Chương 263: Những người con xứ Đoài
Phạm Sư Mạnh giống như bao nho sĩ đất Vạn Xuân mà Chương từng nghe nói, từng gặp và từng mạn đàm, Sư Mạnh làu làu sách vở, Đông Tây kim cổ đều tỏ tường thiên về lý thuyết trị quốc an dân kinh điển.
Đó là ưu cũng là chỗ nhược của họ.
Chương không cho rằng bản thân anh giỏi hơn nho sĩ, anh chỉ tin bản thân biết nhiều thứ lạ hơn họ mà thôi. Những người chăm chỉ học hành sẽ mau tiếp thu cái mới để trở thành tầng lớp tinh hoa của Thiên Đức. Chương cũng hiểu, phục một tướng cứ lấy trung, nghĩa, nhân, tín mà đối đãi vì phần đa họ thẳng tính. Còn như văn thân nho sĩ, thâm như nhà nho mà, ai biết được họ nghĩ gì, lắm khi nghĩ một đằng nói một lẻo. Tuy nhiên, văn thân nho sĩ dù cách tân hay thủ cựu đều có điểm chung, ấy là họ thấy quân vương một lòng yêu nước thương dân tự khắc họ theo. Nếu quân vương còn tài trí hơn người, có lòng nhân thì họ phục.
Tự cổ chí kim, muốn chinh phạt cần mãnh tướng, muốn trị nước cần tôi hiền.
Phạm Sư Mạnh thấy Chương chưa xưng vương trong vùng chẳng thèm ra đón, đến khi thấy Chương có thâm ý, đồ rằng không phải bậc võ phu mới bắt đầu có phần kinh sợ.
Vương một cõi quyền sinh sát trong tay, giỏi mà không thuận theo cũng khó có đất dung, lẽ đời xưa nay vốn thế.
Về Thiên Đức hết hai ngày đường, Chương dành nhiều thời gian nói chuyện với Phạm Sư Mạnh. Phạm Sư Mạnh càng nghe càng thấy hứng khởi bởi có nhiều điều lạ lẫm. Sư Mạnh hỏi rằng:
-Hạ quan nghe môn đệ nói, Vương thương binh sĩ, xem bách tính là cha mẹ, tướng Thiên Đức ai nấy đều dũng mãnh, trung thành. Vương có thể giảng giải thêm cho hạ quan được thông tỏ?
Chương nói như sách:
-Dân là gốc của nước, có dân ắt có nước. Ta từng nghe câu “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Phạm tiên sinh thấy sao?
-Hạ quan lần đầu nghe nói, chẳng hay ai đã nói với Vương lý lẽ này? Hạ quan mới nghe thấy vô lý, ngẫm lại liền thấy có lý.
Chương tặc lưỡi:
-Thần phi nói với ta như thế.
-Hạ quan thật muốn được tham kiến Thần phi một lần, mong Vương thuận cho, hạ quan đội ơn.
-Phạm tiên sinh sẽ gặp thường xuyên mà thôi, có điều tiên sinh phải tập dần cách xưng hô, lễ nghĩa giản đơn ở Thiên Đức trước đã. Còn như tiên sinh muốn hiểu thêm ý của ta về các dùng người ư?
Chương thả hồn theo ánh nắng, hai mắt nheo nheo, mãi một hồi mới nói:
-Dụng người như dụng mộc, chọn tướng ư? Người yêu quân lính mà không yêu dân thì không thể làm tướng tài. Người yêu tướng mà không yêu dân thì… cũng chẳng làm vương được. Lẽ đơn giản vì quân, tướng hay vương cũng từ dân mà ra, cũng như câu sinh con rồi mới sinh cha đó thôi.
Phạm Sư Mạnh ngạc nhiên một hồi, vội quay lại nhắc những gì Chương vừa nói với nho sinh, Mạnh cho đó là chân lý. Đoạn, Mạnh lại hỏi:
-Vương có binh hùng tướng mạnh, chiếm Siêu Loại rồi chẳng vội xưng vương. Bảy phần Hải Đông nắm trong tay cũng chẳng vội xưng vương, hạ quan lấy làm thắc mắc lắm thay.
-Tiên sinh hằn đã tìm hiểu nhiều, nghiền ngẫm nhiều sao không tự trả lời thắc mắc. Ta đồ rằng tiên sinh đã có những lý giải riêng.
-Dạ bẩm, hạ quan cho rằng ngài chẳng vội xưng vương những hai lần ắt có dụng ý phía sau. Phải chăng ngài muốn để các võ tướng văn thân tự tôn lập ngài? Nếu đúng là vậy, hạ quân thấy thật là có lý lắm. Có vậy nền móng mới bền vững, quân tướng trên dưới một lòng.
Chương nhoẻn miệng cười:
-Cũng đúng! Còn gì nữa?
-Thưa Vương, xưng vương cũng chỉ là danh hiệu, lòng dân có vương rồi không xưng vương vẫn là vương. Dân không coi là vương có xưng vương vẫn không là vương.
Chương gật đầu tán đồng. Phạm Sư Mạnh lại nói thêm:
-Xưng vương sớm chi bằng xưng vương muộn, xưng vương rồi mới đánh chiếm lân bang mở mang bờ cõi, xưa nay đấng minh quân đều theo cách ấy. Tiểu tiền đại hậu, viễn giao cận công, Vương mạnh nhưng không kiêu, ngài chỉ lấy phần mà ngài quản được, quản xong ngài lấy thêm. Cách này tuy chậm song một mai khi móng rộng nền sâu, hạ quan nghĩ khó có người địch lại ngài.
Chương khen Phạm Sư Mạnh có cái nhìn xa, Mạnh được khen lấy làm mừng. Chương bấy giờ mới quay lại hỏi môn đệ của Sư Mạnh:
-Các cậu thấy đấy, ta lấy thành Kinh Môn không hao binh tổn tướng, nắm Ninh Hải như trở bàn tay. Các cậu theo học một người từng đỗ Thái học sinh, các cậu đoán xem vì sao ta không nhân thế thắng mà đánh cho Lê Hoan tả tơi không còn manh giáp mà lại để hắn cát cứ một cõi?
Một môn đệ bạo dạn cưỡi ngựa lên tâu rằng:
-Tiểu sinh thiển nghĩ Vương mở cho Lê tặc một đường sống là để hắn tạm không quấy quả, làm phên giậu ngăn Phạm Lệnh công.
-Ồ, nhỡ đâu ông ta quy thuận Phạm Khải Ca hoặc La Đình Độ sau đó hợp binh đánh ta thì sao?
Môn sinh ấy tâu:
-Lê tặc làm vậy lòng quân dân ly tán, mất nhiều hơn được. Vương chiếm được Hải Đông không hại gì đến bách tính. Lê tặc cứ yên phận thì còn, nhược bằng không tay trắng lại hoàn trắng tay.
-Cậu tên gì?
-Thưa Vương, tiểu sinh họ Đoàn, tên huý là Nhữ Hài, người làng Trường Tân, năm nay mười tám tuổi đã theo học thầy được chín năm ạ.
Phạm Sư Mạnh bổ sung:
-Môn đệ của hạ quan là trưởng nam của Đoàn đại nhân, Đoàn đại nhân nghe đâu có họ hàng với một đại quan trong Thiên Đức quân là Đoàn Thượng.
Chương nghe thế liền hỏi Đoàn Nhữ Hài:
-Cậu và ông Đoàn Thượng vai vế thế nào?
-Dạ bẩm Vương, Thượng bá bá rời làng từ lâu, tiểu sinh không biết mặt. Thượng bá bá theo vai vế là anh em thúc bá với phụ thân của tiểu sinh.
Chương cười:
-A! Vậy là cậu với Lan Ngư phủ cũng là anh em thúc bá.
Đoàn Nhữ Hài nghệt mặt:
-Lan Ngư… ngư phủ là… là ai thưa Vương?
Chương phì cười:
-Biệt danh ta đặt cho cậu ấy, một chàng trai rất giỏi. Cậu ta là chỉ huy súng lớn.
-Biệt… biệt danh là gì ạ, thưa Vương?
-Các người có tên huý hay dùng tên hiệu với tên chữ gì đó. Ta thích gọi tên thật hoặc biệt danh vì dễ nhớ.
Chương giải thích ý nghĩa của biệt danh Lan Ngư phủ, ai nghe cũng trầm trồ. Chương kết luận:
-Người Hải Đông rất giỏi và nắm nhiều trọng trách trong quân Thiên Đức. Tả Đô đốc Phạm Tu là lãnh tụ tinh thần, lão tướng Đoàn Thượng luyện võ cho quân. Các nữ nhân hộ vệ đây hầu hết đều là môn đệ của ông ấy. Phạm Cự Lượng thống lãnh toàn quân, Phạm Hữu Thế nắm thuỷ quân, Phạm Bạch Hổ nắm súng pháo và Thần phi của ta là con gái gốc làng Thuỷ Đường. À… còn cái anh lầm lì lúc chia tay ngoài cổng thành tên Võ Văn Dũng cũng người Hải Đông mà ta không nhớ quê gốc làng nào.
Đồng hương là một điều gì đó rất lạ, nó như sợi dây vô hình nhưng bền chặt. Chương từng sống ở làng nên hiểu điều này lắm.
-Tiên sinh cũng họ Phạm, liệu có họ hàng gì với Tả Đô đốc không nhỉ?
-Thưa Vương, theo như hạ quan biết thì chỉ giống họ thôi ạ. Dạ bẩm, hạ quan nghe nói Đại Thắng Hoàng hậu họ Phạm, là thống lĩnh quân áo vàng.
-Ý tiên sinh nhắc đến Thiên Bình? Trước lúc ta động binh thì biết nàng mang thai nên ta bắt ở nhà. Đại Thắng Hoàng hậu là nghĩa nữ của Phạm Quý phi tiền triều, ta không biết song thân của nàng, nàng cũng không biết.
Nhờ nói chuyện như vậy, Chương lại nảy ra một ý tưởng. Anh gọi người của Ty Thông tin đến và dặn dò riêng:
-Hãy tích cực lan truyền gốc tích của những người gốc Hải Đông nắm trọng trách trong quân. Đặc biệt nhấn mạnh Thần phi, người con gái Thuỷ Đường, sẽ cai quản quê cha đất tô thịnh vượng.
Mấy ngày sau hàng nghìn tờ yết thị được dán ở khắp các chợ, đình chùa, đầu làng cuối thôn liệt kê những người con của Hải Đông đi xa nay đã trở về. Điều này ngầm hiểu rằng quân Thiên Đức cũng chính là từ Hải Đông mà ra. Nhiều bách tính kháo nhau, Đại Thắng Hoàng hậu họ Phạm chính là con của Tả Đô đốc Phạm Tu quê ở Hải Môn trấn. Vương có một hậu ba phi mà hai trong số đó người Hải Đông, nhất định Hải Đông sẽ được ưu ái nhiều thứ.
Gần về đến bến Bình Than, nghe Chương băn khoăn đường thuỷ, Phạm Sư Mạnh mách cho Chương một kế sách với mong muốn đường đi lối lại giữa Thiên Đức và Hải Đông được thuận tiện mà không cần ra mặt đánh với Vũ Ninh vương. Chương nghe xong cả mừng, tạm gọi là kế “Tá đao s·át n·hân”.
Chờ đón Chương trở về trên bến Bình Than chả thiếu ai, tiếng hò reo của mấy nghìn người khi Chương đặt chân lên bến vang một khúc sông. Bọn Phạm Sư Mạnh thấy bách tính già trẻ mừng vui đón vương trở về liền cảm thấy bản thân dường như đã chọn được minh chủ.
Bấy giờ cuối hè đầu thu, trời vẫn còn nắng gắt, Thiên Bình đã mang thai được gần ba tháng. Trở về sau chuyến xuất chinh, Chương dành riêng ba ngày cho hậu cung ở Lý phủ. Cô con gái nhỏ Thiên Kim sắp tròn hai tuổi thường ôm chân gọi “bô bô” khiến Chương như muốn tan chảy. Chương trở về ngoài niềm vui đoàn tụ, lại nhận thêm tin Uyển Như và Lam Khuê mang thai cùng một lượt.