Sĩ Vì Tri Kỷ

Chương 111: Tửu tuyền. Sáu




Trông coi thuốc sắc trên lò, đương là mùa hè khốc liệt, hun bên cạnh lò lửa trán Tử Thanh đã rịn một lớp mồ hôi mỏng, thi thoảng giơ tay áo quệt một vòng. Thêm một lát, thuốc đã sắc xong, song không biết hôm nay Tướng quân chịu uống thuốc không nữa, cô thầm thở dài, cho dù thế nào thì chiếc đinh này vẫn phải vấp.

Gió đêm phất qua, mang đến chút mát mẻ, Tử Thanh đứng dậy đi lấy khay đồng lọc thuốc, tự dưng có một giọng bất ngờ vang sau lưng:

“Thuốc xong rồi?”

Là Tướng quân, Tử Thanh giật mình, quay lại nhìn chàng, không biết ngài ấy còn tức giận không nhỉ, khựng một lát mới hành lễ: “…Ti chức tham kiến Tướng quân. Thuốc đã sắc xong.”

Mặt Hoắc Khứ Bệnh đơ đơ, “Ừ”, rồi không nói tiếp.

Tử Thanh không đoán được ý, đành đổ thuốc qua tấm lọc, rót vào trong chén. Chén thuốc nóng hổi, hơi nóng lượn lờ.

“Thuốc còn nóng, Tướng quân về lều trước đi ạ, đợi hơi nguội ti chức lại bưng qua.” Cô nghĩ để Tướng quân đứng ở đây lâu sẽ không tốt cho vết thương.

Như vốn chẳng nghe thấy cô, Hoắc Khứ Bệnh thản nhiên nói: “Cậu theo ta đi một chút.” Dứt lời, không đợi cô trả lời, chàng đã quay người đi ngay.

“… Rõ.”

Do dự một chớp mắt, Tử Thanh bưng chén thuốc, đuổi theo Tướng quân.

Chậm rãi đi dạo ven bờ suối, cho đến chỗ cách doanh địa hơi xa một chút, Hoắc Khứ Bệnh mới dừng bước. Trong bóng đêm, suối nước róc rách, thi thoảng có cơn gió mát phớt qua, lau sậy nhẹ lay, sự yên tĩnh khiến cho tinh thần thanh thản.

Chén thuốc đã không còn bốc hơi nóng, Tử Thanh thấy Hoắc Khứ Bệnh đứng đấy không nói gì, nhẹ giọng khuyên nhủ: “Tướng quân, uống thuốc trước đi? Lạnh càng đắng.”

Hoắc Khứ Bệnh không nói một lời đưa tay nhận lấy, chậm rãi uống từng ngụm, tất nhiên là đắng rồi, từ đầu đến cuối chàng cau chặt mày. Uống xong, trả chén thuốc thật mạnh vào trong tay cô, mới giương mắt nhìn cô giễu nói: “Lần này không mắng ta không biết khó khăn dân gian nữa chứ?”

Quả nhiên uống không thừa một giọt, Tử Thanh thấy lòng nhẹ nhõm, áy náy nói: “Hôm qua là ti chức lỗ mãng, xin Tướng quân thứ tội.”

Hừ nhẹ một tiếng, Hoắc Khứ Bệnh cũng chỉ thuận miệng khó xử cô chút thôi, vốn đâu có ý nghiêm túc truy cứu, thong thả tìm tảng đá bên suối ngồi xuống.

Tử Thanh lặng lẽ liếc chàng mấy lần, nhưng nhìn mặt mà nói chuyện chưa từng là thế mạnh của cô, chưa kể đối phương lại vốn là Tướng quân vui giận thất thường.

“Tướng quân, có phải ngài đã… hết buồn rồi?” Cô thử thăm dò.

Nghe vậy, Hoắc Khứ Bệnh ra vẻ phát cáu trừng cô, không biết phải làm sao. Tử Thanh thấy thế, mỉm cười cúi đầu, khom người ngồi xuống bên cạnh chàng.

“Cái gì thế?” Y phục mùa hè mát mẻ, chàng thấy trong cổ áo cô hình như có vật gì thoáng rung rinh.

Móc chiếc huân bằng xương từ cổ áo ra, Tử Thanh nâng lên cho chàng xem.

“Huân?! Cậu biết thổi à?”

Tử Thanh đàng hoàng lắc đầu: “Tôi không biết.”

“Vậy sao cậu phải đeo bên người?”

“Đây là di vật mẹ tôi để lại cho tôi.” Tử Thanh vuốt ve huân bằng xương trong lòng bàn tay, “Mẹ tôi biết thổi, rất êm tai.”

“Thế sao cậu không học với mẹ?”

Tử Thanh nhẹ thở dài, buồn bã nói: “Lúc mẹ tôi còn sống, cứ thấy không cần vội, lúc nào học mà chả được; đến khi mẹ không còn, muốn học, đã không còn ai dạy.”

Lặng im một lát, Hoắc Khứ Bệnh đưa tay ra: “Lấy ra, cho ta thử một chút.”

Tử Thanh tháo dây khỏi cổ, đưa chiếc huân xương cho chàng.



Đại khái là mang trên người đã lâu, chiếc huân xương được da thịt mài đến bóng mượt, lộ sắc bóng nhè nhẹ như ngọc. Hoắc Khứ Bệnh đưa lên môi, thử thổi mấy lần, âm sắc của chiếc huân xương rất khác với huân bằng đất sét, càng thêm trong trẻo thấu suốt….

||||| Truyện đề cử: Song Sinh Hoán Đổi: Ngọt Ngào Riêng Em |||||

Vô số âm phù, như đang nhảy múa nhẹ nhàng trong màn đêm.

“Muốn nghe từ khúc gì nào?” Chàng hỏi.

“Tôi không hiểu nhiều về từ khúc, những bài nhạc mẹ tôi thổi trước đây đều rất êm tai…” Tử Thanh cố gắng nhớ lại, dựa vào một đoạn ký ức vụn vặt trong đầu, ngâm ra vài nốt vốn chẳng thể nghe ra được.

“Được rồi được rồi…” Hoắc Khứ Bệnh lắc đầu, tức giận dí nhẹ trán cô, “Hoàn toàn không có âm luật, từ khúc hay đều bị cậu chà đạp cả.”

Tử Thanh cười bẽn lẽn, khẽ mím môi.

Ngón tay thon dài nhẹ nhàng ấn trên lỗ âm trên huân xương, từ khúc đã từng quen thuộc cứ thế lặng lẽ chảy ra, nhẹ nhàng, bay bổng, gõ động một nơi nào đó sâu nhất trong tâm hồn…

Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương.

Hữu vị y nhân, tại thủy nhất phương.

Tố hồi tòng chi, đạo trở thả trường.

Tố du tòng chi, uyển tại thủy trung ương.

Kiêm gia thê thê, bạch lộ vị hi.

Sở vị y nhân, tại thủy chi mi.

Tố hồi tòng chi, đạo trở thả tễ.

Tố du tòng chi, uyển tại thủy trung trì.



Bờ lau bụi lách xanh xanh,

La đà mọc trắng, đã thành giá sương.

Người đi sông nước mênh mang,

Ngược dòng nước biếc tìm đàng ta theo.

Sông sâu nước xiết khó chèo,

Tìm chàng ta lại tính chiều bơi xuôi.

Ngược xuôi ta chẳng kịp người,

Giữa dòng thanh thả kìa ai một chèo.

(Kiêm Gia, trích Kinh Thi; bản dịch Nguyễn Văn Thọ)

Tử Thanh chống cùi chỏ nghiêng đầu, yên tĩnh lắng nghe.



Hoắc Khứ Bệnh nhìn cô, ánh trăng lơ đãng bôi trơn mặt mũi chàng trai trẻ.

Ngay cả khi cậu thiếu niên này ở chỗ mình có thể chạm tay đến, chàng vẫn bất giác sinh ra mấy phần hoảng hốt, như rằng nếu mình vươn tay ra, cậu thiếu niên sẽ giống như ảo ảnh biến mất không còn tăm tích.

Đến cùng phải thế nào mới có thể giữ lại đây?

Thân là Tướng quân, đối mặt với thuộc hạ, lần đầu tiên chàng cảm giác bất lực như vậy.

Một khúc tấu đã dứt, chàng chậm rãi buông huân xương.

“Có phải trước đây mẹ cậu thổi là từ khúc này không?” Chàng hỏi.

“Ừm.” Tử Thanh như còn bị âm thanh trong từ khúc vấn vương, “… Đã rất lâu tôi chưa từng được nghe, bài này tên gì?”

“Kiêm gia.”

Tử Thanh đã từng đọc qua Kinh Thi, lại nhìn mớ lau lách rậm rạp cạnh bờ suối, cười nói: “Khúc này nghe ở đây xem như rất hợp cảnh, chỉ tiếc bờ bên kia thiếu mất y nhân (người ấy).”

Hoắc Khứ Bệnh sâu thẳm nhìn cô, không tiếp lời, sau một lúc lâu, hỏi: “Ta thổi hay, hay là mẹ cậu thổi hay hơn?”

“… Vẫn là mẹ tôi.”

Tử Thanh hé miệng cười nói.

Hoắc Khứ Bệnh không nhịn được cũng mỉm cười, chùi chùi huân xương trả lại cho cô, từ từ thu nụ cười, nói: “Nghĩ đến, nếu cậu đi, sau này có muốn nghe cũng không thể.”

Yên lặng đeo huân xuân lại trước ngực, giấu vào trong cổ áo xong, Tử Thanh khẽ cúi đầu, chỉ nghĩ đến phải tách khỏi Tướng quân, cách nhau rất xa, trong lòng khó chịu từng cơn.

“Chuyện cậu muốn đi, bổn Tướng quân không cho phép.” Hoắc Khứ Bệnh bỗng cứng rắn nói.

Tử Thanh im lặng không nói, đưa mắt chăm chú nhìn chàng, sự tin tưởng lộ rõ. Chàng như trở lại ngày ấy dưới tán cây, như nghe thấy giọng thiếu niên: bình thường Tướng quân có phải loại người thế này đâu.

“Cậu không tin à?”

“Tướng quân thứ tội, ti chức tự biết đã phụ công Tướng quân vun trồng, nếu ngày khác có duyên, nhất định báo đáp.” Tử Thanh nhìn chàng áy náy nói.

“Cần phải đi một nơi xa vậy sao?” Chàng chua chát hỏi, “Có việc muốn tìm cậu thì cũng không quá thuận tiện.”

Tử Thanh khẽ thở dài, lí nhí: “Lâu Lan là tiểu quốc ở Tây Vực, vốn là khe hẹp lọt giữa Hung Nô và Hán đình. Lần này Tướng quân quét sạch mạc nam, tất nhiên xét về một mặt thì biên cương Hán đình được bình an, mặt khác cũng là mở ra con đường thông suốt giữa Hán đình với Tây Vực. Từ đây Lâu Lan đã càng thêm tràn ngập nguy hiểm. Mai này nếu có một ngày Lâu Lan lâm nguy, tôi cũng có thể giúp một tay.”

“Cậu cảm thấy Hán đình sẽ tiến đánh Lâu Lan ư?”

“Tôi không biết…” Tử Thanh cau mày lắc đầu, “Là Hán đình cũng vậy, Hung Nô cũng thế, Lâu Lan bị thâu tóm e là chuyện sớm hay muộn.”

“Cậu là người Hán, chả lẽ muốn chết theo Lâu Lan ư?”

“Tôi là hậu nhân Mặc gia.”

Tử Thanh nhìn chàng, bình tĩnh nói.

Mặc nhân, ma đỉnh phóng chủng, lợi thiên hạ vi chi; dĩ cừu hạt vi y, dĩ kỳ kiểu vi phục, nhật dạ bất hưu, dĩ tự khổ vi cực, phó thang đạo nhận, tử bất toàn chủng.

(từ đầu đến chân đều trầy trụa, lấy lợi thiên hạ làm đầu; lấy vải thô làm áo, lấy giày rơm làm giày, ngày đêm không nghỉ, lấy chuốc khổ làm đỉnh điểm, có chết cũng không lùi gót)

Hoắc Khứ Bệnh bình tĩnh nhìn cô, không nhiều lời nữa, trong lòng chàng đã sớm biết, niềm tin mà cậu thiếu niên trước mặt kiên cường giữ lấy kia, chàng không thể có khả năng dao động.