Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 6: Chương 6




Kể từ thời Thế Tổ*, quyền hành của phụ nữ trong cung liên tục bị hạn chế. Khoa Nhĩ Thấm từng quyền khuynh triều dã, thao túng hoàng quyền nay đã dần biết mất khỏi hậu cung, lui về thảo nguyên dưới nỗ lực của Thế Tổ và đương kim Hoàng đế hai đời.

*Chỉ Thuận Trị đế.

Là một a ca đã bắt đầu được giao cho công việc làm, từ khi Dận Chân ghi nhớ được chuyện, Hoàng a mã đã giảm lực ảnh hưởng của Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu xuống mức thấp nhất.

Nhưng trong lời sư phụ ở Thượng thư phòng, mấy câu nói ít ỏi ấy cũng đủ khiến Dận Chân sợ toát mồ hôi lạnh.

Đường đường là Thế Tổ, ấy vậy mà cả hai đời Hoàng hậu đều là nữ tử của Khoa Nhĩ Thấm! Hơn một nửa hậu cung đều là người Mông Cổ! Sau khi Nhiếp chính vương qua đời, Thế Tổ cũng chỉ có thể dùng cách lạnh nhạt với tất cả phụ nữ trong cung để bảo toàn giang sơn của người Mãn.

Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu trong ấn tượng của chàng chỉ là hai bà lão bình thường. Ai mà tưởng tượng được năm xưa trước mặt hai người đàn bà ấy, Thế Tổ cũng đành chịu bó tay bất lực?

Có vết xe đổ là Thế Tổ trước đó, hiện thực giờ đây đã mang lại cho Dận Chân một gợi ý đắt giá.

Phụ nữ dân tộc Mãn nắm quyền lực vô cùng lớn từ lúc lập gia đình. Xưa kia, mấy vị đại Phúc tấn của Thái Tông* nhờ thắng trận nên đã mang theo vô số trâu, ngựa, nô lệ rồi gả vào nhà người. So với phụ nữ dân tộc Hán dịu dàng hiền hòa, thì trời sinh phụ nữ Mãn đã có dã tâm, cũng có khả năng trở thành người giúp đỡ trượng phu, nắm giữ quyền lực của trượng phu.

*Chỉ Hoàng Thái Cực.

Dận Chân không định cho Phúc tấn của chàng quyền lực như thế.

Bây giờ không giống như ngày trước. Mãn Thanh nhập quan, không cần phải tiếp tục thả ngựa chăn dê, không cần phải sống trên đồng cỏ nữa. Họ đã bước vào vùng đất Trung Nguyên, chiếm lĩnh giang sơn như họa này!

Phúc tấn của chàng nên như nữ tử người Hán, coi chồng là trời. Chứ không phải chia sẻ quyền lực với chàng, thành lập quyền uy thuộc về nàng.

A ca có suy nghĩ giống chàng chẳng phải số ít.

Bằng không thì, vì sao Thái tử lại lãnh đạm với Thái tử phi? Trong cung Thái tử phi càng được nhiều tán dương ca tụng, Thái tử sẽ chỉ càng thêm lạnh nhạt.

Mà Ngũ a ca cưới Phúc tấn cùng một lúc với chàng vì sao lại dung túng cho hai cách cách vượt mặt Ngũ phúc tấn?

Vì sao chàng lại để Tống thị có thai trước Phúc tấn, vì sao lại độc sủng Lý thị?

Họ đều có chung một ý muốn, đó là giúp các Phúc tấn hiểu ra một đạo lý, rằng: bất luận là hiền, minh, trí, tuệ, các nàng tuyệt không thể có được thanh danh lớn hơn trượng phu mình.

Nhìn Thái tử phi, Dận Chân như thấy được Phúc tấn của chàng. Tiếng thơm của hai vị Phúc tấn ấy đều lan quá xa.

Thái tử phi là hiền, Tứ phúc tấn là hiếu.

Còn như Phúc tấn của Đại a ca và Tam a ca, khi nhắc tới họ, mọi người lại không có chút ấn tượng nào.

Về phần Ngũ phúc tấn, tuy chàng chưa từng gặp, nhưng thấy Ngũ a ca đã bắt đầu chỉnh đốn nàng từ lúc vừa vào cửa, có lẽ... vì tay của vị Phúc tấn này cũng quá dài.

Dận Chân dùng bữa tối ở chỗ Phúc tấn, sau đó đi thăm Tống cách cách trước, cuối cùng vẫn ngủ lại chỗ Lý Vi.

Trong chính viện, Phúc tấn nghe Thạch Lựu đứng dưới hồi bẩm, Tứ a ca ở lại chỗ của Lý cách cách.

Nàng biết Thạch Lựu đang lo lắng trộm nhìn nàng.

Nàng phất tay: ".... Đi xuống đi."

Phúc ma ma thận trọng bước vào: "Phúc tấn, không còn sớm nữa, người vất vả cả ngày rồi, nghỉ ngơi thôi."

Nàng nói: "... Ừ." Ngẩng đầu thì bắt gặp Phúc ma ma đem kinh thư nàng chép ra ngoài, bèn gọi: "Từ từ."

Phúc ma ma thấy nàng nhìn cuốn kinh, liền đặt mâm xuống cái bàn nhỏ trước mặt nàng.

Một ngày chép hai cuốn kinh, ngắn ngủi một tuần, nàng đã chép hai mươi cuốn, tức đã xếp đầy hai cái mâm. Nàng cầm lấy một cuốn, giở ra, từng chữ từng câu trên đây đều được viết bằng tâm huyết của nàng.

"Ngày mai, mang cái này dâng lên cho tiểu Phật đường trong cung của ngạch nương." Nàng nhẹ nhàng vuốt cuốn kinh hãy còn tản mùi mực, khẽ giọng lẩm bẩm: "Tất cả đây đều là hiếu tâm của ta..."

Ngày hôm sau, kinh cầu phúc do Tứ phúc tấn tự tay chép được dâng lên tiểu Phật đường trong Vĩnh Hòa cung.



Sáng sớm, Đức Phi vào tiểu Phật đường tụng hai cuốn kinh trước, nhặt hạt đậu Phật một canh giờ, sau đó mới dùng bữa sáng. Bấy giờ Tứ a ca đã đến Thượng thư phòng học bài. Bà gọi nhũ mẫu tới, sau khi hỏi kỹ xem đêm qua Thập Tứ a ca ngủ thế nào, sáng ăn cái gì, thì Diệu Văn ma ma làm công việc quét tước hầu hạ trong tiểu Phật đường bước vào.

Diệu Văn ma ma tiến cung sớm hơn Đức phi bảy, tám năm, cũng xuất thân từ cung nữ, nhưng nghe nói từ nhỏ đã có Phật tính, chưa nhận được mặt chữ đã biết niệm A Di Đà Phật. Khi đến lúc xuất cung, bà bèn cầu xin Ô Nhã thị thời ấy đã là Đức tần, cho mình vào tiểu Phật đường của Vĩnh Hòa cung. Bình thường bà không ra khỏi Phật đường nửa bước, ngày ngày ăn chay, còn từng muốn cắt tóc đi tu, nhưng đã bị Ô Nhã thị can ngăn.

Diệu Văn ma ma cũng thường đến chỗ của Ô Nhã thị, hai người cùng nói về nhân quả.

Nhưng hôm nay Ô Nhã thị mới đi ra từ tiểu Phật đường, giờ này Diệu Văn ma ma đã qua đây, chắc chắn là có chuyện.

Sau khi cho nhũ mẫu của Thập Tứ a ca lui xuống, Đức phi bèn kêu Diệu Văn ma ma đến chái Tây.

"Ngồi đi, uống thử trà này xem, là Hoàng thượng sai người đưa tới, đã dâng lên Phật sống rồi." Đức phi ngồi trên, bưng chén nước trà trước mặt, bảo.

Diệu Văn ma ma chắp tay làm lễ, tủm tỉm cười bưng nước trà lên thử một ngụm, nói giọng tán thưởng: "Quả nhiên là trà ngon! Vừa uống mà mũi đã ngập đầy hương Phật."

Con người bà hài hước, ngày thường Đức phi thích nhất là bà như thế.

Thấy vậy, Đức phi nở nụ cười, nói: "Được rồi, nếu bà thích, ta sẽ chia một nửa cho bà."

Nói xong liền sai cung nữ đi lấy trà đến.

Sau khi cung nữ đi, Diệu Văn cất giọng như thể đang tán gẫu: "Nếu nói thành kính với Phật tổ thì không ai dụng tâm hơn Tứ phúc tấn. Mấy ngày nay, tuần nào cũng dâng hai mươi cuốn kinh thư tự tay chép."

"Ồ? Thế sao? Đứa nhỏ này cũng là đứa hiểu Phật." Đức phi cười nói.

Diệu Văn chắp tay lại cười, hai người chuyển sang nói chủ đề khác, cung nữ lấy trà bấy giờ đã trở vào, Diệu Văn nhận trà rồi cáo từ luôn.

Tiễn Diệu Văn đi, Phương cô cô, người được Đức phi tín trọng nhất, lên tiếng: "Chẳng có nhẽ Diệu Văn ở tiểu Phật đường lâu quá hóa ngớ ngẩn rồi ư? Sao tự dưng khi không lại chạy tới nịnh bợ Tứ phúc tấn chứ?"

Đức phi bị chọc cười, đẩy đẩy bà ta.

Phương cô cô che miệng cười.

Cười xong, Đức phi nói: "... Chẳng qua là một kẻ ngốc nữa mà thôi." Phương cô cô lặng lẽ giơ hai ngón tay*, hai người nhìn nhau cười, sau đó đều trầm mặc.

*Giơ ngón tay số hai: "hai" ở đây chỉ Thái tử phi được đề cập ở đầu chương - người coi trọng thanh danh không kém Tứ phúc tấn, vì Thái tử là con trai thứ hai nên Thái tử phi cũng xếp hàng thứ hai.

Phụ nữ mà, nếu ký gửi mọi vinh hoa của mình ở người đàn ông, lại không cân nhắc xem làm thế nào để níu lấy anh ta, chỉ nghĩ cho chỗ đứng của bản thân mình thì có ích lợi gì? Dù cô có đứng cao tới đâu, không có đàn ông chống đỡ cho, cũng có khác nào hoa trong gương, trăng trong nước.

Viện Tứ a ca đang là giờ ăn trưa.

Trong chính viện, Phúc tấn chỉ vào một đĩa viên thịt cua, hỏi: "Đây là món hôm nay mang lên à?"

Phúc ma ma nhanh tay gắp một viên thịt cua vào cái đĩa nhỏ, đặt xuống chiếc bàn nhỏ trước mặt nàng, cười nói: "Đây là món thiện phòng cố ý mang lên ạ. Chỗ họ có cua béo thượng hạng, bữa tối Phúc tấn ăn thử xem sao."

Phúc tấn ăn được nửa đã buông đũa, ăn ngon thì ngon đấy, nhưng... tay trái nàng nhẹ nhàng đặt lên bụng. Sau khi Tống cách cách có tin mừng, nàng vẫn luôn chờ mong sẽ nghe được tin vui của mình càng sớm càng tốt. Tuy rằng trước kia ở nhà nàng rất thích món này, nhưng cua tính hàn...

Phúc ma ma xót xa nhìn Phúc tấn, khuyên nhủ: "Phúc tấn thích ăn, chẳng bằng bảo họ tối nay mang hai con lên, ngày xưa ở nhà cũng hay ăn mà. Chờ Tứ a ca về, hâm một hũ rượu vàng, hai người có thể uống vài chén bé, Tứ a ca cũng được thoải mái hơn."

Lúc ở trong phủ hãy chưa nhận ra, tiến cung sắp tròn một năm, bà ta tận mắt chứng kiến một người con gái bé nhỏ như Phúc tấn tự tay ép bản thân mỗi lúc một sít sao. Sang năm Phúc tấn mới chỉ mười lăm thôi, còn trẻ lắm, sao cứ phải biến mình thành vẻ già dặn, sâu kín thế kia cơ chứ?

Tứ a ca không thích gần gũi với Phúc tấn, chưa chắc không xuất phát từ nguyên do trên phương diện này.

Song bà ta không dám nói nhiều. Chỉ đành thầm thương cho Phúc tấn, nàng đã dồn ép vị trí "Tứ phúc tấn" ấy quá mạnh tay. Cái mũ lớn như thế, kỳ vọng của gia tộc, uy nghiêm chốn hoàng thất, mọi áp lực đè nặng xuống chiếc cổ non nớt của nàng khiến nó sắp không đỡ nổi được nữa.

Phúc tấn vốn muốn nói "không", nhưng nghe nửa câu sau của Phúc ma ma lại đổi ý, gật đầu bảo: "Đã vậy thì bảo họ chọn con cua ngon đem hấp, buổi tối mang mấy con lên."

Phúc ma ma vui vẻ đồng ý, quay người đi ra ngoài gọi người qua nói với thiện phòng.

Phúc tấn gọi bà ta lại bỏ thêm một câu nữa: "Sai người chuyển lời cho thư phòng, chờ Tứ gia về, nói rằng ta đã chuẩn bị mẻ cua tươi ở đây, mong Tứ gia nể mặt."

"Vâng! Vâng!" Phúc ma ma mừng đến độ không biết nên nói gì mới phải, sai Bồ Đào sang thư phòng chuyển lời, sau đó theo dõi người tới thiện phòng lấy cua. Khi trong phòng không còn ai, bà ta không nhịn được nói với Phúc tấn:

"Phúc tấn, tối nay gặp Tứ a ca, hãy nhẹ nhàng một chút. Đàn ông vẫn thích phụ nữ mềm mỏng hơn." Bà ta muốn nói, trước mặt Tứ a ca, Phúc tấn không nhất thiết là phô bày phong thái của "Tứ phúc tấn", phải "đoan trang", "uy nghiêm". Đó là trượng phu của nàng, trước mặt người đàn ông nhà mình, cư xử dịu dàng, uyển chuyển không có gì là mất mặt cả.

Phúc tấn đỏ mặt, nói: "Ma ma, ta biết."

Nhưng Phúc tấn vừa gặp Tứ a ca đã căng thẳng, cứ nghĩ phải làm sao cho xứng với thân phận và địa vị của chàng, bắt buộc là phải làm "Tứ phúc tấn".

Nàng chỉ biết làm "Tứ phúc tấn" trước mặt Tứ a ca, mà lại chẳng hề biết làm một người con gái bình thường.

Sau khi Tứ a ca từ Thượng thư phòng về, đang cân nhắc xem có cần đi tìm Thái tử nói chuyện hay không, gần tới năm mới rồi, chàng muốn xin một việc. Không biết Hoàng a mã định khi nào thì cho mấy a ca lớn khai phủ, nhưng cũng không chênh lệch gì nhiều, a ca nhỏ tuổi đã sắp lớn, từ Tam a ca trở xuống cho đến Thất a ca, cho dù không cùng nhau khai phủ, trước sau gì cũng chỉ cách khoảng một, hai năm.

Nhanh thôi, năm nay hoặc năm sau sẽ có ý chỉ tu sửa phủ.

Vì muốn thời gian khai phủ đẹp một chút, nên chàng tính rằng hai năm này sẽ biểu hiện thật tốt.

Làm xong bài tập, chàng ngồi cầm công báo vừa mới phát hành đọc, thấy Tô Bồi Thịnh đi vào, đúng lúc nhớ ra một chuyện, bèn nói với hắn: "Đi nói với Lý chủ tử của ngươi, tối nay ta nghỉ ở thư phòng, bảo nàng đưa bữa đến đây."

Hiện giờ mỗi lần Tứ a ca lười gọi bữa, lại không muốn giao cho Tô Bồi Thịnh sắp xếp, nên đã để Lý Vị chọn món rồi đưa đến chỗ chàng.

Tô Bồi Thịnh ngập ngừng, khom lưng nói: "Tứ gia, bên Phúc tấn chuyển lời, nói đã chuẩn bị sẵn cua của đợt thu năm nay, mong người nể mặt."

Tứ a ca sửng sốt, nghĩ ngợi rồi đặt công báo xuống, đứng dậy. Thể diện của Phúc tất là ắt phải cho, vừa khéo, việc tết nhất cũng có vài thứ cần bàn bạc với nàng, quà cho ngạch nương và Ngũ muội muội vẫn phải nói trước với nàng một tiếng.

Trong chính viện, Tứ phúc tấn đã chuẩn bị đâu vào đấy từ sớm, nhưng Tứ a ca đến sớm quá, bên thiện phòng hãy chưa mang cua đến. Nàng lập tức đứng lên đón, Tứ a ca kéo tay nàng ngồi xuống.

May thay Tứ a ca lại nhắc đến chuyện chuẩn bị lễ vật cho Đức phi và Ngũ công chúa. Lễ mừng năm mới cũng coi như là ngày lớn, tuy chàng và Ngũ công chúa cùng một mẹ sinh ra, nhưng cặp mắt của các cung phi bao giờ cũng nhìn chằm chằm Đức phi và chàng. Bình thường dù chàng thân thiết với Vĩnh Hòa cung một chút thôi, chẳng bao lâu sau đó chắc chắn sẽ có lời ong tiếng ve truyền khắp.

Tứ a ca không phải con nít. Trước kia lúc vẫn chưa hiểu chuyện, nghĩ rằng phi tử sinh nhiều Hoàng tử trong cung không chỉ có mỗi mình Đức phi, dẫu chàng từng là con nuôi của Hiếu Ý Hoàng hậu, nhưng ơn sinh thành không thể nào quên, thế nên luôn muốn gần gũi với người ở phía Đức phi. Thậm chí chàng còn vì Đức phi đối xử quá lạnh nhạt với mình mà đau lòng, tức giận.

Nhưng dần dà khi trưởng thành, chàng mới phát hiện chuyện hoàn toàn chẳng phải vậy. Hiện tại trong số tứ Phi, phi tử nuôi một a ca trở lên chỉ có Đức phi và Nghi phi.

Từ lúc Ngũ a ca được đưa đến chỗ Hoàng thái hậu dưỡng dục, Nghi phi gần như đã buông luôn vị a ca này. Dù cho hồi bé tiếng Mãn của Ngũ a ca có tệ cỡ nào, bài tập làm be bét ra làm sao, song bà dường như chẳng buồn để ý.



Còn Đức phi, khi Hiếu Ý Hoàng hậu nhận nuôi chàng, thái độ của Đức phi với chàng cũng cực kỳ xa cách. Sau khi Hiếu Ý qua đời, bà cũng không thể hiện bất cứ sự thân mật nào nữa.

Không cần nghiên cứu kỹ, chỉ cần nhìn vào kết quả: Nghi phi và Đức phi đã thành công nuôi dạy hai vị a ca trưởng thành.

Ngoài họ ra, không có người nào nuôi dưỡng được hai a ca ruột thịt. Tất cả cung phi còn lại, nhiều lắm chỉ giữ được một đứa con trai ruột.

Khi Tứ a ca mơ hồ đoán ra được điều đó, chàng cũng dần dần lặng lẽ xa cách Đức phi. Tuy nhiên chàng vẫn hy vọng sẽ khiến ngạch nương và các đệ đệ, muội muội ghi nhớ người ca ca này là chàng, thế nên hễ bắt được cơ hội là lại dốc sức thể hiện.

... Chủ yếu là từ lúc Thập Tứ ra đời, chàng cảm giác ngạch nương càng ngày càng lạnh nhạt với chàng.

Ngày trước chàng còn có thể nói với bản thân rằng quan hệ giữa mình và ngạch nương chỉ tạm thời vậy, đợi mai sau chàng lớn là sẽ được gần gũi ngạch nương. Đợi chàng xây phủ, hoặc đợi khi chàng trở thành Bối lặc, sẽ không một người nào coi khinh chàng được nữa.

Tuy nhiên từ lúc có Thập Tứ a ca, uy thế của Đức phi ở hậu cung mỗi lúc một lớn, đối xử với chàng lại mỗi lúc một chiếu lệ. Rõ ràng mẹ con họ đều đang dần dần trở nên mạnh mẽ hơn, chỉ cần chàng trung thành với Hoàng a mã, trung thành với Thái tử, chẳng lẽ mẹ con họ không thể tốt hơn được nữa sao?

Thái độ của Đức phi khiến chàng bất an. Chàng không dám tin ngạch nương thực sự không coi chàng là con trai ruột.

Giở cuốn sổ của nhà kho trong tay ra, nhoáng cái đã chọn xong quà cho Ngũ công chúa. Về quà của Đức phi, chàng coi trái coi phải mãi vẫn chẳng tìm ra món nào hợp ý.

Phúc tấn thấy chàng chưa quyết định được, bèn khuyên: "Tứ gia, cách năm mới còn những hai tháng. Bây giờ sai người đi Giang Nam mua cũng còn kịp, chi bằng dùng bữa trước đi ạ."

Một khắc trước, Phúc ma ma tỏ ý rằng thiện phòng đã mang cua tới.

Tứ a ca cũng bởi vì nhớ đến Đức phi, vì thái độ của bà mà đâm khó chịu, nghe Phúc tấn nói vậy, chàng buông cuốn sổ, bảo: "Phúc tấn nói phải, chúng ta dùng bữa thôi."

Hai người đi vào nhà chính, ngồi xuống chiếc bàn vuông. Trên bàn bày hai đĩa cua hấp lớn, trông con nào con nấy béo mầm. Bốn thái giám dọn bữa đứng bên cạnh, đã chuẩn bị sẵn tám món dụng cụ dùng để ăn cua.

Tứ a ca có ý khen ngợi Phúc tấn, cất giọng nói: "Để người khác hầu hạ ngược lại không có gì đặc sắc, không bằng cho họ đi xuống hết, chúng ta tự làm, ăn cũng thoải mái hơn."

Phúc tấn cười đáp: "Tứ gia nói phải, thiếp cũng không thích để người khác hầu ăn cua, không tự tay làm thì còn gì là thú vị?"

Lời của nàng vừa khéo nói đúng nỗi lòng Tứ a ca. Từ nhỏ có thái giám dọn bữa hầu hạ, điều làm chàng thấy phiền phức nhất là người ta gắp cái gì chàng phải ăn cái đấy. Các thái giám ma ma nói một câu là có người dọn đồ ăn đi hết, chàng nhìn mà chẳng dám bật ra tiếng nào.

"Chính thế!" Chàng vỗ tay cười to. Cho cung nữ thái giám lui xuống, trong nhà chính chỉ còn hai người họ, cùng với hai cung nữ gác nến. Những người còn lại đứng ngoài cửa chờ dặn dò.

Phúc tấn rửa sạch tay, lấy một con cua cho Tứ a ca trước rồi mới lấy cho mình một con. Mặc dù từ nhỏ Tứ a ca luôn có thái giám hầu, nhưng vì để tránh xấu mặt trên cung yến, chàng từng học cách sử dụng bộ dụng cụ ăn cua, kỹ năng coi như là hoàn hảo. Phúc tấn nhìn cũng hơi kinh ngạc.

Lúc Phúc tấn học phép tắc, cách ăn cua thế nào đã có ma ma riêng chỉ dạy.

Tứ a ca thấy động tác thành thạo của Phúc tấn, nở nụ cười: "Xem ra Phúc tấn cũng thích ăn món này!"

Hai người thành thân gần một năm, bình thường Tứ a ca rất hiếm khi trêu đùa trước mặt Phúc tấn. Nguyên nhân chính là vì Phúc tấn vừa gặp chàng đã đối đãi với chàng như với khách, làm một người vợ lúc nào cũng coi chàng như "a ca chủ tử" để tôn kính, hầu hạ. Thực sự làm Tứ a ca đùa chẳng nổi.

Dần dà, hai người càng lúc càng nghiêm chỉnh, giữa vợ chồng luôn thiếu đi sự thân mật.

Phúc tấn nghe chàng nói vậy, mặt đỏ lên. Nhớ đến lời ma ma, nàng bắt đầu học cách thả lỏng khi ở cạnh Tứ a ca, nói: "Khi ở nhà, một năm chỉ có mùa thu mới được ăn cua. Nên mỗi độ thu sang, thiếp lại quấn lấy ngạch nương đòi ăn cua. Ngạch nương nói thứ này tính hàn, con gái không nên ăn nhiều, nhưng rồi lại luôn không trụ nổi vì thiếp cứ quấy rối."

Nàng vừa nói, tay vẫn chia các phần của con cua. Nhưng toàn bộ phần thịt cua bóc ra đều đặt cả vào một cái đĩa sạch sẽ. Nàng cho rằng ăn cua trước mặt Tứ a ca nhiều ít gì cũng có hơi bất lịch sự, vả lại hầu Tứ a ca mới quan trọng hơn cả. Lát nữa nàng ăn một ít qua loa là được.

Quan trọng nhất là, mỗi lần nàng muốn ăn là lại nghĩ tới Tống cách cách hiện giờ đang có thai. Cua tính hàn... chung quy không tốt cho sức khỏe phụ nữ.

"Lúc cả nhà ăn cua, một con không đủ cho thiếp ăn. Ngạch nương và a mã đều biết, nên nhường cả cua của hai ngươi cho thiếp." Nhớ hồi ở nhà, tuy ngạch nương a mã quản chế nghiêm khắc, nhưng vẫn luôn mềm lòng chiều theo ý nàng.

Cua không thể ăn nhiều, dẫu mỗi lần ngạch nương chỉ cho nàng ăn một con, có điều thấy lần nào nàng cũng chưa đã thèm, nên còn viện cớ mình ăn không hết rồi để nàng ăn giúp. Còn a mã thì lần nào cũng dành phần cho nàng.

Nói là chỉ được ăn một con, nhưng lại thành ba con vào bụng.

"Ăn cua xong, ngạch nương trông thiếp uống trà gừng, sợ sức khỏe thiếp bị tổn hại." Sau đó, y như rằng ngạch nương sẽ oán trách a mã, bảo rằng cho nàng ăn nhiều cua, về sau biết hậu quả. Mãi đến khi kỳ kinh của nàng bình thường, bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi nàng được gả cho Tứ a ca, thì con trai mới là cái gốc để lập thân.

Ngạch nương ân cần dạy bảo, sợ nàng không đặt trong lòng.

Tứ a ca vốn ăn rất vui vẻ, hiếm khi được gần gũi với Phúc tấn thế này. Tâm trạng đang phơi phới, chớp mắt cái, chàng thấy Phúc tấn bóc hai con cua, nhưng nàng lại chẳng ăn miếng nào. Thịt cua bóc ra đưa hết cho chàng.

Nghe nói ngày xưa nàng cũng thích ăn cua lắm, sao hôm nay không ăn?

Nghĩ có lẽ do Phúc tấn muốn hầu hạ chàng, Tứ a ca bèn gắp một con đặt trong cái đĩa trước mặt nàng, nói: "Phúc tấn ăn đi, đừng chỉ mải để ý ta."

Chàng đã ăn hai con, Phúc tấn bóc hai con, bốn con nằm trọn trong bụng chàng.

Vừa quay sang, chàng thấy Phúc tấn chỉ bẻ hai cái chân cua ăn đã cầm khăn chấm chấm khóe miệng.

Không ăn nữa ư?

Tứ a ca nhướng mày. Ban nãy Phúc tấn kể rất nhiều chuyện lúc ở nhà nàng thích ăn cua ra sao, thế là thế nào? Chả nhẽ nói vậy chỉ để dỗ chàng?

Chàng bỏ chén rượu xuống, im lặng nhìn Phúc tấn.

Phúc tấn cười nói: "Tứ gia, chỉ ăn cua thôi cũng không no được, có cần bảo họ mang ít bánh trái hay bát mì lên không ạ?"

Trên đĩa trước mặt nàng, con cua hẵng còn nguyên vẹn ở đó.

Tứ a ca: "Phúc tấn không ăn sao?"

Phúc tấn nhìn số cua đặc biệt được đưa tới đã vơi đi một nửa, lòng rất mừng vì hôm Tứ a ca ăn ngon miệng, nghĩ bụng lát nữa sẽ bảo Phúc ma ma thưởng cho người ở thiện phòng. Nàng cười đáp: "Suy cho cùng vẫn không thể ăn nhiều cua, để họ dọn đi thôi. Nếu Tứ a ca thấy chưa đủ thì kêu họ mang thêm món khác lên."

Tứ gia lại đứng dậy, nói: "Phúc tấn nói phải, ta cũng no rồi. Phúc tấn nghỉ ngơi đi, ta về thư phòng."

Chàng không hề nhiều lời, nói xong liền nhấc chân rời đi. Phúc tấn giật mình, vội đi theo ra cửa, thấy chàng bước thẳng ra khỏi viện, chẳng buồn quay đầu.

Phúc ma ma thấy Tứ gia cứ thế bỏ đi, sắc mặt Phúc tấn bất bình thường, bèn tiến lên đỡ lấy nàng, lo lắng hỏi: "Phúc tấn làm gì để Tứ a ca mất vui sao ạ?"



Phúc tấn khó hiểu lắc đầu, vừa nãy lúc ăn chẳng phải vẫn tốt đẹp lắm ư?

"Chắc là thư phòng có chuyện quan trọng, dù sao cũng sắp ăn tết." Phúc tấn nói, "Hôm nay Tứ gia còn nói với ta chuyện chuẩn bị quà năm mới cho ngạch nương và Ngũ muội muội."

Phúc ma ma dìu nàng trở vào phòng, bọn thái giám dọn bữa trong nhà chính đang dọn dẹp bàn.

Phúc tấn đứng lặng, thoáng nhìn qua năm con cua còn lại, ngẫm nghĩ kỹ càng, cuối cùng thả trái tim lơ lửng xuống.

Quả thực Tứ a ca ăn rất nhiều, hẳn là không có vấn đề gì đâu.

Có lẽ là có chuyện thật.

Quay vào phòng trong ngồi, Phúc tấn súc miệng, sai người bưng trà gừng lên, nhất thời lại nghĩ đến chuyện Tứ a ca đang lo lắng năm mới nên tặng gì cho Đức phi, bèn bảo Phúc ma ma nghĩ giúp nàng rốt cuộc tặng gì thì thích hợp.

Phúc ma ma nói: "Bây giờ a ca và Phúc tấn đều ở trong cung, không có khoản thu gì, thay vì nghĩ tặng mấy món đồ quý hiếm, chẳng bằng tặng luôn những món gần gũi bên cạnh, làm cho tròn chữ hiếu. Chắc hẳn bên Vĩnh Hòa cung sẽ mừng lắm."

Phúc tấn gật đầu, nói: "Ta cũng nghĩ vậy, Tứ gia và ta đều còn trẻ, trước mặt ngạch nương vẫn là trẻ con thôi. Trước đó Đại phúc tấn cũng chỉ chuẩn bị cho Huệ phi nương nương những món ăn gia đình bình thường, làm nương nương vui vẻ hơn cả nửa tháng trời đấy."

Phúc ma ma cười cảm khái, nói: "Huệ phi nương nương vào cung đã hai mươi năm, còn được thường xuyên ăn mấy món đồ ăn nhà, không sung sướng mới là lạ. Thậm chí giờ nô tỳ sắp quên sạch chuyện ở quê nhà rồi, nhưng vẫn nhớ rõ vị khoai lang viên chiên do chính tay mẹ của nô tỳ làm là gì đấy."

Bà ta nói thế, lại khiến Phúc tấn nhớ hồi ở nhà nàng thích ăn bánh sữa dê mà nhũ mẫu làm nhất. Về sau càng ăn càng thấy chán, nàng chuyển sang thích bánh sữa dê ở Đồng Phúc Trai bán trên phố, nên ngày nào cũng sai người mua về ăn, nhũ mẫu không làm món ấy nữa. Nhưng sau khi nàng vào cung, bánh sữa dê mà Đồng Phúc Trai bán có vị ra sao thì nàng lại chẳng nhớ được một chút gì.

Giờ đây lúc dùng bữa nhìn thấy bánh sữa dê ngự trù trong cung làm, lại chỉ nghĩ đến bánh nhũ mẫu làm.

Phúc ma ma nom tinh thần Phúc tấn sa sút cũng không dám nói thêm, bà ta vội vàng đổi đề tài, hỏi: "Phúc tấn, ban nãy Tứ gia thực sự không giận ư?"

Phúc tấn vốn dĩ đã không yên, nghe bà ta hỏi lại càng không dám chắc.

Phúc ma ma vẫn có hơi lo, nói: "Vừa rồi... lúc thấy Tứ gia đi, cũng thật vội vàng quá."

Nếu thư phòng có chuyện gấp thật, thì sao Phúc tấn vừa mời đã tới ngay đây được? Nếu tới rồi, lúc họ lui xuống rõ ràng trông thấy không khí giữa hai người vẫn tốt đẹp, thế mà sao khi rời đi trông lại cứ như không muốn nói một câu nào?

Phúc tấn bị câu hỏi của bà ta làm lòng sợ hãi.

Phúc ma ma thấy Phúc tấn như thế, nhanh chóng nảy ra một ý: "Hay là... sai người qua thư phòng xem thử xem ạ?"

Trong thư phòng, lúc đi Tứ gia dạt dào hứng thú, lúc ăn hết sức vui vẻ, sau đó tự dưng chẳng nói lời nào đã về. Tô Bồi Thịnh sớm phát hiện có điều bất ổn, khi đó hắn đứng ở ngoài cửa, nghe hai người đang nói chuyện vô cùng hòa hợp thì Tứ gia bỗng nhiên mất hứng.

Cũng không biết Phúc tấn nói sai câu nào.

Hắn là hạ nhân, gặp những lúc thế này thì chỉ mong sao nhập luôn xác mình vào tường, không để Tứ gia nhìn thấy mới tốt, tránh bị giận cá chém thớt.

Bấy giờ, một tiểu thái giám xách theo một hộp đồ ăn, Tô Bồi Thịnh tưởng bên Lý cách cách đưa tới, nhịn không được nghĩ hôm nay vị chủ tử này đến không đúng lúc rồi, nhưng ngờ đâu lại là của chỗ Phúc tấn.

Tô Bồi Thịnh nghe tiểu thái giám thưa rồi xách hộp đồ ăn vào, dưới ánh nhìn "ngươi quá phiền phức" của Tứ a ca, hắn bưng một đĩa bánh sữa bên trong hộp sang, cúi đầu nhỏ giọng bẩm: "Tứ gia, Phúc tấn nói ban nãy người chỉ dùng mấy con cua, thứ ấy ăn không no được, vẫn nên dùng thêm ít bánh sữa nữa."

Không đề cập đến thì không sao, vừa nhắc là Tứ gia lại bực.

Phúc tấn bịa chuyện cũng chả có gì, phụ nữ trong cung bịa ra một hai câu chuyện hoặc ấm áp hoặc thảm thương để được sủng ái thương hại là vô cùng bình thường. Tuy nhiên điều khiến Tứ a ca giận là, lúc đó chàng lại coi là thật! Chàng thật sự cho rằng ở nhà Phúc tấn rất thích ăn cua, còn cảm động vì sự nghiêm khắc và yêu chiều con của a mã ngạch nương nàng. Kết quả trông thấy Phúc tấn ăn được hai miếng đã không đụng tới nữa, mới biết nàng chỉ đang bịa chuyện!

Khi ấy chàng nổi cơn tức đi thẳng ra ngoài, trở về thư phòng mới suy ngẫm kỹ càng xem vì sao mình tức giận.

Tứ a ca đang bực vì bản thân nhất thời làm chuyện ngớ ngẩn, lòng xấu hổ cùng cực, món bánh mà Phúc tấn đưa tới lại nhắc nhở chàng.

Vậy mà chàng lại làm chuyện ngớ ngẩn trước mặt Phúc tấn...

Tứ a ca liên tục nói với mình rằng Phúc tấn làm vậy là cực kỳ bình thường, chàng đã gặp nhiều rồi. Nhưng chàng vẫn cứ tức đỏ cả mắt, trợn mắt nhìn phần bánh sữa trên bàn kia, trầm giọng nói: "... Bỏ đi."

Tô Bồi Thịnh sợ nhũn chân, không dám phát ra bất cứ tiếng nào, bưng đĩa bánh lủi nhanh ra ngoài.

(còn tiếp)