Nước Chảy Mây Vương

Chương 4: Phệ Tâm Cổ




Giữa mùa đông, trời giá rét đông lạnh. Trong làng có trận tuyết rơi. Hiếm khi thấy tuyết có một 'hồn văn' như vậy – tuyết trắng thong thả phủ lên con đường lợp đá xanh, để cho hai màu xanh trắng giao thoa. Đây hẳn không phải tuyết, mà phải là một sự dịu dàng chợt đến mới đúng.

Tuyết che sơn, người trong làng vào không được mà ra cũng không xong, không việc để làm, nhàn rỗi 'tránh đông'. Ngồi trông bên bếp lửa, nướng mấy củ khoai lang, rang một ít hạt dẻ, người lớn trong làng bàn chuyện nhà, chuyện thế sự, chuyện mùa màng. Bọn trẻ con thì ngồi trong lòng người lớn ăn khoai lang nướng, ăn hạt dẻ rang. Ấm áp, lười biếng, thoải mái đến mức chẳng biết trời đất là gì.

Sau bữa trà ấm cơm no, cả thôn đều chìm vào giấc ngủ.

Bởi vậy, sự trở lại của Côn Luân chẳng hề đánh động đến bất kỳ ai.

Y tới chỗ bà cụ trước để đón Cục Thịt. Gõ lên ván cửa hồi lâu mà vẫn không ai ra mở cửa, y bèn trèo tường vào, thấy bà cụ đang ngủ bên bếp lửa, trên tay treo chuỗi hạt Phật. Cục Thịt không ở bên.

Côn Luân tìm khắp làng, đập cửa từng nhà, nhưng không có chính là không có.

Từ hai tháng trước, Cục Thịt đã bắt đầu được 'phân phát' đến các hộ gia đình. Một nhà một ngày nhưng hộ hôm qua với hộ hôm nay lại thiếu đi khâu chuyển giao, thành ra không biết từ khi nào đã làm mất người rồi.

Cả làng tìm một hồi lâu, cuối cùng lại kết thúc ở căn nhà sàn đã lâu không tu sửa của Côn Luân. Trên tầng. Tại chiếc giường Cục Thịt và Côn Luân từng nằm cùng nhau.

Côn Luân từ trong đống chăn đã mốc xanh bới ra một cục thịt đang cuộn tròn thành một quả bóng. Khóc mệt rồi nên ngủ rất ngon lành. Có thể nhìn ra khóc nhiều lắm. Cũng nhìn ra được là cao lên. Dấu vết nửa năm quang âm chính là ở chỗ này.

Tất cả mọi người đều nghĩ Cục Thịt là khóc mệt quá rồi, ai cũng chờ nó tỉnh. Tỉnh rồi thì sẽ đến cảnh đoàn tụ, muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười, muốn làm loạn cũng có thể làm loạn. Nửa năm trôi qua trông mòn trông mỏi, lo lắng hãi hùng, những ngày tiếp theo muốn như nào cũng đều được. Trong lúc chờ đợi, ai nấy cũng xôn xao nhắc đến tấm lòng nhân nghĩa và tình cảm trường tồn của Cục Thịt. Vốn đã chẳng ai tin, ấy thế mà nó lại thật sự chờ được ngày hy vọng đến.

Đợi mãi, đợi thêm một quý nữa, mới phát hiện ra giấc ngủ này không tầm thường.

Ban đầu ai cũng tưởng là do bệnh thương hàn. Đứa trẻ con còn bé tí dành cả nửa năm đứng giữa trời lạnh, không sót một ngày nào. Hàn khí xâm nhập, bệnh âu cũng là lẽ thường. Nhưng nhìn thì lại không giống bị bệnh – không sốt cao, mà chỉ ngủ li bì.

Tựa như đang trốn. Trốn vào trong mộng. Quang âm bên ngoài đắng chát thật sự, kém xa ngọt ngào trong mơ. Trong mơ là một Côn Luân toàn tu toàn vĩ, đi đến đâu cũng mang theo nó, tuyệt không bỏ mặc nó đơn độc một mình trên đời này, mặc nó phải chịu cái lạnh cắt da cắt thịt, chịu đựng sương giá, cô đơn.

Tỉnh lại làm gì chứ? Ngày ngày mong nhớ, ngóng trông, nguyệt lạc nhật thăng, mọi mong nhớ đều biến thành ảo tưởng, rồi lại thành vọng tưởng. Khổ lắm, mệt lắm, vất vả lắm.

Gương mặt nhỏ của Cục Thịt bình tĩnh dị thường, thậm chí còn mang như vì đại nạn qua đi mà thở phào nhẹ nhõm.

Trong mơ, nó có được thứ 'quả ngọt' mà nó vẫn luôn mong chờ, hoàn toàn không biết Côn Luân đã cõng nó leo núi qua sông, vượt qua không biết bao nhiêu là cung đường hiểm trở.

Chỉ cần có một chút hy vọng, đại giới Côn Luân cũng không tiếc, suốt đêm truy đuổi phương thuốc được đồn đãi là có thể chữa bách bệnh kia. Cách xa tới ba trăm dặm là Lưu Hà – vu y thế gia, dược thảo thì không cần phải bàn, còn có thể nói chuyện với quỷ thần, đối với những việc như mất hồn, trúng cổ, ma ám đều có độc môn bí truyền. Người trong nhà chỉ cần nhìn thoáng qua gương mặt nhỏ lộ ra bên ngoài của Cục Thịt một cái là có thể xác định: Trúng cổ.

Còn không phải cổ bình thường. Là phệ tâm cổ.

Bậc thầy luyện cổ, lấy chấp niệm luyện cổ. Cổ sau khi đã luyện thành thì không gì phá nổi, trừ phi người hạ cổ tự nguyễn dẫn cổ về lại trên người mình, bằng không người trúng cổ sẽ kẹt trong mộng đẹp, bị cổ cắn nuốt tâm phế, ba tháng là chết.

Côn Luân hỏi như thế nào mới có thể tìm được người hạ cổ.

Người nọ lảng tránh, không trả lời, giục giã thật lâu sau mới nói: "Lần này giải quyết rồi, còn lần sau thì sao, tránh được không?"

Lúc đầu Côn Luân không hiểu. Mấy ngày sau có một đoàn người tới cửa, nhân quả tương hợp, trước sau gì cũng đều có công đạo.

Đám người này thông qua trưởng lão của làng gửi lời nhắn nhủ.

Ít ỏi vài lời. Côn Luân lại từ trong lời nói nếm được chút nhớ thương thâm niên. Kiểu nhớ thương không đạt được mục đích thì quyết không dừng tay.

Là nhằm vào hắn, Cục Thịt chẳng qua chỉ là một miếng 'mồi' mà thôi.

Ác chiến đêm dài tĩnh lặng nửa năm trước cũng là chính là minh chứng.

Lúc ấy hắn còn tưởng rằng thật sự là đi đêm nhiều, gặp phải quân tặc càn quấy, thậm chí đi vào lộ trình của quân binh liêm khiết cũng không tha. Chỉ sau khi giao tranh, hắn mới phát hiện ra điểm kỳ quái: Đám người này không phải trộm cướp tầm thường. Không phải sơn tặc, sơn tặc đụng mấy chục chiếc thuyền, sẽ không dám ra tay chỉ với mấy chục mạng người, sơn tặc cũng sẽ không nghiêm túc như vậy. Cũng chẳng phải kiêu binh, kiêu binh cướp bóc thấy thỏa mãn rồi thì một tiếng còi là mất tăm không còn một bóng người, cũng không thiện chiến; thậm chí cũng không phải quân sĩ đường hoàng, quân sĩ đường hoàng gặp đoàn buôn lậu, giết đầu lĩnh còn chưa tính, nhất định sẽ không diệt khẩu toàn bộ. Nhóm người này không giống con người, mà giống như một loại dã thú sinh ra để giết người, chúng dùng một loại đao kỳ lạ – hình dạng giống hệt một chiếc 'chân chó', lưng dày, mũi mỏng, lưỡi bén, dù là chẻ xuống hay đâm nghiêng đều khéo léo đến kịch điểm, không hề vơi cạn đường đao.

Côn Luân thuê người Miêu hộ tống thuyền, bọn họ đều là "dân bảo tiêu" chuyên ăn bát cơm này, đều là những kẻ không biết sợ, thủ đoạn cứng rắn. Thế nhưng ở trước đám người kia, họ lại như gỡ bỏ phòng ngự, một đao phong hầu, nháy mắt đã ngã xuống. Không có tiếng binh khí va chạm, không có tiếng gào thét thảm thiết, cũng chẳng có tiếng người rơi tõm xuống nước, thậm chí ngay cả chim bên bờ cũng còn chưa giật mình bay đi, trên thuyền đã chỉ còn lại một mình Côn Luân. Những con 'quái thú' vốn tản ra trên mấy chục chiếc thuyền để diệt khẩu lúc này tụ lại về đây. Thập diện mai phục. Đêm đen đến không thấy ngón tay vươn ra, những con 'quái thú' này lại bỗng 'nhã nhặn', bất động thanh sắc ẩn mình, tìm thời cơ một đao lấy mạng, cho tên tù binh cuối cùng một cái chết đẹp. Nào ngờ lại không thể như ý nguyện. Tù binh này thoạt nhìn dễ giải quyết nhất, nhưng để giết thì lại không phải vậy.

Vào thời khắc nước sôi lửa bỏng đó, trực giác gần như huyền diệu của Côn Luân ẩn trong huyết mạch, quan điểm sinh tử của người Miêu, và những thứ linh tinh hắn học được trong khoảng thời gian ngắn trở nên hữu ích. Hắn không cha không mẹ, không biết mình đến từ đâu, ăn cơm trăm họ mặc quần áo của nhà nhà, hầu hết thời gian đều giành để đương đầu với gió mưa sương tuyết. Chính vì vậy, hắn có một lòng nhiệt thành muốn tìm kiếm, khám phá những thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của bản thân. Sự cuồng tín này thực ra là một bản năng tự nhiên. Hầu hết những thứ mà hắn học được đôi chút lúc ấy dường như hoàn toàn vô dụng; chẳng hạn như chữ Hán, thuốc và độc dược, lại chẳng hạn như công phu mà người nhìn không ra kết cấu. Những thứ này thường thường sẽ ở những thời khắc không tưởng mà hoạt động theo những phương thức hiệu quả bất ngờ.

Đám "quái thú" này khiến Côn Luân nổi lên sát tính. Việc xuống tay trước đó chỉ là làm theo lệ, thế lực không đồng đều, giết chóc cũng chẳng hứng trí nổi. Mãi đến người cuối cùng này mới có sự khác biệt, rõ ràng là có nền tảng, mỗi một chiêu thức lại có liên quan đến một môn phái nào đó, nhưng đừng cố mà mơ tưởng đến việc tìm hiểu nguồn gốc rồi dùng chính những chiêu thức của môn phái kia đối phó hắn. Đường đi nước bước của hắn thay đổi quá nhanh; nhát dao ngươi chém đều đặn và tàn bạo, hiển nhiên không có cách nào chạy thoát, hắn cũng không trốn tránh mà lao thẳng lên. Vào cái thời khắc mà lưỡi dao của ngươi cuộn lên sát khí muốn cứa vào cổ của hắn, hắn lại đột nhiên cúi xuống, đánh mạnh vào bụng ngươi, một đòn đánh xinh đẹp bất ngờ. Hắn nếu đã muốn cá chết lưới rách, vậy thì chẳng ai có thể làm gì được hắn, cho dù là những "quái thú" chuyên giết người kia. Tay không tấc sắt, hắn cũng có thể so chiêu với hàng chục bả đao của hàng chục quái thú. Da thịt nhão nhoét, máu tuôn dọa người, nhưng tất cả chỉ là vết thương ngoài da, không chết được. Những con "quái thú" biến lại thành người chỉ trong giây lát, mang theo một nỗi sợ hãi rất người - đây là một kẻ giết không chết! Thứ chống đỡ cho hắn không phải là công phu võ nghệ, không phải là trực giác huyền diệu, cũng không phải là vì sự bất cần dành cho cái chết, mà đó là một thứ chấp niệm với việc "sống sót rời khỏi nơi đây". Hắn đã vẽ cái chấp niệm này thành một chiếc bánh lớn hứa cho ai đó; và nếu phải diệt sạch lũ "quái thú" này để thực hiện điều đó, thì hắn cũng sẽ tận lực, lao vào chỗ chết để tìm cho mình một đường sống.

Trận ác chiến âm thầm khốc liệt đã kéo dài cả tiếng đồng hồ, cả người lẫn "thú" đều đã sức cùng lực kiệt. Con thuyền không người lái trôi theo dòng chảy của nước và gió, không lâu sau sẽ đến thành Dậu Dương. Khi đến nơi đó, vừa vặn là lúc tờ mờ sáng, có động tĩnh gì cũng không thể giấu được, ngươi chết ta sống hai bên đều sẽ bị đám binh lính trong thành bao vây. Đánh lâu mất sức, một người cộng hàng chục con "quái thú" với mấy chục bả đao, nếu lại còn chạm trán với mấy ngàn binh lính nữa, nghĩ thôi cũng đừng nghĩ. Thủ lĩnh đám "quái thú" thức thời, vung tay ra hiệu, cả đám "quái thú" kia lẳng lặng rút xuống nước, để lại Côn Luân trên chiếc thuyền chứa đầy dầu tung và bồ hóng sơn mài, để cho đám binh lính xử lý. Đối với hình huống người trên thuyền cơ bản chết sạch, chỉ còn một kẻ sống sót người đầy máu me và một khoang hàng đầy ắp, không cần nói rõ cũng biết đám binh lính sẽ nhặt được một món hời.

Côn Luân đứng ở mũi thuyền, nhìn ánh dương leo lên từ chỗ trời nước giao nhau, nhưng cũng chẳng còn thời gian để hắn giải trình sự việc. Hắn phải đi. Phải đi ngay.

Đám 'quái thú' này sẽ còn đuổi cắn, thứ chờ đợi hắn sau này chính là sự truy sát không thể lay chuyển. Những thứ này và hắn không oán không cừu, kẻ cầm lái sau chúng cũng chưa từng cùng hắn chạm mặt. Giờ lại cứ dí hắn vào chỗ chết thì cũng thật là không biết phải làm sao. Nhiều năm qua, những kẻ này vẫn luôn im lặng trước sự tồn tại của hắn, mặc cho hắn sống tạm, chẳng qua là vì hắn còn chưa cản đường, hoặc chưa có người đẩy hắn đi cản đường. Hiện tại, hắn đã bị đẩy ra ngoài, đã là vật ngáng đường, ắt sẽ phải chết. Chết rồi thì mới có thể khiến giang sơn xã tắc an ổn, thành toàn cho đám người kia.

Đằng này, tung tích của sáu tháng qua vẫn còn nguyên trên vết sẹo của những vết thương chí mạng đã khép lại trên cơ thể Côn Luân. Bao lần đánh giáp lá cà, chiến đấu với số mệnh, bao lần gặp tai ương, trong vạn dặm đường chết tìm một đường sống, thật vất vả mới mang được cái mạng về để thực hiện lời hứa. Giờ thì hay rồi, lại dám động đến cục thịt nhỏ hắn nuôi dưỡi. Cổ hẳn còn mới, đợi hắn về mới hạ, đánh cược sự sống chết của "cò mồi", đánh cược rằng hắn sẽ nhập bọn với chúng.

Côn Luân là nước cờ mà bọn họ trăm phương ngàn kế chôn vùi suốt hai mươi lăm năm, đặt cược tính mạng của vô số người, vậy nên không thể sơ xuất, không thể quay đầu.

Thì ra không phải là hắn không cha không mẹ không rõ lai lịch, chỉ là không thể nói. Những điều hiển hách không thể nói, những điều cấm kỵ càng không thể nói ra.

Sau nửa năm chạy trốn, ngàn dặm phong trần, Côn Luân cũng dần dần hiểu ra. Có hai nhóm người, một nhóm cho rằng hắn đã chết, còn một nhóm cho rằng hắn còn sống, và cả hai nhóm người ấy đều đến từ Thần Sơn.

Thần Sơn không phải là núi. Nó tương tự với "Bồng Lai", "Phương Trượng", "Doanh Châu" thời Hán, lại không đơn giản như vậy. Nó là dung hợp của vu, cổ, na (trừ tà), thần (thần công); một quyền thế vượt xa khỏi kiếp người. Ngàn năm cố thủ ở phía Tây Nam, khí hậu sớm thành, rễ sâu lá tốt. Vùng đất rộng ngàn dặm phía Tây Nam, không ai là không tin Thần Sơn, không ai là không tin Vu Thần. Phàm là kiện lớn kiện nhỏ, nếu không định đoạt nổi, hai bên tranh kiện sẽ uống máu ăn thề tại miếu Vu Thần. Thề thốt trước thần sẽ để lại hậu quả, không cẩn thận là sẽ có thể vạ lây con cháu, thậm chí kéo dài đến kiếp sau. Chính vì thế mà người dân vùng Tây Nam không dám tùy tiện làm càn trước mặt thần. Thần Sơn và Vu Thần được người dân Tây Nam tôn thờ, cam tâm tình nguyện lấy trăm vạn thân xác cung dưỡng, dưỡng đến độ ly trần xuất thế, phàm nhân chẳng thể với tới.