Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 8




Cách đây 10 năm, trong một đêm hiếm hoi Sài Gòn se lạnh, tôi quấn mình trong chăn nằm nghe bài Earth Song của Michael Jackson bằng chiếc máy Walkman nhỏ, bất chợt thấy tim mình thắt lại. Tôi hình dung con kênh Nhiêu Lộc đen ngập rác chạy quanh thành phố, nhớ những vạt rừng trơ gốc trên đường đi công tác, những chiếc xe khách cũ kỹ phả khói đen kịt lên trời…

Vậy mà đã mười năm…

Hôm qua, một người bạn trẻ gửi cho tôi đường link bài Earth Song trên Youtube, kèm theo một đoạn trích trong bản báo cáo dài 570 trang mang tên “Viễn cảnh môi trường toàn cầu lần thứ tư” (viết tắt là GEO-4) của chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố vào tháng 10/2007. Trong đó có đoạn: “Trái đất đã trải qua 5 cuộc tuyệt chủng lớn trong 450 triệu năm qua, sự kiện gần nhất xảy ra cách đây 65 triệu năm. Và cuộc tuyệt chủng qui mô lớn lần thứ 6 đang diễn ra - lần này là do chính hành vi của con người gây ra”.

Tôi nghe lại Earth Song, nhận ra rằng những cảm xúc mà bài hát này khơi dậy trong tôi chưa bao giờ cũ. Chỉ có những day dứt hôm nay làm tôi xót xa hơn ngày xưa. Ngay bên ngoài khung cửa kia là bầu không khí đặc quánh khói bụi, trong cái nóng oi bức trái mùa. Chợt nhớ một câu trích của Margaret Mead: “Chúng ta chẳng còn nơi nào khác để đi… Trái đất này là tất cả những gì chúng ta có”.

Con người chắc hẳn không mong như vậy. Các nhà khoa học thậm chí đã lên kế hoạch xây dựng một căn cứ bảo tồn AND trên Mặt trăng để duy trì sự sống trên Trái đất, và cải tạo sao Hỏa để loài người có thể di cư đến đó một khi thảm họa tuyệt chủng xảy ra.

Nhưng cho đến lúc ước mơ ấy thành hiện thực, chúng ta thật sự không có nơi nào khác để đi cả. Chúng ta đang phải đối diện với thực tế rằng ở khắp nơi đang bị xói mòn do nạn chặt phá rừng. Các cơn bão ngày càng mạnh lên. Hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi mùa lũ và gió bão liên tục tấn công nhiều nơi khác. Nhiệt độ năm sau luôn cao hơn năm trước. Thậm chí có nơi tuyết đã không còn rơi vào mùa đông nữa. Trái đất nóng lên làm cho băng ở hai cực tan ngày càng nhanh, mực nước biển đang dâng cao.

Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu băng ở hai cực tan hết thì mực nước biển có thể dâng lên 80m, đủ nhấn chìm hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Và Việt Nam, lúc đó sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi thế, trong bài báo cáo GEO-4 nhấn mạnh một thông điệp khẩn thiết:

“Cứu lấy hành tinh: Bây giờ hoặc không bao giờ!”

Bây giờ hoặc không bao giờ, bạn có thể cứu hành tinh này, chúng ta có thể cứu hành tinh này bằng những việc rất nhỏ, như trồng một cái cây, tắt điện khi không sử dụng, đi xe đạp thay vì xe máy, không xài phí giấy vở, đừng vứt rác bừa bãi, dùng những vật liệu có thể tái chế…

Suốt mấy tháng nay, trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn, tôi nhìn thấy một số teen Việt khoác trên mình chiếc túi “I’m not a Plastic Bag”,những chiếc áo thun có in dòng chữ “I love the Earth”, “I love Green”.

Tôi mong rằng, bạn không mang chúng như một vật trang sức theo phong trào mà như sứ giả nhỏ bé của thiên nhiên. Với một ý thức mạnh mẽ. Với một thông điệp rõ ràng. Để nói rằng bạn không thờ ơ. Để nói rằng bạn yêu Trái đất này và bạn thực sự muốn cứu lấy hành tinh xanh của chúng ta…

Bởi vũ trụ bao la, nhưng một hành tinh đẹp như Trái đất thì không dễ tìm thấy