Chương 218: Lễ Đăng Quang
Trở lại chuyện có đôi điều không phải Chương cứ muốn là được.
Phạm Tu mời những Lý An, Hàn Thuyên, Gia Miêu, Phạm Bỉnh Di, Thiên Bình, Uyển Như, Duệ, Lam Khuê, bà Dung, Triệu Quang Phục, Phạm Cự Lượng, Trương Văn Long, Lê Văn Thịnh, Vũ Trinh, Ngô Miên Thiệu, Nguyễn Công Truyền, Yết Kiêu, Đinh Công Tráng, Hoàng Thái Công, Khuông Vạn Thái sư Ngô Chân Lưu, Thiền sư Sùng Phạm, Trương Lôi, Chu Diện, Lê Quý Ly, Phạm Bạch Hổ, Đoàn Thượng… đến làng Nhất Vạn khoản đãi tiệc chay mặn vào ngày giỗ trận 10 tháng Chạp năm Thiên Đức 29. Hôm ấy Chương bận cắt băng khánh thành Trường Y thuật Vạn Xuân rồi họp mặt với cao tăng Thích Viên Chiếu, Thích Minh Không nên không thể dự.
Chủ ý của Phạm Tu chính là vậy.
Phạm Tu nói với tất cả mọi người rằng, phủ Thiên Đức nay tạm đi vào quy củ. Nước không thể thiếu vua, nhà không thể thiếu chủ. Đất Siêu Loại đã có chủ mới từ mấy tháng nay song vì việc công còn nhiều, giờ đã tạm ổn, nhất định phải làm lễ Đăng Quang, chính thức tôn Mạc chủ tướng Mạc Thiên Chương lên làm Vạn Thắng vương, danh chính ngôn thuận thay vì chỉ gọi theo kỳ hiệu do Phạm Tu từng tặng vài năm trước khi xuất quân.
Bọn Lý An, Thiên Bình, Phạm Cự Lượng… đều mặc nhiên Mạc Thiên Chương là Vạn Thắng vương, vậy nên lời của Phạm Tu vừa dứt cũng là lúc những tràng pháo tay, những lời hô đồng tình vang vọng.
Phạm Tu và Lý An sẽ cùng chủ trì lễ Đăng Quang, Ty Thông tin và Ty Dân vận lo bố cáo thiên hạ. Ty Hậu cần phối hợp với Ty Thương nghiệp lo chuẩn bị các thứ cần thiết.
Ngày Đăng Quang ấn định là mùng 1 tháng Giêng năm Thiên Đức 30, nhằm mùng 1 Tết. Khuông Vạn Thái sư Ngô Chân Lưu và Thiền sư Sùng Phạm chủ trì lễ tế trời đất.
Chương biết việc này, muốn gạt đi nhưng không được, nhất là bốn cô vợ đều đồng lòng nhất trí, hớn hở mỗi người một chân một tay sắp đặt mọi việc.
Chương đành miễn cưỡng nghe theo.
Lê Đăng Trình, 48 tuổi, từng làm quan cửu phẩm tiền triều được đề cử lo khánh tiết, một số nhân sĩ và các cụ cao niên ở nhiều làng được mời ra giúp. Nhân việc này, Chương thấy cần thiết phải lập Ty Ngoại giao song chưa ngắm được ai cho chức vụ ấy.
Chương mời Lê Đăng Trình đến Lý phủ, trao đổi cụ thể để chính thức thành lập Ban Khánh tiết trực thuộc Mạc phủ tại làng Vạn Xuân sau khi dựng xong. Lê Đăng Trình liền nhận lời, nhân sự thuộc quyền sẽ do Lê Đăng Trình đề đạt.
Một khoảnh đất rộng nghìn mét vuông gần Diên Ứng tự được dọn dẹp sạch sẽ, dựng đàn tế bằng gỗ, tre cao 5 trượng, với 9 tầng đế hình vuông nhỏ dần như kỳ đài, đế rộng nhất mỗi bề dài 8 trượng. Bục trên cùng dựng một cột cờ cao 2 trượng 5 thước, bày 2 hoàng án, bên dưới bậc thấp đặt 2 châu án.
Một ngai làm từ gỗ quý sơn son thếp vàng, cao 3 thước. Sơ bộ về chiếc ngai chia làm 3 phần: trên, giữa, dưới.
Phần trên là hình tượng mặt trời được phối cùng những dải mây cách điệu.
Phần giữa gồm có lưng ngai và tay ngai, trong đó lưng ngai có 2 đồ án trang trí là chữ Thọ. Tay ngai 2 bên, trái hình đầu rồng, phải hình đầu hổ hướng về phía trước trong tư thế đạp mây.
Phần dưới là đế, xung quanh phía trên được trang trí hoa văn chữ Vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ ở 4 cạnh. Phía dưới, tại 4 chân ngai, mỗi chân là một mặt hổ phù, còn 4 diềm xung quanh thì 2 diềm trước sau mỗi diềm một mặt hổ phù lớn theo kiểu long hàm thọ, 2 diềm 2 bên là 2 chim phượng.
Phạm Tu đã cho 3 thợ thủ công khéo tay làm ra ngai này từ hàng chục năm về trước, chỉ chờ người ngồi lên đó mà thôi.
Theo sắp đặt của Lê Đăng Trình, hai bên tả hữu bệ rồng tính từ bậc thứ sáu trở xuống, tả võ hữu văn mà chia ra đứng nghiêm trang.
Giao thừa năm Thiên Đức 30, tất cả các chùa trong phủ Thiên Đức đều gióng 3 hồi chuông trên bảo tháp. Kế đó, trong các quân doanh cũng gióng thêm 3 hồi trống, kỳ đài ở đàn tế bắt đầu kéo cờ khánh hỷ trong ánh đuốc sáng rực kèm tiếng kèn rộ lên.
Năm loạt thần công được khai hoả vào đầu trống canh Năm. Trung đoàn Thần Vũ và Trung đoàn Thiên Đức cử ra 198 quân sĩ đưa kiệu lớn đến trước cửa Lý phủ rước Mạc Thiên Chương, 99 nữ nhân đứng bên hữu, 99 nam nhân đứng bên tả.
Phạm Tu mời Mạc Thiên Chương lên kiệu, hai đội tiểu nhạc tả hữu đi trước, biền binh cầm cờ, lọng theo sau rồi mới đến kiệu. Quân sĩ Thiên Đức bồng súng đi hai bên, phía sau kiệu là những yếu nhân trong quân.
Do Ty Thông tin đã thông báo lộ trình, dọc hai bên đường từ Lý phủ đến đàn tế chật ních bách tính phủ Thiên Đức. Đầu xuân năm mới, ai ai cũng muốn nhìn rõ mặt Vạn Thắng vương.
Chương ngồi trên kiệu không có mái che, những ngọn đuốc xung quanh rực sáng soi tỏ dung mạo. Chương không ngừng tươi cười nhưng thực tế cậu chẳng nhìn thấy gì do trời tối.
Việc đảm bảo an ninh trong quá trình rước kiệu và làm lễ được giao cho Ty Công an phối hợp với Trung đoàn Thần Vũ.
Hàng vạn bách tính phủ Thiên Đức tận mắt nhìn thấy dung mạo khôi ngô của Vạn Thắng vương, người sẽ cai trị họ trong những năm tháng tới đây.
Lễ Đăng Quang của Vạn Thắng vương là đại lễ trong vùng, xưa nay dân Siêu Loại cũ chưa từng được thấy lễ nào tương tự như vậy cả. Thế nên ai cũng muốn tỏ tường, kéo nhau đi xem đông hơn trẩy hội.
Kiệu hạ ven đường lớn vừa mới làm xong, Chương đặt chân xuống dải lụa đỏ trải trên đất, có một tấm vải lụa vàng dẫn thẳng lên đàn tế. Chuông trống nối nhau gióng giả vang lên theo mỗi bước chân của Chương. Từ quãng này, không khí bỗng trang nghiêm, tĩnh mịch và thiêng liêng đến lạ kỳ.
Chính Chương cũng cảm nhận được điều ấy.
Những loạt hoả mai chỉ thiên nổ liên hồi theo hiệu lệnh của Phạm Thị Thanh, Phạm Kim Huệ. Chương dừng chân một thoáng ngoái lại nhìn tả hữu và bách tính một lượt, họ đều là những gương mặt thân quen cùng vào sinh ra tử với Chương trong 6 năm qua. Chương luôn coi họ là người thân thích, có kẻ hơn người kém tuổi, Chương cứ theo vai vế mà thân mật gọi tên. Trước mặt Chương bây giờ là 99 bậc phủ lụa vàng dẫn lên ngai đang được trùm bằng một tấm lụa vàng thêu hình rồng hổ.
Chương bước lên cao, ngồi vào đó tự nhiên mọi thứ sẽ khác. Vào giờ phút này, Chương có chút băn khoăn nghĩ suy về tương lai. Cuộc đời của Chương bước sang năm thứ 26, chưa từng nghĩ việc binh đao mà chỉ trăm bước chân nữa thôi cậu sẽ là một người mà một lời nói ra sẽ khiến bao kẻ vui mừng hoặc run sợ.
Chương đã tự hỏi nhiều đêm, một chàng trai 26 tuổi như Chương đang làm gì ở Thủ đô? Hẳn là đang dán mắt vào màn hình máy tính hoặc hì hục ghi chép số liệu, cũng có khi đang khom lưng nghe sếp mắng chửi vì làm chưa tốt.
Chương lại thầm ao ước bố mẹ nhìn được cảnh mà chỉ thấy trên tivi, còn Chương đang là nhân vật chính trong bối cảnh ấy. Mỗi bước chân, mỗi cử chỉ của Chương đều được hàng vạn cặp mắt dõi theo.
Chương đặt bước chân lên bậc đầu tiên cũng là lúc súng thần công nổ một tiếng đanh gọn trong đêm. Lữ đoàn Thần Sấm lần lượt bắn đủ 99 viên đạn đá về hướng Tây cùng 99 loạt hoả mai, mỗi loạt 10 khẩu.
Thiền sư Sùng Phạm đốt lò trầm hương nghi ngút.
Chương lên bục cao, tự tay châm 5 nén hương do Khuông Vạn Thái sư Ngô Chân Lưu đưa cho, vái bốn phương tám hướng trước khi cắm vào lư đồng.
Lúc ấy gà vừa gáy sáng.
Khuông Vạn Thái sư đọc văn tế trời đất xong, Phạm Tu bước lên đứng cạnh, sang sảng tuyên đọc chiếu lên ngôi do Hàn Thuyên soạn:
Trộm nghe: Xưa nay đặt ra vua thầy là lẽ ở đời, nước phải có vua, phủ phải có vương, nhà phải có chủ.
Vạn Xuân lập nước đã 30 năm, vì nhiều lẽ mà lòng người ly tán, quân thần cát cứ khắp nơi chia nhau cương vực. Cơ đồ Lý tiên vương dựng xây nay chia năm xẻ bảy, mỗi họ tự ý gây dựng cơ đồ riêng, giềng mối của trời đất một phen đổ nát không sao dựng lên được, kỷ cương r·ối l·oạn, chưa có thời nào hư hỏng như thời này. Vả lại, mấy năm gần đây, Nam Bắc Đông Tây đánh nhau, dân sa vào chốn lầm than. Lý Lệnh công cát cứ vùng Siêu Loại 15 năm, tuy có ơn với bách tính nhưng đã bỏ chạy tháo thân.
Ta là con dân Vạn Xuân, không có một thước đất, vốn không có chí làm vương, nhận bách tính làm thân thích. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong vị minh chúa để cứu đời yên dân. Vì vậy, ta tập hợp nghĩa binh mặc áo tơi, chân đạp đất chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong vòng nước lửa, rồi trả nước cho bách tính, trả đất cho tiên vương, ung dung áo thêu hài đỏ, ngắm cảnh yên vui. Nhưng việc đời dời đổi, ta không được như chí xưa đã định. Ta tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp người xưa, mà đất đai Thiên Đức rộng lớn, nghĩ đến việc thống nh·iếp, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa.
Vừa đây, ba quân tướng sĩ cùng văn thân trong ngoài đều muốn ta sớm định vị hiệu, để thắt chặt lòng người, đã khuyên mời đến ba lần. Các biểu suy tôn không bàn tính với nhau mà cùng một lời.
Nghiệp đế vương rất trọng, ngôi trời khó khăn, ta thật lòng lo không kham nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 1 tháng 1 năm nay lên ngôi Vạn Thắng vương, vẫn giữ niên hiệu Thiên Đức hòng tiếp nối di nguyện của Lý tiên vương năm xưa.
Hỡi muôn dân trăm họ, lời nói trên ngôi cao chính bậc giáo huấn phải thi hành. Nhân, nghĩa, trung, chính là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay ta cùng dân đổi mới, theo mưu sáng của Lý Nam vương để trị và dạy thiên hạ!
Phạm Tu vừa đọc dứt bỗng đâu có tiếng sấm động đì đùng từ xa vọng lại, gió lớn nổi lên, ánh chớp giật liên hồi sáng rõ như ban ngày. Bách tính phủ Thiên Đức thấy cảnh này liền cho là trời đất thuận lòng, chân mệnh thiên tử ứng với Vạn Thắng vương.
Tấm khăn lụa vàng phủ ngai được Phạm Tu kéo ra, ông cùng với hai vị Thiền sư và bà Dung mời Chương ngồi lên ngai. Bách tính Thiên Đức không biết bà Dung là ai, cũng chẳng hiểu vì sao bà lại có mặt ở đó.
Chương hít một hơi thật sâu trước khi ngồi xuống cái gọi là ngai vàng.
Trời nổi thêm vài ánh chớp giật soi tỏ, bách tính Thiên Đức, tả hữu hai hàng cùng lễ 5 lạy, Phạm Tu cũng hành lễ như bách tính, duy chỉ có bà Dung không lạy mà thôi.
Thiên Bình cũng lấy làm lạ lắm.
Khi ấy mặt trời cũng vừa soi tỏ.