Ta Vẫn Còn Thương Nhớ, Mà Người Đã Thờ Ơ

Chương 3: Tại sao chúng ta phải đi trốn? (3)




Căn phòng này rất lớn. Trấn thủ Sơn Nam cũng đang ở đây. Còn có một vị nam nhân ngồi sâu bên trong, cách chúng ta một tấm rèm che. Ta đoán chính là vị công tử kia. Chỉ có điều, ta không biết thân thế của hắn hiển hách cỡ nào mà đến cả Trấn thủ Sơn Nam cũng phải cúi đầu trước hắn. Lam Hoà lễ phép báo cáo:

- Bẩm công tử, đúng như người dự đoán. Tứ cô nương đã tự mình đến nhận tội.

Nhận tội cái bà nội nhà ngươi! Ta giận dữ hỏi:

- Tì nữ của ta đâu?

- Đã được thả ra ngay khi Tứ cô nương bước chân vào phủ Trấn thủ. - Hải Triều đáp.

- Ngươi phát hiện ra bắt nhầm người từ khi nào?

- Ngay từ đầu đã biết.

- Vậy tại sao còn bắt Ngân Hạnh đi?

Ta thắc mắc. Hải Triều kênh kiệu hỏi ta:

- Cho hỏi Tứ cô nương có biết trò chơi mèo đuổi chuột không?

- Biết. Cơ mà liên quan gì?

- Liên quan quá đi chứ! Công tử nhà tại hạ cho rằng, cái hay của trò chơi đó không phải là mèo bắt được chuột mà là chuột tự chui vào bẫy, nộp mạng cho mèo.

Ta phẫn uất siết chặt bàn tay. Công tử gì chứ? Ác thú thì có! Hắn dám ngang nhiên vờn ta như mèo vờn chuột! Bổn cô nương hận không thể lột da tróc vẩy hắn!

- Tứ cô nương! Trấn thủ Sơn Nam đang có mặt tại đây, ngươi có điều gì oan ức, mau nói!

Hải Triều nhắc nhở. Trấn thủ Sơn Nam bịa chuyện tào lao, rắp tâm hãm hại ta, ta thực sự không thể cung kính với hắn được. Ta gọi thẳng tên hắn:

- Lam Hoà! Lương tâm của ngươi quẳng cho chó gặm rồi hay sao mà ngươi lại ăn không nói có, đặt điều vu khống bổn cô nương?

Trái ngược với sự giận dữ của ta, Lam Hoà bình thản ghê lắm. Hắn nhã nhặn nói:

- Tứ cô nương! Ngươi hại chết Cù Văn Củ, trong lòng run sợ, nhất thời không dám thừa nhận là chuyện có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, ta khuyên ngươi nên quay đầu là bờ.

- Ngươi đúng là loại đàn ông cặn bã, ăn không được liền đạp đổ. Không gả cho ngươi là quyết định sáng suốt nhất của cuộc đời ta.

Ta tuyên bố. Hải Triều thắc mắc:

- Tứ cô nương! Ngươi nói vậy là có ý gì?

- Còn có ý gì nữa? Trấn thủ Sơn Nam, Lam Hoà công tử đây đã từng tới phủ ta cầu thân ba lần.

Lam Hoà gian xảo chối:

- Tứ cô nương! Ta từ khi nhậm chức liền dốc hết lòng quản việc trong trấn, chăm lo cho cuộc sống của người dân, nào đã có thời gian để ý tới hôn sự của mình. Mong Tứ cô nương bớt ảo tưởng.

- Ngươi lại thích chơi trò mắc bệnh mất trí nhớ hả? Được! Để bổn cô nương nhắc cho ngươi nhớ vậy! Tháng Giêng năm ngoái, ngươi đem ba lợn, bốn dê, năm gà, sáu chó tới phủ ta cầu thân. Đen cho ngươi là ta sợ chó, nghe thấy tiếng sáu con chó sủa ăng ẳng cùng một lúc, ta liền hoảng loạn. Tháng sáu, ngươi thay sáu chó bằng bảy trâu đưa đến phủ ta. Ngặt nỗi, ta đâu có ruộng, cần trâu làm chi? Tháng Chạp, ngươi vẫn không bỏ cuộc, thấy ta trâu chó không ham, ngươi liền đem năm thùng bạc tới phủ ta lấy lòng. Ngươi còn nhớ ta đã nói gì với ngươi không?



- Chuyện Tứ cô nương bịa, ta nhớ sao nổi?

Lam Hoà mặt dày hỏi ta. Ta cười khẩy bảo hắn:

- Ta nói với ngươi rằng ta đã trông thấy ngươi thường xuyên tán tỉnh nữ nhân giỏi thơ ca nhất trấn ta, Phương Tuyền cô nương. Ta nhận lời gả cho ngươi, há chẳng phải là trò cười hay sao? Đúng là ta tham tiền, nhưng ta còn tham tình hơn. Đã là nam nhân của ta, nhất định không được có đôi mắt liếc, đôi lông mày lộn xộn, chiếc mỏ nhọn, cánh môi mỏng và cái mồm nhả ra chữ nào là thấy thum thủm chữ ấy giống như Lam Hoà ngươi, bởi vì sư phụ ta bảo rằng đó là tướng của kẻ lăng nhăng.

Hải Triều chau mày nhận xét:

- Nói Lam Hoà tán tỉnh Phương Tuyền ta còn thấy có lý. Chứ một Trấn thủ như hắn phải cầu thân một thầy bói quèn như ngươi những ba lần, ta cứ thấy sai sai.

- Muốn biết sai hay đúng, ngươi chỉ việc hỏi đại một người trong trấn. Lam Hoà khi tới cầu thân ta khua chiêng gõ trống, bắn pháo hoa làm cháy hơn chục khóm mẫu đơn của ta, người trong trấn ai mà không biết?

- Ta cầu một lý do khiến Lam Hoà phải lòng ngươi.

- Trong một lần truy đuổi tội phạm, Lam Hoà đã va vào ta. Khăn bịt mặt của ta bị rớt xuống đất, hắn tình cờ đã được chiêm ngưỡng dung nhan của ta.

- Nói như ngươi thuộc dạng nghiêng nước nghiêng thành lắm không bằng. Theo hiểu biết của ta về Lam Hoà, hắn chỉ vừa mắt với những cô nương tài hoa hơn người. Đối với những cô nương xinh đẹp nhưng khí chất tầm thường, hắn chắc chắn không có hứng thú.

Ta chẳng buồn tranh luận với Hải Triều, chỉ lẳng lặng tháo khăn bịt mặt rồi khẽ rút chiếc trâm ngọc để mái tóc đen dài bồng bềnh như dòng suối buông xuống. Lam Hoà thẫn thờ nhìn ngắm ta. Hải Triều như bị trúng tà, ánh mắt hắn ngây dại, hai má hắn đỏ bừng. Ta liếc về phía chiếc rèm, trong lòng bất chợt thấy tò mò, chẳng biết vị công tử kia có nhìn rõ ta hay không? Chắc là không. Ta vốn cũng chẳng nhìn rõ gương mặt hắn. Tuy rèm thưa nhưng khoảng cách của bọn ta khá xa, ta chỉ thấy dáng vẻ của hắn thôi. Có vẻ như hắn vừa định đứng dậy, nhưng rồi, lại kiềm được mà ngồi xuống. Liệu hắn có nhìn thấy mái tóc dài thướt tha của ta không nhỉ? Nếu có, liệu hắn có thương hoa tiếc ngọc mà tha cho ta không? Ta đợi mãi nhưng chẳng thấy hắn ra hiệu. Hải Triều hình như bị nhan sắc của ta làm cho u mê luôn rồi, hắn không thèm ngoảnh lại xem ý tứ của chủ nhân, cứ thế hỏi ta:

- Tứ... Tứ cô nương... ngươi nói... ngươi oan uổng. Vậy có bằng chứng không?

Ta dõng dạc nói:

- Hải Triều! Theo như những gì Lam Hoà kể với ngươi thì Cù Văn Củ bị ta hại đêm qua phải không? Điều đó là không thể! Đêm qua, ta ở cùng người họ hàng xa của Văn Củ, đến canh năm mới rời khỏi quán trọ Thảo Linh.

Hải Triều không những không nghi ngờ ta như lúc trước mà ngược lại còn tìm cách giải vây cho ta:

- Vậy chỉ cần tìm được người họ hàng xa đó thì Tứ cô nương sẽ được giải oan phải không?

Ta buồn bã hỏi hắn:

- Tìm sao được? Ta vốn dĩ không biết mặt hắn.

- Tứ cô nương yên tâm. Ta nhất định sẽ điều tra tất cả họ hàng xa của Cù Văn Củ đến từ trấn Hải Đông, nhất định sẽ minh oan cho cô nương.

Ta cười thầm trong bụng. Sư phụ ta nói anh hùng không qua được ải mỹ nhân, quả không sai. Lam Hoà có vẻ không vui cho lắm. Hắn khó chịu quát Hải Triều:

- Hải Triều! Ngươi thế mà lại bị con tiện tì này mê hoặc, mới đó thôi mà đã muốn xoá trọng tội cho ả.

- Lam Hoà! Cớ sao ngươi cứ khăng khăng là ta sát hại Văn Củ? Nếu như hắn đã chết, cớ sao tới bây giờ Thị Chuối vẫn chưa phát tang? Ngươi không thấy vô lý sao?

Ta vừa dứt lời thì Thị Chuối đẩy cửa lao vào trong phòng. Nó gào khóc rồi cao giọng hỏi ta:

- Kẻ sát hại chồng ta còn chưa bị trừng trị, ta phận làm vợ lấy tâm trí đâu mà lo hậu sự?

Ta liếc Thị Chuối. Nó chỉ giỏi gào to chứ làm gì có rặn ra được nước mắt. Ta mỉa mai nó:



- Ngươi nói hay quá ha! Ngộ nhỡ như đây là vụ án khó, mất cả tháng mới bắt được tội phạm thì đến tháng sau chồng ngươi mới được yên nghỉ à? Từ thuở bé tới giờ, ta chưa từng thấy có con vợ nào vô tâm như ngươi!

- Ngươi im miệng!

Thị Chuối quát ta rồi quỳ xuống trước mặt Lam Hoà, khóc lóc giả trân, sụt sịt thưa gửi:

- Bẩm Trấn thủ, đêm qua, chính mắt dân nữ đã nhìn thấy Tứ cô nương đẩy chồng mình ngã xuống ao rồi lạnh lùng bỏ đi. Dân nữ vì không biết bơi nên đã phải chạy đi gọi người cứu chàng. Chỉ tiếc... phúc chàng mỏng. Lúc người ta đến... vớt được chàng lên... chàng đã... đã... rời xa nhân thế. Dân nữ van xin Trấn thủ làm chủ, đòi lại công đạo cho chàng!

- Thị Chuối! Ta và ngươi không thù không oán, hà cớ gì ngươi phải ngậm máu phun người, đổ oan cho ta? Có thật là Cù Văn Củ đã chết không? Hắn đi thật rồi mà ngươi vẫn có tâm trạng để trang điểm hả?

- Ta trang điểm để tiễn chàng lên đường.

- Ngươi chưa phát tang, tiễn tiếc cái gì?

- Thời khắc nào rồi mà ngươi còn có tâm trạng bắt bẻ tiểu tiết? Tóm lại, chồng ta đã bị ngươi hại chết. Ngươi đừng mong thoát tội!

- Ta không tin. Ngươi nói láo! Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Các người vu cáo ta hại Cù Văn Củ thì đem xác của hắn đến đây!

Ta to mồm yêu cầu. Ta cứ đinh ninh rằng Cù Văn Củ vẫn còn sống. Thật không ngờ, Trấn thủ Sơn Nam cho người về nhà Thị Chuối, đưa xác của Văn Củ tới phủ hắn. Khoảng khắc trông thấy Văn Củ, ta thực sự bị choáng váng. Không thể nào! Ta đã từng xem tiểu hạn cho hắn. Năm nay, hắn bị sao La Hầu chiếu mệnh, hiển nhiên không phải năm tốt. Cơ mà, xấu đến nỗi thiệt mạng thì ta không lường trước được. Thật... không thể tin nổi!

Năm xưa, ta từng hỏi sư phụ việc người xem vận mệnh cho người khác có chính xác tuyệt đối hay không. Sư phụ mỉm cười lắc đầu. Ta tò mò hỏi nguyên do, người chẳng giải thích gì cả, chỉ nói đúng ba chữ:

- Thiên, Địa, Nhân.

Ta chưa đủ tầm để hiểu thâm ý của sư phụ. Tuy nhiên, do sợ bị mất mặt với các đồ đệ nên khi bọn chúng hỏi ta đúng cái câu hỏi mà năm xưa ta từng hỏi sư phụ, ta cũng bắt chước người mỉm cười, giả vờ như mình là người có học thức uyên thâm, làm bộ bí hiểm nói:

- Thiên, Địa, Nhân.

Các đệ tử mắt tròn mắt dẹt nhìn ta, ra điều phục ta sát đất. Hồi ấy, tự trong lòng ta thấy hổ thẹn. Hiện tại, ta đã vỡ lẽ ra được một chút ý tứ mà sư phụ muốn truyền đạt. Ngặt nỗi, so với sư phụ, ta vẫn chỉ là một con gà mà thôi. Lam Hoà nở nụ cười đắc thắng. Hắn gằn giọng:

- Tứ cô nương! Ngươi xem cho kỹ đi! Xem ngươi đã ra tay tàn độc như thế nào!

- Ngươi ngậm bà cái miệng thối của ngươi vào đi cho ta nhờ! Ta đã nói rồi, đêm qua, ta không ở cùng Cù Văn Củ, thử hỏi ta ra tay với hắn kiểu gì?

Thị Chuối lớn tiếng chửi ta:

- Ngươi là cái đồ đàn bà ngoa độc, xảo quyệt! Đến nước này rồi mà ngươi còn giảo biện! Ngươi nhìn đi! Đây chẳng phải là chuỗi hạt được làm từ ngọc phỉ thuý, vòng đeo tay của ngươi hay sao?

Quả đúng là vòng đeo tay của ta. Trên đó có bốn hạt ngọc được khắc lần lượt bốn chữ Vô, Ưu, Vô, Tư. Đời này của ta không cầu gì nhiều, chỉ cầu lắm tiền, nhiều của, sư phụ mạnh khoẻ, đồ đệ thành danh, phu quân thuỷ chung, hài tử giỏi giang, phàm là người ta thương đều được an nhiên, còn cuộc đời ta sẽ được thong dong tự tại, vô ưu, vô tư. Ta tuy hơi lươn lẹo, nhưng do sợ nghiệp báo nên chưa từng hại ai. Ấy vậy mà người ta lại nỡ lòng nào hại ta, nhất quyết dồn ta đến đường cùng. Ta rối rít quỳ lạy vị công tử ngồi sau tấm rèm, ấm ức kêu oan:

- Bẩm quan lớn! Mong quan lớn minh xét, tuy chuỗi hạt phỉ thuý là của dân nữ nhưng dân nữ đã làm mất nó lâu rồi, không thể dùng nó để kết tội dân nữ.

Có tiếng đập bàn đánh rầm. Vị công tử kia chắc hẳn rất phẫn nộ. Hắn đâu phải người tặng ta chuỗi hạt, đâu có lý do gì để nổi giận nhỉ? Phải chăng hắn cảm thấy bực bội vì hắn cho rằng ta đang nguỵ biện? Hắn khẽ phẩy tay, Hải Triều miễn cưỡng nói:

- Tứ cô nương phạm tội giết người, nhân chứng, vật chứng đầy đủ. Người đâu! Mau giam Tứ cô nương vào nhà lao, đợi đến giờ Ngọ ngày mai giải ra pháp trường xử tử.

Đấy! Ta đã bị tống vào nhà lao như một trò đùa vậy đấy! Thật sự quá oan uổng a! Nếu sư phụ mà biết, người nhất định sẽ đau lòng lắm. Người chăm chút ta từ thuở lọt lòng, cưng chiều ta hết mực. Năm ta mười lăm tuổi, người ngỏ lời muốn kết duyên với ta. Khi ấy, người mới ba mươi hai tuổi, phong độ ngời ngời. Tuy nhiên, ta vẫn cảm thấy rất khiếp sợ. Bởi lẽ, đối với ta, người không chỉ là sư phụ mà còn là thầy, là bu, là bề trên của ta chứ không phải là người ngang hàng với ta. Cho tới bây giờ, ta vẫn không biết người có thực sự yêu ta không, hay người có cảm tình với ta chỉ đơn giản bởi vì ta giống hệt bu ta, vị sư tỷ mà người đã từng yêu đơn phương nhiều năm. Ta không dám từ chối người đã nuôi dạy mình, cũng không muốn nhận lời làm vợ người đó. Ta đã chạy trốn. Mới đó thôi mà đã bốn năm ta chưa gặp lại sư phụ, cũng có thể, mãi mãi, ta sẽ không được gặp lại người. Không chỉ sư phụ, ngay cả năm đồ đệ và Ngân Hạnh, ta cũng sẽ không được gặp lại họ nữa. Ta buồn khủng khiếp. Ngặt nỗi, nước mắt còn chưa kịp rớt xuống thì ta đã nghe thấy giọng Nhất đồ đệ oang oang:

- Sư phụ! Sư phụ! Nghe Hải Triều báo tin trưa ngày mai người bị giải ra pháp trường nên con mang nắm xôi và nải chuối vào nhà lao cho người đây! Con chúc người lên đường xuống suối vàng thượng lộ bình an. Con mong người sống khôn thác thiêng, mong người luôn nhớ về con, phù hộ độ trì cho con tán được Ngân Hạnh.