Trong ảo mộng Hợp Đạo của Khúc Xuân Thu, Khúc Duyệt như người vô hình tự do tới lui trong thành, không ai nhìn thấy nàng. Hoặc có thể nói, nàng cùng thế giới trong mộng này như hai đường thẳng song song, không hề giao nhau. Nhưng như Khúc Xuân Thu đã nhắc nhở, chỉ cần nàng ra tay, vách ngăn giữa hai thế giới sẽ bị phá vỡ, hai thế giới sẽ nhập làm một.
Vậy nên, nàng chỉ có một cơ hội duy nhất để hành động. Nếu tìm lầm, tâm ma không bị giết chết, ngược lại nàng sẽ lập tức bị tâm ma giam cầm.
Huyễn Ba vốn đang nghỉ ngơi trong biển khuyên tai, chấn động nhiều lần khiến hắn bị đánh thức, ngoi đầu lên dựa vào thành khuyên tai nghe Khúc Duyệt kể lại, hắn bối rối: "Mặt Trăng Nhỏ à, nếu cha ngươi biết bản thân bị tâm ma giam cầm trước năm mười sáu tuổi, thì hẳn phải biết lý do vì sao, tâm ma vây khốn ông ấy là ai chứ. Cớ gì không nói cho ngươi biết luôn, còn lãng phí thời gian bắt ngươi đi tìm?"
Khúc Duyệt đáp: "Cha ta nói rằng ông chỉ cảm nhận được mình bị nhốt ở độ tuổi này, nhưng cụ thể vì cái gì thì lại không biết."
Tâm kiếp của Hợp Đạo khác với họa tâm ma. Tâm ma có thể xác định rõ nguyên nhân khởi phát, giống như nàng trước đây từng vì ánh mắt của Cửu Hoang mà áy náy rồi sinh ra họa tâm ma. Tâm kiếp của Hợp Đạo có thể là tổn thương được tạo thành trong hoàn cảnh mà người đó không hề để ý, nhưng sự việc ấy để lại dấu ấn rất sâu, mãi không thể quên và dần dần tích tụ oán niệm, tạo thành nguồn gốc của tâm kiếp.
Khúc Duyệt lúng túng nói: "Cha ta không biết tâm ma là ai, ta nghĩ có lẽ vì ông ấy làm nhiều việc xấu, đắc tội quá nhiều người nên không nhớ được..."
Huyễn Ba tán thưởng: "Có thể vây khốn cha ngươi trong tâm kiếp Hợp Đạo, oán niệm này sợ là như núi cao nước sâu, thế nhưng cha ngươi không nhớ được là ai, thật là lòng dạ rộng rãi nha!"
Khúc Duyệt đen mặt: "Đây cũng gọi là rộng rãi à?"
Huyễn Ba: "Đương nhiên! Khiến người ta tức chết mà ông ấy lại không để trong lòng, sống tiêu dao sung sướng. Không phải ai cũng có thể đạt được tâm thái này đâu!"
Khúc Duyệt mếu máo, không dám nói tiếp. Chung quy nàng vẫn thích hình tượng "tự xây dựng" của cha nàng trước kia hơn.
Vừa đi vừa nói, Khúc Duyệt đã đến bên ngoài một tòa phủ đệ trong kinh thành. Chủ nhân của phủ đệ này chính là cha nàng, vương tử của một nhạc quốc cổ, thường được gọi là Công tử Thịnh.
Trong nhà có "Đường Tống Nguyên Minh Thanh", cho nên dù môn "Lịch sử phàm nhân" không hiện diện trong các kỳ thi của Học Viện Dị Nhân, Khúc Duyệt vẫn rất thông thạo lịch sử.
Năm cha nàng mười sáu tuổi là đầu thời Xuân Thu, nhà Chu suy bại, chư hầu phân tán khắp nơi. Các quốc gia chư hầu có tiếng tăm được lưu tên trong sách sử khoảng hơn trăm, nhưng nhạc quốc cổ này chưa từng xuất hiện trong bất kỳ sách sử nào. May mắn Khúc Duyệt từng nhìn thấy một đoạn mô tả khi xem nội dung liên quan đến "nhạc sư" trong thư viện của Học Viện Dị Nhân.
Quốc gia này ở Giang Nam, nhỏ bé chật hẹp, từ quân vương đến bá tánh đều yêu thích âm nhạc. Về Công tử Thịnh, hắn chỉ được nhắc đến như một trong rất nhiều con trai của quân vương, vốn không được sủng ái, nhân tiệc mừng thọ của quân vương, hắn dùng thất huyền cầm tấu một khúc tự soạn 《Tiên dưới trăng》, khiến mọi người kinh diễm, cuối cùng giành được lòng yêu thích của quân vương và sự ủng hộ của bá tánh. Từ sự kiện này, hắn được nhìn nhận như một công tử khiêm tốn, thanh cao.
Nhưng sau khi 《Tiên dưới trăng》 được trình diễn, một kẻ tên Dịch Hằng, con cháu trong một sĩ tộc bị sa sút đã kiện đến chỗ quân vương, nói rằng khúc 《Tiên dưới trăng》 là sáng tác của hắn trong suốt ba năm, vì đoạn kết chưa hoàn thành nên chưa bao giờ ra mắt, công tử Thịnh tình cờ nghe được khúc nhạc này, đã dùng quyền thế vừa đe dọa vừa dụ dỗ cha của Dịch Hằng, cha Dịch Hằng không thuyết phục được con mình liền trộm khúc phổ hiến cho Công tử Thịnh.
Quân vương yêu quí tài năng, không thiên vị người của mình, liền cho Dịch Hằng diễn tấu trước mọi người, tranh cao thấp cùng Công tử Thịnh. Dịch Hằng thế nhưng đàn sai vài chỗ, chứng thực hắn chỉ vu cáo.
Vốn nên phạt nặng, Công tử Thịnh lại đứng ra cầu tình cho hắn, luyến tiếc tài năng của hắn nên xin quân vương cho hắn một cơ hội, chỉ phạt đi thị chúng. Về sau, Công tử Thịnh lại phổ thêm không ít khúc hay, dùng thực lực chứng minh bản lĩnh của mình. Đáng tiếc thời buổi chiến loạn, ngay cả khúc 《Tiên dưới trăng》 kia cũng không được lưu truyền đến ngày nay.
Tóm lại, một đoạn ngắn ngủi trong sách tán dương tài hoa và phẩm đức của Công tử Thịnh.
Vừa rồi, lúc Khúc Xuân Thu cho Khúc Duyệt biết ông là Công tử Thịnh của nhạc quốc cổ, nàng thoạt nghe liền cảm thấy quen thuộc, nhớ lại đoạn miêu tả này, trái tim đột nhiên phấn khích. Thật không ngờ, Công tử Thịnh lại là cha nàng.
Nhưng nghĩ kỹ lại, dựa vào những gì gần đây nàng biết được về cha mình, đoạn tán dương trong sách kia, không phải do ông ấy tự tay viết đấy chứ? Nàng thậm chí còn tự hỏi có khi nào ông thật sự đã trộm nhạc khúc của người khác.
Nhưng hẳn là không phải, cho dù phẩm cách của ông có vấn đề, tài năng rốt cuộc chẳng thể làm giả được, nếu không sẽ chẳng được lão tổ Kỳ Môn nhìn trúng mà đưa ra khỏi địa cầu.
Khúc Duyệt vừa kể lại đoạn chuyện xưa này cho Huyễn Ba, vừa hiên ngang đi qua cửa chính vào phủ, dù gì hộ vệ cũng chẳng nhìn thấy nàng.
Diện tích của phủ đệ không lớn, nàng dựa vào thính giác rất nhanh tìm được nhân vật mục tiêu trong một cái sân nhỏ.
Trăng lên đầu cành liễu, Công tử Thịnh ngồi quỳ trước một chiếc bàn con, ưu nhã uống rượu.
Đôi mắt Huyễn Ba toát lên kinh diễm: "Hắn là cha ngươi?"
Khúc Duyệt nói ngay: "Nơi này là ảo mộng, ngươi lấy giày của ông ấy cũng vô dụng."
Huyễn Ba lắc đầu: "Ta chỉ cảm thấy hắn trông rất quen, hình như đã từng gặp ở đâu đó."
Khúc Duyệt cười nói: "Đương nhiên quen mắt, ở khách điếm bên ngoài học viện Phúc Sương, người từng nhìn thấy diện mạo thật của Tam Ca Khúc Nguyên, lúc ấy ngươi còn muốn giày của huynh ấy đấy. Dung mạo của Tam Ca giống cha ta nhất trong sáu anh em."
Huyễn Ba ngẫm nghĩ rồi vỗ đầu: "A, nhớ rồi, nhưng mà ta thấy diện mạo của Tam Ca ngươi vẫn không bằng cha ngươi."
"Ừ." Nghe cha được khen, nàng vui vẻ hơn cả khi mình được khen, mặc kệ phẩm cách thế nào, giá trị nhan sắc của cha tuyệt đối siêu cường đại.
Trong lúc hai người đang trò chuyện, Công tử Thịnh đặt chén rượu xuống, nhìn Khúc Duyệt: "Đạo trưởng!"
Khúc Duyệt giật mình hoảng hốt, quay đầu nhìn thì thấy một nam nhân ăn mặc như đạo sĩ đang bước đến, nàng mới thở phào nhẹ nhõm.
Tiếp đó, Khúc Duyệt nhíu mày, người giả dạng đạo tu này thật ra là một tà tu ngũ phẩm.
Tà tu không chào hỏi, trực tiếp đi đến trước mặt Công tử Thịnh ngồi xuống, nhàn nhạt cười: "Công tử vội vã gọi bần đạo tới là có chuyện gì?"
Công tử Thịnh cầm chiếc hộp gỗ đặt bên chân lên, thật cẩn thận mở nắp hộp ra.
...
Huyễn Ba thò đầu nhìn, thấy đó là một chiếc huân*, trên huân có dán một lá bùa: "Mặt Trăng Nhỏ nè, huân này là tà vật, âm khí rất nặng đó."
Huân là một nhạc khí cổ được người phát minh ra để bắt chước tiếng gọi của chim và thú để theo sự tiến bộ của văn hóa. huân có hình dạng tương tự như ocarina (nhạc cụ xuất xứ từ Trung Mỹ), nhưng không có tiếng còi của ocarina. Người chơi có thể xoay huân để thay đổi cao độ (theo wikipedia)
Khúc Duyệt cau mày: "Đây là pháp khí bổn mệnh của cha ta, rõ ràng là bảo vật cực phẩm, không phải như thế này."
Huyễn Ba chống cằm: "Vậy có thể nó vốn là tà vật, sau khi cha ngươi có được đã tinh lọc sạch sẽ tà khí và biến nó thành bảo vật."
Khúc Duyệt gật đầu: "Có thể là vậy."
...
Công tử Thịnh nhìn trái phải, thận trọng nói: "Gần đây ta thường xuyên mơ thấy Dịch Hằng với thất khiếu đổ máu tìm ta đòi mạng..."
Tà tu cười lạnh lùng: "Một phàm nhân hèn hạ, chết rồi biến thành quỷ, cũng chỉ là tiểu quỷ, chỉ dám dọa công tử trong mộng thôi, ngài không cần sợ hãi."
...
"Dịch Hằng?" Khúc Duyệt căng thẳng khi nghe thấy cái tên này.
Nhìn vẻ mặt sợ hãi của cha nàng lúc này, nàng hoảng hốt nghĩ lẽ nào chính cha là người trộm nhạc khúc, sau đó dùng thủ đoạn ti tiện khiến Dịch Hằng phạm sai lầm khi biểu diễn trước quân vương. Sau khi bị thị chúng, Dịch Hằng uất ức đã tự sát? Oán niệm hóa thành kiếp khí, hôm nay vây cha nàng vào tâm kiếp Hợp Đạo?
Nếu sự thật là vậy, Khúc Duyệt cảm thấy cha nàng đáng nhận hậu quả này. Chết cũng không đáng tiếc!
Ngay lúc Khúc Duyệt đang tức giận, một trận âm phong sượt qua tai nàng, thổi bay lá bùa dán trên huân.
Huân phát ra tiếng bi thương nức nở.
"Tránh ra!" Tà tu nheo mắt, phất tay áo đẩy công tử Thịnh sang một bên, cắn đầu lưỡi, điểm máu đầu lưỡi lên trên huân.
Phanh---!
Trên huân bùng nổ một cổ năng lượng cực lớn, đánh bay tà tu ra bên ngoài. Bóng dáng một người vọt ra khỏi huân, đáp lên mặt đất, trước cầm rượu đang đặt trên bàn uống cạn một hơi, sau nhấc chiếc hộp chứa huân lên vuốt ve.
...
Huyễn Ba chớp mắt: "Lệ quỷ?"
Khúc Duyệt không nhìn rõ dung mạo của lệ quỷ, chỉ thấy trên mặt hắn đầy máu. Hắn dùng ngón tay chấm máu, đưa vào miệng nếm nếm, cười nói: "Đạo sĩ, ta nhập mộng doạ hắn là để chờ ngươi đến đấy!"
Tà tu lắp bắp kinh hãi: "Ngươi... Thế mà đã hoá lệ quỷ?"
Dịch Hằng nhếch môi, cực kỳ yêu dã: "Ta nói rồi, ta thành quỷ cũng sẽ không buông tha các ngươi..."
Hắn nâng tay vạch một vòng: "Toàn bộ vương đô, toàn bộ nhạc quốc, đều phải chôn cùng ta."
Cuối cùng, đầu ngón tay điểm lên người công tử Thịnh, giọng đầy oán độc: "Đặc biệt là ngươi!"
...
"Mặt Trăng Nhỏ, lệ quỷ này có lẽ là tâm ma Hợp Đạo của cha ngươi đấy, động thủ đi." Huyễn Ba thuac giục, "Nếu bây giờ hắn giết chết cha ngươi, ảo mộng hẳn sẽ bắt đầu lại lần nữa, hình thành một vòng lặp, vĩnh viễn không thể kết thúc."
Khúc Duyệt đứng bất động, nàng nhìn Công tử Thịnh đang hoảng loạn co rúm trong một góc, cắn răng nói: "Thời gian trong mộng khác với thế giới thực, ta muốn nhìn một chút xem rốt cuộc chuyện gì xảy ra."
Tuy ảo mộng là giả nhưng chín mươi chín phần trăm câu chuyện lặp đi lặp lại là thật, nếu không sẽ không thể vây khốn người ta.
Lúc này Huyễn Ba cũng ý thức được "oán giận" của Khúc Xuân Thu không giống với tưởng tượng của hắn, hắn muốn khuyên Khúc Duyệt rằng ai cũng đều có mặt tối, thân là con cháu có khi không biết sẽ tốt hơn. Song hắn cũng hiểu tính cách Khúc Duyệt, nàng sẽ không nghe lời khuyên.
Vì thế Huyễn Ba cùng Khúc Duyệt trơ mắt nhìn Dịch Hằng đấu pháp với tà tu, giết chết tà tu, tiếp đó hành hạ Công tử Thịnh cho đến chết. Quả nhiên, Công tử Thịnh vừa chết, ảo mộng Hợp Đạo quay lại từ đầu.
Lúc này, Khúc Duyệt có thể xem hết toàn bộ diễn biến của sự việc.
Đúng như nàng đã đoán, khúc nhạc《Tiên dưới trăng》thật sự do Dịch Hằng sáng tác, khi hắn biểu diễn trước quân vương, đã bị tà tu thi pháp mới liên tiếp đàn sai. Lúc bị phạt thị chúng, Dịch Hằng bị bá tánh vương đô ném đá đến chết. Mà hành động ném đá này cũng do Công tử Thịnh phái người trà trộn trong đám đông kích động lên. Mục đích của Công tử Thịnh chính là để Dịch Hằng phải chết, hụt hẫng và thất vọng cùng cực mà chết. Kế đó, hắn bức ép cha của Dịch Hằng, sau khi nhặt xác Dịch Hằng phải tự tay chặt đầu, dùng xương sọ tạo thành một cái huân xương. Từ đây chặt đứt toàn bộ "thiên địa nhân hòa" của một người.
Thiên địa nhân hòa: ý nói các yếu tố gắn kết một người với cuộc sống này.
Hết thảy những việc này đều do tà tu gợi ý cho Công tử Thịnh làm. Tà tu thu hồn phách Dịch Hằng vào bên trong huân xương, để Công tử Thịnh giữ bên người. Đây là một môn tà công, tương tự với trộm vận khí, Công tử Thịnh trộm được tài hoa của Dịch Hằng.
Nhưng không ngờ, cũng bởi vì vậy lại dưỡng ra một lệ quỷ trăm năm khó gặp.
Khúc Duyệt nhìn tất cả mọi chuyện xảy ra, ban đầu Huyễn Ba còn thảo luận với nàng đôi câu, về sau không nói nổi một lời. Cái miệng vốn luôn ríu rít không ngừng của hắn cũng trầm mặc.
Khi ảo cảnh tiến đến khắc cuối cùng, nhìn Dịch Hằng gỡ bỏ phong ấn lao ra, chuẩn bị đại khai sát giới, Khúc Duyệt mặt vô cảm giơ cánh tay lên, lòng bàn tay xuất hiện một pháp bảo tụ tiễn.
Tụ tiễn: mũi tên giấu trong tay áo dùng để bắn lén.
Huyễn Ba thấy nàng nhắm vào Công tử Thịnh, hắn há miệng than thở: "Ai... ngươi muốn trút giận thì trút giận đi, chúng ta làm lại một lần nữa là được..."
Khúc Duyệt lắc đầu: "Ta không trút giận, ta nghi ngờ cha ta đang gạt ta, lợi dụng ảo mộng Hợp Đạo để thử thách ta, kiểm tra khả năng phán đoán của ta... Ông ấy không phải Công tử Thịnh, có lẽ ông ấy dùng sức mạnh còn sót lại hóa dung mạo của Công tử Thịnh thành của ông ấy, nhằm đánh lừa ta..."
Cha nàng chính là Dịch Hằng.
Thì ra, cha nàng từng là quỷ tu, cho nên lúc vượt thiên kiếp mới xuất hiện tận chín con kiếp long, hẳn là lão tổ Kỳ Môn đã giúp đỡ tạo lại thân thể mới cho ông ấy.
- -- ---
Editor muốn nói:
Tác giả nói rằng "Tâm kiếp của Hợp Đạo có thể là tổnthương được tạo thành trong hoàn cảnh mà người đó không hề để ý, nhưng sự việc ấyđể lại dấu ấn rất sâu, mãi không thể quên và dần dần tích tụ oán niệm, tạothành nguồn gốc của tâm kiếp." Ngẫm lại tâm ma/tâm kiếp Hợp Đạo chẳng phải gìxa xôi chỉ có trong truyện, bản thân mỗi chúng ta có lẽ đều có 'tâm ma Hợp Đạo'của mình. Việc Khúc Duyệt trở về quá khứ để tiêu diệt tâm ma giống như chúng tadũng cảm đối mặt với quá khứ để chữa lành cho bản thân, chữa lành cho đứa trẻtrong chính chúng ta.