Vào năm ấy, tôi mười hai tuổi. Trong ký ức của mình, tôi chỉ nhớ xung quanh chợt như trầm lắng. Con đường tôi đi học mỗi ngày từ màu xanh biếc chợt chuyển sang vàng. Không khí dịu mát hẳn đi và có rất nhiều lá phong đỏ rực trên cành. Tôi biết, mùa thu đang đến.
Tôi mới chuyển vào một ngôi trường tiểu học mới, lần thứ ba trong năm đó. Điều này khá bình thường, bởi vì gia đình chúng tôi thường xuyên phải đi khắp nơi. Ngôi trường mới khiến tôi còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng tôi cũng không có ý định sẽ làm quen với nó. Vì đằng nào cũng lại sẽ chia tay và đi đến một nơi xa lạ khác mà thôi.
Tôi là Triệu Lục Bình, tên của một loài cây trôi nổi trên các dòng sông.
Cuộc sống gia đình tôi không phải khá giả gì, phải nói chính xác hơn là cực kỳ khốn khổ. Tôi không có cha. Cả nhà chỉ có ba người; tôi, mẹ và đứa em trai nhỏ hơn mình ba tuổi. Để nuôi sống gia đình, mẹ tôi phải làm công việc mà người ta thường gọi là bán hàng rong, nhưng chính xác hơn bà bán thuốc phiện cho bọn côn đồ. Đó không phải là một công việc lương thiện và ổn định cho lắm. Chúng tôi thường phải bỏ đi trong đêm. Thường là do trốn nợ, và một phần là do bị cảnh sát truy đuổi.
Chúng tôi thường lẩn trốn từ tỉnh này qua tỉnh khác, không có họ hàng người thân nào giúp đỡ, mà đa số chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình. Tôi đã quen với cuộc sống này đến nổi không lấy gì làm bất mãn lắm. Dù sao, số phận tôi cũng tốt hơn những đứa trẻ mồ côi lang thang khác rất nhiều.
Dù đi đến đâu, mẹ cũng đều nhất quyết gửi hai chị em tôi đến trường học. Bởi vì bậc tiểu học là phổ cập giáo dục, nhà nước hoàn toàn miễn phí cho trẻ em. Thủ tục nhập học cũng vô cùng đơn giản, nhà trường không có yêu cầu khắc khe lắm về giấy tờ. Thay gì dắt theo hai đứa trẻ vướng víu đi bán, mẹ tôi đẩy hai chị em tôi vào trường. Vừa có người trông nom, vừa được ăn miễn phí bữa trưa. Đồ ăn ở trường có bánh mì và có sữa, rất đủ dinh dưỡng cho những đứa thường xuyên chịu đói như chị em tôi. Đối với một đứa như tôi, đó cũng chính là niềm vui thú lớn nhất trên đời.
Trong trường học, tôi thường ít khi có bạn. Do chuyển vào ngang nên tôi không bắt kịp nhịp điệu của những đứa trẻ cùng lớp. Bản thân tôi lại càng không thích nói chuyện với chúng, toàn chỉ là những đứa trẻ ranh hỷ mũi chưa sạch mà thôi.
Bọn chúng cũng hoàn toàn không thích làm bạn với một đứa như tôi, một đứa toát ra mùi nghèo khổ từ tận từng lỗ chân lông trên người. Có lẽ do bộ đồng phục hơi ngả vàng và nhàu nhĩ, không bao giờ được ủi mà tôi hay mặc. Hay do tôi là một đứa con gái gầy gò có nước da đen thui, mái tóc xoăn như ổ quạ, chỉ được cột bằng một cọng dây thun lấy từ bịch bánh trán. Tôi chẳng có điểm nào khiến người ta sẽ yêu thích ngay từ cái nhìn đầu cả.
Không biết mẹ tôi có chọn lầm trường không, nhưng xung quanh tôi, chỉ toàn là một lũ tự gọi mình là gia đình quý tộc. Tại sao một con quạ như tôi lại lọt vào giữa bầy công như thế này?
Năm 867 tại Việt Quốc, dưới xu hướng phong trào cách mạng nổ ra trên khắp thế giới, có rất nhiều người đi học tập từ nước ngoài về muốn làm cuộc lật đổ hoàng đế. Đó là thời kỳ mà lịch sử gọi là ‘giao thời’, nơi những giá trị cũ bị thách thức bởi những luồng tư tưởng mới. Người dân nhận ra mình đã bị áp bức quá Lâu, và nay họ muốn đứng lên đòi quyền công bằng lại. ‘Tự do’ và ‘dân chủ’ là chủ đề được mọi người dân bàn tán hằng ngày.
Càng lúc nền văn hoá ngoại ban càng du nhập về nhiều. Người giàu mặc những bộ đồ đắt tiền gọi là đồ tây, đi trên những chiếc xe sang trọng gọi là xe tây. Và thuốc phiện cũng theo đó tràn vào Việt Quốc, giúp giới trẻ mau chóng tiếp cận được cái gọi là ‘hưởng thụ theo phong cách tây’. Việc cách mạng tôi không rõ lắm, đó là công việc của người lớn. Nhưng tôi nghĩ việc đồ tây tràn lan cũng không phải là tệ, ít nhất mẹ tôi cũng đang bán thuốc phiện của tây để mà kiếm sống đó thôi.
Ngôi trường tôi theo học được xây dựng theo phong cách tây. Dĩ nhiên là do các gia đình quý tộc giàu có góp tay vào rồi. Họ đang cuồng theo tây mà. Con trai cắt tóc ngắn, mặc áo sơ mi trắng, quần sọt. Con gái thì tự do hơn, áo váy mọi kiểu cách đông tây kim cổ mà họ cho rằng nhìn sẽ sang trọng nhất, thể hiện thân phận tôn quý nhất. Vì vậy bạn có thể nhìn vào ngôi trường hỗn tạp này những kiểu đồ tây, váy đầm, xen lẫn với áo dài truyền thống của Việt Quốc. Tóc ngắn xen lẫn với tóc bới trâm cài, nhìn vui mắt không kém gì một lễ hội giao lưu giữa các nền văn hoá.
Càng hỗn tạp, tôi nghĩ rằng mình càng có cơ hội ẩn mình. Thế nhưng, tôi trong trường này còn nổi bật hơn một que củi trong một bình hoa đầy màu sắc. Có lẽ do tôi toát ra mùi nghèo hèn nhiều quá chăng?
Mọi đứa học sinh trong trường tôi đi học đều có cha mẹ đưa rước. Không phải đi xe ngựa thì là đi xe hơi, nói chung người giàu không thích tuỳ ý phí phạm thể lực của mình. Tôi thì cực kỳ đơn giản, đi bộ tới trường. Trường tôi nằm trên một ngọn đồi phía tây thành phố rất xinh đẹp, hai bên có hàng thông cao xanh rì. Nhà tôi lại ở tít dưới khu vực hạ nguồn hướng đông thành phố, trong khu ổ chuột hỗn tạp rẻ tiền nhất Tiêu Thương. Mỗi ngày, tôi đi bộ khoảng ba cây số thì tới trường, vừa để giết thời gian vừa để tập thể dục. Không phải tôi hay than van gì, mà thật sự là do cái cặp của tôi quá nặng thôi.
Cái cặp da cũ nát do mẹ tôi nhặt trong một thùng rác của nhà giàu có (do bà ấy kể vậy) nên rất chắc chắn. Tôi có thể nhét hết vào đó toàn bộ sách vở đi học trong tuần, cùng vài bộ quần áo. Do kinh nghiệm phải bỏ trốn nhiều lần trong đêm, tôi có thói quen chuẩn bị sẵn tất cả. Nếu không may bị truy lùng, ít nhất tôi cũng đã giữ cho mình những thứ cần thiết và hữu ích nhất. Có một lần chạy trốn giữa mùa đông, mà trên người tôi chỉ có một bộ đồ ngủ, lần đó thật sự chật vật khôn cùng. Tôi không muốn mình gặp nạn như vậy lần nào nữa.
Một chiếc xe hơi sang trọng lướt qua tôi. Đó là chiếc hơi dài gấp đôi những chiếc thông thường khác, với một cái tượng nhỏ trước mũi xe. Chiếc xe có màu sơn đen lúc nào cũng bóng loáng như gương, những chi tiết trang trí uốn lượn cầu kỳ ánh lên màu vàng kim đắt tiền. Tôi biết chiếc xe hơi đó, đó là chiếc xe hơi chở cậu ấm Triệu Lục Bảo của gia đình giàu có nhất thành phố Tiêu Thương này. Một tên nhóc mười hai tuổi, béo ục ịch và giống như những đứa khác, nó vô cùng ngu ngốc.
Họ tên chúng tôi rất giống nhau đúng không? Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn, chúng tôi hoàn toàn không có quan hệ bà con gì, thậm chí số phận còn cực kỳ khác biệt. Người ta là ngọc lục bảo quý giá còn tôi là thứ lục bình trôi sông, khoảng cách giữa chúng tôi xa nhau như bầu trời với vực thẳm vậy.
Ấy vậy mà bầu trời và vực thẳm lại có thể học cùng một lớp, thậm chí ngồi chung một bàn. Ai bảo số nó xui, lúc tôi chuyển vào lớp thì chỉ còn đúng mỗi chỗ bên cạnh nó là còn trống. Nó đành phải chia sẻ giang sơn của mình cho con nhỏ nghèo rách như tôi. Thầy giáo rất ái ngại chuyện này. Thầy từng hỏi nó có muốn đổi bàn với bạn khác không, nhưng nó chẳng phản ứng gì nên thầy không đề cập đến nữa.
Nó không phản đối dĩ nhiên do là tôi so với những đứa trong lớp khác nhìn vừa mắt hơn. Lục Bảo là thằng nhóc béo ục ịch, béo nhất mà tôi từng thấy từ trước đến giờ. Nó bình thường ngồi muốn chiếm hết cái bàn, nếu ngồi chung với đứa khác chắc chắn sẽ chật chội vô cùng. Rất may là tôi gầy như cái que, rất vừa vặn có thể nhét vào chỗ bên cạnh nó được.
Thiếu gia Lục Bảo chọn ngồi ở một cái bàn kế bên cửa sổ, nhưng nó lại bắt tôi phải ngồi phía trong tường. Một bên là đống mỡ béo chèn ép, một bên là bức tường cứng, tôi không có không gian nào để cục cựa mình hết. Thiếu gia thích ngồi ngắm khung cảnh bên ngoài cửa sổ sao? Vậy mà thiếu gia lại sợ nắng, nên mang tôi ra đây phơi dùm hả? Trời ơi, tôi ghét thằng nhóc mập này.
Chẳng phải nói nhà họ Triệu giàu nhất thành phố này à, tại sao thiếu gia đi học luôn không mang theo bút? Thằng nhóc mập thường mượn viết của tôi, hay nói đúng hơn là giật viết của tôi để chép bài. Mấy cây viết đó là do tôi khó khăn ra bưu điện chôm được đó, không có nhiều mực đâu. Đôi khi viết hết mực, mà tôi chỉ còn đúng một cây, vậy là thiếu gia quăng luôn quyển vở qua cho tôi chép. Đi học mà không chép bài thì đi học làm gì? Sao thiếu gia không nghỉ ở nhà luôn đi cho tôi rãnh nợ.
Một đứa như tôi rõ ràng là đối tượng ăn hiếp ưa thích của bọn học sinh. Tôi ma mới, bọn nó ma cũ. Tôi nghèo xơ, bọn nó thì giàu. Tôi ôm nhách còn bọn nó khoẻ mạnh. Nếu không ăn hiếp tôi, thì bọn nó chỉ có thể ăn hiếp mấy con kiến mà thôi. Theo kinh nghiệm tích góp do đi học nhiều trường mách bảo, tôi đi tới đâu cuối cùng cũng sẽ trở thành đối tượng bắt nạt mà thôi. Nếu không phải vì bữa trưa miễn phí ở trường, tôi chắc chắn cũng không thèm đi học cho bọn nó ăn hiếp.
Thế nhưng thay vì bị cả trường bắt nạt, thì ở ngôi trường mới này tôi chỉ cần làm nô lệ cho thiếu gia. Tất cả những đứa trẻ khác đều sợ thiếu gia một phép, có lẽ vì thiếu gia mập hơn bọn nó chăng. Biết tôi là nô lệ của thiếu gia nên chẳng có đứa nào dám động vào. Thiếu gia cũng không có đánh tôi hay giật tóc tôi, chỉ đưa tiền bắt tôi làm một việc là đi mua đồ ăn cho mình thôi.
Trường học rất lớn, mà căn tin lại xa lớp học. Thiếu gia béo ục ịch tự mình đi mua bánh thì có đến hết giờ ra chơi cũng chưa thấy về. Tiền thiếu gia có rất nhiều mà sức ăn cũng phàm nữa. Tôi tuỳ tiện mua lung tung thứ gì về thiếu gia cũng ăn, khéo léo một chút tôi còn có thể nhín lại được chút tiền thừa nữa. Kỳ thực làm nô lệ cho thiếu gia cũng thật là hạnh phúc.
Nô lệ ngoài việc chép bài, đi mua bánh còn phải phục vụ thiếu gia chơi nửa tiếng sau giờ học. Không hiểu sao buổi chiều xe đón thiếu gia luôn đi trễ nửa tiếng so với giờ lớp tan. Mà tôi cũng phải chờ đứa em trai học ở khu khác ra, vừa vặn đúng nửa tiếng. Mọi việc thật trùng hợp, nếu không phải chơi với thiếu gia thì chắc tôi cũng chỉ ngồi đợi có một mình.
Tôi vừa chọc giận khiến thiếu gia đòi đánh. Chẳng qua là chơi thua, tôi tức quá lấy đá chọi thiếu gia thôi mà. Ánh mắt hung dữ của thiếu gia khiến tôi thấy run cầm cập. Thiếu gia đuổi thì tôi chạy, béo ục ịch như vậy thì làm sao chạy lại tôi. Chạy chán tôi leo tót lên cây phượng già ở giữa sân trường trốn. Ngồi trên nhánh cây, tôi thấy thiếu gia đứng tức giận la hét mình bên dưới gốc cây. Thiếu gia hết trừng mắt rồi lớn giọng hù doạ. Tưởng hù thì tôi sẽ ngoan ngoãn leo xuống sao? Chính vì thiếu gia đe doạ nghe ghê quá, nên tôi mới không dám leo xuống đây này.
Thấy tôi không leo xuống, thiếu gia quyết không tha. Lục Bảo lê cái thân béo ú, thân chinh leo lên cây truy bắt. Trời ơi là trời, khổ thân thằng mập! Biết mình ục ịch còn bắt chước người ta leo cây làm gì? Thiếu gia té xuống gãy tay, thầy giáo thông báo bạn Lục Bảo phải nghỉ học hết một tháng. Chỉ gãy tay thôi mà, làm gì ghê gớm đến nỗi phải nghỉ học.
Tôi chợt nhớ tới hôm đó, Lục Bảo nằm lăn lộn dưới đất, trên tay còn chảy ra máu rất nhiều. Tôi nuốt nước miếng khó khăn. Có lẽ khi thiếu gia đi học lại, tôi sẽ thật lòng xin lỗi nó.
Thế nhưng, lại chuyện gia đình lại khiến tôi không thể đi học nữa. Thật xin lỗi bạn Lục Bảo, nếu sau này có duyên gặp lại bạn, thì tôi sẽ làm nô lệ để đền bù.