Ôn Lại Chuyện Xưa
Đầu năm 2000, một nhóm các đô thị mới đã mọc lên ở phía Nam. Và để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng, chính phủ bắt đầu giới thiệu nhân tài trên quy mô lớn, và bố mẹ tôi cũng theo làn sóng này xuôi Nam.
Chỉ là họ không ngờ mọi chuyện lại tiến triển thuận lợi đến thế. Chưa đầy một tháng sau, công văn chuyển đến, lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp và bà con lối xóm hay tin, không còn thời gian để do dự, việc chuyển nhà trở thành chuyện ván đã đóng thuyền.
Phải tới lúc đó, tôi mới được biết quả bom tin tức về nhà mình từ Từ Chi Dương, ngay trước cổng trường.
- --
Tôi hớt hải chạy về nhà, mẹ đang đứng bên cửa sổ gọi điện thoại, hiếm khi dùng điện thoại Motorola của bà; bố tôi dùng máy bàn, đối chiếu thẻ điện thoại rồi bắt đầu bấm số, có vẻ là gọi đường dài.
Hai phụ huynh bận tối mặt tối mày, không kịp báo cho tôi biết. Tôi đứng tại chỗ cả buổi, cuối cùng mất kiên nhẫn lớn tiếng chất vấn: “Từ Chi Dương nói chúng ta sắp chuyển nhà!”
Bố mẹ sửng sốt mấy giây, cuối cùng cũng để ý: “Lộc Lộc, con vào phòng làm bài tập trước đi, đợi mẹ nói điện thoại xong đã.”
Rõ ràng người cần thông báo nhất đang đứng trước mặt cơ mà.
Sự chạnh lòng lẫn bất mãn lập tức kéo tới, tôi ném cặp sạch xuống đất cái *phịch*, quay về phòng đóng sầm cửa.
Vừa xoay người thì thấy bốn cái bóng đứng ngoài cửa sổ, đang đợi tin tức từ tôi. Ngô Thừa Thừa lùn nhất, tay nắm lưới chống trộm dùng sức bật nhảy, câu hỏi cũng đứt quãng, “Khương Lộc, rốt cuộc, là có, chuyện gì?”
Tôi mới há miệng mà nước mắt đã trào ra, rồi không tài nào dừng được, khiến các cậu ấy ngơ ngác khó hiểu. Lúc nãy tôi đã nghe thấy mẹ nói chuyện điện thoại rồi, Từ Chi Dương nói đúng, nhà tôi sắp chuyển vào Nam.
Mặc kệ nước mắt lấm lem, tôi kéo rèm lên òa khóc, với hiệu quả cách âm năm ấy, chí ít cũng phải vọng khắp ba tầng.
Về sau bố mẹ nói với tôi rất nhiều, nửa hiểu nửa không nhưng chung quy chỉ có thể tiếp nhận. Từ khi biết tin cho tới khi rời đi chỉ vỏn vẹn mấy tuần lễ, bố mẹ làm thủ tục chuyển trường cho tôi, bán nhà, mời khách ăn cơm...
Gia đình đang chạy với tốc độ cao, còn đầu óc tôi trì độn trầm trọng, người khác đang đi học, tôi lại ở nhà thu dọn đồ đạc, một món đồ nhỏ bé cũng có thể ngắm nghía rất lâu, không nỡ vứt một mẩu giấy nào, cứ thế mấy tiếng vẫn chưa dọn dẹp xong.
Tôi vẫn chưa sẵn sàng chuyển nhà.
Ít hôm trước khi chuyển đi, các cậu ấy gọi tôi xuống lầu, muốn tặng quà cho tôi. Một chiếc hộp to đùng đựng đồ trang trí bằng gốm, có năm đứa trẻ ngồi đánh đu, xích đu treo dưới vầng trăng.
Ngô Thừa Thừa bật khóc, đưa cho tôi cuốn sổ ảnh thẻ mà cậu ấy đã sưu tầm mấy năm nay, hẹn nhau mỗi lần gửi thư thì trả cậu ấy một tấm; Ngụy Tiêu chạy tới học viện âm nhạc xin thu âm bài hát, làm thành CD cho tôi, là bài Biển trời vô biên mà chúng tôi đã nghe cùng nhau.
Cậu ấy còn chép một tờ lời nhạc, gạch chân câu cuối cùng: “Dẫu có ngày chỉ còn tôi và bạn.”
Về sau khi ở Bắc Kinh, tôi có hỏi cậu ấy, nếu mai mốt cậu nổi tiếng thì chiếc CD của tớ có thể bán được bao nhiêu?
Ngụy Tiêu vừa ăn cơm hộp vừa đáp, vài nghìn tệ.
Cậu ấy khiêm tốn quá rồi, mức hiện giờ hơn thế gấp nhiều lần.
- --
Đêm hôm đó sau khi mọi người giải tán, Lý Miễn lại vòng trở về, chỉ cần nghe tiếng gõ lưới chống trộm là tôi biết ngay.
Kéo rèm cửa lên, quả nhiên cậu ấy đứng bên ngoài.
“Thì là,” Cậu chỉ vào món quà trên bàn, vẻ mặt chê bai, “Ngô Thừa Thừa chọn đấy, quê chết đi được.”
“Đẹp mà, hơn nữa vừa đủ năm người.”
“... Cũng bình thường.” Lý Miễn vừa nói vừa lùi về sau, ngẩng đầu nhìn lên, “Cậu đã dọn đồ xong hết chưa?”
“Xong rồi.”
“Nhà cậu sẽ bán phải không?”
“Ừ, bán cho họ hàng của chú Hoàng, nói là mai mốt có thể sẽ thành quán ăn, ở tầng một cũng tiện.”
“Ờ.” Cậu đút tay vào túi, như đang nắm thứ gì đó nhưng lại do dự.
“Về sau cậu đừng gõ lưới chống trộm nhà người ta nữa...”
“Tớ gõ làm gì,” Lý Miễn đáp, một lúc sau bổ sung, “Cậu cũng không còn ở đây.”
Bỗng lặng thinh một hồi. Rồi cậu sờ gáy, nói: “À phải rồi, cậu đưa sổ lưu bút cho tớ đi, tớ viết thêm cho cậu.”
Đúng lúc mấy hôm nay đang dọn dẹp, tiện tay cầm lấy đưa ra cửa sổ. Hồi sáng tôi còn mở ra xem, lời nhắn của Lý Miễn là “thuận buồm xuôi gió”.
Cậu đưa tay nhận, đồng thời cũng nhanh chóng dúi vào tay tôi một chiếc băng cát-sét: “Của Châu Kiệt Luân, cho cậu đấy, ngày mai viết xong lưu bút tớ sẽ đem trả, đi đây.”
Nói một lèo rồi xoay người biến mất.
Tôi cúi đầu nhìn chiếc băng trong tay, Tám độ không gian, là album mới.
- --
Ngày hôm sau cậu ấy không tới, chẳng biết viết gì mà lâu thế nữa. Sổ lưu bút quay về tay tôi là vào ngày chuyển đi.
Cũng thật khéo, hôm ấy trúng ngày mọi người thi cuối kỳ, cả đám bị nhốt trong trường. Nhìn đồ đạc trong nhà – kể cả cây đàn piano – được đặt trong thùng hàng, gia đình chúng tôi xách bao to bao nhỏ bắt tàu.
Hai nghìn km, hai ngày hai đêm.
Hồi ấy ga tàu còn bán vé sân ga, rất nhiều cô chú bác đến đưa tiễn. Người lớn chào tạm biệt nhau, tôi lên trước, nhìn hành lý ở chỗ ghế ngồi.
Rồi tôi nhìn thấy Từ Chi Dương chạy tới, cặp sách lủng lẳng trên người, nhìn vào từng toa một, lo lắng đổ mồ hôi.
“Từ Chi Dương!” Tôi ló đầu ra gọi cậu, “Cậu không đi học hả?”
“Cúp tiết.” Từ Chi Dương chống chân thở mạnh, mấy giây sau, cậu mở cặp lấy sổ lưu bút ra, “Lý Miễn nhờ tớ đưa cho cậu.”
“À...”
“Còn nữa, đây là của tớ.” Cậu cúi đầu, lại lấy ra một chiếc hộp nhỏ.
“Cám ơn, không phải các cậu đã tặng quà rồi à.”
Cậu khoát tay như không kịp nói chuyện, sau đó mới bảo: “Đến nơi cậu nhớ viết thư gửi về nhé, địa chỉ của tớ ở trên giấy, gọi điện cũng được, số điện thoại nhà tớ không đổi.”
“Được!”
Nhân viên tàu đang gọi người, sắp đóng cửa tàu rồi. Từ Chi Dương liếc nhìn, quay sang dặn: “Dự báo thời tiết nói ngày xuống tàu trời 38 độ, rất nóng.”
“Ừ...”
“Có vẻ phương ngữ địa phương rất khó hiểu, may mà tiếng phổ thông đã phổ biến hơn rồi.”
“Ừ, Từ Chi Dương, tàu sắp chạy rồi, cậu lùi ra đi.”
Cậu dời hai bước, một giây sau còi tàu hú dài. Sân ga dần dần lùi về phía sau, Từ Chi Dương chạy theo, “Nghỉ đông cậu có về được không?”
“Không biết.” Trong lòng buồn bã, hốc mắt cay cay, “Cậu đừng chạy nữa!”
Tàu đã tăng tốc, gió vù vù qua tai, Từ Chi Dương ngày một bé nhỏ, cũng không còn nghe thấy tiếng cậu nữa.
Từ nhỏ tôi đã sống ở nơi này, mọi ngóc ngách trong khuôn viên trường đều rất quen thuộc. Cảm giác bước trên những viên gạch, hương vị của xuân hạ thu đông, tiếng chuông vào lớp và tiếng hát của ban nhạc trường đại học, phòng máy, tiệm net, sân trượt băng, quán nước lạnh, tất cả đều in sâu trong tâm trí tôi, tới hôm nay nhớ lại vẫn rõ như ngày nào.
Mỗi người bạn là một quan hệ tình cảm từ bé tới lớn. Tôi và Ngô Thừa Thừa biết nhau từ khi mới chào đời, ở nhà trẻ chơi đồ hàng với Lý Miễn, suýt đã thành anh em với Từ Chi Dương, xém đã khuất phục dưới uy quyền của Ngụy Tiêu.
Tính ổn định lâu dài luôn khiến con người sinh ra ảo giác, rằng thời gian là bất tận vô cùng, mà quên mất chia tay thực ra chỉ là một cái chớp mắt.
Từ Chi Dương tặng tôi mặt dây chuyền có hình con nai bằng bạc*, treo trên sợi dây chuyền rất mảnh. Lý Miễn để lại lưu bút ở sau trang giấy chi chít của Từ Chi Dương, vẫn chỉ một câu:
Chúng ta lên Bắc Kinh học đại học.
(*Lộc trong tên Khương Lộc có nghĩa là con nai.)