Chương 13: Con trai ông Bụt
Bà Cả Ngư vắt đống lá nhọ nồi giã nhuyễn, thêm chút nước ấm, cho vào tấm vải bóp mãi cũng được chén nước dùng thìa đổ vào miệng Chương lúc này đang nằm mê man. Nguyệt pha nước gừng để ở đầu giường rồi lấy miếng khăn nhúng nước ấm đắp lên trán của Chương, hai mẹ con nhìn nhau, vẻ mặt không giấu nổi lo lắng.
Sờ thấy người Chương nóng hầm hập, bà Cả Ngư dùng miếng vải khác thấm nước ấm lau cho cậu. Nhìn cách bà chăm Chương có thể thấy bà đã xem cậu như con trai của mình. Trong khi đó Nguyệt hết đi ra lại đi vào, mãi đến khi bà Cả Ngư bảo đặt nồi cháo loãng.
Ngồi đun nồi cháo, Nguyệt thở dài liên tục, tự trách bản thân ra tay mạnh quá. Bây giờ ngồi nhớ lại, Nguyệt mới ngẫm thấy bộ dáng của Chương không có vẻ gì bất lương, ngoài nước da cháy nắng thì dáng dấp có phần thư sinh, nhất là đôi bàn tay. Lúc bê bát cháo lên nhà, Nguyệt thấy mẹ đứng trước ban thờ lâm râm khấn vái.
-Thế bao giờ mày lại đi?
-Ông bà chủ với con cái có việc xuôi về kinh đô nên cho phép gia nhân với gia đinh về thăm nhà, độ mươi hôm mẹ ạ.
Nguyệt vén áo lấy một túi vải thắt nút đưa cho mẹ.
-Tiền công hai tháng vừa rồi, mẹ cất đi.
Bà Cả Ngư cố giấu tiếng thở dài, cầm túi con gái đưa đem vào buồng cất. Lát sau hai mẹ con cùng nấu cơm, tranh thủ ngồi thủ thỉ. Bà Cả Ngư kể cho Nguyệt nghe mọi chuyện xảy ra từ đầu tháng trước, từ mấy giấc mơ kỳ lạ cho đến khi kéo được Chương về nhà. Bà không quên nhắc đến những món đồ mà bà chưa từng nhìn thấy hay nghe đến, cả thần khí mà Chương đang ra sức chôn giấu suốt nửa tháng nay ngoài mé bờ sông. Nguyệt nghe không bỏ sót chữ nào, sau cùng cô hỏi mẹ:
-Mẹ có thấy anh ấy khác với những anh trong làng mình không?
-Khác nhiều, người mà thần nhân đưa đến ắt không phải người phàm. Nhất định nó sẽ đưa bố với anh mày về.
-Bằng cách nào hả mẹ?
-Tao không biết, cả đời tao quanh quẩn trong làng ngoài giáp, thiên hạ có gì hay thì tao cũng chỉ từ những người ngoài chợ nhưng thằng Chương này, nó ở với tao cả tháng nay, qua những gì nó làm, từ cách ăn nói, đi đứng đều lạ cả. Nó đi chân đất không được, đàn ông mà gót chân hồng như thế hẳn là từ lúc sinh ra đã ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ.
-Con muốn ra xem thần khí trông như thế nào, được không mẹ?
-Thôi đừng, chờ thằng Chương nó tỉnh nó đưa mày ra. Mấy hôm vừa rồi mỗi lần đem phên hay lá ra ngoài ấy, nhìn thần khí là tao cứ bủn rủn tay chân, kh·iếp kh·iếp là. Tao còn thấy thứ ấy có hai con mắt tròn xoe, trắng và to bằng cả cả nồi đất này.
Nguyệt khẽ rùng mình, bà Cả Ngư nói thêm:
-Nó có chân, những sáu cái chân mà chân nào cũng tròn xoe, đen sì sì ấy.
-Mẹ có nhìn nhầm không? Chân tròn thì sao mà đi được?
-Thế mới gọi là thần khí. Nay mai mày ra đấy mà xem, đừng có sợ quá mà đái cả ra quần thì nhục cái mặt.
Mãi đến gần nửa đêm, Bà Cả Ngư đang nằm võng phe phẩy cái quạt nan, Nguyệt ngồi bên thành giường canh thấy Chương cựa quậy vội gọi mẹ.
-Chương ơi! Chương ơi! Tỉnh chưa hả cháu? Dậy húp bát cháo rồi nằm tiếp nhé?
Thấy Chương trở mình rồi nhăn mặt vì v·ết t·hương chạm xuống cái gối tre đan, Nguyệt vội đứng dậy, lùi lại vài bước rồi đứng sau mẹ nhón chân nhìn.
-Bà về lâu chưa ạ?
-Tao về từ chập tối, khổ! Con Nguyệt nó không biết nên đánh mày.
Chương cười méo xệch:
-Vâng, cháu có nói mà em ấy không tin, còn cầm dao định cắt cổ cháu nữa.
-Được rồi, được rồi. Tao sẽ quất cho nó một trận, con gái con lứa mà như hổ vồ.
Chương thấy người hơi đau nhức, sau gáy thì khỏi nói, mỗi khi cử động mạnh là thấy buốt.
-Cháu ngủ quên lâu chưa ạ?
-Từ chập tối, bây giờ cũng sang canh ba tới nơi rồi. - Nguyệt đáp thay mẹ. - Tại anh vào nhà mà cởi áo nên em mới làm thế.
Chương không đủ sức cãi lại, chỉ đành cười khổ sở. Cậu nói với bà Cả Ngư:
-Bà lấy hộ cháu cái túi trong buồng với ạ.
Bà Cả Ngư mau chóng lấy ba lô giúp Chương, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyệt đứng nhìn Chương thản nhiên cười, hệt như kẻ vô tội. Chương chỉ biết mím môi thở dài.
-“Đúng là trẻ ranh manh động, mình không vỡ đầu là nằm ngoài ý định của nó. Mày mà là em gái ông, ông táng cho mấy cái bợp tai.”
Trong túi bóng có cả đống thuốc, Chương chỉ biết Panadol xanh đỏ, viên sủi hạ sốt, một vỉ vitamin C và lọ than hoạt tính vì từng dùng. Những vỉ còn lại, vỉ thì con nhộng, vỉ thì màu vàng… chả hiểu thuốc gì. Chương nuốt hai viên giảm đau mà không cần nước, thuốc trôi tọt xuống cổ họng cậu mới ngớ người phát hiện ra hai mẹ con bà Cả Ngư đang tròn mắt ngạc nhiên. Chương lúng túng chưa biết giải thích ra sao.
-Thứ… thứ anh vừa nuốt là… là tiên đơn phải không?
Nguyệt tò mò hỏi.
-Panadol giảm đau.
-Tiên đơn giảm đau? Thật à?
Nguyệt cầm vỉ thuốc lên mân mê:
-Đúng là tiên đơn, đẹp thật đấy. Anh ở trên trời xuống hả?
-Từ kinh đô.
-Ông bà chủ chỗ em làm gia nhân cũng hay về kinh đô mà em chưa từng thấy thứ nào giống như này.
-Kinh đô rộng lớn, biết bao nhiêu là người, của ngon vật lạ cái gì chẳng có, chắc ông bà chủ nào đấy của em chưa đi hết, có điều thứ này hơi đắt, mỗi viên tiên đơn này tương đương một con trâu đấy, anh vừa uống hai con trâu vào bụng.
Chương nghĩ rồi, những gì cậu có đều nằm ngoài sự hiểu biết của hai mẹ con bà Cả Ngư, có cố gắng giải thích cũng khó, chi bằng thuận theo ý họ, nói vống lên một tí cũng chẳng hại đến ai. Nhất là con ranh này, lúc chiều nhìn nó khác hẳn bây giờ. Lúc nó cầm dao nhìn rõ là kh·iếp, còn bây giờ trái lại, trông có khác gì đứa trẻ con mới lớn đâu.
Trong ánh đèn dầu leo lét, Chương tựa lưng vào tường húp bát cháo loãng, Nguyệt ngồi một góc giường ngắm hết vỉ thuốc nọ đến vỉ thuốc kia như một thứ trang sức, thi thoảng lại ồ lên rồi cười một mình. Bà Cả Ngư trở lại võng nằm, thi thoảng hỏi Chương và Nguyệt vài câu không đầu không cuối.
-Nếu em thích những thứ ấy, anh sẽ chia cho em một ít đem theo người phòng khi ốm đau, chỗ còn lại để dành cho bà dùng.
-Thật không?
Chương chỉ nhoẻn miệng cười, cậu lười giải thích.
-Lấy cái kéo anh cắt cho.
-Nhà mình làm gì có kéo. - Nguyệt nói. – Nhà nào dệt vải mới dùng, dùng dao cắt được không anh?
-Cũng được.
Chương cắt mấy vỉ thuốc, đưa hai viên ở vỉ xanh, hai viên ở vỉ đỏ dặn Nguyệt chỉ được phép dùng khi ốm, trán nóng, cơ thể mệt mỏi uể oải… Chương cũng cắt nửa vỉ vitamin C, dạy cách pha và uống khi cảm thấy mệt. Sau cùng, Chương đưa thêm hai chục viên than hoạt tính và dặn dùng khi bị tào tháo đuổi. Nguyệt gói ghém vô cùng cẩn thận, mỗi viên bằng một con trâu cơ mà.
Húp hai bát cháo, uống hai viên thuốc khiến Chương tỉnh táo hẳn. Nguyệt tò mò hỏi Chương về những gì đã nghe mẹ kể, chả biết Chương giải thích có khó hiểu quá không mà Nguyệt một hai tin cậu chính là người trời, thậm chí cô còn đưa ra một giả thuyết kinh hoàng:
-Anh là con ông Bụt có đúng không?
Chương còn chẳng biết ông Bụt trông như thế nào, đành lảng sang chuyện khác, mà hành động này lại khiến Nguyệt thêm tin vào điều cô vừa mói nói ra.
-“Ông Bụt ơi, dù ông là ông nào thì cháu cũng xin lỗi chứ giải thích với con bé này đến sáng nó cũng không hiểu gì, cháu mong ông hiểu. Đám bạn cháu bảo bọn con gái mới lớn hâm hâm dở dở, cháu không tin nhưng giờ cháu tin rồi.”
Như vậy, cô gái đầu tiên Chương gặp ở Vạn Xuân suýt chút nữa tiễn cậu ra đồng, trước sau một mực tin cậu là con ông Bụt. Điều này kể ra thì không có hại, chỉ có lợi về sau này.
Sớm hôm sau Chương tỉnh giấc khi gà mới gáy, hai mẹ con bà Cả Ngư đang lúi húi trong bếp. Gió thổi từ ngoài sông vào khiến Chương cảm thấy hơi lạnh, trên bầu trời, trăng đã nhạt và lẫn vào mây ở phía cuối trời chẳng biết là hướng Đông hay Tây.
Chương ngồi tựa ở cửa bếp ăn ngô luộc, ngô hơi rắn nhưng Chương hiểu, ở xứ này hoặc hoàn cảnh nhà bà Cả Ngư thì có cái để no bụng là tốt rồi. Ăn nhờ ở đậu hơn tháng trời, nếu mặc kẹt ở đây mãi thì sẽ làm gì đây?
-Anh là con ông Bụt, anh có biết chữ không anh Chương?
Chương ho sặc sụa, cậu nhất thời chưa thể nuốt nổi địa vị mới, con ông Bụt.
-Anh có, ở chỗ anh trẻ lên ba là đã biết chữ rồi, lên sáu thì cơ bản đọc thông viết thạo.
-Giỏi thật, ba tuổi đã biết chữ rồi ư?
Chương nhoẻn miệng cười, gật đầu xác nhận rồi gặm ngô.
-Hôm nào anh Chương dạy em chữ nhé?
-Hả? Em không biết chữ à?
Nguyệt lắc đầu, hai mắt tròn xoe. Chương sực nhớ, đến cái ăn còn khó như này thì chữ nghĩa học lúc nào.
-Anh sẽ dạy chữ cho em, dễ thôi. – Chương nói. - Nếu em chăm chỉ thì chỉ độ dăm bữa nửa tháng là viết và đọc được vài câu rồi, đưa anh que củi.
Chương dùng que viết xuống đất.
-Đây là chữ A.
Nguyệt nheo mắt, nghiêng đầu rồi đánh vài vòng chóng mặt, đoạn cô nói:
-Con ông bà chủ cũng học chữ nhưng… nhưng không phải chữ này, anh vừa nói chữ A hả?
-Ừ, không chữ A thì chữ gì?
-Thế tên em là Nguyệt thì viết như nào?
Chương viết xong, Nguyệt nhăn mặt:
-Không đúng! Tên của em không phải viết như này, phải viết giống như thế này cơ.
Nguyệt ngồi xuống lấy que viết tên của cô, có thể cô viết không đúng nhưng nhìn nét chữ trên đất thì Chương lập tức hiểu ra vấn đề. Cậu đang dùng hệ chữ La tinh, Nguyệt viết Hán tự.
-“Mình ngu thật, chữ mình học mới có hơn trăm năm, xưa kia tổ tiên dùng chữ Nôm chữ Hán với chữ gì đó nữa. Nhưng mà khoan đã, chữ Hán thì mình không biết, nó không biết mà nói lại hiểu nhau vậy thì… dạy cho nó tiếng Việt có sao đâu nhỉ. Được, nhìn con bé cũng khoẻ, cứ xem v·ết t·hương của mình là biết.”
-Em bảo anh là con ông Bụt, ông Bụt dùng chữ khác chứ không dùng chữ này. Nếu anh nhớ không nhầm thì chữ này của… ờ… đúng… của nước Trung Quốc.
-Hoa quốc ạ? Đúng rồi, chữ này em nghe bảo là truyền từ Hoa quốc sang.
-Trung Quốc.
-Trung Quốc là ở đâu?
Chương lại thộn mặt, cười khổ.
-Ừ thì Hoa quốc. Anh sẽ dạy em chữ của ông Bụt, đổi lại em làm việc khác cho anh, được chứ?
-Việc gì?
-Đào đất.
-Để giấu thần khí?
-Đúng, tất nhiên anh cũng se đào nhưng em giúp anh một tay cho nhanh, vừa làm vừa học cũng được. Nhưng anh nói trước, chữ của Bụt bây giờ chưa ai học, chẳng ai biết, em là người đầu tiên.
-Được, vậy em sẽ là đệ tử của anh chứ gì?
-Đệ tử á? – Chương lắc đầu. – Anh là thầy, em là học sinh, kiểu như vậy.
-À, là ông thầy đồ chứ gì? Nhưng anh không giống thầy đồ, em thấy thầy đồ rồi, người nào cũng lớn tuổi cả. Ở nhà ông bà chủ có mời thầy đồ về dạy học, ông ấy cao tuổi lắm.
-Vậy từ nay anh là thầy của em, em là học sinh đầu tiên. – Chương quyết định.
-Thế sau này anh có niều học… học sinh nữa, nhận thêm ấy, thì em sẽ là sư tỉ?
-Sư tỉ là gì? À… tuỳ em. Nếu em học giỏi anh sẽ cho em làm lớp trưởng.
-Lớp trưởng là gì?
Chương quyết định không nên nói nhiều với con bé này, nó càng hỏi càng nhức đầu. Cứ như thế, Chương có học sinh đầu tiên sau hơn một tháng đến Vạn Xuân. Khoảng thời gian ngắn sau đó, trong ngôi nhà mái tranh đơn sơ ven sông có ba người, họ xưng hô và gọi nhau rất… rối não. Chương gọi bà Cả Ngư là bà, Nguyệt thì gọi mẹ nhưng lại gọi Chương là thầy.
Thật ra như này vẫn chưa là gì bởi khi đông hơn thì cách gọi sẽ lắm phức tạp.
Với bà Cả Ngư, bà vô cùng vui mừng khi con gái được học chữ của Bụt, nếu như ông Bụt hiển linh hẳn sẽ vả cho Chương rơi hết cả răng vì tội mạo nhận, ai đời Bụt có con được cơ chứ.