Dịch: Hoangtruc
***
Đạo tràng là chỗ an thân của một người tu hành. Ví dụ như đêm qua trong lúc thần hồn hắn đang nhập mộng mà có người đến đánh lén hẳn sẽ có chút nguy hiểm.
Nếu dựng đạo tràng rồi thì sẽ không phải sợ những thứ âm tà ẩn núp đánh lén nữa.
Xây tháp đạo tràng nói khó thì không khó, nhưng nói dễ cũng lại không hề dễ dàng. Như Trang Hiền Ca tu sửa xong tòa miếu Xích Quân ngoài thành, thỉnh được thần niệm của Xích Quân trú lưu lại, khai quang tượng thần thì chỗ đó chính là đạo tràng của ông ta.
Lúc ở trong núi, Triệu Phụ Vân cũng đã nghĩ đến lúc xuống núi, đặt chân ở đâu sẽ dựng ngay đạo tràng ở đấy.
Trong núi có dạy bố trí đạo tràng, nhưng dạy thì dạy, có thể nắm vững để bố trí thành hay không còn tùy thuộc vào mỗi người.
Một lần hắn xuống núi bắt quỷ, tìm được một đoạn gỗ táo bị sét đánh đem về, khắc thành tượng thần Xích Quân, trở thành kiện pháp khí tốt nhất trên người hắn. Qua mấy năm tế luyện, khắc thần chú khai quang, bí chúc, đến nay đã có một sợi thần niệm của hắn bám lên tượng thần Xích Quân này, đồng thời pho tượng cũng nồng đậm Xích Quân thần tính.
Trên áo bào đỏ của tượng thần Xích Quân còn được khắc Xích Viêm thần chú, bày trong phòng tối tản ra ánh sáng rạng rỡ, khí tức thuần dương tràn khắp nơi, lại có thêm một luồng thần uy như có như không đủ để chấn nhiếp tâm thần người.
Sợi thần niệm này của hắn cùng thần uy của Xích Quân hòa hợp với nhau chính là chỗ tốt của việc tế luyện tượng thần này. Hắn có thể tùy lúc cảm nhận được thần uy trong đó, đạt tới một loại trạng thái hòa hợp khiến "Thần" của bản thân thêm lớn mạnh, mà thần ý của bản thân theo đó cũng được lây dính thêm Xích Quân thần vận.
Triệu Phụ Vân dự định dùng tượng thần Xích Quân này làm trận cơ của pháp trận. Xích Quân thuộc hỏa, nếu dùng làm trận cơ bày pháp trận thì nhất định phải là pháp trận thuộc tính hỏa, mà những trận khí khác cũng phải có pháp tính tương hợp đấy.
Trong sơn môn, những đệ tử có gia tộc ủng hộ sẽ được gia tộc giúp đỡ tìm kiếm tài liệu luyện khí luyện thành trận khí. Triệu Phụ Vân còn biết bộ Thanh Long Thất Túc trận mà Trì Phi Long luyện ra đều dùng trận khí là những tấm lệnh bài được luyện chế từ tinh thạch thiên ngoại mà thành.
Mà hắn thì ngoài pho tượng thần Xích Quân này ra, hoàn toàn không có một trận khí căn bản tương ứng nào cả.
Hắn chỉ có thể lấy ra được bộ ba mươi sáu kim châm của mình.
Giàu có cách bày trận của giàu, nghèo cũng có cách của nhà nghèo vậy.
Hắn chỉ suy tư một lát, rồi lấy một túi tiền trinh trong bọc hành lý của mình ra. Đây là phù tiền mà hắn tự chế ra.
Nói là tiền, chẳng qua chỉ là có hình dáng như đồng tiền.
Tài liệu là đồng đỏ.
Đồng đỏ là một loại tài liệu tốt có tính hỏa, quan trọng nhất là rẻ tiền và dễ kiếm được.
Một mặt của đồng trinh hắn khắc hỏa phù lên, mặt kia khắc tục danh của Xích Quân, lại dùng chu sa niêm phong lại sau đó đặt trước tượng Xích Quân nhận bí chúc mới thành được hỏa phù tiền hộ thân.
Mang theo hỏa phù tiền là hắn dự định nhìn xem gặp được tài liệu gì tốt để mua hay không.
Triệu Phụ Vân lại cầm thêm một ít bạc vụn nữa mới đi ra khỏi cửa.
Hắn đi mua mấy ngọn đèn về.
Đèn phải là ngọn đèn được dùng qua vài năm, như vậy mới tụ được khí tức khói lửa nhân gian, kết hợp cùng với lửa Xích Quân hình thành nên Nhị Muội chân hỏa, đốt cháy được hết thảy những thứ âm tà.
Thần hỏa vô hình vô chất, huyền diệu không thể thấy được, có thể đun âm đốt tà. Người tu hành muốn có thần hỏa cũng chỉ có thể thông qua họa phù, tụng niệm thần chú tạo ra.
Cho nên "lửa từ phù lục" có thể được coi là thần hỏa.
Thần hỏa vốn tính bá đạo nhưng sau khi kết hợp với khói lửa nhân gian lại trở nên mềm mại hơn, có thể tồn tại một khoảng thời gian dài, không đến mức vừa lóe sáng đã tắt mất.
Hắn mang theo túi kim châm bên người, đóng then cài cửa lại, bước qua còn hẻm nhỏ mà đi.
Huyện Vụ Trạch này mưa nhiều nên vách tường hẻm mọc đầy rêu xanh, thỉnh thoảng còn xen lẫn vài loại cỏ dại hoa dại, cực giống với con người nơi này.
Hắn đi ra khỏi con phố, bởi nơi này chủ yếu toàn người giàu có sinh sống mà thôi. Ở nơi nào cũng vậy, dù nơi đó có nghèo khó đến mấy thì vẫn có cảnh giàu nghèo khác biệt cả.
Ra khỏi con đường này, hắn bắt đầu ngửi thấy mùi thối thoang thoảng.
Trong thành này vẫn có người nuôi heo, chăn thả vài con trâu, còn nuôi lừa kéo cối xay, có cả tiếng gà kêu chó sủa hòa theo mùi thôi thối trong gió tản đến.
Có người đang gánh từng thùng phân và nước tiểu ra ngoài thành. Mặt trên thùng được che chắn bởi vài nhành cây lá mới bẻ chỉ để ngăn nước phân sóng sánh đổ ra ngoài đường, cho nên vẫn có thể nhìn thấy rõ đủ thứ màu đen vàng bên dưới tầng lá đó. Dù là Triệu Phụ Vân khi đi ngang qua vẫn không khỏi cảm thấy nín thở.
Đi ngang qua người gánh phân, hắn cẩn thận nhìn dưới chân, dẫm lên những hòn đá trên con đường đầy bùn đất mà đi. Dạng hẻm nhỏ kiểu này thì trời có nắng vài ngày cũng không khô được bùn đất này, nói chi là mới nắng được một buổi sáng như vậy!
Bên lề đường là một cái cống lộ thiên nối liền với một cái chuồng heo, bên trong lắng đọng ít nước bẩn thum thủm thôi thối.
Đến một tiểu viện được dựng bằng đá, có một bé trai và một bé gái đang ngồi chồm hổm trên đất nghịch lửa.
Bọn chúng kê mấy viên gạch thành một cái bếp nhỏ, nhóm lửa, còn đang đun nấu thứ gì nữa.
Lúc Triệu Phụ Vân dừng ở ngoài cổng tiểu viện, bọn nhỏ bèn ngẩng đầu nhìn lên. Hai đứa mặt mũi lấm lem, quần áo trên người rộng thùng thình như không phải đồ của mình, hơn nữa trên cổ tay cổ áo đều có chỗ may vá.
Hai đứa nhỏ nhìn người đến mặc trên người bộ áo bào màu lam nhạt mới tinh, ánh mắt có chút e ngại. Trong suy nghĩ của bọn nhỏ, những người mặc quần áo đẹp như vậy chỉ toàn là những đại nhân vật mà bọn chúng không có khả năng tiếp xúc đến được mà thôi.
Triệu Phụ Vân đi vào, đến gần hai đứa nhỏ mới mỉm cười hỏi: "Hai bạn nhỏ đang nấu cái gì vậy?"
Trong hai đứa, bé trai lớn tuổi hơn, chỉ háy mắt nhìn Triệu Phụ Vân mà không nói gì, rồi cúi đầu.
Bé gái còn nhỏ không sợ người lạ, nói: "Ăn... ăn!"
Triệu Phụ Vân nhìn trên bếp đồ hàng của bọn chúng là bốn con "ve" bèn hiểu bé gái này nói gì.
"Ăn ngon không?" Triệu Phụ Vân cười hỏi.
"Ngon!" Vẫn là bé gái trả lời.
"Cho ta một con được không?" Triệu Phụ Vân nói đùa.
Bé gái chỉ cười, tay cầm một cành cây vẽ loạn trên nên đất, lại lén nhìn qua ca ca mình.
"Còn không quen biết!" Đột nhiên đứa bé trai mở miệng nói.
"Quên đi, trong nhà các ngươi có đèn không?" Triệu Phụ Vân ngồi xổm xuống, cười hỏi.
"Đèn? Đèn gì?" Đứa bé trai hỏi.
"Thì là đèn nhà các ngươi thắp sáng buổi tối đấy." Triệu Phụ Vân đáp.
"Buổi tối chúng ta có thắp đèn, bởi vì buổi tối chỗ nào cũng đen thui." Đứa bé gái nhanh chóng nói.
"Ta dùng tiền mua đèn nhà các ngươi."Triệu Phụ Vân nói xong, móc mấy nén bạc vụn trong ngực ra.
Con nhà nghèo sớm phải lo việc nhà, cho nên bọn nhỏ cũng biết bạc dùng thế nào.
Thấy Triệu Phụ Vân xòe mớ bạc ra, ánh mắt đứa bé trai đã thay đổi. Nó lập tức đứng dậy nói: "Ta đi gọi mẹ đã."
Đứa bé trai đi được vài bước, lại chạy trở về kéo theo muội muội mình đi.
Triệu Phụ Vân không tính đi theo, nhưng nhìn đến gian viện hai bọn nhỏ đi vào, bên trong mơ hồ có tiếng nói chuyện, sau đó hắn không nghe rõ lắm. Hắn chỉ nghe được người nói chuyện với hai bạn nhỏ kia là nữ, căn bản cũng không tin có người đến đây mua đèn.
Vì vậy Triệu Phụ Vân mới đi tới. Phía sau gian phòng của bọn họ có một cái giếng. Có vài người đang giặt quần áo quanh miệng giếng này.
Thấy hắn đi tới, mấy phụ nữ đang múc nước giặt quần áo đều nhìn qua. Nhìn Triệu Phụ Vân một thân da thịt trắng nõn, lại nhìn quần áo trên người hắn, ai nấy đều lộ ra vẻ e ngại.
Đứa bé gái trong hai đứa trẻ vừa rồi mới chỉ vào Triệu Phụ Vân nói: "Là hắn đó, hắn muốn mua đèn nhà mình."
Một phụ nữ dáng dấp nhỏ bé bèn thò tay kéo tay của cô bé xuống, nói: "Nói chuyện không được chỉ tay vào người ta như vậy!"
Sau đó nàng nhìn Triệu Phụ Vân áy náy cười.
Triệu Phụ Vân cũng cười cười bảo: "Không sao, trẻ con mà!"
Nói xong, hắn bày tư thế chào của bên đạo gia với mấy phụ nữ này, nói: "Tại hạ là Triệu Phụ Vân, muốn hỏi mấy chị dâu xem trong nhà có dư ngọn đèn nào đã dùng lâu ngày không? Tại hạ muốn mua mấy ngọn đèn nhỏ về thắp sáng."
Ở đây mấy ngày, hắn biết được người ta thường gọi mấy phụ nữ đã kết hôn là chị dâu. Đương nhiên, ngươi phải nhỏ tuổi hơn thì mới gọi như vậy được.
Ý tứ ngầm hiểu là hết thảy đều là đứng ở bên phía trượng phu họ mà xưng hô, như thể là một loại tị húy mà thôi. Từ cách xưng hô này, có thể nhìn thấy phần nào phong tục của mỗi địa phương.