Thân chiếu vào cung mệnh nên trên hoạn đồ luôn bị dèm pha, chỉ trích.

Những cải cách của ông giống như những biện pháp kinh tế đời nay, đi trước Âu-Mỹ cả nghìn năm. Nếu Tống tận dụng cải cách này, thì thế cuộc thay đổi; Trung-quốc đã ngự trị thế giới từ mấy thế kỷ trước, chứ đâu đến nỗi bị Bát-quốc làm nhục ở cuối thế kỷ thứ mười chín. Chỉ tiếc rằng vì bị đồng liêu chỉ trích, Vương An-Thạch xui vua Thần-tông xâm lăng Đại-Việt bị Ỷ-Lan với Lý Thường-Kiệt đánh bại, đưa đến ông mất chức Tể-tướng, rồi cải cách của ông bị bỏ.