Nồng Độ Bão Hòa

Chương 13




Kỷ Linh mơ một giấc mơ rất nhảm nhí.

Đầu tiên cậu mơ thấy mình giảng về Tiến động larmor cho học sinh. Nguyên lý chụp cộng hưởng từ MRI rất phổ biến trong chương 4 lớp 12, thật ra đây là chương mà cá nhân Kỷ Linh rất thích, có điều kiến thức về Tiến động larmor đã bị loại khỏi chương trình học vào 3 năm trước.

Thế nên lên lớp chẳng có ai buồn nghe giảng cả.

Tiếp theo Kỷ Linh mơ đến giờ tan học, cậu kéo ngăn bàn ra chuẩn bị phát bài tập đã in sẵn cho học sinh, ấy vậy mà lại phát hiện ra trong ngăn kéo không hề có bài tập, trái lại nhét đầy những chiếc kẹp tóc hình mầm đậu.

Sau đó Kỷ Linh thức giấc.

Đầu đau như búa bổ, cổ họng khô rát, Kỷ Linh nhọc nhằn hé mắt.

Ngoài cửa sổ là ánh sáng lờ mờ của buổi ban mai, Kỷ Linh mông lung không phân được rõ trong mơ và ngoài thực tại. Bấy giờ cậu mới nhớ lại, hình như mình đã uống nhiều quá.

Kỷ Linh không phải người giỏi uống rượu, nhưng tiếc thay cậu cũng là người không biết nói từ chối.

Ký ức ngày hôm qua thực sự mờ nhạt, cậu chỉ nhớ lúc ấy Thomas cứ mải kể về những khó khăn mà anh ta gặp phải năm ghi danh vào khoa Tự nhiên của Cambridge, rồi thì Tùy Xán Nùng đến ngồi cùng…

Đầu óc rối bời, Kỷ Linh mơ hồ nhớ cái lọ hoa nhỏ trong quán bar cắm hai cành lan hồ điệp, và cả cảnh tượng mình và Tùy Xán Nùng cùng ngồi ở hàng ghế sau của xe taxi. Cụ thể đã nói những gì thì cậu không còn sót lại chút ấn tượng nào hết.

Kỷ Linh hơi ủ rũ, vì lúc uống say rất khó kiểm soát lời nói, cậu sợ trong cơn say mình đã nói gì đó khiến Tùy Xán Nùng khó xử.

Từ rất lâu về trước, Kỷ Linh đã biết mình là một tên ngốc.

Ngốc ở đây ý chỉ không hiểu cách nhìn mặt đoán ý. Cái xã giao mà với người khác chỉ là chuyện cỏn con ấy lần nào cũng khiến Kỷ Linh phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực để tiêu hóa và hiểu được.

Nhất là với bộ môn nghệ thuật “nói chuyện” này, Kỷ Linh luôn thấy rất khó hiểu và mệt mỏi. Ví dụ như có những lỗi sai của người khác mình không được nói ra, hay ví dụ như có khi người ta nói “Để lần sau đi” tức là cả đời này đều không thể.

Thay đổi ngữ điệu, kiểm soát biểu cảm, đối với Kỷ Linh, đó là một bài toán rất khó.

Nhất là khi ở với Tùy Xán Nùng độ khó càng tăng gấp bội, bởi vì Kỷ Linh luôn mong rằng mình có thể thể hiện tốt nhất, tự nhiên nhất trước anh.

Nên là Kỷ Linh rất thích cái nghề dạy học này.

Bởi vì khi dạy học, người ta đặt câu hỏi, lúc nào Kỷ Linh cũng có thể đưa ra một câu trả lời xác thực đầy chắc chắn, không phải đắn đo về giọng điệu, không cần cân nhắc xem đối phương nghĩ gì.

Kỷ Linh ngồi dậy, dụi mắt, tầm nhìn đặt lên một chậu cây xanh trước cửa sổ.

Đó là một chậu chanh khá bé, lá hình bầu dục đối xứng, Kỷ Linh cố ý mua một chiếc bồn sứ nhỏ màu vàng tươi để trồng nó, bởi vì cậu thấy trông như vậy rất đáng yêu. Thật ra đây là món quà Tùy Xán Nùng tặng Kỷ Linh hai năm trước, dù Kỷ Linh biết hẳn Tùy Xán Nùng đã không còn nhớ nổi nữa rồi.

Kỷ Linh nhớ rõ đó là tuần đầu tiên mình vào làm, cậu đứng trước cửa phòng mình, đang tô màu cho phần viền của bức tường áp phích. Tường áp phích được sử dụng để dán những tấm áp phích khoa học mà các học sinh sáng tác hoặc những bài kiểm tra đạt điểm xuất sắc, Kỷ Linh cho rằng đây là một khu vực rất quan trọng.

Nhưng mặt tường áp phích bên cửa phòng Kỷ Linh trông hơi cũ, ở phần viền có những vết tróc và phần màu loang lổ bất quy tắc trên nền sơn trắng, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy nó, Kỷ Linh đã rất không hài lòng. Cậu dám chắc rằng mình cũng không muốn mấy năm dạy học tới phải làm bạn với một bức tường xấu như vậy, và cậu nghĩ tác phẩm mà học sinh hết lòng tạo tác nên không nên bị dán ở cái chỗ thế này.

Thế là cậu mượn Lâm ở phòng Mỹ thuật một lọ màu acrylic trắng và chiếc bàn chải, quyết định sơn những phần bị loang lổ trước. Kỷ Linh cầm bàn chải sơn chậm rì rì, một lúc sau quay lại, cậu bắt gặp một người con trai rất cao ráo.

Gương mặt người nọ đẹp cái nét rất đậm, ôm hai chậu cây xanh thật to trong lòng, đứng tại chỗ nhìn chằm chằm thuốc màu trong tay Kỷ Linh như đang suy tư gì đó.

Đó là lần đầu tiên Tùy Xán Nùng và Kỷ Linh gặp nhau.

“Tôi biết thầy.” Chàng trai ấy cười nói với Kỷ Linh, “Thomas đã kể với tôi về thầy, không ngờ thầy lại còn trẻ như thế.”

Kỷ Linh ý thức được rằng hẳn người này cũng là một giáo viên công tác trong trường. Thật ra cậu không giỏi ứng phó với những trường hợp như thế này cho lắm, cậu giơ bàn chải lên, đứng yên tại chỗ, nghĩ xem nên trả lời như thế nào để vừa tỏ vẻ khách sáo vừa mau chóng kết thúc cuộc hội thoại.

Thế là Kỷ Linh đã lựa chọn câu nói vạn năng nhất, cậu đáp: “Cảm ơn.”

Tùy Xán Nùng hào phóng nở nụ cười với cậu, rồi như nghĩ đến chuyện gì, anh kêu “A” lên và đặt chậu cây xanh bên tay phải lên bục giảng của Kỷ Linh.

“Tặng thầy chậu cây này nhé, trưng cây mà ngắm, tâm trạng sẽ tốt lên nhiều đấy.” Anh nói, “Một thời gian nữa biết đâu còn thu hoạch được gì bất ngờ.”

Kỷ Linh khựng người, lại nói “Cảm ơn”, cậu cảm giác đây là một người nhiệt tình và xởi lởi.

Lúc chuẩn bị đi, Tùy Xán Nùng nhìn bức tường phía sau, nói với Kỷ Linh: “Tường của thầy bị tróc sơn khá nhiều, nhưng tốt nhất đừng tô lại bằng acrylic, sẽ bị sai màu đấy.”

“Để tôi về nghĩ cách giúp thầy nhé.” Anh nói.

Kỷ Linh không nói gì nữa, chỉ gật đầu nhẹ nhàng.

Kỷ Linh nhận thức được rằng đối phương vừa nói “để về”, tức là chỉ khách sáo ngoài lời với mình thôi, thế nên không nên nói cảm ơn nữa, nếu không sẽ có vẻ tưởng bở quá.

Nhưng Tùy Xán Nùng nói không sai, sau khi sơn đúng là màu acrylic sẽ lên không được đúng màu.

Phết màu xong, Kỷ Linh phát hiện cái viền khi sơn khô lại trông còn kì hơn, giống màu của một sản phẩm làm từ sữa bị mốc. Tuy nhiên lúc ấy thì Kỷ Linh vẫn chưa biết Tùy Xán Nùng là người đã nói được thì chắc chắn sẽ làm được.

Hôm sau, khi Kỷ Linh đến trước cửa phòng mình, cậu phát hiện bức tường áp phích kia đã được phủ một lớp sơn trắng rất sáng. Kỷ Linh không biết Tùy Xán Nùng đã tự tay sơn hay anh nhờ nhân viên hậu cần, nhưng chuyện đó không còn quan trọng nữa. Cậu chỉ biết mình chưa từng gặp ai như Tùy Xán Nùng, anh chịu trách nhiệm với từng câu hứa hẹn mình thốt ra, anh để cả những người mình chỉ mới gặp lần đầu tiên trong lòng.

Hôm sau, qua lời Lâm, Kỷ Linh biết được trong phòng của Tùy Xán Nùng có rất nhiều cây, đợt trước nhiều quá không có chỗ để nên gần như anh tặng cho giáo viên các phòng mỗi người một chậu.

Có lẽ chậu cây xanh mà Tùy Xán Nùng tặng cậu cũng chỉ là một trong số những chậu “không có chỗ để” thôi.

Nhưng Kỷ Linh vẫn mang chậu cây Tùy Xán Nùng tặng về nhà.

Ánh sáng phù hợp, tưới nước bón phân đúng lịch, dưới sự chăm sóc cẩn thận, ba tháng sau, chậu cây xanh ấy đã kết ra thành quả đầu tiên, màu xanh đậm, thân tròn xoe hơi nhọn ở hai đầu.

Bấy giờ Kỷ Linh mới biết đây là “thu hoạch bất ngờ” mà Tùy Xán Nùng đã nói, anh tặng cậu một chậu cây chanh.

Quả chanh tròn màu xanh lục kia ngày một to dần, chuyển thành màu xanh vàng rất xinh. Kỷ Linh muốn nó lớn thêm chút nữa, nhưng cậu cảm giác nếu quả còn phát triển, cành chanh mảnh khảnh rất có khả năng sẽ bị gãy.

Nên cuối cùng cậu đành phải hái quả chanh đó xuống.

Kỷ Linh vào bếp thái quả chanh nhỏ đó ra, ăn thử một miếng, chua loét, cũng hơi chát nữa, không thể ăn đến miếng thứ hai, cũng không thể pha nước uống.

Kỷ Linh chăm chậu chanh đó suốt hai năm đầy nghiêm túc, thế nhưng sau lần kia, nó không còn ra một quả nào nữa.

Kỷ Linh ngồi bên mép giường, nhìn chằm chằm chậu chanh. Ngoài cửa sổ đứt quãng tiếng chim hót, Kỷ Linh vẫn hơi buồn ngủ, nhưng cuối cùng cậu vẫn đứng dậy gấp gọn chăn, đi lấy điện thoại nơi đầu giường.

Kỷ Linh mở WeChat lên, phát hiện ra một tiếng trước Tùy Xán Nùng vừa gửi cho mình một video ngắn chừng năm phút. Cậu hơi do dự, không mở video ngay mà nhắn trước một câu: “Thầy Tùy, hôm qua có lẽ tôi uống hơi nhiều, làm phiền thầy rồi.”

Gửi xong, Kỷ Linh lướt xuống, mở video ngắn mà Tùy Xán Nùng gửi cho.

Tiêu đề của video ngắn đó là “Xem chú gấu chó này đi, cuộc đời bạn còn gì không thể vượt qua được cơ chứ?”, hình thu nhỏ và tiêu đề trông y như cái thể loại chữa lành tâm hồn rập khuôn cũ rích.

Kỷ Linh hơi ngạc nhiên.

Trước đây cậu luôn cho rằng những video ngắn kiểu này sẽ chiếm cứ tâm trí con người như tằm ăn rỗi, nhưng cậu không ngờ thì ra Tùy Xán Nùng cũng là người xem mấy thứ này. Nội dung video hơi trẻ con, chỉ là câu chuyện tiếp động lực của một chú gấu chó mập mạp xui xẻo đi tìm mật ong cho gia đình mình mà thôi.

Có điều quá trình tìm mật ong khá trắc trở, đầu tiên chú gấu ngốc nghếch ngã vào mương, sau đó rơi xuống vách núi, nhưng trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, chú ta vẫn lạc quan tiến về phía trước, cuối cùng cũng tìm được mật ong ngon.

Kỷ Linh cẩn thận xem video đến hai lần mà vẫn không phát hiện ra có chỗ nào gây cười đặc biệt, làm cậu hơi hoang mang. Song giờ đây, đối mặt với video ngắn đầu tiên mà Tùy Xán Nùng chủ động gửi cho, Kỷ Linh thấy mình cần phải thận trọng và trả lời thật nghiêm túc.

Vì để câu trả lời của mình có sự để tâm, cậu suy nghĩ, đầu tiên là nhận xét về cách dựng video: “Phong cách hoạt hình thú vị thật, rất mượt.”

Sau đó cậu đánh giá đến nội dung video: “Chú gấu này đáng yêu quá, nó dũng cảm ghê.”

Kỷ Linh ngồi bên mép giường ôm điện thoại chờ, nhưng Tùy Xán Nùng vẫn chưa trả lời. Cậu nghĩ có thể Tùy Xán Nùng đang bận, ấy thế mà ngay khi chuẩn bị đặt điện thoại xuống thì lại thấy trên đầu hộp thoại hiển thị “Đối phương đang nhập…”

Kỷ Linh sửng sốt, cậu nhìn chăm chăm trên đầu hộp thoại, nhận ra dòng “Đối phương đang nhập” cứ xuất hiện đứt quãng đến năm, sáu lần, hình như người bên kia đang rối rắm điều gì đó.

Kỷ Linh cứ nghĩ Tùy Xán Nùng sẽ gửi một đoạn tin nhắn thật dài, thế nhưng năm phút sau, cậu nhận được một câu hỏi siêu ngắn ——

“Thầy Kỷ, mai thầy đi xem phim không?”