Chương 291: La thành
Tô Trung Từ hay tin quân Thiên Đức đánh Tế Giang lần hai vào giữa trưa ngày mùng 1, ông nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Tối muộn, quân cấp báo rằng anh em họ La đã thua trận, quân tan vỡ cả. Tô Trung Từ cả giận mắng chửi một hồi, cho gọi tả hữu đến bàn định, cần phải thay đổi kế hoạch trước khi quá muộn. Họp đến nửa đêm lại nhận tin La Lệnh công La Tá Phi đã b·ị b·ắt, quân Thiên Đức chiếm được La phủ, anh em họ La không rõ tung tích còn hay mất.
-Hỏng, hỏng hết rồi! Nhất định tức đã bị lộ nên bọn Thiên Đức ra tay trước một bước. - Tô Trung Từ đập bàn, cáu gắt, mặt đỏ phừng như thể vừa uống rượu xong. - Tiên hạ thủ vi cường hòng phá vây ư?
Lê Phụng Hiểu bèn nhẹ giọng nói:
-Bẩm Thái uý, việc ta bắt tay với các sứ quân, sứ tướng hẳn bên Thiên Đức cũng dò la được nên chẳng khó để họ đoán biết sẽ bị ta vây. Giả như mạt tướng ở trong tình cảnh như vậy cũng sẽ tìm cách phá vây và Tế Giang thực là một nơi tốt. Anh em La Đình Đệ tuy thiện chiến nhưng chỉ là hạng võ biền như mạt tướng mà thôi.
Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ! - Tô Trung Từ nuốt giận. - Nay bọn chúng đánh Tế Giang ắt sẽ moi được tin từ La Lệnh công, yếu tố bất ngờ không còn nữa. Ông lý giải cho ta vì sao bọn Thiên Đức lại ra tay sớm không? Ta không tin đây là sự tình cờ!
Lê Phụng Hiểu bèn đáp:
-Bẩm Thái uý, mạt tướng tuy chưa biết rõ ngày xuất chinh nhưng thông qua việc tích trữ quân lương, lệnh chỉnh đốn binh mã của Thái uý ban xuống, mạt tướng mạo muội đoán rằng nhanh thì mùng 10 mà chậm là cuối tháng này. Thái uý chờ ăn Tết xong mới đánh. Quân do thám của Thiên Đức ắt hẳn theo dõi việc tích lương thảo, ví dụ như muối chẳng hạn. Trong năm chúng ta mua rất nhiều muối, đó có thể xem là một chỉ dấu.
Tô Trung Từ buông thõng người ngồi xuống, khẽ thở dài:
-Quả thật không xem thường được bọn trẻ ranh này, chúng thực ma mãnh. Việc bắt tay vây chúng chẳng khó đoán nhưng… ta hẹn Tết Nguyên tiêu khởi binh. La Lệnh công b·ị b·ắt, anh em họ La chưa rõ tung tích, sẽ khó thêm khó vài phần. Bọn Thiên Đức này diệt muộn ngày nào nguy ngày ấy. Phạm Tu đã lui về sau, chẳng còn thấy chúng gióng cờ khuông phò nhà Lý. Thằng ranh con miệng còn hôi sữa họ Mạc tự xưng vương đánh phá khắp nơi gầy dựng thanh thế. Phạm Tu có lẽ đã bị nó phế, không còn thực quyền nữa. Mà…
Đoạn Tô Trung Từ cười khổ:
-Có khi ta thua trí Phạm Tu, lão ấy không dễ đối phó. Giờ thì hiểu, từ lúc dựng cờ có khi lão ta chỉ là cây cao đón gió, che chắn cho đám ranh con làm loạn.
Đô thống Đại nguyên soái Lý Mẫn thưa:
-Bẩm Thái uý, như vậy ta phải rời ngày hay huỷ ạ?
-Dây cung đã giương, tên đã lắp không thể không bắn. Ông bàn thảo lại với bọn Nguyễn Quốc Khánh, Phan Văn Hầu và bên Nguyễn Ninh vương xem ý họ ra sao.
Lý Mẫn lại nói:
-Dạ thưa, còn bọn Phạm Khải Ca, Lê Hoan thì sao ạ? Anh em họ La và Cao Mộc Viễn chưa hay tin. Mạt tướng đồ rằng họ lui về bên Đằng Châu nương nhờ Phạm Khải Ca. Tin tức quân thám chỉ báo La Lệnh công b·ị b·ắt mà thôi.
-Bọn ấy không đánh chúng ta cũng đánh. - Tô Trung Từ đanh nét mặt. - Chúng chiếm được Tế Giang dù chỉ thêm phân nửa thì không ít hơn 6 vạn dân. Các ông nghĩ đi! Một thằng trẻ ranh đang nắm trong tay hơn 40 vạn dân, là hơn 40 vạn chứ không phải 4 vạn đâu! Chúng ta có được bao nhiêu? Cả La thành và phụ cận được hơn ba chục vạn, mà đất đai không bằng được nó nữa rồi, phải đánh trước khi nó kịp ổn định tình hình.
Tô Trung Từ cho lui hết cả, bỏ vào trong nằm nghỉ mà tức ngủ không được.
Lê Phụng Hiểu trở về phủ đệ ngồi trầm ngâm bên ấm trà dù đã quá nửa đêm. Trong lòng Lê Phụng Hiểu rối bời. Sự thật, Phụng Hiểu muốn về dưới trướng Tả Đô đốc Phạm Tu. Ngặt nỗi… nếu như Hoàng hậu của Vạn Thắng vương đích thực là Công chúa, mọi chuyện sẽ dễ biết bao nhiêu. Bỏ Long Xưởng theo Thiên Bình cũng là hậu duệ tiên vương, Lê Phụng Hiểu sẽ không mang tiếng phản nghịch. Cái chức Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ này nhờ dẹp loạn tam vương mà có được. Nghe thì cao vời vợi mà thực lại thấp đến không ngờ.
Đô thống Đại nguyên soái rồi đến Đô thống nguyên soái, dưới nữa là tả - hữu nguyên soái. Phụng Hiểu nay là Tả Thân vệ nắm cấm quân mà việc chẳng có gì lớn. Thân tín nhà họ Tô nắm thực quyền hết cả. Trữ quân ngày đêm ăn chơi vô độ, nào có để tâm đến chính sự.
Mỗi khi Trữ quân giả trang đến tuý lâu hoặc kỹ viện, lúc ấy Lê Phụng Hiểu đều theo hầu. Thân làm võ tướng muốn xông pha trận mạc, lại làm chân canh cửa những lúc Trữ quân hoan lạc. Vui hay buồn đây?
Có đôi khi Lê Phụng Hiểu chợt nghĩ, ngày đó Hiểu không xông trận, không dẹp loạn có khi thế thời nay đã khác vài phần.
-Thưa đại nhân, có tin cấp báo từ Tế Giang.
Lê Phụng Hiểu khẽ giật mình trở về với thực tại, quay ra thấy thuộc hạ bẩm báo, Hiểu nói:
-Nãy ta mới nghe Thái uý nói, đã có tin của anh em họ La? Mau cho vào.
Một người đàn ông vận y phục tối màu, quấn khăn che mặt được dẫn vào. Lê Phụng Hiểu khẽ cười ra hiệu, người này thưa:
-La Lệnh công bị con trai của Lý An bắt sống, thưa chủ nhân.
Phụng Hiểu gật đầu:
-Việc ấy ta đã biết, anh em họ La có toàn mạng?
-Dạ thưa, theo tiểu nhân được biết, La Đình Đệ và La Đình Kính rút chạy về hướng Cao Mộc Viễn. La Đình Độ không cứu được La Lệnh công hẳn cũng tìm đường hội quân cùng họ Cao.
-Ngươi có nắm được họ thiệt hại ra sao không?
-Thuộc hạ chỉ biết quân Tế Giang tan vỡ, chừng hai nghìn quân b·ị b·ắt sống ở sông Nghĩa Trụ. Mấy trại tiền phương b·ị đ·ánh úp lúc đêm, hầu như b·ị b·ắt sống hết lượt.
-Lý An là một tướng lão luyện, anh em họ La không phải đối thủ. - Lê Phụng Hiểu khen. - Có ông ta, quân Thiên Đức nào khác gì hổ thêm cánh.
-Bẩm chủ nhân, bọn thuộc hạ cũng nghe phong thanh rằng bên Nghi Dương đã mất.
Lê Phụng Hiểu giật mình, đứng bật dậy:
-Cái gì? Tin ấy ở đâu?
-Dạ thưa, mới chỉ là nghe phong thanh chứ chưa rõ thực hư. Lúc thuộc hạ chuẩn bị về cấp báo mới hay tin ấy, một số quân của Lê Hoan bên Nghi Dương chạy trốn về Tế Giang lúc sẩm tối.
-Liệu có phải không? Quân Thiên Đức có bao nhiêu người mà cùng lúc đánh chiếm hai nơi cho được?
-Bẩm chủ nhân, quân Thiên Đức có rất nhiều tướng trẻ mà chúng ta không biết. Vũ khí của họ mạnh không nói, đáng nói là bọn thuộc hạ moi thông tin trong quân Thiên Đức rất khó. Bọn họ dùng chức vụ khác hẳn lẽ thường nên không phân định được, lúc giáp trận chẳng biết ai là chỉ huy vì họ vận y phục giống như quân. Chỉ có quân mới biết chỉ huy của mình mà thôi.
-Con của Tả Đô đốc hẳn vẫn nắm trọng trách?
-Dạ bẩm, Bỉnh Di rất ít xuất hiện, anh ta phụ trách an ninh gì đó, kiểu như lùng bắt bọn thuộc hạ. Cự Lượng vẫn nắm một cánh quân lớn. Hai cánh còn lại do Triệu Quang Phục và Đoàn Thượng đứng đầu nhưng thực quyền đều do người dưới thi hành, hai ông ấy sau rèm.
-Đoàn đại nhân đánh Nghi Dương?
-Có lẽ vậy ạ, Hiến Doanh án binh bất động.
-Theo ngươi, nếu Thái uý khởi binh ngay liệu có bao nhiêu phần thắng?
-Thuộc hạ không dám nói bừa, quân Thiên Đức đưa sang Tế Giang chỉ dăm nghìn quân không hơn. Tiềm lực của họ có thể huy động được 3 đến 4 vạn người tức thì mà chỉ đưa chừng ấy đi hẳn có phòng bị ở nhà.
-Ngươi có dò thêm được tin gì về kẻ xưng danh Vạn Thắng vương không?
Thuộc hạ lắc đầu, đáp:
-Người đó dùng cận vệ là nữ nhân huyện Thiên Đức, mỗi khi đi đâu, làm gì đều có ba toán quân, chẳng biết toán nào là thật. Hắn đi và đến đâu thực khó đoán, kẻ này hạn chế rình rang. Gần đây hắn đã rời nơi ở về một nơi gọi là làng Vạn Xuân.
-Nơi đó ở đâu? Sao ta chưa từng nghe ngươi nói?
-Dạ bẩm, thuộc hạ cũng mới nghe gần đây. Thưa chủ nhân, người lạ không được vào trong 4 huyện thuộc Siêu Loại cũ, chỉ mon men được bên ngoài mà nếu dò hỏi không khéo tự nhiên sẽ có người vỗ nhẹ vai và từ đó chẳng còn thấy tăm hơi. Thuộc hạ đã mất 5 người trong thời gian gần đây. Quân thám thính của Thái uý cử đi thảm lắm ạ.
-Bị túm hết ư?
-Dạ bẩm, bọn họ làm giả giấy do quân Thiên Đức cấp cho dân đi lại. Nghe nói dễ dàng vào ngao du trong mấy huyện rồi bặt tin, có kẻ nói rằng b·ị c·hặt đ·ầu hết lượt.
-Ta đã xem thứ giấy đó rồi, đâu có gì khó làm giả, phát hiện kiểu gì?
-Giấy có điểm chỉ, thứ ấy hình như không thể giả được. Tiểu nhân không dám làm giả, nếu làm sợ rằng đã không còn đứng đây.
Lê Phụng Hiểu đưa cho thuộc hạ 20 mươi nén vàng rồi than thở:
-Ta thực tò mò danh tính Vạn Thắng vương, người phải có gốc. Nếu thật Nghi Dương bị lấy mất thì Thái uý khó thắng hắn lắm. Ngươi nhớ cẩn trọng.
Sớm hôm sau, Lê Phụng Hiểu hay tin Nghi Dương bị mất. Thuộc hạ của Thái uý gọi Phụng Hiểu đến họp bàn cùng những người khác. Phụng Hiểu không tham gia ý kiến, chỉ chăm chú lắng nghe và suy ngẫm.
-Lê Hoan, Vũ Quan b·ị b·ắt tại Trang Minh Liễn cùng quân bản bộ. Người thống lĩnh cánh bên ấy của bọn Thiên Đức là Đoàn Thượng, một tiểu tướng năm xưa của Phạm Tu. Các ông nhìn đi, nghĩ đi!
Tô Trung Từ nói kháy:
-Nhiều ông ở đây từng coi Đoàn Thượng chả ra gì, chỉ là một tên sai vặt của Phạm Tu. Nay mai Đoàn Thượng vào được La thành hẳn sẽ tìm các ông hỏi thăm trước tiên đấy. Các ông sáng mắt chưa? Bọn ranh con hỉ mũi chưa sạch như các ông hay nói bây giờ cùng lúc nện Soái tướng chạy như vịt. Xem nào… Phan Văn Hầu, Nguyễn Quốc Khánh, Lý An, Lê Hoan, Vũ Quan, Lê Khả, Trần Siêu, anh em họ La, lão già họ Cao ương bướng, hơn hai bàn tay rồi đấy. Toàn là soái với thống cái gì? Việc cần kíp bây giờ là huy động toàn bộ lực lượng đánh bọn Thiên Đức.
Đô thống Đại nguyên soái Lý Mẫn thưa:
-Bên Sơn Tây án binh bất động, hạ quan không rõ họ mưu việc gì. Phùng Lễ có bóng gió với hạ quan rằng Sơn Tây vương đang bận cày ruộng.
-Môi hở răng lạnh, Sơn Tây vương dù gì vẫn là dòng dõi tiên vương. Nay bọn Thiên Đức mạnh là mối nguy, bọn họ dù kết liên minh cũng không muốn Thiên Đức mạnh quá. Theo như ta biết, gần đây việc thông thương giữa hai bên đã giảm đi nhiều.
-Thái sư, ngài có hay tin Lâm gia phủ chuyển việc làm ăn về Ninh Hải không ạ?
-Bọn thương nhân chỗ nào có lợi nó đi, sao phải để tâm?
Lý Mẫn băn khoăn:
-Lâm gia phủ mấy đời ở kinh đô, nay tự nhiên rời việc làm ăn đến vùng Ninh Hải sau khi quân Thiên Đức chiếm được khiến hạ quan lấy làm lạ.
-Phàm nơi chiến loạn sẽ kiếm bộn tiền. - Tô Trung Từ gạt đi. - Lâm Chí Hoà nay vẫn ở Lâm gia phủ, ông ta trao quyền cho Lâm Minh Tự rồi. Lâm Minh Tự xưa nay vốn ít giao du với người ở La thành nên hắn tìm nơi mới lập nghiệp hòng thoát bóng Lâm lão gia có gì lạ? Lâm Minh Tự gần năm mươi tuổi đầu, nửa đời sống dưới bóng Lâm Chí Hoà là đủ rồi.
Nghe thật là có lý làm sao, Tô Trung Từ là một ông cáo già song không phải lúc nào cũng minh mẫn. Lâm Chí Hoà đã biếu một món hậu, than thân trách phận với Tô Trung Từ rằng quyền hành mới giao mà con đã trở mặt, quyết chí rời xuống Ninh Hải, Lâm Chí Hoà ở lại Lâm gia phủ với mấy bà vợ và đàn con thơ dại.
Chẳng ai để tâm đến việc Lâm gia phủ ngày một thưa người họ Lâm, già trẻ lần lượt bế nhau cuỗm theo mớ của cải biến mất dạng.
Một ngày nọ, Lâm Chí Hoà khóc than, rao bán Lâm gia phủ với giá rẻ mạt lấy tiền cứu Lâm Minh Tự làm ăn vì thua lỗ, lại bị quân Thiên Đức tịch thu hết gia sản ở Ninh Hải. Nhiều người thương cảm với tình cảnh của Lâm Chí Hoà ở tuổi thất thập bỗng sa cơ song chằng ai giúp gì được.
Chẳng ai biết Lâm Chí Hoà bỏ xứ đâu hay bỏ xác nơi nào. Lần cuối cùng dân La thành thấy bóng dáng là khi Lâm Chí Hoà tay bị tay gậy khất thực vào khoảng tháng 3 năm Thiên Đức 31.