Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 35: Sau Khi Thắng Trận




Đầu tháng tư, quả nhiên có tin do thám báo về, nói rằng các vùng lân cận đã bắt đầu có bóng dáng tiên phong của địch bước vào địa phận, quân dân ở đó đang tích cực chống trả.

Mấy người chúng tôi đã sớm giáo gươm chỉnh tề, phân tán lực lượng trải dài dọc hai bên bờ sông, mấy đoạn sông ở đầu không thể nói là không rộng, nhưng với số lượng thuyền chiến quá lớn, chỉ cần đứng dõi mắt ra là có thể rất rõ ràng theo dõi được những chiếc thuyền đi sát hai bên bờ.

Nhưng phàm là việc binh chưa từng có việc nào là dễ dàng, chẳng biết là do họ Ô bỗng nhiên đổi tính hay là do Thoát Hoan ngày càng làm việc cẩn thận mà đoàn tàu thuyền lại lựa ngay lúc tối trời tiến thẳng ra biển, nếu như không có tiếng ào ào khua nước khuấy động đêm đen thì trong cái ánh sáng non nửa con trăng này lại chẳng biết đâu mà lần. Tôi nấp một góc nhìn ra, thấy lờ mờ không biết bao nhiêu là thuyền chiến kéo mãi một đường tít tắp ra sau, giống như một con giao long khổng lồ trườn trên mặt nước.

Lúc này đội xạ binh đã vào chỗ, nghe hô "bắn" một tiếng thì tức khắc tên lửa bắn rào rào ra như mưa, "phập" mấy tiếng lớp thì cắm lên buồm, lên thân tàu, lớp thì rơi lả tả xuống sông, mùi ngai ngái của dầu hỏa kèm với mùi cháy khét tản ra trong không trung khiến ai nấy đều ngợp thở. Mặt sông ngay tức thì cũng sáng rực lên kèm với tiếng hàng vạn quân Nguyên hò hét, có kêu la do trúng tên, cũng có tiếng hô hào đầy khí thế.

Trong khoảnh khắc lóe lên đó, một làn mưa tên từ dưới sông cũng ngược hướng rẽ về, chúng tôi trong tối kẻ địch ngoài sáng, tốt xấu gì cũng đã chuẩn bị đầy đủ khiên chắn, lại ẩn nấp kín kẽ, nên kết cục ngoài một vài người bị trúng tên lửa do không dập kịp nên chết cháy ra, thì cũng chẳng tổn hao bao nhiêu. Có điều tôi biết tên bắn ra chỉ như gãi ngứa đối với số lượng đông đúc của chúng.

Sau một đợt tên bắn mở đầu, thủy quân từ hai bên bờ cũng lao ra tác chiến, chủ yếu là thuyền lửa, thuyền có đầu sắt nhọn và những đội thợ lặn cùng với cảm tử quân. Bên trên có mưa tên, bên dưới lại có kẻ đục thuyền giết chóc, tuy nhìn thì thấy muôn bề thọ địch, tuy có tổn hại không nhỏ nhưng giặc Thát lại tỏ ra không mấy chật vật, vẫn như bầy ong dai dẳng không dứt, hết lớp này lại có lớp khác tiến lên.

Về sự lấy đông thắng ít của bọn giặc cỏ này mấy người bọn tôi không phải là chưa từng thấy qua, chỉ là lần này không lấy chiến thắng làm trọng, chủ yếu lấy cách đánh du kích làm tiêu hao đi sinh lực địch mà thôi, có như thế tiếp theo chúng mới hoang mang mà tránh đi những nơi bọn tôi đã cho người bố trí. Giằng co một hồi bỗng nghe tiếng gà gáy canh ba, lúc này không biết chúng có cảm nhận được hay không, mặt nước đang dâng dần.

Đang lúc đó, bỗng nhiên từ phía sau vang lên tiếng kèn hiệu, nhắm thấy thời cơ đã đến, Trần Quốc Toản bèn cho quân vừa đánh vừa lui. Ước chừng ban nãy thấy rằng chúng tôi tiến công cũng không nhiều, bọn chúng cũng không liều sống liều chết đuổi theo, sau đó vẫn theo hướng ban đầu đi ngược ra biển. Có lẽ không muốn tiếp tục ở đây dây dưa, mà cũng có thể bọn chúng đã biết được ở trên bộ chúng tôi đang bị tập kích.

Tôi nheo mắt nhìn ánh lửa le lói trên một vài chiến thuyền, lúc này lại trông giống như một con rồng lửa đang nhanh chân trốn chạy, chúng không hề biết được chúng tôi chờ sẵn ở đây mục đích chính là truy đuổi toán quân bộ này. Nhưng tất cả chỉ là mở đầu, quãng đường từ đây cho tới nơi mà chúng tôi đang giăng bẫy đợi sẵn, Trần Khâm đã cho giăng không biết bao nhiêu thiên la địa võng chờ đợi, gần như là dày đặc hết các ngả sông.

Tôi thầm nguyện trong lòng: "cha, tiếp theo đều trông cậy vào cha rồi."

Xung quanh đèn đuốc sáng trưng, tôi ra bãi dắt lấy con ngựa của mình rồi quen thuộc leo lên, Trần Khâm đã cầm kiếm dài ở ngay bên cạnh. Một tiếng "đi thôi" của anh ta vang lên, chúng tôi đã ngay lập tức phi nhanh ra vùng chém giết, nơi mà Trần Thông đã cầm chân địch một lúc lâu.

Đây là toán quân bộ đi theo để hộ tống thủy quân của Ô Mã Nhi thuận lợi rút lui về hướng đông, có điều bây giờ thủy quân của chúng đã đi còn bọn chúng thì lại mắc kẹt ở đây bởi quân ta bất ngờ tập kích. Đội quân này nói đông thì không đông, nói ít cũng không ít, giằng co suốt một canh giờ, đến khi gà rừng gáy thêm một chập nữa tôi mới biết hóa ra đã sang canh thứ tư.

Hiện giờ có vẻ chúng đã dần mỏi mệt, mà mấy người bọn tôi lại đánh rất hăng, một phần vì địa thế nơi đây đã quá quen thuộc, một phần là do bọn chúng đói kém lâu ngày, thể lực đương lúc sa sút. Chém giết điên cuồng, khói lửa tan hoang, từng cột khói bốc lên cùng với tiếng hét và tiếng đao sắt cứa lên da thịt, tiếng chém trượt dài lên lớp áo giáp sắt khiến tôi lạnh sống lưng. Trong suốt buổi không biết bao nhiêu lần ngựa của tôi đạp phải những mảnh thi thể trên đất không rõ địch ta, mùi máu tanh cực kỳ buồn nôn nhưng lại hong cho đầu óc tôi đến cực kỳ tỉnh táo.

Cho dù là trong lúc binh hoang mã loạn, thỉnh thoảng tôi vẫn có thể nghe loáng thoáng câu hỏi của Trần Khâm: "em còn đánh nổi không?" hay "em vẫn bình an chứ?". Tôi bực mình hét lên "chàng tập trung một chút được không?", sau đó loáng thoáng nghe tiếng cười rồi không gian chỉ còn độc mỗi tiếng chém giết la ó.

Tôi có cảm tưởng nếu như đây không phải là chiến trường máu lửa mà là một gian phòng thì có lẽ Trần Quốc Toản đã đạp cửa bỏ đi rồi. Nhìn gương mặt đầy máu của cậu ta ánh lên bởi ngọn lửa, lại có vẻ như một hung thần ác sát đang liên tục đoạt lấy mạng người. Bao năm qua cùng nhau vào sinh ra tử, tôi cũng chưa từng thấy cậu ta có loại biểu cảm kinh khủng như vậy.

Dưới chân bỗng nhiên có kẻ xông tới, tôi đổi thế cầm thương, một nhát đâm xuống xuyên qua lưng người kia, máu văng ướt bắp chân tôi vẫn còn ấm nóng.

Phía trước đột nhiên truyền đến một trận nhốn nháo, nhìn kỹ lại thì hóa ra là kẻ râu ria Trần Thông đang hộc tốc phi ngựa trở về, trên tay cầm chặt một vật gì đó. Tôi nheo mắt nhìn kỹ, dưới ánh đuốc của một binh lính đang giơ cao, tôi rợn người phát hiện ra vật đó thế mà lại là một cái thủ cấp vừa mới cắt xuống, máu vẫn còn chảy ròng ròng.

Trần Thông một đường vừa cưỡi ngựa vừa chém giết đến trước mặt bọn tôi, lại giơ cao cái đầu hét lên:

- Còn không mau bó tay chịu trói, thủ cấp của tướng chúng bây đang nằm trong tay ta!

Lúc này thì không những tôi tỏ ra không dám tin mà lúc quay sang nhìn thì thấy chính Trần Khâm cũng đang tỏ ra kinh ngạc. Nhanh như thế sao, tên Trần Thông này lại có bản lĩnh lấy đi thủ cấp của tướng giặc nhanh như vậy, trên người anh ta thế mà lại không có lấy một vết thương nào.

Chủ tướng bay đầu thì kết cục của trận chiến xem như đã định, lúc bọn chúng lúc nhận ra thủ cấp của chủ tướng mình, ngay lập tức hoảng hốt lên, sau đó không màng đang còn chém giết căng thẳng lập tức quay đầu bỏ chạy. Lần này đại công cáo thành ngay trước mắt, Trần Khâm liền lập tức cho quân cấp tốc đuổi theo.

Đuổi đến chợ Đông Hồ thì trời cũng tờ mờ sáng, trước mắt là một dòng sông chắn ngang, lại chỉ có một chiếc cầu dây nối liền hai bờ. Trần Khâm phi ngựa lên trước, nhếch môi:

- Chạy cũng chết, không chạy cũng chết, không biết bọn bây chọn cách nào?

Bọn Thát chắc là không hiểu tiếng ta, nhưng bởi cùng đường, một số ở phía trước đã chen lấn chạy lên cầu, kẻ giẫm người đạp ồn ào phần thoát được phần lại rơi xuống nước. Chúng tôi cũng không để yên cho chúng chạy, tiếp tục giáp lá cà, mục đích chính là phải chặt dây cầu để chúng không còn đường đào thoát.

Đương lúc ấy, từ bên kia sông có kẻ đang cưỡi một con ngựa to rẽ gió lướt sóng phi nhanh sang đây, đạp lên cả những kẻ đang chạy trối chết trên cầu, cuối cùng thì dừng lại cách bọn tôi năm trượng, vừa đủ an toàn để kịp quay đầu khi đã hối hận. Nhưng tôi nghĩ kẻ dám một thân một mình xuất hiện trước mặt địch thủ thì cũng chỉ là một tên cảm tử không còn thiết sống nữa mà thôi.

Lúc kẻ đó dừng lại trước mặt tôi, tôi mới nhìn thấy rõ ràng chẳng phải là một mà tới hai người, khi kẻ đó cởi đi mũ áo trên đầu nhìn tới, tôi bỗng cảm thấy cả người mình như đông cứng lại.

Trước mắt nhoè đi, tôi phải giữ chặt dây cương mới ngăn không cho mình run lẩy bẩy, lúc này quân Thát giống như tìm được đồng minh, lại càng yên tâm nối đuôi nhau về bên kia bờ.

Trần Quốc Toản trong lòng nôn nóng, ngay lập tức hạ lệnh xông lên, tức thì Trần Thông râu tóc xồm xoàm như một mũi tên lao ra đứng chắn trước mặt, hét lên:

- Không, không được...!

Tôi quệt nước mắt nhìn sang, thấy vẻ lưỡng lự hiếm khi xuất hiện trong đôi mắt của Trần Khâm, anh ta ban đầu cũng đứng bất động, đến lúc thấy Trần Thông lao lên mới giơ tay chặn Trần Quốc Toản lại.

Phía bên kia kẻ đang ngồi trên lưng ngựa bỗng nhiên cười ha hả như điên dại:

- Tô Linh Lan, để cho chúng ta đi, hay ả này phải chết là do cô chọn!

Đúng là rất lâu rồi tôi mới nghe lại cái tên này, đến mức tôi suýt nữa thì quên. Trần Quốc Toản ngơ ngác quay sang nhìn tôi, tôi cũng chẳng còn hơi sức để giải thích cho cậu ta, chỉ cau mày nói:

- Tên Thoát Hoan ấy hèn nhát đến mức để cho một người phụ nữ đem vợ anh ta đi uy hiếp địch thủ à?

Cô ả đang uy hiếp tôi lại chẳng phải một nhân vật gì to tát, không hơn không kém chính là nô nhi bên cạnh Thoát Hoan tên là Khoát Khoát Lạt, từng có cơ duyên theo hầu tôi năm đó khi tôi ở Đại Đô. Năm nay An Tư gả cho Thoát Hoan thì cô ta vừa hay đổi chủ, hiện tại thì thuận tiện mang theo chủ của mình đi giết giặc lập công. Chẳng biết là do Thoát Hoan sai khiến hay là do tự mình chủ trương nữa.

Khoát Khoát Lạt quát lên, vừa nói lại vừa rơi nước mắt:

- Con ả này chẳng xứng làm vợ của vương nhà ta, cùng lắm chỉ là một con đàn bà bị đem đi cống nạp, lại suốt ngày mê hoặc ngài. Rõ ràng là vương đoán được các ngươi sẽ giở trò, tại sao ngài vẫn không gửi thêm viện binh. Hừ, hôm nay con ả này được phụng sự cho Đại Nguyên mới không uổng cơm áo mà vương ban cho!

Còn chưa nói xong, thanh đoản đao của Trần Khâm đã găm lên giữa cổ ả, Khoát Khoát Lạt một giây trước còn hùng hùng hổ hổ, giây sau đã từ trên ngựa ngã xuống. Sau đó là An Tư bị trói tay bịt miệng cũng mất đà, Trần Thông gần như ngay lập tức lao lên ôm lấy cô ấy vào ngực. Còn chưa kịp vui sướng khi đoàn tụ, từ bên bờ sông một mũi tên đã như xé gió găm vào giữa lưng Trần Thông, sau đó trong ánh mắt trừng lớn của người thương rồi từ từ khuỵu xuống.

Lúc tôi phản ứng được, mũi tên mình vừa tra vào dây cung đã găm thẳng vào ngực trái của kẻ vừa bắn tên, anh ta mím môi nhìn tôi, nở một nụ cười hiền. Tôi kinh ngạc tột độ, có lẽ vì trước giờ Thoát Hoan chưa lần nào cười với tôi như thế cả, anh ta luôn luôn mạnh mẽ chiếm đoạt, cho dù lúc còn là Sở Quân khi nói mấy câu tình tứ với tôi vẫn mang chút gì đó áp đặt, nhiệt huyết sôi sục trong mắt khiến tôi chẳng khi nào cưỡng lại được anh ta, vậy mà...

Lần này lại là nở cụ cười chào nhau lần cuối, nhiệt huyết tuổi trẻ đã mất, như một gốc cổ thụ cằn cỗi trơ lá, chỉ còn lại gốc cây đang dần dần mục rữa.

Trước khi được binh lính hộ tống trở về không rõ sống chết, anh ta hướng tới tôi, miệng nói hai từ xin lỗi. Tôi không biết anh ta xin lỗi mình vì cái gì, người anh ta nên xin lỗi không phải là An Tư hay sao. Tôi bỗng bất chợt nhớ ra trước đây mơ thấy Thoát Hoan, thấy anh ta cũng từng cười như vậy rồi nói cái gì đó với mình, giờ mới biết hoá ra chỉ là hai từ xin lỗi cũ rích. Tôi giật mình kinh ngạc, mình lại có thể chỉa mũi tên về Thoát Hoan mà không chút chần chừ.

Trong đầu tôi bây giờ, câu nói của Khoát Khoát Lạt không ngừng xoay vòng "Rõ ràng là vương đoán được các ngươi sẽ giở trò, tại sao ngài vẫn không gửi thêm viện binh", Thoát Hoan, rốt cuộc thì tôi vẫn không thể nào hiểu được anh.

Phía quân Thát thì một nửa đã qua sông, một nửa vì bị chặt đứt dây cầu mà không chạy được, đành kẻ chết người bị bắt sống ở lại chịu trận. Quân ta thắng trận này, nhưng cuối cùng vẫn còn một kẻ bị trúng tên ngay chỗ hiểm nằm bán sống bán chết đằng kia.

Tôi xuống ngựa ba chân bốn cẳng bước tới, Trần Khâm bỗng giữ tay tôi lại. Tôi thấy anh lắc đầu mới biết Trần Thông có lẽ là không cứu được rồi, nhưng cuối cùng sau tất cả anh ta lại chết trong lòng của người mình thương yêu, như thế thì cái chết này còn có gì đáng sợ nữa chứ?

Năm ấy An Tư mười sáu, Trần Thông hai mươi, cả hai đều ăn vận đẹp đẽ, cử chỉ phóng khoáng. Năm nay Trần Thông vĩnh viễn hai mươi bảy tuổi, mặc một bộ giáp cũ vấy máu không bao giờ tỉnh lại nữa. Sau nay có lẽ là An Tư năm mươi, sáu mươi tuổi, Trần Thông cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó.

Tôi nghĩ tới đó, nhưng nào ngờ đã thấy An Tư khóc nấc lên một cái, thanh kiếm nằm trên đất đã cứa đứt cổ cô, đột ngột đến nỗi mấy người bọn tôi chẳng kịp phản ứng. Đến giây phút sau cùng ánh mắt của An Tư cũng chỉ đặt lên người Trần Thông mà không để lại cho chúng tôi một lời gì.

Tôi xám mặt xám mày giằng tay khỏi Trần Khâm chạy đến đỡ lấy An Tư, có lẽ anh ta cũng bàng hoàng trước sự việc vừa xảy ra nên chẳng kịp phản ứng. Lúc tôi đến bên cạnh An Tư chỉ còn một hơi thở, mỉm cười nhìn tôi rồi cũng yên lặng ngả vào lòng Trần Thông mà qua đời.

Trong lòng tôi chua xót, giá như lúc này phía sau tôi không phải là một trận chiến đang chờ đợi, tôi đã gục xuống tại nơi đây mà khóc rống. Đáng tiếc kẻ tâm địa sắt đá như tôi đứng trước hoàn cảnh này chỉ lặng lẽ rơi nước mắt, sau đó.. sau đó sai người tạm thời chôn họ ở một nơi yên tĩnh, chậm rãi đợi cuộc chiến qua đi.

Trần Khâm siết chặt cánh tay tôi, có lẽ trong lòng anh ta cũng cực kỳ khó chịu. Tôi bỗng cảm thấy mình thật may mắn khi cả tôi và Trần Khâm vẫn còn kề vai sát cánh cho đến giờ phút này. Anh bỗng quay sang nhìn thẳng vào tôi, vén mái tóc rơi xuống loà xoà bên má ra sau tai, như thở hắt ra nói:

- Đi thôi, họ đang đợi ta!

Tôi mím môi gật đầu.

Lúc đến nơi thì trời đã quá trưa, nắng như đổ lửa dội xuống đỉnh đầu, nhìn từ phía bờ sông nơi dừng ngựa chỉ thấy cột khói nghi ngút khuất sau núi Tràng Kênh, có lẽ là đang cháy dữ dội. Ánh nắng phản chiếu xuống mặt sông lóa mắt, tôi nhìn mực nước sông, thấy đã thấp hơn bình thường.

Tôi và Trần Khâm ngự trên đoàn thuyền chiến mạnh nhất dưới sự chỉ huy của cha tôi lúc này mới lao vào trận chiến, không thể nói rõ là may mắn hay quá may mắn, tôi lại được tận mắt nhìn thấy trận chiến mang tầm cỡ vĩ đại thế này.

Nước sông Bạch Đằng đục ngầu, khắp mặt sông như trở thành một biển lửa, có những chiếc tàu chiến nghiêng ngả hơn một nửa nằm ngập trong nước, dưới mặt sông nhắm chừng cũng không ít tàu chìm, không thể đếm rõ rốt cục có bao nhiêu người đã rơi xuống nước bỏ mạng.

Tên lửa vẫn ùn ùn bắn qua liên tục, bao vây thuyền địch không một kẻ hở, thuyền lớn lại không cách nào di chuyển được trong bãi cọc, giống như những con cá kình nằm phơi thây trên biển, bất lực chịu chết. Cột buồm phần lớn bị cháy, bị tên bắn rách, bị đao kiếm chặt phăng. Dưới sông quân ta cũng theo thuyền nhỏ luồn lách trèo lên đánh giết đốt phá, mà bãi cọc giống như càng lúc càng nhô cao, khiến cho không ít thuyền to tiếp tục lật úp.

Quân Thát càng lúng túng, nước sông lại càng thêm đỏ ngầu, tôi mơ hồ có thể nghe được tiếng quát nạt của tướng địch, tôi không hiểu bọn chúng nói gì, có thể là trấn an, cũng có thể là đe dọa, nhưng chỉ có mấy người bọn tôi biết được là bọn chúng sẽ chẳng có ai tiếp viện nữa, càng lúc càng đi tới kết cục không thể quay đầu. Thoát Hoan, anh ta đã thật sự bỏ rơi bọn họ rồi.

Lòng bàn tay tôi lạnh toát, phải dùng bốn chữ kinh hồn bạt vía mới tả được trạng thái của tôi trong giờ phút này, nhưng bên dưới khi binh lính thấy đoàn chiến thuyền hùng mạnh của cha tôi xuất hiện, giống như càng đánh càng hăng, càng thêm phấn chấn, liên tục hô to Quan gia, Quốc công, Thượng hoàng, lại gằn từng tiếng hô Sát Thát rồi dũng mãnh chém giết, tên lửa cùng lúc bắn vào như mưa. Chỉ cần có kẻ nào dám phá vòng vây, ngay tức khắc giống như rơi vào cửa tử.

Nghe nói trước khi bọn tôi đến, một vài cánh quân đã bỏ chạy lên bờ sông hòng tìm đường trốn thoát, nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, toàn bộ xung quanh đây cơ hồ đã giống như mạng nhện, đâu đâu cũng là bẫy rập được giăng ra.

Trận chiến này tôi vốn không cần động tay, tất cả mọi thứ như được sắp đặt sẵn mà tôi chỉ như một khách xem kịch, có điều vở kịch này lại quá mức máu me, khiến tôi tưởng như là mình đang nắm quyền sinh sát trước ngàn vạn sinh linh bên dưới. Cùng một biểu cảm với tôi, Trần Khâm cũng chỉ mặc giáp đứng khoanh tay nhìn sắc trời dần tàn, tôi bỗng dưng nhớ tới ngày đó anh ta đang ngồi trong hồ Thuỷ Tinh câu cá, lúc nhìn thấy lũ cá đang đớp khí trong chậu, ánh mắt anh ta cũng giống như thế này.

Tựa hồ không muốn, nhưng lại không thể chống lại quy luật của tự nhiên.

Lúc này Trần Khâm ra hiệu cho một binh lính dâng lên cung tên, giống như ngày thường chỉ tay tôi cười bảo đằng kia có một khóm hoa cúc đẹp, hay trời hôm nay phá lệ trong xanh, anh ta bình thản nói:

- Em nhìn xem người đó có phải là tên tướng đã phá lăng tẩm họ ta hay không?

Tôi nheo mắt nhìn, xa đến mức chỉ thấy thấp thoáng dáng người to lớn quá cỡ của gã, nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ để xác định kẻ đó chính là Ô Mã Nhi. Trong suốt quãng thời gian chinh chiến, nói thực thì tôi cũng chưa hề cận mặt đối chiến với gã gần nào, nhưng về sự hung hăng gian ác thì nghe đến mức đầy tai.

Thấy tôi gật đầu, Trần Khâm lại vừa nói vừa kéo căng dây cung, làm động tác nhắm bắn:

- Kẻ này không những thuộc giới quý tộc, lại còn anh dũng thiện chiến, gan dạ và thao lược, nếu như không "vì nước quên mình" trong trận chiến này, chỉ sợ là phải trả y về nước để đẹp tình bang giao, tránh khỏi nạn đổ máu.

Người Trần Khâm đứng thẳng làm động tác kiên nhẫn nhắm bắn, một vài sợi tóc mai bên thái dương nhẹ bay, ánh mắt sắc bén của anh ta nhìn thẳng vào họ Ô, vừa toát ra sự bình tĩnh, lại giống như căm hận thấu xương. Mày Trần Khâm khẽ chau lại, sau đó tôi nghe một tiếng rít kéo dài, mũi tên xé gió lao về phía thuyền địch, Ô Mã Nhi trúng tên, nhưng chỉ ngả lăn ra thuyền, ấy vậy mà lại khiến cho một tên tướng khác vô tôi vạ mất đà rơi tõm xuống nước.

Tôi suýt thì bật cười, sau đó thì thấy Trần Quốc Toản đã sai người dùng câu liêm móc lên trói lại, từ phía xa như thế tôi cũng có thể cảm thấy cậu ta đang nhếch môi đắc ý, sảng khoái mà cười to.

Với tốc độ này, nếu như là trúng phải da thịt thông thường cũng phải xuyên qua một nửa mũi tên, nếu như là trúng phải giáp sắt, vậy thì chí ít cũng phải xuyên qua giáp, cắm sâu vào bên trong da thịt. Một mũi tên làm cho kẻ như tôi phải mở mang tầm mắt, có cảm giác trước giờ mình chỉ là người múa rìu qua mắt thợ.

Trần Khâm đưa cung cho binh lính đang đứng hầu, lại nhẹ giọng giải thích với tôi:

- Cái thứ tên độc này chẳng phải tốt lành gì, ngày trước em có nghe qua chuyện Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh mưa tên hay không? Gã ta có lòng với chúng ta, chúng ta càng phải đặc biệt chăm sóc mới đúng. Đảm bảo cho gã muốn sống không được, muốn chết cũng không xong.

Sống lưng tôi ớn lạnh một trận, lắp bắp nói:

- Vậy.. vậy tại sao trước giờ không thấy chàng dùng?

Trần Khâm vuốt cái cằm trơn láng, cười cười:

- Loại độc này tuy nói là ghê gớm, nhưng lại không chết ngay, dùng trong chiến đấu trực tiếp rất là phí phạm. Với lại, đồ tốt thường không có nhiều!

Lúc này tôi bỗng nhiên có một chút đồng cảm với Thoát Hoan.

Rốt cuộc đến giờ Dậu, toàn bộ tướng giặc bị bắt, hơn bốn trăm thuyền chiến về tay, địch chết mấy vạn không rõ, chỉ biết còn lại không tới hai vạn bị bắt làm tù binh.

Thượng hoàng sai đem họ Ô lên thuyền, rót cho gã một chén rượu ấm, bây giờ tôi mới nhìn rõ được dung mạo hung ác của gã ta, chỉ thầm mắng một câu "tâm sinh tướng". Cho dù là đang bị mũi tên đâm qua bả vai, máu tuôn ròng ròng, Ô Mã Nhi vẫn giãy giụa chửi bới luôn miệng. Tôi nghĩ tới mấy lời của Trần Khâm, không nén nổi phải thay đổi ánh mắt nhìn anh ta, ây cha, nhức nhối đau đớn như vậy vẫn còn hung hăng như thế được sao?

Thượng hoàng vẫn thái độ bình thản không nói gì, tiếp tục để hắn ở trước mặt mình làm trò, nhưng tôi biết Thượng hoàng lúc này chỉ xem gã là con sâu cái kiến mà thôi.

Sau khi thắng lợi ở sông Bạch Đằng, cũng vừa nghe tin Thoát Hoan đã thu dọn binh mã vừa hay rời khỏi biên giới Đại Việt. Về việc này sau đó tôi có nghe Trần Nhật Duật kể lại, rằng bọn chúng đã chật vật như thế nào, binh lính thì đói ăn lâu ngày còn phải lao vào nhau mà đánh bừa đánh đại, bị thương cũng phải buộc vết thương lại mà đánh, thậm chí tên tướng giặc bị trúng ba mũi tên độc khiến đầu cổ sưng vù không rõ sống chết. Tôi thở dài, cũng chẳng biết là ai khiến cho họ phải mắc tội mắc tình như thế.

Mạc Đĩnh Chi lại thở dài:

- Tuy là bọn chúng lâm vào mỏi mệt, nhưng số lượng lại hơn quân ta rất nhiều, cũng may nhờ thầy sáu bày phản gián kế, bọn chúng bị gián điệp ta mua chuộc như người đi trong sương, lờ mờ cứ tưởng quân ta còn đông đảo, nào đâu biết thật ra thì phần lớn đều đi theo Quốc công rồi. Bọn Thát kia sợ đông sợ tây trối chết rút về, bị tấn công cũng không dám đánh trả.

Tôi liếc cái người bày kế đằng kia, cảm thấy vẻ mặt anh ta còn mờ mịt hơn đám người đi trong sương từ miệng Mạc Đĩnh Chi thốt ra nữa, bèn tò mò hỏi một câu không đúng trọng tâm:

- Nhưng ban đầu không phải thầy em gặp bất lợi lớn sao, làm sao lại đổi nguy thành an thế?

Ánh mắt Mạc Đĩnh Chi liền nổi lên hứng thú, sáng quắc như con cú hoạt động về đêm:

- Chuyện này phải kể đến..

Vừa nói đến đó, ánh mắt mơ màng của Trần Nhật Duật ngay lập tức bắn qua, Mạc Đĩnh Chi giật thót cả người, lại ấp úng cười qua loa:

- Chuyện này thật ra rất dài, hôm nào rảnh rỗi em lại kể tiếp!

Nói xong thì như con sóc chạy mất, tôi ngồi đối diện với không khí tĩnh mịch buồn chán xung quanh Trần Nhật Duật cũng chịu không nổi rời khỏi, lúc trở về mới nhớ ra hình như là mình đang đi bắt cá. Phen này phải mách lẻo với Trần Khâm rằng chú của anh ta đã ăn trắng mặc trơn lại còn hay giở trò trộm vặt, vẫn nên tính toán cho chú ta ói ra một chút. À còn chuyện hay ho của chú ta trong miệng Mạc Đĩnh Chi thì tôi vẫn còn chưa bỏ qua đâu.

Nói về chuyện sau khi khải hoàn trở về, việc đầu tiên tôi có thể nghĩ đến chính là quay trở lại chiến trường trước đó để đưa An Tư và Trần Thông về an táng đàng hoàng. Tôi từng nghe qua tích xưa về hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, rốt cuộc khi chết biến thành đôi cành trúc, đôi chim quấn quýt bên nhau, đêm đêm lại vang lên tiếng kêu "khắc" "khoải", nguyện sống làm chim liền cánh, chết làm cây liền cành.

Cho dù An Tư và Trần Thông khi còn sống phải chịu cảnh ly tán, nhưng đến lúc chết đi họ đã được quay trở về bên nhau. Tôi trộm nghĩ, không biết ngày đó hai người bọn họ có giống như truyền thuyết về họ Chúc và họ Lương thời Đông Tấn ở phương Bắc mà tôi hay đọc, cùng xuống nấm mồ rồi hóa thành đôi bướm bay lượn hay không.

Suy nghĩ lạc quan, nhưng đến lúc đưa xác họ lên thấy cả hai vẫn nắm chặt tay nhau không rời, tôi cuối cùng cũng không nén được cảm xúc, chỉ biết chúc đầu vào ngực Trần Khâm khóc ướt một mảng áo bào. Khóc thỏa thích một trận, lúc bình tĩnh lại, chỉ cảm thấy trong đầu là một khoảng trống trải.

Lần này thắng lợi, Trần Khâm phá lệ phong thưởng rất hậu, công lớn như cha tôi thì được phong tước đại vương, anh cả là Khai quốc công, anh ba thì phong là Tiết độ sứ, Phạm Ngũ Lão được ban cho Thánh Dực quân, còn ông già Nguyễn Khoái cũng được phong Liệt hầu và một hương làm Thái ấp, gọi là Khoái lộ.

Lão ta đắc ý một hồi, lần này lỗ tai không phải chịu cảnh tra tấn nữa, mấy bà vợ già ở nhà thì đưa về Khoái Lộ lập làng, lập ấp, cai quản kẻ dưới chăn nuôi trồng trọt, chính mình thì cùng với bà vợ lẽ đã ngoài ba mươi tận hưởng cuộc sống thích chí an nhàn nép dưới bóng vua. Ông già này ấy vậy mà vẫn còn khỏe lắm.

Về phần nhà tôi có thể nói là một bước đạt tới đỉnh vinh quang, cả cha, anh ruột và cả anh rể đều được phong tước, nhưng tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao anh cả và anh ba được phong, còn anh hai và anh tư thì không thấy nhắc tới? Trần Khâm lúc này đang ngồi hưởng thụ tôi xoa bóp vai, vừa lim dim mắt, vừa lười biếng đáp:

- Anh hai em ấy à, cự tuyệt ban thưởng, chỉ xin được cùng vợ từ nay không màng việc binh nữa, trở về thái ấp khai hoang mở chợ, trồng dâu nuôi tằm, dạy việc bán buôn.

Tôi à một tiếng, hóa ra là học đòi theo ngài Chử Đồng Tử giúp đời giúp dân, chỉ hy vọng nửa đường không nhảy ra một Hồng Vân công chúa, với tính tình của anh hai tôi ấy mà, cái bẫy sắc đẹp anh ta làm sao mà vượt qua. Lúc đó chỉ sợ chị dâu hai lại không được hiền thục như Tiên Dung, với tính tình mạnh mẽ của chị ta thì...

Ái chà, quả thật là vui nhà vui cửa.

- Thế còn anh tư?

Nhắc tới Quốc Hiện Trần Khâm lại hơi cau mày, tôi biết ý lại đưa ngón tay lên xoa xoa. Trần Khâm nói:

- Ngày đó Thoát Hoan rút lui, trước ta đã lệnh cho Chiêu Minh vương không được đuổi cùng giết tận, anh tư của em khi đó dưới trướng ngài, lại vẫn cho quân đón đánh không tha. Ta là người muốn giết chết Thoát Hoan hơn ai hết thảy, nhưng không phủ nhận được nước ta là nước nhỏ, nếu như bọn chúng cứ ghi hận mà đeo mãi không buông, thì dân chúng làm sao mà sống nổi?

Tôi không dám bàn tới chuyện chốn quan trường, nhưng cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc mà Trần Khâm nói. Không phải đương không mà chỉ sau nửa tháng Đại Việt ta phải đi sứ sang Nguyên để dâng cống phẩm, dâng biểu tạ tội và trao trả tù binh, dù việc bị đấm trả một cú rồi nhận lời xin lỗi đối với Nguyên triều cũng không được tính là vẻ vang gì. Chừa cho nước lớn mặt mũi cũng là chừa đường lui cho chính ta.

Sau này có lần tôi hỏi dò anh tư Quốc Hiện về nguyên do, anh ấy chỉ không mặn không nhạt nói:

- Lúc đó không nghĩ được nhiều như vậy, chỉ biết khi có cơ hội đuổi giết Thoát Hoan thì trong đầu anh chỉ nhớ mỗi việc ngày trước Bình Trọng đã chết đi như thế nào. Hiếm khi có dịp thỏa thích một lần, bây giờ nghĩ lại cũng cảm thấy không hề hối hận. – Lại thở dài – Quan gia không trách phạt, đã rộng lượng lắm rồi.

Tôi không ngờ tới anh tư lại là người trọng tình nghĩa như thế, lại nghĩ tới ngày trước anh ta và Trần Bình Trọng vốn là kỳ phùng địch thủ, chẳng biết được trong lòng anh tôi Trần Bình Trọng quan trọng hơn cả sự nghiệp công danh, người đương thời mấy ai có thể bằng lòng đánh đổi. Có lỗi quá, trước giờ tôi vốn nghĩ anh tư là kẻ tùy hứng không tính toán tới sự thiệt hơn.

Anh Quốc Hiện nói tới đó thì trầm ngâm, có vẻ khắc khoải vì chuyện trước giờ giấu kín đột nhiên bị khơi lại, lời nói như đang kể một câu chuyện xưa:

- Ganh đua với cậu ta hết ngần ấy năm, tới cuối cùng trong lúc nguy nan cậu ta lại chọn cứu anh, thế thì anh còn đấu với cậu ta làm gì nữa chứ, chẳng phải là anh đã thảm bại rồi sao?

Nói tới đó, anh Quốc Hiện không kìm nén nổi nữa mà lấy tay đấm mạnh vào gốc cây, nước mắt anh chảy hai hàng, anh ấy thật sự là lớn giọng khóc tu tu như một đứa trẻ.

Tôi chưa từng nhìn thấy anh Quốc Hiện của mình – kẻ luôn luôn mang bộ mặt gắt gỏng cau có lại bày ra biểu hiện bi thương thống thiết đó, quýnh quáng không biết làm thế nào, hết vuốt lưng lại vỗ vai an ủi:

- Năm đó là do trong lúc bất đắc dĩ không còn cách nào để lựa chọn nên Bình Trọng mới vì nghĩa quên mình, không phải chỉ vì anh đâu mà, còn.. còn có Thánh Dực quân nữa, Trần Bình Trọng là vì đại cục chứ đâu phải hoàn toàn vì anh... anh không cần phải ôm hết vào mình!

Anh Quốc Hiện vẫn nức nở, thậm chí còn khóc tức tưởi như đưa đám, gằn giọng thét:

- Là vì anh, vì anh năm đó khinh địch nên mọi chuyện mới không thể vãn hồi như thế! Anh luôn ngạo mạn mình hơn, nhưng rốt cuộc lại để cho cậu ta phải bảo vệ! Cậu ta không cần phải vì anh mà...

Hôm đó mãi đến lúc tối muộn Quốc Hiện mới phần nào khôi phục lại tâm tình, có lẽ nói ra được hết những suy nghĩ trong lòng, dù không thể thay đổi được kết quả, chí ít anh ta cũng sẽ thấy thoải mái hơn. Cộng thêm lần này bỏ mặc mọi thứ để trả thù cho Bình Trọng, thành hay bại, đúng hay sai, hình như cũng không còn quá quan trọng nữa. Bình Trọng, tôi biết làm được việc nghĩa như thế thì cho dù có hi sinh, người đó cũng cảm thấy an lòng.

Chuyện định công ban thưởng vừa qua, tôi mới biết được ngày trước Hoài Văn quân bị định tội phản, suýt chút nữa thì bị chém cả thảy là do một tên cận thần được tin dùng tên là Đặng Long của Trần Khâm. Trước đây Trần Khâm vốn đã định phong cho gã làm Hàn Lâm học sĩ nhưng bị Thượng hoàng ngăn cản, Đặng Long lúc này bất mãn nên hàng giặc, vừa giả dạng vừa cài cắm người của mình vào Hoài Văn quân làm phản, lựa lúc đi đánh tiên phong ở Ngọc Sơn thì lẻn sang thuyền giặc chỉ điểm cho chúng.

Quân ta bại trận lần đó, gã cũng được đề bạt lên chức cao, sau này mới vô tình bắt được trong trận chiến ở sông Bạch Đằng, Hoài Văn quân được minh oan. Cái hay của tên tặc Đặng Long này là làm việc quá kín kẽ, nếu như không phải vô tình tóm gọn một mẻ chung với Ô Mã Nhi, cứ tưởng rằng gã đã thật sự bốc hơi khỏi trần thế.

Sau khi toàn bộ những kẻ thua cuộc chạy trốn được sang Nguyên, chỉ chưa đầy một tháng, Nguyên chủ là Hốt Tất Liệt đã sai sứ giả sang Phượng thành, sứ giả cưỡi ngựa đến tận cửa cung, chỉ định đích thân chủ tướng của nước thắng trận là cha tôi phải ra đón tiếp, mời vào điện Tập Hiền chiêu đãi, lại ung dung đọc chiếu thư của Nguyên chủ yêu cầu quan gia phải sang chầu, và phải thả hết các tướng Nguyên còn đang bị bắt làm tù binh.

Đến hôm nay Trần Khâm vẫn còn ngồi đây thì dùng đầu gối cũng có thể nghĩ được là anh ta lại mượn cớ thoái thác rồi, cái chốn Đại Đô đầm rồng hang hổ, mùa nóng thì như đổ lửa, mùa lạnh thì có tuyết rơi, chẳng phải là chỗ tốt đẹp gì. Còn về lý do để thoái thác thì anh ta bảo:

- Đương nhiên là vì ta tuổi già không đi xa được!

Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn anh ta, hơi hơi kinh hãi hỏi:

- Thế..có phải là miễn cưỡng quá không?

Trần Khâm lại quả quyết:

- Có gì mà miễn cưỡng, sức khoẻ của ta ra sao tự ta biết, không lẽ tên sứ giả còn muốn sai ngự y bắt mạch chẩn bệnh cho ta à?

- Đúng..đúng thế thật..

Tôi bứt rứt gãi đầu, đột nhiên cảm thấy lời anh ta nói cũng rất hợp lý, muốn bắt bẻ lại không thể bắt bẻ được, cho dù tôi vẫn cảm thấy có gì đó hơi sai sai. Trộm nhìn qua, người đàn ông năm nay ba mươi tuổi, môi hồng răng trắng, bàn tay tuy hơi thô ráp nhưng ngón tay vẫn hồng hào, tóc đen như mun, mượt như tơ lụa thượng hạng, khoé mắt không có lấy một nếp nhăn, thế thì... thế thì đã được coi là già yếu chưa?

Dù sao trải qua cuộc chiến dài ngày, nếu anh ta ở trên điện Thiên An ho mấy cái, than đau đầu mấy bận, kể vẫn có chút đáng tin. À với trường hợp tên sứ giả nọ là một kẻ lương thiện dễ tin người. Nhưng đáng tiếc gã đó lại là kẻ có thể cưỡi ngựa tới cửa điện Thiên An, nên kết quả phải ôm một bụng tức không có chỗ trút. Anh muốn trút giận, vậy thì trở về nói với Nguyên chủ anh lại cất binh sang đi, đương nhiên là không thể nào.

Chầu thì có thể không đi, nhưng người thì bắt buộc phải trả, Ô Mã Nhi trúng độc người không ra người, ma không ra ma đến ngày hôm nay rốt cuộc cũng được giải thoát trên đường về Nguyên. Anh ta bị ngộ thương trong trận chiến, không thể đổ lỗi cho quan gia Đại Việt được, đao kiếm không có mắt ấy mà, trúng phải tên độc không có thuốc giải thì phải quy về số phận, nói theo từ ngữ thông dụng của nước ta là "tới số thì chết thôi".

Chuyến đi này vốn không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi (à, không còn là thằng nhóc nữa mà đã là một cậu thiếu niên mười sáu tuổi) vì nhớ thương người thầy năm xưa của mình mà chủ động xin quan gia cùng đi theo đoàn sứ. Mạc Đĩnh Chi vì đi theo Trần Nhật Duật có công, Trần Khâm cũng không tiếc ban cho cậu ta ân điểm, tay xách nách mang rất nhiều thứ mà ngày xưa thầy năm yêu thích nhưng lúc sang "hàng" giặc không kịp mang theo.

Nhưng vấn đề ở đây là Mạc Đĩnh Chi làm sao mà ngờ được trưởng đoàn sứ thần khi ấy lại là cái kẻ từng chỉ vào mặt cậu ta mà mắng là cái phường trộm cắp dơ bẩn hèn mọn Đỗ Thiên Hư, đến lúc này đây tôi phải thầm ngửa mặt than ý trời sao mà lúc nào cũng éo le như thế nhỉ.

Về vấn đề của Đỗ Thiên Hư lại rất thần kỳ. Ngày đó tuy anh ta yêu giàu khinh nghèo, lại còn giở đòn ghen như phường chợ búa, nhưng sau khi ăn hai mươi roi của Trần Khâm xong thì giống như thay đổi thành con người khác vậy. Về phạm trù này thì tôi đoán rằng có lẽ là do anh ta may mắn có được người anh cả là bậc đại trí Đỗ Khắc Chung, ngày đó ai biết được ngoài hai mươi roi ra thì anh ta có còn phải chịu thêm nỗi đau đớn xác thịt nào hay không chứ, tôi lại không tin chỉ hai mươi roi mà lại khiến cho người ta theo chính bỏ tà. Nếu là tôi, ít gì cũng phải nửa năm chép sách thánh hiền, chép kinh Phật, đạo đức kinh gì đó, không chép xong thì không cho ăn cơm, cùng lúc trang bị cho một bà vợ dữ tợn ngày đêm đốc thúc việc đèn sách, trong vòng hai năm không dạy ra được người hiền thì tôi nguyện không dùng cái tên Trần Thị Tĩnh này nữa.

Nói thì nói thế thôi chứ đương nhiên tôi không thể đoán được chuyện lông gà vỏ tỏi nhà người khác, nhất là với kẻ mang lòng dạ khó đoán như Đỗ Khắc Chung. À hiện giờ cũng không nên gọi anh ta là Đỗ Khắc Chung nữa, vì anh ta nhờ có công trong cuộc chiến mà cũng được ban họ Trần.

Trong trận chiến năm Thiệu Bảo thứ bảy, Trần Khắc Chung từng nhiều lần đi sứ sang Nguyên, những lần đó anh ta luôn đưa Đỗ Thiên Hư đi cùng. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, có lẽ Đỗ Thiên Hư dù tuổi trẻ có phần hư hỏng, nhưng không phủ nhận được tài năng tiềm tàng gì đó của anh ta. Có câu: "một gánh sách hay không bằng một người thầy giỏi", "một trăm người thầy giỏi không bằng một người cha tốt", lại có câu "anh cả như cha". Từ tính chất bắc cầu, Đỗ Thiên Hư thay đổi trở thành người tốt, cũng là chuyện hết sức hiển nhiên.

Bởi thế Mạc Đĩnh Chi lo lắng giống như lo bò trắng răng, người ta vốn còn nói lời xin lỗi đàng hoàng với cậu ta một lượt, suốt chặng đường đi đều dùng lễ đối đãi, ăn mặc ngủ nghỉ hết thảy đều chu toàn. Mạc Đĩnh Chi ngược lại mếu máo kinh hãi, đây không phải là thứ cậu ta có thể lường trước được, đừng nói là chán nản vì bị cái người mà mình từng ghét bỏ vượt mặt, chỉ riêng mấy thứ lễ nghi rườm rà này cũng đủ làm cho Mạc Đĩnh Chi tổn thọ mất thôi.

Đó dù sao cũng không phải là vấn đề chính, đi vào trọng tâm thì chuyến đi này thật khiến người ta phải thở dài.

Năm đó lần đầu tiên bọn tôi gặp nhau, Trần Ích Tắc là Chiêu Quốc Vương ở trên cao, có ai ở trong kinh mà không biết đến ông hoàng năm thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ văn chương nhất đời, là Hoàng tử được đức tiên đế yêu mến nhất. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo, lại mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương. Mà Đỗ Thiên Hư, anh ta chỉ là một công tử nhà quan, ăn chơi trác táng. Lúc đó anh ta quỳ rạp dưới chân Trần Ích Tắc, nghe Trần Ích Tắc răn dạy, chịu Trần Ích Tắc khinh miệt.

Đến nay đi sứ sang, Trần Ích Tắc ngồi ở tỉnh đường, Đỗ Thiên Hư chào một lượt các quan nhà Nguyên, lại không chào Trần Ích Tắc lấy một cái. Trần Ích Tắc biết thế sự đã đổi, chỉ bình thản hỏi:

- Ngươi là Đỗ Thiên Hư đấy ư? Có phải là em trai của Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung mà năm đó ta từng gặp qua hay không?

Đỗ Thiên Hư lại nhếch môi, không mặn không nhạt đáp:

- Việc đời đổi thay, anh cả đã thăng đến chức Đại hành khiển, còn tôi nay là sứ giả, cũng như quan Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc. Tiếc thay anh tôi nay được ban họ Trần, còn Bình chương thì đã bị gạch tên ra khỏi tông thất.

Trần Ích Tắc chỉ mím môi cười cười, nhưng tôi biết trong lòng anh ta cũng chua chát lắm thay. Trần Ích Tắc, không phải là không thể về, chỉ là ngày nào nhà Nguyên còn ý đồ với Đại Việt ta, thì ngày đó anh ta vẫn phải ở lại.

Đỗ Thiên Hư có thể không biết nội tình, nhưng Mạc Đĩnh Chi sao mà không biết được, nhưng cũng không thể đứng ở giữa sảnh đường mà hét lên rằng thầy năm chỉ là làm gian tế chứ không phải thật sự hàng giặc. Cuối cùng chỉ biết đứng nắm chặt hai tay mà âm thầm gào thét trong lòng.

Lúc trở về gian phòng dành cho sứ giả, Mạc Đĩnh Chi cuối cùng cũng không nén được tức giận, bất ngờ đấm một cú vào mặt Đỗ Thiên Hư, khiến anh ta chảy cả máu mồm. Đỗ Thiên Hư không thể tin ôm mặt nhìn chằm chặp, lại chỉ nghe được tiếng quát mắng của Mạc Đĩnh Chi:

- Anh thì tốt rồi, bây giờ được làm quan to, cả nhà vinh hiển nên mới cố ý nhục mạ người, hòng đòi lại cái nợ ngày trước người bắt anh phải dập đầu trước một người đàn bà. Nhưng anh nên nhớ tốt xấu gì người cũng do đức tiên đế sinh ra, không đến lượt kẻ ngoại tộc như anh đi mạt sát.

Ý nói anh cả anh không phải họ Trần hàng thật giá thật, hàng giả lại đi khinh khi hàng thật à?

Rốt cuộc Mạc Đĩnh Chi cũng không thể nói ra chân tướng, chỉ biết uất ức quệt nước mắt phất tay áo bỏ đi, để lại Đỗ Thiên Hư chẳng hiểu mô tê gì. Đỗ Thiên Hư hiện tại không còn là Đỗ Thiên Hư khi xưa nữa, nghe lời trách mắng cũng chỉ thở dài tự chất vấn rằng mình nói sai sao, người đó không phải kẻ hàng giặc chứ là gì? Tuy là không thể tìm được chỗ sai trong câu nói của mình nhưng cũng không thể chấp với thằng nhóc mới lớn. Chỉ là, aizz, ngày mai phải mang một bên mặt trái sưng vù này đi lên điện, kể ra cũng không hay.

Tối đó Mạc Đĩnh Chi xin gặp riêng thầy năm, nhưng đáng tiếc chỉ nhận được một lời từ chối và cánh cửa đóng chặt lạnh lùng. Cũng may tôi tớ ngày xưa đi theo thầy năm sang vẫn được giữ lại trong phủ, từ bên ngoài nhìn vào vẫn bộ dáng thanh nhã của Chiêu Quốc Vương phủ ngày xưa, ai biết được đã vật đổi sao dời. Mạc Đĩnh Chi quỳ trước cửa phòng thầy mình suốt một canh giờ, cuối cùng nghe được mấy lời lạnh nhạt từ trong phòng truyền ra:

- Về đi, từ nay đừng nhắc với ai ta là thầy ngươi nữa, cùng đừng...haizz..đừng nên đến tìm ta.

Mấy chữ cuối chật vật nói ra, giống như không nỡ, không dứt khoác được.

Mạc Đĩnh Chi khóc nấc, từng tiếng nghẹn ngào, hai chân giống như chôn xuống đất không nhúc nhích được. Mãi một lúc lâu khi được gia nô đỡ lên mới miễn cưỡng đứng dậy, lại bỗng nhìn thấy người gia nô này trước đây luôn theo hầu thầy năm, không ít lần đối tốt với mình, có miếng ngon miếng tốt đều lén lút đưa cho mình thì lại khóc thêm một trận nữa. Cuối cùng quỳ xuống dập đầu ba cái, đọc lên mấy câu như nằm lòng:

"Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,

Trời xanh mới biết tấm lòng son.

Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,

Mà như Vi Tử muốn Ân còn.

Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,

Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.

Một mai thống nhất giang sơn ấy,

Dòng dõi cha ông vững Việt non"

Bên trong lại vang lên tiếng quát:

- Đi đi!

Lúc này Mạc Đĩnh Chi mới thút thít trao đồ lại cho người hầu, nào là cái nghiên mực ngày xưa thầy năm yêu thích, quả bóng da mà ngài thường đá trong sân buổi chiều tà, cái trâm ngọc mà ngài hay dùng để vấn tóc, chiếc quạt nan mà ngài hay quạt những đêm hè. Rất nhiều rất nhiều thứ Mạc Đĩnh Chi đã gói kỹ lại, chỉ giữ lại một quyển thi tập nho nhỏ chỉ có vài ba bài ngài ngẫu hứng viết ra, ý thơ trau chuốt, chữ viết đẹp như chữ người trời.

Mãi đến khi Mạc Đĩnh Chi kể những việc này lại với tôi, vẫn không nén được mà ôm mặt khóc nghẹn. Trần Ích Tắc dứt tình, chỉ e là vì tốt cho đứa học trò mà mình hết mực yêu quý thôi.

Trong chuyến này Mạc Đĩnh Chi cũng kể lại với tôi một việc, rằng Thoát Hoan đã bị trục xuất khỏi Đại Đô, đến Dương Châu trấn thủ, mãi mãi không được về chầu. Tôi lại thấy chuyện này đối với Thoát Hoan lại là một chuyện tốt, vùng đất Giang Nam trong thi ca luôn luôn hữu tình, nếu không làm sao có người thi sĩ đã viết ra câu "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu"? Anh ta về đó, nói không chừng còn thư thái hơn cả ở Đại Đô.

Mạc Đĩnh Chi lại nói:

- Chị..thật ra công chúa út mất rồi, nhưng vẫn để lại hai đứa con, một trai một gái. Nghe nói.. nghe nói chúng đều cùng Thoát Hoan đi Dương Châu rồi.

Tôi choáng váng:

- Chúng..có sống tốt không?

- Cụ thể thì em không rõ, nhưng em nghe ngóng được Thoát Hoan rất thương chúng. Đi Dương Châu lần này vốn dĩ là Nguyên chủ định để chúng trong kinh làm con tin, nhưng Thoát Hoan giao ra tất cả binh quyền, chỉ mong được đưa theo hai đứa trẻ. Hiện tại anh ta gần như mất tất cả thực quyền, chỉ là một hoàng tử trên danh nghĩa.

Tôi thở dài, làm sao tôi lại không rõ ràng Thoát Hoan có trong tay những thứ này phải đổi chác bằng những thứ gì chứ, anh ta lại có thể cam tâm tình nguyện từ bỏ hết hay sao? Tôi không thể hiểu nỗi, rốt cục An Tư trong lòng anh ta chiếm vị trí gì?