Thiên Thần Nổi Giận

Thiên Thần Nổi Giận - Chương 7




Vào lúc 4 giờ sáng một buổi sáng thứ hai cuối tháng 9 năm 1970, ngày bắt đầu phiên tòa xử Abraham Wilson, Jennifer thức giấc, đầu choáng váng và mắt cay sè. Cô ngủ không yên, buổi tối hôm trước tòan mộng mị về chuyện tòa án. Một lần cô mơ thấy Robert Di Silva đưa cô vào bục nhân chứng và hỏi cô về Michael Moretti. Mỗi lần Jennifer cố gắng trả lời câu hỏi, đoàn hội thẩm lại ngắt lời cô bằng những tiếng thét: "Nói dối! Nói dối! Nóì dối!".

Trong giấc mơ cuốí cùng, cô thấy Abraham Wilson bị đưa lên ghế điện. Khi Jennifer cúi xuống an ủi anh ta, anh ta nhổ vào mặt cô. Jennifer thức dậy, run rẩy và không thể nào ngủ lại được nữa. Cô ngồi ghế cho đến tận sáng và ngắm cảnh mặt trời mọc. Cô chẳng còn muốn ăn uống gì nữa. Cô ước giá được ngủ ngon buổi tối hôm trước, giá mà cô không bị quá căng thảng, và ngày hôm nay sẽ qua đi nhanh chóng.

Tắm rửa xong, cô mặc quần áo và thay vì mặc chiếc áo đen, cô chọn chiếc áo xanh mà cô đã mua tại cửa hàng hạ giá Loehmann.

8h30, Jennifer đến khu tòa án hình sự để bắt đầu cãi cho vụ nhân dân bang New York kiện Abraham Wilson. Đã có một đám đông tụ tập ở lối vào và thoạt đầu Jennifer tưởng vừa có vụ tai nạn xe cộ ở đó. Cô thấy ống kính camera và micro chĩa ra tua tủa và trước khi hiểu được điều gì đang xảy ra, cô đã bị một đám phóng viên vây quanh.

Một phóng viên hỏi:

- Thưa cô Parker, đây có phải là lần đầu tiên cô xuất hiện ở tòa án, kể từ khi cô làm hỏng vụ án Michael Moretti của ngài chưởng lý quận không?

Ken Bailey đã báo trước cho cô biết. Chính cô là trung tâm của sự chú ý chứ không phải là khách hàng của cô. Các phóng viên đến đây không phải với tư cách của những quan sát viên khách quan. Họ đến đây như những con chim săn mồi, và cô chính là miếng mồi ngon của họ.

Một phóng viên nữ trẻ trung trong bộ quần áo bò, dí micro vào sát mặt Jennifer:

- Có đúng là chưởng lý Di Silva quyết tâm trả thù cô không?

- Không có bình luận gì hết. - Jennifer bắt đầu phải xô đẩy để tiến tới lối vào.

- Tối hôm qua ngài chưởng lý vừa tuyên bố, là ông ta nghĩ lẽ ra không nên cho phép cô hành nghề ở các tòa án New York nữa. Cô có nhận xét gì không?

- Không nhận xét gì hết - Jennifer đã chen được tới lối vào.

- Năm ngoái chánh án Waldman định làm cho cô bị tước quyền hành nghề. Cô có định yêu cầu ông ta phải…

Jennifer đã lọt vào trong khu xử án.

Phiên tòa được dự định tổ chức ở phòng 37. Người ta chen nhau ở ngoài hành lang để lọt vào phòng nhưng bên trong đã chật cứng. Tiếng ồn ào bao trùm khắp căn phòng và có một không khí hội hè ở đây. Có mấy hàng ghế thêm để dành cho các phóng viên.

Di Silva đã chuẩn bị trước chuyện đó, Jennifer nghĩ.

Abraham Wilson ngồi tại bàn bị cáo, cao vượt lên trên tất cả mọi người xung quanh, trông như một ngọn núi ma quái. Anh ta mặc chiếc áo veston màu xanh đậm quá nhỏ so với khổ người, bên trong là chiếc sơ mi trắng và cà vạt xanh mà Jennifer đã mua cho anh ta.

Nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì. Abraham Wilson trông giống như một tên giết người xấu xí trong bộ veston xanh thẫm. Jennifer thấy nản lòng ngay từ đầu., Wilson nhìn xung quanh một cách thách thức, hằn học đối với những ai bắt gặp ánh mắt của anh ta.

Jennifer đã hiểu khách hàng của mình quá rõ, và biết rằng đằng sau vẻ khiêu khích của anh ta là sự sợ hãi cực điểm. Nhưng ấn tượng bao trùm đối với tất cả mọi người "kể cả chánh án và đoàn hội thẩm" là vẻ thù địch và căm ghét toát ra từ anh ta. Người đàn ông to lớn này là một mối đe doạ. Họ sẽ coi anh ta là một kẻ đáng sợ đáng bị trừng phạt.

Không có một dấu vết đáng mến nào trong phong cách của Abraham Wilson. Vẻ ngoài của anh ta cũng không có gì để gợi lên lòng thương cảm. Chỉ có khuôn mặt xấu xí, sứt sẹo với chiếc mũi gẫy và hàm răng thiếu, thân hình đồ sộ đó gây nên sự sợ hãi.

Jennifer bước tới bàn bị cáo và ngồi xuống cạnh Abraham Wilson:

- Chào anh, Abraham.

Anh ta liếc nhìn cô và nói:

- Tôi không nghĩ là cô lại đến đây.

Jennifer nhớ lại giấc mơ của mình. Cô nhìn thẳng vào cặp mắt ti hí của anh ta:

- Anh biết là tôi sẽ đến chứ?

Anh ta lắc đầu lạnh nhạt:

- Chắng có ích gì đâu. Chúng sẽ tóm tôi thôi. Rồi chúng sẽ kết án tôi vào tội giết người, sẽ nấu tôi trong vạc dầu. Đây sẽ không phải là một phiên tòa. Đây chỉ là một màn diễn kịch thôi!

Có tiếng ồn ào nổi lên từ bàn công tố viên, và Jennifer nhìn lên thấy chưởng lý Di Silva đang ngồi xuống chỗ của mình, bên chiếc bàn sát ngay đội trợ lý của ông ta, ông ta nhìn Jennifer và mỉm cười. Cô thấy lo sợ trước nụ cười ấy.

Một nhân viên của tòa án hô:

- Tất cả đứng dậy.

Và chánh án Lawrence Waldman tiến vào phòng.

- Nghe đây nghe đây, mọi người hãy chú ý. Chánh án Lawrence Waldman sẽ chủ trì phiên tòa này.

Chỉ có một người không chịu đứng dậy, đó là Abraham Wilson. Jennifer thì thầm với anh ta:

- Đứng dậy đi.

- Kệ cha bọn nó. Chúng nó sẽ phải đến lôi tôi đứng dậy.

Jennifer cầm lấy bàn tay to lớn của anh ta.

- Đứng dậy đi Abraham. Chúng ta sẽ thắng họ.

Anh ta nhìn cô một lúc lâu rồi chậm rãi đứng lên.

Chánh án Waldman ngồi xuống ghế quan tòa. Mọi người cũng lục tục ngồi xuống theo. Viên mõ tòa đưa cho chánh án chương trình làm việc của tòa.

- Nhân dân bang New York kiện Abraham Wilson về tội giết Raymond Thorpe.

Jennifer thoạt đầu mong đoàn hội thẩm tòan là người da đen, nhưng trong trường hợp này, cô lại không chắc chắn về chuyện đó. Wilson không phải là người của họ. Anh ta là một tên giết người, một kẻ đã làm nhục nòi giống của mình. Có khi họ còn sẵn sàng kết tội anh ta hơn là những quan tòa da trắng. Tất cả những gì mà Jennifer có thể làm là cố để cho những người quá thiên kiến không tham gia vào đoàn hội thẩm. Nhưng những người này rất khó nhận biết. Họ luôn giữ kín thiên kiến của mình và chỉ chờ dịp thuận lợi mới bộc lộ ra.

Vào cuối buổi chiều ngày thứ hai, Jennifer đã sử dụng hết quyền hỏi vặn của mình. Cô cảm thấy những câu hỏi của mình đối với các thẩm phán thật vụng về và ngốc nghếch, trong khi đó Di Silva lại rất trơn tru và khéo léo ông ta có tài làm cho các thẩm phán thấy thoải mái, làm cho họ tin tưởng ông ta.

Làm sao mình lại quên rằng Di Silva là một diễn viên cực tài nhỉ? Jennifer tự hỏi.

Robert Di Silva đứng dậy và bắt đầu bài nói của mình.

- Trước hết tôi xin được cảm tạ quý tòa, các ông, các bà đã dành thì giờ quý báu của mình để tham gia phiên tòa này. - ông ta cười thông cảm. - Tôi biết hầu tòa vất vả như thế nào. Các ông các bà đều có công việc làm, có gia đình để chăm lo.

Ông ta làm như mình cũng là một người trong số họ, vị thẩm phán thứ 13, Jennifer nghĩ.

- Tôi hứa là sẽ làm mất thời giờ của các vị càng ít càng tốt. Đây quả thực là một vụ án rất đơn giản. Bị cáo ngồi kia - Abraham Wilson bị buộc tội giết một bạn tù ở nhà lao Sing Sing. Chắc chắn anh ta đã làm việc đó. Và anh ta cũng đã thú nhận. Luật sư của anh ta sẽ biện hộ để tòa khép vào tội giết người để tự vệ.

Viên chưởng lý quay sang nhìn Abraham Wilson và đoàn hội thẩm cũng nhìn theo ông ta. Jennifer có thể thấy phản ứng trên khuôn mặt của họ. Cô cố tập trung để nghe Di Silva nói.

- Nhiều năm trước đây, mười hai công dân rất giống các vị ở đây đã biểu quyết để đưa Abraham Wilson vào tù. Bởi vì có một số thủ tục pháp lý, tôi không được phép trao đổi với các vị về tội ác mà Abraham Wilson đã phạm phải. Tôi có thể nói với các vị rằng tòa án đó đã thành thật tin rằng nhốt Abraham Wilson vào tù sẽ ngán không cho hắn phạm thêm tội ác. Thật đáng buồn, họ đã lầm. Bởi vì thậm chí khi đã bị nhốt trong tù Abraham Wilson vẫn còn có khả năng đánh, giết người để thoả mãn thú tính khát máu của hắn. Giờ đây chúng ta biết rằng chỉ có một cách để ngăn Abraham Wilson giết người thêm nữa. Đó là xử tử hắn ta. Điều đó không làm cho Raymond Thorpe sống lại, nhưng nó có thể đảm bảo cuộc sống cho những người có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của bị cáo.

Di Silva đi dọc theo bàn hội thẩm, nhìn từng hội thẩm viên.

- Tôi đã nói là vụ này sẽ không làm mất nhiều thời giờ của các vị. Bây giờ tôi sẽ giải thích vì sao lại như vậy. Bị cáo ngồi kia Abraham Wilson đã giết người có chủ đích. Hắn đã nhận tội đó. Mà nếu hắn không nhận, chúng ta cũng có nhân chứng. Hơn một trăm nhân chứng, thật vậy. Chúng ta hãy xem lại câu "Có chủ đích". - Giết người vì bất cứ lý do gì cũng là ghê tởm đối với tôi và tôi biết các vị cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, giết người đôi khi phạm phải vì những lý do mà ít nhất chúng ta còn có thể hiểu được. Chẳng hạn có ai đó dùng vũ khí đe doạ những người thân yêu của các vị: con, vợ, hoặc chồng. Nếu lúc đó trong tay các vị có một khẩu súng, các vị có thể bóp cò để cứu người thân của mình. Các vị và tôi có thể không dung thứ hành động đó. Nhưng tôi chắc rằng chúng ta ít nhất cũng hiểu được. Một ví dụ khác. Nếu cáo vị bất chợt bị dựng dậy vào lúc nửa đêm và có kẻ đe doạ mạng sống cuả các vị, nếu có cơ hộì chắc các vị sẽ giết hắn để tự cứu mình. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu được điều đó. Và làm như vậy chúng ta cũng không bị coi là kẻ sát nhân hay những con người xấu xa, đúng vậy không? Giọng Di Silva đanh lại. - Nhưng giết người có chủ ý lại là một chuyện khác. Cướp đi mạng sống của một con người mà không hề đắn đo, vì tiền, hay chỉ vì cái thú được giết…

Rõ ràng ông ta định dẫn dắt tòa nhưng luôn giữ giới hạn để không ai có thể phản đối ông ta về chuyện Jennifer ngắm nhìn khuôn mặt của các hội thẩm.

Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã ngả theo Di Silva. Họ đồng tình với mỗi từ của ông ta nói ra. Họ lắc đầu, nhăn mặt và thở dài. Ông ta như một nhạc trưởng và đoàn hội thẩm là dàn nhạc. Jennifer chưa bao giờ thấy một cảnh như vậy. Mỗi lần chưởng lý nhắc tới tên Abraham Wilson - và ông ta nhắc tới luôn - đoàn hội thấm lại quay sang nhìn bị cáo. Jennifer đã thận trọng nhắc Wilson đừng nhìn vào các hội thẩm mà hãy nhìn quanh phòng xử án. Giờ đây cô kinh sợ khi thấy Abraham Wilsnn cứ dán mắt vào đoàn hội thẩm, đấu mắt với họ. Từ người anh ta toát lên vẻ khiêu khích rõ rệt.

Jennifer trầm giọng nói:

- Abraham…

Anh ta không quay lại.

Chưởng lý kết thúc bản cáo trạng của mình:

- Kinh thánh có câu "ăn miếng trả miếng". Đó là sự trả thù. Chúng ta không yêu cầu trả thù. Chúng ta chỉ cần công lý. Công lý cho người đàn ông tội nghiệp đã bị Abraham giết chết. Xin cám ơn các vị.

Chưởng lý ngồi xuống.

Khi Jennifer đứng lên để đọc lời bào chữa, cô cảm thấy rõ sự thù địch và sốt ruột của đoàn hội thẩm. Cô đã đọc nhiều cuốn sách nói về việc luật sư có thể đọc được ý nghĩ của các hội thẩm và nghi ngờ chuyện đó Giờ đây cô tin là nó có thật. Thông điệp của đoàn hội thẩm tới cô là quá rõ. Họ đã quyết định kết tội khách hàng của cô và họ sốt ruột vì Jennifer đang làm mất thời gian của họ, giữ họ ở tòa án trong khi họ có biết bao việc quan trọng hơn phải làm, như người bạn của họ, ngài chưởng lý đã chỉ rõ. Jennifer và Abraham Wilson là kẻ thù của họ.

Jennifer hít một hơi dài và nói:

- Xin phép ngài chánh án, - sau đó quay sang đoàn hội thẩm "Thưa quý ông quý bà, lý do chúng ta có tòa án, lý do mà chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay là vì luật pháp, với sự công minh của nó, biết rằng trong một vụ kiện luôn có hai mặt. Nghe bản luận tội của ngài chưởng lý đối với khách hàng của tôi, nghe ông ta tuyên bố khách hàng của tôi có tội mà chưa có phán quyết của tòa, người ta buộc phải nghĩ khác.

Cô tìm kiếm dấu hiệu đồng tình, hoặc thông cảm trên khuôn mặt các hội thẩm viên nhưng không thấy.

- Ngài chưởng lý Di Silva nhắc đi nhắc lại một câu - Abraham Wilson có tội. Đó là một lời nói dối. Chánh án Waldman sẽ nói để các vị biết không có bị cáo nào có tội chừng nào tòa chưa buộc tội anh ta. Đó là điều mà chúng ta phải làm ở đây, có phải vậy không ạ. Abraham Wilson bị buộc tội giết một người bạn tù ở nhà lao Sing Sing. Nhưng anh ta giết người không vì tiền hay vì khát máu. Anh ta giết để tự vệ. Và tôi có thể nói với tất cả mọi người ở tòa hôm nay, rằng bất kỳ ai trong số chúng ta trong trường hợp tương tự như vậy cũng đều làm như thế cả. Ngài chưởng lý và tôi nhất trí ở một điều: Mọi người đều có quyền bảo vệ mạng sống của mình. Nếu Abraham Wilson không làm như anh ta đã làm, anh ta đã là một xác chết rồi.

Giọng Jennifer bắt đầu rung lên. Cô đã mất hết vẻ hồi hộp vì niềm tin mãnh liệt của mình.

- Tôi muốn từng người trong các vị nhớ lại một điều: Theo pháp luật của bang này, chúng ta chỉ kết tội khi không còn nghi ngờ gì nữa, hành động giết người diễn ra không phải là để tự vệ. Và trước khi phiên tòa này kết thúc chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng vững chắc, để các vị thấy Raymond Tholpe bị giết, để anh ta không thể giết khách hàng của tôi. Xin cảm ơn.

Những nhân chứng của Di Silva bắt đầu lên khai trước tòa Từng người một họ kể lại câu chuyện đã xảy ra. Mỗi lần một nhân chứng khai xong, chưởng lý lại quay sang Jennifer và hỏi: "Cô có chất vấn gì không?". Và mỗi lần như thế Jennifer đều trả lời "Không cần đối chứng".

Cô biết rằng bắt bẻ các nhân chứng đó cũng chẳng có ích gì. Họ kể về Raymond Thorpe như thể hắn là một vị thánh chứ không phải là một tù nhân bị bắt về tội cướp nhà băng và hãm hiếp. Tất cả đều có bàn tay đạo diễn của Di Silva.

Một điểm cực kỳ tai hại cho Jennifer và khách hàng của cô là sức vóc của Raymond. Hắn rất thấp nhỏ so với Abraham Wilson. Robert Di Silva biết điều đó và luôn nhắc tới nó.

Ông ta vẽ lên một bức tranh đầy kịch tính về cảnh Abraham Wilson đã tấn công một người nhỏ yếu hơn mình như thế nào, đã đập đầu Thorpe vào cánh cửa xi măng và giết chết hắn ta ra sao. Trong khi ông ta nói, đoàn hội thẩm nhìn chằm chằm vào bị cáo với vẻ căm tức không giấu giếm.

Chưởng lý tiếp tục:

- Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết nguyên nhân nào dẫn đến việc Abraham Wilson tấn công người đàn ông bé nhỏ và vô hại đó.

Tim Jennifer nhảy dựng lên. Di Silva đã nói ra một từ mà cô thấy có thể tấn công lại được.

- Chúng ta không biết vì sao bị cáo đánh nạn nhân, nhưng có một điều chúng ta biết, thưa quý ông quý bà… người bị nạn không phải là một mối đe doạ đối với Abraham Wilson.

- Tự vệ chăng? - ông ta quay sang chánh án Waldman.

- Thưa ngài, ngài có thể yêu cầu bị cáo đứng lên được không ạ?

Chánh án Waldman nhìn Jennifer:

- Luật sư bào chữa không phản đối chứ?

Jennifer biết điều gì sắp xảy ra, nhưng cô có phản đối thì cũng chỉ làm cho sự thể xấu hơn mà thôi.

- Không, thưa ngài.

Chánh án Waldman nói:

- Bị cáo có thể đứng lên được không?

Abraham Wilson ngồi lặng một lát rồi từ từ đứng dậy, mặt đầy vẻ thách thức.

Di Silva nói:

- Có một lục sự ở đây, đó là ngài Galin. Ông ta có chiều cao đúng bằng Raymond Thorpe. Ngài Galin, ngài có thể đến đứng cạnh bị cáo một lát được không?

Viên lục sự đến bên Abraham Wilson. Sự tương phản giữa hai người quá rõ ràng. Jennifer hiểu rằng cô lại bị chưởng lý ghi điểm. Ông ta nhìn hai người đàn ông và nói với đoàn hội thẩm với giọng gần như thì thầm:

- Tự vệ ư?

Phiên tòa diễn ra còn tồi hơn so với những cơn ác mộng xấu nhất của Jennifer. Cô có thể thấy tòan bộ đoàn hội thẩm nóng ruột muốn kết thúc phiên tòa để đưa ra phán quyết đối với bị cáo.

Ken Bailey ngồi ở chỗ các quan sát viên và trong một lúc nghỉ, Jennifer trao đổi vài câu với anh.

- Đây là một trường hợp khó khăn đấy, - Ken nói thông cảm. - Giá mà khách hàng của cô không giống King Kong thì tốt. Chúa ơi, chỉ cần nhìn anh ta cũng đủ thấy sợ rồi.

- Đó đâu phải lỗi của anh ấy?

- Quan hệ giữa cô và ngài chưởng lý đáng kính ra sao rồi?

Jennifer cười nhăn nhó:

- Sáng nay ngài Di Silva có nhắn với tôi, rằng sẽ tìm mọi cách để loại tôi ra khỏi giới luật gia.

Khi tất cả những nhân chứng buộc tội đã khai xong, Jennifer đứng lên và nói:

- Tôi muốn Howard Patterson đến bục làm chứng!

Viên phó giám đốc nhà tù Sing Sing miễn cưỡng đứng dậy và đi đến bục làm chứng. Mọi con mắt đổ dồn vào anh ta. Robert Di Silva căng thẳng nhìn Patterson thề trước tòa. Đầu óc ông ta soát lại tất cả các khả năng có thể xảy ra. Ông ta tin rằng mình đã thắng trong vụ này.

Jennifer nói với nhân chứng:

- Ngài có thể nói với đoàn hội thẩm về lai lịch của mình không, thưa ngài Patterson?

Chưởng lý Di Silva đứng dậy:

- Chúng ta có thể bỏ qua phần khai lai lịch để tiết kiệm thời gian và tôi có thể chứng nhận rằng ngài Patterson là phó giám đốc nhà lao Sing Sing.

- Cám ơn, - Jennifer nói - Tôi nghĩ cần phải báo cho tòa biết là ngài Patterson phải có trát hầu tòa mới chịu đến đây hôm nay. Ông ta là một nhân chứng bắt buộc.

Jennifer quay sang Patterson.

- Khi tôi đề nghị ngài đến đây tự nguyện và làm chứng thay cho khách hàng của tôi ngài đã từ chối, đúng vậy không?

- Đúng.

- Ngài có thể nói cho tòa biết vì sao phải có trát hầu tòa ngài mới đến?

- Sẵn sàng thôi. Tôi đã từng tiếp xúc với loại người như Abraham Wilson suốt đời mình. Bọn này sinh ra để làm phiền nhiễu cho xã hội.

Robert Di Silva vươn người ra phía trước cười sung sướng, và nóì thầm với một viên trợ lý của mình:

- Xem nó tự treo cổ kìa.

Jennifer tiếp tục:

- Ngài Patterson, Abraham Wilson không phải bị xử về tội gây phiền nhiễu. Anh ta bị xử về tội giết người. Ngài có sẵn lòng giúp một con người bị kết án tử hình oan không?

- Nếu anh ta bị oan, thì được.

Từ "bị oan" làm cho khuôn mặt các hội thẩm có chút biến đổi.

- Trước vụ này vẫn có án mạng trong nhà lao, đúng vậy không? Trong những vụ án mạng mà ngài biết, có nhiều mục đích khác nhau phải không?

- Ồ tôi cho là như vậy. Đôi khi…

- Xin ngài nói rõ cho là có hay không nào?

- Thế tự vệ có phải là một trong những mục đích của các vụ án không?

- À đôi khi… - Ông thấy vẻ mặt của Jennifer và nói.

- Vậy thì, dựa trên kinh nghiệm phong phú của ngài, liệu hoàn tòan có thể hay không khả năng Abraham Wilson thực sự tự vệ, khi anh ta giết Raymond Thorpe?

- Tôi không nghĩ điều đó…

- Tôi chỉ muốn biết có hay không thôi.

- Rất khó có khả năng như thế, - Patterson đáp lại một cách bướng bỉnh.

Jennifer quay sang chánh án Waldman.

- Thưa chánh án, xin ngài yêu cầu nhân chứng trả lời câu hỏi.

Chánh án Waldman nhìn xuống Howard Patterson.

- Nhân chứng sẽ trả lời câu hỏi.

Nhưng thái độ của ông ta đã được đoàn hội thẩm ghi nhận.

Jennifer nói tiếp:

- Nếu tòa cho phép, tôi sẽ yêu cầu nhân chứng mang đến một số đồ vật và muốn đưa ra để mọi người xem.

Chưởng lý Di Silva đứng phắt dậy:

- Đồ vật gì vậy?

- Những đồ vật chứng tỏ khách hàng của tôi tự vệ.

- Phản đối, thưa ngài chánh án.

- Ngài phản đối gì cơ chứ? - Jennifer hỏi. - Ngài đã thấy chúng đâu?

Chánh án Waldman nói:

- Tòa sẽ xem xét các tang vật. Tính mạng của một con người đang được cân nhắc. Bị cáo được quyền xem xét dưới mọi góc độ.

- Cám ơn, ngài chánh án, - Jennifer quay sang Patterson:

- Ngài có mang nó theo không đấy? - Cô hỏi.

Howard Patterson nhìn xuống khu người ngồi xem, ở đó có một người trong quân phục gác ngục. Patterson gật đầu với anh ta. Người này đứng dậy và đi đến bục nhân chứng cùng với một chiếc hòm gỗ đậy kín.

Jennifer lấy chiếc hòm từ tay anh ta.

- Thưa chánh án, bên bị muốn đưa ra những thứ trong hòm này.

- Cái gì vậy? Chưởng lý Di Silva hỏi.

- Đây là hòm đựng đồ quý.

Có tiếng xì xào trong đám người ngồi xem.

Chánh án Waldman nhìn xuống Jennifer và nói chậm rãi.

- Cô nói đó là hòm đựng đồ quý. Vậy có gì trong đó, cô Parker?

- Vũ khí. Vũ khí được các tù nhân chế tạo tại nhà lao Sing Sing để….

- Phản đối! - Chưởng lý đứng bật dậy và gào lên. Ông ta chạy đến bàn hội thẩm. - Tôi sẵn sàng tha thứ cho đồng nghiệp của mình vì tội thiếu kinh nghiệm, nhưng nếu cô ta thật sự muốn hành nghề luật hình sự, tôi cho rằng cô ta cần học lại những nguyên tắc cơ bản về tang chứng. Không có mối liên hệ nào giữa cái gọi là hòm đựng đồ quý với vụ án đang được xét xử ở đây.

- Chiếc hộp này chứng tỏ rằng…

- Nó chẳng chứng tỏ được điều gì cả. - Chưởng lý ngạo nghễ nói. Ông ta quay sang chánh án Waldman. - Chúng tôi phản đối việc đưa ra tang chứng này, coi đó là không thích hợp.

- Chấp nhận phản đối.

Và Jennifer đứng đó, chứng kiến thất bại của mình.

Mọi thứ đều chống lại cô: Chánh án, đoàn hội thẩm, Di Silva, tang chứng. Khách hàng của cô sẽ phải lên ghế điện trừ khi… Jennifer hít một hơi thật dài:

- Thưa chánh án, tang chứng này có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi. Tôi cảm thấy…

Chánh án Waldman ngắt lời:

- Cô Parker, tòa không có thời gian và cũng không có ý muốn dạy cô về luật, nhưng ông chưởng lý nói hoàn tòan đúng. Trước khi đến phòng xử án này cô cần làm quen với những nguyên tắc cơ bản về tang chứng. Nguyên tắc đầu tiên là cô không được phép đưa ra tang chứng không liên quan gì đến vụ kiện. Trong biên bản không hề nói đến việc người bị hại có vũ khí hay không. Do vậy vấn đề vũ khí là yếu tố ngoại lai. Cô bị bác bỏ.

Jennifer thấy máu dồn lên mặt.

- Tôi xin lỗi, - cô bướng bỉnh nói. - Nhưng đây không phải là yếu tố ngoại lai.

- Thôi đủ rồi. Cô có thể xin bảo lưu.

- Tôi không cần bảo lưu, thưa ngài chánh án. Ngài đang tước đoạt quyền lợi của khách hàng của tôi.

- Cô Parker, nếu cô cứ tiếp tục như vậy tôi sẽ buộc tội cô lăng nhục tòa.

- Tôi không cần biết ngài sẽ làm gì tôi? Jennifer nói - Tôi có cơ sở để trưng bày tang vật này. Chính ngài chưởng lý tạo ra cơ sở đó.

Di Silva hỏi lại:

- Cái gì? Tôi chưa hề…

Jennifer quay sang viên lục sự của tòa:

- Xin ông hay đọc bản luận tội của ngài Di Silva bắt đầu từ dòng - Chúng ta có lẽ không bao giờ biết điều gì khiến cho Abraham Wilson tấn công.

Chưởng lý nhìn lên chánh án Waldman.

- Thưa chánh án, ngài định cho phép…?

Chánh án Waldman giơ một tay lên. Ông ta quay sang Jennifer.

- Tòa không cần cô phải giảng luật ở đây, cô Parker. Khi phiên tòa này kết thúc cô sẽ bị buộc tội làng mạ tòa và đây là một vụ nghiêm trọng, tôi sẽ cho phép đọc tiếp.

Viên lục sự giở mấy trang hồ sơ và bắt đầu đọc "Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết điều gì khiến cho Abraham Wilson tấn công một người nhỏ bé, không có gì để tự vệ…"

- Đủ rồi, - Jennifer cắt lời anh ta - Xin cám ơn.

Cô nhìn Robert Di Silva và chậm rãi nói:

- Đó là lời của ngài, thưa ngài Di Silva.

Quay sang chánh án Waldman, cô nói:

- Thưa ngài chánh án, câu cơ bản nhất ở đây là không có gì tự vệ. Vì chính ngài chưởng lý nói với phiên tòa này rằng nạn nhân không có gì để tự vệ, ông ta đã để ngỏ một khả năng khác. Đó là việc nạn nhân chưa chắc đã không có gì để tự vệ và thực tế anh ta có thể có vũ khí. Vì vậy chúng tôi có thể đưa ra tang vật để làm đối chứng.

Mọi người chợt im lặng hồi lâu.

Chánh án Waldman quay sang Robert Di Silva:

- Cô Parker nói đúng một điểm. Ngài đã để ngỏ một khả năng.

Robert Di Silva tưởng mình nghe nhầm:

- Nhưng tôi chỉ…

- Tòa sẽ cho phép đưa ra tang chứng.

Jennifer thở phào nhẹ nhõm.

- Cám ơn ngài chánh án.

Cô nhấc chiếc hộp lên, giơ về phía đoàn hội thẩm.

- Thưa quý ông quý bà, ngài chưởng lý chắc sẽ nói với các vị những gì trong hộp này không phải là tang chứng trực tiếp. Ông ta đúng. Ông ta chắc cũng sẽ nói rằng không có liên hệ gì giữa những vũ khí này và người bị nạn. Ông ta cũng đúng. Tôi sẽ cho trưng bày tang chứng vì một lý do khác. Mấy ngày hôm nay các vị đã được nghe kể, về việc bị cáo đánh chết Raymond Thorpe một cách dã man như thế nào. Bức tranh được dựng lên một cách cẩn thận và giả tạo của bên nguyên là hình ảnh một kẻ giết người tàn bạo, hạ sát đồng loại mà chẳng có lý do gì cả. Nhưng xin các vị hãy tự hỏi: "Có phải luôn có động cơ gì đó không? Tham lam, thù ghét, dục vọng, một cái gì đó chứ? Tôi tin rằng và tôi đặt cược tính mạng của khách hàng mình vào sự tin tưởng đó là có một động cơ dẫn đến việc sát nhân. Động cơ duy nhất, như chính ngài chưởng lý vừa nói với các vị có thể biện minh cho việc đó, là tự vệ. Người ta phải đấu tranh để bảo vệ mạng sống của chính mình. Các vị đã nghe Howard Patterson chứng thực rằng có nhiều vụ giết người xảy ra trong nhà tù, rằng các tội nhân tự tạo ra được những vũ khí chết người. Điều đó có nghĩa là có khả năng Raymond Thorpe đã sử dụng một trong những thứ vũ khí đó và trên thực tế chính hắn ta đã tấn công bị cáo. Bị cáo trong lúc chống cự đã buộc phải giết hắn ta để tự vệ. Nếu các vị quyết định rằng Abraham Wilson đã giết Raymond Thorpe một cách dã man và không có động cơ gì hết, lúc đó các vị sẽ đưa ra lời phán quyết có giá trị như ngài chưởng lý đã yêu cầu. Tuy nhiên, nếu sau khi xem tang chứng này các vị có những mối băn khoăn đáng kể, các vị sẽ có trách nhiệm đưa ra lời phán quyết vô tội.

Chiếc hộp gỗ bỗng trở nên nặng trĩu trong tay cô.

- Lần đầu tiên khi tôi nhìn vào chiếc hộp này, tôi không tin vào mắt mình nữa. Các vị chắc cũng khó có thể tin được, nhưng các vị nên lưu ý rằng chiếc hộp này đã được đem tới đây dưới sự phản đối của phó giám đốc nhà lao Sing Sing. Đây là một bộ sưu tập các loại vũ khí tịch thu của các phạm nhân ở nhà lao này!

Trên đường đi tới bàn hội thẩm, Jennifer dường như bị mất thăng bằng và khụyu xuống. Chiếc hộp trượt khỏi tay cô rơi xuống đất, và những đồ trong hộp văng tung toé ra khắp nơi. Tiếng ồn ào nổi lên. Các thẩm phán bắt đầu đứng dậy để xem cho rõ hơn. Họ nhìn chằm chằm vào các loại vũ khí đáng sợ vừa văng ra từ chiếc hộp đó. Có khoảng 100 cái, đủ các kích cỡ và thể loại. Dao díp, dao găm, kéo nhọn đầu, kìm. Có cả những sợi dây thép có tay cầm dùng để xíết cổ.

Người xem và đám phóng viên nhốn nháo cả lên, ai cũng cố nghển cổ nhìn cho rõ. Chánh án Waldman giận dữ đập búa lia lịa để giữ trật tự.

Chánh án Waldman nhìn cô với vẻ mặt mà cô không hiểu nổi. Một nhân viên phục vụ vội chạy đến nhặt các vũ khí rơi vãi lên. Jennifer xua tay:

- Cám ơn. - Cô nói - Để tôi dọn cũng được.

Dưới sự theo dõi của các thẩm phán và những người tham dự phiên tòa. Jennifer quỳ xuống và bắt đầu nhặt những vũ khí vương vãi trên sàn cho vào hộp. Cô làm việc đó một cách chậm rãi, ngắm nghía mỗi thứ một tí trước khi bỏ vào hộp. Các thẩm phán đã ngồi xuống nhưng vẫn chăm chú theo dõi Jennifer. Phải mất đến 5 phút cô mới nhặt hết đống vũ khí, trong khi đó chưởng lý Di Silva ngồi nhìn tức tối.

Sau khi đã bỏ chiếc dao cuối cùng vào hộp, Jennifer đứng dậy, nhìn Patterson, rồi quay sang nói với Di Silva:

- Mời ngài đối chất.

- Không cần. - Chưởng lý đáp cụt lủn.

- Vậy thì tôi muốn gọi Abraham Wilson lên bục khai!