Chương 11: Chôn thần khí
Chương hăm hở bắt tay vào công cuộc chôn giấu thần khí với những cuốc, thuổng, xà beng, mai do bà Cả Ngư đưa cho. Ngay chiều muộn hôm ấy, Chương cởi trần trùng trục bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên, gắng sức bảo vệ tài sản quốc gia. Một chàng trai nửa tỉnh nửa quê, từ nhỏ chưa từng làm ruộng nên việc đào bới không dễ như Chương tưởng, song cậu đã lường trước điều này. Chương cứ đào một chốc lại nghỉ, nghỉ rồi lại đào mãi đến khi trăng treo cao trên đỉnh đầu mới lững thững ra về, ăn vội bát cơm độn sắn rồi lăn đùng ra ngủ không biết trời đất trăng sao.
Bà Cả Ngư chặt mấy cây tre kéo về để giữa sân rồi chẻ ra, sáng bảnh mắt ngày hôm sau, Chương thức giấc đã thấy bà cụ đan được hai cái phên khá lớn. Chương nghĩ bản thân lại đánh giá sai bà cụ tuổi gần sáu mươi này rồi, cậu là thanh niên sợ là chẳng bằng một góc.
-Có ba cái ngô luộc ta để trong bếp, cháu ăn đi.
Bà Cả Ngư ngồi ở cửa bếp róc tre, Chương ngồi bên bậc cửa nhìn. Bây giờ cậu cảm thấy hai lòng bàn tay, bắp tay, bắp chân rồi khắp người đau nhức. Đây hẳn là dấu hiệu của việc lao động chân tay quá sức, Chương chỉ biết chép miệng, đúng là việc này với dân thường thế là thường nhưng với dân không thường như Chương là đứt cước. Bà Cả Ngư dường như đoán được tình trạng nên vừa làm vừa liếc nhìn Chương tủm tỉm cười.
-Cố ăn lấy cái ngô rồi ra ngoài sông tắm, không tắm thì ngâm mình trong bùn thử xem.
Bà Cả Ngư nheo mắt nhìn mặt trời đã cao bằng ngọn sào.
-Nước sông lúc này ấm, bùn thì hãy còn lạnh, hồi còn trẻ, mỗi khi đau nhức khắp người thì ông nhà ta hay làm như vậy. Cháu từ kinh đô xuống đây chưa quen việc tay chân, làm được vậy là tốt lắm rồi, từ từ sẽ quen.
Chương uể oải dứng dậy lấy ngô, đến ngồi cạnh chỗ bà Cả Ngư, cậu cố lấp đầy cái bụng. Bình thường Chương cũng thuộc dạng khảnh ăn nhưng cậu cũng hiểu, ở đây ăn để sống, sau này hãy còn nhiều thời gian sống để ăn.
Bà Cả Ngư đan lát mau lẹ, đôi bàn tay nhăn nheo với nhiều chai sần của bà cụ khiến Chương hoa cả mắt. Mà nghĩ cũng phải thôi, ông Lăng với anh Ngư kia đi biền biệt hơn chục năm, mình bà nuôi cô con gái tên Nguyệt hẳn không dễ dàng gì. Chương ngồi thừ ra nhìn một hồi rồi nói bâng quơ:
-Sau này cháu mà giàu sẽ đền ơn bà gấp mười lần.
Bà Cả Ngư nghe Chương nói vậy thì tạm ngưng tay ngoái sang nhìn cậu.
-Ta ở tuổi này rồi có giàu cũng chẳng ăn được bao nhiêu, cũng chẳng biết đợi được ngày đó hay không nhưng cháu ạ, ta chỉ mong trước khi nhắm mắt xuôi tay được thấy chồng và con trai trở về nguyên vẹn, có vậy thì thân già này mới yên được.
-Bà nói thế nào ấy chứ. Bà năm nay chưa sáu chục, bà nội cháu thọ tận 97 tuổi cơ đấy.
-Người ăn sung mặc sướng sống thọ là lẽ thường.
-Bà nội cháu cũng từng là nông dân như bà, quê… quê hình như cũng ở vùng này, cháu không nhớ nữa.
Bà Cả Ngư đăm chiêu nhìn ra cổng nhà, chẳng biết bà cụ đang nghĩ gì, một lát sau bà cụ bảo Chương:
-Nếu được, cháu đưa chồng con ta về giúp. Ta chỉ mong vậy thôi.
-Cháu mà gặp được nhất định cháu sẽ nói với anh Ngư, bà yên tâm. Anh ấy năm nay bao nhiêu bà nhỉ?
-Năm nay nó cũng băm tám rồi chứ ít ỏi gì đâu. Lúc tráng niên ta bảo lấy vợ sớm mà kỳ thực… nhà nghèo quá, muốn cưới cũng chẳng dám. Đến lúc đỡ khổ hơn một tí thì lại bị sung quân.
-Ồ, anh ấy ba tám mà em Nguyệt mới mười sáu, sao hai anh em lại cách nhau đến những hơn hai chục tuổi vậy bà?
-Thằng Ngư là cả, dưới nó có mấy em nhưng không nuôi được. Vườn sau nhà có ba cái nấm, đấy là nơi yên nghỉ của ba đứa, đứa nào cũng hãy còn ẵm ngửa.
Chương lặng người chẳng biết nên nói gì cho phải, cậu không giỏi an ủi người khác nên cậu đành hỏi:
-Anh Ngư có giống bà không?
-Người ta bảo con trai giống mẹ là khổ, số nó đúng là số khổ mà.
-Thật ra ở kinh thành, đàn ông ngoài bốn mươi chưa lấy vợ rất nhiều, cháu chẳng thấy có vấn đề gì. Anh ấy giống bà thì tốt, sau cháu gặp là nhận ra luôn.
-Nó có một nốt ruồi ở gò má phải, to gần bằng hạt chanh đấy, chỗ này này.
Bà Cả Ngư quay sang, chỉ lên gò má cho Chương xem, Chương gật liền mấy cái.
-Sau lưng nó có một cái bớt, chỗ vai trái, cũng nhỏ thôi, giờ chắc đã mờ vì ta nghe nói là tốt cho người ta quanh năm suốt tháng đứng phơi mặt, cháy da cháy thịt canh chừng gì đấy. Cháu nhớ nhé, sau này gặp nó, kể mấy thứ ấy là nó nhận ra cháu ngay.
Bà Cả Ngư còn kể rõ con trai sinh giờ nào, tháng nào, hồi bé thích ăn gì. Chương chăm chú lắng nghe, cậu biết nỗi nhớ con tích tụ trong lòng bà cụ đang tuôn ra. Bất chợt Chương thấy cay nơi khoé mắt vì ở nơi nào đó, mẹ cậu bây giờ chắc cũng đang vật vã vì khóc thương con trai độc nhất bỗng m·ất t·ích. Chương khẳng định sẽ ghi nhớ tất cả đặc điểm của anh Ngư để bà cụ vui, ai mà biết điều này rồi sẽ cứu cậu một mạng, thậm chí còn cứu sống nhiều mạng người mà cậu chẳng thể biết được.
Chương làm theo lời bà Cả Ngư, cậu ra bờ sông lội đến khi nước ngập ngang ngực còn bùn lún đến bẹn. Nước sông hơi ấm, Chương thả hồn nhìn theo dòng nước trôi lững lờ, thi thoảng có khóm lục bình với hoa tím trôi ngang qua. Bờ bên kia xa tít, cỏ bên ấy hẳn cũng mọc cao hơn đầu người, Chương thấy cả những bãi dâu xanh mướt. Trước cổng nhà bà Cả Ngư cũng trồng đầy dâu và sắn.
Chương nhìn xuôi dòng, cầu Thiên Đức được xây ở đâu đó cách chỗ cậu đang đứng khoảng hai trăm mét. Chương đoán như vậy. Vẫn con sông cùng tên mà sao khác nhau quá.
Râu ria đã lởm chởm nhưng Chương không để tâm, cậu chẳng muốn cạo dù có bàn cạo trong ngăn phụ ba lô. Nơi này có vẻ không phù hợp ăn mặc chỉn chu, có quần áo che thân là được, kể cả đầu tóc gọn gàng thì ai ngắm?
Chương cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn đôi chút nhưng cơ thì vẫn đau nhức. Tuy vậy, Chương vẫn tiếp tục công việc đào bới, trước đây Chương thường thiếu kiên trì nhưng ở Vạn Xuân này, cậu chẳng có gì ngoài thời gian cả. Trong xe tải có xẻng quân dụng, hàng chục cái, xẻng quân dụng ngắn nhưng sắc bén hơn xẻng của bà Cả Ngư, điều này dễ hiểu.
Chương cuốc, đào, bới rồi xúc đất đổ vào cái bồ kéo lên từng ít một. So với chiều qua, cậu chỉ làm được phân nửa khối lượng công việc, hai ngày tiếp theo còn tệ hơn khi lòng bàn tay của Chương đau rát. Cậu phải tạm dừng công việc một ngày vì không thể cố thêm được.
Sau bốn ngày lao động, bản thân Chương tự đánh giá là vô cùng cực khổ, cậu đã đào được một cái hố có bề ngang khoảng bốn mét, đầu phía bờ sông sâu hơn một mét, đầu còn lại mới được khoảng hai mươi phân.
Theo kế hoạch, Chương sẽ đào hố hình chữ nhật sâu khoảng bốn mét hoặc hơn một chút vì chiều cao của ô tô chừng ba mét rưỡi. Chương muốn đầu xe dốc xuống khoảng mười lăm độ so với phần đuôi để sau này muốn cho xe lên thì lùi là xong. Số lùi mạnh hơn số tiến, ai học lái xe thì sẽ biết thôi.
Cách làm của Chương không có gì lạ, đầu tiên cậu khoét rãnh ở hai bên bánh xe sau đó moi đất phía dưới gầm, cứ thế làm từng chút, từng chút một.
Sau một ngày nghỉ ngơi, sức khoẻ khá hơn nhưng tay còn đau, Chương dùng xẻng quân dụng và đôi chân để xén đất. So với ngày đầu tiên thì cậu chỉ làm được khối lượng công việc tương đương hai phần mười.
Sau hơn mười ngày, Chương đã đào được một cái hố khá sâu, ngập hẳn bánh sau của xe và phần đầu xe thì sâu đến chân kính. Bánh xe Kamaz này, Chương đo thì đường kính vành khoảng năm mươi phân, thêm cả lốp thì cũng sâu cả mét. Bề rộng của hố thoải mái mở cửa xe để ra vào đượ, Chương đã dùng tay đo thử, xe có bề ngang khoảng hai mét bảy.
Ngắm thành quả của bản thân, Chương vô cùng vui mừng, đây có thể xem như kỳ tích. Bây giờ hai bàn tay của Chương đã có những vết chai sần, những đầu ngón tay từng đau nhức nay đã khỏi. Bản thân Chương cũng nhận ra mình khoẻ hơn vài phần, các cụ bảo lao động là vinh quang quả là đúng.
Gần nửa tháng trôi qua, một ngày Chương làm việc khoảng mười hai tiếng, trong đó phân nửa thời gian để thở nhưng hai ngày gần đây, cậu chỉ nghỉ để thở khoảng hai tiếng là nhiều.
Lội xuống sông rửa chân tay, Chương thấy hình bóng mình trong làn nước đục, râu ria lởm chởm vì hay làm khuya. Chương bận như vậy, bà Cả Ngư cũng không ngơi tay. Bà cụ đã đan xong những tấm phên và chặt những thân tre thẳng làm xà ngang. Tàu lá chuối khô, bẹ cau, lá dừa khô… tất cả những thứ ấy làm xong đến đâu bà Cả Ngư mang hết ra chỗ Chương đào để sẵn ở đấy. Đôi lúc Chương thầm nghĩ, chẳng biết vì sao bà cụ này lại tốt với cậu đến vậy.
Chương kéo cánh cổng tre cọt kẹt, để tạm cái xẻng và cái siêu đất gần cửa bếp, ngó vào trong không thấy bà Cả Ngư, vậy là bà cụ vẫn chưa về, lúc trưa bà bảo sẽ đi xin lá dừa khô ở trong làng. Cửa nhà mở một cánh, Chương định vào nhưng nghĩ cần rửa mặt bằng nước mưa. Cậu không rửa mặt bằng nước sông bởi sợ đau mắt đỏ, ở đây bệnh tật sợ là hết cứu.
Lấy gáo dừa múc nước rửa tay, Chương định đổ nước rửa mặt bỗng nghe tiếng cốp, trời đất bỗng tối sầm, cậu đổ sập người và mất dần ý thức.