Giản Trầm Tinh phải trị liệu tâm lý ư?
Bất kì một ai từng quen Giản Trầm Tinh những năm cấp ba đều sẽ nghĩ “Giản Trầm Tinh hợp làm chuyên gia tâm lý lắm, cậu ta chỉ có đi tư vấn cho người khác thôi.”
Dù sao anh luôn luôn được mọi người quý mến, phẩm hạnh và thành tích đều xuất sắc, đẹp trai sạch sẽ —— quan trọng nhất là —— còn rộng rãi sáng sủa nữa.
Dây thần kinh vận động của anh cũng chỉ bình thường thôi, nhưng không bởi vậy mà Giản Trầm Tinh trốn tránh vận động. Sân bóng rổ, bãi bóng chuyền, bàn quần vợt, trận cầu lông… Quý Hạ luôn thấy anh ở những chỗ ấy. Thắng, anh vui; thua, anh cũng chẳng buồn rầu. Cứ việc anh luôn thắng ít thua nhiều nhưng Giản Trầm Tinh cũng chẳng hề xấu hổ, thậm chí còn vui vẻ cười toe toét.
Thậm chí có nhiều khi Quý Hạ thấy anh cười còn sáng lạn hơn ánh mặt trời.
Mặc cho ai quen Giản Trầm Tinh cũng khó mà nghĩ tới việc anh có “bệnh tâm lý”.
“Em yên tâm, lâu nay anh khỏe rồi.” Anh thấy cô khựng lại bèn mở miệng an ủi.
Quý Hạ “ừ” một tiếng, nhưng cũng không gặng hỏi mà chỉ nhẹ nhàng xoa bóp vòng quanh mắt anh.
“Hồi còn nhỏ ba mẹ anh đều bận nên ông nội chăm anh. Đến tận khi anh học cấp 3 cũng vẫn ở với ông nội, anh với ông nội gần gũi lắm.” Giản Trầm Tinh nói tiếp.
“Sau khi thi đại học xong anh và mấy đứa bạn thân hẹn nhau đi du lịch cho khuây khỏa. Ngày đó rất nóng…”
Nắng gắt như lửa, bỏng cháy đến nỗi mặt đường cũng phải đổi hình. Trước một ngày anh sắp đi ông nội đột nhiên nhớ tới việc phải mua cho anh ít thuốc phòng từ trước, cứ khăng khăng phải ra ngoài mua luôn. Anh khuyên ông nội chờ đến tối rồi hãy đi, nếu không đội nắng trời này dễ bị ốm, nhưng không hiểu sao hôm đó ông nội lại ngang thế, cứ muốn đi mua giữa trời nắng gắt. Giản Trầm Tinh không khuyên được ông, mà ông nội ra ngoài một mình anh cũng không yên lòng nên đành ra cửa cùng.
Ra khỏi phòng điều hòa, hơi nóng bên ngoài khiến anh chỉ muốn trốn vào trong nhà ngay lập tức. Anh thầm trách ông nội sao cứ phải ra đường lúc nắng nóng thế này, có phải tiệm thuốc sẽ đóng cửa ngay đâu mà lo. Nghĩ vậy nên anh cũng bực mình, ông nội nói gì cũng chỉ vâng vâng dạ dạ cho có lệ, cơn cáu kỉnh trong lòng cơ hồ tràn ra ngoài.
“Tiệm thuốc gần nhà bọn anh, cũng chỉ cần băng qua một ngã tư đường thôi. Mua thuốc xong anh giận dỗi đi trước, ông nội cứ vậy đi sau anh…”
Mua thuốc xong anh cứ nhẫn nhịn, rồi lại nhẫn nhịn, cốt để không nói ra câu “chuyện đơn giản thế sao ông cứ phải ra ngoài mua ngay lúc trời nóng thế này chứ”, thế nên lòng càng khó chịu. Anh dùng dằng bước đi trước, ông nội đã già rồi, ông không theo kịp anh nên bèn chậm rãi đi theo.
“Bọn anh băng qua đường lúc đèn xanh, anh quay lại xem có đúng là ông nội đang đi đằng sau không xong mới bước xuống vạch kẻ đường trước…”
Anh đi trước, chỉ mong nhanh nhanh về nhà với chiếc điều hòa.
“Sau đó, anh nghe thấy “rầm” một tiếng, khi quay đầu nhìn lại ông nội anh đã nằm đó không nhúc nhích…”
Đầu anh rỗng tuếch, cả thế giới rộng lớn là thế mà chỉ nghe thấy tiếng hít thở của bản thân. Mấy giây sau đã có một đám người vây lại gần, âm thanh ồn ào nhốn nháo túm anh lại với hiện thực. Anh lập tức chạy tới, mềm chân mà quỳ xuống giữa con đường nóng rực. Ông nội chỉ mấy phút trước vẫn còn bao dung cơn giận dỗi của anh nhắm chặt mắt, máu đỏ nhuộm hồng mái tóc bạc, mà vũng máu vẫn không ngừng tràn rộng ra.
Giản Trầm Tinh không dám động vào ông nội vì sợ làm vết thương nặng hơn, thế nên anh luống cuống tay chân không biết nên làm gì.
“Ông ơi, ông ơi…” Anh thì thào khe khẽ, nước mắt chảy dài.
Anh bỗng nhiên ngẩng đầu, không rõ là đang hỏi ai: “Có ai gọi 120 chưa? Có ai gọi 120 chưa?” Anh gào thét liên tục, đôi mắt ầng ậng nước nhòe nhoẹt không thấy rõ gương mặt người đứng trước mặt mình.
“Gọi rồi gọi rồi, cậu nhóc, cậu mau nói với người nhà một tiếng đi.” Một người đàn ông trung niên vỗ vỗ vai anh, còn tốt bụng mà đưa điện thoại cho Giản Trầm Tinh, tiếp đó chú ấy bèn đứng che ô cho ông nội.
Giản Trầm Tinh nhận lấy điện thoại, rồi lại nhận ra mình chẳng nhớ lấy một số nào trong đầu, rõ ràng bình thường số cha mẹ anh thuộc làu làu. Tới tận khi vào viện, ông nội bị đưa vào phòng cấp cứu, anh ngơ ngác ngồi ngoài mới giật mình nhớ ra hai dãy số kia.
“Lúc ấy cha mẹ anh đều ở nơi khác, không về ngay được. Họ nhờ bạn bè tới giúp, chú ấy đợi một buổi trưa với anh. Sau đó bác sĩ bước ra và nói ông nội thành người thực vật mất rồi.”
Ngày hôm sau cha mẹ anh vội vã tới bệnh viện, bởi vì có tin từ trước nên cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn về tình trạng của ông nội.
Họ chỉ sốc vì sự thảm hại của con trai.
Giản Trầm Tinh ưa sạch sẽ từ nhỏ, thậm chí còn hơi đỏm dáng, dù cha mẹ không thường ở bên nhưng lúc nào anh cũng ăn mặc sạch sẽ chỉnh tề. Mà lúc này, tóc Giản Trầm Tinh bù xù, gò má có vết bụi xám xịt, môi vì khát khô mà lột da, ngay cả đôi mắt cũng chẳng còn thần thái lúc xưa nữa.
Anh mặc quần đùi áo ngắn tay, đầu gối khuỷu tay đều tím tái hết cả, đầu gối còn có vảy máu vừa đông lại, làn da lộ ra bên ngoài bầm tím hết cả.
Anh ngẩng đầu nhìn cha mẹ, ánh mắt ấy như một con thú nhỏ mất đi trụ cột để dựa dẫm đột nhiên nhìn thấy người thân, ướt nhòe. Anh lẩm bẩm: “Mẹ ơi, tại con mà ông nội mới như thế. Tại con hết…”
Thấy con trai chật vật như thế người làm mẹ sao mà chịu được, bà lập tức ôm lấy Giản Trầm Tinh vỗ vỗ đầu anh: “Trầm Tinh, ngoan, không phải lỗi của con, không phải lỗi của con.”
Nhưng nước mắt bà lại chảy dài trên tóc anh, không rõ là nước mắt vì người già cả đang nằm trên giường bệnh, hay nước mắt dành cho đứa con yếu ớt trước mắt.
Bàn tay to ấm áp của cha đặt trên vai anh, ông trầm giọng nói: “Con đã làm tốt lắm rồi, con trai.”
Quý Hạ thấy yết hầu nghèn nghẹn, bằng không sao cô lại không nói được lời nào? Cô thực sự không thể giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra mà mát xa tiếp được.
Tay cô chạm vào một bên đầu gối của anh, nơi ấy có vết sẹo năm xưa. Quý Hạ cũng từng hỏi Giản Trầm Tinh, khi ấy anh cười nói: “À, cái này là do mùa hè năm nào đấy anh ngã ngoài đường, không kịp băng bó nên để lai sẹo ấy mà.”
“Có phải lúc trước chỗ này đau lắm không?”