Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 269: Thuyền hơi nước sơ khai




Chương 269: Thuyền hơi nước sơ khai

Bấy giờ là hạ tuần tháng 7, tiết trời đã sang thu nhưng hãy còn oi bức. Xưởng đóng tàu ở Luy Lâu tâu rằng đã hoàn thành thử nghiệm mẫu tàu nhỏ chạy bằng hơi nước. Đây là tin mật, Chương không cho mấy nàng theo cũng vì Lâm Uyển Như.

Chương ấp ủ từ lâu việc chế tạo tàu, thuyền chạy bằng hơi nước hòng giảm sức người. Trước đây Chương chưa làm vì nhiều lẽ, đầu tiên là vì xưởng đóng tàu thuyền và lò rèn ở trên sông Thiên Đức mà bên kia là phần đất của đối phương, rất nguy hiểm. Hơn thế nữa, trình độ của thợ rèn, đúc còn lắm hạn chế cũng như ít người có tay nghề.

Kể từ ngày bắt thợ ở làng Văn Lãng về, mọi thứ mới thay đổi theo hướng tích cực. Có thể nói, làng Văn Lãng là làng nghề đúc đồng duy nhất trong vùng Siêu Loại cũ và lân cận. Thợ ở làng ấy thường đi nhiều nơi, trước đây vài người trong làng còn được tiến cử vào triều đình để dạy nghề.

Chương bắt tay một lượt, những bàn tay thô kệch, xạm đen của những người thợ rèn lành nghề. Hỏi thăm họ vào điều, không quên nói lời cảm ơn.

Để rèn sắt thép bấy lâu nay các lò rèn đều dùng than củi. Nguồn than củi đều phải mua từ nơi khác về là chính, Chương không cho đốn cây trên dãy Linh Sơn để làm hầm đốt than củi. Chương biết muốn có thép tốt hơn thứ thép đang có và nhiều thứ khác cần có than cốc. Than cốc là gì? Một cái tên nghe quá lạ lẫm. Bởi thế công việc của những người trong xưởng rèn đúc còn nhiều khó khăn, tốn nhiều sức lực.

Chiếc thuyền dài chừng hai chục trượng nằm dưới bến sông, là thành quả của nhiều tháng miệt mài. Thuyền mẫu làm bằng gỗ, thân rộng chừng 8 thước, phần giữa thuyền đặt một nồi thép lớn hình trụ nằm ngang trên giá đỡ, một một nồi nhỏ phân nửa đặt đứng cạnh bên làm nồi dự trữ hơi khi dừng thuyền. Dưới nồi lớn có hai bếp lò chất sẵn than củi, mỗi lò đường kính chừng 2 thước, được làm từ đất nung. Nồi hơi đựng nước, có hai nắp xoay bằng núm kim loại. Một đầu nồi hơi có vòi đúc liền khối thò ra, van đóng mở bằng đồng là điểm tiếp giáp với ống kim loại mỏng cắm xuống nước, ống có đường kính chừng một gang tay.

Hai bên bếp lò có bốn ống tre lớn rỗng ruột, chiều dài hơn 4 thước. Đây là hai ống bơm hơi giúp lò cháy mạnh, Chương dựa theo cách thổi lửa của các thợ rèn mà chế ra.

Chương bảo mấy người tiến hành đốt lò rồi quay sàn hỏi thợ cả:

-Bác thấy thế nào?

-Thưa Vương, so với những mẫu thử trước đây thì mẫu này hoàn thiện hơn cả. Nếu Vương ưng thuận, những mẫu sau tôi sẽ làm ống chìm hẳn dưới nước. Hai ống hai bên như Vương mong muốn.

-Công việc của các bác quá nhọc, ta vẫn đang tìm kiếm thứ nguyên liệu tốt hơn giúp các bác làm ra thành phẩm tốt hơn. Đội của chúng ta ở đây có bao nhiêu người nhỉ?

Thợ cả thưa:

-Bẩm Vương, đội này tất cả có 35 người, đều là những thợ lành nghề.

Chương ra hiệu cho nữ binh lại gần và bảo:

-Tặng các bác, các anh đây mỗi người hai xấp lụa, một nén vàng.

Đoạn Chương nói với thợ cả:

-Mẫu thử hoàn chỉnh, bác điều chỉnh, cải tiến thêm sao cho thuận. Ta cũng chỉ muốn chế tạo độ năm mươi chiếc như thế này dùng cho quân thuỷ mà thôi. Ta muốn các bác thành thục, rành rẽ thêm trước khi các bác chế ra một thứ… ờ… thượng hạng hơn. Tàu thuyền chạy bằng máy hơi nước, máy nhé!

Thợ cả cười tươi rói, nói:

-Vương thật tài, có thể nghĩ ra nhiều thứ đến vậy. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chúng tôi còn chưa từng nghĩ đến nước đun sôi có thể chạy thuyền.

Chương để ý một cậu trai độ mười bảy, mười tám, mặt mày lấm lem nhưng đôi mắt sáng, vận mỗi cái quần cộc, người đẫm mồ hôi từ nãy giờ đứng lẫn trong những người thợ. Trong khi các bác thợ đều chú ý đến Chương, cậu ta dường như chỉ để ý đến cái thuyền dưới mép nước. Nhìn hai người, một già một trẻ có nhiều nét giống nhau, Chương đoán cậu trai là con của thợ cả. Anh hỏi:



-Cậu kia là con trai bác?

Thợ cả vội đáp, vẻ bối rối:

-Bẩm Vương, quả đúng là vậy. Nó chỉ là thợ phụ, thường nó đi học nhưng ngoài giờ học nó đến đây học nghề. Nó rất thích thứ Vương cho làm nhưng tôi không tính nó là thợ, nó rất kín miệng.

Cậu thanh niên đứng nghiêm khi Chương tiến lại gần, Chương hỏi:

-Cậu tên gì?

-Thưa Vương, em họ Trần, tên là Văn Lịch.

Nghe cậu trai trẻ buột miệng xưng em như phản xạ tự nhiên, Chương tùm tỉm cười hỏi rõ:

-Cậu là học trò của ai?

-Dạ thưa Vương, trước em là học trò của thầy Mạnh Đức, giờ em học các thầy cô trẻ tuổi nên Vương không biết đâu ạ.

Bác thợ cả họ Trần khúm núm tỏ bày:

-Bẩm Vương, là do nó đam mê những thứ Vương sai chúng tôi làm, nó một hai xin tôi nên tôi cho theo. Mong Vương thứ tội, cháu nó học hành tiến bộ, không cãi lời các thầy cô bao giờ. Thấy nó ham học lại ngoan ngoãn nên… nên tôi…

Cậu trai thưa rằng sắp tròn 18 tuổi, Chương hỏi thêm:

-Ta cho em học chữ để mở mang kiến thức, học xong nên tìm tòi thêm sách mà đọc, sao lại đến xưởng làm gì?

-Dạ bẩm Vương, các sách từng học em đọc gần hết nhưng nhiều thứ trong sách không chép. Sách chắc chắn không chép những thứ mà Vương cho làm như đúc súng đạn, chế tạo xe và cả thuyền. Em muốn tìm hiểu nhưng chẳng ai biết nên em mới xin theo cha đến làm để học hỏi thêm.

Chương thoáng vui mừng, hỏi thêm:

-Ồ, cậu nói phải, đây là những bí mật quân sự chưa thể tiết lộ. Sao, cậu làm ở đây đã học hỏi được gì? À… cậu nghĩ sao về chiếc thuyền mới lạ này.

Cậu trai vội thưa rằng:

-Dạ thưa, những thứ Vương sai làm đều là kỳ trân dị bảo. Học trò chúng em đều ao ước được nhìn, nhiều người muốn vào quân để được làm ra những thứ ấy. Chiếc thuyền này Vương sai làm sẽ giúp Thiên Đức phủ lớn mạnh. Có ngày người ta không phải chèo thuyền nữa. Có thuyền hơi, anh Yết Kiêu sẽ bách chiến bách thắng.

-Hử? Cậu biết cả Yết Kiêu ư?

-Dạ thưa Vương, anh Yết Kiêu có hứa với em mấy năm trước, nếu em học giỏi sẽ nhận em vào thuỷ quân. Bây giờ có thuyền này em sẽ xin làm lính chèo ạ.



Chương cười nhăn mặt, chắp hai tay sau lưng nhìn hai bếp lò đang rực lửa, đoạn hỏi Trần Văn Lịch:

-Có thứ này Yết Kiêu sẽ bách chiến bách thắng, vô địch thiên hạ hả?

Trần Văn Lịch tự tin đáp:

-Thưa Vương, anh Yết Kiêu có súng lớn súng nhỏ do Vương chế ra, thêm cái guồng xoay giúp thuyền đi mau đã vang danh. Nay anh ấy có thuyền không cần người chèo ắt sẽ đi được xa hơn, mau hơn. Hiến Doanh chả là gì, chiến thuyền Thiên Đức có thể đi khắp Vạn Xuân mà không cần mái chèo.

Chương nghe vậy lấy làm hài lòng, nhắc Trần Văn Lịch cứ nói thêm:

-Dạ bẩm, thuyền hơi nước này nếu làm lớn hơn sẽ chở được nhiều quân sĩ. Còn như thuyền nhỏ, hầu như binh sĩ nào cũng chiến đấu được mà không tốn nhiều người chèo. Nếu ta làm thuyền lớn hơn, bằng sắt chả hạn, cái nồi kia sẽ to hơn gấp mấy lần và… và em nghĩ có thể dựng đứng lên thay vì để nằm.

Chương ngoái lại nhìn những người thợ rèn một lượt, ai cũng đứng nghiêm, duy chỉ có bác thợ đã đang vã mồ hôi hột, khom lưng cúi đầu vì sợ vạ sắp rơi xuống đầu. Chương nói với bác thợ cả họ Trần:

-Từ ngày mai Trần Văn Lịch không phải đến trường nữa, cậu ta sẽ đến Lý phủ học. Ta sẽ là thầy của cậu ấy.

Nét mặt bác thợ cả như giãn hẳn ra, vội chạy đến ấn con trai đang hãy còn đứng ngơ ngác quỳ sụp xuống đất bái sư. Gặp Vương không cần quỳ lạy còn bái sư là lễ nghĩa thầy trò, Chương chẳng cấm.

-Học trò Trần Văn Lịch xin ra mắt thầy.

Chương nói với bác thợ cả và những thợ đúc, rèn khác rằng:

-Ta nhận Trần Văn Lịch làm trò không phải vì cậu ấy là con của ông Trần Bá đây mà vì cậu ta sáng dạ, ham học hỏi. Các ông ở đây có con hay cháu ruột tầm tuổi như Văn Lịch và tự thấy con cháu sáng dạ, ham học hãy tiến cử. Nếu ta thấy phù hợp ta sẽ nhận làm học trò. Các ông là cha, là chú hãy dạy họ nghề, ta dạy chúng những thứ ta biết, có thế sau này mới sản sinh được thế hệ tài năng làm phủ Thiên Đức lớn mạnh được.

Đoạn Chương nói với Trần Văn Lịch:

-Ngày mai em cùng thầy cô giáo đến gặp thầy Mạnh Đức, chuyển lời thầy Mạnh Đức cùng đến gặp ta.

Chương nhắc luôn nữ binh cận vệ:

-Báo với Ty Giáo dục, tất cả các thầy cô giáo đang giảng dạy hoặc nhân viên trong ty được thưởng 1 tháng lương, 1 xấp lụa. Thầy cô nào tiến cử được học sinh tài giỏi cho ta bất kể trai gái, ta thưởng 1 nén vàng.

Sau 5 năm đầu tư vào giáo dục, cố gắng phổ cập chữ nghĩa, dường như Chương bắt đầu thu hoạch được những quả ngọt đầu tiên. Muốn có thêm nhiều quả ngọt, cần phải ưu tiên thêm cho những người dẫn dắt.

Ty Giáo dục nhận tin đột nhiên được ban thưởng mà chẳng rõ đầu đuôi, hôm sau mới vỡ lẽ.

Nồi nước đã sôi sùng sục, ba người thợ vận hành dưới thuyền mở dần van xả khí. Mặt nước sông ở phần đuôi thuyền nổi những bong bóng, nghe như có âm thanh pạch pạch rất nhỏ, đẩy chiếc thuyền chậm rãi tiến về phía trước. Hai người thợ đứng hai bên lò, ra sức kéo bễ thổi lửa mạnh hơn, thuyền theo đó mà đi nhanh trong tiếng reo mừng của hơn trăm người có mặt.

Những người thợ rèn, thợ đúc, thợ cả… thay nhau xuống thuyền tự tay thử nghiệm thành quả họ làm ra. Nước trong nồi vơi, lấy nước sông lọc sơ qua bằng vải lụa rồi đổ thêm vào.



Bấy giờ Yết Kiêu và những sỹ quan, hạ sỹ quan thuỷ quân đóng ở thành Luy Lâu mới được gọi đến xem. Tất cả đều há hốc miệng kinh ngạc không nói thành lời. Yết Kiêu và thân tín đều được thử một lượt và chẳng thể giấu nổi vẻ phấn khích.

Từ bánh xe đạp nước nay phát triển thành thuyền hơi nước, so với thuỷ quân của các sứ quân, bọn Yết Kiêu đã trội hơn đến hai bậc về công nghệ thuyền chiến.

Chương tổ chức họp luôn tại xưởng, đưa ra ý định cải tạo các thuyền Mông Đồng hiện có, chỉ để lại hai bánh xe đạp nước ở phần trước. Phần sau của Mông Đồng sẽ lắp đặt một nồi hơi phù hợp kích thước của thuyền với hai bếp lò. Việc kéo bễ, Chương sẽ đưa bản thiết kế dạng đạp thay vì kéo bằng tay, dùng các trục khuỷu đẩy pít tông bằng gỗ bọc da trâu. Những trục khuỷu, vòng bi là tiền đề cho phát triển tàu hơi nước, thậm chí tàu hoả, mà Chương dự kiến làm trong tương lai gần.

Mẫu Mông Đồng thuyền đầu tiên sau cải tiến có gắn chông trên mái như nhím, chở được 28 lính chiến đấu, 2 lính đạp guồng và 1 lính đạp bễ thổi lửa. Lính đạp bễ sẽ ngồi trên một thứ chả khác gì yên xe đạp, đầu thò hẳn lên nóc thuyền để quan sát tứ phía. Thuyền trang bị 1 súng nòng trơn 80mm đặt phía trước, bắn đạn nổ mảnh gây sát thương cự ly gần. Hoả hổ cá nhân được trang bị tiêu chuẩn mỗi lính 6 ống.

Tốc độ di chuyển của thuyền Mông Đồng khi chỉ dùng nồi hơi khoảng 8km/h và khoảng 14km/h nếu đạp thêm hai guồng ở hai mạn. Cấp thiết, thuận gió dựng thêm cột buồm nhỏ sẽ đạt khoảng 20 - 22km/ giờ.

Sắt, đồng, chì, than củi là những nguyên liệu được mua ở nhiều nơi. Thuỷ quân tự làm hầm than, gỗ, củi để làm than do Ty Thương nghiệp cung cấp.

Chương đã dự trữ nhiều than củi kể từ hồi đầu năm, sắt và đồng cũng vậy. Chẳng phải Chương lo xa gì mà vì nguồn cung khoáng sản từ Sơn Tây về Thiên Đức đã có dấu hiệu bị kiểm soát ngặt kể từ khi Thiên Đức kiểm soát Hiến Doanh và sau khi hạ thành Kinh Môn, việc khai khoáng ở Sơn Tây gần như phải dừng.

Nguồn cung sắt, đồng, chì phục vụ cho quân bắt đầu phụ thuộc vào Lâm Chí Hoà và giới thương nhân Hoa quốc như Bạch Diện Tuấn Lang Diệp Đường chủ, Diệp Vĩ Thành hay Thốc Tử Bá Lâm Trạch Dương. Thương nhân châu Đại Hoàng, Lưu Giai Thuỵ, cũng được chỉ định cung cấp nguyên liệu cho quân.

Chương ưu ái thương nhân để phát triển kinh tế không có nghĩa anh muốn đưa vận mệnh, cơ nghiệp đang gầy dựng cho kẻ khác thâu tóm. Bởi thế Lâm Uyển Như hay tin mật báo, thuỷ quân có chiến thuyền mới không dùng sức người đã hỏi Chương. Chương nói:

-Đây là bí mật quân sự, anh tin em nhưng máu thương nhân chảy trong huyết quản của em. Có những thứ em được phép trao đổi nhưng thứ này thì không.

-Tin em mà lại chẳng cho em hay biết, anh lo em nói với cha?

-Nếu chuyện đó xảy ra em nghĩ anh phải làm gì với em? Anh không thể trừ em đi, cũng không thể phạt em. Nếu yêu thương anh hãy hiểu điều đó, anh có những bí mật quân sự là để bảo vệ em và các con được an toàn. Em muốn kiếm tiền là tốt, anh vẫn ủng hộ, mai này anh thống nhất Vạn Xuân, em còn cần gì tiền bạc?

-Em hiểu, em đã mách với cha nên dần chuyển sản nghiệp khỏi La thành, càng sớm càng tốt.

-Và đến Ninh Hải?

Lâm Uyển Như tròn mắt:

-Sao anh biết?

Chương phì cười:

-Người đầu gối tay ấp với anh, tiên nữ của anh đến Ninh Hải làm gì vậy?

-Thật chả giấu được anh điều gì.

-Tốt, tốt nhất đừng giấu anh những việc hệ trọng. Em phải nhớ, kiếm tiền cứ kiếm nhưng phải né các thứ liên quan đến quân sự ra. Càng ít người biết càng có lợi. Bí mật nếu bị lộ, em vô sự nhưng những người quanh em sẽ khó mà an toàn.

-Em biết mà, em biết mà.

Chương không nói đùa, nếu Lâm Uyển Như tìm cách moi bí mật quân sự, anh cũng đành nhắm mắt hạ lệnh xuống tay với kẻ nào có ý định tiếp cận bí mật anh muốn giấu.