Trâm Cài Tóc Mỹ Nhân

Chương 3




Ta thản nhiên đi xuyên qua đám người, tiến tới sau lưng Lâm nhị tiểu thư, bắt đầu giúp nàng chải tóc thật gọn gàng, ngay ngắn. Trong lúc ta làm việc thì thỉnh thoảng có vài tiếng ho khan vang lên, còn tiếng người trò chuyện thì tuyệt nhiên không thấy.

Ta chỉ lo chú tâm vào tân nương, không hề cảm thấy đứng ngồi không yên. Lâm phu nhân nhận ra ta sắp làm xong việc rồi mới mở lời: “Nghe nói tay nghề Nguyên cô nương vừa giỏi vừa nhanh, hôm nay coi như tai nghe mắt thấy.”

Ta khẽ cười: “Đã muốn kiếm cơm bằng nghề này, đương nhiên phải rèn luyện kỹ năng cho tốt, nếu không thì hổ thẹn với lời khen ngợi của phu nhân rồi.”

“Nguyên cô nương thật biết cách ăn nói.” Lâm phu nhân ngồi trên ghế, nhấm nháp ngụm trà rồi thở dài thườn thượt: “Ai nha, con trai thứ ba của ta đã đi hai tháng, tới nay còn chưa quay về gặp mặt ta được một lần nào.”

Ta kín đáo liếc nhìn qua, Lâm phu nhân vẫn luôn chăm chú quan sát ta: “Cũng nhờ có Nguyên cô nương ra mặt, ngươi vừa tới thì con ta lập tức đi theo.”

“Hôm nay Lâm tam lang quay về tất nhiên là vì nhị tỷ hắn sắp sửa gả chồng.” Cuối cùng ta cũng làm xong, nửa ngồi xổm trước mặt nhị tiểu thư, tỉ mỉ kiểm tra lại vài chi tiết nhỏ.

“Hơn nữa hai tháng trước là lúc thu hoạch vụ thu, công việc bận rộn nhiều lắm. Xét thấy quý phủ biết cách dạy dỗ con cái nên Lâm tam lang mới mất ăn mất ngủ ở nông trường như thế, ngay cả thời gian về thăm nhà cũng không có.”

Lâm nhị tiểu thư không nhịn được, một tiếng cười “phụt” ra khỏi môi, đúng lúc cắt ngang lời ta nói. Nhờ vậy mà ta mới ngừng lại, không tiếp tục cãi lời Lâm phu nhân nữa.

Lâm phu nhân hỏi nàng cười gì thế, Lâm nhị tiểu thư chỉ vào người ta nói: “Đúng là nhanh mồm dẻo miệng, cô nương này giống hệt mẹ khi còn trẻ.”

Ta ngạc nhiên quay đầu nhìn lại Lâm phu nhân, vừa vặn bà cũng rũ mắt nhìn ta. Bốn mắt chạm nhau, không hẹn mà cùng nở nụ cười.

Lâm nhị tiểu thư trời sinh mặt trứng ngỗng, mắt tròn mũi đầy, nhìn có vẻ hiền lành lắm. Tướng từ tâm sinh, cách nàng nói năng cũng hữu nghị vô cùng, còn có ý giúp đỡ ta và Lâm Hoài Tín.

Nàng hỏi ta: “Không biết Nguyên cô nương có người trong lòng hay chưa?”

Trịnh tiểu thư cũng từng hỏi ta câu này. Trước sau như một, ta vẫn thành thật gật đầu, chỉ là chưa nói thẳng tên Lâm Hoài Tín ra thôi.

Trong phòng đầy người, ai cũng biết rõ hết rồi. Ta có khác gì thịt cá còn bọn họ là dao thớt đâu, ta có nói gì cũng vô ích.

Lâm nhị tiểu thư lại hỏi: “Vậy ngươi có muốn gả cho người trong lòng ngươi không?”

Thấy ta chậm chạp không trả lời, Lâm phu nhân lại mở miệng trước: “Thử hỏi trên đời này được mấy ai không muốn ở cạnh người mình thích? Nhị nha đầu, con ở nhà đến từng này tuổi còn không phải vì đợi người trong lòng con sao?”

Lâm nhị tiểu thư gật đầu: “Mẹ nói không sai. Nếu như mẹ có thể thành toàn cho con, vậy thì mẹ cũng có thể thành toàn cho Hoài Tín đúng không?”

Lâm phu nhân nhấp môi không tiếp lời, Lâm nhị tiểu thư quay qua hỏi ta: “Vậy Nguyên cô nương muốn như thế nào?”

“Tất nhiên ta cũng muốn gả cho người trong lòng.”

Ta cài cây trâm bạc do đích thân ta làm lên tóc Lâm nhị tiểu thư: “Nhưng bây giờ cuộc sống ta không tốt lắm, ta không muốn trở thành gánh nặng của hắn.”

Ta đã đồng ý với mẹ, ta không thể tự làm bản thân chịu khổ, cho nên ta đứng lên, xoay người nhìn thẳng vào Lâm phu nhân.

“Bây giờ ta sống không tốt, không có nghĩa sau này cũng thế. Chờ đến khi ta kiếm được chút tiền, trị khỏi bệnh cho mẹ xong thì có thể mở trường dạy học, khi đó ta mới có thể nghĩ đến chuyện gả cho ai.”

Đến tận lúc này Lâm phu nhân mới nhìn ta bằng ánh mắt khác. Bà không còn đề phòng ta nữa mà có nhiều thêm vài phần tán dương.

Nhưng ta hiểu rất rõ, đây mới chỉ là khúc dạo đầu mà thôi.

Khi ta rời khỏi phòng Lâm nhị tiểu thư thì Lâm Hoài Tín vẫn còn đứng canh ở cửa ra vào viện. Ta phát hiện tay hắn đã đông cứng hết cả rồi.

Mặt mày hắn hoảng lắm, hỏi ta có bị khi dễ hay không.

Ta cong môi cười, còn chưa kịp nói gì đã có một nha hoàn nhỏ tuổi chạy từ trong phòng ra: “Nguyên cô nương ơi, cô nương khoan đi đã, phu nhân nhà ta mời cô nương ở lại uống rượu mừng.”

Ta không kịp phản ứng lại, còn Lâm Hoài Tín thì hiền hòa “A” một tiếng.

“Tam lang đọc đủ thứ thi thư, sao hôm nay còn ngờ nghệch vậy?”

Ta cười, đẩy rương vào ngực hắn: “Bây giờ ta là khách được Lâm phu nhân mời tới, làm phiền tam công tử tiếp đón ta cho tốt nhé.”

Hắn cẩn thận suy nghĩ, gương mặt xinh đẹp cuối cùng cũng giãn ra. Hắn cười ngây ngô, hành lễ mời ta tiến vào tiệc rượu: “Mời Nguyên cô nương đi đến bên này.”

Mẹ ta còn đang trông ngóng ở nhà, thế nên hôm đó ta chỉ ngồi chốc lát rồi xin từ biệt sớm. Trước khi đi, nha hoàn bên cạnh Lâm phu nhân có tới tìm ta. Nàng cho thêm chút tiền vào bao, nói là thấy tay nghề ta giỏi nên muốn thưởng ta.

Ta đẩy trở về, cười nói: “Nếu Lâm phu nhân hài lòng với kỹ năng của ta, vậy sau này có việc thì hãy tiến cử ta nhiều thêm là được.”

Ta chợt nhớ ra một việc, gọi nha hoàn kia lại nói: “Cây trâm bạc kia không cần trả lại đâu, coi như là quà ta tặng nhị tiểu như đi.”

Lâm Hoài Tín giúp ta kéo xe lừa tới. Hắn không nói một lời nào, nhét vào xe ta không ít hạt dưa, đậu phộng và bánh ngọt điểm tâm.

“Nể mặt hôm nay có việc vui, nàng đừng từ chối ta đấy.” Hai mắt hắn ngập nước, trông chẳng khác gì con cún con gặp phải chuyện oan ức.

Ta nở nụ cười bất lực, đành phải nhận lấy toàn bộ.

“Hiện nay đã thu hoạch xong vụ thu, không còn bận việc gì nữa thì ngươi nên thường xuyên về nhà, ở chung với người thân mới phải.” Ta giúp hắn khép áo choàng lại cho kín: “Cha mẹ ngươi là người hiểu lý lẽ, nếu ngươi xa cách với họ vì ta thì bọn họ cũng không tiện mở miệng.”

Tâm tư Lâm Hoài Tín rất đơn giản, hắn không tính toán được xa xôi đến thế. Hắn nghe ta nói xong thì suy nghĩ hồi lâu mới gật đầu.

Ta nắm dây cương, đang định rời đi thì đột nhiên Lâm Hoài Tín đè thân xe lại. Không ngờ người nho nhã lịch sự như hắn lại có sức lực mạnh đến thế.

Hắn có uống chút rượu, hốc mắt ửng hồng, đôi đồng tử dưới hàng mi trong trẻo như mặt nước: “Ta sẽ tiếp tục để dành tiền, chờ lập hạ sang năm sẽ mang ngươi ra ngoài ngắm sân nhà của chúng ta.”

Ta hơi ngẩn ra, khi phản ứng lại được thì vành tai đã nóng cháy lắm rồi.

“Ngươi mua sân nhà của ngươi thì có liên quan gì đến ta...” Ta hất tay hắn ra, đánh xe quay về như chạy trốn.

Suốt quãng đường đó, trong lòng ta chỉ nghe thấy mỗi tiếng cười khẽ của Lâm Hoài Tín.

Ngày đó ta về nhà với tâm trạng phấn khởi vô cùng, còn hấp một nồi bánh bao đầy ấp, ngon lành cùng với mẹ. Đến khi trời lạnh, bánh bao để ở trong hầm có thể bị đông lạnh lại, sau này muốn lấy ra ăn cũng tiện.

Ban đêm, ta nằm rúc vào lòng mẹ, niềm vui đến chậm làm ta không thể nào ngủ được.

Ta nói với mẹ về kế hoạch tương lai. Ta muốn mở trường dạy học, chuyen môn dạy cho nữ giới cách chải đầu và viết chữ. Tổng cộng ta chỉ rành rẽ hai việc này, thế nên ta muốn dốc lòng truyền lại cho người khác.

Thế thì ta không chỉ kiếm được tiền, ta còn có khả năng giúp đỡ mọi người. Lỡ như có cô nương nào đó có hoàn cảnh giống ta và mẹ, không chừng ta có thể giúp đỡ được các nàng vượt qua cửa ải khó khăn.

Cho người ta cá ăn không bằng dạy người ta cách bắt cá.

...

Ngày Lâm Hoài Tín đi chọn nhà, trường học của ta cũng được khai giảng ngay trong nhà ta. Hàng xóm láng giềng biết ta có khả năng tự thân kiếm tiền, nên lúc ban đầu chỉ có họ chịu đưa con gái tới.

Sau đó các nàng đi theo ta ra ngoài làm việc, thực sự kiếm được tiền thì dần có người ở phương xa tới đưa quà nhập học.

“Đáng tiếc là hầu hết bọn họ chỉ muốn học cách chải đầu cho người ta, chứ không muốn học đọc sách viết chữ.”

Lâm Hoài Tín giúp ta ghi sổ sách. Ta thì bưng một mâm bánh hoa mai ngồi trong sân nhà hắn, vừa ăn vừa dông dài mấy lời.

Hắn biết ta thích hoa nên nhìn đâu cũng thấy từng cụm màu rực rỡ. Hắn chọn một căn nhà có sân rất lớn, vào mùa trồng hoa đầu tiên đã chôn xuống rất nhiều hạt giống.

Hắn nghe ta lảm nhảm thì nói: “Không trách các nàng được, đương kim Thánh Thượng trọng võ khinh văn thì thôi, đã thế còn kiêng kị nữ giới biết chữ nghĩa rồi can thiệp vào triều chính. Hoàng Hậu vốn là một nữ tướng quân văn võ song toàn, bây giờ cũng bị ngài dạy dỗ, trở nên ngoan ngoãn cam chịu cuộc sống trong cung luôn rồi đó.”

Ta nghe thế thì ngớ người. Nơi chúng ta sống chỉ là một huyện thành nhỏ bé mà thôi, cách đô thành ngàn dặm xa xôi, ai mà dám bàn chuyện riêng tư của Thánh Thượng chứ. Nhưng thật ra ai cũng biết những lời hắn nói không hề sai.

Hoàng hậu đương triều tên Mạnh Ương, cởi khôi giáp xuống tiến vào Hoàng cung, từ đó quốc gia thiếu mất một vị tướng tiên phong bảo vệ, trong cung lại có thêm một vị Mạnh Hoàng hậu tuân thủ lễ nghi phép tắc.

Ta dường như thông suốt mọi chuyện, phụ họa hắn nói: “Đúng rồi, học chữ nghĩa không có tác dụng gì còn dễ gây tai họa.”

Ta cắn một miếng bánh hoa mai, ngây ngốc nỉ non: “Nếu như có một ngày nữ giới cũng có thể đi thi, vào triều làm quan thì tốt rồi.”

Lâm Hoài Tín vươn tay dài, dùng cán bút gõ nhẹ lên trán ta: “Cô nương ăn nói cẩn thận chút.”

Ta gật đầu, vội cắn thêm mấy ngụm bánh hoa mai để lấp kín miệng lại.

Ta bận bịu dạy học, có lúc nhàn rỗi cũng tranh thủ ra ngoài giúp người ta chải đầu, hoặc là viết thư nhà cho người không biết chữ.

Tiền kiếm được thì để dành một ít, còn lại thì dùng để no bụng hoặc sửa lại nhà cửa. Ngày tháng cứ thế nhanh chóng trôi qua.

Mẹ đi theo ta cũng không chịu ngồi yên. Chúng ta lật tung mảnh đất trống ở sân sau cho mẹ trồng thức ăn. Quanh năm suốt tháng, chúng ta đã có đủ khả năng tự nuôi sống chính bản thân mình.

Sau này mẹ còn nhét một túi tiền nhỏ cho ta. Bà cười rộ lên đầy vẻ thật thà, chất phác: “Mẹ giấu con làm vài chiếc khăn tay đem bán, nhưng mà còn lâu mới kiếm được nhiều tiền như con.”

Ta cất túi tiền nhỏ đó vào một túi tiền khác lớn hơn, sau đó lại nhét vào ngực mẹ: “Mẹ à, nếu như mẹ rảnh tới nỗi thích thêu mấy thứ đó thì con cũng kệ đấy. Nhưng mà mẹ tuyệt đối không thể làm sức khỏe mình suy sụp vì muốn giúp đỡ con được. Bằng không công sức con đổ ra mấy năm nay uổng phí hết mất.”

Mẹ ta hiểu rõ, giấu túi tiền lớn vào một cái bình để trong hầm. Bà nói đó là của hồi môn cho ta, bà muốn khi ta xuất giá được vinh quang xán lạn.

“Mẹ không cho phép bất kỳ ai nói mẹ bán con gái đi. Mẹ muốn bọn họ thấy con gái mẹ mặc vàng đeo bạc, có gả cũng là gả thấp cho người.” Mẹ ăn nói khí phách lắm, một tay ôm ta, tay còn lại thì ôm bình giấu tiền.

Ta không nhịn nổi cơn nghẹn ngào, ta biết mấy năm nay ta có cho mẹ bao nhiêu tiền tiêu vặt thì bà vẫn tiếc rẻ không dám xài, tất cả đều giữ lại cho ta hết.

Mẹ ơi, mẹ à, cho dù sau này con lập gia đình, cháu chắc đầy đàn thì mẹ vẫn sẽ luôn lo lắng cho con.

Ta muốn làm một đứa trẻ không bao giờ rời khỏi vòng tay mẹ, bởi vì tình yêu không hề giữ lại một gì của bà đã cho ta một cuộc đời đủ đầy tốt đẹp.

Mọi chuyện sau đó đều thực xuôi gió xuôi nước.

Lâm Hoài Tín chọn một ngày sau khi thu hoạch vụ thu xong, mời bạn bè thân thích tới căn nhà mới. Lâm lão gia và Lâm lão phu nhân đều đã tới từ sớm, khi ta vừa bước vào cửa thì Lâm Hoài Tín dẫn ta qua gặp họ ngay.

Ta đang ôm quà tặng trong lòng, không ngờ là bậc cha chú Lâm gia đều có mặt ở đây, tất cả ngồi kín cả một phòng. Ta hoảng hồn, len lén liếc nhìn Lâm Hoài Tín đang hành lễ bên cạnh.

Hắn cười, mặt mũi cong cong, khóe miệng sắp sửa toét tới mang tai luôn rồi.

Lâm phu nhân cười hỏi ta tặng quà gì đấy. Ta đáp là có một cặp bình sứ, còn có một ít điểm tâm mẹ ta tự tay làm.

“Mẹ ta nói sợ hôm nay tam lang say rượu, dạ dày khó chịu. Cho nên trước tiên để hắn ăn chút điểm tâm lót dạ đã.”

Nghe ta nói chuyện thành thật như thế thì Lâm lão gia cũng cười hiền từ. Ông hỏi ta: “Đã là như thế thì xem ra chúng ta không có phần rồi đúng không?”

Ta gãi đầu, làm mọi người cười ngả nghiêng ngả ngửa.

Ngày đó Lâm phu nhân giao ngọc bội gia truyền lại cho ta. Bà đích thân bày biện cặp bình sứ ta mang đến ở giữa nhà.

Khi ta đi ngang qua mới phát hiện trong nhà Lâm Hoài Tín có hai góc phòng chất đầy rương, hòm. Bên ngoài chúng được bọc lại bằng vải gấm màu đỏ thẫm.

Lúc Lâm Hoài Tín chiêu đãi khách khứa, Lâm lão gia và Lâm phu nhân bảo gã sai vặt gánh mấy rương đỏ đó đến nhà ta cầu hôn.

Mẹ ta không chuẩn bị gì, trong lúc hoang mang rối loạn chỉ biết lặp đi lặp lại mấy lời: “Tuệ Tuệ nhà ta giỏi giang hơn ta nhiều, một mình nàng có thể nuôi sống cả nhà. Nếu cưới hỏi phô trương thế này thì về sau các ngươi đừng hòng khi dễ nàng. Cũng đừng nuôi nhốt nàng trong viện, bắt nàng nấu cơm phục vụ...”

Hơn ai hết, mẹ ta hiểu rõ nhiều đường quanh co hành hạ người ta như thế nào. Đặc biệt là khi ta đã có khả năng tự lực cánh sinh lại phải quay về chịu nỗi khổ ăn nhờ ở đậu.

Không thể trở lại những ngày tháng đó, bà thà không gả ta đi còn hơn là để ta sống phụ thuộc vào người khác.

Lâm lão gia bày tỏ thái độ, nói là tuyệt đối không làm ta giẫm lên vết xe đổ. Khi ta gả cho Lâm Hoài Tín rồi thì cứ làm chuyện ta muốn làm, nhà họ Lâm tuyệt đối không ngăn cản.

Lâm lão gia kể lại nguyên văn lời Lâm Hoài Tín từng nói: “Nguyên Thanh Tuệ đầu tiên là chính nàng, sau đó là con gái của mẹ nàng, cuối cùng mới là vợ của ta.”

Ta có thể tưởng tượng được đôi mắt sáng xinh đẹp của hắn khi thốt ra những lời ấy. Hắn chưa từng hỏi ta là gả đi rồi, tại sao còn phải cực khổ tự mình đi kiếm miếng ăn. Tựa như lúc trước hắn sẽ không hỏi ta con gái học viết chữ thì có ích lợi gì vậy.

Ngày ta thành hôn với Lâm Hoài Tín được định vào tháng chạp rét đậm. Người nhà đôi bên đều gấp gáp không chờ nổi, họ muốn được đón chào năm mới cùng nhau.

Ngày lạnh, lòng người thì ấm.

Đêm đại hôn, Lâm Hoài Tín thấy ta vừa lạnh vừa mệt nên không vội chạm vào người ta. Hắn chỉ cẩn thận giúp ta chải tóc mà thôi.

Toàn bộ búi tóc trên mái đầu này là do mẹ giúp ta quấn lên lúc trời còn chưa sáng. Bây giờ gả cho người, từ đây đến lượt phu quân ta tháo xuống.

Hắn dịu dàng nói với ta: “Thanh Tuệ đừng nôn nóng. Bên này chúng ta vừa mới mở tiệc là ta đã đón mẹ nàng về đây rồi. Bây giờ mẹ nàng đang nghỉ ngơi ở Đông viện.”

Ta nhìn thấy một Lâm Hoài Tín nghiêm trang bên trong gương khắc hoa lăng: “Nếu như nàng không quen thì đợi lát nữa ta dẫn nàng qua đó, để nàng ngủ cùng mẹ nhé.”

Hắn chọc ta buồn cười. Ta đứng lên quay người lại, nhanh tay ôm lấy hắn thật chặt.

Ta cố ý kề sát vào hắn, cười xấu xa nói: “Phu quân chân dài vai rộng, không ngờ vòng eo lại nhỏ nhắn...”

Lâm Hoài Tín thoáng chốc đỏ mặt, ngay cả hốc mắt cũng ửng hồng. Ta chưa từng thấy hắn lúng túng thế này bao giờ, làm như muốn đẩy ta ra, lại như luyến tiếc không rời.

“Thanh Tuệ, nàng, nàng có thấy mệt trong người không?” Hắn rối rắm mãi cũng hỏi ra được một câu làm ta không biết nên khóc hay nên cười.

Ta chớp mắt nhìn hắn, một lúc lâu sau mới nhẹ giọng trả lời: “Vốn có chút mệt mỏi, nhưng dù sao cũng là đêm động phòng hoa chúc, quy trình nên làm như thế nào thì vẫn nên làm cho xong.”

Hắn nghe hiểu ngụ ý, chặn ngang bế ta lên, lập tức xoay người tiến tới giường hoa...

...

Ta và Lâm Hoài Tín vừa vặn bắt kịp thời gian.

Chúng ta sinh được một nam một nữ, khi chúng đến tuổi đọc sách thì Hoàng đế băng hà trong lúc ngự giá thân chinh. Hoàng hậu Mạnh Ương nâng đỡ Ngũ Hoàng tử lên ngôi. Mạnh Ương buông rèm chấp chính, lập tức tuyên bố quốc lệnh chấp thuận nữ giới đọc sách, đi thi.

Tất nhiên ta và Lâm Hoài Tín muốn đưa hai đứa nhỏ vào trường học. Tương lai bọn chúng có thể lựa chọn đi thi, nếu không thì có thể lựa chọn làm thương buôn. Nếu như con gái ta muốn giống như mẹ nó, trở thành thợ chải đầu thì ta cũng đồng ý.

Đó là lựa chọn của con ta, tiền đề là ta có thể hết lòng mở rộng cơ hội lựa chọn cho bọn chúng.

Búng tay một phát mà mười năm đã trôi qua. Con trai cuối cùng cũng buông giấy bút ra, bảo nó muốn bôn ba hai đầu bờ ruộng, ngắm nhìn lương thực trúng mùa như cha nó.

Ta sờ mặt con, đưa cho nó một chiếc khăn tay: “Chưa chắc việc đó đã nhàn rỗi bằng đọc sách viết chữ, nhưng nếu con đã quyết thì phải cố hết sức mà làm, lỡ không làm nổi thì quay đầu chọn việc khác, có hiểu không?”

Con trai ta hiền lành mà kiên định giống hệt như cha nó vậy, mới ngoan ngoãn gật đầu xong mà cùng ngày hôm đó đã bước ra tới bờ ruộng.

Còn đứa con gái từ nhỏ đã thích leo cây phá phách, đánh nhau, đấu võ mồm với đám con trai lại nghiêm túc đọc sách, bước xa ngàn dặm đến trường thi.

Lúc đó cha ta mang thanh danh vứt bỏ vợ con, độc thân đến cuối đời đã sớm nằm dưới mấy lớp đất từ lâu. Mấy người làm ở huyện nha tùy tiện vùi lấp nên một phần mộ, đến nay mặt cỏ đã cao đến đầu người.

Mẹ ta tuy tóc hoa râm nhưng tinh thần sáng láng, tai thính mắt tinh, tay chân hãy còn nhanh nhẹn lắm.

Yết bảng ngày ấy, bà ngồi trên ghế bập bênh, chậm rãi vỗ quạt cười nói: “Không ngờ là con cháu nhà ta cũng có ngày được làm quan.”

Ta cười nói theo bà: “Còn chưa có ai đến đưa tin, sao mẹ biết nha đầu kia có được đề tên bảng vàng hay không?”

Lâm Hoài Tín ngồi bên cạnh rót trà cho ta. Từ lúc niên thiếu quen biết hắn, mấy chục năm nay hắn vẫn thuần lương như lúc ban đầu.

Ta thường khen ngợi hắn trước mặt mẹ. Còn mẹ thì khen ngược lại ta: “Cũng nhờ Tuệ Tuệ có tài nhìn người. Hơn nữa ta cũng không sợ bị người ta bỏ, cho dù Lâm tam công tử có ngày thay lòng thì con cứ bỏ hắn đi, vẫn có thể sống tốt như thường mà.”

Khi đó ta đáp trả nương bằng một ánh mắt thật vững vàng. Đúng vậy, rời xa hắn thì ta vẫn có thể sống tốt lắm, cho nên ta không cần sợ gì cả.

Ta nhận lấy chén trà Lâm Hoài Tín đưa qua, sau đó ta lại giúp hắn chỉnh sửa cổ áo. Chúng ta nhìn nhau cười, trong lòng hiểu rõ mà không nói ra ngoài miệng.

Chúng ta đều biết đối phương suy nghĩ như thế nào: Không cầu thành quả, chỉ cần không thẹn với lòng. Con gái chúng ta có thể thi đậu thì tốt, không đậu cũng không sao. Nếu nó suy nghĩ lại, hoặc là không chịu thua, tiếp tục thi thêm mấy năm nữa đều được hết.

Ta lấy trà thay rượu. Khi người đưa tin bước vào cửa viện, ta kính Lâm Hoài Tín nói: “Tam lang, chàng nói xem, trên đời này mỗi bước đi đều đã được tính toán hết rồi đúng hay không?”

.............

每一步都算数 có lẽ được lấy từ “人生没有白走的路,每一步都算数”/ Cuộc sống không có con đường vô ích, mỗi bước đều được tính toán: mang ý nghĩa thời gian sẽ chứng minh rằng tất cả mọi thứ đều có giá trị của nó.

(Hoàn)