Chương 306: Làng Lở
Quân Thiên Đức phòng thủ tại huyện Siêu Loại nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Vạn Thắng vương. Chỉ huy sở đặt trên một gò đất rộng thuộc xã Dương Xá, huyện Siêu Loại. Gò đất không tên được gọi là bãi Yên Bình, theo tên cô con gái mới chào đời của Vạn Thắng vương.
Bãi Yên Bình nằm cách sông Thiên Đức khoảng 28 dặm về phía Nam được chọn là nơi chỉ huy sở. Mặt trước bãi là sông Nghĩa Giang, một nhánh của sông Thiên Đức nhưng thuyền bè lớn không qua lại được vì đang mùa nước cạn, lòng sông hẹp. Hai cầu tre dài 20 trượng, rộng khoảng 5 thước bắc qua sông lấy lối đi lại.
Bên hữu chỉ huy sở có D Thiên Kim, bên tả có D Thần Vũ trấn ngay đầu hai cây cầu tre. Thần công 10 khẩu cùng 30 hoả pháo liên hoàn đặt ở mặt tiền chỉ huy sở do Trần Thái Bộc phụ trách.
D Tam Vạn và D Thiên Đức dàn quân trấn bên bờ đối diện chỉ huy sở. Toàn bộ 2000 quân đóng quanh chỉ huy sở Yên Bình đều có ngựa, trang bị hoả lực mạnh, đóng vai trò là quân dự bị cơ động tiếp ứng tiền tuyến.
Địa hình huyện Siêu Loại bằng phẳng, phía Bắc có sông Thiên Đức, mặt Đông có dòng Xích Giang chảy qua, đằng Nam là dòng Văn Giang uốn lượn còn mặt Tây ngăn cách với huyện Thừa Thiên bởi sông Dâu.
Bốn mặt là sông, thuỷ quân Thiên Đức chưa có lượng đủ đông, đủ mạnh lại phải đóng quân dàn trải nên Yết Kiêu phải bố trí 700 thuỷ quân trấn giữ ngã ba sông Dâu và Thiên Đức.
Đinh Công Tráng điều thuỷ binh thuộc Đại đoàn Thiên Đức về giữ ngã ba sông Dâu và Văn Giang. Tiểu đoàn thuỷ Kình Ngư rút từ Phượng Sơn về đóng ở bến Diên Ứng, đảm bảo đường lui cho chỉ huy sở hoặc tiếp ứng cho bọn Yết Kiêu ở đầu sông Dâu hoặc Đinh Công Tráng cuối sông Dâu.
Tiểu đoàn thuỷ quân Siêu Loại của Đinh Công Tráng có 500 binh sĩ với 20 Mông Đồng và 8 Xa Hải được trợ chiến bởi 2000 bộ binh địa đóng trên đất Thừa Thiên có trang bị 300 khẩu pháo bắn đá lớn nhỏ kèm theo 30 hoả pháo liên hoàn nên có thể coi là một điểm phòng ngự mạnh.
Nhiệm vụ của Yết Kiêu và Đinh Công Tráng là không được để thuỷ quân đối phương vào được sông Dâu hòng chia cắt huyện Siêu Loại với huyện Thừa Thiên.
Lực lượng nòng cốt trên tiền tuyến là Trung đoàn Thánh Dực với 2000 tay súng trong 4 tiểu đoàn: Toàn Thắng, Tất Thắng, Chiến Thắng, Đại Thắng. Binh sĩ E Thánh Dực đều được trang bị ngựa, đảm bảo tính cơ động khi tiến thoái.
Tiểu đoàn 341 trực thuộc E Thánh Dực có 700 binh sĩ do Dương Cát Lợi chỉ huy, được trang bị 40 thần công, 50 hoả pháo liên hoàn cùng hơn hai trăm khẩu pháo bắn đá các loại. Theo phiên hiệu trong quân Thiên Đức:
Số 3: Đại đoàn Thánh Dực. (1 là Thiên Đức, 2 là Thần Sách)
Số 4: Pháo binh (1 là bộ binh, 2 là kỵ binh và 3 là thuỷ binh)
Nếu biên chế thành 2 đến 3 tiểu đoàn trực thuộc chỉ cần đánh thêm một số phía sau. Bởi vậy Tiểu đoàn 341 có thể hiểu là Tiểu đoàn pháo binh số 1 của Đại đoàn Thánh Dực. Biên chế trong tiểu đoàn sẽ lần lượt là C1 - C2 - C3 rồi B1 - B2 - B3… rất dễ hiểu.
Tiểu đoàn tân binh TB31 có 1700 quân, phân nửa chưa từng xung trận, phân nửa còn lại là lính bộ binh trong quân Hải Đông trước đây hoặc là tù binh Tế Giang. TB31 đang trong quá trình tuyển chọn về phân về các đơn vị phù hợp. Trang bị trong quân TB31 chỉ có 300 hoả mai, còn lại là nỏ, đao kiếm, quả nổ, hoả hổ.
Lực lượng địa phương gồm có:
Tiểu đoàn bộ binh huyện Siêu Loại có 1600 bộ binh, chia làm 3 đội là Siêu Loại 1, 2, 3 và được trang bị 300 súng hoả mai, hoả hổ, hàng trăm khẩu pháo bắn đá các loại, vài trăm quả nổ cùng hàng nghìn quả nổ gắn vào tiễn.
Lực lượng dân binh huy động được 2100 người,
tổ chức thành 21 đội theo thứ tự từ DB 1 đến 21, nhiệm vụ là trợ chiến và quấy phá. Dân binh trang bị nỏ Liên Châu, hàng nghìn quả nổ nhỏ gắn vào tiễn, hơn ba trăm quả nổ lớn cùng vài trăm hoả hổ.
Bọn Nguyễn Địa Lô, Trương Tú, Hoàng Như Hổ và nhiều người khác được điều động từ trường quân sự đến nắm quyền chỉ huy trực tiếp các đội dân binh.
Nguyễn Địa Lô mừng rơn khi được giao 1 khẩu hoả mai cùng 20 viên đạn và 3 quả nổ. Trịnh Tú không hào hứng với hoả mai, anh chàng thích dùng đao đoạt mạng người khác. Trong khi Hoàng Như Hổ không tỏ ra quá khích hay thờ ơ, chỉ nâng niu khẩu súng vì đích thân Vạn Thắng vương trao cho từng người.
Ba người với ba tính cách khác nhau sẽ dùng v·ũ k·hí và chỉ huy dân binh khác nhau là lẽ tất nhiên.
Đại bản doanh E Thánh Dực đóng tại cánh đồng Thạch Kiều, cạnh làng Thạch Kiều. Trước mặt làng Thạnh Kiều có con sông nhỏ không tên, hai bờ um tùm lau lách. Kể từ khi E Thánh Dực đóng trại tại nơi này, binh sĩ phát quang bờ bãi, hai năm nay trồng rất nhiều mía ven con sông. Nhằm thuận tiện việc đi lại, quân sĩ Thánh Dực kết hợp với dân trong vùng, chủ yếu là dân thập phương, dựng hàng chục cầu tre lớn nhỏ bắc qua sông. Bởi vậy dân trong vùng gọi là sông Cầu Quân (cầu do quân sĩ làm). Sông Cầu Quân chỉ rộng 9 trượng, chỗ hẹp nhất 6 trượng. Mùa nước cạn có khúc sông gần trơ đáy, thảng hoặc chỉ có thuyền chài nhỏ của ngư dân đánh cá.
E Thánh Dực từng xin lệnh huy động quân dân nạo vét lòng sông nhưng Chương không đồng ý, giảng giải rõ lý do cho Bàn Phù Sếnh. Dựa trên địa thế, Chương đã xác định từ trước là chưa thể tập trung phát triển đường sá ở huyện Siêu Loại. Bách tính Siêu Loại là dân tứ xứ, trước đây Lý Lệnh công cũng không chú trọng là vì một khi giao tranh, vùng này sẽ bị chiếm đầu tiên.
Huyện Siêu Loại nhiều mương máng, sông ngòi lại bốn mặt giáp sông, Chương có muốn cũng không thể xây dựng tường thành vì đó chẳng khác nào dã tràng xe cát. Bởi thế, Chương đã từng nói rõ với Lê Văn Thịnh, trước mắt chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp ở Siêu Loại. Bởi thế Lê Văn Thịnh hiểu căn nguyên sâu xa vì sao Vạn Thắng vương có đủ tiềm lực mà chưa để tâm đến vùng đất này.
Sớm tinh mơ ngày 10 tháng 2, ánh lửa hiệu trên chòi gác tiền tiêu gần ngã ba sông Xích Giang - Thiên Đức xuất hiện cùng ba nhịp trống dài.
5000 thuỷ quân Tam Đái do đích thân Phan Văn Hầu đốc suất làm tiền quân hiện ra trong sương sớm. Hầu dẫn chiến thuyền chậm rãi men theo bờ tả ngạn sông Thiên Đức, tránh pháo từ bờ Siêu Loại bắn xuống.
Kế hoạch của Phan Văn Hầu là muốn thuỷ binh hợp với liên quân Vũ Ninh - Tam Đái, Hầu sẽ đánh vào trại thuỷ quân Long Vũ trước đây. Sau đó đổ quân, một nửa t·ấn c·ông làng Nhất Vạn, một nửa sẽ tiến vào đất của huyện Siêu Loại. Đóng trại gần Báo Ân Trùng Nghiêm tự, nơi bọn Hoàng Ngưu từng đánh Phạm Cự Lượng mấy năm trước.
D341 không khai hoả, mặc đoàn chiến thuyền 150 chiếc lớn nhỏ lũ lượt đi qua. Nhiệm vụ của D341 là dồn sức phối hợp với D Tất Thắng và D Chiến Thắng giáng đòn chí tử vào trung quân của đối phương ngay khi chúng đổ bộ.
Đại quân do Tô Trung Từ thống lĩnh thận trọng tiến sau tiền quân khoảng hơn nửa canh giờ. Theo tin tình báo thu thập từ nhiều nguồn, đại quân La thành sẽ đổ bộ ở khu vực làng Lở, xã Lê Xá, huyện Siêu Loại. Sở dĩ dân trong vùng gọi là làng Lở là bởi sông Thiên Đức quãng ấy gấp khúc, dòng chảy làm lở nhiều đất.
Bờ sông trước làng Lở thoai thoải, quang đãng, lại tương đối bằng phẳng, bên tả có doi đất nhô ra lòng sông thuận lợi cho chiến thuyền neo đậu.
Bên tay hữu của làng Lở có một gò cao tương đối, khô ráo, bằng phẳng, lau sậy mọc cao quá đầu người. Quân La thành tất nhiên lo quân Thiên Đức phục binh ở gò, dựa thế ỷ dốc đánh xuống bãi đổ bổ nên đã cho quân thám thính từ trước.
Dù thám báo khẳng định quân Thiên Đức không đặt phục binh nhưng Lý Mẫn, Đô thống Đại nguyên soái, theo lời khuyên của Tô Trung Từ cho đổ quân chếch về bên cánh tả của làng Lở, cách gò không tên khoảng 100 trượng.
Sự tình là quân thám thính do Tô Trung Từ cử đến làng Lở từ trước Tết, ăn dầm nằm dề, cày thuê cuốc mướn trong làng và quanh vùng chẳng ai quan tâm. Gần đến ngày Tô Trung Từ khởi sự, mấy quân thám thính lợi dụng đêm tối bung ra khỏi làng để xem xét tình hình lần cuối. Bọn họ vừa đặt chân ra khỏi cổng làng liền bị chụp bao cói lên đầu khiêng thẳng ra cánh đồng.
Phạm Bỉnh Di đã chờ sẵn, chẳng nói chẳng rằng kéo lưỡi một kẻ cắt phéng luôn. Xong xuôi Bỉnh Di lạnh giọng nói:
-Chúng mày là dân lành chứ gì? Vô tội hả? Không biết gì đúng không? Là do chúng tao bắt nhầm. Sao cũng được, chúng tao không thích làm đau kẻ khác. Thằng nào khai thành thật đã báo những tin gì về La thành, tao sẽ giữ cái lưỡi lại cho. Chúng mày ở đây bao lâu, làm gì, gặp ai chúng ta đều biết cả.
Trần Nhật Tôn đọc ra vài cái tên khiến quân thám thính dập đầu xin tha, khai sạch sẽ. Quân thám thính buộc phải báo tin giả về La thành. Quân của Bỉnh Di giả trang chèo đò ra sông lúc chập tối đưa tin cho một con thuyền chờ sẵn trên sông.
D341 đưa toàn bộ thần công lên gò không tên ngắm sẵn hướng Đông Bắc. D Tất Thắng, D Chiến Thắng cùng TB31, Siêu Loại 2 và 10 đội dân binh gấp gáp đào hào đặt chông tre, đắp ụ đất làm vị trí chiến đấu, tìm vị trí đặt các cụm pháo đá lớn nhỏ, chọn các dấu mốc… ngay trên cánh đồng làng Lở. Dân làng Lở được s·ơ t·án về hậu phương ngay trong đêm, chỉ nhờ hơn ba chục ông bà, trẻ nhỏ ở lại giả vờ chăn trâu cắt cỏ để quân Tô Trung Từ qua lại trên sông thấy yên lòng.
Làng Lở chỉ sau hai đêm biến thành làng chiến đấu. Nhiều bụi tre sau làng hướng ra cánh đồng mênh mông được chặt bỏ làm chông, đồng thời là đường rút lui. D Tất Thắng cùng B1 của TB31 và 5 đội dân binh tổng cộng 1500 quân ẩn nấp trong làng cùng hàng trăm khẩu pháo bắn đá canh sẵn vị trí bắn chỉ chờ hiệu lệnh.