Tá Áo Học Sinh

Chương 13




Bốn giờ chiều.

Trước vườn hoa của nhà Đơn Lập Vĩ, một con bướm vàng đang bay lượn, Đinh Đinh và Y Lam đang đuổi theo nhau, Đinh Đinh cười ha ha, lớn tiếng gọi Y Lam: “Chị Y Lam, chị không đuổi kịp em đâu, chị không đuổi kịp em đâu!” Nhưng Y Lam đã lập tức túm lấy cánh tay cậu bé, Đinh Đinh cười nghiêng ngả, ngã hẳn vào lòng Y Lam.

Xe của đài truyền hình dừng trước cửa nhà Đơn Lập Vĩ, người quay phim nhảy xuống xe, kịp thời quay được cảnh vừa rồi, thế nhưng nụ cười của Y Lam lại đông cứng lại trong khoảng khắc cô quay đầu lại.

“Tiếp tục đi!” Đạo diễn hét lên, “Cháu cứ làm như khi nãy, rất tốt.”

“Đinh Đinh mệt rồi.” Y Lam ôm Đinh Đinh nói: “Nó phải học đàn.”

“Bọn họ là ai vậy?” Đinh Đinh hiếu kỳ hỏi.

“Là các cô chú ở đài truyền hình”, Y Lam nịnh cậu, “Em chơi đàn thật hay vào, họ sẽ quay em đấy.”

“Vâng ạ.” Đinh Đinh vui vẻ chạy vào trong phòng, vừa chạy vừa quay đầu lại hỏi Y Lam, “Chị ơi, giờ chúng ta đánh bài gì nhỉ?”

“Ca khúc ánh trăng” chị dạy lần trước, em có còn nhớ không?”

“Một chút thôi ạ.” Đinh Đnh ngại ngùng gãi gãi đầu.

Y Lam lấy ngón tay gí vào trán cậu biểu thị sự chê trách.

Hai người ngồi xuống trước cây đàn, âm nhạc du dương toát ra dưới ngón tay thanh mảnh của Y Lam, Đinh Đinh dựa vào Y Lam chăm chú lắng nghe. Đơn Lập Vĩ tiến vào cửa, nhìn thấy phóng viên của đài truyền hình, liền ngẩn người. Đạo diễn giơ một ngón tay lên, ra hiệu cho anh đừng lên tiếng.

Đến tận khi quay xong anh mới đi xuống, hỏi Đinh Đinh: “Thế nào, hôm nay học gì với chị Y Lam?”

“Con được lên tivi đấy.” Đinh Đinh nói, “Cô trong đài truyền hình nói sẽ đưa con lên tivi bố ạ.”

“Chú Đơn, thật đã làm phiền quá.” Y Lam ngại ngùng nói, “Cám ơn chú!”

“Không cần khách sáo.” Đơn Lập Vĩ nói, “Chúc cháu giành được giải nhất trong cuộc thi của tỉnh. Có phải là sắp thi rồi không?”

“Còn một tuần nữa ạ.” Y Lam nói, “Phải rồi, ngày mai mẹ cháu sẽ làm phẫu thuật.”

“Cho tôi gửi lời hỏi thăm đến cô giáo Chương.” Đơn Lập Vĩ khách sáo nói, “Chúc cô giáo sớm khoẻ mạnh.”

“Anh Đơn!” đạo diễn hét to từ phía bên kia, “Khung cảnh của anh ở đây thật tốt, chúng tôi có thể mượn vườn của anh để quay cảnh phỏng vấn Y Lam được không?”

Đơn Lập Vĩ mỉm cười, nói: “Xin cứ tự nhiên.” Rồi liền dặn chị La mang ghế đến.

“Thật làm phiền chú quá.” Y Lam ngại ngùng nói.

“Đâu có, đó là niềm vinh hạnh của tôi.” Đơn Lập Vĩ cười nói.

Đạo diễn gọi Y Lam ra ngoài, bảo cô và người dẫn chương trình cùng ngồi ngoài vườn, Đinh Đinh cứ muốn ngồi cạnh Y Lam, Đơn Lập Vĩ mãi mới giữ được cậu, chị La doạ có khủng long mất năm phút nữa thì mới kéo được cậu đi ra xa được, Đơn Lập Vĩ áy náy nói: “các vị bắt đầu đi, tôi ở trên lầu, có chuyện gì cứ gọi tôi.”

“Cần hỏi những gì ạ?” Y Lam ngồi xuống, lo lắng hỏi người dẫn chương trình.

Người dẫn chương trình rất xinh, hơi giống cô Vương Tiểu Nha của đài truyền hình Trung ương, cô nở nụ cười ngọt ngào với Y Lam, nói: “Em không phải lo gì đâu, chị hỏi gì em cứ trả lời nấy, giống như chúng ta đang trò chuyện thôi, được chứ?”

“Bắt đầu!” Đạo diễn nói, “Giờ ánh sáng vừa vặn, trời tối thì sẽ khó quay đấy.”

Người dẫn chương trình rất chuyên nghiệp, chỉ nhìn thấy dáng ngồi thẳng người của cô ấy, rồi nhanh chóng vào đề: “Chào các bạn đang xem truyền hình, hoan nghênh các bạn tiếp tục xem chương trình của chúng tôi, trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới các bạn cô gái 17 tuổi Y Lam, tin rằng qua đoạn phim ngắn vừa rồi, mọi ngưới có thể hiểu đôi chút về cuộc sống của Y Lam, cô ấy xinh đẹp, lương thiện, đàn hay, nhảy đẹp. Nhưng cô gái này lại có một cuộc đời vô cùng trắc trở, từ nhỏ cô đã bị mồ côi cha mẹ, lớn lên trong cô nhi viện, lúc 9 tuổi được một cô họ Chương nhận nuôi, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, nhưng không ngờ cô Chương không may mắc bệnh ung thư. May thay, khi phải đối diện với sự trắc trở khó khăn trong số phận, Y Lam chưa bao giờ khuất phục, vẫn rất kiên cường, dũng cảm, khiến ta vô cùng cảm phục. Hiện giờ, Y Lam đang ngồi ngay cạnh tôi, qua cuộc trò chuyện của chúng tôi, hy vọng ta sẽ hiểu thêm về cô thiếu nữ đặc biệt này, Y Lam, chào em, em hãy gửi lời chào đến tất cả mọi người.”

“Chào các bạn.” Y Lam gượng gạo nói khi phải đối diện với ống kính máy quay.

“Dừng.” Đạo diễn hô, “Y Lam, thái độ của cháu thế không được, cần phải tự nhiên hơn, quay lại.”

Một câu “Chào các bạn” phải nói tới năm lần, cuối cùng cũng được chấp nhận. Người dẫn chương trình cười với Y Lam: “Y Lam, chị nghĩ, rất nhiều bạn xem truyền hình đều muốn biết tâm trạng của em lúc này ra sao, em có thể nói với chúng tôi, điều mong muốn nhất lúc này của em là gì không?”

Y Lam thầm nghĩ, đúng là thừa thãi, nhưng miệng cô vẫn thật thà trả lời:

“Em mong mẹ em sớm bình phục.”

“Đối với em, gia đình có ý nghĩa như thế nào?”

Y Lam bỗng không biết nên trả lời như thế nào.

Người dẫn chương trình gọi ý cho cô: “Khi 8 tuổi em đã mồ côi cha mẹ, rồi ở cô nhi viện gần một năm, khó khăn lắm em mới có một gia đình, bây giờ lại phải đối diện với nguy cơ mất đi người thân, em có sợ không?”

“Em sợ.” Y Lam nói.

“Sợ gì vậy?” Người dẫn chương trình cứ nhích thêm từng bước. Y Lam cảm thấy mình sắp bị nghẹt thở. Tất cả mọi người đều nhìn Y Lam, có lẽ là hy vọng cô khóc vài giọt nước mắt mới được.

“Em sợ sẽ mất đi gia đình. Không có gia đình là điều vô cùng đáng sợ.” Y Lam vẫn cố ngăn giọt nước mắt, nói.

Người dẫn chương trình có vẻ cũng tạm hài lòng, và tiếp tục hỏi; “Theo như chúng tôi biết khi cô giáo Chương nhận nuôi em, em chưa đầy 9 tuổi, trong tám năm nay, kỷ niệm khó quên nhất giữa hai mẹ con em là gì? Em có thể kể cho bạn xem truyền hình được không?”

“Chọn lựa kỷ niệm xúc động nhất.” Đạo diễn đứng cạnh thấp giọng nhắc.

“Mẹ luyện đàn, luyện nhảy cho em, hy vọng em thành tài.” Y Lam nói, “Mẹ đã hy sinh rất nhiều.”

“Khô không khốc ấy, kể một kỷ niệm cụ thể.” Đạo diễn chau mày, rõ ràng bà ta không hài lòng.

Y Lam cảm thấy mình thực sự không thể gắng gượng được nữa, nhưng sự lựa chọn duy nhất vẫn chỉ là cố gắng hết sức kể tiếp: “Có một hôm em bị ốm, sốt cao, bệnh viện huyện ở rất xa, lại không bắt được taxi, mẹ đã cõng em suốt chặng đường, chạy đến bệnh viện, bác sĩ nói, nếu đến muộn một lúc nữa thì em sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.”

“Em có cảm nhận được rằng cuộc sống của em và mẹ đã hoà vào làm một, không thể rời xa được không?”

“Vâng, đúng thế ạ.” Y Lam nói.

“Em có bao giờ nghĩ đến, ngộ nhỡ, chị nói là em ngộ nhỡ mẹ em có xảy ra chuyện gì thì em sẽ làm thế nào?”

“Mẹ em sẽ không xảy ra chuyện gì cả đâu.” Y Lam nói.

“Đúng thế.” Người dẫn chương trình mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng cũng vẫn bị câu trả lời của Y Lam làm cho ngượng ngùng, vội vàng nói khéo: “Chúng ta cũng tin rằng, người tốt ắt sẽ gặp may mắn, mẹ Y Lam lương thiện tốt bụng như vậy, nhất định sẽ vượt qua được cửa ải khó khăn này, đồng thời, chúng tôi cũng rất hy vọng những người lương thiện trong xã hội có thể đưa bàn tay nhân ái ra giúp đỡ hai mẹ con cô gái đáng thương này, để lòng yêu thương của chúng ta được tiếp nối mãi mãi.

Y Lam thở dài một cái, vốn tưởng như vậy là có thể kết thúc, không ngờ đạo diễn lại xua tay, nói: “Không được, bắt đầu lại. Phải hỏi sâu hơn nữa, nỗi khổ cực tuổi thơ, sự khao khát về một mái ấm gia đình, vẫn còn chưa sâu sắc đến độ cần thiết, phải làm cho người xem cảm động, nảy sinh sự đồng cảm mãnh liệt, không đủ xúc động thì không được đâu!’

“Vậy thì,” Người dẫn chương trình nhìn Y Lam nói, “Chúng ta làm lại lần nữa, nói đến những điều xúc động, đừng sợ khóc, muốn khóc thì cứ khóc, được không nào?”

Y Lam vội đứng lên, nói: “Em xin lỗi, em không được khoẻ, em không muốn quay tiếp nữa.”

“Cháu hãy suy nghĩ cho kỹ.” Giọng của đạo diễn đã có hàm ý uy hiếp, “Bao nhiêu người chúng tôi từ tỉnh đến đây, bận rộn suốt bao ngày, rốt cuộc là vì cái gì chứ?”

Y Lam đứng đờ tại đó.

“Được rồi, ngoan nào, quay sắp xong rồi.” Người dẫn chương trình đứng lên, vỗ vỗ vai, dỗ cô: “Em hãy nghĩ một chút nào, mẹ em đang nằm trong bệnh viện, rất cần sự giúp đỡ của em, cần sự giúp đỡ của toàn xã hội, em không thể tuỳ tiện làm theo ý mình được.”

Lời của người dẫn chương trình làm cho Y Lam cảm thấy tuyệt vọng, cô đành ngồi xuống ghế.

“Hãy thả lỏng một chút.” Giọng đạo diễn cũng mềm xuống, “Bắt đầu hỏi lại từ cảm giác về gia đình, chú ý nhất định phải thiên về tình cảm, chúng ta làm lại một lần nữa.”

Người dẫn chương trình lại đối diện với Y Lam một lần nữa: “Khi em 8 tuổi đã bị mồ côi cha mẹ, rồi ở cô nhi viện gần một năm, khó khăn lắm em mới có một gia đình, bây giờ lại phải đối diện với nguy cơ mất đi người thân, em có thể cho chúng tôi biết, đối với em, gia đình có ý nghĩa như thế nào không?”

“Không còn bị lưu lạc nữa,” Y Lam nói xong, nước mắt đã không thể kìm nổi, lã chã rơi xuống. Cô không biết vì sao mình lại buồn đến như vậy, nhưng thật sự trong lòng cô rất buồn, rất rất buồn.

Giống như thể một ngọn núi chèn vào trái tim, không khóc cũng không được.

Cứ như vậy, Y Lam gần như khóc suốt buổi phỏng vấn, mặt trời sắp lặn, chỉ còn chiếu xuống trái đất chút ráng chiều, mọi người trong đài truyền hình hài lòng thu dọn đồ nghề, trước khi lên xe, đạo diễn nói với Y Lam: “Trước khi phát, cô sẽ thông báo cho cháu, cháu yên tâm đi, tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết.”

“Vâng.” Lẽ ra phải nói lời cám ơn, nhưng Y Lam lại không thể mở miệng nói ra được.

“Lên xe đi, chúng tôi sẽ đưa cháu vào thành phố.”

“Không cần đâu ạ.” Y Lam nói, “Cháu muốn tự đi.”

Nhìn thấy xe của đài truyền hình đã chuyển bánh, Y Lam cũng định rời khỏi đó. Bỗng đằng sau vang lên giọng nói của Đơn Lập Vĩ: “Ăn bữa cơm tối xong rồi hãy đi, tôi đưa cháu đến bệnh viện.”

“Không cần đâu ạ.” Y Lam nói mà không ngoảng lại.

“Sao thế?” Đơn Lập Vĩ hỏi: “Cháu không sao chứ?”

“Cháu nói không cần!” Y Lam quay người lại hét lên, nước mắt lại trào ra ướt đầm khuôn mắt. Y Lam lấy ống tay áo lau, nhưng không thể nào lau cho khô được, nước mắt cứ thế trào ra như nước triều dâng.

Đơn Lập Vĩ rõ ràng vô cùng kinh ngạc, anh kéo Y Lam lại, cố ý nói giọng thoải mái: “Sắp được làm ngôi sao nổi tiếng rồi, còn khóc gì nửa. Đi nào, có chuyện gì thì vào nhà nói.”

Y Lam cố vùng thoát, tự mình đi ra ngoài.

Đây là con đường rất dài, tường chừng như dài vô tận, trời bắt đầu tối dần, Y Lam cúi đầu, bước đi vội vàng, ngoài việc bước đi, cô chẳng còn sự lựa chọn nào nữa cả. Đợi đến khi cô dừng lại, cô chợt nhận ra mình đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi mà cô chưa từng đến bao giờ, bốn phía đều là những cảnh vật lạ lẫm, cô thực sự mất phương hướng.

Trong lúc hoảng loạn, cô quay đầu lại và nhìn thấy một chiếc xe quen thuộc.

Anh ta xuống xe, mỉm cười nói với cô: “Cuối cùng cháu cũng chịu dừng lại rồi, có mệt không?”

Y Lam kinh hãi, thì ra Đơn Lập Vĩ luôn bám theo cô.

Đơn Lập Vĩ hỏi: “Họ đã làm cháu bị tổn thương, đúng không?”

Y Lam kinh ngạc ngẩng đầu.

“Tôi đang nói đến những người ở đài truyền hình.” Đơn Lập Vĩ nói thẳng luôn, “Có phải họ khiến cháu không vui? Nếu không vui thì đừng quay nữa.”

“Liệu có thể được sao?” Y Lam xót xa nói, “Cháu chỉ là một con rối gỗ, nằm trong tay người khác, cháu có thể làm chủ chính mình sao?”

Đơn Lập Vĩ lạnh lùng trả lời: “Nhưng trên thực tế, chẳng ai có thể thay thế người khác làm chủ chính họ được.”

Y Lam kinh hãi.

Đơn Lập Vĩ gật đầu với cô, nói: “Đi thôi, có chuyện gì thì chúng ta cứ về rồi hãy nói. Có một số việc nếu ta không muốn làm thì đừng làm nữa là xong.”

“Cháu muốn cứu mẹ!” Y Lam không kìm lòng được, hét to lên, “Mẹ nằm ở bệnh viện, cháu nhất định phải cứu mẹ! Vì điều này, cháu không thể suy xét được tới bất cứ điều gì nữa, cả quá khứ của cháu, những điều riêng tư của cháu, sự tự tôn của cháu, tất cả những thứ đó đều không đáng giá một xu, chú có biết hay không?”

Đơn Lập Vĩ bước lên trước một bước, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay trái đang vung lên đầy kích động của Y Lam, nói: “Đừng kích động, Y Lam, mọi việc rồi sẽ qua cả thôi, chú đảm bảo với cháu, đã được chưa nào?”

Sự ấm áp của bàn tay truyền tới khiến Y Lam ngây ngất, cô mở to mắt, cuối cùng cô lao vào lòng Đơn Lập Vĩ khóc nghẹn ngào.