Chương 18: Thiên Gia Bảo Hựu quân
Gần cuối mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Tam Vạn thôn trang đã dựng cờ, chiêu binh mãi mã xưng danh là Thiên Gia Bảo Hựu quân, nghĩa là Trời ban phúc phù hộ họ Lý, do Phạm Tu đứng đầu. Khác với các sứ quân, người đứng đầu tự xưng vương hoặc Lệnh công thì Phạm Tu lấy chức quan cũ là Tả Đô đốc và truyền ra ngoài rằng Thiên Gia Bảo Hựu quân trước sau đều tôn phò người kế vị Lý Nam Vương, rằng ông và sĩ tốt từng nhận bổng lộc của vương triều Lý, nay sẽ vì vương triều mà dấn thân.
Đây thực là một kế sách tuyệt diệu.
Người hiến cao kế này cho Phạm Tú chính là Duệ, cô gái tuổi vừa đôi mươi.
Ai là người kế vị Lý Nam Vương? Đến nay chưa biết. Lý Long Xưởng hay Lý Long Trát? Chuyện này do hai bên tự định, ai trong số họ chứng minh được họ là người kế vị thì Thiên Gia Bảo Hựu quân sẽ theo dưới cờ.
Quả như dự liệu, Long Xưởng và Long Trát đều bí mật sai sứ giả đến Tam Vạn thôn trang thuyết phục Phạm Tu đầu quân. Phạm Tu không từ chối, cũng chẳng đồng tình, chỉ nói chung chung là ai kế vị thì Thiên Gia Bảo Hựu quân xin làm tiên phong dẹp loạn.
Lý Lệnh công, người đang đóng trại ở Siêu Loại, quân số hàng vạn, cũng mang họ Lý. Tam Vạn thôn trang lại trong tẩm kiểm soát của của Lý Lệnh công, một người thích toạ sơn quan hổ đấu. Nếu dựng cờ họ Phạm, e là với số quân ít ỏi đang có, Lý Lệnh công nhận thấy mối nguy sẽ cho binh vây đánh. Như vậy quân của Phạm Tu sẽ bị diệt từ trứng nước.
Sau khi dựng cờ, Phạm Tu không chịu nộp thuế, đuổi đánh người của Lý Lệnh công. Lý Lệnh công nghĩ chỉ là một đám nông dân làm loạn, cho đội binh gần trăm người đến dẹp nhưng bị Thiên Gia Bảo Hựu quân phục kích bắt gọn, hai bên không thiệt hại về người nhưng quân của Lý Lệnh công bị lột sạch quân trang cùng hơn chục con ngựa. Phạm Tu sai Bỉnh Di làm sứ giả đến gặp Lý Lệnh công trả người và xin cống nộp hàng năm. Đổi lại, Thiên Gia Bảo Hựu quân cai quản khu vực nhỏ nằm phía sườn Bắc dãy Linh Sơn ra đến bờ Nam sông Thiên Đức. Lý Lệnh công đồng ý bởi như vậy ông đỡ phải thu thuế vặt, nơi đó xem như phên dậu, nếu Vạn Ninh vương vượt sông thì Thiên Ba Bảo Hựu quân sẽ phải chống. Suy đi tính lại việc này chả thiệt gì cho Lý Lệnh công, mà đám loạn dân này lấy cái tên mang ý khuông phò nhà Lý, vừa hay Lý Lãng công họ Lý.
Bờ Bắc sông Thiên Đức, Vạn Ninh vương biết tin loạn dân dựng cờ tự xưng cũng chẳng để vào mắt bởi do thám báo về, ba thôn trang chỉ có ngót nghìn dân chả khác gì dân binh lại theo quân họ Lý, chiến thuyền không có, lại đã xin cống nạp cho Lý Lãng công hàng năm nên sau này nếu Vũ Ninh vương lại vượt sông đánh sang thì cũng chỉ cần một đội tinh binh là đủ.
Nhờ kế sách trên mà mấy tháng sau khi dựng cờ, Tam Vạn thôn trang vẫn không có thay đổi gì nhiều ở bề ngoài. Còn bên trong, số quân binh chiêu mộ thêm trong vùng được ngót ba trăm, ngày đêm thao luyện.
Phạm Tu giảm hẳn tô thuế ở các giáp xung quanh, có thể nói là… thu tượng trưng cho có nên dân trong 12 giáp đều thuận theo. Bên cạnh đó, ở mỗi giáp, Phạm Tu cho đóng một trại nhỏ khoảng ba mươi quân, mỗi thôn làng có một chốt gác gồm mười binh thay nhau túc trực, giữ trị an thôn xóm đồng thời làm tai mắt.
Hai tháng trước, Phạm Tu cùng thân tín đi tìm gặp vị ẩn sĩ ở Siêu Loại nhưng không gặp được, đành ra về tay không khi dựng lều ở ngoài đồng chờ đến ba ngày. Cái danh Tả Đô đốc, một cựu thần nhà Lý, dường như không có sức nặng.
Bây giờ, thế và lực đã có chút chuyển biến, Phạm Tu lại muốn đi cầu hiền tài. Ông mong rằng nếu không nhận được cái gật đầu, chí ít cũng được mời vào trang viên đàm đạo.
Quang Phục, Đoàn Thượng và Bỉnh Di cùng trăm binh bí mật đi cùng Phạm Tu. Tam Vạn thôn trang lại giao cho Duệ quán xuyến. Lần này Phạm Tu yên tâm khi đặt lòng tin vào cô con gái nuôi. Kế sách của Duệ ngoài việc tránh cho Tam Vạn thôn trang trở thành đích ngắm thì còn khiến Pham Tu yên lòng bởi ông không dám lấy danh nghĩa họ Phạm dựng cờ. Thứ nữa, Thiên Gia Bảo Hựu quân sau này giao cả về tay Thiên Bình cũng hợp mọi lẽ.
Phạm Tu khởi hành vào đêm trăng, ông dự tính khi trở về vừa hay sẽ đến ngày Rằm tháng Bảy, Lễ Vu Lan. Ở những làng khác, vùng khác chẳng biết ra sao chứ riêng làng Vạn thì Rằm tháng Bảy có thể xem là đại lễ. Một ngày lễ không kém gì Tết Nguyên đán bởi lẽ ông là cha nuôi của mấy trăm nam thanh nữ tú. Ngày đó, tất cả con nuôi của Phạm Tu đều đến gặp và gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp. Lệ này đã diễn ra được hơn chục năm, bản thân Phạm Tu cũng vô cùng coi trọng ngày này.
Để chuẩn bị cho Rằm tháng Bảy, sau đêm Phạm Tu đi chiêu hiền thì Bình, Duệ, Xuân cùng một số cô gái khác tụ tập trong ngôi nhà lớn hay tổ chức hội họp. Họ đang bàn nhau sẽ làm quà gì tặng cho người cha chung rất sôi nổi thì Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Cự Lượng cùng vài tráng niên khác cũng đến.
Trong ánh đèn dầu lạc bập bùng, mấy đôi trai gái ngồi riêng một góc thi thoảng nơi ấy lại phát ra tiếng cười khúc khích. Hai bàn cờ được lôi ra, chả mấy mà túm tụm thêm tráng niên đứng bên ngoài chỉ cờ.
Xuân ngồi tỉ mẩn vót tên, Bình ngồi cạnh dùng con dao nhỏ cố tạo ra một bức tượng gỗ còn Duệ một mình một đèn ngồi ghi chép. Những câu chuyện không đầu không cuối, từ việc ngựa mới tậu được hơn trăm con, trâu thì cả đàn đủ đực cái lẫn nghé ngót hai trăm. Nhắc đến trâu thì có phần nan giải vì huấn luyện trâu không dễ.
Bình nhắc đến đám trẻ mục đồng mà ba chị em hay gặp, có thể thuê chúng vừa chăn vừa luyện trâu theo ý. Duệ cho là ý hay, dự tính lần tới gặp sẽ hỏi đám trẻ.
-Nhắc đến đám ấy em mới nhớ, hôm nọ không thấy ông chú đái dầm ở cùng nữa. Chị còn tơ tưởng ông chú ấy không, chị Duệ?
-Em đừng nói ẩu.
-Chọn bừa một anh trong làng cũng hơn gấp vạn lần. Chị Xuân này, có khi chị Duệ nhà ta nhìn quen mắt các anh ở đây đâm ra chán ấy nhỉ?
-Ừ!
Xuân chẳng để tâm, cô vẫn chú tâm vào việc vót tên. Quang Diệu ngồi gần đấy cũng đang giúp cô. Người không biết sẽ nghĩ Xuân chỉ có tài bắn cung, như vậy là lầm, bởi thị Xuân rất giỏi dùng song kiếm. Cô đã từng xin phép Phạm Tu rời làng đi học nghệ trong hai năm.
-Ông chú ấy ở thôn Đường Vỹ. - Bình nói tiếp. - Thôn ấy bây giờ cũng do chúng ta quản đúng không chị?
Duệ gật đầu.
-Thôn ấy đông không? Hôm nào em phải đến đó một chuyến.
-Thôn đấy nghèo xác xơ, sợ là năm sau đến vụ gặt cha còn miễn cho họ ấy chứ. - Cự Lượng đang nằm vắt chân chữ ngũ trên ghế tre dài nói chen vào. - Thôn đấy mình còn chưa đặt chốt, hôm nọ cha có nhắc rồi nhưng anh còn lười.
-Tốt nhất anh làm cho xong, để cha hỏi tới thì ăn vài trượng, chả ai xin hộ anh đâu. - Duệ nói mà tay vẫn không ngừng ghi chép.
-Làng ấy toàn mấy ông bà già sắp xuống lỗ với các bà cô sắp già. Con gái làng thì đi làm mướn, trẻ con đứa thì đi ở, đứa thì chăn trâu.
-Anh biết rõ thế? - Bình hỏi.
-Khúc sông đấy sâu, mé Tây của làng toàn đầm lầy hoang vu. - Cự Lượng thao thao bất tuyệt. - Nếu anh nhớ không nhầm, cả làng có tám mươi bảy nóc nhà, toàn mái tranh. Nhà ngói có độ chục căn nhưng siêu vẹo lắm rồi.
-Nghèo đến vậy cơ á? Em muốn đến đấy xem thử thế nào. Chả lẽ làng ấy không có đàn ông ư?
-Thích thì mai đi cùng anh. Anh nghe nói hồi trước làng đấy cũng như bao làng khác. Lúc mới loạn, tầm anh em mình về đây ấy, thì Vũ Ninh vương đánh sang, chả biết tại sao lúc rút lại bắt hết từ trai tráng đến ông già ngoài tứ tuần.
Cự Lượng chợt nhổm dậy, nét mặt có chút hứng khởi ngoái ra nói với mấy chàng trai ngồi xem cờ gần bên.
-Nhưng con gái làng ấy đẹp bọn mày nhỉ?
-Đẹp với anh thôi. Lần nào đến làng ấy cũng cố bằng được đến nhà bà già cuối xóm. Dạo trước anh ấy còn bỏ ra những hai chục đồng mua mấy quả đu đủ xanh của bà già rồi dọc đường về vướng víu lại vứt đi đấy Bình ạ.
-Sao lại thế?
Cả Bình và Duệ cùng ngạc nhiên hỏi. Cự Lượng nhổm dậy toan bịt mồm chàng thanh niên nhưng không được vì Bình đã nhoài tới túm cổ áo.
-Vải thưa đòi che mắt thánh. Lần nào đến nhà đó anh Lượng cũng hỏi thăm em Nguyệt nào đấy. Con bé ấy là con gái bà cụ, hình như nó làm hầu gái bên mạn Siêu Loại.
-A! - Bình sáng mắt. - Thì ra anh đã tia con nhà người ta nên định lấy lòng chứ gì? Đồ bủn xỉn, em gái ở đây quanh năm suốt tháng không được nổi quả chuối hay nắm xôi. Anh thật biết cách sống đấy anh Lượng.
Bình xoắn tai Cự Lượng khiến anh chàng kêu oai oái.
-Khai mau! Con bé ấy bao nhiêu tuổi?
-Đau… đau mà…. Mười… mười sáu!
-Hả? Sao mới có mười sáu?
-Ờ thì… thì…
-Quen từ bao giờ? - Bình vẫn không tha.
-Cũng không tính là quen, anh mới gặp có hai lần hồi đầu năm. Cũng chưa nói được câu nào cả, anh thề!
Bình đẩy Cự Lượng ra, bĩu môi chê:
-Tưởng thế nào.
Lượng xoa tai cười gượng định quay ra túm cổ chàng trai tọc mạch thì cậu ta đã chuồn mất rồi.
-Còn gì anh mau nói, đừng để em phải ra tay với anh.
-Cái con này…
-Con nào…?
-À thì… con bé ấy tên Nguyệt. Bố với anh cả nó b·ị b·ắt sang Bát Vạn, nó ở với bà mẹ đã gần lục tuần.
-Tiếp đi.
Bình trợn mắt, hất hàm ra lệnh. Lắm khi Cự Lượng tự trách bản thân hồi nhỏ nuông chiều Bình đến vậy lớn lên lại bị cô bắt nạt suốt ngày.
-Thì còn gì nữa đâu, chuyện mới đến thế. Bà Cả Ngư đấy chắc đoán anh tăm con gái bà ấy nên mới đẩy con gái đi nơi khác.
-Hả? Anh vừa nói gì?
-Nói gì?
-Bà đó tên gì?
-Cả Ngư. - Cự Lượng khó chịu đáp.
Bình chau mày cố lục lại trí nhớ vì cô đã từng nghe đến cái tên này một lần ở đâu đó rồi. Bình hỏi Xuân nhưng Xuân bận đầu mày cuối mắt với Quang Diệu nên nào để tâm.
-Chị Duệ! Chị dừng tay ghi chép một tí được không?
-Hỏi gì thì hỏi đi, chị đương bận mà.
-Chị nghe cái tên bà Cả Ngư có quen không?
Duệ tạm ngưng bút đưa mắt nhìn ngọn lửa nhỏ như đang nhảy múa trên cái bàn tre.
-“Đấy chả phải là họ hàng gì đó của cái người mình gặp chỗ bìa rừng ư?”
Duệ đặt bút lông ngước lên nhìn Bình, dường như Bình cũng đã nhớ ra điều gì đó.