Tam Hạ Nam Đường

Chương 6







Dư Hồng thấy Trịnh Ấn đuổi theo, liền lấy chiêng lạc hồn gióng lên. Vua Thái Tổ càng thêm hoảng hốt, té ra coi lại Trịnh Ấn vẫn như thường. Trịnh Ấn lướt tới đập xuống một roi, chiêng lạc hồn gần bể. Dư Hồng thất kinh, xách chiêng chạy dài, không rõ vì cớ gì mà phép hết linh, liền rút cây đao trảm thần phóng lên, hào quang sáng rực. Trịnh Ấn trông thấy cũng hoảng kinh, chẳng ngờ hào quang trên chiếc mão chiếu lên, làm cho đao phép sa xuống đất. Dư Hồng tức mình thấy hào quang trên mão của Trịnh Ấn chiếu ra biết trên mão Trịnh Ấn có bửu bối, liền hốt đậu trong túi vải lên, đọc thần chú hóa ra vài ngàn binh mã bao vây Trịnh Ấn. Trịnh Ấn nhờ mặc giáp tiên nên binh quỉ không dám đến gần. Trịnh Ấn múa roi đánh binh tướng té lăn, hóa ra toàn là đậu đen, đậu đỏ. Dư Hồng ngã lòng muốn trở về, e vua Nam Đường cười chê, nhưng muốn đánh nữa lại sợ không thắng nổi, ngẫm nghĩ một lúc không ra kế. Trịnh Ấn nhớ lời thầy dặn, biết mình không phải đối thủ với Dư Hồng nên tính ra tay trước, liền lấy trái chùy ném vào Dư Hồng. Dư Hồng tránh không khỏi trúng vào chân mày, đau nhức quá sức, gần té xuống hươu, Trịnh Ấn lại quăng bồi một trái chùy nữa Dư Hồng bèn độn thổ về trại, còn con hươu bị chùy đánh ngã xuống đất chết tươi. Trịnh Ấn thấy Dư Hồng độn thổ, liền múa roi trở lại lên yên ngựa trở về nước viện binh. Còn vua Thái Tổ và Miêu quân sư thấy rõ, mừng rỡ vô cùng, biết Trịnh Ấn thế nào cũng viện được binh tướng đến giải cứu. Trịnh Ấn đi hơn mấy ngày mới tới ải Giới Bài, thấy một vị tướng đi có quân hầu rất đông, trên cờ đề chữ Phan, coi lại là cờ Nguyên soái. Trịnh Ấn nghĩ thầm:

- Người này bất quá là một đại tướng mà thôi, lẽ thì phải xuống ngựa chào mình, sao dám làm kiêu, ngồi trên lưng ngựa. Vị tướng này là Phan Nhơn Mỹ thấy Trịnh Ấn tuy nhỏ tuổi mà mặc sắc phục nhà vua, nhìn ra là Trịnh Ấn, nên Nhơn Mỹ liền xuống ngựa hỏi chào:


- Người ngồi trên ngựa đó có phải là con Nhữ Nam vương không? Vì tôi không biết nên thất lễ. Trịnh Ấn thấy Phan Nhơn Mỹ giữ lễ, cũng xuống ngựa chào hỏi, và nói:

- Chú có phải là Phan tướng quân không? Cháu thiệt là Trịnh Ấn, năm trước bị gió thổi lên núi, học võ nghệ tinh thông, nay vâng lệnh tiên ông xuống Thọ Châu cứu giá. Nhờ ơn thiên tử cho thế chức Nhữ Nam vương, nay phá được trùng vây về viện binh ứng tiếp. Phan Nhơn Mỹ nói:

- Như vậy ngài lên yên trước, tôi nối gót theo sau. Hai người dắt nhau vào ải Giới Bài, cùng nhau trà nước. Trịnh Ấn hỏi:

- Chú có rõ Bệ hạ và các quan đang bị vây tại Thọ Châu chăng? Phan Nhơn Mỹ nói:

- Tôi có nghe, nhưng ngặt không chiếu chỉ, lại phải trấn ải địa đầu nên không dám tự tiện mà bỏ đi. Song Bệ hạ và các tướng bị vây đã lâu nên nay tôi định đánh liều dẫn binh đi cứu giá, may gặp ngài về đây vậy thì tôi khỏi đi. Trịnh Ấn nói:

- Tôi đến Biện Lương nhờ giám quốc sai năm nữ tướng ra giải vây cứu chúa, vậy chú giữ ải này cho nghiêm ngặt, đợi binh trào kéo đến sẽ hiệp nhau phá Nam Đường. Phan Nhơn Mỹ tuân lệnh, Trịnh Ấn từ giã ra đi không đầy mấy bữa đã đến Biện Lương. Trịnh Ấn tính nết cũng lỗ mãng như cha, vừa bước vào cửa đã kêu mẹ và đi thẳng vào nhà. Có mấy tên lính mới chưa từng thấy mặt, đón Trịnh Ấn lại nạt lớn:


- Thằng nhỏ này từ đâu đến mà dám đi thẳng vào cung vua? Bọn lính xô Trịnh Ấn ra, may có tên lính già nhận rõ là con Nhữ Nam vương, vội chào hỏi rồi dắt Trịnh Ấn vào cung. Mẹ con mừng rỡ, Trịnh Ấn quỳ lạy kể lại mọi chuyện. Đào Tam Xuân nói:

- Có phải vua đòi mẹ đem quân cứu giá không? Dù vua không nói rõ, bổn phận làm tôi phải xông vào cứu nguy. Chỉ có một điều là cha con công lao rất lớn mà bị chết oan, ấy là vua vô tình bạc nghĩa, lúc hoạn nạn cùng lo, lúc giàu sang không đồng hưởng. Tuy nay có chiếu mặc lòng, song lòng mẹ không thấy vui. Nay mẫu tử đoàn viên, mẹ xin hưu trí cho thong thả, dẫn nhau về xứ cũ mà vui vầy, làm ruộng chăn tằm, thức khuya dậy sớm, miễn mẹ con ta sum hiệp là hơn, lựa phải tước lộc quan quyền báu quí. Trịnh Ấn thấy mẹ giận, khó nổi can gián nên lặng im. Đào Tam Xuân mừng con, thức đến canh ba chưa ngủ bỗng mơ màng thấy một ông thần mặc giáp vàng, đội mão vua, hình tợ Diêm vương. Đào Tam Xuân thất kinh cúi lạy, nhìn lên thì quả thấy người ấy là chồng mình, nên kêu lớn:

- Bấy lâu Đại vương đi đâu, bỏ thiếp một mình. Nhữ Nam vương cúi xuống đó vợ, khuyên giải nhiều lời:

- Khi trước là chồng vợ, tình nghĩa với nhau, nay đã biệt ly, âm dương cách trở, tuy dứt niềm ái ân mà không quên nghĩa tào khang. Phu nhân số mạng còn dài, đợi chừng nào tới tuổi, ta sẽ rước lại cảnh tiên. Trước kia ta bị thác oan là bởi khi vua nên trời giảm tuổi thọ, ấy là số định, phu nhân chớ đem lòng oán chúa. Nay chúa bị vây tại Thọ Châu, có đốt sớ cầu trời giải cứu, phu nhân chớ chấp trách mà lỗi đạo quân thần, ta về để mách bảo là muốn cho phu nhân đem binh ra cứu giá, nghe theo lời Trịnh Ân cho trọn nghĩa trọn trung. Đào Tam Xuân nghe mấy lời khuyên không còn hờn trách nữa, giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao. Sáng hôm sau Trịnh Ấn vào hầu. Đào Tam Xuân rơi lụy than:

- Con ơi! Số trời đã định, hồn trung nay đã đặng thành thần, vậy chúng nên oán vua mà lỗi niềm thần tử, vậy ta kịp đến Đơn Trì, dâng chiếu lãnh binh ra Thọ Châu cứu giá. Trịnh Ấn nghe mẹ nói mừng rỡ, theo mẹ vào chầu. Giám quốc là Tần vương Triệu Quang Nghĩa thấy Đào Tam Xuân trình sớ, mới hay là Thái Tổ bị vây tại Thọ Châu, nên than rằng:


- Vương huynh ngự giá thân chinh làm chi cho đến nỗi bị vây, khó biết việc hung kiết. Nói rồi cho đòi năm nữ tướng vào nghe chiếu. Năm nữ tướng vâng lệnh lo đem binh đi cứu giá, duy có một mình Triệu Hoàng Cô nói:

- Cao Hoài Đức tại sao lại phản, phải hỏi cho rõ ngọn ngành. Trịnh Ấn quỳ thưa:

- Tôi có nghe rõ là Cao Nguyên soái bị Dư Hồng bắt, sau đầu giặc mà đánh vua. Triệu Mỹ Dung sợ hãi vào lạy anh mà chịu tội. Triệu Quang Nghĩa nói:

- Cao Nguyên soái lòng trung trọng nghĩa, trong thiên hạ đều hay, ngự muội chớ phiền, chắc có sự gì mờ ám. Hoàng Cô than thở, rồi từ tạ về dinh. Lời bàn: Tình vợ chồng, cha mẹ thiêng liêng, nếu phải đem trách nhiệm vua tôi mà cân nhắc, thì không xóa hết nỗi đau lòng. Triệu Khuông Dẫn chém Trịnh Ân, dù đã hối hận, thì việc hối hận chỉ là việc sửa chữa lỗi lầm đối với Triệu Khuông Dẫn, còn Đào Tam Xuân, và Trịnh Ân là tình nghĩa vợ chồng, con cái, tình cảm thiêng liêng không thể nào nguôi được. Vì chuyện đã lỡ rồi nên Đào Tam Xuân và Trịnh Ấn phải buộc lòng xóa những nỗi đau buồn đế làm nhiệm vụ phò vua cứu nước. Hoàn cảnh như vậy chúng ta không thể trách Đào Tam Xuân và Trịnh Ấn không lưu hận trong lòng. Ở đây, tác giả câu chuyện đã đặt tình cảm cá nhân là nhiệm vụ đất nước để diễn tả lòng đại nghĩa của mẹ con Đào Tam Xuân. Thật là một hoàn cảnh đáng thương.-oOo-

- Hết hồi 6:00 (43):