Nghi Dương công chúa trời sinh cá tính nhiệt huyết không thích bị gò bó, mấy ngày trước vừa thượng tấu xin được dẫn theo một trăm Cấm quân hộ vệ xuất thành du săn. Thần Hữu đế xưa nay sủng ái ái nữ, nhưng đối với loại đề nghị mạo hiểm như thế này, đương nhiên là không nỡ để nàng ra ngoài dương cung thúc ngựa.
Với bản tính như thế, Nghi Dương đương nhiên không an phận nghe theo. Nàng vâng đấy, nhưng bằng mặt không bằng lòng, mà vả lại đây cũng không phải lần đầu tiên nàng âm thầm xuất thành, mang theo thủ vệ chu du núi đồi ngoài thiên hạ.
Dù là nhiều lần như thế rồi, chuyện cũng chẳng mấy ai không biết, nhưng cũng chưa từng có ai đủ can đảm vượt mặt Công chúa thượng tấu lên Bệ hạ. Có điều lần này chính là bởi vì đoàn người ngựa của Công chúa đi ngang khu nương rẫy của bá tính, vó ngựa giày xéo khiến cho dân chúng sinh lòng oán hận, vì vài mẫu mạ mà đánh trống trình báo cho Phủ nha Thuận Thiên. Tri phủ của Phủ nha Thuận Thiên xem ra cũng là người có năng lực lại cũng nhạy bén, vừa nghe cáo trạng liền đoán ra ngay được bảy phần đây chỉ có thể là người của Nghi Dương công chúa rồi.
Khôi giáp trên người, lại hành động ngang ngược, không phải là người của Công chúa thì còn có thể là của ai?
Và rồi, thế là Thuần Hữu đế cho nội thị tới phủ Công chúa truyền khẩu dụ, triệu nàng vào cung.
Nghi Dương trước đó đã biết nội tình, cũng không thể nào thác tội, sau khi vào điện thỉnh an cũng vô cùng nhu thuận nghe lời, hỏi gì đáp nấy, hành vi đến thái độ an nhất nhất đều an phận chuẩn mực. Bị hỏi tội thì nghẹn ngào nhận tội, thậm chí đôi mắt còn long lanh ngấn nước thỉnh cầu phụ hoàng ân chuẩn cho dùng tư khố trong phủ để bồi thường cho thôn dân. Thuần Hữu đế vốn cũng không định xuống tay trách phạt ái nữ này quá nặng nề, nhưng mấu chốt là lo lắng nàng quen thói trên bảo dưới bất tuân, sẽ có ngày gặp phải nguy hiểm.
Nghe được lời hứa hẹn của công chúa rồi, lúc này Thuần Hữu đế mới nghiêm mặt răn dạy một hồi - nào rằng hoàng thân xuất cung há phải là trò đùa, nào rằng cải trang vi hành chẳng phải là chuyện nhỏ, sau đó xuống chỉ cấm túc nàng trong phủ nửa tháng.
Cứ như thế, chuyện này đến đây chấm dứt.
Trì Lương Tuấn đứng chờ trước đại môn phủ Công chúa từ giờ Thân tới giờ Tuất, thiếu chút nữa đã phải cho người vào cung nghe ngóng, nếu như không phải là nghe loáng thoáng thấy tiếng vó ngựa truyền tới trong đêm. Không lâu sau đã thấy Công chúa ngồi trên lưng ngựa thong dong tiến về đây, phía sau là hai hàng Cấm quân hộ tống. Nàng buông cương xuống ngựa, lướt ngang cũng chẳng cả cho Trì Lương Tuấn một cái liếc mắt, cứ thế đi thẳng vào trong phủ.
Vòng qua tấm bình phong, bước chân theo lối hành lang được bao quanh bằng hai hàng trúc non, Nghi Dương bất chợt cười lạnh: "Lỗ Vương gấp gáp như thế là vì cái gì? Phụ hoàng nay vẫn đang khang kiện khỏe mạnh, vậy mà lão đã đứng ngồi không yên. Chạm móng vuốt tới Thái Tử ca ca của ta còn chưa biết đủ, đạo lý vinh nhục tiến lui, rốt cuộc hắn có hiểu được hay không?"
Trì Lương Tuấn hiểu tính tình Nghi Dương, một khi đã nói những lời này, hẳn là nàng đã tức giận đến cực điểm. Mà hắn thì cũng chỉ có thể im lặng đi theo, không dám nhiều lời.
Hướng về phía Đông, bước chân đã tới đình viện, nơi đây hôm qua Lục Hòa đứng đó phơi nắng. Ánh mắt Nghi Dương càng trầm đi vài phần, phân phó bằng một thứ ngữ điệu bằng phẳng đều đều: "Ngươi hãy cho người âm thầm điều tra thân thế của Hàn Lâm viện Lục Hòa, tra càng tường tận càng tốt."
Những lời Lục Hòa nói đương nhiên khiến cho Nghi Dương bán tín bán nghi. Phàm là việc bản thân không trải qua, chưa nhìn tận mắt chưa nghe tận tai thì sao có thể dễ dàng tin tưởng. Nếu như gia thế người này thực sự trong sạch, vậy thì nhắm mắt làm ngơ coi như tương trợ giúp che giấu thân phận nữ nhi cũng không có gì là không ổn. Lại nói, Nghi Dương nghĩ - phe cánh của huynh trưởng vừa bị ảnh hưởng không nhẹ. Phụ tá, cựu thần, thủ hạ của Đông Cung dù là vẫn chưa bị đánh ngã, nhưng bị đả một kích như thế, không thể nói là không bị ảnh hưởng, không thể nói là không cần phải thu liễm. Hiện tại Đông Cung cần người tài. Nghi Dương cảm thấy tuy Lục Hoà này hôm nay mới là chính Thất phẩm Biên tu dưới trướng Hàn Lâm Viện, nhưng ngày sau qua mấy năm rèn luyện trong chốn quan trường, nhất định sẽ trở thành trụ cột trong Lục bộ. Chim khôn biết chọn cành mà đậu, lúc ấy đã như bị lún trong vũng bùn, vào trong một guồng xoay tiến thoái lưỡng nan, bị người khác nắm trong tay nhược điểm cũng sẽ không thể bất tuân. Mà nếu trung thành thì dù có ngày bại lộ, tội này nếu khéo léo vẫn có thể đẩy lên đầu quan chủ khảo. Quan chủ khảo, thật vừa hay lại là môn sinh của Hàn Văn, ắt sẽ có liên quan tới phe cánh của Lỗ Vương.
——
Phủ Lại bộ Thượng thư.
Đường Từ theo lời mời của sư mẫu, tới phủ dự yến. Vẫn còn chưa qua nửa chung trà mà Tần Dung Nguyệt đã quậy phá không ngừng, Đường Từ đành bế đứa trẻ đi ra đình viện.
"Nhu Kha tỷ tỷ, Nhu Kha tỷ tỷ!" Đường Từ nghe đứa trẻ gọi lên mới quay đầu lại nhìn người đang đi tới. Bước chân hơi chững lại một chút, nàng buông tay cho đứa trẻ chạy đi, chạy tới ôm lấy chân người kia.
Nhu Kha đón lấy, bế Tần Dung Nguyệt lên, điểm điểm chóp mũi nữ hài, sau đó ánh mắt mới chuyển hướng về phía Đường Từ, gật đầu cười khẽ, chào hỏi: "Đường công tử, đã lâu không gặp. Từ hôm ấy đến nay công tử vẫn khỏe chứ?"
Không còn là một thân bạch y tóc búi đơn giản như hôm ấy ở Bích Vân tự, hôm nay Quận chúa Nhu Kha mặc một thân y trang màu thủy lam, váy dài quét đất, trâm phượng tinh xảo xuyên qua búi tóc, đôi khuyên tai ngọc bích thật tinh xảo biết bao.
Đường Từ quan sát người đối điện, âm thầm thở dài trong lòng, rồi cũng chắp quyền ngang ngực, cúi đầu thi lễ với một thứ khí độ ung dung: "Phiền quận chúa lo lắng, Đường mỗ vẫn khỏe."
Nhu Kha dắt tay Tần Dung Nguyệt, Đường Từ đi theo ngay phía sau, bước chân cả ba đều chậm rãi.
"Nhu Kha tỷ tỷ, lần trước a huynh mua cho muội một thanh kẹo đường nặn theo hình của tỷ tỷ, giống tỷ tỷ y như đúc! Cho nên muội không ăn hết, để lại một nửa đợi tỷ tỷ đến xem. Kết quả bị cha muội nhìn thấy, vứt đi luôn rồi..." Tần Dung Nguyệt kéo tay Nhu Kha, áy náy mất mát.
"A huynh?" Nhu Kha quay lại cho Đường Từ một ánh mắt, lại như thể đã hiểu ra, mỉm cười, "Đường công tử mua kẹo đường cho Dung Nguyệt muội muội, vậy mà..."
"Mỹ danh của quận chúa ở kinh thành không thiếu người hâm mộ. Thành Ký Châu là đất dưới chân Thiên tử, người đến người đi nhiều như thế, cũng không ít người vẽ Quận chúa, bán tranh lấy tiền, âu cũng chỉ là mưu sinh mà thôi. Ngày đó ta tình cờ nhìn thấy một chiếc kẹo làm rất khéo, liền không suy nghĩ nhiều mà bỏ tiền ra mua cho muội muội, chưa từng nghĩ lại là làm phỏng theo dung mạo của Quận chúa."
Lúc này Nhu Kha mới dừng bước quay lại nhìn người đang đi phía sau, dù ánh mắt dò xét không che giấu, nhưng ngữ khí bình đạm: "Mấy năm trước mẫu phi ta đổ bệnh, phụ vương trước nay lại yêu thích thi thư, thường mở yến chiêu đãi văn nhân sĩ tử tới luận đạo. Ta thân là trưởng nữ, đương nhiên sẽ đứng ra thay mẫu phi gánh vác mọi việc trên dưới vương phủ. Đi đây đi đó không ít, trong thành có bán tranh của ta, có kẹo đường phỏng theo, âu cũng là chuyện hiểu được, công tử sao phải khẩn trương như thế?"
Đường Từ im lặng, tự thấy bản thân quả thật đã mất bình tĩnh. Nhu Kha lại quay đi rồi, nàng mới đưa mắt nhìn lên. Nhìn theo bóng lưng kia, bóng lưng không biết đã bao lần nàng tâm niệm, nhớ đến trong lòng.
Bình tâm trở lại, một hồi sau Đường Từ mở lời: "Mấy ngày nữa Vương phủ Lỗ Vương sẽ mở Liên Hoa yến, thứ hỏi Quận chúa sẽ đi chứ?"
Lỗ Vương là thứ tử của Thuần Hữu đế. Mùa Đông năm đó Thuần Hữu đế khởi binh từ Tề Châu, mang theo hai nhi tử với danh nghĩa tiểu Thiếu soái, để rồi huyết tẩy sa trường. Thế mạnh như chẻ tre, một đường không cản phá đánh thẳng vào Đế kinh. Nhưng ai mà có thể đoán được, vừa vào tới địa phận gần thành Ký Châu, Lỗ Vương trúng gió độc cực hàn. Bệnh tình ngày càng chuyển biến xấu, tình trạng khi ấy ngàn cân treo sợi tóc, suýt nữa đã mất mạng. Là do trời xanh thương xót giữ lại cho hắn một mạng, nhưng từ ấy trở đi sức khỏe không tốt, thể lực cũng yếu đi rất nhiều.
Thuần Hữu đế vẫn luôn áy náy trong lòng, thế nên dung túng nuông chiều đứa con này, thậm chí khi triều thần vì ủng hộ Đông cung Thái Tử mà thượng tấu cho Lỗ Vương rời khỏi kinh thành, Hoàng đế vẫn một mực giữ hắn lại Đế kinh an dưỡng.
Nghe câu hỏi, nhịp chân Nhu Kha hơi chậm lại, nhẹ giọng đáp: "Tất nhiên là nên đi."
Đưa ra một câu trả lời như vậy, người khác không thể hiểu được trong lòng nàng có bao nhiêu phần bất đắc dĩ.
Đại Tấn đã tồn tại mấy trăm năm qua bao đời Đế vương, đời nào cũng trọng dụng võ thần. Thành trì kiên cố, biên cương an ổn, giang sơn trước mắt vững như bàn thạch. Nhưng mà, thành Ký Châu phồn hoa tấp nập này lại cũng chính là nơi chứa đựng hết những ký ức mà Nhu Kha vẫn luôn bài xích và ghét bỏ, những tháng năm muốn quên lại chẳng thể nào quên. Rời khỏi Đế kinh đã ba năm, ba năm qua đi nàng chẳng những không thể buông bỏ phiền muộn đã chôn chặt trong lòng bao năm, mà ngược lại còn càng thêm buồn sầu u uất. Nàng giờ đây càng suy nghĩ nhiều về những chuyện đau buồn trong thế gian, về những hồi ức đau thương xưa cũ của chính nàng.
Lỗ Vương cũng thế, Thuần Hữu đế cũng vậy thôi - tất cả những kẻ này, Nhu Kha nàng ước nguyện cả đời này chẳng cần phải gặp lại.
Vào đến trong sảnh, Tần Diên và phu nhân Lưu thị đang đứng trước cửa gỗ đợi khách, từng người hành lễ với Nhu Kha.
Tần Diên thấy Tần Dung Nguyệt còn đang ở dắt díu bên Nhu Kha mà không chịu đi, liền đã bày ra bộ dáng muốn quát mắng con gái. Lưu thị đã bên Tần Diên nhiều năm nhưng cũng chỉ có một đứa con gái này, cũng là vì một sự kiện xảy ra vào mười hai năm trước mà đến mức hoảng loạn tâm thần, chấn kinh tới độ ngày ngày kinh hoảng, khiến thai không thể an, chết lưu trong bụng. Cầu thần bái phật, sắc thuốc không ngừng, rốt cuộc mới có thể sinh hạ Tần Dung Nguyệt. Đứa trẻ này đương nhiên là trân bảo của Tần gia, cũng không ai nỡ quát mắng to tiếng.
Lưu thị phất phất khăn tay, muốn tiến tới khuyên can nhưng lại chần chừ.
Nhu Kha cúi người ôm lấy đứa trẻ đang nấp sau mình, cười nói với Tần Diên: "Dung Nguyệt còn nhỏ, có lẽ đã lâu rồi không gặp ta, khó tránh quyến luyến không nỡ rời. Chắc Tần lão gia cũng không ngại cho con bé ngồi chung bàn cơm chứ? Trong bữa ăn sẽ ngoan ngoãn ăn cơm, tuyệt đối không quậy phá, phải chứ Dung Nguyệt muội muội?"
Tần Dung Nguyệt bám lấy tay Nhu Kha, ánh mắt nhìn phụ thân lấp lánh, lí nhí mở miệng: "Cha, có được không..."
——
Trời có chút nóng nực, đồ ăn cũng toàn những thức thanh đạm.
Bàn cơm đồ chay là chủ yếu, thịt cá chỉ là phụ, khiến người ta thoải mái dễ chịu.
"Vốn là tưởng Vương gia cũng cùng tới dùng bữa, có lẽ thân thể ngài ấy vẫn không được khoẻ?" Tần Diên và Lưu thị ngồi một bên, đối diện Nhu Kha với Đường Từ. Tần Diên hỏi một câu, đồng thời ánh mắt cũng liếc về phía Đường Từ một cách kín đáo.
Tần Dung Nguyệt ngồi sát bên Nhu Kha, mà Nhu Kha ăn ít, phần lớn thời gian đều dùng để gắp đồ cho đứa bé. Nghe Tần Diên hỏi, nàng trả lời: "Sức khỏe phụ vương tuy không còn dồi dào như xưa nhưng may mắn vẫn khỏe mạnh. Có điều là Lễ bộ đại nhân tìm tới cửa, không thể từ chối được, cho nên đành để một mình ta tới đây nhận ý tốt của Tần lão gia và phu nhân."
Dự Vương nay đã không quản đến chính sự, chỉ nhàn nhã thi thư đã bao năm, trong triều không ai không biết, không ai không hiểu. Tuy trong lòng Tần Diên đã tự đoán ra câu trả lời tại sao Lễ bộ tới tìm Dự vương, nhưng vẫn là mở miệng dò hỏi một câu.
"Đương nhiên là tới vì chuyện nghị thân(1) của ta."
(1): chuyện mai mối hôn nhân.
Đường Từ vẫn yên lặng ngồi bên, lúc này động tác trên tay có chút chững lại, nhưng rất nhanh thôi đã liền trở về trạng thái bình thường. Nàng đưa mắt nhìn sang, thấy biểu tình của Nhu Kha trước sau chỉ là một mảnh lãnh đạm không nóng không lạnh, bỗng cũng có chút suy tư trong lòng.
Dự Vương và Tiên đế có mối giao tình sâu nặng, mà Vương phi cùng Ý Từ hoàng hậu năm xưa cũng là một mảnh tình nghĩa thắm thiết. Từ khi Nhu Kha còn nhỏ, hai bên đã lập một giao ước, ấy là định hôn cho nàng và đứa trẻ còn đang trong bụng Hoàng hậu. Đáng tiếc, đứa con đầu lòng của Tiên đế lại là một Công chúa, đã như vậy rồi, lúc ấy mọi người cũng đành cười nói cho qua. Cho đến khi sau đó Thái Tử ra đời, dù là Tiên đế không nói, Hoàng hậu cũng không nói, nhưng tất cả đã sớm mặc định Nhu Kha quân chúa sẽ là Thái Tử phi tương lai.
Năm Khang Nhạc thứ Chín, bát tự tương xứng, chiếu thư đã hạ, chỉ còn chờ ngày đại lễ mà thôi, nhưng ngay lúc ấy chính biến đã nổ ra.
Hôn sự của Quận chúa Nhu Kha thất bại vụn vỡ, từ đó về sau cũng không có người đả động đến nữa, mà cõi lòng nàng từ lâu lắm rồi cũng phủ một tầng bụi dày.
Tần Diên không hỏi thêm nữa, nhưng Nhu Kha lại nâng mi mắt, cười nhạt: "Đã hơn mười năm rồi, nhưng nét mực trong chiếu thư tứ hôn của của Tiên đế bệ hạ năm đó vẫn chưa hề phai. Mực còn chưa phai mà xem ra quan viên Nội các và Lễ bộ đã quên sạch không còn nhớ chút nào. Ta coi như đã gả đi một lần rồi, há lại có cái đạo lý tái giá lần hai?"
Ánh mắt nàng sâu không thấy đáy, bình tĩnh chẳng gợn.
Phu nhân Lưu thị hiểu rõ đạo lý rằng những việc thế này tránh được bao nhiêu thì nên tránh bấy nhiêu, hơn nữa đây lại còn là chuyện ân ân oán oán giữa hai triều Thiên tử. Giờ phút cũng đành trầm mặc cúi đầu, yên lặng gắp thức ăn vào bát phu quân. Phu quân nàng, Tần Diên là lão thần, chỉ vuốt râu cười nhẹ, biểu tình trên mặt không nóng không lạnh:
"Quận chúa xưa nay hiểu đạo nghĩa, hiểu lí tình, tuân theo kỷ cương luân thường đã nhiều năm như thế, hẳn là Tiên đế ở nơi suối vàng cũng đã có thể mãn nguyện rồi. Cho dù là hạng bán bạn cầu vinh, thân là thần lại đi phản quân chủ, nhưng riêng Quận chúa không thẹn với lòng là được." Đường Từ chợt lên tiếng, nói lời ấy mà thần sắc thản nhiên, ngữ điệu bình ổn.
Mười hai năm trước, Đinh Dậu chính biến nổ ra. Tề Vương khởi binh mưu phản, dấy binh từ Tề Châu đánh thẳng vào Đế kinh Ký Châu. Năm đó Dự Vương là Đại Thống lĩnh Cấm quân, nắm trong tay hơn mười nghìn binh mã tinh nhuệ, ấy thế lại không đánh mà hàng, tự tay mở rộng cửa cung, cúi đầu xưng thần trước quân phản nghịch, rồi cũng nhờ thế mà bảo toàn được gia quyến dòng tộc. Khi chính biến qua đi mới nhận về tay tước Vương, nghiễm nhiên trở thành trọng thần uy danh hiển hách, nhưng rồi cũng định trước phải nhận lấy những tiếng phỉ nhổ của hậu thế.
Nhu Kha theo những lời ấy thoát khỏi dòng suy nghĩ và hồi tưởng của chính mình. Nàng lẳng lặng đưa mắt nhìn sang Đường Từ, thấy bên sườn mặt người kia vẫn là một mạt ung dung nhưng phảng phất trầm tư.
—— Hết chương 10 ——