Tự Truyện Tâm Linh - Nghiệp Âm

Quyển 2 - Chương 1: Điềm báo




Vậy là cũng đã hơn một năm kể từ cái đêm thầy Hữu nói lời tiễn biệt với mấy người chúng tôi. Mọi người trong nhà sau đêm ấy cứ ngỡ rằng trăm bề gia sự tính từ đây sẽ được yên ổn hơn phần nào so với trước. Nhưng kỳ thực, lòng người càng cầu bình an thì ông trời lại càng ban thêm muôn vàn những thử thách, có trách thì cũng chỉ biết trách do số phận đã khéo léo an bài cho cuộc đời ta phải gắn liền với những câu truyện tâm linh kỳ bí mà chẳng một người nào dám bàn xét về sự hiện hữu hay hư thực của nó. Thỉnh thoảng, tôi vẫn vô tình bắt gặp những hình ảnh xưa cũ của Xích Diệm Quỷ, của anh Đại, của Mã Chính tướng quân, của cô Miên, tất thẩy mọi thứ cứ thế bất chợt dội về tâm trí tựa như một thước phim hữu hình xoay quanh thế giới tâm linh.

Đang trằn trọc suy nghĩ trên chiếc giường gỗ đã có phần mục rũa, chợt bên tai nghe có tiếng la thất thanh của phụ nữ. Tôi thở dài, chắc lại là mẹ, dạo gần đây cả nhà tôi bất kể nam nữ thường hay gặp phải những sự lạ vào canh ba. Có đêm, đồng hồ vừa điểm giờ Tý, mẹ tôi trong phòng đang ngủ bỗng dưng bật dậy mà mò xuống bếp, hai tay cầm dao đi lùng xục khắp nhà. Điều kỳ lạ là hai mắt bà vẫn nhắm nghiền không mở, mồm miệng thì méo xệch đi chẳng nói được lời nào. Cũng có hôm, mẹ tôi vừa đặt lưng xuống giường thì lại lục đục mò lên trên phòng thờ, tự thay thắp nhang thắp nến, tự tay khấn vái rồi ngồi bệt xuống dưới đất mà cười ha hả như thể khoái chí lắm. Gia đình tôi thấy thế thì cũng cả kinh, nhưng tuyệt nhiên không một ai dám đứng ra can gián. Phần vì những hiện tượng như này chỉ kéo dài trong thoáng chốc, phần vì cũng chưa rõ nguyên cớ là do đâu mà sự tình lại thành ra như vậy nên mọi người vẫn còn giữ sự dè chừng trong hành động. Ngay kể như một người cứng bóng vía là bố tôi, cứ ngỡ rằng ông sẽ chẳng bao giờ bị những thứ ma quỷ này quấy nhiễu, ấy thế mà cách đây chừng hai hôm, chính bố tôi lại là nạn nhân của những hiện tượng kỳ lạ trong nhà. Hôm ấy, giữa đêm thì trời đổ cơn mưa đầu mùa, bố tôi ở dưới nhà sốt sắng chạy ngay lên ban công để thu dọn quần áo, tránh bị nước mưa làm ướt thì tiếc cái công giặt giũ lắm. Nhưng ngặt nỗi, giữa cái màn mưa đêm như thác đổ ấy, ẩn hiện trong bóng tối là một nhân ảnh khi tỏ khi tường, nhân ảnh này bố tôi khẳng định là nam, người cao chừng gần hai thước, hình thể vạm vỡ, tráng kiện, trên tay cầm một thanh trượng mâu nhìn mà oai dũng lắm. Ban đầu, bố tôi chỉ biết đứng từ trong mà quan sát chứ cũng không dám tiến lại gần, chắc hẳn, ông cũng đã phần nào đó mơ hồ đoán biết được cái thứ trước mắt không phải là một người trần thế tục. Ngay sau đó, toàn thân bố tôi thoạt nhiên cử động một cách vô thức, ông tiến lại phía trước quỳ rạp xuống dưới chân của nhân ảnh. Hai tay chắp vào theo lối xưa cũ của phường võ đạo, miệng hô lớn đến mức át đi cả âm thanh của màn mưa xối xả,

-Thuộc hạ xin tuân lệnh tướng quân, chúc tướng quân xa giá hồi thành thượng lộ bình an. 

Vừa nói xong, bố tôi nằm vật ra đất bất tỉnh nhân sự, phải cho đến khi hai mẹ con tôi mò lên tìm thì mới bừng tỉnh và kể lại rằng là đã gặp sự việc như vậy. Lại nói về phần mẹ tôi, âm thanh la hét từ nãy đến giờ vẫn chưa dứt. Cực chẳng đã, tôi mệt mỏi lết xuống dưới nhà để xem xét sự tình. Lúc bấy giờ, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng kỳ dị đến tột cùng. Bố tôi khi ấy đầu tóc rũ rượi, trên tay phải đương cầm một que nhang tự chấm vào cánh tay trái của mình theo một tượng hình nhất định nào đó. Ngay phía kế bên, mẹ tôi ngồi ôm bụng dựa lưng vào tường, mặt mày tím tái đi vì sợ. Nhìn thấy tôi từ trên cầu thang bước xuống, mẹ tôi lập tức khuya tay gàn lại. Nhưng chẳng kịp, bố tôi thấy có động thì đã vội đảo mắt về phía sau, ánh mắt để lộ rõ sự hằn học. Ông nhìn tôi một dạo rồi dơ cánh tay trái đầy máu lên phía trước mặt. Trên cánh tay, lộp rộp là những vết bỏng to bằng đầu nhang được xếp lại thành hai chữ “báo ơn”. Cả tôi và mẹ thấy điều này thì chỉ biết nhìn nhau ngờ vực. Chắc hẳn, trong lòng mẹ tôi lúc này cũng đang suy nghĩ về hai chữ “báo ơn” giống như tôi. Hơn nữa, nếu như là báo ơn, thì phải cho người ta biết rằng là báo ơn cho ai và báo ơn như nào, nếu như chỉ đưa ra hai chữ này thì người thường như mẹ con tôi quả thật là khó đoán biết được hàm ý. Bấy giờ, thấy mẹ con tôi đều đã đọc được những tượng chữ, bố tôi liền lúc dập tắt que hương rồi đứng dậy đi ra nằm trên chiếc trường kỉ phía bên ngoài phòng khách. Tức thì, tôi lao xuống đỡ mẹ dậy, hai mẹ con lúc đó lại nhanh chóng tiến ra ngoài để quan sát. Nhưng kỳ lạ, bố tôi nằm trên chiếc trường kỷ mà hai chân hai tay duỗi thẳng trông thực là thoải mái lắm, hơi thở từ từ đều đặn như đang ngủ. Mẹ con tôi khi ấy mới thở phào nhẹ nhõm, thiết nghĩ rằng mọi chuyện đã êm xuôi nên ngay lập tức mẹ khoán tôi đi ngủ. Đồng hồ lúc này vừa hay điểm 12h đêm…

Trở về phòng, đặt mình xuống chiếc giường cũ đã quá đỗi thân thuộc, tôi vắt tay lên trán mà suy nghĩ. Những lúc như thế này, thật sự, tôi lại nhớ đến thầy Hữu, giá mà lúc này có sự cứu cánh của thầy thì tôi sẽ được yên tâm hơn phần nào. Lại nói về thầy Hữu, đã hơn một năm nay thầy Hữu bặt vô âm tín, gia đình tôi đã tìm mọi cách để liên lạc nhưng không được. Thậm chí, mẹ con đã cất công năm lần bảy lượt về tận Hải Dương để tìm thầy. Nhưng đổi lại, kết quả mà chúng tôi thu được nó chỉ là những khối kỷ niệm và những cảnh vật xưa cũ, còn thầy Hữu, đi đâu, về đâu, hiện tại đang làm gì thì vẫn là một câu hỏi vô cùng lớn đối với cả gia đình, đặc biệt lại còn là một gia đình đang mang công ơn trời biển của thầy. 

- Nguyễn Ngọc Quang người dương thế đương thời tiếp lệnh. Chuẩn y mệnh lệnh của Diệu Cảm Tướng Quân Hiển Ứng An Dân Lê Thạch cho triệu kiến người dương mệnh càn bóng quế là Nguyễn Ngọc Quang về cửa Đình Thần tại thôn An Tân, xã Gia Tân, huyên Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để thương bàn kế sự. Nay lệnh cho Nguyễn Văn Hữu tự Phúc Môn người huyện Tứ Kỳ sẽ có chức trách bảo vệ cho Nguyễn Ngọc Quang về diện kiến anh linh tại cửa thần hoàng của thôn An Tân. Chuẩn lệnh tấu linh. 

Tiếng nam nhân từ bên ngoài vọng về nghe rõ đến mồn một đã vô tình đập tan đi khoảng không gian trầm tư suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Hé cánh cửa sổ sao cho vừa đủ để tầm mắt có thể nhìn xuống phía dưới. Giữa màn đêm đen đặc của tiết trời tháng bảy, tôi đánh mắt một vòng xung quanh để thăm dò tình hình, bốn bề lúc này mới thật yên ắng làm sao. Vừa mới đây thôi, chính tai tôi đã nghe được âm thanh rõng rạc từ giọng nói của nam nhân vọng về, tôi nghe không sót một từ, một chữ nào. Ấy thế mà phía bên ngoài lúc này lại trống trơn, tuyệt nhiên không có một bóng người, cảnh vật tĩnh mịch tựa hồ như cơn mộng mị. 

-Chẳng lẽ lại là mơ? 

Tôi trộm nghĩ. 

Chỉ trong thoáng chống, tôi toan với tay đóng cửa lại thì thoạt nhiên bắt gặp phải hình ảnh của một nam nhân khiến cho bản thân phải giật mình kinh hãi. Anh ta toàn thân mang giáp trụ hình Ngư Lân, hai tay đương bưng một vật gì đó bê bết máu me mà cưỡi ngựa phi lướt qua tầm mắt của tôi. Điều kỳ dị chính là anh ta không có đầu, có vẻ như cái vật mà anh ta đang bưng trên tay khi nãy chính là đầu của mình. Tôi phải mất chừng mươi phút mới hoàn hồn, mặc dù cho mọi thứ xảy ra chỉ trong vòng tích tắc, nhưng những gì mà chính tôi vừa mục sở thị thì quả thực là liêu trai đến khó tin. Ngay sau đó, khi lấy được sự bình tĩnh, tôi tức thì nhớ lại và xâu chuỗi những gì mình vừa nghe được, đặc biệt là đoạn có nhắc đến thầy Hữu. Phải chăng, tôi sắp được trùng phùng với vị ân nhân cứu mạng này sao? Nếu đúng là như vậy thì thực sự là có phúc lắm, gia trung nhà tôi phen này xem ra được cứu rồi. 

Cứ thế, tôi vừa nằm suy nghĩ, vừa lịm dần đi theo tiếng tích tắc của kim đồng hồ. Vô tình, tôi lạc vào một căn phòng vách vữa chát vôi xanh loang lổ. Trong cơn mộng mị, cảnh vật hiện ra trước mắt có đôi phần hư ảo, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, nó cũng đủ khiến cho con người ta cảm thấy được sự quạnh vắng trong cái thế giới ảo mộng ấy. Tôi đang ngồi chống tay trên chiếc bàn tre đã có phần bạc màu, từ phía trong, một đứa trẻ mặc yếm hồng, đầu để ba chỏm tóc vén tấm mành tranh bước ra, khuôn mặt bầu bĩnh tinh nghịch thấy tôi thì lại càng thêm phần hồ hởi. Nó cất tiếng, 

-A, ông anh, bây giờ mới tới à, em chờ anh mãi đấy. Anh thông cảm nhé, mẹ đốt cho em căn nhà xấu quá. Đấy anh xem, nhà thì sơn tường loang lổ hết cả rồi, thân phận giám tộc mà ở cái nhà trông đến chán đời, em báo mộng mấy lần mà chả thấy mẹ đổi nhà cho em gì cả. Anh uống nước đi, rồi em nói chuyện. 

Tôi lấy làm lạ, hình như đây là cậu bé giám tộc thì phải, sao vừa gặp mình là nó đã than thế nhỉ. Thôi, cứ làm ngụm nước đã rồi xem có chuyện gì. Nghĩ là làm, tôi với tay lấy chén nước làm một ngụm chẳng cần biết đấy là đâu, nhưng quái lạ, cái thứ này nó đâu phải là nước uống bình thường, nó cứ hừng hực, nồng nồng như rượu vậy, chẳng lẽ nào thằng cu em nó định chơi mình. 

Thấy tôi nhăn nhó mặt mày, thằng bé ôm bụng vừa nói vừa cười sang sảng, 

-Đấy, em quên bén mất không dặn anh, mẹ chỉ suốt ngày cúng rượu cho em thôi nên trong nhà chỉ toàn là rượu, khách khứa đến chơi thì cũng chỉ có dùng cái món này chứ nhà làm gì có nước. Anh chịu khó tý nhé.

Tôi cũng chẳng biết nói gì thêm, liền hối thúc hỏi xem có chuyện gì mà thằng bé lại muốn gặp tôi như này,

-Lần sau chú nhớ nhắc anh nhé, có gì thì nói đi xem nào, chứ không uống thêm chén nữa là anh không tỉnh táo được đâu. 

Thằng bé trèo lên ghế tựa ngồi, nó hỏi dò tôi, 

-Anh đã gặp thám mã của tướng quân Lê Thạch chưa, ban tối em nghe người ta bảo là thám mã đến gặp anh để đưa tin đấy? 

Tôi đáp ngay, 

-Cái người lính không đầu đấy à, ghê chết đi được, vừa gặp lúc nãy đây này, thế chú có tin tức gì của thầy Hữu không để anh biết đường mà báo mẹ đi tìm. 

Thằng bé đến đây thì giọng trùng xuống, câu từ lắp bắp chắp vá thành nghĩa, 

-Em, em có chứ, à mà cũng không đâu, à mà có, mà thôi, việc này em không dám tiết lộ. Nhưng mà sáng mai nhé, anh cứ bắt xe về Tứ Kỳ, về đúng nhà thầy Hữu ngày xưa ấy. Có duyên thì anh ắt sẽ gặp thôi, nhớ là chỉ được đi một mình nhé, không được cho mẹ đi theo. 

Tôi ngờ vực, 

-Sao lại không được cho mẹ đi theo, thế nhỡ không có gặp thầy Hữu thì xử lý làm sao hả? 

Thằng bé xua tay, 

-Em bảo đi thì anh cứ đi đi. Thôi anh về đi, em còn phải đi có việc bây giờ. À tý thì quên đấy, anh bảo mẹ cúng cho em ít sữa nhé, mẹ lười cúng sữa với hoa quả cho em lắm, ở dưới này uống toàn là rượu với ăn thịt gà em chán lắm rồi. Với lại, nếu như có điều kiện thì thay luôn cho em cái nhà cho nó khang trang sạch sẽ nhé. Nhớ đấy. 

Đến đây thì tôi cảm nhận như có bàn tay đang vỗ vào hai bên má mình. Thì ra là mẹ, hóa ra nãy giờ mẹ đang cố gắng gọi tôi dậy. 

-Dậy, dậy đi, trưa rồi mà còn ngủ à, dậy xuống nhà ăn cơm nhanh lên. 

Tôi choàng tỉnh, mặt trời lúc này đã đứng bóng tự bao giờ, những tia nắng gắt gỏng của ngày hè đổ xuống căn phòng qua ô cửa kính làm tôi hơi nhức mắt. Thấy mẹ, tôi lập tức không chần trừ mà đem câu chuyện đêm qua ra kể lại. Mẹ tôi nghe xong thì trầm ngâm, khuôn mặt của bà lộ sự lo lắng. Đến nước này, đúng là chỉ còn cách để cho tôi một thân một mình mò về Hải Dương, chuyện trong nhà mới yên ổn chẳng được bao lâu mà giờ đã lại thành ra loạn sự.

Mẹ tôi giục xuống ăn cơm, trong bữa cơm trưa nay chỉ có hai người, mẹ căn dăn tôi đủ thứ chuyện trên đời, nào là trộm cắp trên xe khách, nào là lừa đảo đánh thuốc mê để bán nội tạng, chắc là bà cũng đã đành lòng để cho tôi đi. Nhưng phải công nhận, chuyến đi lần này cũng hơi liều thật, dù sao thì tôi cũng mới đang chỉ ở độ tuổi thiếu niên, nhỡ có mệnh hệ gì thì mẹ tôi chắc sẽ ân hận cả đời. Phóng tầm mắt ra xa, tâm trí tôi bây giờ hẳn là đang rối loạn lắm, chẳng biết được rằng phía trước sẽ ra sao. Nhưng thôi, đây không phải là vì mình, nó còn là vì gia đình, vì những người thân thuộc hàng ngày đang bên ta nữa. 

Mẹ đưa tôi ra tận bến xe, dúi vào tay cho tôi cái điện thoại đen trắng cũ, căn dặn tôi nốt vài điều về đường xá rồi đứng bên cổng bến nhìn theo bóng tôi khuất dần trên chuyến xe vào con đường quốc lộ nườm nượp người qua lại. Thoạt đó, tôi cũng chỉ là vô tình đã bắt gặp những giọt lệ trên đuôi mắt của mẹ, hy vọng rằng chuyến này bình an vô sự để mẹ khỏi lo lắng. Tôi thiếp đi ngay sau đó trên chuyến xe khách về Hải Dương vì mệt, đến tận cuối giờ chiều tôi mới mò về được nơi tư gia cũ của thầy Hữu. Cảnh vật xung quanh đây qua một năm trời nhưng vẫn chẳng có gì đổi khác, tiếc rằng nơi này nó không còn náo nhiệt người qua kẻ lại như lần đầu tiên tôi đến. Nhưng về những kỷ niệm, nó vẫn còn đó, vẫn ở nguyên vẹn đây như mới chỉ ngày hôm qua… 

Có bóng người còm nhom trông quen lắm từ đằng xa đang vẫy tay mà tiến về phía tôi một cách nhanh nhẹn. Người đó vừa tiến đến trước mặt thì tôi nhận ra ngay …

Còn tiếp....