Ta Sống Lại Sau Khi Ở Góa

Chương 101




Năm đã qua, nhưng đêm tháng giêng và tháng chạp vẫn không khác gì nhau, trời lạnh buốt.

Trần Kính Tông khoác chăn, sau đó ôm Hoa Dương vào lòng.

Như vậy không cần lo nàng sẽ bị lạnh, không nhìn thấy mặt nhau, cũng không sợ ngửi thấy hơi rượu mình thở ra.

Hắn hôn nhẹ lên gáy nàng.

Chăn gấm trượt xuống theo bả vai rắn chắc của hắn, cứ trượt xuống, Trần Kính Tông lại kéo lên, đến khi không thể phân tâm để ý đến nó được nữa mới thôi.

Đèn đồng đặt bên cạnh, ánh sáng dìu dịu soi sáng làn sương trắng hai người thở ra, mùi rượu nhàn nhạt tràn ngập trong màn sa, sa mỏng nhẹ nhàng lắc lư, dường như nó cũng say theo.

Đến khi đường phố xa xa truyền đến tiếng gõ canh hai, cuối cùng Trần Kính Tông mới nhấc chăn lên, ôm Công chúa vào lòng.

Nhịp tim của hắn như nổi trống, nhịp trống xuyên qua lưng Hoa Dương, hòa với nhịp tim của nàng.

Tựa như sau một một trận bão táp, chỉ còn lại bình tĩnh và yên lòng.

Mặc dù nàng đưa lưng về phía Trần Kính Tông, Hoa Dương vẫn có thể ngửi thấy mùi rượu hắn thở ra, nàng đã từng rất ghét bỏ, lúc này lại như đã quen, không quá để ý đến.

Nàng muốn nói chuyện, vừa mở miệng thấy giọng nói khàn khàn thì hơi giật mình, không đợi nàng nhắc nhở, Trần Kính Tông tự giác đứng lên, khoác thêm trung y đi rót nước cho nàng.

Hoa Dương kéo chặt chăn hơn, xoay người, nhìn Trần Kính Tông thận trọng nhấc bình nước lên, sau khi đổ xong lại đi tới bên này.

Khi hắn tiến vào màn lụa, Hoa Dương có thể thấy rõ khuôn mặt anh tuấn đầy thỏa mãn của hắn, đôi mắt đó không hề say nào.

"Sao lại nhìn ta như thế vậy?" Trần Kính Tông ngồi xuống, vừa đưa chén trà tới trước mặt nàng, vừa nhìn nàng hỏi.

Hoa Dương uống nước trước, cổ họng thoải mái rồi, nàng mới nằm xuống, hỏi hắn: "Lúc ở trong xe, dáng vẻ say khướt mệt mỏi của chàng đều là giả vờ cả phải không?"

Trần Kính Tông chỉ cười không đáp.

Hoa Dương lườm hắn, nói: "Chàng cứ đắc ý đi, lần sau chàng say bất tỉnh cũng đừng mơ ta sẽ mềm lòng."

Trần Kính Tông: "Lần sau lại nói, ít nhất đêm nay ta cũng ăn đủ ngon ngọt rồi."

Hoa Dương không thèm để ý đến hắn nữa.

Trần Kính Tông đi thu dọn đồ đạc, lau lại cho nàng một lần nữa, làm xong hắn mới chui vào ổ chăn, tiếp tục ôm nàng vào lòng.

Hoa Dương dán vào lồng ngực ấm áp của hắn, nhanh chóng ngủ thiếp đi.

Công chúa ngủ rồi, cơ thể vô thức thả lỏng, mềm mại hơn bao giờ hết.

Trần Kính Tông hôn lên tóc nàng.

Mười lăm tháng giêng, dân gian có hội đèn lồng, trong cung cũng có hội đèn lồng, lần này mở tiệc chiêu đãi chỉ mời hoàng thân quốc thích.

Sau giờ ngọ, Hoa Dương tiến cung, Trần Kính Tông cũng phải đi theo nàng, Hoa Dương làm theo lời hứa lúc trước, đến Quan Hạc Đường đón Uyển Nghi.

Trần Bá Tông, Du Thanh Tú đều ở đây.

Du Tú nhìn nữ nhi ăn mặc xinh đẹp, nói với Hoa Dương: "Uyển Nghi được người yêu thích, tuổi còn nhỏ đã có thể vào cung thăm thú, ngay cả mẫu thân cũng nói trong đám trẻ nhà này, nó là có phúc nhất."

Hoa Dương cười nói: "Lát nữa phụ thân và mẫu thân cũng phải vào cung, cho dù ta không mang theo Uyển Nghi, nó cũng có thể đi theo mẫu thân mà."

Uyển Nghi: "Nhưng đêm nay tổ phụ tổ mẫu có thể vào cung ngắm đèn, cũng là vì nhờ phúc của Tứ thẩm."

Trần Kính Tông: "Đó là nhờ phúc của ta, nếu không phải ta tuấn tú đẹp trai trở thành Phò mã, bọn họ có thể kết thông gia với Hoàng Thượng, Nương Nương sao?"

Khóe mắt Trần Bá Tông giật giật.

Du Tú xấu hổ thay tiểu thúc, thấp thỏm nhìn về phía Công chúa.

Hoa Dương nắm tay Uyển Nghi: "Chúng ta đi trước, để hắn cưỡi ngựa theo xe, dù sao da mặt của hắn dày như tường thành vậy, cũng không sợ bị gió thổi đâu con."

Uyển Nghi cười nhìn Tứ thúc, đi trước cùng với Tứ thẩm Công chúa.

Trần Bá Tông dùng ánh mắt cảnh cáo đệ đệ phải giữ thể diện.

Trần Kính Tông làm như không thấy, gật đầu chào đại tẩu rồi cũng xoay người rời đi.

Du Tú đứng ở cửa nhìn ba người đi xa, nhớ lại lời vừa rồi của tiểu thúc, nàng cười nói với trượng phu: "Bình thường chắc chắn Công chúa đối xử với tứ đệ rất tốt, nếu không tứ đệ sẽ không dám đùa giỡn như vậy đâu."

Trần Bá Tông: "Tốt hay không tốt thì cũng vậy, miệng hắn có bao giờ biết kiêng kị gì đâu."

Đêm nay trong cung mở tiệc chiêu đãi, người được mời tới đều là hoàng thân quốc thích, cũng không tách ra mà ngồi hết ở Ngự Hoa viên nghe hí kịch.

Nhưng chỗ ngồi cũng sắp xếp theo mức độ thân thiết, người có thể ngồi ở bên cạnh Cảnh Thuận Đế và Thích hoàng hậu đều là những Phi tần được sủng ái và huyết mạch hoàng gia, ngay cả Phò mã Trần Kính Tông cũng ngồi cách Hoa Dương một đoạn.

Nhi tử của Nam Khang Công chúa, Đôn ca nhi đến hôm nay đã tròn năm tháng tuổi, cơ thể mập mạp, khuôn mặt nhỏ nhắn hồng hào rất đáng yêu, nhất là đôi mắt to tròn lanh lợi.

Mặc dù Cảnh Thuận Đế là cửu ngũ chí tôn, nhưng ông cũng là người phàm, bây giờ con cái lớn hết rồi, ông chỉ có thể ôm cháu trai âu yếm.

Tuy Cảnh Thuận Đế không vừa mắt Mạnh Diên Khánh, nhưng ông ta lại rất thích đứa cháu ngoại vừa mới sinh ra này, bây giờ còn tự tay ôm cháu vào trong ngực.

Lâm quý phi cười hỏi: "Hoàng thượng cảm thấy Đôn ca nhi giống ai? Ta nói giống Diên Khánh, Nam Khang lại nói là giống nó."

Cảnh Thuận Đế chăm chú quan sát cháu ngoại một hồi, có chút bùi ngùi nói: "Người ta thường nói cháu ngoại giống cữu cữu, lời này quả thật có chút đạo lý, trẫm nhìn mặt mũi Đôn ca nhi, đúng là giống y đúc Dự Vương hồi còn bé."

Dự Vương là đứa con trai đầu tiên của Cảnh Thuận Đế, sự yêu thích của Cảnh Thuận Đế đối với Dự Vương đương nhiên không tầm thường, hơn nữa lúc Dự Vương sinh ra, Thích hoàng hậu còn chưa tiến cung, Lâm quý phi đang còn thịnh sủng, nếu như không phải sợ sắc phong Dự Vương đang còn nhỏ thành Thái tử sẽ mang tới điềm hung thì lúc ấy có lẽ Cảnh Thuận Đế đã sắc phong Dự Vương rồi.

Mới sinh ra không vội sắc phong, sau đó cũng không vội, đợi đứa nhỏ lớn hơn một chút rồi nói sau.

Sau đó Thích hoàng hậu tiến cung.

Cảnh Thuận Đế nhìn thấy Thích hoàng hậu không khác gì tiên nữ, sủng ái vô cùng, Thích hoàng hậu vừa mới mang thai, ông liền phong bà làm Hoàng hậu, cho dù thai đầu của Thích hoàng hậu là nữ nhi, Cảnh Thuận Đế cũng không hề thất vọng, sủng ái nữ nhi Hoa Dương như minh châu. Lúc này, cho dù các đại thần đều đề nghị Cảnh Thuận Đế sắc phong Dự Vương đã bắt đầu đi học làm Thái tử, Cảnh Thuận Đế cũng không nỡ khiến Thích hoàng hậu phải chịu ấm ức.

Nhưng sau khi Thích hoàng hậu sinh Hoa Dương ra, mấy năm liền bụng không hề động tĩnh, trước khi tiểu Thái tử ra đời, Dự Vương cũng đã mười hai tuổi.

Hàng năm các đại thần đều khuyên bảo hết lời, thật ra mấy năm sau Cảnh Thuận Đế đã bắt đầu dao động.

Vấn đề là, Dự Vương không có chí tiến thủ, đọc sách thì đầu óc không thông minh, luyện võ thì không chịu được khổ.

Cảnh Thuận Đế rất thích nhi tử duy nhất này, nhưng lại hận nó không tranh giành, mỗi lần tâm tình tốt, ông lại gọi Dự Vương tới kiểm tra bài học, không ngờ suýt chút nữa ông lại bị đầu óc bã đậu của Dự Vương làm cho tức chết.

Dự Vương như thế nào, ông ta hiểu rõ hơn ai hết.

Đây chính là điển hình của việc không để tâm vào chính sự, càng như thế, Cảnh Thuận Đế lại càng không muốn sắc phong đứa con trai này, cho dù cuối cùng không có thêm đứa con trai nào khác, ông ta cũng phải rèn luyện thêm tâm tính cho nó đã.

Ngay sau đó, Thích hoàng hậu thuận lợi sinh hạ đứa con trai thứ hai cho Cảnh Thuận Đế.

Mọi người đều cảm thấy bất công, năm đó Dự Vương mới sinh ra, Cảnh Thuận Đế lo lắng con trai phúc bạc không chịu nổi, đến đứa con trai mà Thích hoàng hậu sinh ra, Cảnh Thuận Đế liền quên hết, Thứ tử mới đầy tháng, chiếu thư sắc phong của Cảnh Thuận Đế đã hạ xuống!

Dù sao tiểu Thái tử cũng là con trai trưởng của chính cung, vả lại Thích hoàng hậu cũng nổi danh hiền hậu, đại thần văn võ đều phục, một số ít người muốn phản đối cũng phải kìm xuống.

Tiểu Thái tử cũng không chịu thua kém, lúc ba bốn tuổi đã thể hiện mình thông minh tài trí hơn người, Cảnh Thuận Đế càng chắc chắn với lựa chọn của mình.

Chỉ là, lòng bàn tay mu bàn tay đều là thịt, Cảnh Thuận Đế cũng vô cùng sủng ái Dự Vương, vả lại mấy năm nay Dự Vương biết ý hơn, không phạm phải điều gì ngu ngốc trước mặt Cảnh Thuận Đế, Cảnh Thuận Đế cũng chỉ nhớ về những điểm tốt của hắn. Đêm nay cả nhà hoàng thân đoàn tụ, chỉ thiếu mình Dự Vương, lại nhìn thấy một cháu trai giống Dự Vương quá đỗi, bảo sao Cảnh Thuận Đế không nhớ, không bùi ngùi xúc động cho được?

Lâm quý phi nhân cơ hội đó lau khóe mắt, cúi đầu làm bộ nhớ nhung.

Thích hoàng hậu thấy vậy, dịu dàng nói với Cảnh Thuận Đế: "Dự Vương làm cữu cữu vẫn chưa được gặp Đôn ca nhi, hay là tiết đoan ngọ năm nay, ngài gọi Dự Vương về kinh đi?"

Cảnh Thuận Đế cũng có ý nghĩ này, nhưng ông ta lại quay sang nhìn Trần Đình Giám ngồi ở ghế xa xa.

Lúc này ông ta không chỉ nhìn mỗi Trần Đình Giám mà là nhìn Nội Các, là văn võ cả triều.

Vương gia không có chiếu thư thì không được vào kinh, đây là quy củ các lão tổ tông để lại, chính là vì phòng ngừa các vị vương gia cấu kết với quan kinh thành làm phản.

Nếu đã đề phòng, thân là đế vương, ông ta cũng không thể dễ dàng viết chiếu thư gọi vương gia vào kinh, ngay cả năm đó lão tổ tông băng hà còn cố ý để lại di chiếu, không cho phép vương gia hồi kinh để tang cơ mà.

Để tang còn không được, sao ông ta có thể vì nhớ nhung mà gọi con trai về?

Cảnh Thuận Đế lắc đầu, phủ nhận đề nghị này của Thích hoàng hậu.

Nhưng Hoa Dương nhìn ra được, Phụ hoàng cực kì nhớ Dự Vương.

Hoa Dương biết lúc này Dự Vương đã có tâm làm phản, nếu không lúc Phụ hoàng vừa băng hà, bên hắn đã không có một đám quan viên địa phương tụ tập ủng hộ.

Hoa Dương rất muốn nói chuyện Dự Vương lòng lang dạ thú với Phụ hoàng, nhưng nàng không có chứng cứ, nàng có thể thể hiện uy phong Công chúa ở trước mặt Tương Vương, những không có nghĩa là có thể nhẹ nhàng thoải mái đưa chứng cứ Dự Vương có ý đồ tạo phản từ xa như vậy đến trước mặt Phụ hoàng được. Trong tay nàng có ba trăm thị vệ, cho dù nàng phái đám người Chu Cát đến đó tìm chứng cứ thì cũng chẳng dễ dàng, nhỡ đâu đánh rắn động cỏ, bên phía Dự Vương bắt được người của nàng, cắn ngược lại nàng một cái thì sao.

Đúng là Phụ hoàng rất sủng ái nàng, nhưng điều kiện sủng ái cũng là Hoa Dương chỉ là một nữ nhi nhu thuận hiểu chuyện, một khi liên quan đến quốc sự, một khi khiến Phụ hoàng nghi ngờ nàng muốn hãm hại Dự Vương, thậm chí là nghi ngờ nàng, Mẫu hậu và Thái tử muốn phối hợp với nhau làm gì đó thì hậu quả thật sự rất nghiêm trọng, Hoa Dương không chịu nổi.

Hoa Dương chỉ có thể tìm cớ tiết lộ chuyện này với cha chồng, để cha chồng phòng ngừa chu đáo.

Nhưng bên cạnh Phụ hoàng còn có Cẩm Y Vệ, nếu cha chồng cầm đầu Nội Các làm gì đó cũng không thể qua mắt Cẩm Y Vệ được.

Hoa Dương sợ hành động thiếu suy nghĩ của mình liên lụy đến Mẫu hậu và Thái tử, cũng sợ sẽ liên lụy đến cha chồng.

Đủ mọi lý do, Hoa Dương không thể làm gì Dự Vương, cách duy nhất có thể ngăn Dự Vương tạo phản chính là khiến Phụ hoàng sống thật khỏe mạnh.

Có người thích nghe kịch, có người thích ngắm đèn.

Hoa Dương nghe xong một vở liền lấy lý do ngắm đèn rời tiệc, bên cạnh chỉ mang theo hai nha hoàn Triều Vân, Triều Nguyệt.

Trong ngự hoa viên có rất nhiều thủy cảnh, chỉ là trời lạnh, vào mùa đông mặt nước đều đóng băng.

Buổi sáng, Hoa Dương đã nhân cơ hội dạo chơi nhìn rõ chỗ nào là mặt băng mỏng nhất, lúc này nàng mang theo hai nha hoàn đi lòng vòng, cuối cùng đi tới bên cạnh một hồ cá.

Trên cây bên hồ treo mấy ngọn đèn hoa đăng.

Hoa Dương ngồi trên ghế, nói với Triều Vân: "Bên này cảnh trí đẹp, ngươi đi gọi Phò mã tới đây ngắm đèn với ta."

Triều Vân cười rời đi.

Triều Nguyệt nhìn chung quanh, chỉ cảm thấy bên này yên lặng tịch mịch, đoạn đường tới đây có chỗ đẹp hơn nhiều.

Nhưng nàng chỉ thầm nghĩ trong lòng, không dám nghi ngờ lựa chọn của Công chúa.

"Đã lâu không chơi băng rồi, ta đi dạo trên mặt băng một chút."

Ngồi một lúc, Hoa Dương đột nhiên đứng lên, đi về phía mặt băng.

Triều Nguyệt vội vàng giữ chủ tử lại: "Công chúa, băng bên này mỏng, nếu người thật sự muốn chơi thì chúng ta sang chỗ khác chơi!"

Buổi chiều nàng theo Công chúa tiến cung, Công chúa chú ý tới, đương nhiên nàng cũng chú ý tới.

Hoa Dương: "Nơi khác nhiều người, thứ ta thích chính là sự yên tĩnh ở đây."

Chuyện nàng kiên trì, Triều Nguyệt sao có thể ngăn được, đành phải đỡ tay Công chúa cùng giẫm lên mặt băng

Lúc đầu Hoa Dương chỉ đi tới đi lui ở rìa, giày thêu đế dày giẫm lên mặt băng, phát ra tiếng thùng thùng trầm đục.

Cho dù nàng ở đâu, Triều Nguyệt cũng không dám rời đi nửa bước.

Hoa Dương liếc nhìn tay Triều Nguyệt, có chút không đành lòng.

Phụ hoàng tuyển tú cũng có quy luật, mỗi lần đều đợi qua tiết Nguyên Tiêu mới hạ chỉ, các tú nữ vào kinh phải mất một tháng, lại ở trong cung học quy củ một tháng, đến lúc được đưa tới trước mặt Phụ hoàng thì vừa hay xuân về hoa nở, người còn đẹp hơn hoa.

Chỉ cần nàng ngăn cản lần tuyển tú này của Phụ hoàng, trong cung không có mỹ nhân mới, Phụ hoàng cũng sẽ tiết chế hơn.

Về sau như thế nào thì nàng không quản được, việc cấp bách của Hoa Dương lúc này là phá tử kiếp tháng năm năm nay của Phụ hoàng!

Phụ hoàng khoan dung, chỉ cần nàng không có gì đáng ngại, ngài cũng sẽ không phạt nặng Triều Vân và Triều Nguyệt.

Xa xa, Triều Vân cầm đèn lồng, Trần Kính Tông đi ở phía sau nàng.

Hồ cá chia làm hai bờ, ở giữa có một cây cầu đá bắc qua.

Trần Kính Tông vẫn còn cách đầu cầu bên này mấy trượng, xuyên qua cành cây khô héo, hắn nhìn thấy Hoa Dương và Triều Nguyệt đứng ở trên mặt băng.

Hoa Dương khoác một chiếc áo choàng lông cáo màu đỏ hải đường, dường như nàng rất không thích Triều Nguyệt đi theo, chạy mấy bước trên mặt băng.

Lúc nàng xoay người, ánh mắt hai người chạm vào nhau.

Trần Kính Tông còn đang lo không biết mặt băng ở đó có đủ rắn chắc không, hắn đã thấy Hoa Dương cười với hắn.

Tuy hai người từng có vô số đêm thân mật, nhưng Công chúa cao quý kiêu ngạo rất ít khi cười tươi với hắn, nụ cười thường thấy nhất là nụ cười châm chọc lúc đấu võ mồm.

Mà nụ cười của nàng đêm nay, còn tươi sáng hơn cả đèn trên cây, sáng hơn cả mặt trăng trên bầu trời.

Giây phút Trần Kính Tông thất thần, biến cố đột nhiên xảy ra.

Mặt băng vỡ tan, Công chúa rơi xuống.

Triều Nguyệt nhào tới, cũng cùng rơi xuống với Công chúa.

Đèn trong tay Triều Vân rơi xuống.

Trước khi tiếng kêu sợ hãi của nàng xuyên thấu đêm đen, Trần Kính Tông đã lao đi.

Hoa Dương rất lạnh, từ nhỏ đến lớn, nàng chưa từng bị lạnh đến như vậy.

Nước trộn lẫn với băng vụn bao phủ lấy người nàng, trước mắt nàng hiện lên ba gian linh đường treo đầy cờ trắng, hiện lên cảnh tượng đám người Trần Hiếu Tông bị đày đến biên cương trong một ngày đầy tuyết.

Ngay sau đó, bên hông siết chặt, nàng được người ta đưa ra khỏi mặt nước.

Những hình ảnh kia đều biến mất, hai hàm răng nàng run lên đánh vào nhau, mặt Trần Kính Tông đầy nước đá, còn đen hơn cả lúc biết nàng bị Tương Vương đùa giỡn.